Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Hành Trình Thương Khó

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,695
  • Ngày đăng: 20/04/2021 23:15:21

HÀNH TRÌNH THƯƠNG KHÓ

 

Ý mình và ý Chúa, nếu có thể trùng khớp với nhau thì hay quá. Nhưng tiếc thay, phần lớn trường hợp, chúng trái ngược nhau. Bạn đã có thói quen chọn bên nào? Và giờ đây, qua mẫu gương Giêsu bạn có được thôi thúc để chọn ý Chúa hay không? 

 

 

1. Kế Gian Của Con Người

Các bạn trẻ thân mến,

Các Kinh Sư và Thượng Tế đang ở vị thế của người quyền cao chức trọng, được người dân kính nể, được nhiều người bái phục. Họ đang thụ hưởng cuộc sống trong yên bình và sung túc, với những món ăn ngon sơn hào hải vị và những bộ trang phục gấm vóc lụa là. Chợt đâu, một con người xuất hiện thi triển biết bao quyền năng, chữa lành các bệnh nhân, giảng dạy những đạo lý hay, khiến dân chúng tuôn đến với mình. Ganh ghét trước tài năng của Giêsu và sợ chỗ đứng của mình trong xã hội có thể bị đe dọa bởi sức ảnh hưởng của con người này, họ ngồi lại với nhau toan tính những âm mưu hiểm độc để cố đưa Giêsu vào chỗ chết. Giêsu như cái gai trong mắt họ, cần phải loại trừ ngay ra khỏi cuộc sống.

Hết lần này đến lần khác, họ bày ra mưu này chước nọ để bắt lỗi Giêsu. Họ giả vờ đến nghe Giêsu giảng nhưng là để xem Giêsu có lỗi luật chữa lành trong ngày Sabat không. Họ gài bẫy Chúa về chuyện có được nộp thuế cho Xêda hay không. Họ sử dụng một người phụ nữ bị bắt đang ngoại tình để cài Chúa vào âm mưu của họ. Mục đích là để tìm chỗ hở trong giáo lý của Ngài mà có cớ xử tử Ngài. Họ cố gắng lắng nghe từng lời từng chữ của Giêsu không phải để học hỏi và cải thiện đời sống nhưng là để cố hạ bệ Ngài. Những mặc khải của Giêsu có khi vượt quá sức hiểu của con người, cũng bị họ nại đến để hạ thanh danh Ngài. Họ trách Chúa sao không rửa tay trước khi ăn, sao các môn đệ không ăn chay, lại còn bứt lúa ngày Sabát. Họ chê Chúa là tại sao để người phụ nữ tội lỗi động đến mình, sao lại vào ăn cơm tại nhà người thu thuế, sao lại ngồi đồng bàn với những tên tội lỗi ngập đầu. Những kế gian đó của họ đã bị Giêsu lật tẩy bằng sự khôn ngoan của mình. Không những thế, nhiều lần, Giêsu còn tận dụng những cơ hội ấy để dạy bảo họ nhiều bài học quý giá.

Đến khi sức ảnh hưởng của Giêsu trở nên quá lớn trên dân chúng, sự ganh ghét của họ được biểu lộ ra mặt. Họ không thể đứng khoanh tay nhìn sự nghiệp của mình vỡ tan như bọt biển. Nếu ông Giêsu này thật sự muốn dấy binh nổi loạn, với quyền năng hô phong hoán vũ và sự ủng hộ của dân chúng, chắc chắn chỗ đứng của mình sẽ không còn. Nghĩ thế, họ quyết định thực hiện một âm mưu táo bạo hơn, quyết liệt hơn, cốt để dồn Giêsu vào chỗ chết. Họ đã thành công khi xúi được dân chúng nổi loạn, khi mua chuộc được một trong những tông đồ thân tín của Giêsu chỉ đường. Ngay trong đêm, họ kéo quân đến bắt Chúa, rồi tổ chức những buổi xét xử bất thường và tức khắc tại nhà Thượng Tế. Sau đó, họ đẩy Ngài sang Hêrôđê, một hôn quân bất tài, rồi đòi Philatô cho phép hành xử Người. Họ gán cho Giêsu đủ thứ tội, tất cả đều vu khống. Philatô thừa biết đây chỉ là âm mưu của họ, nhưng trước sức ép quá lớn của dân chúng, ông cũng đành chiều theo. Rốt cuộc, Giêsu đành chấp nhận hy sinh trên thập giá, trở thành nạn nhân của bất công, ganh ghét và bạo quyền.

Các bạn trẻ thân mến,

Cứ mỗi lần ta ganh ghét ai, ta dường như có một động lực rất lớn để hại người ấy. Ta rất hăng hái trong việc nói xấu người khác, hay tìm ra những thủ đoạn để chơi người này xỏ người kia. Có một sức mạnh đen tối nào đấy khiến ta không bao giờ mệt mỏi khi làm hại người khác, đặc biệt là những người gây thiệt thòi cho ta, làm tổn hại đến lợi ích của ta. Ta bất chấp người ấy có tốt không, người ấy có cố tình không. Chỉ cần làm điều không tốt với ta, ta sẵn sàng đáp trả lại không thương tiếc. Cảm giác biết ơn luôn nhạt nhòa trong ta, nhưng thù hằn thì khắc sâu trong tâm trí. Yêu một người là điều cực kỳ khó với ta, nhưng ghét thì vô cùng dễ. Chỉ cần một lỗi nhỏ người ta xúc phạm đến ta, cũng đủ để ta nuôi mối hận suốt đời, trong khi cả trăm điều tốt ta thụ hưởng, ta ít khi nhớ đến. Ta vui thú khi trả được thù. Ta tự nhủ là mình đã thành công. Có người còn quyết tâm đánh đổi tất cả rốt cuộc chỉ để làm cho kẻ thù mình phải trắng tay hay lụn bại. Đầu óc của chúng ta ngày đêm tính toán đến những thủ thuật, nên lúc nào cũng mệt mỏi. Nhưng ta đâu nào biết: xây dựng mới khó, chứ đập bể thì dễ vô cùng!

Cuộc sống mà ta đang sống vẫn chưa đủ những khốn khó cho chúng ta sao? Thay vì cất công bàn tính chuyện hại nhau, sao chúng ta không chung tay xây đắp hòa bình? Sao mỗi người không chịu lùi một chút để tất cả cùng tiến bước trong bình an? Một kiếp con người tựa như bóng câu. Thoáng chốc đã da mồi tóc bạc. Hận thù có làm cho ta sống thêm được ngày nào đâu. Trong khi tình yêu cho ta những tháng ngày yên vui, ta không màng chi đến. Được gì đâu khi chúng ta cứ mãi chạy theo những toan tính hại nhau? Sự nghiệp và công danh ta có được từ đó liệu có bền vững mãi đến thiên thu, và ta có sống mãi để vui hưởng chúng không?

Các bạn trẻ thân mến, chỉ có tha thứ và tình thương với làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Những khó khăn trong cuộc sống mà ta nếm trải đã quá đủ rồi, xin đừng làm cho đời người thêm phần nặng nề nữa.

2. Một Trái Tim Khép Kín

Các bạn trẻ thân mến,

Không biết đã bao nhiêu lần Giêsu tỏ bày cho các môn đệ yêu dấu của Ngài những tâm tư sâu lắng. Ngày từ khi mời gọi các ông bước theo, Giêsu đã có chủ đích huấn luyện các ông thành những con người phục vụ cho sứ mạng của Chúa. Chúa đã dạy bảo các ông những bài học về sự khiêm nhường, về sự dấn thân. Bằng các phép lạ và nhiều dấu chỉ khác, Giêsu muốn cho các ông hiểu rõ về con đường của Ngài, con đường hy sinh, hạ mình để cứu độ trần gian. Giêsu đã hướng các ông đến việc phục vụ con người và truyền bá tin vui. Giêsu cũng đã cho các ông có khoảng thời gian thực tập, khi sai từng hai người trong các ông ra đi, đồng thời ban cho các ông quyền trừ quỷ và nhiều khả năng đặc biệt khác đi kèm, nhằm củng cố thêm trong lòng các ông thao thức về sứ mạng và lòng nhiệt thành dấn thân vô vị lợi. Bao nhiêu lần Giêsu thao thức khi nhìn thấy cảnh đồng lúa mênh mông và thợ gặt không có, chạnh lòng trước cảnh người dân tan tác như đàn chiên không người chăn dẫn. Ấy vậy mà các ông vẫn cứ hững hờ, xem đó chỉ là chuyện Giêsu, hay của ai khác, chứ chẳng phải của mình.

Ít là có tới ba lần Giêsu mặc khải cho các ông biết về con đường khổ giá mà Ngài sẽ đi qua. Các ông đã chẳng màng chi đến, còn tỏ vẻ khôn ngoan khi ngăn cản. Lúc thì bỏ mặc tâm tư của Giêsu, tranh giành nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Khi thì lén gặp riêng để xin xỏ chức tước và địa vị cho mình. Trong mắt các ông, điều cần phải tính toán trước là mình sẽ được lợi gì khi đi theo con người này, chứ không phải là mình sẽ phải làm gì để có thể bước theo Thầy đến tận cùng thế giới.

Trong bữa tiệc cuối của Giêsu bên những người mình yêu mến, Ngài vốn dĩ chất chứa bao tâm sự ngổn ngang trong lòng. Nhưng chẳng ai thấu tỏ để sẻ chia. Sau những chén rượu cay và bữa ăn ngon, họ đắm chìm trong giấc ngủ, bỏ lại Giêsu một mình với những nỗi chơi vơi không tên đua nhau dày xéo cả tâm hồn. Giữa vườn Dầu âm u và quạnh vắng, chỉ có bóng dáng một con người vốn nặng trĩu những tâm sự quỳ bên tàn cây thỏ thẻ cùng Cha. Giọt nước mắt nghẹn ngào khi Ngài quay lại và chẳng thấy ai, kể cả người mình yêu thương nhất, có thể thức với mình dù chỉ một phút, trong đêm cuối cùng này. Vô tâm trước nỗi niềm của Giêsu, trái tim các môn đệ vẫn cứ khép kín trong những mê muội và toan tính của mình. Nỗi buồn càng thêm chất chứa, nỗi cô đơn càng làm héo hắt hơn cõi lòng Ngài.

Các bạn trẻ thân mến,

Thái độ thờ ơ, hờ hững dường như cũng là thái độ của mỗi người chúng ta trong tương quan với Chúa và với nhau. Ta chỉ thích làm những gì ta cho là thoải mái, chứ chưa bao giờ chịu mở rộng con tim để hiểu tâm sự người khác. Ta luôn muốn người khác phải hiểu mình, trong khi ta chẳng bao giờ ngồi xuống lắng nghe đôi dòng chia sẻ của người khác. Bởi thế nên con tim ta cứ mãi khô cằn và ích kỷ, khiến ta cứ thích trách cứ mà chẳng biết cảm thông.

Nếu ngày nào đó có thời gian rảnh rỗi, các bạn hãy đến các nhà hưu dưỡng hay các viện cô nhi. Hãy ngồi xuống và lắng nghe họ chia sẻ về những nỗi niềm của mình. Các bạn sẽ khám phá ra biết bao thế giới với những tâm tư mà họ chôn chặt bấy lâu trong lòng. Có khi những người nghèo và những người bất hạnh không cần những đồng tiền của ta đâu. Cái họ cần là có một ai đó chịu chia sẻ cùng họ những dòng cảm xúc đan chéo trong tim. Chỉ cần ngồi nghe với hết tâm tình, không cần phải nói điều chi, chẳng cần tư vấn điều gì. Một thái độ lắng nghe và mở rộng của tim của ta đủ sức xua tan trong họ những giá băng lạnh lẽo. Ta tưởng các em bé ở trại cô nhi cần miếng kẹo của ta sao. Ừ, có thể các em ấy cũng thích khi được cho kẹo, nhưng nếu các bạn cho với thái độ bố thí, khi miếng kẹo tan, tình thương cũng sẽ hết. Còn nếu các bạn hòa đồng và cùng chơi với các em với một thái độ hồn nhiên và thấu cảm, hình ảnh của các bạn trong lòng các em sẽ không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh ấy sẽ xua tan đi những thiếu thốn tình cảm trong lòng các em và cho các em một nghị lực mới trong cuộc đời.

Trái tim của chúng ta càng mở ra, cuộc sống của chúng ta sẽ thêm phong phú, vì khi ấy, ta đón nhận nhiều người khác vào cuộc đời mình, cũng như để mình đi vào cuộc đời những người khác. Một trái tim chỉ biết nghĩ đến mình, chẳng đoái hoài gì đến anh em, là một trái tim bệnh tật và thiếu máu. Khi ta cô đơn, sẽ chẳng có ai đến được với ta, chẳng có ai có thể cùng ta chia sớt vui buồn. Rốt cuộc, ta chôn vùi mình trong chính thế giới của mình và ta chết ngạt trong đó.

Các bạn trẻ thân mến, cuộc sống này sẽ tươi đẹp hơn biết mấy khi ta biết mở lòng mình ta lắng nghe những tâm tư của Chúa, những chia sẻ của người chung quanh. Nếu trái tim ai cũng rộng mở đón nhận nhau, hẳn là thế giới này sẽ trở thành một vườn hoa ngát hương và tràn ngập màu sắc, đón chờ nắng xuân.

3. Xin Chọn Ý Cha

Các bạn trẻ thân mến,

Sau khi dùng bữa tối với các môn đệ, chia sẻ với các ông những lời sau hết, Đức Giêsu cùng họ vào vườn Dầu. Các môn đệ, chẳng ai hiểu được nỗi lòng của Chúa. Dưới rừng cây âm u lạnh lẽo, Giêsu quỳ xuống cầu nguyện với Cha, Đấng duy nhất có thể hiểu mình trong lúc này. Một nỗi cô đơn chợt bừng dậy như muốn xé nát con tim. Cả một đời hy sinh phục vụ, làm biết bao việc phúc đức. Đã có thời hàng ngàn hàng vạn người nối gót bước theo Giêsu để nghe người giảng dạy. Ít là có tới hai lần, Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi ăn rất nhiều người. Đã có lúc, người ta túa nhau đến, chen lấn để chỉ mong được chạm vào áo Người, mong được khỏi bệnh. Nhưng giờ đây, trước chén đắng mà Ngài sắp uống, cả những người thân tín nhất cũng chẳng mảy may để ý đến Ngài. Nỗi đau thập giá hẳn là rất đau, nhưng nỗi đau của cô đơn càng làm cho Ngài thêm tê buốt.

Là một con người, Giêsu sợ khi phải đối diện với những đòn roi kinh khiếp của quân lính, sợ những nhục hình tra tấn của quân đội. Chén mà Giêsu sắp uống chứa đựng hết tất cả những đắng cay của con người từ thuở khai thiên lập địa đến khi mọi sự không còn. Bao nhiêu lỗi tội con người phạm phải, bây giờ dồn hết cho Giêsu đền thay. Nghĩ đến điều ấy, Giêsu cảm thấy chùn chân, muốn lùi bước. Giêsu đã thành thực chia sẻ nỗi lo sợ và đau đớn này với Cha. Nhưng rốt cuộc, Ngài vẫn chấp nhận thánh ý mà Cha dành cho Ngài. Nhưng nỗi sợ ấy quá lớn, một lần cầu nguyện chưa đủ giúp xua tan. Sau khi quay trở lại và thấy các môn đệ vẫn ngủ say sưa. Ngài buồn phiền, rồi tiếp tục cầu nguyện cùng Cha lần nữa, lần này thống thiết hơn, khẩn nài hơn, cũng với một tâm tình như thế. Con rắn năm xưa đã cám dỗ Eva ăn trái cấm cũng xuất hiện và thổi vào tâm trí Giêsu những tư tưởng muốn kháng cự lại mệnh lệnh của Chúa. Tên quỷ lần trước đã thất bại khi đưa ra các cơn cám dỗ với Ngài cũng đến thôi thúc Ngài hãy sử dụng quyền năng của mình để thoát khỏi cảnh khổ này. Bản tính con người trong Ngài thôi thúc Ngài phản kháng, nhưng tận sâu trong lòng, ý Cha vẫn là điều mà Ngài vẫn ưu tiên.

Một cuộc đấu tranh kinh khủng xảy đến trong đầu. Phần muốn tiếp tục tiến, phần muốn thoái lui. Thoái lui thì sẽ được bình an vô sự, còn tiến tới thì đồng nghĩa với đớn đau và cái chết. Hai luồng tư tưởng cứ đan xen. Ơn cứu độ của Thiên Chúa có được mưa xuống cho thụ tạo hay không phụ thuộc vào quyết định trong lúc này của Giêsu. Nỗi cô đơn vẫn dồn dập ập tới. Mồ hôi máu nhỏ ra. Bồi hồi, xúc động, chẳng ai kề bên nâng đỡ. Rừng cây vắng, tiếng côn trùng kêu trong đên đen u ám… như thể càng làm cho cõi lòng thêm cô quạnh, sầu thương. Rốt cuộc, Giêsu chợt thấy mình không thể không làm theo ý Cha. Ý Cha là lương thực, là sức sống của Ngài. Sự an nguy của Ngài có là chi đâu, ý Cha mới là trên hết. Quyết định như thế, Giêsu cam đảm đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình mà bấy lâu Ngài đã bước.

Các bạn trẻ thân mến,

Hẳn là có nhiều lúc các bạn cũng rơi vào trạng thái như Giêsu, phải đấu tranh giữa một bên là xu hướng muốn tìm kiếm an nhàn cho bản thân, và bên kia là thánh ý của Chúa, có chút gì đó khiến mình phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi. Nhưng ngược với Giêsu, phần lớn chúng ta thường chọn cho mình con đường thoải mái, chứ không phải thánh ý Cha. Thánh ý Cha không quan trọng đối với chúng ta vì để làm theo thánh ý ấy, ta thấy tương lai mù mịt, hoặc nếu có thấy được điều gì, thì đó chỉ toàn là những chông gai và khổ sở. Ăn trái cấm vẫn thú vị hơn, quay về với thế giới an nhàn của ta vẫn thoải mái hơn. Chuyện cứu độ thế giới, trở thành vị thánh, xin nhường cho người khác, hãy để người khác làm. Để rồi khi bao tai ương xảy đến, khi cuộc đời ta chông chênh, khi tòa lâu đài hư danh ta xây cất sụp đổ, ta quay sang trách Chúa sao vô tình, sao ngoảnh mặt làm ngơ, sao chẳng hề thương đoái.

Thánh ý Chúa có khi đòi buộc ta phải đi con đường nhỏ, phải qua những cánh cửa hẹp, phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng đó đích thực là con đường đưa ta đến sự sống. Trước mắt là chông gai, nhưng sau đó là cả một thảo nguyên thơm ngát hương hoa quyến rũ. Thánh ý Chúa thường bao giờ cũng đối nghịch lại với trạng thái u mê, lười nhác của mình. Chính vì ta không muốn biến đổi mình, không muốn được lớn lên nên ta mới ngại thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa có khi rất chéo ngoe vì đòi hỏi ta những điều ngược hoàn toàn với sở thích và nguyện vọng của ta nên nhiều khi ta muốn phủi tay, không thèm để ý đến, ví dụ như chuyện phải đi lễ, phải cầu nguyện, phải nhẫn nhịn, phải chia sẻ… Nhưng nếu ta can đảm thực thi thánh ý ấy, ta mới có thể có được sự sống đời đời như Giêsu đã nêu gương trước.

Ý mình và ý Chúa, nếu có thể trùng khớp với nhau thì hay quá. Nhưng tiếc thay, phần lớn trường hợp, chúng trái ngược nhau. Bạn đã có thói quen chọn bên nào? Và giờ đây, qua mẫu gương Giêsu bạn có được thôi thúc để chọn ý Chúa hay không? Hãy nhớ: ý Cha là lương thực và là sự sống của chúng ta.

4. Anh em đừng sợ!

Các bạn trẻ thân mến,

Hình ảnh Giêsu trong Vườn Dầu luôn gợi trong chúng ta một nỗi bi thương của kiếp người. Cứ mỗi lần ta bị oan ức, cứ mỗi lần ta phải đối diện với những chọn lựa cam go, hay cứ mỗi khi ta rơi vào khủng hoảng, hình ảnh Giêsu luôn hiện ra trước mắt. Bản thân Giêsu cũng lo sợ khi phải đối diện với bản án kinh khủng mà mình phải chịu, và Ngài biết là các môn đệ của Ngài cũng sẽ phải trải qua nỗi sợ ấy. Trong số những lời trối trăn của Ngài trước khi bước vào cuộc thương khó, lời nhắn nhủ “đừng sợ” có lẽ là lời trấn an thiết thực nhất ngay lúc này.

Có ai trong chúng ta dám khẳng định là mình không biết sợ? Ai trong chúng ta cũng đều phải ít nhất một lần đối diện với nỗi sợ. Nếu không phải sợ cho mình thì cũng là sợ cho người khác, những người thân yêu của ta. Nỗi sợ cứ đeo bám ta như hình với bóng trong suốt hành trình dương gian. Nỗi sợ gắn liền với định mệnh của ta từ thuở nằm nôi cho đến khi không còn nữa. Sở dĩ ta sợ là vì ta nhận thức được sự bất toàn, mong manh, bất lực và yếu đuối của ta. Mỗi khi ta sợ, ấy là khi ta thừa nhận thân phân yếu ớt của mình, ta co mình lại trước một sức mạnh nào đó lớn hơn có thể đe dọa sự an toàn của ta. Nỗi sợ phản ánh thân phận thụ tạo của ta.

Cuộc sống nơi dương gian này, đâu có nơi làm có thể khiến ta luôn an toàn tuyệt đối. Bởi ta không còn tư cách làm chủ nữa nên ta cứ phải lo sợ nhiều điều. Miếng cơm, manh áo, sức khỏe, tương quan, công danh, sự nghiệp, bạn bè, đam mê, sở thích… ta luôn cố gắng thỏa mãn, và càng cố gắng bồi đắp, ta càng sợ chúng sẽ mất đi. Giữa dòng đời bon chen xô đẩy, ta sợ mình lạc lõng, trôi dạt như chiếc lá chiều thu. Bỗng từ đâu, như một an bài không báo trước, ta xuất hiện trên đời. Rồi thoáng chốc, ta lại phải trở về làm bạn với bụi đất, với hư vô. Ta sợ khi nghĩ đến điều đó. Ta sợ mình bị quên lãng, sợ mình trở nên cái “không là gì nữa”. Nhìn những nấm mồ xanh cỏ, ta bùi ngùi trước số phận chênh vênh của con người. Ta biết rằng mình sẽ nằm đó vào một ngày không xa, nhưng sao ta vẫn lo, vẫn sợ.

Làm sao ta có thể không sợ được, khi nỗi sợ đã trở thành bản chất của thân phận thụ tạo trong ta? Khi bảo chúng ta “đừng sợ”, Chúa có ý muốn nói điều gì?

Sở dĩ Chúa muốn ta đừng sợ là vì dù nỗi sợ có bám riết lấy ta làm ta lo lắng và gục ngã, vẫn có Chúa kề bên cầm tay ta dẫn lối. Nỗi sợ có thể là kẻ thù lớn nhất của con người, nhưng ta có một trợ lực mạnh mẽ hơn là chính Thiên Chúa. Cần gì ta phải sợ bão tố đi qua, khi ta đang cư ngụ trong một ngôi nhà kiên cố? Cần gì ta phải sợ thú dữ khi đi bên ta là một mục tử luôn canh giữ ta từng giờ? Cần gì ta phải sợ bóng đêm khi trên đầu ta luôn có những ánh đèn chiếu soi rạng rỡ? Khi xuân sang, ta có những đàn chim ca hát, có những cánh hoa vươn mình đón nắng mai. Hạ về, ta có những vầng mây cao trong vắt, ngọn sóng biển dập dìu với gió đưa. Giữa trời thu, ta nghe từng chiếc lá giã biệt cành, trôi lửng lơ bên dòng sông vắng. Đến mùa đông, ta háo hức chờ cây thông đội tuyết, chờ ánh đèn giáng sinh. Bốn mùa trôi qua, ta đều thấy có dấu chân Chúa bước đi bên mình. Cớ chi ta còn phải sợ?

Các bạn trẻ thân mến,

Mỗi khi lòng ta còn bừng dậy nỗi sợ, ấy là dấu chỉ cho biết niềm tin của ta vào Chúa vẫn còn yếu ớt mỏng manh. Người có niềm tin mạnh là người làm chủ được nỗi sợ. Nỗi sợ có ùa đến với họ, họ biết cách xua chúng đi. Chúa bước đi bên ta không nhãn tiền và rõ ràng như ta mong ước, nhưng sự thực là Ngài vẫn có đó, bên cạnh chúng ta. Niềm tin của chúng ta càng mạnh, ta càng dễ nhận thấy dấu ấn của Người. Chúng ta hạnh phúc vì giữa dòng đời tối đen, ta có được một nơi để bám víu. Giêsu khẳng định với ta là Người đã chiến thắng sự chết, rằng Người đủ sức để cứu giúp ta, rằng Người luôn ở cùng ta  cho đến khi thời gian không còn nữa. Các bạn có tin vào điều đó không? Chỉ có niềm tin vào Đấng đã khải hoàn từ trong cõi chết là vũ khí duy nhất giúp ta chiến đấu và chiến thắng những chông gai thử thách trên dòng đời này.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn: dongten.net

(còn tiếp)

Bài cùng chuyên mục:

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 117 – Người Công giáo làm từ thiện (28/03/2024 08:04:04 - Xem: 30)

Nếu bản thân chúng ta hay cộng đoàn nơi chúng ta sinh sống còn ít thực thi bác ái, có nghĩa là chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi của người Kitô hữu.

Nói gì với những người trẻ không còn cần đến Thiên Chúa nữa? (24/03/2024 08:33:54 - Xem: 260)

Đức tin chỉ lớn lên khi luôn khao khát nó: các tông đồ cầu xin Chúa : “Xin gia tăng đức tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

Hãm mình để nâng dậy tâm hồn (13/03/2024 08:03:14 - Xem: 307)

Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội, để vươn đến nhân đức nhanh hơn, hãm mình là cần thiết: ăn chay, đánh tội, từ bỏ ý riêng, khiêm nhường.

Cầu nguyện Mùa Chay có gì khác? (04/03/2024 07:13:00 - Xem: 307)

Con biết Mùa Chay là Mùa của cầu nguyện. Con nghĩ mùa nào cũng cần cầu nguyện mà. Vậy ý nghĩa cầu nguyện trong mùa này là gì ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 116 – Vài cách cầu nguyện (29/02/2024 08:18:50 - Xem: 225)

Câu hỏi: Xin chia sẻ giúp con vài cách cầu nguyện phù hợp với môi trường sinh viên? Con cảm ơn nhiều.

Năm lời khuyên để đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn (26/02/2024 05:34:39 - Xem: 398)

Có nhiều lý do dẫn đến sự bất an nhưng chẳng có lý do nào là tốt cả. Chúng ta muốn kiểm soát mọi thứ, nhưng điều này thực sự là không thể.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 115 - Cuộc sống luôn là lời cầu xin Chúa (17/02/2024 05:14:31 - Xem: 354)

Kinh Sáng Soi có nguồn gốc ở đâu và ý nghĩa của từng lời kinh là gì? Xin giúp chúng con hiểu sâu xa lời kinh này.

Ba điểm chính trong Sứ Điệp Mùa Chay 2024 (13/02/2024 16:25:42 - Xem: 776)

Xin cho con hỏi nội dung chính của Sứ Điệp Mùa Chay 2024 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gồm những gì?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 114 - Đạo “gốc cây” cân đạo “tại tâm” (06/02/2024 07:37:20 - Xem: 363)

Tương tự như dụ ngôn thợ làm vườn nho, dụ ngôn tiệc cưới cũng cho thấy tình yêu thương vô bờ bến Thiên Chúa dành cho con người.

Bí mật của những linh mục đứng vững (31/01/2024 08:31:12 - Xem: 552)

Một Sự Hiện Diện làm nhẹ đi mọi gánh nặng. Một Sự Hiện Diện giúp nâng cao những ngọn núi. Một Sự Hiện Diện có thể làm nên những điều kỳ diệu…

Bài viết mới