Tác giả - Tác phẩm

Đời tông đồ: Những thách đố và thái độ (bài 2)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,428
  • Ngày đăng: 21/09/2022 15:06:33

ĐỜI TÔNG ĐỒ:

NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ THÁI ĐỘ

 

Giới thiệu:

Chủ đề “Đời tông đồ, những thách đố và thái độ” gồm 4 bài suy niệm về những thách đố cho người tông đồ trong hoàn cảnh xã hội hiện nay và những thái độ cần có để có thể vượt qua những thách đố đó. Tuy chủ đề dành đặc biệt cho các linh mục, nhưng cũng thích hợp với mọi người, dù là tu sĩ hay giáo dân, vì tất cả chúng ta đều là những người đang thi hành sứ vụ tông đồ trong ơn gọi riêng của mình.

Hi vọng những bài suy niệm này sẽ giúp chúng ta ngày một tiến xa hơn trên con đường nội tâm thiêng liêng và thi hành sứ vụ tông đồ.

 

                                           Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 2

TINH THẦN VÀ THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

TRONG HOÀN CẢNH XÃ HỘI HIỆN TẠI

2 Tm 1, 6-12

 

Thửa đất hạt giống Lời Chúa được gieo là hoàn cảnh xã hội nhiều thách đố, khó khăn mà chúng ta đề cập đến trong bài trước. Trước những khó khăn, thách đố đó, người tông đồ có thái độ nào? Đây là cơ hội thuận lợi hay bất lợi? Điều cần là người tông đồ đừng bao giờ có thái độ than van, phiền muộn, cho rằng mình đã sinh ra làm tông đồ vào thời buổi có quá nhiều trở ngại. Tốt hơn hết, hãy coi những thách đố, khó khăn là cơ hội thuận lợi cho mình. Vậy, trong hoàn cảnh xã hội và tôn giáo như vậy, người tông đồ phải có tinh thần và thái độ ra sao?

 

1. Ý thức mình được Chúa mời gọi

Yếu tố thứ nhất trợ giúp tôi rất nhiều, đó là tôi ý thức mình được Chúa kêu gọi làm Linh mục, và tôi đã đáp lại lời mời gọi ấy trong tự do. Tôi biết đó là ơn gọi, và hiểu rằng đó là ơn nhưng không Chúa ban, chứ không do tôi đạt được nhờ khả năng của mình. Chính Chúa mời gọi tôi và trao cho tôi sứ vụ Linh mục, nên chính Ngài chịu trách nhiệm về tất cả những gì tôi làm.

 

Ý thức ơn gọi là công trình của Chúa, không phải là công trình của tôi. Điều đó làm tâm hồn tôi mở ra với Chúa và tôi cảm thấy thanh thản, bình an. Tôi nói với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa mời gọi con cộng tác vào công trình cứu chuộc của Chúa. Con cố gắng hết sức để hoàn thành trách nhiệm. Tuy nhiên, con biết rằng đó là việc của Chúa, không phải việc của con. Xin Chúa nâng đỡ, hứơng dẫn con”.

 

Ý thức mình được Chúa gọi làm tông đồ và mọi việc mình làm là công trình của Chúa, chứ không phải của loài người là nguồn cội bình an. Ngược lại, sẽ là một áp lực tạo nên áp lực nặng nề. Nếu biết ơn gọi đến từ Chúa, công cuộc tông đồ là công trình của Chúa, thì khi sự việc xảy ra không đúng ý, không tốt đẹp, thậm chí thất bại đi nữa, chúng ta vẫn thấy được an ủi vì không phải lỗi của chúng ta. Hiểu điều đó, tâm hồn chúng ta sẽ luôn thanh thản, bình an và vui tươi.

 

Tự vấn: Tôi có bao giờ nghĩ mọi việc tôi làm, mọi công trình tôi thực hiện, mọi thành công trong sứ vụ tông đồ của tôi, là việc của Chúa chứ không phải của tôi không? Dấu chỉ chứng minh mọi công việc tông đồ tôi làm là của Chúa là những dấu chỉ nào?

 

2. Ý thức mình hữu hạn

Thứ hai, cần không ngừng nói với chính mình: tôi là con người có giới hạn. Tôi không có khả năng làm hết mọi sự. Tôi luôn đụng chạm đến những bức tường giới hạn bao bọc quanh tôi. Vì thế, tôi thấy mình rất cần ơn Chúa. Ai biết những giới hạn của mình và chấp nhận chúng, người đó sẽ được bình an và thanh thản. Bình an và thanh thản ở đây khác hẳn với vẻ thanh thản và bình an bề ngoài của những kẻ lười biếng. Người biết giới hạn còn cảm thấy niềm vui khi thú nhận mình không thể làm tất cả mọi sự được. Con người chúng ta sẽ rất bất hạnh khi tưởng rằng mình có thể và phải làm tất cả. Người như thế sẽ đảm nhận một siêu trách nhiệm không ai có thể chịu đựng nổi. Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn ý thức và chấp nhận những giới hạn của mình.

 

Đức Hồng Y Martini kể lại, có người hỏi ngài: Thưa ĐHY, ngài có ý định thực hiện điều gì trong suốt đời Giám mục, Hồng Y của ngài không? Tôi trả lời: tôi nghĩ mình sẽ không làm điều gì đặc biệt vì tôi chỉ là một trong vô số Giám mục kế tiếp nhau. Tôi không lo lắng về những gì các vị tiền nhiệm đã thực hiện - Chắc chắn các ngài đã làm tốt - và nếu người ta yêu cầu tôi quan tâm đến tất cả những gì xảy đến trong tương lai, tôi sẽ trả lời: Chúa chỉ đòi hỏi tôi một điều thôi, hãy lo lắng cho 10, 20, 30 năm Giám mục của mình; sau đó, tôi biết mình sẽ an nghỉ trong Chúa! Nếu không nghĩ và hành động như vậy, chúng ta hoặc sẽ luôn lo lắng, căng thẳng, hoặc hành động quá cuồng nhiệt và hậu quả là không bao giờ tìm được sự bình an.

 

Biết giới hạn của mình không có nghĩa là lười biếng. Khi đến một độ tuổi nào đó, hoặc khi gặp phải thất bại, nản chí, chúng ta thường không muốn làm việc nữa. Lúc đó, chúng ta biếng nhác, tìm sự an thân, chỉ làm thật vừa đủ bổn phận phải làm thôi. Nhiều khi chúng ta viện cớ mình không có khả năng, hoặc khả năng rất giới hạn. Người biết và chấp nhận giới hạn đích thực thì khác. Họ nỗ lực làm tròn trách nhiệm được trao, nhưng không có tham vọng làm được tất cả, không bao biện, không cho rằng mình sẽ hoàn thành tất cả những gì trong quá khứ còn để lại đó hoặc dự kiến, chuẩn bị tất cả những gì cho tương lai.

 

Người biết giới hạn của mình còn là người nhận biết sức mạnh của ơn Chúa. Những gì mình không làm được Chúa sẽ làm thay một cách khác. Do đó, người tin vào ơn Chúa sẽ luôn cảm thấy bình an và không bao giờ thất vọng.

 

Tự vấn: Tôi có ý thức mình hữu hạn không? Tôi có cho rằng mình có khả năng làm tất cả mọi sự không? Tôi có lấy cớ mình hữu hạn, thiếu khả năng để tránh né việc phải làm và biện hộ cho tính lười biếng không?

 

3. Ý thức mình là tội nhân

Là kitô hữu, nhất là linh mục, tôi cần ý thức mình là tội nhân một cách thanh thản và an bình. Tôi không biết mình sẽ sống thế nào nếu không ý thức mình đã được tha thứ. Nếu tôi làm chủ chính mình, nếu tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước bản thân tôi thôi, mà không cần Thiên Chúa tha thứ, tôi không biết mình sẽ ra sao.

 

Không nhận biết mình cần được tha thứ chắc chắn sẽ đưa đến chán nản và giả hình. Chán nản vì tôi muốn làm mọi sự tôi phải làm, nhưng không bao giờ làm trọn được vì những thiếu sót và lỗi lầm của tôi. Giả hình vì không thể làm được tất cả những gì phải làm, nên tôi sẽ tìm cách che dấu và hành động che dấu đó tạo ra khoảng cách giữa cái thấy được và cái không thấy, giữa bên trong và bên ngoài, giữa nói và làm.

 

Ơn tha thứ rất cần cho đời sống tông đồ. Xã hội chúng ta là một xã hội không biết tha thứ. Khi không biết tha thứ, người ta dễ cứng lòng và giả hình. Xã hội chúng ta thường lên tiếng bênh vực các nạn nhân (bạo lực, tình dục chẳng hạn) và đòi kẻ phạm tội phải bị trừng trị đích đáng. Điều đó không có gì sai trái. Tuy nhiên, chính kẻ phạm tội cũng rất cần lòng thương xót và thứ tha. Hơn nữa, họ không phải là sản phẩm của chính xã hội chúng ta tạo ra đó sao? Đòi hỏi lòng thương xót và tha thứ cho kẻ phạm tội thường không làm hài lòng mọi người. Tuy nhiên, người tông đồ của Chúa và Giáo hội cần giúp đỡ chính tội nhân.

 

Một xã hội không biết tha thứ là một xã hội không thể sống được. Người tông đồ có bổn phận quan trọng là loan báo cho thế giới sự tha thứ của Thiên Chúa.

 

Tự vấn: Tôi có ý thức mình là tội nhân cần được Thiên Chúa tha thứ không? Tôi có phải là một mục tử biết tha thứ và thương xót không?

 

4. Tôi không cô đơn

(ý thức về “các thánh thông công”)

Một điều khác cần nhớ: khi tôi rao giảng, khi tôi cử hành các bí tích, khi tôi phải đương đầu với những thách đố, khó khăn, đau khổ v.v. tôi không cô đơn một mình. Trong tất cả công việc tông đồ tôi làm, tôi làm trong tương quan với rất nhiều người khác. Bên cạnh tôi, không chỉ có những người cộng tác (anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân), mà còn những người đi trước tôi. Tất cả tạo nên sự hiệp thông. Đó là tín điều các thánh thông công. Tín điều đó không chỉ là một đề mục để tuyên xưng ngoài miệng, hay lý thuyết, mà là một lối sống cho mọi kitô hữu. Lối sống hiệp thông đó sẽ là sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong các hoạt động tông đồ.

 

Nên nhớ Giáo Hội đã hiện diện ở trần gian hơn 2000 năm qua, nên tôi có mối tương quan với tất cả các thánh là những vị cũng đã biết những vấn đề của Giáo hội như tôi. Biết mình được trợ giúp và là người anh em của biết bao vị thánh là một an ủi lớn lao cho chúng ta. Sự thông công giữa các thánh là một thực tại vĩ đại khích lệ chúng ta, làm chúng ta hãnh diện, ban thêm sức mạnh để chúng ta thi hành sứ vụ tông đồ của mình.

 

Hơn nữa, tôi còn là thành phần của Giáo Hội hoàn vũ, một Giáo Hội trải rộng khắp trái đất: Âu, Á, Phi, Mỹ, Úc, Điều đó giúp tôi không còn trầm trọng hoá những vấn đề tôi gặp phải. Ví dụ, ở Âu Mỹ, người ta thường than thở về vấn đề thiếu linh mục. Thực ra, ở Mỹ La Tinh cũng thiếu không thua gì. Có những giáo xứ 70 ngàn, 100 ngàn giáo dân mà không có cha sở. Đừng bi quan cho rằng Giáo hội đang hấp hối. Chúng ta còn những Giáo hội khác, những quốc gia khác tương quan chặt chẽ với chúng ta. Ở những nơi đó, con số linh mục, tu sĩ ngày một tăng; giáo dân nhiệt thành trong đời sống đạo; nhiều người xin gia nhập đạo.

 

Một ví dụ khác, tôi đang phải đương đầu với những khó khăn thử thách nặng nề, tôi nghĩ chẳng có ai gặp khó khăn như vậy. Hãy nhớ, thời trước tôi, và ngay bên cạnh tôi, cũng không ít linh mục đang gặp khó khăn, thử thách không thua gì tôi, có khi còn nặng nề hơn nữa. Nghĩ đến những vị đó trong tinh thần hiệp thông, chia sẻ, cầu nguyện sẽ là một sự nâng đỡ quí giá cho tôi. Tôi thấy gánh nặng của mình nhẹ đi.

 

Một điều quan trọng khác cũng cần nghĩ đến. Đó là những đan sĩ chiêm niệm ngày đêm không ngớt dâng lời kinh tiếng hát ca tụng Chúa và cầu nguyện cho chúng ta. Hãy nghĩ đến những giáo dân sốt sắng chầu Mình Thánh Chúa đêm ngày để cầu nguyện cho những tông đồ của Chúa. Thật là khích lệ và an ủi khi biết rằng trên thế giới này, có biết bao người đang không ngừng canh thức cho từng bước chân tông đồ của chúng ta.

 

Tự vấn: Có bao giờ tôi nghĩ đến sự hiệp thông đầy an ủi đó không? Nhất là trong những giờ phút chán nản, thất vọng, buồn bực, muốn buông xuôi?

 

5. Tin tưởng vào sự toàn năng của Lời Chúa nguyên tuyền.

Hãy để chính Lời Chúa nói với chúng ta trong sự thuần chất của nó. Nhiều khi giải thích của chúng ta làm Lời Chúa bị cắt xén. Ví dụ “tha thứ cho kẻ thù”. Đây là một điều rất khó chấp nhận, nên đôi khi chúng ta làm suy giảm sức mạnh của Lời Chúa bằng những giải thích của chúng ta lấy cớ để nó dễ hiểu hơn, dễ được chấp nhận hơn.

 

Cứ để Lời Chúa trong sự thuần chất của nó, không hùng biện cắt nghĩa làm giảm sức mạnh của Lời Chúa. Có thể người ta thừa nhận không thể sống theo Lời Chúa được, nhưng trong thâm tâm một điều gì đó giúp họ khám phá ý nghĩa của Lời Chúa và giúp họ nhận ra họ có thể sống như vậy, dù vượt quá sức họ.

 

Giảng giải Lời Chúa đơn giản, không màu mè, không thêm bớt thường hữu hiệu, đem lại kết quả tốt đẹp bất ngờ. Chính sức mạnh của Lời Chúa đụng chạm tâm hồn con người và biến đổi họ. Vì thế, đọc Lời Chúa để lắng nghe là điều quan trọng. Nhiều khi, người ta nghe những giải thích của chúng ta là chính, còn Lời Chúa được trích dẫn chỗ này một câu, chỗ kia một câu chỉ là để minh chứng cho những giải thích của chúng ta.

 

Tự vấn: Tôi có siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa không? Tôi có tìm được sức mạnh nâng đỡ sứ vụ tông đồ nơi Lời Chúa không? Tôi giảng giải Lời Chúa thế nào? Tôi có làm suy giảm sức mạnh của Lời Chúa khi giải thích không?

 

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 376)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 629)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 507)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 639)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 745)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 998)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,360)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,042)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,712)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,798)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7