Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 12/08/2022 – Thứ Sáu tuần 19 thường niên. – Không được phân ly.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,009
  • Ngày đăng: 11/08/2022 08:00:00

Không được phân ly.

12/08 – Thứ Sáu tuần 19 thường niên.

"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".

 

Lời Chúa: Mt 19, 3-12

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Một xương một thịt

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”

Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,

và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.

Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng

ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.

Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể.

Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.

Trong xã hội Do Thái giáo thời Đức Giêsu,

người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.

Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,

nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con.

Trước câu hỏi: “Chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”

Đức Giêsu đã kiên quyết nói không (c. 6).

Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.

Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng.

Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó.

Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10).

Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.

Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)

để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7).

Còn Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24)

để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.

“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác,

mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.

Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8)

và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.

Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8).

Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê

và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.

Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.

Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.

Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng

mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.

Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.

Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,

khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,

khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,

khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…

khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.

Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,

bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…

để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,

xin Cha nhìn xuống

những gia đình sống trên mặt đất

trong những khu ổ chuột tồi tàn

hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến

những gia đình thiếu vắng tình yêu

hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,

những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ

hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục

vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,

những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương

những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,

những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,

những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ

từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,

từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu

đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;

nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ

hạnh phúc luôn ở trong tầm tay

của từng người chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Giao ước

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa muốn dựng nên con người giống hình ảnh Người. Thiên Chúa là tình yêu nên Thiên Chúa dựng nên con người để biểu lộ tình yêu của Người. Để biểu lộ tình yêu con người không phải chỉ là nam hay nữ nhưng là nam và nữ. Vì thế ơn gọi gia đình là cơ bản. Như Ba Ngôi nhưng chỉ một Chúa, gia đình tuy hai nhưng “họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”. Như Ba Ngôi Thiên Chúa hoàn toàn dâng hiến cho nhau, vợ chồng cũng phải hiệp thông trong hoàn toàn trao ban và nhận lãnh: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình”. Tình yêu Thiên Chúa trên trời còn cao siêu trừu tượng nên Thiên Chúa đã thực hiện cụ thể trong lịch sử đối với dân Ít-ra-en, để con người có thể chiêm ngưỡng và noi theo tình yêu trung tín của Người.

Gio-suê nhắc lại tất cả những việc Thiên Chúa làm để bày tỏ tình yêu với Ít-ra-en: đã tuyển chọn Áp-ra-ham; đã đưa ông vào đất Ca-na-an; đã đưa dân ra khỏi Ai-cập; đã chiến thắng tất cả các dân để thừa hưởng đất Ca-na-an: “Ta đã thả ong bầu bay đi trước các ngươi; chính ong bầu chứ không phải cung kiếm của các ngươi đã đuổi chúng. Ta ban cho các ngươi đất các ngươi đã không vất vả khai phá, những thành các ngươi đã không xây mà được ở, những vườn nho và vườn ô-liu các ngươi đã không trồng mà được ăn” (năm lẻ).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en được Ê-dê-kiên ví như tình yêu giữa một người con trai và một người con gái. Người con gái xấu xí bị vứt bỏ và chê cười. Chúa đã cứu về, nuôi sống, và làm cho trở nên xinh đẹp. “Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của ngươi; nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu toả trên ngươi”. Nhưng khi được xinh đẹp người con gái liền phản bội. “Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi đề đàng điếm và hoang dâm với mọi người khách qua đường”. Tuy thế Chúa vẫn trung tín và yêu thương. Vì đã giao ước. “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu” (năm chẵn).

Chúa muốn hôn nhân là hình ảnh của Chúa. Hình ảnh tình yêu. Hình ảnh giao ước. Hình ảnh trung tín. Chỉ có tình yêu thật mới trung tín với giao ước đến muôn đời. Chỉ có tình yêu thật mới tha thứ mãi mãi. Tình yêu thật chỉ có trong Chúa. Và như Chúa. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12).

 

Suy Niệm 3: Vấn Ðề Ly Dị

Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi.

Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.

Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. "Ai có thể hiểu được thì hiểu", ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.

Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Xin Chúa canh tân tình yêu chúng ta, cho tình yêu chúng ta hòa nhập vào tình yêu thần thiêng của Chúa, để chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta theo đúng chương trình của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thủy Chung Trong Hôn Nhân

Cách đây vài năm, không những hai miền nam bắc Triều Tiên mà có lẽ cả thế giới cùng khóc trước cảnh tượng hai trăm người già của từ hai miền của đất nước bị chia cắt từ năm mươi năm nay gặp lại nhau, ôm chầm lấy nhau, chan hòa trong tiếng khóc và niềm vui đoàn tụ. Theo thống kê, có khoảng ít nhất bảy triệu gia đình Nam Hàn có liên hệ máu mủ với Bắc Hàn. Trừ một số nhỏ đã được đoàn tụ tại những nước thứ ba, phần lớn các gia đình Triều Tiên đều bị ly tán kể từ cuộc chiến tranh nam bắc hồi năm 1953. Gia đình đổ vỡ và ly tán vẫn là một trong những nỗi đau lớn nhất trong cuộc sống con người.

Không riêng gì chiến tranh, nạn ly dị mà chúng ta đang chứng kiến trong hầu hết các xã hội đương đại đã và đang là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vết thương khó hàn gắn nhất trong lòng người. Gia đình đứng vững, xã hội mới ổn định. Nhưng gia đình chỉ có thể đứng vững khi được xây dựng trên ý muốn của Ðấng Tạo Hóa về định chế hôn nhân mà thôi. Ðây là đạo lý mà Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cùng nhau ôn lại qua đoạn Tin Mừng hôm nay.

Câu hỏi mà những người biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu gợi lại cuộc tranh luận giữa các trường phái Do Thái về luật cho phép ly dị được Môsê qui định trong sách giới luật. Luật Môsê cho phép người đàn ông bỏ vợ, nếu tìm thấy nơi vợ một thứ tì ố kín đáo nào đó. Các trường phái có khuynh hướng phóng khoáng giải thích rằng nếu một người chồng gặp một người đàn bà khác đẹp hơn và nhận thấy vợ mình xấu xí đến độ nhờm tởm, người đàn ông ấy được phép bỏ vợ. Những người có chủ trương nhiệm nhặt thì cho rằng một tì ố đáng khinh tởm nơi người vợ chỉ có thể là hành động ngoại tình mà thôi.

Như vậy, đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu, các biệt phái chỉ có ý gài bẫy Ngài, họ muốn Ngài phải đứng hẳn về một trong hai lập trường trên đây. Nhưng Chúa Giêsu đã tránh được cái bẫy do các biệt phái cài ra khi tuyên bố rằng Ngài hoàn toàn chống lại việc ly dị, dù bất cứ lý do nào. Trích dẫn sách Khởi Nguyên, Chúa Giêsu chứng minh rằng ngay từ đầu, Thiên Chúa muốn rằng vợ chồng phải nên một với nhau như một thể xác. Ðây là ý muốn minh thị của Chúa. Không có quyền bính nào trên trần gian này có thể đảo lộn ý muốn ấy của Ðấng Tạo Hóa. Qua khẳng định này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng hôn phối không chỉ là một giao ước giữa người nam và người nữ, mà còn là một thể hiện của chính ý muốn của Ðấng Tạo Hóa. Duy chỉ có ý muốn của hai người phối ngẫu chưa đủ để làm nên hôn phối, mà còn phải có ý muốn của chính Thiên Chúa. Nên vợ nên chồng không phải là nên một với nhau, mà còn là nên một với Thiên Chúa, hay đúng hơn, chỉ trong Thiên Chúa, hai người phối ngẫu mới thực sự nên một với nhau. Do đó, phá vỡ hôn ước, ly dị không chỉ là xé bỏ giao ước giữa hai con người, mà chính là chối bỏ chính Thiên Chúa.

Tựu trung, ly dị hay ngoại tình là phản bội chính Thiên Chúa; Khi Thiên Chúa bị loại ra khỏi tâm hồn thì dĩ nhiên con người cũng sẽ dễ dàng phản bội và loại trừ người khác. Và ngược lại, mỗi lần chúng ta phản bội hay loại trừ tha nhân, chúng ta cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa một cách thâm sâu đến độ xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Thiên Chúa; và chối bỏ Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với chối bỏ con người. Suy gẫm về sự thủy chung trong đời sống hôn nhân, chúng ta cũng nghĩ đến tình yêu trong mọi quan hệ giữa người với người. Về điểm này, lời của thánh Gioan nên được chúng ta tâm niệm và đem ra thực hành: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Người ngoại tình.

Những người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, cò được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ,” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt. 19, 3-4. 6)

“Những người biệt phái này điên rồ” Ôbelix nói thế. Từ khi họ thử gài bẫy Đức Giêsu, họ biết họ thất bại vì Đức Giêsu luôn trưng Thánh Kinh để trả lời họ.

Hạng đực rựa. (Le mâle)

Đoạn này cho ta thấy xã hội đực rựa thời đó. Chỉ có đàn bà là kẻ phạm tội ngoại tình, bị dãy bỏ. Đàn ông không có tội gì! giờ đây Đức Giêsu nhắc nhở họ phải tôn trọng người nữ, bình đẳng trước pháp luật và đàn ông cũng phải có trách nhiệm “ Kẻ dẫy vợ cũng phạm tội như kẻ cưới người đàn bà bị dẫy bỏ.”

Người ta thấy các tông đồ phản ứng: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ thì hơn.”

Ngày nay cũng không khác gì thời Đức Giêsu người ta không nói đến dẫy vợ nữa, nhưng nói đến ly dị, không bàn tán đến kết hôn nữa, nhưng nói đến tự do sống chung.

Người nam.

Giáo huấn của Đức Giêsu chính là luật tự nhiên. Sự kết hợp giữa hai người để xây dựng tốt hơn: hoàn toàn tôn trọng nhau. Đàn ông hay đàn bà không phải là máy móc để hành lạc hay con rối kỳ cục để thỏa mãn. Thời các tông đồ phản ánh ít nhiều thế. Chúa đã nhắc nhở họ nhớ đến phẩm giá là người. Thời đại chúng ta hầu như theo cái thứ luân lý buông thả. Chúa nhắc nhở chúng ta nhớ đến luật thương yêu tôn trọng lẫn nhau.

Chúa còn đi xa hơn về đời sống độc thân tự nguyện, phải kính trọng người khác và bản thân mình! Chúa không nghĩ phải khấn bậc tu trì. Nhưng, thời người đã có những người đáp lại tiếng gọi trở nên chứng nhân của đời sống vĩnh cửu, trường tồn.

J.M

 

Suy Niệm 6: Hãy sống chung thủy trong tình yêu

Xem lại CN 27 TN B, Thứ Sáu tuần 7 TN.

 “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?"                                    

Đây là một câu hỏi rất thâm độc của những người Pharisêu. Họ dùng phương pháp: “Nhất tiễn diệt song điêu”, tức là gài bẫy Đức Giêsu. Cái bẫy mà hôm nay họ đưa ra cho Ngài rất giống chuyện người đàn bà phạm tội ngoại tình mà họ nhờ Đức Giêsu phân xử, hòng tìm cách bắt Ngài.

Tại sao vậy? Thưa: Khi hỏi Đức Giêsu:  “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?". Câu hỏi này được cất lên lại nằm trong vùng địa lý, đặc trị của Hêrôđê Antipas. Ông vua này mới ly dị vợ để lấy Hêrôđia, vợ của anh mình là Philipphê I. Ông ta đã bị Gioan Tẩy Giả phản đối và cuối cùng Gioan đã bị giết chết dưới sự độc ác của vua. Ý tưởng thâm độc của họ là: nếu Đức Giêsu đồng ý cho ly dị, thì trái ngược với Gioan và dân chúng sẽ phản đối vì họ rất tôn kính Gioan. Còn Nếu Đức Giêsu phản đối luật ly dị, thì sẽ bị chặt đầu như Gioan, và đồng thời nghịch lại với luật Môsê.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không vướng vào cái bẫy của họ. Nhưng qua đây, nhân cơ hội này, Ngài đã giải thích cho họ hiểu vì sao luật Môsê cho phép ly dị. Câu trả lời của Ngài đã dựa vào Kinh Thánh: "Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Còn việc tại sao ông Môsê cho phép ly dị là vì: ‘các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ’”. Cũng nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã tái xác định luật hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly".

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và không bao giờ xa lìa Giáo Hội.

Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa se kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình".

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho đời sống hôn nhân ngày nay được ấm êm và hạnh phúc. Xin cho chúng con hiểu rằng: vì yêu thương mà Chúa đã chết vì chúng con, đến lượt chúng con cũng phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương Giáo Hội. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Bất khả phân ly của ơn gọi hôn nhân

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu khẳng định tính cách bất khả phân ly của ơn gọi hôn nhân. Chúa cũng mời gọi sống độc thân để phục vụ Nước Trời. Ngài mời gọi ta hãy sống chứng nhân trong bậc sống mình.

Cầu nguyện: Lạy Cha, thật là hồng ân lớn lao khi trong xứ đạo có bao gia đình công giáo sống hạnh phúc ấm êm. Cha mẹ hy sinh quên mình, yêu thương lo lắng cho con cái, những người con ngoan hiền yên vui dưới mái ấm gia đình, đặc biệt vợ chồng trung thành với nhau suốt đời: đó là nét son nổi bật làm rạng rỡ cho ơn gọi hôn nhân công giáo. Họ là những đóa hoa tươi đẹp đáng khâm phục điểm tô cho Hội Thánh và nhân loại. Họ là ngọn hải đăng soi đường cho con thuyền của các gia đình khác.

Lạy Cha, các gia đình chúng con đang chịu áp lực của xã hội tiêu thụ, của khuynh hướng tự do khoái lạc, của khuynh hướng thế tục. Những đổi thay đang làm cho những giá trị truyền thống của gia đình bị chao đảo lung lay. Những rối loạn ấy đang phá vỡ kế hoạch của Cha về ơn gọi gia đình.

Xin cho các vợ chồng công giáo chúng con biết sống trung thành yêu thương nhau suốt đời. Xin Cha ban ơn giúp chúng con biết quên mình, biết nhịn nhục và tôn trọng nhau, biết chấp nhận và tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót của nhau.

Xin dạy con biết nhìn hoàn cảnh của những gia đình đổ vỡ với trái tim cảm thông cứu giúp, chứ không lên án loại trừ. Xin Cha giúp họ sớm hàn gắn vết thương và tìm lại được niềm vui.

Và từ gia đình, Cha mời gọi một số người hiến thân trong đời sống tu trì để chuyên lo việc phục vụ Nước Trời. Họ là những điểm sáng ánh lên tình yêu của Cha giữa trần thế. Xin cho các tu sĩ luôn trung thành với ơn gọi cao cả ấy. Amen.

Ghi nhớ: “Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.

 

Suy Niệm 8: Không được phân ly

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khi Đức Piô X đắc cử giám mục Mantua, một ngày kia ngài về thăm mẹ. Chuyện trò vui vẻ một hồi lâu và trong khi nói chuyện, ngài vui cười chỉ cho mẹ thấy chiếc nhẫn của giám mục.

Bà mỉm cười, đưa bàn tay chai cứng phô chiếc nhẫn cưới mỏng manh, mộc mạc. Bà nói: “Không có chiếc nhẫn này sẽ chẳng có chiếc nhẫn giám mục của con”.

Suy niệm

Tình yêu hôn nhân được nuôi dưỡng sẽ hợp nhất giữa hai người nam và nữ, tình yêu này bền vững trăm năm khi được Thiên Chúa chúc phúc và ràng buộc: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19:6).

Thánh Phaolô còn nhấn mạnh: “Sự kết hợp này là một mầu nhiệm cao cả; như tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Tình yêu của một người nam và một người nữ, được chỉ thị bởi Chúa Kitô, tham dự vào chính tình yêu của Ngài dành cho Giáo hội và trở nên một dấu chỉ của tình yêu này giữa thế gian (x. Ep 5,21-33). Đó là sự ràng buộc thánh khiến họ gắn kết với nhau như lời tuyên thệ hôn nhân: Hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời tôi.

Nghĩa là dù ở tình trạng sức khỏe như thế nào, sự chung thủy vẫn tồn tại nơi tâm hồn của những người mang nghĩa vợ tình chồng. Chính vì cao đẹp như thế tình yêu gia đình là dấu chỉ của tình yêu vĩ đại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi như Giáo hội khẳng định: ”Gia đình diễn tả cho các thành viên của mình mầu nhiệm của tình yêu Ba Ngôi ở giữa lòng thế giới. Nó có thể được gọi là một “Bí Tích” của tình yêu Thiên Chúa…, nơi mà người ta trước hết có kinh nghiệm về yêu thương và học biết cách yêu thương và cầu nguyện” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 46). Dù được Thiên Chúa chúc phúc và ràng buộc, nhưng tình yêu phải được gìn giữ dưỡng nuôi bên hai người bằng sự dấn thân hết mình vì tình yêu. Vì hạnh phúc của gia đình, điều cần thiết và là nền tảng: Người chồng trong cách đối xử luôn tế nhị và yêu thương, nâng đỡ chia sẻ những niềm vui và thất bại của cuộc sống với vợ mình thể hiện qua câu ca dao:

Cơm này nửa sống nửa khê

Vợ đơm chồng nếm chẳng chê cơm này.

Điều này rất hợp với lời dạy của thánh Phaolô: “Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,19). Ngược lại, người vợ là niềm vui và nỗi chia sẻ nặng nhọc lo âu của chồng qua cử chỉ chăm sóc, nụ cười tình yêu làm những nỗi nặng nhọc lo âu nơi người chồng tan biến:

Ra đường lắm chuyện bực mình

Về nhà gặp vợ cười tình cũng vui.

Những gì trên đây mà cha ông ta dạy về gia đình rất hài hòa với giáo huấn của thánh Phaolô khuyên các gia đình “anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại... chịu đựng và tha thứ... và trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14)

Nghĩa vợ chồng luôn được vun trồng nơi cả người vợ lẫn người chồng, cả hai cùng vượt qua những vui buồn trong cuộc sống. Những khó khăn gian nan không hề làm cạn nghĩa vợ tình chồng. Bí quyết để nghĩa vợ chồng luôn bền vững là trao cho nhau tình yêu như lời dạy và gương sống của Đức Kitô: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Ý lực sống:

Đã rằng là nghĩa vợ chồng

Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời. (Ca dao)

 

Suy Niệm 9: Chung thủy trong hôn nhân

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu khẳng định luật nguyên thuỷ của hôn nhân là một vợ một chồng: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”, thế mà con người ngày nay đang đi ngược với luật Chúa. Biết bao cảnh gia đình tan rã, vợ chồng phân ly không ngừng diễn ra trên thế giới. Điều đó cho thấy con người đang đánh mất dần ân sủng và hiệu quả của Bí tích Hôn phối. Đức Giêsu còn nhấn mạnh tự nguyện sống độc thân trọn vẹn để phục vụ Nước trời. Đó chính là ơn gọi sống đời dâng hiến, một ơn gọi cao quí Thiên Chúa ban riêng cho người Chúa chọn.

Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Maisen được ghi trong sách Thứ luật 14,1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phải Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi. Những người biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thuỷ của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Đời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không phải do con người thiết định. Maisen cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy (Mỗi ngày một tin vui).

Đọc trong Tân ước chúng ta thấy thánh Phaolô đã không ngần ngại coi mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người như một hôn ước, và Thiên Chúa cũng được mô tả như một người chồng chung thuỷ. Như vậy, dù sống trong bậc vợ chồng hay khấn giữ độc thân, bất cứ ai cũng được mời gọi sống chung thuỷ với Thiên Chúa. Khi vợ chồng phản bội nhau, họ không những thất tín với nhau, mà còn phản bội với Thiên Chúa nữa. Khi một người khấn giữ độc thân vì Nước trời, lỗi lời thề hứa của họ là họ đã phản bội Thiên Chúa. Vậy nếu hình ảnh Thiên Chúa đã được khắc ghi trong con người, thì mỗi lần con người chối bỏ hình ảnh ấy, con người đã phản bội Thiên Chúa. Con người có thể chối bỏ hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình, cũng như phản bội lại Thiên Chúa khi bắt tay với thần dữ, để phạm tội hoặc xúc phạm đến nhân phẩm của người khác (R.Veritas).

Lời bài hát “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm đổi thay, dù tình ta nghi nan hững hờ, thì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” nhắc nhở ta điều vẫn diễn ra trong lịch sử cứu độ đầy yêu thương của Chúa: con người dù có luôn bất tín và phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tín trung thực hiện giao ước của Ngài đã ký kết để cứu độ dân Ngài. Sự trung tín của đôi vợ chồng trong giao ước hôn nhân được đặt nền tảng trên lòng trung tín của Thiên Chúa như mẫu mực. Đến lượt họ, qua việc sống chung thuỷ yêu thương nhau trong đời sống vợ chồng, họ lại trở thành chứng nhân loan báo sự trung thành của Thiên Chúa Tình yêu (5 phút Lời Chúa).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích hôn nhân trong Giáo hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do loài người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và chung thuỷ với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo hội và không bao giờ lìa xa Giáo hội. Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa sẽ kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà lấy vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

Truyện: Chung thuỷ trong hôn nhân

Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần Lan. Vì bị buộc tội phản loạn, vua Phần Lan xử Vasa với bản án tù chung thân.

Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà được chia sẻ số phận tù đày với chồng bà.

Vua Phần Lan lúc đó là Hériste đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:

- Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa không?

- Thưa hoàng thượng có.

- Và ngươi có biết rằng, nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa, mà bị đối xử như một tên phản loạn không?

- Thưa hoàng thượng biết, cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quân này vẫn là chồng của tiện nữ.

Đức vua ngắt lời bà:

- Nhưng mà giờ đây, còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa đâu? Ngươi được tự do mà.

Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:

- Xin hoàng thượng đọc cho.

Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ “mors sola”, nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi.

Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng, sống trong ngục, chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường, cho đến khi vua Hériste qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.

 

Suy Niệm 10: Nguyên tắc hôn nhân bất khả ly

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt:

Các chương 19-23 (Từ hôm nay đến Thứ Tư tuần 21) tường thuật những việc xảy ra trong giai đoạn Chúa Giêsu và các môn đệ hành trình từ Galilê tiến lên Giêrusalem. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chịu nạn và phục sinh nên rất quan trọng. Ý tưởng lớn là triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

A. Hạt giống...

Vấn đề ly dị:

- Những người pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”: Khi đó có 2 lập trường: lập trường của trường phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng; lập trường của trường phái Shammað thì khắt khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít trường hợp. Biệt phái biết vấn đề này gay go nên đem ra gài bẫy Chúa Giêsu. Ngài trả lời thế nào cũng có thể bị kết án: hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.

- Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích hai đoạn trong sách Sáng thế (St 1,27 2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được li dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

- Những người pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đnl 24,1, nội dung là cho phép ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.

- Chúa Giêsu nhận định về câu Đnl đó: bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật nhưng chỉ là lời cho phép chuẩn miễn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế trong quá khứ nếu có cho phép ly dị thì chỉ là chuẩn miễn thôi. Sự chuẩn miễn không huỷ bỏ được định chế hôn nhân.

- Rồi Ngài lặp lại nguyên tắc hôn nhân bất khả ly: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

B.... nẩy mầm.

1. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình không phải thuần tuý thuộc ý muốn con người nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. Người kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thuỷ của Ngài khi tạo dựng con người ("Mỗi ngày một tin vui")

2. Một trong những đền thờ cổ nói lên tinh thần của người Rôma thời xưa, đó là đền tờ dâng kính Nữ thần hòa giải. Khi hai vợ chồng bất hòa, người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ: mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong đời sống gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường: sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần ("Mỗi ngày một tin vui")

3. “Sự gì mà Thiên Chúa đã liên kết thì loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)

“Rầm...!!!” Cái tivi, vật dụng cuối cùng bị đập vỡ, tiếp đó là tiếng cãi vã, xô xát của hai vợ chồng. Những tiếng khóc đầy sợ hãi của mấy đứa trẻ:

- Hu hu! Ba má ơi đừng đánh nhau nữa!!!

- Hu hu! Ba má ơi đừng bỏ tụi con!

Thì ra Ba má chúng sắp ly dị. Đó là tất cả những gì mà tôi đang chứng kiến ở một gia đình hàng xóm.

Hôn nhân là một phép bí tích mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người với đầy đủ tự do và trách nhiệm. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ... Đây chính là cái đích thực của hôn nhân và trong cái đích thực đó con người mới nhận ra được giá trị của tình yêu, của nhân cách chân thiện mỹ.

Thế nhưng trong cuộc sống vội vã hôm nay, con người thường lao theo dòng chảy của nó. Họ yêu cuồng sống vội. Hôn nhân có khi chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt... Hôn nhân khác nào một cuộc chơi: thích thì lấy nhau không thích thì ly dị.

Lạy Chúa, xin cho tất cả những người đang sống đời hôn nhân biết trân trọng và gìn giữ hôn ước mà họ đã cam kết; và giây hôn phối mà Chúa đã kết hợp, ràng buộc. (Hosanna)

 

Suy Niệm 11: Định chế đơn hôn và vĩnh hôn

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19,3).

Chúa Giêsu trả lời bằng một trích đoạn sách Sáng Thế (St 1,27-2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

Những người Pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đệ nhị luật 24,1: Nội dung cho phép là ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.

Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận định về câu Đệ Nhị Luật đó: Bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật, nhưng chỉ là lời cho phép miễn chuẩn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế, trong quá khứ, nếu cho phép ly dị thì chỉ là miễn chuẩn thôi. Sự miễn chuẩn đó không hủy bỏ được định chế hôn nhân.

Rồi Ngài lại lập nguyên tắc hôn nhân bất khả phân ly: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác, là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9).

2. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ, Chúa còn nâng bậc hôn nhân lên hàng bí tích. Qua bí tích hôn nhân, Chúa ban cho đôi hôn nhân muôn vàn ơn sủng để hai người có thể chu toàn được bổn phận của mình.

Thế nhưng, nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta không khỏi không lo lắng. Có nhiều cuộc hôn nhân không còn giữ được những giá trị tốt đẹp như ngày trước. Đó là những cuộc hôn nhân thiếu suy nghĩ, yêu cuồng sống vội. Có khi hôn nhân chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân chẳng khác gì một cuộc chơi, thích thì lấy nhau, không thích thì ly dị.

Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho tất cả các gia đình, nhất là cho các bạn trẻ sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, để họ ý thức được hôn nhân là một việc quan trọng, nên phải chuẩn bị và nhất là biết suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi chọn lựa, để rồi khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân họ luôn giữ được lòng trung thành.

Và giả như sau khi kết hôn, có những sự bất đồng, những va chạm, thì hãy tìm cách hoà giải cho êm thoả.

Ở bên Rôma có một ngôi đền thờ cổ. Đây là ngôi đền dâng kính nữ thần hòa giải. Ngay cái tên gọi ngôi đền này, đã nói lên tinh thần rất quí trọng của người Rôma thời xưa. Khi hai vợ chồng nào bất hòa với nhau thì người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ: Mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường: Sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần (trích Mỗi ngày một tin vui).

Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần lan.

Vì bị buộc tội phản loạn, vua Phần lan đã xử Vasa với bản án tù chung thân.

Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà được chia sẻ số phận tù đày với chồng bà.

Vua Phần lan lúc đó là Hériste đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:

- Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa không?

- Thưa hoàng thượng có.

- Và ngươi có biết rằng, nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa mà bị đối xử như một tên phản loạn không?

- Thưa hoàng thượng biết, cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quan này vẫn là chồng của tiện nữ.

Đức vua ngắt lời bà:

- Nhưng mà giờ đây, còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa đâu? Ngươi được tự do mà.

Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:

- Xin hoàng thượng đọc cho.

Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ “mors sola”: Nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi. Giao ước ấy bà đã ký kết với chồng ngày hai người thành hôn.

Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng, sống trong ngục tối tăm, chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường, cho đến khi vua Hériste qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.

Lạy Chúa, xin cho tất cả những người Chúa đã đưa vào cuộc sống đời hôn nhân, được luôn trung thành bên nhau. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 1,539)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,807)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,596)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,710)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,919)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,103)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,409)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,045)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,031)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư 20/03/2024 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính. (19/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,939)

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới