Tác giả - Tác phẩm

Đời Tông đồ: Những nguy cơ và gương sáng(bài 3)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,939
  • Ngày đăng: 14/12/2022 16:21:21

ĐỜI TÔNG ĐỒ:

NHỮNG NGUY CƠ VÀ GƯƠNG SÁNG

 

Giới thiệu:

Bốn bài suy niệm sau đây mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống linh mục với những nguy cơ suy đồi có thể xảy đến để đề phòng. Các bài này cũng giúp chúng ta suy gẫm về lời khuyên các kỳ mục của thánh Phêrô và về đời sống tông đồ dấn thân quên mình của thánh Phaolô, để chúng ta ngày một tiến xa hơn trên con đường tông đồ phục vụ và trong đời sống thiêng liêng[1].

Tuy chủ đề dành đặc biệt cho các linh mục, nhưng cũng thích hợp với mọi người, dù là tu sĩ hay giáo dân, vì tất cả chúng ta đều là những người đang thi hành sứ vụ tông đồ trong ơn gọi riêng của mình.

 

                                  Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 3

KHUÔN MẶT NGƯỜI MỤC TỬ ĐÍCH THỰC

THEO THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

 

“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1 Phêrô 5,1-4).

 

Thánh Phêrô đưa ra 3 lời khuyên cho các bậc kỳ mục coi sóc các cộng đoàn kitô hữu thuộc tỉnh Asia: chăn dắt đoàn chiên được trao phó 1/hoàn toàn tự nguyện; 2/ không vì lợi lộc thấp hèn; nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ và 3/ không lấy quyền mà thống trị, nhưng nêu gương sáng cho đoàn chiên. Chúng ta cùng suy nghĩ về 3 lời khuyên này.

 

I. Tinh thần tự nguyện[2]

“Lo lắng cho đoàn chiên không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn”. Đó là lời thánh Phêrô khuyên nhủ các kỳ mục thời đó, tức các linh mục ngày nay. Tinh thần tự nguyện là gì?

 

1. Tự nguyện là chọn lựa trong tự do và niềm vui.

Chính tôi muốn làm linh mục. Niềm vui của tôi là công việc tông đồ phục vụ của một linh mục. Sâu xa hơn, tôi phục vụ vì lòng yêu mến, trong tự do hoàn toàn. Đó là tính chất của người tông đồ linh mục: làm mọi sự vì tự nguyện, vì sẵn lòng, chứ không bị miễn cưỡng. Người tông đồ linh mục thi hành tác vụ linh mục cách sẵn lòng sẽ toả sáng niềm vui, toả sáng lòng yêu thương trong công việc tông đồ dù gặp muôn vàn những khó khăn, thử thách, đau khổ.

 

2. Tự nguyện là phục vụ nhiệt tình, dấn thân trọn vẹn.

Thánh Phaolô tông đồ dạy: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12, 6-8).

 

Người tông đồ làm việc phục vụ không vì lợi lộc vật chất, không mệt mỏi chán nản như bị bắt buộc; trái lại, luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ quên mình, không nề hà thời giờ, sức lực, tiền bạc. Nếu chỉ làm việc phục vụ vừa đúng bổn phận, tuy không ai trách móc được điều gì, nhưng người như vậy sẽ không sống đời tông đồ viên mãn, trọn vẹn được.

 

3. Tự nguyện là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô nói: “Hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Galát 5, 22-23).

 

Người tông đồ tự nguyện chắc chắn sẽ luôn bình an, vui tươi, nhân hậu, trung tín, hiền hoà, như thánh Phaolô nói trên. Vì sao? Thưa vì tinh thần tự nguyện của người tông đồ là hoa trái phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Người tông đồ làm việc phục vụ miễn cưỡng sẽ không có niềm vui, không bao giờ được bình an, dễ nóng giận, gay gắt, nạt nộ, trả thù, nhỏ mọn.

 

* Suy nghĩ

1. Tôi sống và thi hành tác vụ linh mục tông đồ phục vụ thế nào? Cử hành các bí tích, nhất là dâng thánh lễ, ngồi toà giải tội ra sao? Miễn cưỡng hay tự nguyện trong niềm vui?

 

2. Đối với giáo dân trong giáo xứ, tôi cư xử thế nào? Có yêu thương, quan tâm đến giáo dân, nhất là đối với những người chống đối, khô khan, lạc đạo, nghèo khổ, bệnh tật, như Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành không?

 

3. Tôi có nhớ tác vụ linh mục và công việc tông đồ phục vụ của tôi được Chúa trao phó không? Tôi có coi tác nhân chính cho mọi hoạt động tông đồ phục vụ của tôi là Thiên Chúa không? Hay tôi coi đó là của riêng mình? Đâu là những dấu chỉ cho biết tôi coi Chúa là tác nhân chính hoặc ngược lại?

 

II. Không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.

Để hiểu rõ lời khuyên thứ hai của thánh Phêrô, chúng ta hãy nhìn vào đời sống tông đồ của thánh Phaolô, hầu khám phá quan niệm và cách sống của ngài về của cải vật chất[3].

 

“Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Nói thế rồi, ông Phao-lô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu” (Cv 20, 32-38).

 

Sống nghèo khó theo tinh thần phúc âm của thánh Phaolô:

Thánh Phaolô tỏ lộ với các kỳ mục Êphêsô ở Milêtô: "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham”. Ngài muốn nói mình không tìm kiếm lợi lộc vật chất nào khi thi hành sứ vụ tông đồ. Ngài cũng cho biết: “những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp”. Ngài tự kiếm sống cho mình và những người cộng tác với ngài, chứ không muốn làm phiền đến ngân quỹ ít ỏi của cộng đoàn Êphêsô còn non trẻ về đức tin. Thánh nhân còn nhấn mạnh: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Trước hết, những người đau yếu đây được hiểu là những người nghèo. Ngài không những dệt vải lều để nuôi mình, các người đi theo, mà còn giúp đỡ những người nghèo trong cộng đoàn. Những người đau yếu đây cũng có thể được hiểu là những người có đức tin non yếu trong cộng đoàn Êphêsô. Đây là những người rất để ý đến vấn đề tiền bạc của tông đồ Phaolô và các cộng sự. Rất có thể trước đây, khi còn là người ngoại giáo, họ thường lui tới các đền thờ mà ở đó, các tư tế ngoại giáo buôn thần bán thánh gây gương mù cho họ. Thánh Phaolô làm việc để chứng tỏ lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng của ngài không nhắm mục đích là kiếm tiền, hay lợi lộc vật chất. Có thể nói, thánh Phaolô thực sự sống sự khó nghèo Phúc Âm của người tông đồ. Còn linh mục chúng ta thì sao?

 

* Suy nghĩ

1. Khó nghèo tiền bạc vật chất

Chúng ta đều trải qua kinh nghiệm không nhiều thì ít về tiền bạc. Những ngày đầu của đời linh mục, rất dễ sống khó nghèo vì lúc ấy, nhiệt tình của chúng ta còn mạnh mẽ và nhu cầu vật chất còn đơn giản. Nhưng rồi thời gian trôi qua, những nhu cầu trực tiếp hay gián tiếp, cần thiết hoặc cho là cần thiết phát sinh làm chúng ta thấy cần phải tích trữ tiền bạc, và thường khi đã bắt đầu, chúng ta sẽ có khuynh hướng tích trữ quá mức, vì chúng ta nghĩ để đáp ứng những nhu cầu trước mắt và nhất là tương lai thì tiền bạc bao nhiêu cũng không thừa. Dần dà, tính bất vụ lợi yếu đí, sự tin tưởng và niềm vui sống cho lý tưởng linh mục suy giảm, nhất là với thời gian, tuổi tác, sức khoẻ từ từ giảm sút, bệnh tật đến gần. Lúc ấy, sống từ bỏ, vô vị lợi vì lý tưởng tông đồ đòi một cố gắng và can đảm phi thường, và là một nhân đức không còn dễ thi hành nữa.

 

2. Khó nghèo tinh thần

Người tông đồ, linh mục, không chỉ sống sự khó nghèo Phúc Âm về tiền bạc, vật chất, mà còn tinh thần nữa. Khó nghèo tinh thần liên quan đến con tim, đến tấm lòng. Theo thánh Phaolô, khó nghèo tinh thần là trở nên người ‘nô lệ’ của Đức Kitô. Yêu thương đoàn chiên như Đức Kitô, với tình yêu của Đức Kitô, nghĩa là yêu thương đoàn chiên hoàn toàn vô vị lợi, đến sẵn sàng hi sinh mọi sự, kể cả mạng sống. Yêu thương để dẫn đoàn chiên về với Đức Kitô, chứ không phải về với bản thân linh mục. Linh mục chúng ta rất thường bị cám dỗ dùng sức mạnh tinh thần, kể cả sức mạnh của tình yêu, nhưng đây là tình yêu vị kỷ, để chiếm hữu đoàn chiên cho mình, thay vì đưa họ về với Chúa. Điều đáng quan ngại là nhiều khi sự chiếm hữu làm của riêng ấy lại khoác một bộ mặt đạo đức giả hình tinh tế, một dấn thân tích cực bề ngoài ít ai khám phá ra.

 

Một trong những khía cạnh của khó nghèo tinh thần mà chúng ta cần cảnh giác đó là ước muốn hay khao khát muốn thống trị, chiếm hữu người khác về tinh thần (la libido dominandi spirituelle). Ước muốn thống trị người khác khiến chúng ta muốn chiếm hữu họ để lấp đầy một trống vắng nào đó nơi ta, có thể đó là trống vắng tình cảm riêng tư chẳng hạn. Khởi đầu, thái độ này dễ sửa, nhưng khi đã thành thói quen, tập quán bám rễ sâu và che dấu bằng những biểu lộ bên ngoài tinh tế, khéo léo, thì hầu như vô phương thay đổi. Lúc ấy, ước muốn thống trị về tinh thần sẽ biểu ít là ở 2 phương diện sau:

- Những người chúng ta thống trị và chiếm hữu sẽ là của riêng, ta sử dụng họ theo những dự tính, ý đồ riêng của ta, thường có tính vị kỷ, phe nhóm đóng kín hơn là cởi mở đón nhận mọi người để phục vụ.

-Những người chúng ta thống trị và chiếm hữu có thể bị xúc phạm và tổn hại nghiêm trong cả về tinh thần lẫn thể lý. Ta sử dụng họ để thoả mãn nhu cầu, hoặc đam mê cá nhân của ta. Khi đó, hình ảnh linh mục sẽ méo mó, biến dạng thê thảm.

Chúng ta hãy tự hỏi: tôi đã thực hành sự nghèo khó Phúc Âm về vật chất và tinh thần thế nào?

Xin Chúa là Đấng đã đến trần gian sống khó nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất ban ơn trợ giúp chúng ta biết luôn sám hối và canh tân, hầu trở nên những linh mục tông đồ dấn thân phục vụ đoàn chiên không vì ham hố lợi lộc vật chất thấp hèn, nhưng hoàn toàn vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.

 

III. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.

Về lời khuyên thứ ba, xin mỗi người chúng ta hãy tự suy nghĩ và xét mình lại: đâu là những biểu hiện nơi chúng ta về thái độ dùng quyền thống trị đoàn chiên? Đâu là những gương sáng chúng ta đã nêu cho đoàn chiên noi theo? Xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, ban sức mạnh để chúng ta nhận ra con người mục tử của chính mình và quyết tâm đổi mới.

 


[1] Những bài suy niệm này dựa trên các bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini.

[2] Theo ĐHY Martini, “Apôtre, projet de vie ou mandat?”, trang 72-78

[3] ĐHY Martini, “Prêtres quelques années après”, trang 150-153.

Bài cùng chuyên mục:

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 471)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 401)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 550)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 653)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 907)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,298)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 984)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,651)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,759)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 3) (19/05/2023 05:51:54 - Xem: 2,024)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới