Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 28/05/2021 – Thứ Sáu tuần 8 thường niên. – Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc.

  • In trang này
  • Lượt xem: 14,112
  • Ngày đăng: 27/05/2021 11:00:00

Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc.

28/05 – Thứ Sáu tuần 8 thường niên.

"Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa".

 

Lời Chúa: Mc 11, 11-26

 (Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: "Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa". Và các môn đệ đã nghe Người nói.

Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: "Nào chẳng có lời chép rằng: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp". Ðiều đó đến tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người ra khỏi thành.

Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi". Chúa Giêsu đáp: "Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: "Hãy dời đi và gieo mình xuống biển", mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc

Suy niệm :

Khi thánh sử Máccô viết đoạn Tin Mừng này,

thì có thể Đền thờ ở Giêrusalem đã bị phá hủy bởi quân Rôma.

Ngôi đền thờ nguy nga này được vua Hêrôđê Cả trùng tu và nới rộng,

mất 84 năm mới hoàn thành, để rồi chỉ tồn tại được vỏn vẹn 6 năm.

Đức Giêsu đã lên Đền thờ này nhiều lần, vào các dịp lễ lớn.

Đây là lần cuối Ngài lên đây giữa tiếng tung hô của đám đông.

Khi chiều tà, Ngài và các môn đệ qua đêm ở làng Bêtania gần đó.

Hôm sau, trên đường từ Bêtania trở lại Đền thờ, Ngài thấy đói.

Trông thấy từ xa một cây vả xanh tốt, Ngài lại gần để tìm trái ăn.

Nhưng tiếc thay cây này chỉ có lá thôi, vì chưa đến mùa vả.

Vậy mà Đức Giêsu lại có vẻ nổi giận,

và nói: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”

Buổi sáng hôm sau, Thầy trò lại lên Đền thờ, đi ngang qua cây vả.

Mọi người thấy nó chết rồi, “chết khô tận rễ” (c. 20).

Phêrô cho rằng cây vả chết vì bị Thầy rủa (c. 21).

Chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại rủa cây vả cho nó chết.

Nó có tội tình gì đâu, chỉ tại chưa đến mùa đó thôi!

Thánh sử Máccô đã đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ

vào ngay giữa câu chuyện đầy kịch tính về cây vả.

Điều đó khiến chúng ta không hiểu chuyện cây vả theo nghĩa đen.

Đúng là cây vả chẳng mắc tội gì khi chưa đến mùa có trái.

Nhưng khi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo cố ý từ khước Đức Giêsu,

thì họ mắc tội, như cây vả không trái.

Rốt cuộc cả họ và Đền thờ phải chịu số phận như cây vả héo khô.

Khi vào khu vực Đền thờ, Đức Giêsu giận dữ với chuyện buôn bán,

dù đây là chuyện buôn bán được phép,

ở một khu vực được phép, để phục vụ cho việc thờ tự.

Đức Giêsu đã làm một hành động rất khác thường,

đó là đuổi người buôn bán, lật bàn, xô ghế của họ (c. 15).

Thậm chí Ngài còn cấm người ta mang đồ đi qua Đền thờ (c. 16).

Chắc đã xảy ra một cuộc xô xát nhỏ, trong một thời gian ngắn.

Ngài hành động như người có quyền ở nơi thờ tự này.

Điều đó khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách giết Đức Giêsu.

Đối với Đức Giêsu, ngôi Đền thờ tráng lệ ở Giêrusalem

không còn là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc nữa (Is 56,7).

Vì giới lãnh đạo, nó đã không đạt mục tiêu Thiên Chúa muốn.

Như cây vả xanh lá, nhưng không trái, nó sẽ bị héo khô.

Ngày nay, dấu tích còn lại của ngôi Đền thờ xưa chỉ là một bức tường,

nơi người Do Thái đến than khóc.

Bài Tin Mừng hôm nay không gây sự thù ghét đối với người Do Thái.

Đúng hơn đây là một nhắc nhở nghiêm chỉnh của Đức Giêsu

đối với mọi đền thờ, nhà thờ của các Kitô hữu.

Phải làm sao để nơi thờ tự không trở thành nơi buôn bán kinh doanh.

Phải làm sao để nhà thờ thực sự là nơi cầu nguyện cho mọi người,

không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quê mùa hay trí thức.

Phải làm sao để các ngôi thánh đường ngày nay của chúng ta

khỏi rơi vào số phận của Đền thờ Giêrusalem ngày xưa,

xanh lá nhưng không trái, nên bị chết khô.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

Suy Niệm 2: PHỤC VỤ THIÊN CHÚA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Dân Do thái là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Để phục vụ Thiên Chúa. Để làm chứng về Thiên Chúa. Khi Dân Chúa không phục vụ Thiên Chúa. Họ bị biến chất. Và sẽ bị thay đổi.

Cây vả là một minh hoạ. Trong Kinh Thánh, cây vả và cây nho thường được dùng để chỉ Dân Chúa. Cây vả này không phục vụ Thiên Chúa. Không có quả khi Chúa đến tìm. Nên nó bị thay thế. Nó phải chết.

Đền thờ là một minh hoạ càng rõ nét hơn. Đền Thờ để phục vụ Thiên Chúa. Nhưng đã biến thành nơi phục vụ lợi nhuận của con người. Đó là hang trộm cướp. Vì con người cướp quyền Thiên Chúa. Vì thế nó phải được thanh tẩy. Đền thờ cũ bị thay thế. Đền thờ mới sẽ là thân thể Chúa Giê-su. Thân thể con người. Của lễ không còn phải là chiên, bò, bồ câu. Nhưng là chính Chúa Giê-su.

Con người để phục vụ Thiên Chúa. Những ai không phục vụ Thiên Chúa sẽ mau chóng tàn lụi. Những con người đánh mất căn tính. Như cây vả và đền thờ. Sẽ mau chóng tàn lụi. “Có những người không còn ai nhớ nữa. Họ qua đi như chẳng bao giờ có”. Còn những người kiên trì phục vụ Thiên Chúa. Chuyên chăm giữ vững giao ước, thực thi Lề Luật. Thì dòng dõi tồn tại. Và vinh quang chói sáng: “Các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại. Vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ” (năm lẻ).

Có biến chất là vì những ích kỷ quy về bản thân luôn là một cơn cám dỗ lớn. Vì thế thư Phê-rô khuyên nhủ ta kiên trì phục vụ Thiên Chúa. Bằng tuân giữ điều răn Chúa truyền: Hãy yêu thương. Phục vụ. Đừng phí phạm ơn Chúa. “Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa. Ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa”. Để được như thế phải kiên trì vượt qua mọi cám dỗ thử thách. Như thế, “khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ” (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Ðền thờ tâm hồn

Thiên Chúa là tình yêu, nên nơi Ngài ở không thể có đố kỵ, hận thù, oán ghét. Thiên Chúa là sự thánh thiện, nên nơi Ngài ở không thể có những dâm bôn, chè chén, tục tằn. Thiên Chúa là sự thật, nên nơi Ngài ở không thể có gian manh, lọc lừa, tham lam và trộm cướp.

Chính vì không muốn để cho con người biến Ðền Thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp, mà theo thuật trình Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tẩy uế Ðền Thờ. Ngài đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của những kẻ đổi bạc và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo: "Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp".

Ngày nay, có những ngôi thánh đường vì hậu quả của chiến tranh, hay vì lý do này lý do khác, đã trở nên hoang tàn, không còn được dùng làm nơi thờ phượng nữa. Cũng có những ngôi thánh đường nguy nga, đồ sộ, nhưng chẳng ai đến dự lễ cầu kinh nữa, mà chỉ để cho du khách đến tham quan như một di tích lịch sử, một kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh đó, tại những miền quê hẻo lánh, có những tín hữu nghèo muốn dựng lên một nhà nguyện đơn sơ để làm nơi đọc kinh cầu nguyện chung với nhau mà không sao làm được. Tuy nhiên, có một điều mà không mấy người tín hữu nghĩ tới, đó là chính tâm hồn của mỗi người là Ðền Thờ của Chúa Ba Ngôi.

Thật thế, nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Ðền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Chúa Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Ðền Thờ ngày xưa: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cắp".

Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, gian tham, lọc lừa, kiêu căng và ích kỷ, để tâm hồn chúng ta mãi mãi là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và nhờ thế, Thiên Chúa sẽ mãi mãi ở với chúng ta từ nay và cho đến muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Ít lá, nhiều trái

Hôm sau Thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giêsu thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Đời đời không còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giêsu vào đền thờ, Người bắt đầu đuổi kẻ đang mua bán trong đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của của những kẻ bán bồ câu. (Mc. 11, 12-15)

Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta có cái mà người ta gọi là một dụ ngôn thực sự, một kịch câm mang tính tiên tri. Các ngôn sứ kỳ cựu thời xưa vẫn thường hay làm những cử chỉ kịch cỡm, có vẻ chướng tai gai mắt cốt thu hút chú ý, và khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn cả ngàn bài giảng thuyết. Chúa Giêsu họa hoằn lắm mới dùng lối này. Thế mà ở đây Người lại tỏ ra chơi trội. Người nguyền rủa một cây vả không có trái! (Lúc đó có phải là mùa vả không? Tác giả không nói đến điều đó. Dầu sao cử chỉ ấy là phi lý và khác thường. Người ta vẫn dựa vào câu chuyện tẩy uế đền thờ, tiếp theo ngay sau lời nguyền rủa kỳ lạ này để soi sáng và cho cử chỉ kia một ý nghĩa. Như ta biết, nơi Chúa Giêsu, những cơn nổi giận bừng bừng như thế thường ít xảy ra trong cuộc đời của Người, thế mà trong chương mười một này của thánh Maccô, chúng ta lại có đến những hai lần liên tiếp, hẳn không phải là không có lý do.

Phải tôn trọng Đền thờ Chúa và đừng làm hư những kế hoạch của Cha

Xét cho cùng cả hai hành động của Chúa, xua đuổi con buôn khỏi đền thờ cũng như phẫn nộ với cây vả không trái đều có vẻ phi lý phần nào. Bởi lẽ thời ấy người ta công nhận thói quen buôn bán ở trong đền thờ. Những người đổi tiền ở đó một cách nào đó là cần thiết, bởi vì đồng tiền chính thức mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma không được dùng trong phượng tự, và buộc phải đổi sang một đồng tiền không dơ. Còn bọn bán chiên bò, chim bồ câu ở đó để bán những lễ vật cần cho những khách hành hương đến dâng hi lễ.Thái độ giận dữ của Chúa có một tầm mức lớn hơn người ta tưởng, lón hơn nỗi bực tức do cây vả không trái, cũng như do con buôn đền thờ gây nên. Thực ra việc dùng vũ lực và giận dữ của Chúa ở ơây là một hành động tiên tri. Chúa muốn tỏ cho biết hy lễ trong đền thờ của giao ưỡc cũ đã hết thời, phải nhường chỗ cho một đền thờ khác, nơi sẽ lập giao ước mới. Chính ở nơi bản thân Người mà từ nay Thiên Chúa tỏ ra sự hiện diện ở giữa loài người. Chính Đền Thờ mới, Thân Thể của Đức Kitô và nhà của Cha là nơi mà chúng ta cần tránh buôn bán, và tránh làm dơ bẩn.

Ngoài ra cử chỉ giận dữ của Chúa còn có một ý nghĩa đặc biệt khác; ngụ ý rằng trước mặt Thiên Chúa thực là đáng ghê tởm tất cả những gì làm biến chất cứu cánh của người và vật, làm hư hoại kế hoạch của Chúa. Ai lại đã không có lần lợi dụng lòng tốt ngây ngô của một người để khai thác họ? Ai đó lại đã không ham hố thu tích những của cải mà lẽ ra phải được chia sẻ? Những người tham lam như thế cũng đáng phải nhận những làn roi của Chúa!

Như thế chúng ta phải tỏ lòng kính trọng biết bao đối với thân thể hy tế của giao ước mới (Thánh Thể), hy tế thay thế cho lễ vật của đền thờ ngày xưa! Chúng ta phải trân trọng biết bao thân thể mầu nhiệm mà Đức Kitô là đầu và ngày nay là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người (Giáo hội)! Đó chính là đền thờ Thiên Chúa đã thiết lập, để nơi đây con người yêu mến nhau, tôn trọng nhau và chia sẻ cho nhau những của cải vật chất, tinh thần và thiêng liêng vậy.

 

Suy Niệm 5: TRẢ LẠI Ý NGHĨA ĐỀN THỜ (Mc 11, 11-25)

Khi nói đến Thiên Chúa, người ta nghĩ ngay đến bản chất của Ngài, đó là: Tình Yêu. Toàn bộ lịch sử cứu độ muốn nói lên phẩm tính đó nơi Thiên Chúa. Đến thời Đức Giêsu, từ lời nói đến hành động cũng đều nhằm diễn tả tính chân thực này.

Tuy nhiên, hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu lấy thừng làm roi, đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ và xô đổ bàn ghế của họ. Liệu cử chỉ này có bị mâu thuẫn với chính Đức Giêsu và lời dạy của Ngài trước đó không? Chúng ta cần trả lời ngay rằng: Không! Tại sao vậy?

Nếu Đức Giêsu làm lơ, thì họ sẽ hiểu sai mục đích của đền thờ và biến nó thành nơi buôn bán, gian tham, không đúng mục đích. Khi có buôn bán là sẽ có nhiều nguy cơ lọc lừa, trộm cướp...

Ngày nay cũng vậy, trong đời sống đức tin, nhiều người chỉ có vỏ mà không có chất lượng. Tức là chỉ có con người mà những phẩm tính tốt đẹp thì không có. Chỉ mang danh là Kitô hữu, còn làm chứng thì không, nên nhiều khi trong tâm hồn đủ thứ xấu xa tội lỗi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người là một đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Đền thờ ấy phải là đền thờ sống động nhờ trong trắng, không gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thanh tẩy linh hồn chúng con, để tấm lòng chúng con được sạch tội và trở nên trong trắng, ngõ hầu xứng đáng đón Chúa ngự vào trong tâm hồn mỗi ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 380)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,005)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,537)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,687)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,905)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,078)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,402)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,040)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,026)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư 20/03/2024 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính. (19/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,938)

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới