Suy tư - Cảm nghiệm

Suy Tư Chúa Nhật: Anh hãy theo Tôi!

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,747
  • Ngày đăng: 25/06/2022 08:46:30

ANH HÃY THEO TÔI

 

Đức Giê-su đề nghị với những ai muốn bước theo Ngài, phải dành sự ưu tiên cho Thiên Chúa hơn cả gia đình của mình – một yêu cầu gần như không thể chấp nhận được!

 

 

Khi nhìn vào động lực của các ứng viên dự tu, không ít người cho rằng, các bạn trẻ đến với đời tu với nhiều động lực không trong sáng. Thực sự mà nói, ai dám tự tin nói rằng, mình đến với đời tu với động lực ngay lành và thánh thiện ngay từ ban đầu. Đúng hơn, chúng ta bước vào đời tu để được thanh lọc, để được biến đổi trở nên người môn đệ của Đức Ki-tô, chứ đâu phải bước vào đời tu để thi thố các nhân đức tốt lành sẵn có của mình.

 

Mở rộng hơn, ơn gọi trở thành người con cái của Thiên Chúa cũng thế. Đâu phải ai trong chúng ta cũng đã có ý thức rõ ràng đầy đủ, có được động lực tinh tuyền và trong sáng làm con cái của Chúa, ngay khi lãnh nhận bí tích Rửa tội? Nói một cách mộc mạc, bí tích Rửa Tội là bước khởi đầu cho hành trình sống theo và trở nên người con cái của Thiên Chúa. Hành trình ấy diễn ra một cách tiệm tiến, để người ki-tô hữu được biến đổi dần dần trở thành người con, người môn đệ của Chúa. Khi bước theo Đức Giê-su, các môn đệ cũng phải học những bài học căn bản. Trên hành trình ấy, các ông gặp nhiều thất bại, vấp ngã… và được lớn lên hơn trong ơn gọi.

 

Câu chuyện trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 13 Thường Niên Năm C,[1] cho thấy rõ con người tự nhiên của các môn đệ và những đòi hỏi phải từ bỏ để bước theo Đức Giê-su. Khi thấy những người Sa-ma-ri từ chối không đón nhận Thầy mình, hai môn đệ lớn tiếng đề nghị: „Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (c.54b)

 

Sự từ chối của người Sa-ma-ri đối với Đức Giê-su không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri có nhiều điều hiềm khích. Từ nhiều thế kỷ trước, người Do-thái coi người Sa-ma-ri là dân ngoại, là những người bị ô nhiễm về chủng tộc và tôn giáo. Nhưng mỗi lần lên đền thờ Giê-ru-sa-lem từ Ga-li-lê, người Do-thái phải băng qua vùng Sa-ma-ri, vì vùng đất này nằm giữa Ga-li-lê và Giu-đê, điều này khiến cho tình hình căng thẳng giữa họ càng trở nên tồi tệ hơn. Cho nên, rất dễ hiểu, lý do tại sao, người Sa-ma-ri không tiếp nhận Đức Giê-su. Vì khi ấy, Ngài và các môn đệ đang hướng lên Giê-ru-sa-lem.

 

Có lẽ yêu cầu của hai môn đệ cũng không lấy gì làm quá đáng! Trong Cựu Ước, khi A-khát-gia sai binh lính đến bắt giữ Ê-li-a, ông đã gọi lửa từ trên trời xuống để thiêu rụi họ – và làm điều ấy một lần nữa, khi A-khát-gia cử thêm binh lính đến.[2] Cho nên, ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nghĩ rằng, cũng như Ê-li-a, việc gọi lửa từ trời xuống thiêu hủy người Sa-ma-ri là hợp lý, chẳng có gì sai cả!  Vì người Sa-ma-ri từ chối tiếp đón Thầy Giê-su. Lối phản ứng này có thể biện minh theo trí hiểu của con người, nhưng không phải là đường lối của Thiên Chúa.

 

Mặc dù ở những câu trước, Đức Giê-su đã chỉ dạy cho các môn đệ cách ứng xử với sự khước từ. Khi bị người khác từ chối, họ sẽ giũ bụi dưới chân để tỏ ý phản đối,[3] nhưng hoàn toàn không được đáp trả bằng vũ lực hoặc báo thù. Có thể nói, ở đây hai môn đệ vì nóng giận và bốc đồng, đã quên lời dạy của Thầy. Các ông muốn hành xử theo con người tự nhiên và bản năng của mình. Các ông muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Còn Đức Giê-su, Ngài dạy cho các ông cách giải quyết vấn đề bằng tình yêu thương tha thứ và sự kiên nhẫn, để kiến tạo hòa bình, chứ không phải để gây thêm hận thù và chia rẽ. Vì lúc đó Ngài đang tiến lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết, để hòa giải con người với Thiên Chúa. Nhưng con đường thập giá luôn thách đố và gây khó khăn cho người môn đệ mọi thời. Đức Giê-su biết và hiểu điều đó, nên Ngài mời gọi „Hãy theo Thầy!”

 

Thánh sử Lu-ca tiếp tục kể câu chuyện về cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su với ba người muốn đi theo Người. Trong câu chuyện, người thứ nhất và người thứ ba cho thấy rõ ý định của họ, tự nguyện theo Đức Giê-su: „Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy!”; nhưng Ngài chỉ chọn người thứ hai làm môn đệ và mời gọi: „Anh hãy theo tôi!” Tại sao thế? Suy gẫm về ba điều căn bản mà Đức Giê-su đề cập, Chúng ta sẽ khám phá ra câu trả lời:

  • Điều thứ nhất: Con Người không có chỗ tựa đầu (c.57-58)

 

Khi người thanh niên đề nghị đi theo Đức Giê-su „đến bất cứ nơi nào,” ngược lại Ngài chỉ đề nghị „không ở đâu cả.” Có lẽ, Đức Giê-su nhận thấy ước muốn sâu thẳm của anh chỉ dừng lại ở một điều – thích được hưởng vinh quang và thành công với Đức Giê-su thôi, chứ hoàn toàn không muốn bước lên đồi thập giá với Ngài.

  • Điều thứ hai: Hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa (c.59-60)

 

Đức Giê-su thách thức người môn đệ, phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phục vụ Nước Trời. Các việc cấp thiết khác, như chôn cất cha là trách nhiệm cấp bách và quan trọng của một con người, nhưng phải đặt ở phía sau.

  • Điều thứ ba: Ai ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (c.61-62)

 

Đức Giê-su đề nghị với những ai muốn bước theo Ngài, phải dành sự ưu tiên cho Thiên Chúa hơn cả gia đình của mình – một yêu cầu gần như không thể chấp nhận được!

 

Trong câu chuyện, người thứ nhất sẵn sàng đi theo Đức Giê-su ngay lập tức, nhưng Ngài thấy ở nơi anh thiếu một động lực căn bản và quan trọng. Còn người thứ hai và người thứ ba đều có mối bận tâm khác, trước khi trở nên người môn đệ, nhưng Đức Giê-su chỉ chọn người thứ hai thôi. Có thể nói, điều kiện quan trọng nhất trong việc đi theo Đức Giê-su là người môn đệ phải đặt Thiên Chúa trước tiên vàn mọi ưu tiên khác. Đây cũng là lời mời gọi cho tất cả mọi người ki-tô hữu: „Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33).

 

Có lẽ, cuộc sống của chúng ta thường rơi vào rối loạn và mất phương hướng, vì chúng ta thích quá nhiều thứ cùng một lúc. Chúng ta vừa muốn thiêng liêng, vừa muốn trở nên thánh thiện như các thiên thần, nhưng chúng ta cũng muốn nếm thử những điều trần tục. Chúng ta vừa muốn bước theo Đức Giê-su, nhưng cũng muốn nắm giữ những điều thuộc về thế gian… Nếu chúng ta chỉ muốn duy nhất có một điều, thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thản hơn nhiều. Bí quyết của các thánh là chỉ thích một điều mà thôi!

 

Còn bạn và tôi, chúng ta đang thích gì? Chúng ta có đủ can đảm để chọn thích một điều và sống trọn cho điều mình chọn lựa hay không?

 

Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tin Mừng Chúa Nhật 13 Thường Niên Năm C (Lc 9, 51-62).

[2] Trong sách các Vua quyển 2 (xem 2 V, 1).

[3]  Xem (Lc 9,5).

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 19)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 94)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 197)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 400)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 260)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 604)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 686)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 252)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 511)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7