Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 13 thường niên năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,140
  • Ngày đăng: 22/06/2022 06:55:33

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm C

 

 

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nói về ơn gọi và sự đáp trả của con người trước ơn gọi đó. Chúa mời gọi mỗi người hoàn toàn dấn thân và tự do theo Chúa với tinh thần yêu thương kiên nhẫn, – nghĩa là nói lời “Xin vâng” vô điều kiện với Chúa Giêsu và với đời sống Kitô hữu. Hôm nay, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những khó khăn cá nhân mà chúng ta có thể gặp phải trong ơn gọi làm môn đệ của Chúa.

 

BÀI ĐỌC 1: 1V 19,16b,19-21

Ơn gọi của tiên tri Êlisê

Câu chuyện này rõ ràng được Giáo hội chọn để ghép với phần sau của bài đọc Tin Mừng, hoặc thậm chí có thể ngược lại, vì lời kêu gọi của Chúa Giêsu đối với môn đệ vô danh trong bài Tin Mừng dường như được mô phỏng theo lời kêu gọi của tiên tri Êlia đối với ông Êlisê. Ông Êlisê phải là một người giàu có,  sở hữu 12 cặp bò cày ruộng của mình – một cánh đồng rộng lớn và một đàn bò phong phú. Cử chỉ của Êlia khi ném áo choàng lên người Êlisê là để coi Êlisê là của mình. Khi Êlia được đưa lên trời, tấm áo choàng của ông lại rơi xuống trên người Êlisê, trao cho ông hai phần thần khí. Bằng cách giết cặp bò và đốt cái cày, Êlisê từ bỏ kế sinh nhai của mình, nhưng ông được phép từ giã gia đình trước khi bắt đầu cuộc sống của một tiên tri. Êlia là một tiên tri của dân Israel không biết sợ hãi, được soi dẫn bởi thị kiến về Thiên Chúa (tại hang động trên núi Khôrếp) và kiên quyết bảo vệ quyền của Thiên Chúa chống lại việc thờ ngẫu tượng (các tiên tri của thần Baal) và sự bất công ngay cả của vua (Vườn nho của Navốt). Người ta mong đợi ông sẽ trở lại để báo trước sự xuất hiện của Thiên Chúa, và nhiều người đã nhìn thấy ông qua hình ảnh Gioan Tẩy Giả. Tiên tri Êlisê có lẽ là một nhà điều hành chính trị nhiều hơn, ông thúc đẩy các kế hoạch của Thiên Chúa bằng cách bổ nhiệm các nhà cai trị.

 

ĐÁP CA: Tv 16:1a, 2, 5, 7-10

Chúa là phần gia nghiệp

1b-4: Lòng trung thành của tác giả Thánh vịnh đối với Chúa

Thánh vịnh này tập trung vào lòng trung thành của tác giả đối với Chúa. Các thuộc tính của Chúa tương phản với tính chất của “tất cả các vị thần dân ngoại xứ này”. Chúa là Đấng mà một mình tác giả luôn trung thành, là nơi ẩn náu an toàn, trong khi các thần khác chỉ mang đến thất vọng và đau khổ cho những người tôn sùng nó. Sử dụng tên của một vị thần trong cầu nguyện hoặc trong tụng niệm cũng như dâng máu tế thần là những thực hành phụng vụ. Tác giả không bao giờ tỏ thái độ như vậy đối với các thần dân ngoại.

 

5-6: Chúa là phần gia nghiệp của con

Gia tộc Lêvi, những người chịu trách nhiệm về nghi lễ tôn giáo, đã không được giao đất khi ông Giôsuê chia đất cho các bộ tộc Israel (x. Gs 13, 7). Họ được bảo rằng Chúa là phần gia sản của họ (x. Đnl 10, 9), và họ phải cậy trông vào Chúa để sinh tồn hơn là vào công việc mình làm. Vì Thánh vịnh này nói đến gia nghiệp nên có những nhà chú giải cho rằng tác giả là một người Lêvi. Tuy nhiên, sứ điệp của Thánh vịnh là mời gọi tất cả dân Israel, không chỉ người Lêvi, hãy tin tưởng vào Chúa để tồn tại, chứ không phải cậy dựa vào thành quả lao động hay sản vật của đất đai. Sự gắn bó và cậy trông như vậy phải luôn bền chặt, liên lỉ, không được lơi lỏng.

 

7-11: Cậy trông nơi Chúa

Chúc tụng Chúa là để ngợi khen cảm tạ. Điều này cần phải được thực hiện ngay cả vào ban đêm, vào thời gian canh thức. Có Chúa ở bên cạnh (bên tay phải, c. 8), một vị trí quan trọng và danh dự, là một sự bảo đảm an toàn và phúc lành. Trung thành với Chúa, tác giả Thánh vịnh tin tưởng không bị bỏ mặc trong cõi âm ti (sheol) và được hưởng những phúc lành mà cuộc sống ban tặng.

 

BÀI ĐỌC 2: Gl 5,13-18  

Được tự do để yêu thương

Cũng như Chúa nhật tuần trước, Phaolô cảnh báo tín hữu Galát không nên coi mình bị ràng buộc bởi Luật Do Thái. Đó chỉ là những thực hành bên ngoài, trong khi Phaolô muốn họ chỉ được dẫn dắt bởi Thần Khí bên trong của Thiên Chúa, Đấng sẽ dẫn dắt họ trên con đường yêu thương. Điều quan trọng là phải hiểu đúng về sự phân biệt giữa xác thịt và Thần Khí. Tội của xác thịt không chỉ đơn thuần là tội về tính “xác thịt” như tình dục, lòng tham và sự buông thả. Chúng còn gồm những điều khác như sự ganh đua, ghen tị, cãi vã và ác ý. Vì vậy, “xác thịt” nói chung là sự buông thả và thiếu kỷ luật bản thân, có lẽ là những ham muốn tự nhiên không được kiềm chế. Chính những điều này không phải là xấu, nhưng chúng cần được kiểm soát và hướng dẫn bởi sự thúc đẩy của Thần Khí. Đồng thời, Thần Khí là sự sống của Chúa Kitô trong chúng ta, và thúc đẩy mọi nỗ lực dẫn đến Chúa Kitô, không chỉ – như Phaolô liệt kê ở đây – “tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, dịu dàng và tự chủ”, nhưng còn là tất cả những gì xây dựng cộng đoàn trong tình yêu thương, sự hướng dẫn ân cần, sự chỉ dạy, sự kết nối chữa lành, cũng như những ơn riêng nổi bật hơn như nói tiếng lạ. Trong thư 1 Côrintô, ngài giải thích rằng mỗi thành viên của cộng đoàn đều có một đặc sủng, và tất cả những điều này đều cần thiết để xây dựng một cộng đoàn sống động.

 

TIN MỪNG: Lc 9,51-62

Ơn gọi làm môn đệ

Trình thuật bắt đầu với việc nhắc đến hình ảnh Chúa Giêsu được cất lên giống như vị tiên tri xưa (x. 2 V 2,11). Mặc dù điều này có thể không có ý nghĩa chính xác trong mỗi trường hợp, nhưng cụm từ trong Tin Mừng Luca sẽ gợi lại từ ngữ tương tự trong sách các Vua. Khi những người Samari từ chối đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, ông Giacôbê và ông Gioan đề nghị với Chúa Giêsu lấy lửa từ trời xuống để thiêu đốt họ, giống như Êlia đã làm khi kẻ thù của Israel đến gần vị tiên tri (x. 2 V 1,10). Cuối cùng, rất lâu trước khi có người xin được nói lời từ biệt với cha mẹ trước khi theo Chúa Giêsu, thì Êlisê, môn đệ của tiên tri Êlia cũng đã yêu cầu tương tự như vậy đối với Êlia (1 V 19,20). Có lẽ tác giả Tin Mừng muốn cho thấy rằng Chúa Giêsu vượt lên trên sự mong đợi liên quan đến vị tiên tri vĩ đại của Israel xưa.

 

Sự đối kháng giữa người Samari và người Do Thái có thể bắt nguồn từ việc người Do Thái trở về sau cuộc lưu đày ở Babylon (khoảng 536 TCN). Vì một số người Samari đã ở lại miền đất này trong thời gian bị lưu đày và đã kết hôn với những người ngoại quốc sống trong vùng lân cận, những người Do Thái trở về coi họ là con lai về mặt xã hội và tôn giáo, và do đó, bị nhiễm uế. Vì lý do này, họ bị ngăn cấm trong việc xây dựng lại Đền thờ Giêrusalem. Để phản ứng lại điều này, người Samari đã xây dựng đền thờ của riêng họ. Mặc dù sau đó người Do Thái đã phá hủy nó, nhưng người Samari vẫn tiếp tục thờ phượng Chúa trên núi Gerizim, một hành động mà người Do Thái coi là bất hợp pháp. Điều này giải thích tại sao người Samari không tỏ lòng hiếu khách với những người Do Thái đi qua Samari trên đường đến thờ phượng ở Giêrusalem.

 

Phần thứ hai của bài Tin Mừng không liên quan đến trình thuật này. Trong đó, chúng ta thấy một người bước tới và xin đi theo Chúa Giêsu, và sau đó có hai người khác được Chúa Giêsu kêu gọi làm môn đệ. Thái độ của ba người này đối với việc làm môn đệ và phản ứng của Chúa Giêsu đối với họ được bộc lộ. Người đầu tiên nhiệt tình đưa ra lời cam kết, hai người còn lại muốn hoãn việc đi theo Chúa Giêsu sau khi họ hoàn thành công việc riêng trước mắt. Trong mỗi trường hợp, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến những đòi hỏi mà việc làm môn đệ yêu cầu. Với người đầu tiên, Chúa Giêsu chỉ ra mức giá đòi hỏi cho sự dấn thân. Một môn đệ của Chúa Giêsu phải sẵn sàng từ bỏ tất cả. Ví dụ được đưa ra để minh họa mức độ dứt bỏ cần có là sự sẵn sàng buông bỏ cảm giác thuộc về một nơi nào đó. Chúa Giêsu nhấn mạnh đòi hỏi tương tự khi trả lời hai cá nhân khác. Với một người, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng ngay cả các phong tục nghi lễ tôn giáo cũng phải được gạt sang một bên nếu cần khi cam kết đi theo Chúa Giêsu bị đe dọa. Với người còn lại, Chúa khẳng định rằng ngay cả mối quan hệ gia đình cũng không được ưu tiên hơn tư cách môn đệ.

 

Lời khuyên dành cho người đầu tiên dường như trái ngược với lời khuyên dành cho hai người còn lại. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn này chỉ là bề ngoài. Tư cách môn đệ đòi hỏi sự cam kết hết lòng với Chúa Giêsu, nhưng sự cam kết này phải được chấp nhận một cách thực tế trong hoàn cảnh cụ thể. Mặc dù những người theo Chúa phải nhiệt tình hi sinh, họ cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để trả giá cho sự cam kết hết lòng.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 587 : Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chịu chết và Phục Sinh

+ GLHTCG 2052-2055 : Thưa Thầy, tôi phải làm gì … ?

+ GLHTCG 1036, 1816 : Việc làm môn đệ Chúa Giêsu

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 88)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 165)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 192)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 177)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 242)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 187)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 345)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm B (22/01/2024 08:10:00 - Xem: 297)

Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không ?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 Thường niên– Năm B (15/01/2024 08:06:21 - Xem: 298)

Ngày nay, để làm môn đệ bước theo Chúa Kitô, chúng ta thường phải trả những giá nào? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm của bản thân.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 TN – Năm B -2024 (10/01/2024 07:20:06 - Xem: 236)

Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê, rồi Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Theo ý bạn, để trở thành một người giới thiệu Đức Kitô, cần có những điều kiện gì?

Bài viết mới