Câu chuyện chiều thứ 7

Đừng ngại ngùng

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,695
  • Ngày đăng: 28/08/2021 15:09:33

ĐỪNG NGẠI NGÙNG

 

Đừng bao giờ do dự, cứ nên theo xúc động đầu tiên của lòng mà lại cứu giúp một người đau khổ...

 

 

Hồi đó tôi học tại một trường Trung học Vienne. Anh bạn giỏi nhất lớp là một học sinh mười sáu tuổi có thiên bẩm đặc biệt về mọi phương diện. Rất siêng năng, có cao vọng, rất có giáo dục, đẹp trai, thông minh xuất chúng; hết thảy chúng tôi đều công nhận rằng tiền đồ của anh rực rỡ. Vì vậy chúng tôi mượn tên nhà ngoại giao đại tài Metternich để đặt biệt hiệu cho anh. Có lẽ người ta có thể trách anh một điều là ăn bận bảnh bao quá lúc nào cũng rất tề chỉnh: quần luôn luôn có nếp mới ủi, cà vạt thắt rất có nghệ thuật.

 

Những ngày mưa, người tài xế của thân phụ anh lái một chiếc xe lộng lẫy đưa đón anh. Nhưng mặc dầu sống xa hoa như vậy, anh vẫn rất giản dị, nên chúng tôi đều quý mến anh.

 

Một buổi sáng, mọi người ngạc nhiên thấy chỗ ngồi của “Metternich” bỏ trống. Tới bữa trưa người ta mới cho hay tại sao. Thân phụ anh là một nhà lý tài ai cũng biết tiếng mới bị bắt đêm trước. Công việc làm ăn của ông là một vụ lường gạt đại qui mô. Chỉ hôm trước hôm sau mấy ngàn người nghèo khó cực khổ ki cóp trong bao lâu bỗng bị bóc lột hết ráo. Các báo hàng ngày luôn luôn ham bêu xấu thiên hạ, đăng những tít to tướng làm rùm beng vụ đó lên, in hình thủ phạm và cả hình gia đình thủ phạm nữa trong bài tường thuật.

 

Chúng tôi hiểu anh bạn đáng thương đó tại sao nghỉ học rồi. Nhục nhã quá, anh không dám nhìn mặt chúng tôi. Chỗ ngồi của “Metternich” bỏ trống hai tuần lễ, trong hai tuần đó báo chí vẫn tiếp tục rêu rao, bêu xấu.

Rồi tới tuần lễ thứ ba, một buổi sáng, cánh cửa mở ra và “Metternich” bước vô. Anh cúi đầu xuống, đi lại chỗ ngồi, mở sách ra và gục đầu đọc liền. Suốt hai giờ học anh không hề ngước mắt lên tới một lần.

 

Nghe tiếng kiểng, chúng tôi ào ào túa ra hành lang để nghỉ giải lao. “Metternich ” ra trước chúng tôi, quay lưng lại chúng tôi và đứng trước một cửa sổ, cô độc, bề ngoài có vẻ chăm chú ngó kẻ qua người lại ở ngoài đường. Chúng tôi biết rằng anh làm cái bộ dữ dằn, “nan du” như vậy chỉ để tránh cặp mắt của chúng tôi thôi. Anh đứng một mình trong cái xó của anh.

 

Chúng tôi bỗng nhiên mất vui, thấu nỗi cô độc ghê gớm của anh. Chúng tôi biết rõ rằng anh bạn đáng thương đó đương chờ một cử chỉ thân ái của chúng tôi. Nhưng chúng tôi rụt rè, ngại ngùng không tiến lại gần anh, không biết tỏ thiện cảm với anh cách nào để khỏi chạm lòng” tự trọng” của anh. Chúng tôi hèn nhát chần chừ hoài, không dám bước bước đầu.

 

Trong khi còn ngại ngùng do dự không biết nên có thái độ ra sao thì kiểng lại đánh, thế là hết giờ ra chơi. Nghe tiếng kiểng, “Metternich” quay phắt lại, chẳng nhìn chúng tôi, vội vã về lớp. Nhăn nhó, bực tức, môi nhợt nhạt, anh ngồi vào bàn rồi lại cúi gầm đầu vào cuốn sách.

 

Tan học buổi sáng, anh hấp tấp ra về liền. Chúng tôi cảm thấy khó chịu về sự nhút nhát của mình, cùng nhau tìm cách cứu vãn. Nhưng đã quá trễ. Cơ hội đã bỏ lỡ, không còn trở lại nữa. Sáng hôm sau chỗ ngồi của anh bạn chúng tôi lại bỏ trống. Chúng tôi kêu điện thoại về nhà anh thì hay rằng anh không có nhà. Tội nghiệp anh, ở trường về, anh thưa với má rằng anh bỏ học. Và ngay tối hôm đó anh rời kinh đô (tức Vienne), lại một thị trấn nhỏ, xin vô làm công trong một nhà bán thuốc. Từ đó chúng tôi không gặp lại anh nữa.

 

Nếu anh tiếp tục học thì chắc chắn anh em không ai theo kịp được anh. Hiển nhiên là tại chúng tôi ngần ngại, do dự, không biết ngỏ ít lời an ủi anh mà lúc đó anh rất cần, nên anh mới phá ngang làm hại tương lai của anh như vậy. Buổi sáng đó, chỉ cần một lời thiện cảm, một cử chỉ âu yếm thôi là anh đủ sức để vượt khỏi cảnh khốn khổ của anh. Mà chúng tôi không tỏ chút tình thân với anh, an ủi anh, không phải là tại chúng tôi thiếu hiểu biết, hoặc lãnh đạm, hoặc xấu bụng. Không! Chỉ tại chúng tôi thiếu can đảm. Rất nhiều khi chúng ta thiếu can đảm nên không tìm được lời thích hợp để nói đúng lúc. Đành rằng, lại hỏi chuyện một người lòng tự trọng đương bị thương tổn kịch liệt, là một việc khó khăn, tế nhị đấy. Nhưng kinh nghiệm lần đó đã cho tôi bài học là đừng bao giờ do dự, cứ nên theo xúc động đầu tiên của lòng mà lại cứu giúp một người đau khổ vì chính trong những lúc gian nan của người, một lời nói, một cử chỉ của ta mới có giá trị nhất.

 

Sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Phần thưởng trên Thiên Đường (06/04/2024 08:37:24 - Xem: 565)

“Người ta chăm chỉ làm việc để được phần thưởng đời này dù chỉ kéo dài có vài năm hơn là vì phần thưởng vĩnh viễn ở thiên đường”

Sống mùa Chay Ki Tô Giáo (15/03/2024 09:01:56 - Xem: 972)

Sống Mùa Chay Ki Tô Giáo cũng nên tập sống theo “ THẤT THÍ”:

Câu chuyện chiều thứ bảy: Lo Tết (03/02/2024 09:10:51 - Xem: 1,335)

Tết đến chỉ lo cho người khác, không có một phút nào lo cho mình. Quần áo cha mẹ sờn rách hết rồi. Mẹ cứ chần đi, vá lại mặc cho qua ngày.

Lá thư Giáng Sinh của Chúa Giêsu 2023 (22/12/2023 08:11:00 - Xem: 1,286)

Ta cảm ơn các con và ân sủng cùng phúc lành Giáng sinh của Ta luôn ở cùng các con.

Sức mạnh của sự khích lệ (08/12/2023 08:37:49 - Xem: 1,490)

Khích lệ con cái là điều mà những người cha, người mẹ cần phải thực hiện. Và những người con cũng cần lắm những lời nói và cử chỉ khích lệ trìu mến của cha mẹ mình.

Tình yêu và lòng hiếu thảo (10/11/2023 15:26:20 - Xem: 2,038)

Mỗi khi đi ra đường, bạn để lại điều gì? Hy vọng không phải là rác rưởi nhé!

Chiếc ổ khóa và chìa khóa (07/10/2023 08:01:19 - Xem: 2,220)

Mối tương quan giữa con người với nhau là mối quan hệ tình nghĩa sâu sắc, tin tưởng vào nhau, thì cuộc sống của chúng ta mới có sự tốt đẹp.

Hãy biết cám ơn cuộc đời (15/09/2023 09:57:27 - Xem: 2,476)

Có một thứ không thể cứu được: Đó chính là tuyệt vọng. Có một thứ không thể bội quên: Đó chính là cảm ơn.

Tỏa sáng ngọn nến hy vọng (01/09/2023 09:43:15 - Xem: 1,594)

Hy vọng là ánh sáng dẫn đường nhưng điều quan trọng là con người có đủ nghị lực để thực hiện những hành động cụ thể

Lời hứa của 1 vị hoàng đế với ông lão ăn xin (18/08/2023 07:36:37 - Xem: 2,099)

Phải chăng sự trông đợi của ta vào một ai đó, nếu không được đáp ứng, sẽ dễ dàng trở thành điểm yếu của chính ta.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7