Suy tư - Cảm nghiệm

Gặp nhau trong Thiên Chúa

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,067
  • Ngày đăng: 18/12/2021 13:27:18

GẶP NHAU TRONG THIÊN CHÚA

 

Chúng ta đừng quên rằng chính Thiên Chúa đã chủ động đến gặp gỡ con người. Thiên Chúa đến ở với con người để qua tương quan mật thiết với Ngài con người được sống và sống dồi dào. 

 

 

Suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, hẳn là mỗi người đều cảm nhận được tầm quan trọng của những lần gặp gỡ. Có lẽ thời giãn cách xã hội phần nào cho chúng ta thêm quý những cơ hội gặp nhau để chuyện trò, vui chơi, chia sẻ và lễ hội. Đó là một phần không thể thiếu trong tương quan giữa người với người. Nhất là trong những ngày cuối năm này, người ta nao nức chuẩn bị đón Giáng sinh và năm mới cùng với gia đình và bạn bè. Sẽ có nhiều cuộc hẹn quy tụ mọi người lại với nhau qua sự gặp gỡ thân mật.

 

Bài Tin Mừng trong Chúa nhật cuối cùng của mùa Vọng năm nay (Lc 1,39-45[1]) giới thiệu cho chúng ta thấy một cuộc gặp gỡ rất đặc biệt giữa hai người phụ nữ. Cả hai đều bụng mang dạ chửa. Mẹ Maria vừa mới mang thai, do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Còn bà Êlisabét ở tuổi xế chiều cũng được hồng phúc mang thai đã sáu tháng. Mẹ Maria từ phía Bắc Galilê vội vã lên đường đi bộ đến miền núi phía Nam để gặp người chị họ sau bao ngày xa cách. Nếu chúng ta xem những bộ phim mô tả về cuộc đời của Mẹ Maria thì chắc chắn sẽ bắt gặp hình ảnh cô thiếu nữ chuẩn bị hành lý cùng với con lừa bước lên đường. Có lẽ sau vài ngày đường Đức Mẹ mới đến nhà của chị họ. Đến trước cửa nhà bà Êlisabét, Mẹ Maria nóng lòng muốn báo tin vui của mình cũng như chia sẻ niềm vui của bà chị họ. Về phần bà Êlisabét, bà cảm nghiệm được rằng đây không chỉ đơn thuần là cuộc gặp gỡ giữa hai chị em sau bao ngày xa cách. Có một điều gì đó đặc biệt xảy ra ngay giây phút hai người mẹ cất lời chào hỏi nhau. Vậy chúng ta thấy gì trong lần gặp gỡ của hai người phụ nữ này?

 

Trước hết, đây chính là việc Thiên Chúa đến gặp gỡ con người. Thật vậy, tuy Hài Nhi Giêsu còn bé xíu trong cung lòng Đức Maria nhưng đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho bà Êlisabét. Tiếng chào của người nữ cưu mang Đấng Cứu thế có sức lan tỏa niềm vui. Mẹ Maria vẫn chào như truyền thống của người Do Thái với hai tiếng שָׁלוֹם‎ (sha-lom), nghĩa là sự bình an của một tâm hồn luôn biết hướng về Thiên Chúa, là thứ bình an thẳm sâu. Hai người phụ nữ gặp nhau tay bắt mặt mừng! Hơn thế nữa, Tin Mừng cho chúng ta một chi tiết rất thú vị: sau lời chào của Mẹ, đứa con trong bụng bà Êlisabét là Gioan Tẩy Giả cũng đã nhảy lên vui sướng vì được gặp gỡ Ngôi Lời đã nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria. Vì Ngôi Lời Nhập Thể đang hiện diện, nên chính bà Êlisabét đang cảm nhận được rất nhiều bình an của Chúa Thánh Thần. Trong niềm sướng vui này, bà Êlisabét đã cất lên lời chúc phúc mà chúng ta lặp lại trong Kinh Kính Mừng để tôn vinh Mẹ Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42). Nhân loại trước sau chỉ có một mình Đức Maria được hồng phúc làm Mẹ của Con Một Thiên Chúa. Mẹ Maria cũng hạnh phúc vì điều này, nên muốn chia sẻ niềm vui sướng này với gia đình người chị họ. Mẹ gặp họ để họ cũng gặp được Thiên Chúa. Trong lần hội ngộ này, Thiên Chúa đã chúc phúc cho từng người.

 

Thứ đến, cuộc gặp gỡ này còn xác nhận việc con người đón nhận Thiên Chúa qua lời thưa xin vâng của Mẹ Maria. Câu cuối cùng của bài Tin Mừng mô tả cuộc gặp gỡ này còn hé mở cho chúng ta một điều khác nữa: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Trong ngày truyền tin, sứ thần Gabrien đã cho Mẹ Maria biết rằng Mẹ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Đặc biệt hơn, người con của Mẹ sẽ trở nên cao cả vì là Con Một Thiên Chúa. Chính người Con này sẽ cứu độ nhân loại và đưa con người trở về với Chúa Cha. Mẹ đã thưa tiếng xin vâng sau lần gặp gỡ đó. Giờ đây, bà Êlisabét vừa thay mặt nhân loại cảm ơn Mẹ Maria đã cộng tác trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, vừa tri ân Mẹ vì đã đích thân mang Giêsu đến cho gia đình bà và cả gia đình nhân loại nói chung. Hơn nữa, lời chào của bà Êlisabét còn cho chúng ta rằng thấy tất cả những gì sẽ xảy ra cho Mẹ Maria sau này đều là hồng phúc của Thiên Chúa, vì Mẹ đã làm tất cả để chu toàn thánh ý Chúa. Với niềm vui thiêng liêng ấy, hai người phụ nữ đã chào đón nhau với nhiều cung bậc cảm xúc thân tình.

 

Có lẽ vì lý do nêu trên mà hơn hai ngàn năm qua, cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ đó đã trở thành khuôn mẫu cho những cuộc gặp gỡ khác trong cuộc đời này. Nó là khuôn mẫu bởi vì trong bất kỳ cuộc gặp gỡ nào có sự hiện diện của Thiên Chúa, người ta đều cảm nhận được niềm hạnh phúc và bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Chính Thiên Chúa sẽ giúp mỗi người biết cách tạo tình thân, biết mở rộng tâm hồn để đón nhận và lắng nghe nhau. Thái độ cởi mở và chân thành giúp cho người ta gặp gỡ nhau trong vui tươi, đầm ấm. Có thể chúng ta ít để ý đến điều này khi gặp người nào đó. Như vậy trong câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét, chúng ta có cơ hội chiêm ngắm lại một cuộc gặp gỡ thật dễ thương, đơn sơ và đong đầy ý nghĩa. Ước mong từ đó mỗi người chúng ta kín múc được những điều ích lợi cho mình, để mỗi lần gặp gỡ ai đó, chúng ta không quên cầu nguyện để cuộc gặp gỡ phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người.

 

Cũng trong chủ đề này, chúng ta nhớ rằng mình cũng sắp đón nhận một cuộc gặp gỡ quan trọng, đó là gặp gỡ Thiên Chúa. Mùa Vọng là thời gian chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn để gặp gỡ Thiên Chúa. Trong đêm Giáng Sinh, chính chúng ta sẽ được gặp Đức Mẹ, Thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu. Đó là cuộc gặp gỡ thiêng liêng liêng mang lại ân sủng dồi dào cho đời sống của chúng ta. Cuộc gặp gỡ này vô cùng hữu ích và cần thiết, nói như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: “Đức tin của chúng ta không phải bắt đầu từ một mớ kiến thức hoặc tín điều thần học, nhưng là bắt đầu một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.” Chính trong cuộc gặp gỡ này, mỗi người sẽ để Thiên Chúa hướng dẫn không chỉ trong hành trình đức tin, tức là tình yêu dành cho Thiên Chúa, mà còn trong những mối tương quan giữa người với người trong cuộc sống thường ngày.

 

Chúng ta đừng quên rằng chính Thiên Chúa đã chủ động đến gặp gỡ con người. Thiên Chúa đến ở với con người để qua tương quan mật thiết với Ngài con người được sống và sống dồi dào. Trong kinh nghiệm thiêng liêng này, Giáo hội cũng đã nhắc nhở mỗi người rằng: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể.” (x. Dei Verbum 2). Như vậy khi chúng ta liên lạc và gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta cũng có nhu cầu đến gặp gỡ chia sẻ với tha nhân. Điều thú vị là chỉ khi ta gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, ta mới hiểu được sự sống đích thực là gì. Không có gì đẹp hơn là được nối kết lại, được ngạc nhiên sửng sốt bởi Tin Mừng, bởi Hài Nhi Giêsu trong ngày Giáng Sinh sắp tới.[2] (x. Youcat 18).

 

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết học cung cách hành xử của Mẹ mỗi lần chúng con gặp gỡ ai đó. Nhất  là những lần gặp nhau trong gia đình, xin Mẹ cầu giúp cho chúng con biết mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Được như thế, chúng con tin rằng mỗi lần chúng con gặp nhau là những lần chúng con cùng nhau đến gần với Thiên Chúa, với Hài Nhi Giêsu. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Ðức Ma-ri-a viếng thăm bà Ê-li-sa-bét: (39) Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. (41) Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

[2] Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người.” (phát biểu của Đức Bênêđictô XVI, 24-12-2005)

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật lễ Phục sinh năm B (29/03/2024 08:44:15 - Xem: 52)

Lời loan báo “Chúa Kitô đã sống lại!” nhắc nhở chúng ta rằng Chúa luôn gần gũi chúng ta. Nhận biết sự hiện diện của Người củng cố con người yếu đuối của chúng ta trong cuộc đời.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 142)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 104)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Gia vị cho bài giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B (20/03/2024 16:23:14 - Xem: 393)

“Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật lễ Lá (20/03/2024 07:40:34 - Xem: 489)

Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”.

Tội nào đáng bị lên án! (19/03/2024 14:18:30 - Xem: 333)

Biết bao hòn đá của ngôn từ nơi miệng “thanh cao” từ cá nhân hay đám đông đầy tiêu cực, giả dối, lọc lừa… cứ thoải mái ném vào tâm hồn những người mỏng manh yếu đuối.

Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô (15/03/2024 07:27:06 - Xem: 399)

Trong khi chờ đợi tới ngày chung thẩm, chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ chuẩn bị ra sao?

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 14:56:18 - Xem: 620)

Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 05:52:15 - Xem: 457)

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hãy chôn mình trong lòng đất bằng cách hy sinh cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm.

Chay tịnh internet (10/03/2024 05:05:23 - Xem: 366)

Khi tự nguyện kiêng khem là để loại bỏ những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng internet, kể cả những hậu quả trên sức khoẻ tâm lý.

Bài viết mới