Tác giả - Tác phẩm

Abraham, Cha chúng ta trong đức tin(bài 9)

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,196
  • Ngày đăng: 27/11/2021 15:45:52

ABRAHAM,

                   CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]

Carlo Maria Martini

 

    Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên chuyển ý

 

 

BÀI CHÍN (bài cuối)

Abraham được an ủi; Đức Kitô, Đấng ủi an [2]

 

Abraham đã trải qua nhiều thử thách trên hành trình đức tin. Thử thách nghiêm trọng nhất, có nguy cơ đánh mất đức tin, là lệnh truyền phải giết Isaac, người con trai duy nhất, làm của lễ hi sinh dâng lên Thiên Chúa. Nhờ vượt qua những thử thách đó, đức tin của ông ngày một vững mạnh hơn, sâu xa hơn. Cuối cùng, Abraham được an ủi bởi Đấng đã ban cho ông lời hứa. An ủi đó là những dấu chỉ dù rất nhỏ bé, đã đủ để ông tin và coi chúng là những dấu chỉ báo trước lời Thiên Chúa hứa với ông sẽ được thực hiện. Từ sự kiện Abraham được an ủi, chúng ta khám phá ra Đức Giêsu Kitô là Đấng Ủi An. Ngay trong lúc bị thử thách nghiệt ngã nhất, Ngài vẫn ủi an: khi vác thập giá, Ngài đã dừng lại an ủi các phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương Ngài; khi ở trên thập giá, Ngài đã an ủi Đức Mẹ và thánh Gioan bằng cách trao Đức Mẹ cho người tông đồ thân yêu nhất săn sóc; rồi ngay trước lúc tắt thở, Ngài đã an ủi người trộm lành bằng cách hứa ban Nước Thiên Đàng cho anh. Ngài còn là Đấng An Ủi đầy quyền năng sau khi phục sinh.

 

Xin Chúa cho chúng ta biết chạy đến với Ngài, Đấng nâng đỡ, ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan, thử thách.

 

Trong bài này, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm hai thực tại: 1/ Abraham mua một phần mộ ở Macpêla và 2/ Phần mộ của Đức Kitô ở Giêrusalem. Chúng ta xin Chúa ban ơn hiểu được sự an ủi mà Abraham nhận lãnh, để từ đó, chúng ta nắm bắt được quyền năng an ủi của Đức Kitô một cách sâu xa. Chúng ta sẽ suy gẫm về những điểm sau đây: 1. Đọc và tìm hiểu chương 23 sách Sáng thế và 2. Suy niệm về ý nghĩa của nó. Kế đó, chúng ta suy tư vắn tắt chương 24 của Tin mừng thánh Luca về việc Chúa Giêsu an ủi hai môn đệ Emmaus. 3. Sau cùng, chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa là nền tảng, là nguồn cội của cuộc đời Abraham và của cuộc đời mỗi người chúng ta.

 

1. Ngôi mộ của Abraham

Trước hết, chúng ta thấy Sáng thế tường thuật khá vắn tắt về cái chết của Abraham ở chương 25, 7-10: “Ông Áp-ra-ham sống thọ một trăm bảy mươi lăm tuổi rồi tắt thở. Ông qua đời khi đã cao niên, đã sống tuổi già hạnh phúc và được mãn nguyện; và ông được về sum họp với gia tiên. Các con ông I-xa-ác và Ít-ma-ên chôn cất ông trong hang Mác-pê-la, trong cánh đồng của ông Ép-rôn, con ông Xô-kha, người Khết, đối diện với Mam-rê. Đó là cánh đồng ông Áp-ra-ham đã tậu của con cái ông Khết. Ông Áp-ra-ham được chôn ở đó, cũng như bà Sa-ra, vợ ông”. Tuy nhiên, toàn bộ chương 23 lại dành để nói về việc mua ngôi mộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong chu kỳ Abraham của Sáng thế: ơn gọi, lời Thiên Chúa hứa, sự đáp trả, đức tin của Abraham là những đề tài quan trọng, còn việc mua ngôi mộ có gì đâu mà dành tới hẳn một chương? Chúng ta sẽ tìm hiểu chương 23 kỹ càng về cấu trúc và những phần khác nhau của nó; sau đó, chúng ta sẽ đưa ra một số suy tư.

 

Tại sao chương 23 lại chiếm một chỗ quan trọng trong Sáng thế? Tại sao người ta lại tường thuật cẩn thận và chi tiết việc mua ngôi mộ? Chúng ta biết Sara chết ở đất Canaan, đang khi Abraham đi chăn đoàn vật ở xa. Ông đã vội vã trở về làm đám tang cho Sara. Đối với Abraham và Sara, Canaan là vùng đất thuộc nước ngoài, không phải quê hương. Sara chết ở nước người, bà chưa được thấy Thiên Chúa thực hiện lời hứa. Để có chỗ chôn Sara, Abraham đã mặc cả mua một ngôi mộ. Cuộc mặc cả này chia làm 4 phần: 1. Nhu cầu; 2. Nài nỉ; 3. thảo luận về giá cả; và 4. kết thúc và ký giao kèo.

 

Nhu cầu

Bản văn kinh thánh cho biết, đang khi khóc thương Sara, Abraham đã đứng dậy. Ông có việc cần làm, cần giải quyết, không thể chỉ ngồi đó khóc thương. Ông nói với những người Hittites. Đây là tên gọi chung đối với dân cư địa phương nơi Abraham đang sống. Ông nói với toàn thể cộng đồng dân cư, gần cửa vào làng. “Ông đứng dậy, để người chết đó và nói với con cái ông Khết rằng: "Tôi là ngoại kiều và là người khách ở giữa các ông. Xin các ông nhượng cho tôi một miếng đất riêng làm phần mộ ở giữa các ông, để tôi đem người chết của tôi đi chôn." (St 23, 3-4). Một lời cầu xin khiêm tốn. Xin cho tôi một miếng đất để chôn người vợ yêu quí của tôi vừa qua đời. Có lẽ, cho đến lúc đó, Abraham vẫn sống đời du mục nhưng tương quan rất tốt với dân cư địa phương. Họ cho phép ông chăn nuôi đàn vật, và ông được họ kính trọng. Dù vậy, ông vẫn là ngoại kiều. Để có một miếng đất chôn cất người chết, ông phải được dân địa phương đồng ý. Họ cũng biết rằng khi Abraham mua được một miếng đất, ông sẽ là chủ sở hữu như họ và tình trạng pháp lý của ông sẽ thay đổi.

 

“Thưa ngài, xin nghe chúng tôi nói. Ngài là một vị đầu mục của Thiên Chúa ở giữa chúng tôi, xin cứ chôn người chết của ngài trong ngôi mộ tốt nhất của chúng tôi. Không ai trong chúng tôi sẽ từ chối không cho ngài chôn người chết của ngài trong mộ của chúng tôi đâu!" Họ gọi ông là ‘vị đầu mục của Thiên Chúa’ đầy sự kính trọng. Nó cũng có ý diễn tả, Abraham là người được Thiên Chúa ban cho lời hứa. Tuy nhiên, câu trả lời là một lời từ chối rõ ràng với sự kính trọng rất lịch sự. Câu trả lời đó có nghĩa là ông có thể chôn người chết của ông trong mọi ngôi mộ trống của chúng tôi; nhưng ông không thể sở hữu một ngôi mộ; chúng tôi yêu mến ông, nhưng ông là một vị khách, là người ngoại kiều ở đây thôi.

 

Nài nỉ

Abraham nài nỉ. Ông rất khiêm tốn: “Ông Áp-ra-ham đứng lên, sụp xuống lạy dân trong đất ấy, tức là con cái ông Khết, và nói với họ rằng: "Nếu quả thật các ông đồng ý cho tôi đem người chết của tôi đi chôn, thì xin nghe tôi nói và can thiệp với ông Ép-rôn, con ông Xô-kha cho tôi, để ông ấy nhượng cho tôi cái hang Mác-pê-la của ông, ở đầu cánh đồng của ông. Xin ông ấy nhượng lại cho tôi theo đúng giá, để tôi có một miếng đất riêng làm phần mộ ở giữa các ông." (c.7-9). Một người già cả như Abraham sụp lạy cư dân địa phương, cúi đầu sát đất, đó là một cử chỉ cực kỳ khiêm tốn. Mới đây, ông nói chung chung, bây giờ, ông nói rõ ràng, cụ thể hơn, ông muốn mua ngôi mộ nằm phía cuối cùng cánh đồng của ông Ep-rôn. Ông Êp-rôn trả lời thế nào? Bản văn cho biết: “Ông Ép-rôn, người Khết, bấy giờ đang ngồi giữa con cái ông Khết, trả lời cho ông Áp-ra-ham, có con cái ông Khết, tức là tất cả những người đến họp ở cửa thành ông ấy, đều nghe; ông nói: "Không, thưa ngài, xin nghe tôi nói: cánh đồng ấy, tôi xin tặng ngài; cái hang ở đó, tôi cũng xin tặng ngài. Trước mặt con cái dân tôi, tôi xin tặng ngài; ngài cứ chôn người chết của ngài.” (c.10-11). Abraham hiểu Êp-rôn muốn nói gì qua câu: dù ông ta rất muốn giữ phần đất ấy, nhưng sẵn sàng tặng cho Abraham vì tình nghĩa. Ông hiểu rằng con người đó muốn bán miếng đất ấy với giá cao. Phải mặc cả rõ ràng thôi.

 

Mặc cả

Abraham rất muốn mua miếng đất và cái hang. Rất mực khiêm tốn, “Ông Áp-ra-ham sụp xuống lạy dân trong đất ấy và nói với ông Ép-rôn, có dân trong xứ nghe thấy: "Xin ông vui lòng nghe tôi nói: tôi trả ông giá tiền cánh đồng, xin ông nhận lấy cho tôi, để tôi chôn người chết của tôi ở đó." Ông Ép-rôn trả lời ông Áp-ra-ham rằng: "Thưa ngài, xin nghe tôi nói: một thửa đất giá bốn ký bạc, giữa tôi và ngài có là gì đâu? Người chết của ngài, xin ngài cứ chôn!" (c. 12-15). Đây là một giá cao kỷ lục.

 

Ký kết giao kèo

Abraham làm gì trước một giá quá cao? Chắc chắn ông phải hi sinh một số bạc rất lớn. Nhưng dù sao, ông cũng đồng ý trả. Ông rất muốn làm chủ miếng đất đó dù nhỏ, ông không tranh cãi giá cả: “Ông Áp-ra-ham nghe ông Ép-rôn; ông Áp-ra-ham cân cho ông Ép-rôn số bạc mà con cái ông Khết đã nghe thấy ông này nói, là bốn ký bạc đang lưu hành trong giới con buôn. Thế là cánh đồng của ông Ép-rôn tại Mác-pê-la, đối diện với Mam-rê, cánh đồng và cái hang ở đó, mọi cây cối trong cánh đồng, đã trở thành sở hữu của ông Áp-ra-ham, có con cái ông Khết, tức là mọi kẻ đến họp ở cửa thành ông ấy, chứng kiến. Sau đó, ông Áp-ra-ham chôn bà Sa-ra, vợ ông, trong hang của cánh đồng Mác-pê-la, đối diện với Mam-rê, tức là Khép-rôn, tại đất Ca-na-an.” (c.16-19).

 

Giao kèo ký mua đất của Abraham được các nhà chú giải coi là một chứng nhận quyền sở hữu đất đai thực sự. Các câu 17-20 nêu rõ mọi chỉ dẫn của miếng đất nhỏ Abraham mua để chôn cất Sara. Như vậy, cuối cùng, Abraham cũng sở hữu một mảnh đất miền Canaan, dù rất nhỏ, chỉ dùng để chôn cất.

 

Gợi ý một vài suy tư sau:

- Suy nghĩ thứ nhất: Một mét vuông đất đã đủ đối với Abraham

Để được an ủi, Abraham chỉ cần một chút thôi. Ông chỉ có một người con duy nhất và từ người con đó, ông hi vọng sẽ có một dân tộc. Một người con là cái gì đó rất ít, nhất là theo tục lệ đông con thời đó. Một người con thì có nguy cơ mất đi vì bệnh tật, vì tai nạn. Nhưng Abraham coi người con duy nhất đó như dấu chỉ báo trước những ơn huệ Chúa sẽ ban dồi dào, dư dật. Ông tin tưởng điều đó đến nỗi sau khi cưới thêm một số nàng hầu, những người đó sinh cho ông con cái đông đúc (St 25, 1-4), ông vẫn đem những người con đó sang làm ăn ở phía Đông ngay khi còn sống, và mọi của cải tài sản của ông đều trao cho Isaac (c.5-6). Đối với Abraham, chỉ Isaac là đủ. Isaac là đưa con của lời hứa, cũng là đưa con của sự an ủi. Isaac là dấu chỉ, là bảo chứng và viễn ảnh về một dân tộc đông đảo mà Chúa hứa với Abraham. Cũng vậy, một mét vuông đất nhỏ bé là dấu chỉ và là vật bảo đảm của lời hứa: miền đất Canaan sẽ thuộc về ông. Thiên Chúa đã cho ông một mảnh đất nhỏ như dấu hiệu báo trước.

 

Trong Công vụ tông đồ, phó tế Stêphanô đã nói: “Thiên Chúa hiển vinh đã hiện ra với ông Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi ông còn đang ở miền Mê-xô-pô-ta-mi-a, trước khi ông đến ở Kha-ran. Người phán với ông: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng ngươi, và đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ông liền bỏ xứ người Can-đê mà đến ở Kha-ran. Sau khi thân phụ qua đời, Người bảo ông rời nơi ấy đến đất này, nơi anh em hiện đang ở. Người không ban cho ông sản nghiệp nào ở đất này, dù một tấc đất cũng không, nhưng hứa cho ông cũng như cho dòng dõi ông được chiếm hữu đất này, mặc dầu bấy giờ ông không có con” (Cv 7, 2-5). Abraham đã rảo qua khắp miền đất hứa, nhưng không một miếng đất nhỏ nào là của ông. Giờ đây, ông là chủ sở hữu một miếng đất, một hang động để chôn người vợ yêu quí. Miếng đất nhỏ được ông chiêm ngắm trước như là toàn miền đất hứa Chúa sẽ ban. Điều đó làm ông được an ủi rất nhiều. Do đó, đối với những ai tin, những ai đặt toàn bộ cuộc đời dựa vào Lời Chúa, thì dẫu chỉ là một dấu chỉ nhỏ nhoi, một bảo chứng không đáng gì trước mắt những kẻ không tin, đã đủ để những người tin đó được an ủi rất nhiều, vì đó là dấu chỉ, là bảo chứng của tình yêu Thiên Chúa.

 

- Suy nghĩ thứ hai: bảo chứng của Chúa Thánh Thần

Trong thư 2 Cr. 1, 20-22, thánh Phaolô nói cho chúng ta biết mọi lời Thiên Chúa hứa đều nằm trong tiếng “có” (vâng) của Đức Kitô: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa. Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng”. Bảo chứng của Thánh Thần là gì? Không có gì nhiều so với sự viên mãn chờ đợi chúng ta; tuy nhiên, đó đã là tất cả, đó đã là sở hữu có trước của lời hứa sẽ viên mãn vào thời sau hết. Thư Rôma 5,5 viết: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. Rm 8, 11[3]; Côlossê 1, 27[4] nói cùng một ý đó. Như vậy, chúng ta đã có tất cả ngay bây giờ, nhưng bề ngoài thì có vẻ rất ít. Dân ngoại nói: “Kitô hữu là ai? Họ vui hưởng cái gì? Họ có gì khác với chúng ta?” Bề ngoài, quả thật, chúng ta có rất ít, không có gì đáng kể trước mặt người đời, nhưng trong thực tế, đó lại là bảo chứng của lời hứa, của Thánh Thần, nên chúng ta đã có tất cả trong Đức Kitô và trong Thánh Thần.

 

Những dấu chỉ nhỏ bé làm bảo chứng cho lời hứa là những ân huệ, những cảm nghiệm Chúa ban trong đời sống thiêng liêng, tông đồ, mục vụ. Chúng có thể là những dấu chỉ cụ thể, bên ngoài, thấy được như kết quả của việc tông đồ, truyền giáo, ví dụ người tội lỗi ăn năn trở lại, người ngoại giáo yêu mến đạo và gia nhập đạo, v.v. Nhưng chúng cũng có thể là những dấu chỉ vô hình, bên trong, ví dụ một cảm nghiệm gặp gỡ Chúa cách sâu xa trong những lần cầu nguyện sốt sắng; hoặc ơn hoán cải thực sự được nhận biết là chỉ nhờ ơn Chúa, v.v.[5]

 

Bởi vậy, chúng ta tin rằng mình được nâng đỡ, an ủi, bởi những dấu chỉ, những bảo chứng, những viễn ảnh của lời hứa. Dĩ nhiên, chúng ta phải nhắm đến sự viên mãn của lời hứa, nhưng cũng phải biết vui mừng trong hiện tại với tất cả những dấu hiệu, giữa lòng cuộc sống đời thường, vì chúng bảo đảm với chúng ta rằng: Thần Khí Thiên Chúa đã được đổ tràn vào lòng chúng ta.

 

- Suy nghĩ thứ ba: được an táng với Đức Kitô

Dấu chỉ Thiên Chúa ban cho Abraham không chỉ là một miếng đất, nhưng còn là một ngôi mộ. Phần mộ của ông nằm trong miếng đất, dù nhỏ bé, đã là dấu chỉ cho lời hứa sẽ là thực tại trong tương lai.

Có một phần mộ, được an táng trong phần mộ như Abraham, như những người đã qua đời, mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự được an táng với Đức Kitô. Chính Ngài là nơi chốn, là đất hứa nơi chúng ta được an táng nhờ phép rửa tội, như thư Rôma 6,4 có nói: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”.

 

Ngôi mộ của Đức Kitô, được an táng trong Đức Kitô, tuy là dấu chỉ sự chết, nhưng từ đó, sẽ phát sinh sự sống. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa Cha, Đức Kitô đã phục sinh. Chúng ta cũng sẽ được phục sinh và được sống đời đời vì được mai táng với Người một cách mầu nhiệm trong bí tích Rửa tội, và sẽ được mai táng với Người trong cái chết thực sự khi từ giã đời này vĩnh viễn.

 

Từ dấu chỉ ngôi mộ, chúng ta có thể tiếp tục suy nghĩ về ngôi mộ của Đức Kitô, Đấng là Thầy của sự ủi an những ai đau khổ, muộn phiền.

 

2. Đức Kitô, Đấng Ủi An

Đức Kitô là Đấng Ủi An. Trong Luca chương 24, Chúa đã an ủi các môn đệ là chúng ta bằng những dấu chỉ: mộ trống, tảng đá lấp mộ được lăn sang một bên, thiên thần loan báo Chúa đã phục sinh. Nhưng Chúa không bằng lòng với những dấu chỉ an ủi mà thôi. Chúng không đủ sức bẻ gãy lòng cứng tin, sự sợ hãi của chúng ta. Chúng ta khác với Abraham. Ông tin vững mạnh, nên chỉ cần một dấu chỉ nhỏ thôi đã đủ cho ông. Bởi đó, Chúa Giêsu còn ủi an chúng ta bằng những cuộc gặp gỡ thân tình sau khi phục sinh. Chúa an ủi thế nào?

 

Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmaus cho chúng ta thấy điều đó. Hai ông buồn bã vì Thầy mình đã chết và được an táng trong mộ. Chúa Giêsu hiện đến. Ngài khởi đi từ những tin tức mà hai ông mới nghe và nỗi buồn của họ, rôi từ từ dẫn dắt họ hiểu lời Kinh thánh và biến cố thập giá cũng như cái chết của Ngài. Cuối cùng, Ngài tỏ lộ cho các ông thấy Ngài đã phục sinh khi bẻ bánh trao cho các ông.

 

Như vậy, Chúa Giêsu không sống cô độc, tự bản chất, Ngài là Đấng Ủi An. Ngài thích sống tập thể. Ngài đi tìm người khác. Ngài đến với hai môn đệ Emmaus, an ủi, khích lệ họ, khơi gợi nơi họ một nhiệt tình mới; rồi chính họ lại loan báo Tin Mừng phục sinh cho những người khác, khích lệ, an ủi những người khác. Khác với Chúa, Abraham là con người cô độc, không có khả năng an ủi ai. Ông chỉ tuân phục mệnh lệnh của Thiên Chúa trong niềm tin tưởng tuyệt đối.

 

Chúa Giêsu còn là người thành lập cộng đoàn. Trong khi Abraham chỉ trung thành với Lời Chúa, gìn giữ Lời đó trong tâm hồn ông, và thuyết phục những người trong gia đình tin tưởng vào Lời Chúa như ông, dù không mấy thành công: Sara đã cười khi nghe mình sẽ có thai, bà không tin. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài toả lan ra chung quanh sự an ủi, sự hiệp thông, sự tin tưởng. Ngài đã nhanh chóng biến đổi cộng đoàn các môn đệ âu sầu, chán nản, thành một cộng đoàn tràn ngập niềm vui và bình an. Và rồi, với sự hiện diện của Ngài và ơn Thánh Thần ban, cộng đoàn các môn đệ đón nhận Tin Mừng và ra đi loan báo Tin Mừng An Ủi cho mọi người.

 

Chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: đức tin đã là lớn lao, nhưng đức ái còn lớn lao hơn: Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13,13). Thực vậy, đức tin của Abraham thì vĩ đại, nhưng đức ái của Chúa Kitô còn vĩ đại hơn. Vì đức ái, Ngài đã thành lập cộng đoàn với những con người kém tin, chuyển thông cho họ lòng nhiệt thành, hăng hái và ý nghĩa trọn vẹn về Thiên Chúa.

 

Là mục tử, theo gương Đức Kitô, chúng ta cũng phải là những người biết an ủi. Sự an ủi của chúng ta phát xuất từ sự an ủi của Đức Kitô. Kinh nghiệm được Người an ủi sẽ giúp chúng ta an ủi người khác, làm cho họ vững tâm, tin tưởng và vui sống.

 

Do đó, sự an ủi của chúng ta không chỉ là sự chia sẻ, cảm thông của tình người, giữa người với người, mà phải là sự an ủi của chính Đức Kitô, vì có Chúa hiện diện và ban ơn trong đức tin, đức cậy và đức mến.

 

Để làm được điều đó, linh mục chúng ta phải là người luôn mở rộng tấm lòng như Đức Kitô, nhạy bén với những lo âu, đau khổ của tha nhân, sẵn sàng đi đến với họ để cảm thông, nâng đỡ và ủi an. Đồng thời, linh mục cũng phải là người có đời sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong cầu nguyện, chiêm niệm không ngừng.  

 

3. Nền tảng của toàn bộ cuộc đời Abraham.

Câu hỏi cuối cùng đặt ra ở đây là: nền tảng hay nguồn cội của toàn bộ cuộc đời Abraham là gì? Câu Sáng thế 12,1: “Thiên Chúa nói với Abraham” đáng cho chúng ta quan tâm. “Thiên Chúa nói”, nghĩa là chính Lời Chúa đánh dấu một khởi đầu mới, một sáng tạo mới trong cuộc đời Abraham. Lời đó phát xuất từ một Thiên Chúa quyền lực tối cao và vô cùng. Mọi quyền lực khác đều do Người thông ban. Chính Abraham đã tuyên xưng khi nói với vua Sôđôma, người muốn tặng của cải mình cho ông: “Tôi giơ tay lên trước Thiên Chúa, Đấng Tối Cao sáng tạo trời đất … ông không thể nói: ta đã làm cho Abram giầu có.”  (St 14, 22). Như vậy, Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất và tạo dựng con người là nền tảng, là nguồn cội của toàn bộ cuộc đời Abraham; không chỉ như vậy, mà Người còn là Thiên Chúa vinh quang, sáng tạo mọi sự và là nền tảng cho toàn bộ lịch sử loài người, lịch sử cứu độ

 

Rôma 4, 17 còn thiết lập mối tương quan giữa quyền năng phục sinh, và quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa: “Như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.” Đây là một Thiên Chúa sáng tạo làm cho cái không có được hiện hữu, và ban sự sống cho những kẻ đã chết. Chính Người là nền tảng, là nguồn cội cho hành trình đức tin của Abraham.

 

Tại sao chúng ta lại phải nhắm đến Thiên Chúa sáng tạo như nền tảng và nguồn cội cho toàn bộ cuộc đời Abraham? Vì Thiên Chúa không những sáng tạo trời đất, mà Người còn tạo dựng nên tôi. Người yêu thương tôi. Người gọi tôi là con trong Con của Người. Người ban cho tôi lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Người.

 

Chiêm ngắm lời hứa cứu độ đó của Thiên Chúa trong Đức Kitô giúp chúng ta hiểu được làm thế nào lịch sử Abraham cũng là lịch sử công trình của Thiên Chúa nơi tôi. Người cho tôi được nên đồng hình đồng dạng với Con của Người. Người là nguồn cội của con người tôi bây giờ.  Người ở nơi sâu thẳm trong tôi hơn chính tôi bây giờ. Người yêu thương tôi vô cùng nên tháp nhập tôi vào đời sống thần linh của Người trong Đức Kitô. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả những thực tại đó của lời hứa chỉ được nhận biết nhờ đức tin như Abraham xưa kia.

 

Về nguồn cội nội tại và nền tảng vừa nói trên, chúng ta có thể dựa vào câu nói của thánh Phaolô trong 1Cr.15, 28: “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự”, mọi loài.  Câu này muốn nói gì? Muốn nói rằng: “Và khi mọi sự đã phục quyền Ngài, thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” Đó là kết thúc của mọi sự, mọi loài: Mọi sự, mọi loài sẽ qui tụ một cách mầu nhiệm trong lòng Chúa Cha. Đây là lời mời gọi chúng ta coi mọi sự, mọi loài là ở trong Thiên Chúa và phát xuất từ Thiên Chúa.

 

Nhưng nhất là, chúng ta khám phá ra lời hứa được thực hiện nơi chúng ta nhờ Đức Kitô; lời hứa đó được ban cho chúng ta không phải từ khoảng cách xa xôi diệu vợi giữa Thiên Chúa vô biên và con người hữu hạn, nhưng như một thông hiệp khôn tả với chính Thiên Chúa của lời hứa, với một Thiên Chúa gần gũi và yêu thương chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Con Một của Người.

 

Hiểu như vậy, chúng ta sẽ nắm bắt được kinh nghiệm của Abraham, kinh nghiệm của Đức Kitô, nhờ đó, nắm bắt được kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa một cách sâu xa và chúng ta có thể chiêm ngắm Thiên Chúa trong tình yêu.

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Đâu là những dấu chỉ, những bảo chứng Chúa đã ban trong cuộc đời chúng ta, để chứng tỏ lời hứa của Ngài sẽ được thực hiện? (lời hứa ban sự sống đời đời, lời hứa hạnh phúc viên mãn, …)

 

2. Một mảnh đất nhỏ bé để chôn cất cũng đủ để Abraham tin, còn chúng ta thì sao? Chúng ta có khiêm tốn, tin tưởng nhận ra những dấu chỉ, những bảo chứng ấy, dù chúng xem ra nhỏ nhoi không? Chúng có nâng đỡ đức tin của chúng ta, có an ủi chúng ta trong những giờ phút thử thách, gian nan, chán nản, buồn sầu, thất vọng không?

 

3. Trong cuộc đời, chúng ta đã đón nhận ơn an ủi của Chúa Giêsu khi nào và cách nào? Và từ đó, như Đức Kitô, chúng ta có biết an ủi những ai buồn phiền, khóc lóc không? Chúng ta có là người làm lan toả sự hiệp thông, tình đoàn kết, để tạo lập một cộng đoàn yêu thương, nhiệt tình và vui mừng loan báo Tin Mừng không?

 

4. Nền tảng, nguồn cội của toàn bộ cuộc đời tôi là Thiên Chúa quyền năng, yêu thương mà tôi cảm nghiệm một cách sâu xa, hay là một nền tảng, nguồn cội khác, không phải Thiên Chúa? Tôi có thể nhận biết điều đó qua các ước muốn, hành động, lựa chọn của tôi trong đời sống hàng ngày.

 

CHỈ DẪN THỨ NĂM

Linh thao và đời sống hàng ngày

 

Một câu hỏi đặt ra: đâu là mối liên quan giữa Linh thao và đời sống hàng ngày?

Đâu là sự khác biệt giữa Linh thao – tức là sự hiệp thông sống động ngự trị trong thời gian linh thao: Thánh lễ, đời sống chung, một vài trao đổi cá nhân, v.v. – và đời sống cộng đoàn muốn tái tạo bầu khí Linh thao đó?

 

Hình như sai lầm khi chúng ta tưởng rằng bầu khí Linh thao có thể trở nên một mẫu gương và đem trồng vào đời sống hàng ngày. Chúng ta lấy làm lạ thấy rằng những con người đã cầu nguyện rất sốt sắng với nhau, bây giờ lại chia rẽ, có những ý nghĩ khác nhau, va chạm nhau trong đời sống hàng ngày. Thực ra sự chia rẽ là thường tinh. Chúng ta sẽ giải thích lý do tại sao.

 

Trong Linh thao, chúng ta tự do sống những giá trị siêu việt, những chọn lựa nền tảng tới mức độ các nhân đức đối thần; những trung gian ngắn hạn, chúng ta lập tức hướng về những thực tại tối hậu, những thực tại đó rất dễ đồng ý với nhau và cùng cảm nhận như nhau một cách mau chóng; một bầu khí cầu nguyện lâu, im lặng, yên tĩnh, tạo thuận lợi cho sự hợp nhất, hiệp thông về những giá trị tối hậu quan trọng xuất hiện.

 

Những giá trị tối hậu – những giá trị gián tiếp

Còn trong đời sống hàng ngày, những gì diễn ra là những lựa chọn trực tiếp, những trung gian dài hạn; mục đích siêu việt, chiến thắng của đức tin đem đến ơn Chúa chỉ có sau một chuỗi những trung gian đặc biệt, cụ thể, lệ thuộc những đặc thù không thuộc về qui luật của động lực đạo đức, nhưng thuộc về những qui luật của động lực bình thường trong những thực tại hàng ngày. Trong đời sống hàng ngày lãnh vực các nhân đức căn bản – khôn ngoan, sức mạnh, công bình, tiết độ - nổi trội hơn với tất cả những thái độ đi liền với chúng: thông tin, đối thoại, lịch sự, quản trị tốt, đúng giờ, trật tự, lô-gíc, hữu hiệu v.v.

 

Rõ ràng là chúng ta dễ hiệp thông với nhau hơn khi ở trên lãnh vực các nhân đức đối thần, không quan tâm đến những vấn đề thần học, nhưng quan tâm đến cầu nguyện, những giá trị nền tảng, những giá trị đụng chạm tới mầu nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta rất dễ xung đột trên bình diện những nguyên tắc lý trí, những vấn đề riêng biệt như: xung đột, hiểu lầm, dù là giữa những người thiện chí, có thể cầu nguyện với nhau và đồng ý với nhau về những chọn lựa siêu việt. Hiển nhiên điều đó là bình thường và nó là như thế; và chúng ta phải chấp nhận nó. Điều đó không có nghĩa là Linh thao không ích lợi gì, những đồng ý về các thực tại siêu việt không có thực; nhưng đúng hơn có nghĩa là chúng thuộc những lãnh vực phân biệt nhau.

 

Không thể ngoại suy và cho rằng sự hiệp thông tinh thần được thể hiện trên lãnh vực đức tin, đức cậy, đức mến có thể giải quyết các vấn đề chia rẽ chúng ta. Điều đó xảy ra vì cách hành động và giải quyết khác nhau về nhiều vấn đề, theo những suy luận, lượng định, những tiêu chuẩn, qua đó những sự việc được thực hiện, những vấn đề được giải quyết. Cái mà chúng ta gọi là hiểu lầm, bất đồng trong cộng đoàn, những cái nhìn khác nhau và những căng thẳng nảy sinh từ đó là nỗi khổ hàng ngày của đời sống chung và chúng ta phải chấp nhận điều đó thôi. Đừng bao giờ tưởng rằng loại bỏ tất cả những nguyên do đó thì đời sống cộng đoàn sẽ tốt đẹp bởi vì không thể có điều đó. Chính sự tha thứ cho những hiểu lầm, những sai lỗi, những lỏng lẻo là điều cần thiết và phải luôn sẵn sàng; chính đối thoại khiêm tốn và cởi mở trước những cách thế hành động khác nhau làm nên cộng đoàn; cả những khủng hoảng của cộng đoàn cũng phải góp phần vào việc phát triển nó. Đừng lẫn lộn hai trật tự của thực tại; giữa một bên là sự đồng ý về những chân lý cao siêu không loại bỏ những xung đột, không cản trở chúng ta bước trên đôi chân trần gian của mình. Không thể sống chung với nhau mà điều đó (những xung đột) lại không đôi khi xảy ra. Phải chấp nhận điều đó, đó là một trong nhiều mặt của đời sống cộng đoàn.

 

Một ví dụ soi sáng

Điều cha Godin nói về những cộng đoàn đoàn sủng rất đáng lưu ý. Cha có hai nhận xét sau: một mặt, sự đồng tâm nhất trí rõ rệt trong niềm hân hoan không ngừng được cất lên, mặt khác là sự đối lập mạnh mẽ. Đáng lẽ những đối lập mạnh mẽ đó không thể hiện hữu trong các cộng đoàn đoàn sủng mới đúng vì những cộng đoàn này được nhìn nhận là những cộng đoàn yêu thương thắm thiết, niềm vui và hân hoan luôn được ca lên mỗi ngày, v.v. Nhưng theo cha Godin, tất cả những xung đột, bất đồng đó đôi khi âm thầm diễn ra trong cộng đoàn và đến một lúc nào đó, chúng sẽ bùng nổ; nếu không mới là lạ. Một số cộng đoàn đoàn sủng trở thành gương mù; nhưng làm thế nào điều đó xảy đến được? Vì đó là những cộng đoàn nói rất nhiều về yêu thương, về tình huynh đệ, rồi lại bị chia rẽ về chính điểm họ tự nhận là được đặc ân đó, về sự hướng dẫn nhóm này hay nhóm kia, để biết ai có quyền đó, v.v.

 

Những điều đó sẽ xảy đến. Chính do sự lẫn lộn hai trật tự thực tại trên đưa đến gương mù. Và chúng ta phải nói rằng vì lý do đó, rất cần nhấn mạnh trên hai trật tự: trật tự chân lý siêu việt và trật tự hành động, thực hành; cả hai hỗ trợ nhau và tác động lẫn nhau. Rõ ràng là trật tự Linh thao tập trung trên lời Thiên Chúa hứa và đức tin, làm lan toả niềm vui, bình an và những suy tư cho đời sống hàng ngày, đồng thời cũng hướng tới việc đặt các xung đột trên bình diện lý trí, đối thoại và khôn ngoan, khiêm tốn và hoà hợp của thực tại cụ thể; nếu không, đời sống hàng ngày sẽ là một gánh nặng không thể vác nổi. Mặt khác, lãnh vực thực tế cuộc sống giúp Linh thao tránh, không trở thành lời rỗng tuếch, không thực sự nhập thể vào cuộc sống, chỉ là ánh sáng không sức nóng; lời bất động không tác động. Do đó, xung đột của đời sống hàng ngày với những giới hạn, những ty tiện, những tầm thường của chúng ta trở thành cần thiết để lời chiêm niệm trong Linh thao thực sự được sống trong xác thịt. Vì thế, không có cách nào khác để sống Lời đó ngoài đời sống thực tế mỗi ngày. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra hai kết luận sau:

 

1. Chúng ta đừng ảo tưởng; vì đời sống hàng ngày thì khó khăn và sẽ luôn như vậy; đó là một cối xay tàn nhẫn nghiền nát rất nhiều ý tưởng tốt và những quyết tâm mạnh mẽ.

 

2. Nhưng đánh mất mọi hi vọng là một sai lầm. Vì đức tin sẽ thắng thế gian và hạt giống Lời Chúa được tán, được nghiền sẽ mang lại hoa trái. Chính sự nghiền nát, sự xay xát mà hạt giống Lời Chúa chịu đựng trong đời sống hàng ngày nhờ những kinh nghiệm nhỏ bé về những khó khăn, những hiểu lầm, về tất cả những gì không thuận lợi, những vấn đề không có cách giải quyết, về thất vọng, v.v. làm chúng ta khắc khoải, lo âu; tất cả những điều đó làm cho hạt giống Lời Chúa nhập thể trong thực tại cuộc sống mỗi ngày và giúp chúng ta trải nghiệm sức mạnh và quyền năng của Lời Chúa.

 

Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người có thể thực sự sống và cảm nghiệm quyền năng của Lời Chúa ngay trong cuộc sống hàng ngày.

 


[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

[2] Sách đã dẫn, trang 176-190

[3] “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” 

[4]Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại : đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.”

[5] Dấu chỉ còn là những con người đặc biệt như Mẹ Têrêxa Calcutta, như những nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết, không ngại gian khổ, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống; như những giáo dân nhiệt thành, cộng tác tích cực vào việc tông đồ của giáo xứ, v.v. Dấu chỉ đó còn là những người chết trong một đức tin vững mạnh, luôn tin tưởng phó thác vào Chúa cách trọn vẹn, và ra đi trong bình an.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (24/04/2024 22:17:35 - Xem: 30)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 404)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 647)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 522)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 657)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 757)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,007)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,367)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,050)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,726)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7