Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 17/03/2023 – Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay. – Giới Răn Trọng Nhất.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,627
  • Ngày đăng: 16/03/2023 10:00:00

Giới Răn Trọng Nhất.

17/03 – Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay.

"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người".

 

Lời Chúa: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?"

Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".

Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Điều răn đứng đầu

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật,

các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu.

Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema,

kinh này được người Do thái đọc sáng chiều mỗi ngày:

“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi,

tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4).

Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29).

Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa.

“Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18).

Và Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).

Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh.

Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến.

Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân:

đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do thái cách đây hai ngàn năm.

Đó cũng là câu trả lời của Ngài cho các Kitô hữu hôm nay.

Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống.

Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30).

yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác,

vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo.

Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước.

Ăn ngay ở lành không đủ.

Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành.

Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân.

Thương người như thể thương thân.

Nhưng đối với tôi thương thân là gì? Tôi cần gì trong cuộc sống?

Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ…

Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.

Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu.

Ông hỏi, nhưng không có ý thử Ngài.

Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí.

Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ,

dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa.

Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu.

Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình

để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó.

Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn,

nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Yêu thương là lẽ sống

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người Do thái có một rừng luật. Và họ bị lạc lối trong rừng. Không biết điều luật nào là chính. Hôm nay Chúa cho họ biết những điều cơ bản nhất trong luật. Biết nguyên tắc cơ bản, nội dung thiết yếu và cách thế để tuân giữ lề luật.

Nguyên tắc cơ bản là luật để sống chứ không phải để giữ. Khi sống người ta làm chủ lể luật. Khi giữ người ta làm nô lệ cho lề luật. Biết luật để sống ta sẽ đi tìm luật như đi tìm không khí để thở, nước để uống.

Vì luật để sống, nên yêu mến Chúa hết lòng hết sức lực hết trí khôn là điều tự nhiên và cần thiết. Vì Thiên Chúa sinh thành ra ta. Người ban sự sống cho ta. Tất cả những gì ta có, ta là, đều bởi Chúa. Vì thế mến Chúa là điều luật quan trọng nhất. Ta giữ điều đó là vì chính ta chứ không phải vì Chúa.

Nhưng yêu mến Chúa chỉ được chứng tỏ bằng yêu mến tha nhân. Khi hiểu rằng Thiên Chúa và tha nhân thực sự cần thiết cho đời sống, cho hạnh phúc của ta, ta sẽ giữ hai điều răn này một cách dễ dàng. Cũng như ta tự nhiên tha thiết giữ gìn sức khỏe, giữ gìn tính mạng của mình vậy.

Nếu hiểu luật chính là để sống ta sẽ càng yêu mến Thiên Chúa. Càng yêu mến Thiên Chúa sự sống càng tràn đầy sung mãn nơi ta. Chính vì muốn ta đạt đến sự sống sung mãn nên Chúa Giêsu mời gọi ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hết tâm hồn và hết trí khôn.

Hiểu biết Thiên Chúa là lẽ sống, là nguồn mạch hạnh phúc, ta sẽ chẳng còn vương vấn thế gian. Biết Thiên Chúa là nguồn sức mạnh, ta sẽ chẳng còn cậy dựa vo thế lực trần gian, như Ít-ra-en đã từng cậy dựa vào thế lực của Át-sua

Không vương vấn thế gian, nhưng ta sẽ yêu mến thế gian, yêu mến tha nhân vì Chúa. Đó không còn là tình yêu thế gian, nhưng ta yêu thế gian, yêu tha nhân bằng tình yêu của Chúa. Như thánh Phao-lô nói: Từ nay tôi không còn biết người nào, điều gì theo xác thịt, nhưng là trong Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh.

 

Suy Niệm 3: Giới Răn Trọng Nhất

Sau thế chiến thứ nhất 1914-1918 và thế chiến thứ hai 1939-1945, nhân loại đã rất lo sợ chiến tranh, và mong ước có một thế giới hoà bình, yêu thương. Người ta đã lập ra những hội khác nhau, như Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, để kiểm soát và ngăn ngừa thế chiến thứ ba, vì nếu thế chiến thứ ba xảy ra, thì với những vũ khí tối tân, qui mô chắc chắn nhân loại sẽ bị huỷ diệt. Người ta kêu gọi hoà bình khắp nơi trên thế giới. Tôn giáo cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hoà bình.

Trong Tin mừng hôm nay, một luật sĩ đã hỏi Chúa Giêsu trong các giới răn, điều nào trọng hơn cả. Chúa Giêsu đã trả lời: “Giới răn trọng nhất là ngươi hãy yêu mến Chúa hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”. Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chúa tể vũ trụ, cho nên không được tôn thờ một Chúa nào khác. Ngài là Chúa hay ghen, nghĩa là không chấp nhận chia sẻ tình cảm cho bất cứ một ai khác. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì họ sẽ yêu chủ này mà ghét chủ kia” và ngược lại. Ngài đòi hỏi một sự trung thành trong tình yêu đối với Ngài.

Giới răn thứ hai, đó là “ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi”. Chúng ta tin Chúa ngự trong tâm hồn và chúng ta tuân giữ giới răn thứ nhất là yêu mến Ngài trên hết mọi sự, thì cũng phải giữ giới răn thứ hai vì có Chúa ở trong mọi người. Kinh thánh đã xác định với ta: nếu ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em, thì đó là kẻ nói dối.

Tất cả chúng ta đều thuộc mười giới răn Thiên Chúa được gồm tóm trong hai điều này là mến Chúa và yêu người. Mười giới răn Thiên Chúa ban cho con người qua Môsê trên núi Sinai tóm trong hai ý đó, và hôm nay được Chúa Giêsu lặp lại qua câu đáp trả cho người luật sĩ.

Chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, mỗi ngày trở thành anh em với nhau, con cùng một Cha trên trời hơn. Ở đây tác giả tập sách Đường Hy vọng nhắn nhủ như sau:

“Bác ái là sinh ngữ số một mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và của thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên thiên đàng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp những phiền phức, những thách thức đòi buộc lòng bác ái của chúng ta phải mở rộng ra. Bác ái không có biên giới, nếu có biên giới thì không còn là bác ái nữa. Chúng ta cần một con tim rộng mở như Chúa để có thể yêu thương như Ngài và với Ngài”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Một câu hỏi, hai câu đáp

“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. (Mc. 12, 28b-31)

“Một luật sĩ hỏi Đức Giêsu: Giới răn nào trọng nhất? Người đáp: Anh phải yêu mến Thiên Chúa, là Chúa anh và yêu mến người lân cận anh, không còn giới răn nào lớn hơn hai điều đó”.

Chúng ta thấy đây là toàn thể mầu nhiệm nhập thể: Con Thiên Chúa làm người để làm vinh quang Thiên Chúa bằng cứu độ nhân loại. Chính khi giải thoát con người khỏi vòng nô lệ mà chúng ta làm sáng danh Chúa. Anh em của chúng ta là mọi người, đó là con đường độc nhất nối kết chúng ta với Chúa Cha. Lý do này đủ giúp ta yêu người với hết trái tim ta. Câu đáp này của Đức Giêsu là một lời giải phóng cho người luật sĩ và cả cho chúng ta nữa. Nơi dân Do thái, tôn giáo được phát triển ngày càng theo chiều chủ nghĩa thuyết duy luật lệ, nghĩa là cứ giữ luật lệ nhiều là được cứu rỗi. Luật Tôra có 613 điều. Người ta không thể làm sao tóm tắt lại cả được, cũng không biết đâu là bến bờ, không biết đi về đâu nữa.

Nếu Đức Giêsu mạnh mẽ chống đối biệt phái, chỉ vì thái độ tôn thờ pháp luật đã trói buộc con người. Tình yêu của Thiên Chúa đã bị hóa thành vong thân làm hủy hoại con người.

Ngôi lời Thiên Chúa đã hóa thành xác thân. Tình yêu của con người không đòi buộc phải thoát xác. Mỗi khi Giáo hội tập họp mọi người để cử hành Thánh lễ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và mọi người là để nói lên rằng chỉ có những con người đoàn kết trong tình yêu mới thực sự làm sáng danh Thiên Chúa.

Có người nói: “Phúc cho tôi có Thiên Chúa như lòng tôi mong, cho tôi biết chịu đựng thân phận làm người”. Đúng lý hơn cho ai nói rằng: “Hạnh phúc biết bao khi Thiên Chúa cho tôi có nhiều người anh em, nhờ đó, tôi có thể yêu mến Thiên Chúa biết chừng nào”.

J.G

 

Suy Niệm 5: Yêu mến bằng cả tâm hồn

 “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một mệnh lệnh của Trời.

Tin Mừng hôm nay trình thuật câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”.

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa: là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.

Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa: là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc...

Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.

Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.

Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc  “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu...”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy bằng cả lòng mến chân thành được hiện tại hóa nơi hành động của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và giữ Giới Luật của Chúa bằng cả con tim, khối óc và linh hồn, để chúng con được sự sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Hai mối tương quan: yêu mến Chúa và yêu thương nhau

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tình yêu là điều quan trọng nhất. Ơn gọi của con người là sống trọn vẹn hai mối tương quan: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều lúc con tưởng mình chẳng có tội, tưởng mình đạo đức thánh thiện. Con vẫn siêng năng đi lễ, đọc kinh ca hát, làm việc bác ái, tham gia việc tông đồ giáo dân tích cực. Và có thể con đã được nêu làm gương mẫu cho kẻ khác.

Nhưng hôm nay. Chúa cho con thấy tất cả những điều ấy không phải là quan trọng nhất. Điều Chúa mong chờ nơi con là tình yêu mến chân thành đối với Chúa và với nhau. Có tình yêu là có tất cả. Thiếu tình yêu là thiếu tất cả. Con nhớ lại lời Chúa cảnh giác con đừng giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Vâng, con đã giật mình vì quả thực vẻ bề ngoài của con tốt đẹp, nhưng lòng con lại chất chứa ghen ghét, ganh tỵ, lỗi phạm công bằng bác ái. Con đã dửng dưng trước nỗi đau khổ của tha nhân để được an thân. Ngay cả việc thờ phượng và việc tông đồ, nhiều lúc con thực hiện chỉ vì thói quen, hay vì một động lực riêng tư ích kỷ được che đậy cách khéo léo.

Lạy Chúa, xin ban tình yêu cho con. Xin Chúa Thánh Thần tràn ngập hồn con để lòng con trở thành ngọn lửa bùng cháy mến yêu. Thế giới này giá lạnh vì thiếu tình yêu nhau, cằn cỗi sắp chết vì thiếu lòng mến Chúa. Xin Chúa giúp con trong mùa chay này trở về với tình yêu và ngụp lặn trong tình yêu.

Lạy Chúa, xin giúp con sống tình yêu cách chân thành: biết yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể đối với tha nhân, để cuộc sống của con luôn đậm tình Chúa và thắm tình người. Amen.

Ghi nhớ: “Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người”.

 

Suy Niệm 7: Mến Chúa – yêu người

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Thánh Martinô có lòng mến Chúa và luôn đi đôi với lòng yêu người. Martinô coi lòng mến Chúa như động lực thúc đẩy ngài thực hiện việc yêu người. Martinô yêu tất cả mọi người dù già hay trẻ, nam hay nữ, da trắng hay da màu, quý tộc hay bình dân, bản xứ hay kiều cư, tự do hay nô lệ… Nhưng cách đặc biệt ngài dành tình yêu nhiều hơn cho những người xấu số phải sống trong những hoàn cảnh hẩm hiu về cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là đối với những người nghèo khó. Martinô hằng đem lòng bác ái rất đặc biệt mà đối xử với anh em; lòng bác ái đó phát xuất từ một đức tin toàn vẹn và một tâm hồn khiêm nhu.

Trong bài giảng của lễ phong thánh cho chân phúc Martinô Porres, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nhận định: “Qua gương sáng đời sống của mình, thầy Martinô cho thấy: Chúng ta có thể được cứu độ nhờ và nên thánh bằng con đường Đức Giêsu Kitô đã vạch ra, nghĩa là nếu trước hết chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn chúng ta, rồi sau đó nếu chúng ta yêu người thân cận như chính mình”.

Suy Niệm

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, rồi yêu người thân cận như chính mình. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho một kinh sư đến hỏi Đức Giêsu: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”. Người Do Thái có 613 khoản luật. Giữa một rừng luật như vậy, Đức Giêsu đã trả lời bằng cách nối kết từ sách Đệ nhị luật 6,5 với sách Lê vi 19,18, khi khẳng định bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất, đó là yêu mến Thiên Chúa hết sức lực có được. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa…” (Mc 12,30): Đức Giêsu đã trích Đnl 6,4-5, là một trong ba bản văn được những người Do Thái mộ đạo đọc mỗi ngày hai lần (x. Đnl 6, 4-9; 11,13-21; Ds 15, 37-41). Yêu mến Chúa hết lòng, linh hồn, trí khôn, sức lực (Mc 12,30): Đnl 6,5 nói đến lòng/tim, linh hồn sức lực (LXX: kardia, psychê, dynamis). Maccô nêu ra bốn từ lòng/tim (kardia) là khả năng ý chí, linh hồn (psychê) là khả năng trí thức, trí khôn (dianoia = sức mạnh của trí tuệ; thay vì dynamis) và sức lực (ischys = tất cả sức mạnh của tâm hồn). Như thế, nhấn mạnh rằng toàn thể con người phải yêu mến Thiên Chúa với mọi tài nguyên có thể có được. Yêu mến Thiên Chúa duy nhất với tất cả sức mạnh và khả năng ban cho con người là tổng hợp tối hậu về ý muốn của Thiên Chúa.

Dù chỉ trả lời cho điều răn thứ nhất, nhưng Đức Giêsu nói đến một điều răn thứ hai: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” rất gần với câu tục ngữ Việt Nam: “Thương người như thể thương thân”. Tình yêu chúng ta có cho chính mình được đề ra như tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu phải có đối với người thân cận. Yêu thương chính mình là chấp nhận bản thân, theo ý muốn của Thiên Chúa. Tình yêu đối với người thân cận cũng phải có cùng một bản chất với tình yêu đối với chính bản thân mình.

Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất: Yêu người thân cận như chính mình. Người thân cận là mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa tôi mới có thể yêu thương họ đến vô cùng. Hai điều răn được liên kết với nhau bởi động từ “yêu” (agapêsais). Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận như một giải thích cô đọng trên hai bia đá mười điều răn mà Thiên Chúa đã truyền cho Môisê trên núi Sinai. Chính vì thế trong kinh Mười điều răn, phán kết ghi nhận: Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy.

Thật thế, tình yêu Chúa là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu”(1 Ga 4,8). Chỉ có tình yêu Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài, thánh Gioan nhấn mạnh: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em” (1Ga 4,20).

Yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như thánh Gioan nói: “Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em” (1Ga 3,16). “Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11).

Ý lực sống: “Lệnh truyền chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô là: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình” (1Ga 4,20-21).

 

Suy Niệm 8: Giới răn trọng nhất

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Hôm nay một luật sĩ đến hỏi thử Đức Giêsu xem giới răn nào trọng nhất, Ngài khẳng định một giáo lý mới mẻ: “Mến Chúa – yêu người” là hai giới răn quan trọng nhất. Hai điều này liên kết chặt chẽ với nhau vì cùng xuất phát từ một tình yêu. Mến Chúa một cách tuyệt đối: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Tình thương đối với tha nhân cũng phải tới mức độ cao nhất: như yêu thương chính mình. Vì tự nhiên ai cũng quí trọng và yêu mến bản thân mình hơn hết.

2. Tại sao ông luật sĩ lại đến hỏi thử Đức Giêsu về điều này? Thưa, vì bộ luật của người Do thái lúc đó có 613 khoản, gồm có 248 việc phải làm, và 365 việc không được làm. Người ta khó lòng chọn được khoản luật nào cao trọng nhất. Có người thì cho là luật nghỉ ngày sabat, người cho là luật cắt bì, người cho là luật dâng của lễ, rửa tay trước khi ăn... thật khó mà chọn luật nào quan trọng nhất. Những luật sĩ và biệt phải tưởng rằng Đức Giêsu sẽ lúng túng không trả lời được.

Nhưng Đức Giêsu điềm nhiên trả lời: “Điều luật trọng nhất là: “Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Rồi Chúa nói tiếp: “Điều luật thứ hai cũng trọng không kém là “Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi”. Đó là hai luật rất quan trọng. Nhưng hai luật ấy đã bị biết bao nhiêu điều cấm đoán hay bó buộc khác lấn át làm cho nhiều người quên lãng hay không để ý tới sự quan trọng của chúng.

3. Tình yêu mà Phụng vụ đề cập đến hôm nay là một tình yêu hoàn hảo, tinh luyện, cao thượng, phổ quát và phong phú nhất. Tình yêu trong phụng vụ  chính là “Bác ái Công giáo” (Caritas). Bác ái là yêu thương một cách rộng rãi như thánh Augustinô đã nói: “Giới hạn tình yêu là không có giới hạn nào”. Đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Hai tình yêu này khác nhau chăng? Thưa không. Chẳng những hai tình yêu này không tách rời nhau mà còn quyện lấy nhau: chỉ có một. Chính tình yêu này giúp chúng ta yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân.

Theo Đức cha Arthur Tonne thì yêu mến Chúa là “ao ước làm vui lòng Chúa” và yêu tha  nhân là “làm điều thiện hảo cho họ”. Tình yêu đối với Chúa cũng như đối vói tha nhân luôn phải kèm theo những đặc tính là hy sinh, phục vụ và dâng hiến. Bất cứ làm việc gì cũng phải được thực hiện trong tình yêu thì mới có giá trị: “Ama et fac quod vis” (Thánh Augustinô): yêu mến đi rồi làm gì thì làm.

4. Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất. Yêu người thân cận như chính mình: “Yêu người như thể thương thân”. Người thân cận là hết mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa ta mới có thể yêu thương họ đến tột cùng. Hai điều răn được liên kết với nhau bởi động từ “yêu” (agapêsais). Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận như một giải thích cô đọng trên hai bia đá mười điều răn mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen trên núi Sinai. Chính vì thế trong kinh Mười điều răn chúng ta đọc trong các ngày Chúa nhật, phần kết ghi nhận: Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

5. Thật thế, tình yêu Chúa là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,7). Chỉ có tình yêu Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài, thánh Gioan còn nhấn mạnh: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em” (1Ga 4,20).

Yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như thánh Gioan nói: “Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em” (1Ga 3,16). “Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau”(1Ga 4,11).

6. Truyện: Chị nữ tu phục vụ.

Mẹ Têrêsa Calcutta kể: “Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ  với vẻ mắt vui tươi, thanh thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi và nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây với đầy lòng căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có được nghị lực để yêu tha nhân được”.

 

Suy Niệm 9: Trở về với Chúa là trở về với tình yêu

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Bài đọc 1: Ngôn sứ Hôsê kêu gọi hãy trở về với Chúa và đi theo đường lối của Ngài.

2. Bài trích Phúc Âm: Chúa Giêsu chỉ cho một luật sĩ thấy điều luật quan trọng nhất là yêu mến Chúa; điều thứ hai yêu mến tha nhân.

3. Như thế, trở về với Chúa là trở về với tình yêu. Sống tình yêu đối với Chúa và tha nhân là một cuộc sống tốt đẹp và làm hài lòng Chúa nhất, “hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ hy sinh”.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Tội là xa rời tình yêu.

- Tuân giữ mọi giới luật nhưng không yêu thương thì cũng là đi lạc.

- Dâng nhiều lễ vật mà không có tình yêu thì cũng là đi lạc.

- Huống chi trong lòng đang chất chứa giận ghét thù hằn.

2. Trở về với Chúa là trở về với tình yêu. Sự trở về đúng mức phải là:

- Yêu Chúa tới mức độ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”.

- Yêu tha nhân tới mức độ “như chính mình”.

3. Lạy Chúa, không nhiều thì ít con đã đi lạc xa tình yêu. Hôm nay con muốn quay về với tình yêu, yêu Chúa và yêu người.

4. “Bác ái là sinh ngữ số một mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và của thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên thiên đàng”. (Đường hy vọng)

 

Suy Niệm 10: Đối với Chúa, ĐẠO là yêu Chúa yêu người

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Trong Do Thái giáo, chúng ta thấy có hai khuynh hướng liên quan đến luật pháp luôn đi song hành với nhau. Một khuynh hướng muốn mở rộng tới vô hạn định, thành hàng trăm, hàng ngàn điều luật và qui tắc khác nhau. Khuynh hướng thứ hai thì cố gắng hết sức tóm tắt luật pháp lại càng gọn càng tốt, nếu cần thì chỉ trong một câu cũng đủ.

Có lần một người mới gia nhập Do Thái giáo yêu cầu thầy Hillel hãy dạy cho ông ta toàn thể luật pháp trong thời gian ông ta có thể đứng trên một chân. Câu trả lời của Hillel là:

- Điều gì ngươi ghét thì đừng làm cho người khác. Đó là trọn vẹn luật pháp, phần còn lại là nhằm giải thích.

Thầy Akiba đã nói:

- Hãy thương yêu người lân cận như chính bản thân mình, đó là nguyên tắc tổng quát và quan trọng nhất.     

Thầy Simon, biệt danh là người công chính, có nói:

- Thế giới này đứng trên ba điều: luật pháp, sự thờ phụng và hành động yêu thương.

Còn Chúa Giêsu khi trả lời câu hỏi người ta đặt ra cho Ngài, Ngài đã nhập chung hai điều quan trọng lại với nhau.

Đây là điều mới lạ. Trước đó, chưa hề có một Rabbit nào làm vậy. Như vậy, đạo đối với Chúa là yêu Chúa yêu người và Chúa cũng ngụ ý dạy rằng, phương pháp duy nhất để người ta chứng minh được mình yêu mến Chúa là yêu thương người khác.

2. Vâng! Nói thì đơn sơ như vậy, nhưng đem vào cuộc sống thì là cả một vấn đề.

Thánh Gioan Tông đồ viết: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,7-8)

Không có tình yêu, cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nhưng sống yêu thương đó mới là điều tốt đẹp làm sao!

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn của Nga:

Một hôm, có một người đàn bà khó tính qua đời. Bà ta nổi tiếng là keo kiệt, cằn cỗi, cả đời không làm điều gì tốt, cũng chẳng yêu thương ai. Những người hàng xóm biết rất rõ về tính hận thù và hay ghen ghét của bà. Khi thấy bà hấp hối lũ quỷ cảm thấy vô cùng sung sướng. Chẳng cần phải đợi kết quả của sự phán xét ra sao, chúng đã hung hăng kéo luôn bà xuống hồ lửa đang cháy hừng hực bởi vì chúng tin rằng, một cuộc sống chẳng có một chút tình thương nào như thế thì chẳng cần phải phán xét cũng biết được kết quả như thế nào rồi.

Ma quỉ thì như thế, nhưng vị thiên thần bản mệnh của bà thì không chịu như vậy. Thiên thần nhất định không chịu thua. Ngài lăng xăng chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm từ trong dĩ vãng của bà xem có thể có một chứng cứ nào có thể cứu bà khỏi hình phạt khổ hình được không. Tìm tới tìm lui, loay hoay sổ này sổ nọ mà vẫn không thấy. Không thất vọng, thiên thần còn đi vào cả dĩ vãng của cha mẹ bà để xem có phải vì hoàn cảnh nào đó mà bà trở nên một con người như vậy chăng!

Nhưng rồi cuộc tìm kiếm chỉ để lại thất vọng. Rất may, đúng phút đó, thì thiên thần nhớ lại được một cử chỉ bác ái rất nhỏ của bà: Có một lần bà đã cho người nghèo kia một cọng hành. Thế là thiên thần vội vàng đến trình diện trước tòa Chúa. Thiên thần đưa ra chứng cớ, xin Chúa cứu xét trường hợp của bà. Chúa nhân lành ưng ngay, và ra lệnh cho thiên thần hãy kiểm tra lại cái cọng hành kia. Vâng! Quả là may mắn cho bà. Cộng hành vẫn còn được lưu giữ trong kho công nghiệp.

Sau khi được phép, thiên thần dùng cọng hành biến thành dây, để kéo người đàn bà đó ra khỏi hồ lửa. Vớ được cọng hành, bà nắm thật chặt và được từ từ kéo lên.

Thiên thần kéo cọng hành một cách hết sức thận trọng. Mọi sự diễn tiến rất tốt đẹp. Người đàn bà kia hớn hở mừng rỡ, tin rằng, giờ cứu thoát đã gần đến.

Thế nhưng, trước khi được hoàn toàn giải thoát, đang lâng lâng lướt nhẹ, thì bà chợt cảm thấy như bị níu kéo lại bởi nhiều bàn tay. Bà cảm thấy mình bị đụng chạm từ nhiều chỗ: nào là gấu áo, nào là chân, nào là tay và cả lưng áo nữa. Bà vội nhìn xuống lại thì thấy nhiều linh hồn khác đang “canh-me” bám vào bà với hy vọng mình cũng được cứu. Dĩ nhiên là bà không bằng lòng chút nào. Rồi với quyết tâm không cho những con người đó bám vào mình, bà lấy hết sức mình hất tất cả những bàn tay ấy ra. Rủi thay, chính hành động đó đã làm cộng hành bị đứt ra làm hai. Thế là bà và những người khác, tất cả lại rơi thẳng xuống đáy lò lửa.

Vâng, sống yêu thương thật khó. Mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm về vấn đề này. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Nếu biết cậy dựa vào ơn của Chúa. Vì đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được. (Lc 1,37).

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 30/03/2024 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH. – Người đã sống lại thật. (29/03/2024 10:00:00 - Xem: 290)

THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH.

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 2,839)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 6,067)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,638)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,720)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,929)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,117)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,410)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,047)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,032)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới