Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 TN năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,100
  • Ngày đăng: 27/01/2023 05:51:03

PHÚC THẬT

Chúa nhật 4 Thường Niên Năm A : Mt 5, 1-12a

 

 

Suy niệm

Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người, nhưng lại có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Nếu hỏi hạnh phúc là gì, thì phần lớn mọi người sẽ lúng túng, hoặc diễn tả rất mơ hồ. Cũng như tình yêu, hạnh phúc không thể định nghĩa được, mà là sự cảm nhận tự thâm tâm. Tuy nhiên, ta đừng lầm lẫn giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn cảm xúc hay thỏa mãn ý chí. Cảm xúc đến rồi đi, luôn biến đổi không ngừng theo tâm thức và sự chi phối của hoàn cảnh. Còn thỏa mãn ý chí là muốn thực hiện cho bằng được điều mình đã quyết. Cảm nhận hạnh phúc này cao hơn và bền vững hơn sự thỏa mãn cảm xúc. Tuy nhiên, sự thỏa mãn nào cũng là nhằm phục vụ cái tôi.

 

Trong bài giảng đầu tiên trên núi, Ðức Giêsu chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc. Hạnh phúc đích thật là quà tặng của Thiên Chúa, để đón nhận con người cần phải thay đổi quan niệm sống của mình. Đức Giêsu nêu lên tám mối phúc. Mỗi mỗi phúc là một thái độ sống hay một tâm tình sống rất thanh thoát từ chính tình trạng của mình. Đó không phải là những hy vọng thỏa thích về điều sẽ đến, không phải là lời tiên báo mơ hồ về tương lai, nhưng là sự vui mừng về hiện trạng của nó ngay trong cuộc sống này, và chỉ trọn vẹn khi đến ngày ta gặp được Chúa.

 

Chữ “phúc” Đức Giêsu dùng là một từ đặc biệt. Tiếng Hy Lạp là “makorios”. Makorios diễn tả niềm vui nhiệm mầu, là sự vui mừng hoàn toàn tự bên trong mình. Còn hạnh phúc thường tình của loài người tùy thuộc vào những cơ may, vào những điều kiện mà cuộc đời có thể ban cho hay hủy đi. Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thường không còn nguyên vẹn sau vài ba năm. Hạnh phúc khi mua được căn nhà đẹp không kéo dài quá đôi ba tháng. Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên sau đôi ba tuần. Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói sau đôi ba tiếng. Hạnh phúc thật ngắn ngủi, mất rồi lại đi tìm, và cứ thế cả một đời rong ruổi cho đến lúc xuôi tay, mà chẳng gặp được hạnh phúc ở nơi đâu.   

 

Còn hạnh phúc Chúa ban cho thì không gì có thể hủy hoại hay mất đi được. Đức Giêsu đã nói: “Niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16, 22). Vì đó là hạnh phúc gắn liền với nguồn cội là chính Thiên Chúa. Đấng là suối nguồn hạnh phúc của toàn thể thụ tạo. Chỉ khi sống thân tình và gắn bó với Chúa, ta mới có hạnh phúc sâu xa và vững bền. Đó là hạnh phúc do sự bằng lòng chấp nhận tất cả, chứ không lệ thuộc vào những hoàn cảnh thuận tiện bên ngoài. Đó là một thứ hạnh phúc ngay trong đau khổ, một hạnh phúc mở ra với mọi người và mọi tình cảnh, mà vẫn ung dung không hề nao núng, vì hạnh phúc đã lắng sâu tận thâm tâm.   

 

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” là người không ham hố, không tham lam, không cậy dựa vào tiền của hay quyền thế mà cậy dựa vào Thiên Chúa. Phúc thay ai hiền lành…” là người đã kiềm chế được mọi bản năng, mọi xung động và mọi dục vọng, vì người đó đã được Chúa làm chủ mình, nên luôn sống hiền lành, nhân từ. Phúc thay ai sầu khổ…” là người biết đón nhận mọi đắng cay cuộc đời, để đền tội, để phục vụ, để triển nở đời sống thiêng liêng. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” là người mong nên thánh, mong trở nên giống Chúa, một sự khát khao mãnh liệt để hoàn thiện đời mình. “Phúc thay ai xót thương người…” là người sống bằng tình thương xót như Chúa đã xót thương mình, nên chia sẻ tận tình. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” là người sống ngay thẳng thật thà, luôn hành động với ý hướng trong sáng. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình…” là người tạo sự an hòa, gieo rắc an bình, đem lại an vui cho mọi người mọi nơi mình có mặt. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” là người dám chịu mọi sự khốn khó vì Đức Giêsu để trung thành cho đến cùng.

 

Tám mối phúc Đức Giêsu nêu lên dạy cho ta hiểu rằng: ngọc chỉ có trong đá, và sen chỉ mọc lên từ dưới bùn. Ngọc được kết tinh từ sỏi đá, và sen được kết tinh từ bùn nhơ. Không thể nào tìm kiếm ngọc ở ngoài đá, hay tìm kiếm sen ở ngoài bùn. Cũng vậy, hạnh phúc chỉ có trong con người biết đón nhận tất cả và sống cho tất cả bằng tình yêu mến. Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy. Vì thế, cuộc đời Kitô hữu là đào luyện trái tim mình nên giống trái tim Chúa: một trái tim không khép lại cho hạnh phúc của riêng mình, nhưng luôn mở ra để hiến trao cho mọi người không trừ ai. Hạnh phúc này đã bắt đầu từ hôm nay và triển nở mãi đến cuộc sống muôn đời.

 

Cầu nguyện   

Lạy Chúa!
Con vẫn luôn đi tìm hạnh phúc,
bằng cách sở hữu cho thật nhiều,
có được những điều mà con muốn,
thỏa mãn những cái mà con ham,
nhưng rồi đâu phải như con tưởng.

 

Hạnh phúc không phải những gì con có,
như sức khỏe tiền tài hay danh lợi,
mà có thể những gì con không có,
và cũng chẳng bao giờ cần phải có.

 

Hạnh phúc đích thực nằm ở trong tâm,
rất sâu xa và bền vững thâm trầm,
nhưng bị ngăn chặn qua nhiều tầng lớp,
của ham muốn tham lam và ích kỷ …     

  

Nhìn ngắm Chúa cho con niềm xác tín:
hạnh phúc là tâm thái biết cho đi,
chứ không phải những gì con chiếm đoạt,
là buông ra không khư khư nắm giữ;
là bằng lòng chứ không cứ so đo;
là sống cho giây phút hiện tại này.

 

Xin cho con trở về với lòng mình,
để khơi nguồn hạnh phúc tự thâm tâm,
trong cách sống giản dị không cầu kỳ,
không than trách không so bì ai khác.

 

Hạnh phúc khi con sống luôn bên Chúa,
không buồn thương hay lo sợ điều gì,
chẳng mong cầu hay mê mẩn điều chi,
chỉ biết luôn thực thi theo Thánh ý.

 

Xin cho con giữ tâm hồn trong sạch,
để hạnh phúc luôn tươi mới trong lành,
để cuối cùng không ai ngoài chính Chúa,
là suối nguồn hạnh phúc của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 49)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 189)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 392)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 253)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 602)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 684)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 250)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 511)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 325)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7