Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 18 Thường niên năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,090
  • Ngày đăng: 26/07/2022 14:13:03

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN, NĂM C

 

 

Các bài đọc trong Chúa nhật này đặt ra một câu hỏi nền tảng có thể được nêu theo nhiều cách: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Chúng ta sống cho điều gì? Chúng ta tìm thấy sự hoàn thành cuộc đời của mình ở đâu? Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống? Đây là những câu hỏi mà mọi người ở mọi thời đại, mọi nơi và mọi nền văn hóa đều đặt ra. Các môn đệ của Chúa Kitô không phải là ngoại lệ đối với vấn nạn này. Tuy nhiên, họ sẽ được xác định là môn đệ theo cách họ trả lời.

 

BÀI ĐỌC 1:  Gv 1,2; 2,21-23

Tất cả là phù vân

Đây là bài đọc Chúa nhật duy nhất trích từ sách Giảng viên. Cuốn sách được cho là của vua Salômôn, nhưng nó phải được viết nhiều thế kỷ sau, thậm chí cả sau Alexander Đại đế. Cuốn sách thuộc văn chương Khôn Ngoan muộn màng này chứa đầy cái nhìn yếm thế và những câu hỏi nghi nan về tất cả những chân lý xưa cũ, thậm chí không chắc chắn về thế giới bên kia. Nó truy vấn liệu hạnh phúc có ở nơi đâu để tìm thấy, chắc chắn hạnh phúc không ở trong công việc nặng nhọc! Trong bài đọc này, nó kết hợp với bài Phúc Âm về người phú hộ ngu ngốc, người phú hộ bị lên án vì tích trữ của cải một cách ích kỷ, trong khi tác giả sách Giảng viên tuyệt vọng nghĩ rằng chẳng có việc làm nào có thể giành được bất kỳ kết quả xứng đáng nào. Tại sao cuốn sách này được đưa vào kinh bộ Sách Thánh? Có lẽ bởi vì thật luôn hữu ích khi đặt lại vấn đề về những xác tín của chúng ta và thúc đẩy chúng ta phải quyết tâm lại. Chắc chắn rằng điều này đã xóa bỏ niềm tin của dân Israel trước đây rằng hạnh phúc được tìm thấy trong sự giàu có và sự trổi vượt, và rằng sự giàu có phong lưu là dấu hiệu của phúc lành của Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 90,3-6; 12-17

Chúa thực hiện lời cầu xin

Thánh vịnh 90 là duy nhất được cho là của Môisen (xem câu 3 và so sánh với St 2,7). Tác giả Thánh vịnh nhìn nhận rằng cuộc sống là ngắn ngủi; do đó, ông cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để sống  khoảng thời gian ngắn ngủi này hợp ý Chúa (c. 12). Có lẽ ông nhớ lại biến cố thần hiển tại núi Sinai, và hỏi Chúa rằng dân chúng sẽ phải đợi bao lâu nữa mới đến lúc Ngài trở lại dưới một hình thức hữu hình như vậy (c. 13)

 

Trong khi chờ đợi, ông cầu xin Chúa đổ tràn đầy lòng nhân từ của Ngài trên dân để họ được an vui ngay giữa những phiền lụy của cuộc sống ngắn ngủi (cc. 14-15). Ông cũng xin Chúa tỏ cho dân thấy bằng chứng về các công trình của Ngài, để họ và con cháu của họ nhận biết rằng Chúa vẫn ở cùng họ (c. 16). Vì vậy, tác giả tin tưởng rằng đối với những ai tin cậy Chúa thì mọi ngày đều tốt đẹp, là cơ hội để vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa. Ông Môisen kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng cách kêu xin Chúa củng cố các công việc của Ngài qua bàn tay của dân giao ước. Thiên Chúa đã chọn Israel để trở thành dân thánh và là ánh sáng cho dân ngoại thì xin Ngài hoàn tất mỹ mãn. Tác giả cầu xin cho dân giao ước được phép hoàn thành sứ mệnh đó với tư cách như thể là đối tác trong kế hoạch của Chúa cho lịch sử cứu độ (c. 17).

 

Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu xin của tác giả Thánh vịnh khi cho Con Chúa là Chúa Giêsu ngự đến, và tỏ cho nhân loại thấy sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể, cũng như qua sứ vụ của Người trên trần gian. Muôn dân đã nhìn thấy công trình cứu độ rạng ngời được thực hiện qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Con Chúa.

 

BÀI ĐỌC 2: Cl 3,1-5, 9-11

Được trỗi dậy cùng với Chúa Kitô

Bài đọc cuối cùng này từ thư Côlôsê tràn đầy niềm hy vọng về sự Phục sinh. Thật vậy, bài đọc này cũng được dành để đọc vào sáng Chúa nhật Phục sinh. Chủ đề của Phaolô về việc được chịu phép rửa tháp nhập vào Chúa Kitô và chia sẻ sự sống phục sinh của Người đã quen thuộc trong các thư trước. Được nhận làm con với Chúa Kitô, chúng ta đã rũ bỏ mọi ràng buộc xưa cũ, và không còn chỗ cho tất cả những thói xấu cũ. Nhưng có một sự thay đổi quan điểm hấp dẫn và đầy cảm hứng. Trong những bức thư trước đó, Phaolô nói rằng chúng ta đã được giao hòa với Thiên Chúa nhưng chưa được cứu độ. Trong các thư Côlôsê và Êphêsô sau này, chúng ta đã được sống lại với Chúa Kitô, nhưng sự sống phục sinh này trong Chúa Kitô vẫn còn tiềm ẩn trong Thiên Chúa và chưa được mặc khải. Một khi chúng ta đã được chịu phép rửa trong Chúa Kitô, chúng ta đã được coi là của riêng Người, và có thể xưng hô thân mật với Thiên Chúa là Cha. Điều này mang lại cho chúng ta niềm tin vào nỗ lực liên tục để rũ bỏ mọi điều xấu và để cho Chúa Kitô thấm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta vẫn “đang được biến đổi thành Chúa Kitô”, nhưng trận chiến đã dành phần thắng.

 

TIN MỪNG: Lc 12,13-21

Làm giàu cho Thiên Chúa

Chúa Giêsu được một người đàn ông tiếp cận; người này muốn Chúa làm trọng tài giữa mình và anh mình. Tranh chấp về quyền thừa kế, nhưng những gì diễn ra tiếp theo cho thấy vấn đề thực sự là lòng tham. Chúa Giêsu sử dụng cuộc gặp gỡ này như một cơ hội để dạy bài học về sự vô ích của cuộc đời chỉ mưu cầu việc tích lũy của cải vật chất. Hai đặc điểm quan trọng của giáo huấn này làm nổi bật tính cách Khôn ngoan của nó. Phương pháp giáo huấn ở đây là một câu chuyện dụ ngôn, một hình thức gắn liền với truyền thống Khôn ngoan. Nó dựa trên những điều phổ biến để dạy một điều gì đó sâu sắc hơn về cuộc sống. Người đàn ông trong câu chuyện dụ ngôn bị Thiên Chúa đánh giá là một kẻ ngốc, một người không học được những bài học quan trọng mà cuộc sống đưa ra. Mặc dù “ngu ngốc” (từ truyền thống Khôn ngoan) và “ác” (từ truyền thống luân lý) thường được sử dụng thay thế cho nhau. Đây là cách phân loại dựa trên các tiêu chuẩn của sự khôn ngoan, không phải là những tiêu chuẩn của luân lý nghiêm ngặt.

 

Nhà phú hộ không bị chỉ trích vì sự giàu có của anh ta. Anh ta cũng không bị phê phán vì không quan tâm đến nhu cầu của những người kém may mắn hơn anh. Sự ngu ngốc của anh ta sâu sắc hơn nhiều; chính thái độ của lòng tham làm nền tảng cho hành động của anh ta. Thái độ như vậy quyết định cách anh ta đánh giá sự giàu có của mình và anh ta sẽ làm gì với nó. Cuộc sống của anh chỉ để ngày càng tích lũy nhiều hơn. Sự ngu ngốc của anh ta thể hiện rõ ở chỗ anh ta tích trữ hoa mầu của mình mà không bảo vệ nó khỏi bị hư thối. Điểm này rất quan trọng đối với câu chuyện dụ ngôn. Đó là một ví dụ về việc của cải không được sử dụng sẽ không tồn tại lâu. Cách duy nhất anh ta sử dụng sự giàu có của mình là tận hưởng một cuộc sống theo chủ nghĩa khoái lạc (x. Isaia 22,13; 1 Cr 15,32).

 

Cái chết của người đàn ông không phải là hình phạt cho lòng tham của anh. Nó chỉ đơn giản là sự kết thúc cuộc đời dư thừa của anh. Nó chỉ ra sự vô ích của cuộc sống đó. Anh đã dành nó để thu tích những gì không tồn tại lâu dài và những gì cuối cùng không có giá trị. Trước khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu đã cảnh báo đám đông về ý nghĩa của nó: Cuộc sống của một người không bao gồm của cải. Sở hữu không kéo dài. Khi chết của cải được truyền lại cho người khác, và không có cách nào biết được liệu người đó có sử dụng chúng tốt hay không (x. Gv 2,19). Chúa Giêsu rút ra bài học luân lý trong câu chuyện của mình. Thật là ngu xuẩn khi dành cả cuộc đời của một người để tích lũy tài sản và bỏ quên những gì quan trọng đối với Thiên Chúa. Ở đây Chúa Giêsu không nói cụ thể về điều gì quan trọng đối với Thiên Chúa, nhưng rõ ràng đó không phải là của cải vật chất.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 661, 1042-1050, 1821 : niềm hy vọng trời mới đất mới

+ GLHTCG 2535-2540, 2547, 2728 : sự xáo trộn của các ham muốn

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 84)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 161)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 188)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 174)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 237)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 186)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 344)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm B (22/01/2024 08:10:00 - Xem: 296)

Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không ?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 Thường niên– Năm B (15/01/2024 08:06:21 - Xem: 297)

Ngày nay, để làm môn đệ bước theo Chúa Kitô, chúng ta thường phải trả những giá nào? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm của bản thân.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 TN – Năm B -2024 (10/01/2024 07:20:06 - Xem: 235)

Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê, rồi Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Theo ý bạn, để trở thành một người giới thiệu Đức Kitô, cần có những điều kiện gì?

Bài viết mới