Tác giả - Tác phẩm

Phaolô đối diện với chính mình, ĐHY Carlo-Maria Martini(04)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,535
  • Ngày đăng: 04/02/2022 15:08:26

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

 

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

 

Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI BỐN

HOÁN CẢI VÀ TAN VỠ ẢO TƯỞNG

 

Bây giờ, chúng ta sẽ suy tư về đời sống của Phaolô trong khoảng thời gian gần 10 năm sau biến cố Đa-mát, vào khoảng năm 45 hoặc 46. Đây là 10 năm nhiều bóng tối và khó khăn. Phaolô không nói nhiều về thời gian này, có lẽ vì đây là những điều không vui về cộng đoàn đã đón nhận ngài; tuy nhiên, rải rác đây đó, ngài cũng để chúng ta thoáng thấy vài điều gì đó.

 

Chúng ta bắt đầu từ những gì ngài viết khoảng 13 hoặc 14 năm sau biến cố Đa-mát, lúc mà ngài đã thấu hiểu đầy đủ mầu nhiệm Đức Kitô được mặc khải cho ngài. Chúng ta thử tìm hiểu những gì đã xảy ra, những điều vửa đau đớn vừa xây dựng, vì nó diễn tả sự đào sâu đặc biệt về hoán cải ban đầu.

 

Trước hết, chúng ta sẽ đọc các bản văn, rồi từ đó rút ra những bài học, kế đó tìm hiểu ý nghĩa của bài học và tự hỏi Phaolô đã sống 10 năm này ra sao; sau cùng, chúng ta suy nghĩ về chính mình từ những gì tìm hiểu về Phaolô.

 

Bản văn

“Rồi ông ăn và khoẻ lại. Ông ở lại Đa-mát với các môn đệ mấy hôm, rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: "Ông này chẳng phải là người ở Giê-ru-sa-lem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giê-su sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?" Nhưng ông Sao-lô càng thêm vững mạnh, và ông làm cho người Do-thái ở Đa-mát phải bẽ mặt, khi minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a.

 

Sau một thời gian khá lâu, người Do-thái cùng nhau bàn kế giết ông Sao-lô; nhưng ông biết được âm mưu của họ. Thậm chí người ta canh giữ các cửa thành ngày đêm, để giết ông. Nhưng ban đêm, các môn đệ ông đã đưa ông qua tường thành bằng cách đặt ông ngồi trong một cái thúng rồi dòng dây thả xuống.

 

Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào. Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.

 

Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ." (Cv 9, 19-31).

 

Dù bản văn không hữu ý, điểm đáng lưu ý và có chút trào phúng ở đây là khi Phaolô trảy đi Tarsô thì Hội thánh được bình an, vì dường như họ đã tránh xa được một người gây khó chịu và phiền nhiễu.

 

Chúng ta gặp một đoạn văn hay khác trong thư gởi tín hữu Galata: “Nhưng khi Ðấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ, và kêu gọi tôi nhân bởi ân hụê của Người đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin Mừng về Ngài nơi các dân ngoại, thì lập tức tôi đã chẳng đi bàn bạc cùng xác thịt máu huyết, tôi cũng không lên Giêrusalem gặp các vị Tông đồ tiền bối, nhưng tôi đi trẩy từ xứ Árập, và lại trở về Ðamas. Rồi sau ba năm, tôi mới lên Giêrusalem tham kiến Kêpha, và tôi đã lưu lại với ông mười lăm ngày. Các Tông đồ khác, tôi không gặp ai, duy chỉ có Giacôbê, người anh em của Chúa. Về các điều tôi đã viết cho anh em đây, này trước mặt Thiên Chúa, (tôi cam đoan) rằng tôi không nói ngoa chút nào! Rồi sau đó, tôi đã tới vùng Syria và Kilikia. Còn nơi các hội thánh của Ðức Kitô tại Giuđê, không ai đã biết tôi tận mặt, bất quá họ chỉ nghe đồn rằng: Người bắt bớ chúng ta khi xưa nay lại rao giảng đức tin mà chính mình đã ra công triệt hạ. Nên họ đã tôn vinh Thiên Chúa về tôi. Rồi mười bốn năm sau, tôi lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba, và đem theo cả Titô nữa. Tôi đã lên, nhân một mạc khải; và tôi đã trình bày cho họ về Tin Mừng hiện tôi rao giảng trong các dân ngoại, -- nhưng riêng về các vị có thế giá -- kẻo ra mình xưa nay đã từng bôn ba mà lại ra hư luống.” (Galat 1,15-2,1)

 

Rồi còn bản văn sau: “- Phải vinh vang ư? - Ðã hẳn là chẳng báo bổ gì! Tôi sẽ bắt qua những thị kiến và mạc khải Chúa ban. Tôi biết có người trong Ðức Kitô, trước đây mười bốn năm -- hoặc còn trong thân xác. tôi không biết; hay ngoài thân xác, tôi không biết, có Thiên Chúa biết - người ấy đã được nhắc thấu từng trời thứ ba. Và tôi biết rằng người ấy - hoặc trong thân xác, hoặc ngoài thân xác, tôi không biết, có Thiên Chúa biết - đã được nhắc vào thiên đàng và được nghe những lời khôn tả, người phàm không được phép nói lại. Về một người như thế tôi sẽ vinh vang được; chứ còn về tôi, tôi sẽ chỉ vinh vang về những nỗi yếu đuối của tôi.” (2Cr 12, 1-5).

 

Phaolô kín đáo về thời gian này, nhưng đôi khi ngài cũng không giữ được, phải nói ra. Ví dụ trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê, ngài cũng gặp cùng một hoàn cảnh như trong 2 Côrintô: “Hãy coi chừng loài chó; hãy coi chừng hạng thợ bất lương; hãy coi chừng bọn người thiến hụt!  Vì chúng ta mới là giới cắt bì, hạng người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần khí, và tự vinh vang trong Ðức Kitô Giêsu, chứ không ỷ thị nơi xác thịt. Dẫu rằng về phần tôi, tôi có lý mà ỷ thị được nơi xác thịt. Nếu ai khác tưởng mình ỷ thị được nơi xác thịt, thì huống hồ là tôi.” (Phil 3, 2-4).

 

Chúng ta thấy ở đây những câu giống trong thư gởi tín hữu Ga-lát nói về những khó khăn của thời đó.

 

Những dữ kiện lịch sử

Thực sự đã xảy ra những gì? Một vài sự kiện khá rõ ràng. Sau khi hoán cải, Phaolô bắt đầu rao giảng ở Đa-mát, nhưng có lẽ không liên tục. Người ta giới thiệu ngài như cư dân ở A-ra-bi, có lẽ trong những vùng ngoại ô các thành phố, giữa người Ả rập, bởi vì sự hiện diện của ngài không được đón nhận cách hồ hởi.

 

Đến một lúc, nhà cầm quyền lo lắng và chống lại ngài nên ngài phải trốn đi. Không thấy ở đâu nói đến việc ngài được cộng đoàn nâng đỡ hoặc đòi thuộc về mình; ngài là yếu tố gây bất ổn, dù ai cũng thán phục nhiệt tâm của ngài.

 

Sau khi trốn đi, chúng ta không biết ngài trở về Đa-mát hay lại tiếp xúc với nhóm các môn đệ.

 

Ở Giêrusalem, ngài cũng gặp trường hợp tương tự: không đến nỗi nguy hiểm như ở Đa-mát, cũng không phải trốn chạy. Tuy nhiên, vì ngài rao giảng ngày càng hăng, nên các anh em trong đức tin lo lắng phải đưa ngài trở về quê hương. Nói cách khác, họ cám ơn và mong ngài rời đi.

 

Sau thời gian ở Đa-mát và Giêrusalem, là thời gian tuyệt đối cô độc và chán nản khi ngài rút lui và sống tại quê hương. Thị kiến quan trọng ngài nói tới trong thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô đã kết thúc thời gian ở ẩn tại quê hương của ngài. Có thể coi thị kiến này nằm trong chương trình của Chúa, nhằm mục đích làm tươi mới lại biến cố Đa-mát. Thị kiến lớn lao về vinh quang Thiên Chúa có lẽ vào lúc ngài bắt đầu hoài nghi, đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ cô độc và cay đắng.

 

Tóm lại, 10 năm sau cuộc hoán cải thứ nhất là những năm khó khăn, chiến đấu, tan vỡ, gây ra bởi cách ngài rao giảng hết mình và quá hăng. Đó cũng là những năm cô độc, thinh lặng, chán nản. Khi Phao lô kể lại những điều này, thì ngài đã hoàn toàn ổn định trong sứ mạng thứ hai, do đó, thời gian này dường như không còn quan trọng đối với ngài.

 

Thật thú vị khi lưu ý khoảng thời gian 14 năm được lặp lại hai lần. Lần thứ nhất của 14 năm (2 lần x 7 năm) tính từ ngày hoán cải cho đến lúc đi Giêrusalem lần thứ hai. Và lần thứ hai được nói đến trong thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô: từ lúc được thị kiến cho đến khi ngài viết thư đó. Khi viết như thế, ngài coi cuộc đời mình như được chia làm hai thời kỳ sa-ba-ti-cô. Thời đó, người Do Thái có thói quen lấy chu kỳ 7 năm làm tiêu chuẩn cho những biến cố và cho cuộc đời của họ. Chu kỳ này được kết thúc bằng năm sa-ba-ti-cô.

 

Hơn 20 năm sau khi hoán cải, Phao lô có thói quen ghi dấu mốc cho các giai đoạn cuộc đời ngài theo nhịp điệu thánh thiêng: ngài có thời gian suy tư về những gì xảy đến theo cái nhìn của Chúa Quan Phòng và nhận ra rằng điều đó trùng hợp chính xác với nhịp điệu thánh thiêng về thời gian. Nhưng thực ra ngài còn chưa hiểu rõ tại sao số phận ngài lại diễn ra như vây.

 

Câu truyện 10 năm sau cuộc hoán cải Đa-mát (giữa khoảng tuổi 25 hay 30 và 35 hay 40 của Phaolô) có thể được tái dựng như sau: rút lui khỏi Đa-mát; mọi người ở Giêrusalem không hiểu và không đón nhận ngài, khủng hoảng của cô đơn và chán nản.

 

Giải thích những biến cố này thế nào.

Chúng ta tự hỏi: trong thời gian này, có gì nơi Phaolô đã cản trở, khiến ngài thất bại? Hoặc mọi lỗi lầm là do người khác, họ không hiểu ngài, tấn công ngài, không nâng đỡ ngài, thích loại ngài ra, không để ngài có cơ hội chứng tỏ mình là người giá trị? Trong mọi sự thuộc về con người, có thể nói sự sai trái, lỗi lầm phía nào cũng có.

 

Cách riêng về phía những kitô hữu gốc Do Thái, những người này có quan niệm hẹp hòi về sứ vụ. Họ có quá nhiều lo sợ và hạn chế nên không hiểu ngài, không nâng đỡ ngài, vì sợ rằng cách ngài hành động gây ra hậu quả xấu hơn là kết quả tốt. Kế đó, kẻ thù đồng nổi lên chống ngài, bởi vì họ thấy rằng ngài sẽ là một người đóng vai trò chính yếu trong diễn tiến của các biến cố. Chính bởi hai loại người này, mà Phaolô bị loại bỏ.

 

Hơn nữa, chính Phaolô cũng phải nhận một phần trách nhiệm. Các cuộc hoán cải đầy bất ngờ và bùng nổ xảy đến nơi ngài làm cho mọi sự xuất hiện dưới một ánh sáng mới, hoàn hảo hơn, thuần khiết hơn; sự hoán cải của ngài không chỉ là thay đổi mầu cờ hay mặt trận, mà là sự nhìn đời theo cách thế mới, trong ánh sáng của Đức Kitô; đó là một hoán cải triệt để; đó là việc Thiên Chúa làm.

 

Nhưng khi quay trở về cuộc sống hàng ngày, con người sống theo bản tính của mình. Phaolô lao mình vào sứ vụ mới với biết bao nhiệt tâm như đã làm trước đây; ngài chuyển nhiệt tâm của mình từ công cuộc này sang công cuộc khác và lại bắt đầu say mê cho việc mình làm như thể đó là công việc của ngài.

 

Chính lúc đó, Chúa để xảy đến một thời kỳ thử thách nghiệt ngã để thanh tẩy ngài, để ngài nhận ra rằng sự hoán cải không phải là thay đổi đối tượng hoạt động, nhưng là khơi gợi nơi ngài một cách sống khác, một cách nhìn khác về mọi sự. Điều đó sẽ từ từ chín mùi trước khi hoà nhập vào nhân cách của ngài.

 

Tư tưởng ngài sáng tỏ hơn, lời nói ngài cũng vậy; nhưng thái độ cư xử theo bản tính của ngài lại trở về với những gì đã có trước.

 

Sau khi tìm hiểu về Phaolô, giờ đây, chúng ta hãy nói về chính mình. Trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, chúng ta ao ước những động cơ của chúng ta ngày càng sáng tỏ; nhưng chúng ta cũng biết rõ điều đó không tự động đưa đến một thay đổi trong cách đánh giá các sự kiện và tình thế, bởi vì chúng ta đánh giá mọi sự theo bản tính sẵn có và theo ham muốn chiếm hữu của mình. Tinh thần chiếm hữu dịch chuyển từ lãnh vực vật chất sang lãnh vực thiêng liêng; từ lãnh vực lợi ích kinh tế sang lãnh vực lợi ích các linh hồn; và chúng ta luôn thấy ở điểm này một chút gì đó thuộc bản tính của chúng ta, với cũng một nhu cầu phải luôn được thanh tẩy như Phaolô, mặc cho những lời đẹp đẽ chúng ta thốt ra, hay những tư tưởng tốt lành chúng ta nghĩ trong đầu.

 

Kinh nghiệm Phaolô đã sống

Giờ đây, chúng ta sẽ hỏi Phaolô: ngài đã sống 10 năm này thế nào? Ngài đã trải qua kinh nghiệm sống cô đơn, bị loại trừ ra sao? Tuy nhiên, Phaolô không phải là người đầu tiên sống kinh nghiệm cô đơn đó.

 

Trước đó nhiều thế kỷ, Môsê cũng đã trải qua kinh nghiệm cô đơn, bị bỏ rơi. Ông bị săn đuổi, trốn khỏi Ai Cập, sống một mình trong sa mạc, bị dân mình quên lãng.

 

Phaolô có thể nói với chúng ta rằng, trước hết, ngài thấy nơi bản thân một cảm giác tức tối trộn lẫn với oán giận, muốn trả thủ. Tại sao lại phải dùng sức lực và cuộc đời mình để phục vụ những con người cư xử tàn tệ với mình, phục vụ những anh em không muốn nhận biết mình? Ngài ấp ủ sự thù hận đó trong lòng. Nó làm ngài bất an, và rồi, cuối cùng, oán hận cả Thiên Chúa nữa. Tại sao Đức Kitô kêu gọi tôi rồi lại để tôi bị giam giữ trong nơi nhỏ bé Tarsô này, mà không có một tương lai nào? Thật có một chương trình của Thiên Chúa dành cho tôi, hay chỉ là mơ mộng, là ảo tưởng mà tôi nghĩ ra? Những lời sau đây muốn nói với tôi điều gì? "Ta hiện ra để thiết lập con nên tôi tớ và chứng nhân về những gì con đã thấy và về lý do tại sao ta hiện ra với con. Ta sẽ giải thoát con khỏi dân tộc của con và dân ngoại" (Cv 26, 16-17). Sự oàn giận Thiên Chúa cho thấy chúng ta khó chấp nhận cái nhìn của Chúa Quan Phòng và những đường lối mầu nhiệm, không thể hiểu được của Thiên Chúa.

 

Chắc chắn Phaolô đã trải qua kinh nghiệm đó. Tất cả các vị thánh đều trải qua những giờ phút khó khăn. Không ai tránh khỏi những xáo trộn nội tâm này, kể cả Phaolô. Nhưng sau những giờ phút tức tối và oán giận, thì nhờ ơn Chúa, những tâm hồn để cho thử thách cắt tỉa, sẽ suy nghĩ lại và rồi lời cầu nguyện dâng lên, tuy mới đầu còn dè dặt, nhưng sẽ đến lúc chọc thủng bóng tối của bầu trời dường như khép kín: "Lạy Chúa, phải chăng điều xảy đến cho con là dấu chỉ quan phòng Chúa muốn nói với con?" Có thể những lời sau đây đã từng bước chữa lành tâm hồn Phaolô: "Hạnh phúc thay người được Thiên Chúa sửa trị! Vậy chớ coi thường bài học của Đấng Toàn Năng mình! Vì chính Người gây thương tích, Người lại băng bó. Người đánh bầm tím, nhưng tay Người lại chữa lành. Trong sáu cơn nguy ngập, Người sẽ gìn giữ anh, tới cơn thứ bảy, chẳng còn bất hạnh nào chạm tới anh được. Trong cơn đói kém, Người sẽ cứu anh khỏi chết, trong chiến trận, khỏi dấu gươm đâm". (Gióp 5, 17-20).

Phaolô ắt hẳn đã đọc đi đọc lại Kinh thánh. Lời Chúa đã chữa lành ngài. Ngày nay Lời Chúa vẫn tiếp tục chức năng an ủi, giải thoát và xoa dịu.

 

Khi xét lại, ngài được ơn soi sáng và thấy mình lại được một mặc khải đầy ánh sáng như trong biến cố Đa-mát trước kia. Dựa trên các lá thư đã viết, chúng ta thấy Ngài qui chiếu theo hai dòng tư tưởng chính sau:

 

a/ Một suy tư sâu sắc: "Ðây điều tôi muốn nói, hỡi anh em: Thời buổi đã co rút lại! Cho nên từ nay: những kẻ có vợ hãy ở như không có; khóc như không khóc; vui như không vui; mua như không cầm giữ; hưởng thế gian như không tận hưởng. Vì bộ dạng thế gian này đang qua!" (Cr 7, 29-31). Phaolô đánh giá đúng lòng nhiệt thành say mê của mình, khi nhận ra rằng ngài đã quá ảo tưởng về những chương trình ngắn hạn, trong khi Nước Thiên Chúa thì siêu việt; và rằng mọi sự trần gian, dù tốt lành và thú vị đến mấy, vẫn sẽ qua đi, chỉ có Chúa là tồn tại mãi.

 

b/ Một giác ngộ (illumination): Công cuộc của ngài là công cuộc của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa là chủ thời gian và mọi hoàn cảnh.

 

Điều này cho thấy đây là lần thứ hai Phaolô không đề cao mình. Lần thứ nhất diễn ra khi ngài từ bỏ những đặc quyền biệt phái của mình, bỏ đặc quyền là người Do Thái, con của người Do Thái. Lần thứ hai khi ngài bị bắt buộc từ bỏ tất cả những gì mà từ đó ngài có thể tự hào: khả năng lợi khẩu, ngôn từ thuyết phục, hung hăng, đầy sức mạnh, vượt trên sự nhút nhát trong cách ăn nói của những diễn giả khác thuộc cộng đoàn Giêrusalem.

 

Phaolô hiểu rằng tất cả những tài năng đó đều quan trọng, nhưng chính Chúa hành động qua ngài: "Bạn là ai mà xét đoán tôi tớ của người khác? Nó đứng hay ngã, điều đó liên quan đến chủ nó." (Rm 14,4). Theo cái nhìn của chúng ta, những sự việc phải diễn ra cách như thế, nhưng thực sự, chính Chúa mới điều khiển công cuộc của chúng ta: "A-pô-lô là gì? Phaolô là gì?" (1Cr 3,5). Rồi ngài nói: "Vậy thì Apollô là gì? Phaolô là gì? Chỉ là những tôi tớ, qua họ anh em đã tin, và mỗi người như đã được Chúa ban cho. Tôi đã trồng, Apollô đã tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên. Cho nên kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng (có là gì) ấy là Thiên Chúa, Ðấng làm cho mọc lên. Kẻ trồng và người tưới chỉ là một, ai sẽ lĩnh công nấy, chiếu bao công khó của mình. Quả thế, chúng ta là những người cộng sự với Thiên Chúa. Anh em là cánh vườn của Thiên Chúa, là lâu đài của Thiên Chúa." (1Cr 3, 5-9). Anh em không phải là cánh đồng của tôi, công trình "của tôi", nhưng là công trình của Thiên Chúa.

 

Qua những kinh nghiệm đau đớn, Phaolô hiểu rằng Thiên Chúa là Chúa, còn thừa tác viên của Thiên Chúa được chuẩn bị bằng cách giải thoát con tim của mình khỏi tất cả những gì có thể là thành công cá nhân, để trở nên khí cụ ngày càng dễ uốn nắn trong bàn tay của Người.

 

Trong thị kiến tầng trời thứ ba được kể lại ở thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô, Phaolô hiểu được những gì là bí ẩn đối với chúng ta, nhưng ngài không muốn mô tả chúng. Chắc chắn ngài ý thức lại về tính tuyệt đối và siêu việt khôn tả của mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngài nghĩ rằng trí khôn của ngài hầu như đã thấu hiểu được mầu nhiệm đó khi Chúa hiện ra với ngài; trong khi, thực sự, mầu nhiệm Thiên Chúa vượt khỏi mọi nắm bắt và diễn tả của con người.

 

Chính lúc ấy, như chúng ta được biết, Barnaba đến nói cho Phaolô biết có một cộng đoàn trẻ trung ở Antiôkia cần ngài, nhưng không biết ngài có muốn đến với họ không. Barnaba đề nghị tháp tùng ngài để cùng làm việc. Như vậy, bắt đầu chu kỳ thứ hai trong hoạt động tông đồ của Phaolô. Ngài lại bắt đầu sứ vụ  tông đồ dưới một hình thức mới, sứ vụ mà trước đây 10 năm, ngài đã làm với nhiệt tâm to lớn, nhưng lại do những động cơ rất cá nhân. Theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, tất cả những điều đó phải xảy ra qua ngọn lửa thanh luyện.

 

Câu hỏi cho cá nhân chúng ta

- Sau khi tìm hiểu những thăng trầm trong cuộc đời Phaolô, chúng ta đặt câu hỏi cuối cùng: lòng nhiệt thành của chúng ta dành cho ai? Thật khó trả lời, vì nhiệt thành là nền tảng trong dấn thân tông đồ; nguyên từ này đã chỉ sự chiếm hữu, sự ăn tươi nuốt sống, sự nguy hại. Chính vì thế, khi dấn thân trọn vẹn, chúng ta có nguy cơ chiếm hữu mọi công lao cho mình.

 

- Một câu hỏi khác: chúng ta hoán cải lần thứ hai khi nào? Trong cuộc đời chúng ta đã có những lúc mà sự hoán cải thứ nhất, một hoán cải sáp nhập êm đềm nhờ bí tích rửa tội khi còn nhỏ, trong gia đình và giáo xứ - dĩ nhiên, đây không phải là hoán cải đúng nghĩa của từ này - được đặt vấn đề, có thể trong những hoàn cảnh chúng ta phải cân nhắc các hoạt động tông đồ của mình về một số phương diện nào đó, hoặc chúng  được sàng lọc gián tiếp qua những khó khăn chúng ta trải nghiệm một cách đặc biệt?

 

- Đâu là phẩm chất của sự nhiệt thành nơi chúng ta?

Nhiệt thành đích thực là nhiệt thành của người dấn thân trọn vẹn mà lại hoàn toàn quên mình. Nếu chúng ta bị loại trừ, hoặc nếu chúng ta không đạt được ước muốn của mình, thì điều đó không được biến thành vấn đề cá nhân đưa đến suy sụp và chán nản, thậm chí đi đến bỏ cuộc hoặc cam chịu rầu rĩ.

 

Tất cả những điều đó hầu như luôn luôn diễn ra như vậy, bởi vì chúng ta được tạo dựng như thế. Chúng ta không thể thực hiện điều gì mà không dấn thân trọn vẹn; và bởi vì chúng ta không thể dấn thân trọn vẹn mà tất cả con người của ta không tham dự vào, đi đôi với tính cách của ta, và tâm lý cá nhân của ta. Chúng ta không thể trải qua thăng trầm qua đó, công cuộc của Thiên Chúa được tỏ lộ mà không bị tác động, đôi khi đau đớn nữa. Nhưng chính qua đó, Chúa Quan Phòng thử thách chứ không phải trách mắng chúng ta. Nếu Phaolô đã trải qua những thử thách đó, thì chúng ta cũng không thể tốt hơn ngài được. Nếu ngài luôn bị ám ảnh bởi cái nhìn cá nhân mình, điều đó cũng xảy đến với chúng ta. Điều đó không có ý nói rằng sẽ phải xảy đến như vậy cho chúng ta, nhưng đúng hơn, đó là giờ phút quan phòng, giờ phút mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ lộ, như Đức Kitô đã hiện ra với Phaolô trên đường Đa-mát.

 

Chúa không muốn chúng ta bị tổn thương, nhưng là nhận biết lòng thương xót của Người. Những gì xảy ra cho Phaolô là con đường của lòng thương xót Chúa, chúng ta cũng vậy; trong tất cả những khó khăn lớn nhỏ xảy đến khi dấn thân hoạt động tông đồ đều là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa cứu độ.

 

Câu Gióp nói: Thiên Chúa làm tổn thương và Người cũng chữa lành, chứng tỏ rằng Chúa thương yêu và thanh luyện chúng ta bởi vì Người muốn chúng ta trở nên những người phục vụ xứng đáng với Tin Mừng, những người phục vụ với tâm hồn hoàn toàn tự do.

 

Xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta, bởi vì ngay từ đầu, Mẹ đã sống hoàn toàn tự do nhờ những đau khổ trong cuộc đời Me. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa để Người giúp chúng ta trải qua thử thách mà tự do nội tâm không bị tác động, không bị suy yếu hay tổn thương. Xin Chúa thanh luyện chúng ta và xin cho chúng ta sẵn sàng hăng say làm mới lại kinh nghiệm về ơn gọi mới của Phaolô ở Antiôkia với một tâm hồn hoàn toàn tự do.

 

 


[1] Chuyển ý từ ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul face à lui-même”, Mediaspaul, Paris, 1984.

Bài cùng chuyên mục:

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 475)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 406)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 553)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 655)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 909)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,302)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 987)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,653)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,762)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 3) (19/05/2023 05:51:54 - Xem: 2,027)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới