Tác giả - Tác phẩm

Phaolô đối diện với chính mình, ĐHY Carlo-Maria Martini(2)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,869
  • Ngày đăng: 02/01/2022 15:49:06

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

 

Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI HAI

BIẾT CHÚA GIÊSU

 

Về biến cố Đa-mát, ngoài các bản văn trong bài một, chúng ta có 3 câu chuyện về hoán cải của Phao-lô trong sách Công vụ tông đồ chương 9 ở ngôi thứ ba, chương 22 và 26 dưới hình thức tiểu sử tự thuật.

 

1. Câu chuyện chương 26.

Câu chuyện chương 26 có rất nhiều kỷ niệm cá nhân, dài nhất và cũng được biết đến nhiều nhất. Chương này có thể dùng để làm khởi điểm đề ra những câu hỏi thích hợp đối với Phaolô, và cũng để nghe những câu trả lời ngài nói với chúng ta, nhờ dựa trên bản văn sách Công vụ tông đồ và những lá thư được nói tới ở trên. Đây là diễn từ của Phaolô trước vua Agrippa để tự biện hộ.

 

Mới đây, người ta khám phá những di tích cung điện nơi Phaolô mở lòng mình khi nói: "Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giê-su người Na-da-rét. Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ.” (Cv 26, 9-11). Ở đây, có vấn đề khách quan lịch sử. Hình như thời đó, Thượng Hội Đồng chỉ có quyền trên các hội đường trong xứ Palestine, và ngay cả trong các hội đường này, quyền có họ cũng bị giới hạn như không được lên án tử hình. Trường hợp thánh Stê-pha-nô bị giết chết rất có thể là một hành vi không biết trước, phát sinh trong cuộc náo loạn, và không được sự chấp thuận của chánh quyền. Các hội đường có quyền tra hỏi, đánh đòn, và áp đặt một số hình phạt và trong bối cảnh đó, Phaolô đã hành động chống các kitô hữu. Các nhà sử học không chắc chắn lắm về thành ngữ “những thành nước ngoài”.

 

Có lẽ Phaolô xin được những lá thư giới thiệu rồi nhiệt thành quá, ngài đi đến những thành này, thuyết phục cư dân ở đó bách hại các kitô hữu. Phaolô là người được phú bẩm một trí tưởng tượng sống động khi theo đuổi một mục đích ngài coi là chính đáng: "Thế là sau khi được các thượng tế trao quyền và uỷ nhiệm, tôi lên đường đi Đa-mát. Kính thưa đức vua, đang khi đi đường, vào lúc trưa, tôi đã thấy một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời, từ trời chiếu toả xuống chung quanh tôi và các bạn đồng hành.” (Cv 26, 12-13).

 

Từ “ánh sáng từ trời” cần được xem xét kỹ lưỡng. Phaolô đã suy tư nhiều về vấn đề này và lại nói về nó trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô: “Thiên Chúa, Đấng đã phán: Giữa bóng tối, ánh sáng hãy tỏ rạng’ cũng là Đấng toả sáng trong tâm hồn chúng ta”. (2 Cr 4,6). Thiên Chúa sáng tạo, tác giả của mọi ánh sáng, đã tỏ lộ cho ngài bằng một ánh sáng lớn lao hơn: Phaolô liên kết sự Thiên Chúa tỏ lộ cho ngài với tất cả những sự tỏ lộ vĩ đại của Thiên Chúa sáng tạo trong Cựu ước. Sự tỏa sáng đó là vinh quang của chính Đức Kitô, phát xuất từ biến cố Đa-mát, làm lu mờ tất cả những gì còn lại.

 

“Tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Híp-ri: 'Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!' Tôi hỏi: 'Thưa Ngài, Ngài là ai?' Chúa đáp: 'Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do-thái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xa-tan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến.'"(Cv 26, 14-18).

 

Từ những bản văn trên, chúng ta có thể đặt một số câu hỏi cho Phaolô:

 

- Trên đường Đa-mát, Phaolô đang ở đâu khi Lời Chúa nói với ngài?

 

- Biến cố nền tảng, quan trọng này trong cuộc đời ngài đã dẫn ngài về hướng nào?

 

- Biến chuyển này, từ cõi chết qua cõi sống, từ bóng tối qua ánh sáng, từ sự không biết Thiên Chúa qua sự nhận biết Người, đã phát sinh thế nào?

 

Xin gợi ý một số trả lời.

a. Ngài ở đâu khi Lời Chúa nói với ngài?

Câu trả lời nằm ở bản văn tiểu sử tự thuật trong thư gởi tín hữu Philipphê; trong đó, Phaolô nói rằng Lời Chúa đã đánh động ngài khi ngài sở hữu những giá trị nền tảng mà ngài gắn bó và tin tưởng là rất quí giá: Mặc dầu tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt. Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn.” (Pl 3, 4). Đó là những bảo đảm mà con người gắn bó tự bản tính, do lịch sử, do sức mạnh của chính mình: phần tôi, tôi càng có lý do hơn. Những bảo đảm đó thuộc về gia sản vinh quang của Phaolô: 

 

- Chịu cắt bì ngày thứ tám (c. 5): nghĩa là thuộc về dân riêng, được Chúa chọn, khác với dân ngoại là những người bị bỏ rơi, bị nguyền rủa, Thiên Chúa không lo lắng cho họ;

 

- Thuộc dòng dõi Ít-ra-en: một dân tộc Chúa chọn, là ánh sáng cho muôn dân;

 

- Họ Ben-gia-min: tôi biết quá khứ của tôi, tổ tiên của tôi, mối tương quan gắn liền tôi với con cái Giacóp; 

 

- Là người Híp-ri, con của người Híp-ri: ông bà, cha mẹ tôi thuộc một dòng dõi vinh quang;

 

 - Giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu: nghĩa là người giữ luật chặt chẽ, hiểu biết Luật và sống tinh thần luật của đạo Do thái một cách sâu xa. Danh hiệu Pha-ri-sêu là một danh hiệu cao quí, nhấn mạnh đến sự dấn thân trọn đời cho Luật, với một trách nhiệm luân lý rõ ràng. 

 

- Nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi. (câu 6) “Công chính” là từ Kinh thánh dùng để ca tụng những người tốt lành, như thánh Giuse, như cha mẹ của Gioan Tẩy giả đều được diễn tả là những người công chính. Ở đây, Phaolô áp dụng cho mình. Ngài còn thêm: Không ai chê trách tôi được điều gì.” Câu này nói cách khác là: “Ai trong các ông tìm được nơi tôi một tội nào không?”

 

Phaolô được Chúa soi sáng lúc ngài toàn tâm toàn ý trung thành với truyền thống Do thái, dấn thân trọn vẹn, nhiệt thành giữ Luật, và coi đó là sự công chính không gì hơn được: tất cả những gì là quí giá nhất mà ngài gắn bó chặt chẽ và kể ra với biết bao cảm xúc. Phải là người Do thái mới cảm nhận được điều đó. Ngay cả ngày nay, những ai tuyên bố mình là người Do thái, thì luôn hãnh diện về giòng giống và truyền thống của họ. Điều đó như thuộc bản chất của họ, như một bản tính thứ hai, một cách sống mà họ không thể từ bỏ được. Simon Weil là một trường hợp điển hình. Bà cảm nhận sâu xa những mầu nhiệm của bí tích rửa tội, bí tích Thánh Thể và lời cầu nguyện; những bài viết của bà có lẽ là một trong những bài viết đẹp nhất đã được xuất bản về đời sống kitô hữu, về việc làm, về chiêm niệm. Nhưng không bao giờ bà có thể quyết định lãnh nhận phép rửa tội bởi vì có lẽ bà không thể từ bỏ những tình cảm sâu xa của một người Do thái. Mặc dù nhận ra vẻ đẹp sâu xa của Kitô giáo và khát khao được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể, trong đó, bà thấy được đỉnh cao của lịch sử và tạo thành, bà vẫn bị cản trở đến cùng bởi sự gắn bó với di sản tinh thần, và bởi nhu cầu liên đới với dân tộc tử đạo của bà.

 

Cũng trong thư gởi tín hữu Phi-lip-phê, Phaolô sử dụng câu áp dụng cho Chúa Giêsu, nhưng chắc chắn ngài cũng dùng theo nghĩa của tiểu sử tự thuật: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, …” (Pl 2, 6). Bản văn hi lạp dùng từ “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị (chức vị)” theo nghĩa ‘sở hữu’ mà người ta đòi hỏi quyết liệt và khát khao gắn bó. Chính Phaolô coi những tài sản tinh thần của ngài như vậy: như một kho tàng phải canh giữ một mình không thể tin tưởng trao phó cho ai. Ngài sẽ coi sóc nó cẩn thận, bảo vệ nó bằng mọi giá và nhiệt thành loan truyền và chống lại tất cả những ai đe doạ kho tàng này. Điều đó giải thích tại sao ngài không khoan nhượng đối với các kitô hữu và thúc đẩy ngài muốn tận diệt họ, vì ngài hiểu rằng những người này muốn tấn công vào cội rễ của kho tàng đó.

 

Điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao ngài tố cáo chống lại não trạng cũ của mình như trong thư thứ nhất gởi cho Ti-mô-thê: “Trước kia, tôi là kẻ phạm thượng, lăng nhục” (Tm 1, 13). Từ “phạm thượng” ở đây không phải chỉ người nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng là người làm mà không biết khi chống lại Đức Kitô, Con Thiên Chúa, để bảo vệ kho tàng quí giá của mình. Bây giờ chúng ta hiểu được tại sao Phaolô lại nói mình là người tội lỗi, bởi vì, thực sự, đã có thời gian ngài hoàn toàn lầm lạc trong niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài không coi Thiên Chúa là tác giả và nguồn gốc của tất cả mọi sự, nhưng chỉ như trung tâm của những gì thuộc về ngài, những của cải được trao cho ngài. Thái độ bề ngoài thì không có gì đáng chê trách, nhưng ẩn khuất bên trong là một thái độ sở hữu thái quá làm cho mối tương quan nền tảng với Thiên Chúa là Cha và là Đấng Sáng Tạo bị sai lạc. Đó là sự đảo lộn ngài đã trải qua, và từ đó, phát sinh một sự hiểu biết mới về Tin Mừng, về ân sủng, về lòng thương xót của Thiên Chúa, về hoạt động và sáng kiến của Người.

 

Phaolô đã không sống theo Tin mừng của ân sủng, mà theo Luật tự công chính hoá mình, Luật đó làm cho ngài quên đi một sự thực: ngài chỉ là một con người đáng thương mà Thiên Chúa đã thương ban ân sủng, không phải vì ngài có gì xứng đáng, nhưng chỉ vì Chúa thương yêu ngài.

 

Bi kịch của Phaolô là một bi kịch tinh tế, khó hiểu, một bi kịch mà một người tin sâu xa mới có thể trải qua; bi kịch đó đe doạ kéo theo sự tha hoá hoàn toàn hình ảnh người ta có về Thiên Chúa.

 

Điều đó giải thích tâm trạng khởi đầu và bạo lực ý thức hệ của Phaolô. Bạo lực ý thức hệ này, hậu quả của sự cuồng tín và sự không thể hiểu người khác, ngày nay, vẫn còn đó. Con người chúng ta luôn tìm sự cứu rỗi theo ý mình, tìm sự công chính và sự công chính hoá của riêng mình. Điều đó đưa chúng ta đến mọi thứ sai lạc, và chúng ta tự hào mình nắm giữ chân lý và tin mình là chủ của chân lý thay vì là đầy tớ.

 

Hoàn cảnh của Phaolô đáng lưu ý khi so sánh với những tệ hại trầm trọng hơn; những tệ hại mà Chúa Giêsu đã đương đầu trong Tin Mừng khi Người nói: “Những kẻ tội lỗi sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ngươi.” Qua câu này, Chúa muốn nói người phạm tội do yếu đuối, để cho nhục cảm thắng thế, chắc chắn là có tội, nhưng tận sâu trong tâm hồn, người đó luôn ý thức mình đã hành động sai trái; nên cần sự hiểu biết, sự giúp đỡ và lòng thương xót để thắng vượt sự yếu đuối và nó biết mình bị tổn thương. Trái lại, Phaolô không bao giờ nhận mình yếu đuối và bị tổn thương. Đó là tội Chúa Giêsu chống đối nơi người Biệt phái: sự tệ hại nền tảng thúc đẩy con người cho rằng mình có thể tự cứu mình, và tin rằng mình có thể đạt tới đỉnh cao toàn thiện, để rồi rơi vào lệch lạc của bạo lực.

 

Chúa đã dẫn Phaolô về hướng nào?

Chính Phaolô giúp chúng ta nắm biết ý nghĩa của hướng đi trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê và Ga-la-ta:

 

a/ Trước hết, Chúa dẫn ngài đến sự từ bỏ hoàn toàn những gì mà cho tới lúc đó, đối với ngài, có vẻ cực kỳ quan trọng: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi.” (Pl 3, 7-8).

 

Chúa giúp ngài hiểu rằng tất cả những điều đó chẳng có giá trị gì khi so sánh với Đức Kitô.

 

Chúa giúp ngài hiểu dưới góc độ hoàn toàn mới. Không phải Chúa đưa ngài đến một sự thay đổi luân lý nhưng đến một giác ngộ (illumination): ngài nói đến mặc khải bởi vì nhìn theo quan điểm mới, quan điểm của Đức Kitô, thì tất cả đều tỏ ra khác trước đối với ngài. Ngài có một phán đoán mới về cuộc đời mình, khiến ngài có thể thốt lên: Tôi đã hoàn toàn lầm lạc. Tôi nghĩ những gì có giá trị thì chúng lại vô giá trị, và tôi đã để chúng lôi kéo đi đến hành động bạo lực một cách bất công. Tôi, tôi tự hào là công chính, thì lại trở thành bất chính khi bắt bớ những người vô tội.

 

Khi Chúa Giêsu hỏi Phaolô: “Tại sao ngươi bách hại Ta?” Lập tức, ngài hiểu rằng mình thật đáng thương vì đã sai lầm và lẫn lộn về các giá trị đích thực. Chúng ta có thể tưởng tượng cú sốc khủng khiếp Phaolô đã gặp, khi nhận ra rằng toàn bộ não trạng của mình cần phải được tái tạo, cần phải đảo lộn từ trên xuống dưới, không phải nhờ suy luận nhưng nhờ sự tiếp xúc trực tiếp với chân lý. Ngài giống kẻ đi buôn ở chương 13 Tin Mừng thánh Mát-thêu, người đó tìm thấy viên ngọc quí, nên nhận ra rằng mọi sự khác đều không còn giá trị gì; và ngài cũng giống kẻ đã tìm thấy kho tàng chôn dấu trong ruộng, hiểu rằng tất cả những gì còn lại đều vô giá trị.

 

Điều xảy đến với Phaolô, chính là sự mặc khải của chính Chúa Giêsu; một sự mặc khải khiến ngài xét lại phán đoán và thái độ của mình đối với những gì ngài đã là và đã làm: một sự mặc khải đảo lộn hoàn toàn não trạng nội tâm của ngài.

 

b/ Câu trả lời thứ hai cho câu hỏi: “Về hướng nào?” nằm trong thư gởi tín hữu Galata: “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.” (Gl 1, 15-16). Chính sứ vụ loan báo Tin Mừng được trao cho Phaolô. Điều làm cho ngài bị đảo lộn là cả hai biến cố cùng xảy ra: Trong lúc Chúa Giêsu giúp ngài hiểu rằng: con đã hoàn toàn sai lầm; thì Chúa cũng trao cho ngài tất cả: Ta sai con đi rao giảng.

 

Thiên Chúa của Tin Mừng và của lòng thương xót là Đấng chứng tỏ lòng thương xót của Ngài qua sự tha thứ và tin tưởng kêu gọi tôi phục vụ Ngài, khi tin tưởng trao phó cho tôi việc loan truyền Lời Chúa, chính vào lúc Ngài giúp tôi hiểu rằng tôi hoàn toàn sai lầm về Ngài khi tự ý chiếm chỗ của Ngài.

 

Đây là lúc Phaolô thấy lại tất cả những hiểu biết lầm lạc về Thiên Chúa. Và diều trước đây tối tăm đã trở nên sáng sủa; điều trước đây là bạo lực lại trở nên lòng thương xót.

 

Sự thay đổi đó diễn ra thế nào?

Chúng ta thử tìm hiểu điều gì đã được mặc khải cho Phaolô và tại sao ngài lại nói đến mặc khải hơn là hoán cải. Tất cả đã được ban cho ngài: không cần một cố gắng nào, một suy gẫm nào, một linh thao nào, một sự cầu nguyện dài lâu nào, một chay tịnh nào. Tất cả được ban cho ngài để ngài trở thành dấu chỉ cho hết mọi dân tộc, về Thiên Chúa của lòng thương xót, mà sáng kiến luôn đi trước sự tìm kiếm của chúng ta.

 

Cần xem xét lại cẩn thận câu 15 chương 1 của thư gởi tín hữu Galata. Câu này dùng từ ngữ của Cựu ước để diễn tả điều xảy ra cho Phaolô: “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi”. Chủ thể của việc hoán cải không phải là Phaolô mà là Thiên Chúa. Mọi sự đều từ Thiên Chúa, chính Người là tác giả của sự hoán cải. Sáng tạo cũng do Thiên Chúa: “Thiên Chúa phán và điều đó được thực hiện”, hoán cải cũng do sáng kiến đến từ Người, vượt khỏi mọi công trạng, mọi ước muốn, mọi tư tưởng của chúng ta.

 

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta và vui mừng mặc khải Con của Người cho chúng ta. Đó là khía cạnh thứ nhất của “thế nào”: bởi ân sủng, bởi vì Chúa vui lòng.

 

- Về sự nhận biệt Chúa Giêsu, tất cả đều được Chúa ban cho ngài. Chúng ta đã thấy Phaolô nói về sự hoán cải của ngài như một gặp gỡ (1Cr 15,8). Đức Kitô là sự mặc khải của sáng kiến và lòng thương xót Thiên Chúa dành cho ngài. Đức Kitô là sự gặp gỡ giữa Phaolô và Thiên Chúa.

 

Một vài câu hỏi cho chúng ta

- Tôi có kinh nghiệm nào gần giống, giống hoặc khác với kinh nghiệm của Phaolô?

 

- Tôi có thể khám phá hành động ân cần của Thiên Chúa đã giúp tôi trở thành con người như bây giờ cách nào?

 

- Làm thế nào và cách nào mà Chúa Giêsu, Đấng đã là sự mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với Phaolô, thì đối với tôi, là điểm qui chiếu nền tảng để hiểu tôi là gì, tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi được kêu gọi làm gì?

 

- Đâu là những tài sản bề bộn ngăn cản tôi tự do đón nhận sáng kiến của Thiên Chúa?

 

Những câu hỏi trên phải được khơi gợi nơi chúng ta bởi tình yêu: nếu chúng ta đặt chúng trong tính ích kỷ chiếm hữu hay tự công chính hoá, chúng ta sẽ trả lời cách nông cạn và sẽ không tìm hiểu được kỹ càng lịch sử đời mình một cách sâu xa dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta tự hỏi trong tình yêu và lòng thương xót, chúng ta có thể nhận ra điều gì nơi chúng ta tham dự vào công trình của Thiên Chúa, và điều gì nơi chúng ta, giống như nơi Phaolô, chống lại công trình đó.

 

Để kết luận, chúng ta đọc lại thư gởi cho Ti-mô-thê 1, 15 và tiếp theo: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.” Tội nền tảng của con người, nguồn gốc của mọi tội khác, là không nhận biết Thiên Chúa như Thiên Chúa, là không nhận biết mình là quà tặng của Thiên Chúa, là hoa quả của tình yêu Thiên Chúa: đó là thái độ của Satan, một thái độ làm con người đối nghịch với Thiên Chúa. Phaolô đã sống theo thái độ này dưới mầu sắc của những điều tốt đẹp, nhưng lại làm ngài từ chối lòng nhân lành của Thiên Chúa.

 

Tất cả chúng ta tự bản tính đều không muốn nhận biết Chúa như Thiên Chúa: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1Tm 1,16).

 

Đó là lý do tại sao chúng ta chọn suy gẫm về thánh Phaolô: ngài vẫn luôn là dấu chỉ cho mọi người, cho lịch sử và cho thế giới.   

 


[1] Chuyển ý từ ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul face à lui-même”, Mediaspaul, Paris, 1984.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 353)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 622)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 500)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 630)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 733)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 990)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,355)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,036)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,704)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,794)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7