Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 29 TN năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,965
  • Ngày đăng: 12/10/2022 08:09:17

PHẢI CẦU NGUYỆN LUÔN

Chúa Nhật 29 Thường Niên năm C. Lc 18, 1-8

 

 

Suy niệm

Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Phải kiên trì như Môsê cầu xin cho dân Do Thái chiến thắng quân Amaléc; như bà goá kiên nhẫn ngày qua ngày đi đến xin quan toà minh xét cho bà; như thánh Mônica ròng rã gần 20 năm nguyện xin cho Augustino trở lại. Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta:“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.”(Rm, 12, 12). Không phải khi ta cầu nguyện Chúa mới biết. Ngài thấu suốt mọi sự trước khi ta kêu cầu. Kiên trì trong cầu nguyện để giúp ta luôn sống gần gũi bên Chúa.

 

Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho chúng ta biết về một Thiên Chúa là Cha trên trời hằng quan tâm yêu thương lắng nghe lời con cái cầu xin. Một vị quan tòa bất chính và bạo ngược mà còn biết nghe lời kêu xin của một bà góa huống chi là Thiên Chúa. So sánh một người như thế với Thiên Chúa thì thật là quá đáng, nhưng xem ra lại phù hợp với thực tế, vì nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm về một Thiên Chúa thinh lặng, Ngài như vô tâm hững hờ trước bao người chịu áp bức, bao tình trạng bất công. Đầy những tiếng than van và kêu gào như thế từ khắp nơi trên thế giới, mà rồi ngày qua ngày chẳng thấy Thiên Chúa ra tay hành động.

 

Khi táo bạo nêu lên dụ ngôn trên, Đức Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ thất vọng trước mọi tình trạng, cũng đừng nản lòng khi cảm thấy lời nguyện của mình như rơi vào quên lãng, nhưng hãy vững tâm và kiên trì trong cầu nguyện, vì chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người”. Không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà thiếu cầu nguyện, nhưng cầu nguyện như thế nào để dễ lãnh nhận ân ban, thì ta cần nghe câu chuyện sau:

Có ba người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm không biết làm sao để thoát ra. Người thứ nhất là một nhà văn, không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa bóng tối. Người thứ hai là một tín hữu, quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi chờ phép lạ chứ không làm gì khác. Người thứ ba cũng là một tín hữu, sau khi đã tha thiết cầu xin Chúa, anh ta tìm cách để phá bức tường, vừa làm cực nhọc vừa thì thầm xin Chúa giúp. Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả ba người đã thoát ra khỏi căn phòng.

 

Cầu xin điều gì thì phải cố gắng làm như điều mình xin. Chỉ ngồi đó để oán than buồn sầu, hay chỉ chờ đợi cách thụ động, mà không vận dụng những khả năng Chúa ban thì quá lười lĩnh và ỷ lại vào ơn Chúa. Thiếu sự góp phần của mình thì lời cầu xin thành vô hiệu. Thiên hạ ai cũng biết: “Có trời mà cũng có ta”. Không thể sống buông xuôi theo một quan niệm quá tiêu cực: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Hơn nữa, đời Kitô hữu được kêu gọi góp phần với Chúa trong cuộc sống này, để làm mới lại đời sống của mình, gia đình và tha nhân. Chính cầu nguyện khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm để hành động với tất cả khả năng mình.

 

Hằng ngày đời sống chúng ta gặp biết bao khó khăn quẫn bách về thể chất cũng như tinh thần, làm sao chúng ta có thể đứng vững trong đức tin nếu không kiên trì cầu nguyện. Chúng ta dễ bị cám dỗ bỏ cầu nguyện, hoặc buông xuôi nản lòng vì thấy Chúa như bất động. Thật ra, Chúa luôn hành động nơi mỗi người chúng ta, luôn nhận lời chúng ta, tuy nhiên không phải lúc nào cũng theo cách thức hay hiệu quả mà chúng ta muốn thấy, nhưng theo cách thức và hiệu quả mà Chúa muốn ban. Nhiều khi chúng ta không biết rõ điều mình xin, chỉ nhắm vào cái lợi mà bất cập hại: “Lợi thì có lợi mà răng không còn”. Chỉ có Chúa mới thấy điều gì tốt nhất và ban cho chúng ta theo cách thức của Ngài.

 

Chúng ta đừng quan niệm về Thiên Chúa một cách quá sơ sài và cạn cợt theo kiểu người đời, hoặc cầu xin theo kiểu “được chăng hay chớ”. nhưng hãy căn cứ trên chính Lời Chúa để cảm nhận tình yêu sâu thẳm của Ngài. Cầu nguyện không phải là đòi Chúa hành động theo ý mình, mà để mình biết hành động theo ý Chúa. Cầu nguyện không phải là đặt ra những trường hợp éo le để bắt Chúa phải ra tay, cũng không phải là đòi thay đổi hoàn cảnh hay người khác, mà trước tiên là thay đổi chính mình, cái nhìn và lối sống của mình. Những trục trặc và bế tắc nhiều khi do chính tình trạng nội tâm của mình hơn là vì những lý do khác.

 

Điều chủ yếu trong cầu nguyện là để đời mình được bén rễ sâu trong tình yêu Chúa, để trong sự tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, ta tiến hành và hoàn thành tốt nhất cuộc sống mình. Cũng nhờ đó mà ta đạt tới chính Chúa là suối nguồn hạnh phúc trong cuộc sống vĩnh hằng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết cầu nguyện luôn,
phải kiên trì đừng bao giờ nản chí,
cho dù có những khi chưa được gì,
có thể vì lòng tin con chưa đủ.

 

Có khi Chúa muốn con được thanh luyện,
thêm thánh thiện để xứng đáng ân ban,
thế nhưng con không hiểu cứ phàn nàn,
tâm hồn con xem ra quá nông cạn.

 

Cuộc sống con sẽ đi về đâu,
nếu đời con vắng Chúa?

 

Bao việc con làm có nghĩa gì đâu,
nếu lòng con xa Chúa?

 

Bao thành đạt có giá trị gì đâu,
nếu tâm con thiếu Chúa?

 

Bao thứ hiểu biết có ích gì đâu,
nếu trí con ngoài Chúa?

 

Bao danh giá địa vị đáng gì đâu,
nếu con không gặp Chúa?

 

Tất cả chỉ là trống rỗng,
nếu Chúa không ở trong con.

 

Mọi cái chỉ là hư vô,
nếu con không ở trong Chúa.

 

Trong Chúa mọi sự không trở thành có,
ngoài Chúa mọi thứ có trở thành không.

 

Với Chúa đời con đầy hy vọng,
không Chúa chẳng có gì để mong.

 

Xin cho con mỗi ngày kề bên Chúa,
nhìn ngắm Ngài để tâm con lắng dịu,
nghe Lời Ngài để con cảm mến nhiều,
và trong Ngài con no thỏa tình yêu. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 64)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 68)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Gia vị cho bài giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B (20/03/2024 16:23:14 - Xem: 388)

“Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật lễ Lá (20/03/2024 07:40:34 - Xem: 481)

Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”.

Tội nào đáng bị lên án! (19/03/2024 14:18:30 - Xem: 323)

Biết bao hòn đá của ngôn từ nơi miệng “thanh cao” từ cá nhân hay đám đông đầy tiêu cực, giả dối, lọc lừa… cứ thoải mái ném vào tâm hồn những người mỏng manh yếu đuối.

Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô (15/03/2024 07:27:06 - Xem: 395)

Trong khi chờ đợi tới ngày chung thẩm, chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ chuẩn bị ra sao?

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 14:56:18 - Xem: 617)

Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 05:52:15 - Xem: 455)

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hãy chôn mình trong lòng đất bằng cách hy sinh cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm.

Chay tịnh internet (10/03/2024 05:05:23 - Xem: 363)

Khi tự nguyện kiêng khem là để loại bỏ những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng internet, kể cả những hậu quả trên sức khoẻ tâm lý.

Chịu đau khổ như Đức Kitô nghĩa là gì? (05/03/2024 14:04:45 - Xem: 382)

Mức độ đau khổ trọn vẹn mà Chúa Giêsu gánh chịu là một mầu nhiệm, nhưng không phải là không thể hiểu được.

Bài viết mới