Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 15 thường niên năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,367
  • Ngày đăng: 05/07/2022 06:07:33

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm C

 

 

Chủ đề trung tâm của các bài đọc Lời Chúa hôm nay là chúng ta đạt được sự sống đời đời qua việc yêu mến Thiên Chúa hiện diện trong những người thân cận, và bằng cách trở thành những người láng giềng tốt.

 

BÀI ĐỌC 1: Đnl 30,10-14

Huấn thị cuối cùng của ông Môisen

Sách Đệ Nhị Luật được cho là do ông Môisen viết, nhưng thực sự được viết sau đó vài thế kỷ, bao gồm bốn bài diễn từ lớn về Luật. Đoạn văn đáng yêu này kết thúc bài giảng cuối cùng; tiếp sau đó là cái chết của Môisen được kể lại. Nó khuyến khích mọi người tuân giữ Lề Luật. Luật không mù mờ, khó khăn, hay xa vời. Dân không cần phải dò dẫm hay tìm kiếm xa xôi. Tác giả muốn nói rằng đó là gia nghiệp tự nhiên của Israel, và là điều tự nhiên đối với họ, như chúng ta thường nói, gần như là bản tính thứ hai vậy. Luật dành cho Israel là món quà quý giá nhất của Thiên Chúa, một sự mặc khải về bản chất thần linh và những cách thức thiêng liêng đối với thế giới, vì vậy, là một nguồn ánh sáng và sự sống. Luật tỏ lộ cách dân Israel phải cư xử để trở thành dân trung thành của Thiên Chúa. Vì vậy, việc tuân thủ Luật không phải là một nghĩa vụ mệt mỏi mà là một sự đáp lại tình yêu đối với món quà được trao ban bằng tình yêu thương này. Đối với người Kitô hữu, Luật pháp được hoàn thiện trong Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa, Đấng là mặc khải hoàn hảo của Chúa Cha; Người là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Israel đã nhận biết mặc khải về ý muốn của Thiên Chúa và bản tính của Ngài trong Lề Luật. Tương tự như vậy, các Kitô hữu cũng thấy được sự mặc khải trọn vẹn về vinh quang của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

 

ĐÁP CA: Tv 69, 14 và 17.30-31. 36ab và 37

Chúa đáp lại lời kêu cứu của người đau khổ

Trong Thánh vịnh này, tác giả đang lâm cảnh đau khổ tột cùng và ông kêu cầu Chúa đến giải thoát. Ông cho rằng nguyên do của sự đau khổ này là lòng nhiệt thành của ông đối với Đền Thánh cũng như việc bảo vệ Danh Thánh Chúa. Ông than khóc cho rằng đây cũng là nguyên nhân mà những người đồng hương và anh em họ hàng của ông tỏ thái độ ghẻ lạnh đối với ông (c. 9). Phản ứng của ông trước sự bách hại là khiêm tốn cầu nguyện, tìm kiếm lòng thương xót và ơn giải thoát của Chúa (cc. 14 và 17). Sau đó, trong các câu 33-35, tác giả nói với những người khác giống như mình đang đau khổ và đang kiên trì tìm kiếm Chúa. Ông khích lệ họ hãy vui mừng và tin tưởng vì Đức Chúa luôn lắng nghe lời họ cầu nguyện. Cuối cùng, ông mời gọi tất cả tạo vật ca ngợi Thiên Chúa của lòng thương xót và đức công bình.

 

Tin mừng Gioan trích dẫn Thánh vịnh này khi Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, đã bị ô uế vì người ta buôn bán động vật và đổi chác tiền bạc (Ga 2,13-17). Các môn đệ của Chúa Giêsu nhớ lại câu Thánh vịnh này: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17). Trong Thư Rôma 15,3 thánh Phaolô trích dẫn những lời cuối cùng của câu 10 và áp dụng vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, để mời gọi các Kitô hữu kết hợp những đau khổ của họ với đau khổ của Chúa: “Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu”. Giống như thánh Gioan và thánh Phaolô, các Giáo phụ đã giải thích Thánh vịnh 69 như một lời cầu nguyện tiên báo những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu trong nhân tính của Người. Sự đau khổ đó cũng do bởi lòng nhiệt thành của Người đối với Chúa Cha. Và thái độ khước từ của những kẻ đồng hương với Người cũng khiến Người trở thành kẻ bị ruồng bỏ. Trong các phần bình giải của mình, các Giáo phụ chỉ ra rằng Chúa Giêsu chịu đau khổ như một tù nhân bị kết án trên Thánh giá, và Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của Người (Thánh Athanasiô, Expositiones in Psalmos, 68).

 

Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu than của chúng ta, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi những đau khổ đè nặng trên mỗi số phận của chúng ta. Hãy kết hợp những đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Chúa Kitô bị đóng đinh trên Thánh giá để những đau khổ ấy đem đến giá trị cứu chuộc. Bởi vì Thiên Chúa sẽ nâng chúng ta lên giống như Ngài đã nâng Con của Ngài vào thời gian quyết định.

 

BÀI ĐỌC 2: Cl 1,15-20

Chúa Kitô là trưởng tử

Bài đọc đầu tiên này từ thư Côlôsê là một bài thánh ca về trổi vượt của Chúa Kitô. Nó gồm có hai khổ thơ, khổ thơ thứ nhất là sự trổi vượt của Người như là trưởng tử trước mọi loài thụ tạo, khổ thơ thứ hai về sự vượt trội của Người khi là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại. Là con đầu lòng trong công trình sáng tạo, Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Đấng mà tất cả được tạo ra. Giống như trong sách Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa, là sự phản chiếu của ánh sáng vĩnh cửu và là tấm gương của quyền năng hoạt động của Thiên Chúa. Trong Đức Khôn Ngoan, trong Chúa Kitô, Thiên Chúa có thể được chiêm ngắm. Trong khổ thơ thứ hai, với tư cách là con đầu lòng của những người từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu Kitô làm cho vạn vật trở nên hoàn thiện và đi đến hoàn tất. Bài thánh ca là một đường parabol, bắt đầu với Thiên Chúa trong sự sáng tạo, đi xuống Chúa Kitô là Chúa của Hội Thánh, và trở lại với Chúa Kitô để hoàn thành trong Thiên Chúa. Trong hai bức thư có liên quan mật thiết với nhau, Côlôsê và Êphêsô, tác giả quan tâm đến việc xác định tính ưu việt của Chúa Kitô đối với những hữu thể được gọi là thần thiêng của thế giới này, “bệ thần, quản thần, dũng thần và quyền thần…”, những thứ thần được tôn kính trong khu vực Tiểu Á đó.

 

TIN MỪNG: Lc 10,25-37

Trở thành người thân cận

 Trong câu chuyện đối thoại nổi tiếng này, một người thông luật thách thức sự hiểu biết của Chúa Giêsu về Luật, có thể là ông muốn làm cho Người xấu hổ công khai. Một số động từ cho thấy động cơ của ông. Ông đặt Chúa Giêsu vào một thử thách (c. 25), và khi Chúa Giêsu trả lời chính xác lời thách thức đặt ra, người thông luật cố gắng giữ thể diện bằng cách tự biện minh cho mình (c. 29). Chúa Giêsu không chỉ cho thấy mình là người hiểu biết và tuân thủ lề luật, mà Người còn khiến người thông luật phải nhìn lại chính ông bằng cách yêu cầu ông trả lời các câu hỏi của chính Người. Người thông luật hỏi về việc thừa hưởng sự sống vĩnh cửu, không phải về việc kiếm sự cứu rỗi. Thừa hưởng có nghĩa là nhận được phúc lành do người khác ban tặng. Sự sống vĩnh cửu là sự ám chỉ đến triều đại của Thiên Chúa. Theo một ý nghĩa rất thực tế, người thông luật đang đặt câu hỏi đúng, nhưng lý do của ông để hỏi là sai: bắt bẻ Chúa Giêsu qua nhầm lẫn nào đó.

 

Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên của chính mình, người thông luật trích dẫn hai đoạn Kinh Thánh bao hàm tất cả trách nhiệm của một người. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả khả năng của chúng ta (x. Đnl 6,5), và phải yêu người thân cận (nguyên thủy được hiểu là một người Do Thái khác) như yêu chính mình (x. Lv 19,18; đôi khi những người ngoại kiều đang cư trú cũng bao gồm trong lệnh truyền này, Lv 19,34). Chúa Giêsu đáp lại câu hỏi thứ hai của người thông luật “Ai là người thân cận của tôi?”  và kể một câu chuyện để cho biết việc trở thành một người thân cận nghĩa là gì. Khi Chúa Giêsu hỏi câu hỏi đúc kết lại, người thông luật bị sa vào cái bẫy của chính mình. Ông ta xấu hổ, trong khi Chúa Giêsu hiện lên với niềm vinh dự lớn hơn từ cuộc đối đầu này.

 

Bản thân câu chuyện đã vẽ nên những đường nét tương phản rõ ràng. Các thầy tư tế và thầy Lêvi là những người làm việc trong đền thờ, họ ra sức duy trì sự thanh khiết theo nghi lễ. Trong trình thuật này, họ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ngay cả khi họ muốn giúp nạn nhân trên đường, có thể đã chết, thì họ sẽ bị ô uế khi chạm vào xác chết. Liệu họ có nên thực hiện các nghĩa vụ xã hội của mình đối với một con người, hay họ nên giữ sự thanh khiết để có thể thực hiện các bổn phận của mình? Họ đã chọn điều sau. Mặt khác, người Samari không phải giữ nghĩa vụ nghi lễ. Ông ta là một trong nhóm dân bị coi là lai căng và bị khinh thường (xem Chúa nhật mười ba) và đã bị người Do Thái coi là ô uế. Tuy nhiên, văn bản ghi rõ rằng ông không giúp nạn nhân vì ông không còn gì để mất. Đúng hơn, ông đã xúc động với lòng trắc ẩn (splanchmzomai), một cảm xúc đầy tràn nơi Chúa Giêsu khi Người nhìn thấy nỗi đau của bà góa thành Nain (x. Lc 7,13) và nơi người cha khi thấy đứa con hoang đàng của mình trở về (x. Lc 15,20). Người Samari ứng đáp bằng tình yêu, một tình yêu bao hàm tất cả sức mạnh của con người ông ta.

 

Người thông luật đã hỏi về việc phải làm và được cho biết là yêu. Người Samari yêu thương và thể hiện điều đó qua việc làm. Ông ta đã tách mình ra để đáp ứng nhu cầu của con người xa lạ này. Ông làm sạch vết thương bằng rượu; ông xoa dịu vết thương bằng dầu; ông đặt nạn nhân trên con lừa của mình và đưa đến quán trọ gần nhất; chính ông chăm sóc nạn nhân; và ông trả tiền cho dịch vụ chăm sóc do người khác cung cấp.

 

Trong đoạn này, Chúa Giêsu không quan tâm đến việc chỉ nói cho người thông luật biết ai mới là người đáng được ông quan tâm và yêu thương. Đúng hơn, Người mặc khải việc trở thành một người yêu thương là gì. Trọng tâm chuyển từ người khác sang bản thân. Lời khuyên rất sống động: Hãy đi và làm như vậy! Hãy gạt bỏ mọi định kiến ​​về chủng tộc hoặc tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của người khác! Hãy gạt bỏ mọi trách nhiệm khác để yêu thương tha nhân! Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu không phải là người Samari nhân hậu; mà người thông luật phải như vậy.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

GLHTCG 299, 381 : Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa ; Trưởng Tử

GLHTCG 1931-1933 : Nhìn nhận người thân cận như cái tôi thứ hai của mình

GLHTCG 2447 : Những hành vi bác ái của lòng thương xót

GLHTCG 1465 : Linh mục, người Samari nhân hậu trong việc cử hành bí tích Hoà Giải

GLHTCG 203, 291, 331, 703 : Ngôi Lời và việc tạo dựng, các loài hữu hình và vô hình

Lm Giuse Ngô Quang Trung

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 54)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 133)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 98)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 190)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 277)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 292)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 238)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 299)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 224)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 395)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7