Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 27/07/2022 – Thứ Tư tuần 17 thường niên. – Kho tàng – ngọc quý.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,993
  • Ngày đăng: 26/07/2022 08:00:00

Kho tàng – ngọc quý.

27/07 – Thứ Tư tuần 17 thường niên.

"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

 

Lời Chúa: Mt 13, 44-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.

Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Vui mừng bán tất cả

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.

Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ

tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.

Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,

có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.

Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:

ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua...

Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc

hay ngần ngại giằng co.

Tất cả diễn ra thật nhanh

và tràn ngập niềm vui thanh thản.

Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào

khi chiếm được kho báu và viên ngọc.

Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.

Thái độ của hai người trên được coi là bình thường.

Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.

Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được,

có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn.

Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,

nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.

Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất,

chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này

là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc.

Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững,

Ðức Giêsu là viên ngọc quý đích thực,

chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ,

xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật.

Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ,

dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.

Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.

Bản thân tôi có thấy Ðức Giêsu là viên ngọc quý,

và Nước Trời là kho báu không?

Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình

và ngây ngất trước giá trị của chúng,

người ấy mới hồn nhiên và vui tươi

đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này

để lấy kho báu bất diệt trên trời (x. Mt 6,20).

Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn,

qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,

tôi chợt gặp Ðức Giêsu như viên ngọc ngời sáng,

hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường:

tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình

để mua lấy tình bạn với Ngài không?

Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả

thì chỉ vì ta chưa thấy.

Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,

ắt ta sẽ thấy.

Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Kho tàng trong ruộng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Có thể ngồi yên không khi biết trong vườn ruộng nhà có một kho tàng chôn giấu. Chắc chắn ai cũng phải tức khắc đào xới tìm cho bằng được. Nước Trời là kho tàng, là ngọc đẹp quí giá không gì so sánh được. Ai biết được giá trị thì sẽ dành hết thời giờ để đi tìm cho đến khi gặp được. Tìm được rồi sẽ bán tất cả những gì mình có để mua cho bằng được kho tàng đó.

Nước Trời quí giá như thế nhưng lại không ở xa, ở rất gần ta, ngay trong vườn trong ruộng nhà ta. Có lần Chúa đã nói: “Nước Trời đang ở giữa anh em”. Nước Trời ở gần để ai muốn tìm có thể thấy. Nước Trời ở gần vì vừa tầm tay mọi người. Trẻ, già, lớn, bé, giầu, nghèo, sang, hèn, quan quyền, thứ dân, thông thái, dốt nát đều có thể tìm thấy.

Nước Trời quí giá không phải vì đem đến cho ta mối lợi vật chất. Ta không chiếm được của cải nhưng được chính Chúa là nguồn hạnh phúc, là kho tàng quí giá không gì so sánh được. Chiếm được Chúa, ta trở nên một người khác, đầy tràn hạnh phúc cao quí như khuôn mặt sáng láng của Mô-sê. Chả trách Mô-sê đã từ bỏ tất cả để chỉ tìm Chúa và thánh ý Chúa thôi. Ông đàm đạo với Chúa không bao giờ chán. Đến 40 đêm ngày tức là không còn thời gian.

Nước Trời ở thật gần. Mô-sê chỉ cần đến lều Hội Ngộ là có Chúa ở đó rồi. Chúa ở đâu thì nơi ấy thành thiên đàng, thành Nước Trời. Như Phê-rô say sưa xin Chúa cho dựng 3 lều trên núi Tabor vì muốn ở lại đó vĩnh viễn sau khi được chiêm ngắm thiên đàng hạnh phúc qua cuộc Chúa hiển dung. Khi tâm hồn ta có Chúa thì thiên đàng ở trong ta. Khi trong cộng đoàn có tình yêu thương thì Thiên Chúa ở trong anh em.

Có lẽ ta giống như Giê-rê-mi-a lang thang đau khổ vì chưa gặp được Chúa. Sống lạc lõng giữa thù địch Giê-rê-mi-a nghĩ rằng hạnh phúc Chúa hứa chỉ là ảo mộng. Nhưng Chúa đã thương dẫn đường chỉ lối cho ông đến hạnh phúc là được ở trước tôn nhan Chúa: “Nếu ngươi trở về, ngươi sẽ được ở trước nhan Ta”. Hạnh phúc đó là Chúa “sẽ giải thoát ta khỏi tay kẻ dữ” và mọi người “sẽ trở lại với ngươi chứ không phải ngươi trở lại với chúng”. Và hạnh phúc tột đỉnh là khi nghe Lời Chúa, cuộc đời ta sẽ hân hoan vì được nên giống Chúa: “gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con, vì con được mang danh Ngài”.

Còn chần chờ gì nữa. Hãy đi tìm kho tàng Nước Trời. Đừng tìm đâu xa, Nước Trời ở gần ngay bên.

 

Suy Niệm 3: Kho Tàng Quý Giá

Bài thơ "Viên Ngọc Quý Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau:

Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quý. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:

- Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quý. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.

Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Bài thơ trên đây có thể minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.

Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".

Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quý giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.

Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.

Dù sống trong hoàn cảnh nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.

Nguyện xin Chúa Kitô, Ðấng chúng ta đã chọn làm gia nghiệp, luôn gìn giữ chúng ta trên bước đường theo Chúa, và củng cố chúng ta trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi lộc, cho là lãnh nhận, chết là được sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Kho Tàng Và Viên Ngọc Quý

Bài dụ ngôn về kho tàng và viên ngọc quý có thể gợi lên cho chúng ta những qui luật về đầu tư hay kinh tế thị trường.

Có một số yếu tố mà kinh tế thị trường cần phải tuân thủ mới mong thành công.

Trước hết và quan trọng hơn cả là động lực và sự hy sinh của con người. Ðây là qui luật cơ bản để cho kinh tế thành công. Thiếu sự cần cù siêng năng của con người, kinh tế không thể nào tiến.

Kế đó là sự thanh liêm và chữ tín của con người. Người đầu tư cũng như công nhân cần phải tôn trọng các khế ước mà họ đã cam kết thi hành.

Yếu tố thứ ba giúp cho kinh tế được thành công là tinh thần kỷ luật. Thời gian và những cố gắng đầu tư vào trong các dự án có khi chỉ được đền đáp trong tương lai.

Nhưng một yếu tố khác không kém phần quan trọng để giúp cho kinh tế được vững mạnh đó là sự cộng tác giữa các công nhân. Dĩ nhiên, chỉ có cộng tác thực sự khi con người biết tôn trọng nhau và lấy sự tử tế mà đối xử với nhau mà thôi.

Cuối cùng, các nhà làm luật phải thông qua luật đầu tư một cách công bình và hợp lý.

Tựu trung, kinh tế thị trường tùy thuộc rất nhiều vào các chuẩn mực đạo đức, các giá trị đạo đức không nằm bên lề của kinh tế mà là linh hồn và nền móng của kinh tế.

Tìm kiếm và xây dựng những giá trị đạo đức là nền tảng cho cuộc sống con người. Gia tài quý giá nhất để lại cho con cái không phải là của cải vật chất mà chính là chuẩn bị cho chúng một vốn liếng tri thức và đạo đức đầy đủ. Với hình ảnh của kho tàng được chôn giấu trong thửa ruộng hay một viên ngọc quý mà người ta phải bán tất cả để mua cho bằng được. Chúa Giêsu muốn nói tới tính cách triệt để của niềm tin. Tin là đầu tư và đầu tư là sẵn sàng hy sinh tất cả. Một nền kinh tế lành mạnh là một nền kinh tế được xây dựng trên chuẩn mực đạo đức. Một niềm tin vững mạnh là một niềm tin đòi hỏi con người phải sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có.

Sức sống của một Giáo Hội không được đánh giá dựa trên những ngôi thánh đường nguy nga, các cuộc biểu dương rầm rộ hay ngay cả con số đông các linh mục mà Giáo Hội chỉ có thể phong chức nhờ mặc cả bằng quà cáp hay lót đường. Nếu cốt lõi của một nền kinh tế lành mạnh là những giá trị đạo đức thì chắc chắn sức sống đích thực của một Giáo Hội sẽ chẳng bao giờ được đánh giá dựa trên những sự kiện bên ngoài, có khi chỉ là những thỏa hiệp với kết quả của trần đời và những sức mạnh của tăm tối. Sẵn sàng đánh mất tất cả vì Tin Mừng của Chúa Kitô phải chăng đó không là đòi hỏi mà qua bài dụ ngôn về kho báu và viên ngọc quý Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Giáo Hội và các tín hữu Kitô chúng ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Hai Thái Độ

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thuở ruộng ấy.”

“Nước Trời lại giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt. 13, 44-46)

Hai thái độ của con người đối với Nước Trời. trong trường hợp kho báu bị chôn vùi, đó là thái độ của một người tình cờ nhận ra được một giá trị; khá nhiều người có thái độ này đối với Đức Giêsu; họ chẳng mấy bận tâm đến chuyện gặp Chúa Giêsu; họ không đi tìm Người. Thế mà bỗng dưng họ bị Người nắm bắt, cuốn hút dường như bởi một sức mạnh không sao cưỡng lại được. Còn trong dụ ngôn viên ngọc quý, đó chính là tâm trạng của một người đang đi tìm chân lý, giống như phần đông chúng ta, như Đi-cô-đê-mô đi tìm Chúa trong đêm tối.

Hai hạng người.

Không phải chỉ là hai thái độ, hai tâm trạng mà cũng là hai “Hạng” người nữa. Trong con người cày ruộng phát hiện ra được kho báu vùi dấu trong ruộng, chúng ta gặp được hình ảnh con người của sinh hoạt đời thường; đó là con người không thắc mắc đặt vấn đề, con người “nghèo khó” chỉ biết rất ít về Chúa. Tình cờ người ấy khám phá ra Thiên Chúa và có một cái gì làm thay đổi đời sống của người ấy mà người chung quanh không hiểu biết được, người ấy “Vui mừng bán đi tất cả những gì mình có mà mua thuở ruộng ấy.” Ai có thể hay chăng tại sao người ấy lại có cử chỉ như vậy?

Còn người thương gia đi tìm ngọc đẹp gợi nhớ lại hình ảnh một người buôn bán một thứ gì quan trọng lắm, một người buôn đồ nữ trang có một vụ buôn bán quan trọng, người ấy biết đúng giá cả những mặt hàng.

Niềm vui khám phá.

Bao lâu chưa tìm gặp, con người phải mang tâm trạng xao xuyến lo âu. Nhưng khi đã gặp được rồi, thì người ta sẵn lòng cho đi tất cả miễn là dành được sự thiện vô giá ấy. Chính kho báu ấy đòi người ta phải hy sinh tất cả những gì mình có, hy sinh tất cả con người của mình thì mới có được kho báu ấy. Đó phải là một sự dấn thân hoàn toàn, một đòi hỏi triệt để. Chúa Giêsu không nhượng bộ chút nào, nhưng Người cũng tỏ cho thấy sự hấp dẫn lạ lùng của ơn cứu độ, và niềm vui vô biên dành cho người tìm gặp được ơn cứu độ ấy.

Hai dụ ngôn này còn gợi cho ta một suy nghĩ khác. Khi đã tìm được kho báu kia, viên ngọc đẹp ấy, người ta đều cảm nhận được niềm vui vô biên, khôn tả, và chính niềm vui ấy mới khiến người ta dấn thân hết sức, hết mình. Có nghĩa là phải làm tất cả để giữ mãi được niềm vui và phấn khởi của sự khám phá này.

Có được Thiên Chúa là có được tất cả, chỉ mình Chúa là đủ rồi. Người ta có thể hiểu được chân lý này nhờ kinh nghiệm mà thôi.

 

Suy Niệm 6: Kho tàng và viên ngọc quý

Xem lại CN 17 TN A

Thánh Phanxicô X. là con một người giàu có. Ngài thuộc thành phần quý tộc. Vì thế, không lạ gì khi còn trai trẻ, thánh nhân ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng trần gian! Tuy nhiên, nhờ người bạn thân của ngài là thánh Inhaxiô Loyola, một hôm đã gieo Lời Chúa vào tai Phanxicô: “... được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).

Nhờ câu Lời Chúa trên mà ngài được ơn biến đổi hoàn toàn. Từ con người ham mê của cải trần thế trở thành một tu sĩ nghèo khó. Từ một người ham mê khoa bảng trần gian trở thành một người chỉ biết rao giảng chân lý Tin Mừng.

Hôm nay, Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy xác định lại căn tính ơn gọi của mình, đó là đi theo Ngài. Đi theo Đức Giêsu là đón nhận Ngài làm gia nghiệp, lấy lời Ngài làm kim chỉ nam hướng dẫn. Sẵn sàng sống những giá trị Tin Mừng ấy trong cuộc đời dù gặp những khó khăn. Quyết tâm từ bỏ những điều bất chính trái với thánh ý Chúa. Làm được điều đó, ấy là lúc chúng ta khôn ngoan như người lái buôn và chàng thanh niên trong Tin Mừng đi tìm “kho tàng” và “viên ngọc quý” hôm nay.

Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: Nước Trời là “kho tàng” bền vững và Ðức Giêsu là “viên ngọc quý” đích thực. Đạt được “kho tàng” là Nước Trời; chiếm hữu được “viên ngọc quý” là chính Đức Giêsu thật là điều không dễ! Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải đánh đổi bằng những hy sinh, cố gắng và tin tưởng tuyệt đối, ngay cả cái chết.

Lạy Chúa Giêsu, có Chúa là có tất cả, không có Chúa kể như không có gì. Xin cho chúng con hiểu được điều đó, quyết tâm và đánh đổi bằng mọi giá để có Chúa làm gia nghiệp của cuộc đời chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Nước Trời - giá trị cao quý

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Nước Trời có một giá trị cao quý vô cùng đến độ có thể đánh đổi tất cả những gì ta có. Thế nhưng điều quan trọng hơn, đó là con người phải nhận ra giá trị cao quý ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay cho con hiểu rằng Nước Trời thật giá trị cao quý, cao quý đến độ người ta có thể đánh đổi tất cả để chiếm đoạt và có thể từ bỏ tất cả để giành lấy. Nước Trời thật giá trị cao quý, bởi vì Nước Trời là chính Chúa, là được sống trong tình yêu của Chúa, được chia sẻ chính sự sống của Chúa.

Xin Chúa giúp con học hỏi, tìm hiểu không ngừng, để con khám phá giá trị cao quý của Nước Trời, để mỗi ngày con lại càng nhận ra Chúa thật là cần thiết cho con. Lúc đó con sẽ bỏ tất cả, đánh đổi tất cả, để chiếm đoạt Nước Chúa cho bằng được, và lòng hân hoan vui sướng vì được cả một kho tàng.

Người đi tìm ngọc quý, người thương gia, là những người sành sỏi, biết nhận định hơn hay kém, thật hay giả… để có thể quyết định chọn lựa dứt khoát. Cũng vậy, để có thể dấn thân hoàn toàn sống cho Chúa, con cũng phải nhận định. Xin giúp con nhận ra rằng Chúa trổi vượt hơn mọi sự ở đời này. Chúa là lẽ sống và là hạnh phúc của con. Được Chúa là được tất cả, mà mất Chúa là mất tất cả.

Trong cuộc sống thường ngày, khi mua một món hàng, con hỏi những người thông thạo để mua món hàng nào tốt nhất và đẹp nhất. Cũng thế, để nhận ra giá trị Nước Trời, xin cho con biết siêng năng học hỏi nơi Lời Chúa, nơi các thánh, nơi giáo lý của Hội Thánh, con sẽ không chọn lầm và không có gì phải nuối tiếc khi chọn Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.

 

Suy Niệm 8: Nước Trời - giá trị tuyệt đỉnh

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ignatiô sinh tại Lôyôla miền Cantabria nước Tây Ban Nha trong một gia đình giàu sang, phú quý và đầy thế giá vào năm 1493. Ignatiô đã nhập ngũ và bị thương khi quân đội Tây Ban Nha giao tranh với quân đội Pháp ở Pampelune vào năm 1523.

Thời gian nằm bệnh viện dưỡng bệnh lâu dài. Sau khi đã đọc rất nhiều sách vở, người ta đưa cho chàng cuốn sách Hạnh các thánh. Chính gương mẫu đời sống các thánh đã thúc giục Ngài: “Hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu”, ngài tự hỏi: Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phanxicô và Đôminicô đã làm chăng?

Ơn trên thúc đẩy, Ignatiô bắt đầu khám phá ra mầu nhiệm nước Trời trong ơn gọi của mình, Ngài đã bỏ thanh kiếm quý tộc của mình ở bàn thờ Đức trinh nữ Maria tại Mont-Serrat. Ngài sống một đời sống họa lại tình yêu của Chúa Giêsu, Ngài đã sống khó nghèo như một người ăn mày, Ngài đã viết nhiều sách rất có giá trị về mặt đạo đức và thiêng liêng. Cùng với các cộng sự viên ngài đã sáng lập Dòng Chúa Giêsu tức là Dòng Tên, châm ngôn của Dòng là: “Tất cả cho vinh danh Chúa hơn”.

Ignatiô thường cầu nguyện: “Xin ban cho con tình yêu và ơn thánh Chúa, thế là con giàu rồi, con không xin gì nữa”.

Suy niệm

Chúa Giêsu dùng hình ảnh kho báu và ngọc quý, nói lên giá trị tuyệt đỉnh của nước Trời, theo Chúa Kitô đó là mục đích lớn nhất của đời người. Muốn đạt tới nước Trời, con người phải nỗ lực đi tìm và hy sinh tất cả để gìn giữ khi tìm thấy. Nếu như giá trị của kho tàng, vàng, ngọc, kim cương vượt lên trên mọi giá trị của con người mà họ hăng say tìm kiếm ở trần gian, qua hình ảnh này, Chúa Giêsu cũng nói về niềm vui, giá trị nước Trời vượt trên tất cả. Tuy nhiên, kho tàng nước Trời, ngọc quý của Thiên quốc là những của cải không hề bị mất đi trong lúc vàng, kho tàng, ngọc, kim cương sẽ chỉ có giá trị ở đời này, còn kho tàng nước Trời là vĩnh cửu, nên nước Trời sẽ vượt lên trên mọi thứ vật chất, vui sướng của trần thế.

Để hiểu thêm ý nghĩa của dụ ngôn kho tàng và ngọc quý mà Chúa Giêsu muốn truyền dạy, chúng ta tìm hiểu chi tiết hoàn cảnh xã hội Do Thái đương thời. Thời đó, do tình trạng chính trị với sự đe dọa xâm lăng của ngoại bang ở vùng Trung Đông, chôn giấu của cải là việc thông thường để gìn giữ nó trước biến động, giống như Việt Nam chúng ta vào thời chiến tranh, chôn giấu của cải để bảo vệ nguyên vẹn trước những biến động. Theo luật người Rôma thời ấy, ai tìm được bảo vật thì họ có quyền sở hữu. Nhưng theo luật Do Thái thì quyền sở hữu thuộc về chủ thửa đất. Dụ ngôn này cho thấy Đức Giêsu rất thông thạo về luật lệ và phong tục Do Thái. Trong dụ ngôn kho báu, tìm được báu vật là một sự tình cờ; nhưng trong dụ ngôn tìm ngọc quý đó là một chủ tâm, chủ tâm làm mọi sự để đạt được nước Chúa.

Ngày hôm nay, con người vẫn mải mê tìm kiếm vật chất mà quên đi những giá trị của nước Trời, con người lo lắng mọi sự thế gian: Làm tất cả để giàu, để đẹp, chính vì mải mê đó mà quên đi những thực tại quê Trời mà họ cần phải tìm kiếm. Con người hôm nay đặt tất cả mọi lo toan, lo lắng, mà quên Đức Kitô và nước Ngài như thánh Âugustinô đã nhìn thấy trong cách sống con người: “Chúa Giêsu không đáng giá chútnào, nếu Ngài không được coi trọng hơn tất cả”. Phải chăng, Chúa Giêsu không phải là kho tàng, nước Trời mà Ngài rao giảng không có giá trị gì với chúng ta chăng?

Chúa Giêsu đã hứa với những ai dành trọn tâm cho việc tìm kiếm nước Chúa: “Trên hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Bạn để tâm hồn mình định hướng tìm kiếm nước Thiên Chúa, mình sẽ có được tất cả, vì nước Thiên Chúa mà bạn tìm được sẽ chiếm hữu bạn. Chính lúc đó, bạn sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc có nước Trời. Nước Trời bắt đầu ở trong tâm hồn của bạn như lời nguyện Giáo hội xác định: “Và cho chúng con được nếm trước những ân huệ Cha sẽ ban cho chúng con ở đời sau” (Lời tiền tụng các thánh Trinh Nữ và các thánh Tu Sĩ) “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”(Pl 3,12).

Xin cho con xác định đời con để con luôn nỗ lực tìm kiếm nước Trời.

Ý lực sống:

Để tâm toàn ý tìm nước Trời

Con vui tiến bước vì ngày mai.

 

Suy Niệm 9: Dụ ngôn kho tàng và ngọc quí

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Hai dụ ngôn “kho tàng” và “ngọc quí” mà Tin mừng hôm nay thuật lại qua lời rao giảng của Chúa Giêsu là một lời mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến. Nước Thiên Chúa đó không phải là chuyện tình cờ, nhưng là một thực tại bị ẩn giấu như kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng và như viên ngọc lẫn lộn trong số các loại ngọc giữa chợ đời. Vì thế, phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám dấn thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.

Ý nghĩa của dụ ngôn

Dụ ngôn kho tàng không đặt vấn đề luân lý về hành động của người mua thửa đất. Dụ ngôn chỉ muốn đề cao giá trị của Nước trời, nên nhấn mạnh niềm sung sướng của người kia thôi. Theo luật Rôma thời ấy, thì kẻ gặp được báu vật chôn giấu như vậy, có quyền chiếm hữu. Còn theo luật Do thái, trong văn mạch của dụ ngôn này thì quyền sở hữu báu vật thuộc về chủ thửa đất, vì thế người kia khi tìm thấy, đã chôn giấu rồi về nhà bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng ấy.

Dụ ngôn đi tìm ngọc quí cũng mang ý nghĩa tương tự như dụ ngôn kho tàng. Nước trời cao quí hơn tất cả mọi sự con người có thể có, nên con người phải sẵn sàng hy sinh tất cả, để chiếm được nước ấy. Có người hiểu thương gia là Chúa Giêsu, và viên ngọc quí là con người: Con Thiên Chúa đã hy sinh tất cả vì loài người chúng ta (2Cr 8,9; Pl 2,6-11) (Giải thích của Lm. Trần Hữu Thành).

Dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí nói tới sự cao quí tột bực của Nước trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện ra khó báu hay tìm được viên ngọc quí, người ta bán hết tất cả những gì mình có để tậu cho được, thì khi những ai khám phá ra Nước trời, mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành cho được nước ấy.

Theo cách diễn đạt của dụ ngôn, thì thường là Thiên Chúa “chôn giấu lại” kho tàng sau khi đã chỉ cho chúng ta thấy. Nó chỉ thuộc về chúng ta sau khi đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau, để có khả năng lãnh nhận kho báu ấy. Hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quí” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quí hoá, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn trong đó. Nước trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để đầu tư đời mình. Kho báu được chôn giấu nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua. Nước trời là một thực tại siêu việt nên phải vất vả tìm kiếm với cả lòng khao khát và hy sinh (Hiền Lâm).

Kitô giáo thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát (Mỗi ngày một tin vui).

Hôm nay, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta xác định lại căn tính ơn gọi của mình, đó là đi theo Ngài. Đi theo Chúa Giêsu là đón nhận Ngài làm gia nghiệp, lấy lời Ngài làm kim chỉ nam hướng dẫn. Sẵn sàng sống những giá trị Tin mừng ấy trong cuộc đời dù gặp những khó khăn. Quyết tâm từ bỏ những điều bất chính trái với thánh ý Chúa. Làm được điều đó, ấy là lúc chúng ta khôn ngoan như người lái buôn và chàng thanh niên trong Tin mừng đi tìm “kho tàng” và “viên ngọc quí” hôm nay.

Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: Nước trời là “kho tàng” bền vững và Chúa Giêsu là “viên ngọc quí” đích thực. Đạt được “kho tàng” là Nước trời; chiếm hữu được “viên ngọc quí” là chính Chúa Giêsu thật là điều không dễ! Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải đánh đổi bằng những hy sinh, cố gắng và tin tưởng tuyệt đối, ngay cả cái chết.

Truyện: Cần phần rỗi linh hồn

Attila xâm chiếm nước Italia với các binh đoàn hùng hậu của ông. Khi đã chiếm đóng làm chủ khắp mọi nơi thuộc đế quốc Rôma, ngày kia quân lính đến báo cáo với ông ta rằng: “Ở vùng ông ta đang trú đóng có một vị ẩn tu rừng”. Attila, ông vua hiếu chiến, hung dữ, rất kiêu căng này luôn muốn mọi người run sợ sụp lạy trước mặt mình, nên ông ta nảy ra ý định thử đến gặp vị ẩn sĩ xem sao.

Tưởng rằng vị tu hành sẽ sợ hãi khi phải đối diện với nhà chinh phục khét tiếng này, không ngờ, người của Thiên Chúa chẳng những không run khiếp, trái lại còn tỏ ra ung dung tự tại khiến Attila vừa nể phục vừa cảm mến. Sau khi trò chuyện với một người khôn ngoan, có tài đáp ứng mau lẹ, Attila bèn hứng chí nói: “Ta sẽ cho ngươi tất cả những gì ngươi có thể ước muốn trong vương quốc của ta”. Lúc đó, vị tu sĩ vừa ngửa tay chìa về phía Attila vừa nói: “Thưa ngài, trong toàn vương quốc của ngài tôi chỉ ước muốn một điều duy nhất: Phần rỗi của linh hồn ngài”.

 

Suy Niệm 10: Nước Trời rất quý giá

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Hai dụ ngôn này có cùng một ý nghĩa: Nước Trời rất quý giá nên đáng cho người ta bán tất cả những gì mình có để đổi lấy.

Hai dụ ngôn này chẳng qua cũng là nhấn mạnh thêm một tư tưởng chủ yếu mà Matthêu đã nhiều lần nói tới những chỗ khác, như: Chúa Giêsu nói với anh thanh niên nhà giàu “Hãy bán hết những gì anh có, đem chia cho người nghèo, bấy giờ anh sẽ được kho tàng Thiên quốc, rồi hãy cầu nguyện và theo Ta” (x. Mt 19,16-22); để được Nước Trời, phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả nếu cần thì chặt tay, chặt chân, móc mắt (x. Mt 18,8-9). Tóm lại, để được Nước Trời, chẳng có hy sinh nào được kể là quá lớn cả.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Nước Trời quý giá hơn tất cả. Bởi vì chỉ có Nước Trời là tồn tại vĩnh viễn. Còn mọi giá trị khác thì có ngày sẽ mất. ”Được lời lãi cã thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?” (Mt 16,26)

2. Ngày xưa, người ta chưa biết tới dịch vụ ngân hàng, nên cất dấu của cải bằng cách đem cất dấu ở một nơi người khác không biết. Nhưng cất dấu quá bí mật đến nỗi lắm khi chủ nhân chết đi thì không ai khác biết. Kho tàng trở thành vô chủ. Ta thử nghĩ, nếu có ai tình cờ biết được kho tàng ấy, người đó sẽ sung sướng thế nào! Mà có ai biết nó mà lại thờ ơ không tìm cách lấy nó bằng được hay không?

Tôi là người được biết kho tàng Nước Trời đó. Vậy tôi phải cảm ơn Chúa. Nhưng tôi có quá ngu dại khi không tha thiết gì tới kho tàng ấy không? Tại sao tôi lại không dám bỏ những thứ khác để đổi lấy kho tàng ấy?

3. Nhiều khi tôi tiếc vì phải từ bỏ thứ này thứ nọ. Tôi không nhớ rằng Chúa Giêsu đã hứa sẽ bù lại cho tôi một kho tàng vô giá.

4. Một người nông dân đang nghe John Wesley giảng về việc sử dụng của cải. Trong phần thứ nhất, nhà giảng thuyết quảng diễn tư tưởng ”Hãy thu hoạch (làm giàu) tối đa”. Người nông dân thúc cùi chỏ người bên cạnh và nói ”Một bài giảng tuyệt vời”. Wesley khai triển điểm thứ hai ”Hãy tiết kiệm tối đa”. Người nông dân lại khen: ”Chưa bao giờ tôi được nghe một bài giảng hay như vậy”. Wesley sang điểm thứ ba: ”Hãy chia sẻ tối đa”. Người nông dân mất hứng, rút lui khỏi nhà thờ và buồn bã về nhà. (Góp nhặt)

5. Người nông dân bán đi tất cả để mua cho được thửa ruộng vì biết rằng trong đó có kho tàng đang ẩn giấu. Người thương gia cũng vội vã đầu tư mọi gia sản mình vào viên ngọc quý.

Vì lợi nhuận, các nhà doanh nghiệp chẳng ngần ngại đầu tư tiền bạc vào các công trình. Chỉ vì chiến thắng, các vận động viên đầu tư mọi sức lực vào việc luyện tập. Vì tưong lai, người trẻ sẵn sàng đầu tư chất sám và thời gian cho sự học hỏi.

Tôi tự hỏi: ”Vì Nước Trời, tôi đã dám nghĩ đến chuyện đầu tư cho Đức Tin chưa nhỉ?”

Lạy Chúa, xin thúc đầy con luôn biết đầu tư tất cả cho đức tin bằng việc đặt Chúa vào trọng tâm cuộc sống, và biến lời thương mến thành hành động tin yêu. (Hosanna)

6. Khi bước vào trần gian , chúng ta muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Thế nhưng khi nắm mắt xuôi tay, chúng ta đành phải ra đi với hai bàn tay trắng.

Xuất thân từ bụi tro rồi chúng ta cũng sẽ trở về tro bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời. Không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng cuộc sống đó như thế nào, chỉ biết rằng tình yêu sẽ là giá trị mãi mãi tồn tại, và chỉ có tình yêu mới thắng được sự chết và tất cả những gì trói buộc chúng ta trong cuộc sống này.

Lạy Chúa, cuộc sống của con được dệt bằng một chuỗi của vui tươi và sầu khổ, thành công và thất bại, sum hợp và ly tán. Chúa dùng những điều đó nhắc nhở con rằng cuộc sống này chóng qua và mời gọi con nghĩ đến giá trị vĩnh cửu. Trong mọi sự, xin cho con biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời, và biết sống những giây phút hiện tại như chính giờ phút con phải đến gặp Chúa. (Hosanna)

 

Suy Niệm 11: Viên ngọc quí giá nhất

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Hai dụ ngôn này có cùng một ý nghĩa: Nước Trời rất quý giá nên đáng cho người ta bán tất cả những gì mình có để đổi lấy.

Nước Trời quý giá hơn tất cả. Bởi vì chỉ có Nước Trời mới tồn tại vĩnh viễn, còn mọi giá trị khác có ngày sẽ mất. “Được lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn thì nào được ích gì?” (Mt 16,26).

Thi hào Tagore có viết một bài thơ với tựa đề là “Viên ngọc quí giá nhất”. Bài thơ có nội dung như sau:

Đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, vừa đi vừa cầu nguyện thì nhà hiền triết Sanathan bỗng thấy một thanh niên tiến đến với mình. Chàng thanh niên thành khẩn van xin Ngài bố thí cho anh một cái gì đó.

Nhà hiền triết đáp: - Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi.

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp Ngài, vì chỉ có Ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng, biết đâu viên ngọc quí này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Nghĩ vậy cho nên ông liền chỉ cho người thanh niên nơi ông đã cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quí. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm.

Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và lại khẩn khoản tiếp tục nài xin: - Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý, quý hơn mọi viên ngọc quý nữa cơ. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải. Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Một viên ngọc quý, quý hơn mọi viên ngọc quí. Viên ngọc ấy là viên ngọc nào? Thánh Nữ Têrêsa Avila cho chúng ta biết đó chính là Chúa. Chỉ có Chúa mới là giá trị tuyệt đối cho mọi cuộc tìm kiếm.

Thánh Augustino sau bao nhiêu năm trời ngụp lặn trong đam mê lạc thú, những thứ mà ông tưởng rằng, chúng sẽ đem lại cho ông niềm vui và hạnh phúc, nhưng cuối cùng cũng đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, linh hồn con khắc khoải sao xuyến cho đến khi con tìm được Chúa”. Và tìm được Chúa như lời thánh Têrêsa Avila là đã quá đủ rồi. “Một mình Chúa là đủ”.

2. Bán tất cả để sở hữu thửa ruộng. Bán tất cả để mua viên ngọc quý.

Người nông dân bán đi tất cả để mua cho được thửa ruộng vì biết rằng, trong đó có kho tàng đang ẩn giấu. Người thương gia cũng vội vã đầu tư mọi gia sản mình vào viên ngọc quý.

Vì lợi nhuận, các nhà doanh nghiệp chẳng ngần ngại đầu tư tiền bạc vào các công trình. Chỉ vì chiến thắng, các vận động viên đầu tư mọi sức lực vào việc luyện tập. Vì tương lai, người trẻ sẵn sàng đầu tư chất xám và thời gian cho sự học hỏi.

Một em học sinh thuộc câu lạc bộ Sainta Clara ở Hoa Kỳ. Mỗi ngày em thức dậy lúc 5g30 sáng ra hồ bơi luyện tập suốt hai giờ đồng hồ rồi vội vàng lo đi học. Sau suốt ngày học ở trường, em lại ra hồ tập luyện thêm hai tiếng đồng hồ nữa rồi mới học bài và đi ngủ đúng 9 giờ tối. Ngày nào cũng vậy, em luôn luôn trung thành với chương trình tập luyện và kỷ luật của mình. Em chỉ nhận tham gia một vài sinh hoạt xã giao với bạn bè khi nào chương trình đó không cản trở việc học và tập luyện bơi lội của em. Một hôm có người tò mò hỏi: “Tại sao em làm như vậy? “.

Em trả lời xác tín: “Tôi muốn đoạt giải vô địch môn bơi lội trong thế vận Hội Thể thao sắp đến”. Thái độ hy sinh mọi sự cho mục tiêu duy nhất mà em học sinh kia đã nói lên: “Tôi muốn đoạt giải bơi lội trong thế vận Hội Thể thao sắp đến”.

Nếu phần thưởng dành cho vận động viên đoạt giải trong các cuộc thi đấu tại thế vận hội ngày xưa chỉ là một ngành lá ô liu, hay ngày nay là những huy chương vàng, bạc, đồng... nghĩa là những thứ mau qua, kèm theo chút danh vọng chóng tàn, mà con người còn sẵn sàng đầu tư tất cả cuộc đời cho những thứ ấy, thì tại sao người Kitô hữu chúng ta, lại không dám làm như thế đối với một phần thưởng vô cùng cao quí, đó là Nước Trời?

Qua hai dụ ngôn “Kho Báu” và “Viên Ngọc Quí”, được kể trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hẳn muốn nói với chúng ta rằng, cần phải đầu tư cuộc đời của chúng ta cho Đức Tin.

Lạy Chúa,

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 30/03/2024 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH. – Người đã sống lại thật. (29/03/2024 10:00:00 - Xem: 308)

THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH.

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 2,928)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 6,074)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,640)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,720)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,929)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,121)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,410)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,047)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,033)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới