Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật 21 Thường niên năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,418
  • Ngày đăng: 16/08/2022 16:02:49

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm C

 

 

Khi tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng lên Giêrusalem để chịu đau khổ và chịu chết, Chúa Giêsu được hỏi có bao nhiêu người được cứu thoát. Người không trả lời trực tiếp mà mời gọi mỗi người hãy nỗ lực để qua được cửa hẹp trước khi chủ nhà đóng cửa. Thay vì tò mò hỏi bao nhiêu người sẽ được cứu, Chúa muốn tôi có sẵn sàng để được cứu thoát không.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 66,18-21

Ơn cứu độ cho các dân tộc

Bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng hôm nay vừa là sự thôi thúc vừa là thách đố. Bài đọc này trích từ chương cuối cùng của sách Isaia. Israel đã trở về sau cuộc sống lưu đày, và định cư trở lại Giêrusalem. Nó đã thoát bỏ nỗi lo lắng sợ hãi về sự sống sót dưới nguy cơ tuyệt chủng, và giờ đây có thể đủ khả năng để nhìn ra bên ngoài. Như người ta thấy, một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của một đứa trẻ là khi nó bớt bận tâm về bản thân và có thể bắt đầu nhận thức được nhu cầu của người khác. Cũng như vậy, bây giờ Israel nhận thấy rằng ơn gọi của Dân được chọn không phải chỉ là để quay về với chính mình, mà là mang ơn cứu độ của Chúa đến cho những người khác. Isaia nói tiên tri rằng danh sách những dân tộc xa lạ lạ này gồm những vùng đất xa xôi: Tarshish, Put, Lud, Tubal và Giavan, sẽ đến để đón nhận ơn cứu rỗi từ Giêrusalem, và sẽ tham gia vào sự thờ phượng thánh thiêng của chính Giêrusalem. Đó là một sự chuẩn bị cho việc truyền bá Tin Mừng cho thế giới. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng tất cả các dân tộc bằng cách nào đó sẽ được Chúa Kitô cứu chuộc, mặc dù họ không biết Người. Hiến chế về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II nói: “Thiên Chúa cũng không ở xa cả những ai đang tìm kiếm trong bóng tối và nơi những hình tượng một Thiên Chúa mà họ không biết”  (LG 16).

 

ĐÁP CA: Tv 117,1-2

Hãy ngợi khen Chúa

Đây là Thánh vịnh ngắn nhất trong sách Thánh vịnh, chỉ gồm hai câu. Vì lý do này, một số bản chép tay tiếng Hipri kết hợp Thánh vịnh này với Thánh vịnh trước hoặc sau. Tuy nhiên, nó có bản sắc riêng và đóng vai trò như phần mở đầu cho các Thánh vịnh Hallel (Tv 113-118). Thánh vịnh 117 bao gồm lời mời gọi các quốc gia ca ngợi Chúa (c. 1) và lý do cho sự ngợi khen đó là lòng nhân từ bền vững và sự trung thành của Ngài (c. 2).

 

Lời mời gọi tất cả các quốc gia ngợi khen bao gồm sự thừa nhận rằng Chúa là Thiên Chúa của mọi dân tộc chứ không chỉ của Israel. Thánh Phaolô đã trích dẫn câu này trong thư Rôma 15,8-11 để làm bằng chứng rằng Kinh Thánh xác nhận lời dạy của ngài rằng Chúa Giêsu cũng đến để cứu dân ngoại. Và Thánh vịnh 117 chỉ đạt được sự ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu và vương quốc của Người là Hội Thánh. Thánh vịnh này chưa thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của nó cho đến sau khi Chúa Giêsu phục sinh, khi Người sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân (Mt 28,19-20 và Cv 1,8). Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục thành Constantinople đã viết: Thánh vịnh này chứa đựng lời tiên tri rằng Hội Thánh và giáo huấn của Tin Mừng sẽ lan truyền đến tận cùng trái đất (Chrysostom, Expositio in Psalmos, 116).

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 12,5-7,11-13

Kỷ luật bằng đau khổ

Ý nghĩa của tất cả những đau khổ vây quanh chúng ta, bệnh tật, lo lắng, cô đơn, sợ hãi, thất vọng là gì? Tất cả những méo mó và khốn khổ này có thực sự tương thích với niềm tin vào một vị Thiên Chúa là tình yêu? Ở đây thư gửi cho tín hữu Hipri đưa ra một lời giải thích: đó là sự huấn luyện và kỷ luật đầy yêu thương của người cha để đưa chúng ta đến bình an và sự công chính. Trong một thế giới không có nỗi đau, liệu chúng ta có bao giờ hướng về Chúa? Khi mọi việc suôn sẻ, nhiều người trong chúng ta tự mình xoay sở mà không cần Chúa! Nếu thế giới của chúng ta tan rã, chúng ta cần phải có Chúa để hợp nhất nó lại với nhau. Phaolô diễn đạt hơi khác một chút, ngài coi đau khổ là đặc ân được chia sẻ với đau khổ cứu chuộc của chính Chúa Kitô. Bằng cách đón chịu những đau khổ của Chúa Kitô trong mọi thời đại, Hội Thánh bảo đảm rằng mình thực sự là thân thể của Chúa Kitô, Tôi Trung của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể hài lòng với đau khổ. Chính Chúa Giêsu đã thấu cảm sự đau khổ, và Người đã ra tay để chữa lành con người dưới mọi hình thức đau khổ. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, trong thời đại mà xã hội có quá nhiều người tố cáo lòng ích kỷ và chủ nghĩa vật chất, thì lòng quảng đại đã được nhiều người thể hiện để giảm bớt đau khổ, chăm sóc người bệnh, nâng cao đời sống cho những người kém may mắn, là một trong những dấu chỉ của Chúa Kitô đang hoạt động trong xã hội của Người.

 

TIN MỪNG: Lc 13,22-30

Hãy chiến đấu

Trình thuật Tin Mừng chứa đựng giáo huấn cả về cứu thế học và thần học. Bố cục của nó có thể được chia thành một câu hỏi ban đầu dẫn vào vấn đề cứu rỗi (c. 23), một câu chuyện ngụ ngôn minh họa (cc. 24-27), một cảnh phán xét (cc. 28-29), và một câu kết luận (c. 30).

 

Người đặt câu hỏi không được xác định. Mặc dù dường như có sự khác biệt về quan điểm trong suy nghĩ của người Do Thái vào thời đó về số người được cứu (x. Sanhedrin 10: 1). Không có lý do gì để nghĩ rằng việc đặt câu hỏi là một nỗ lực gài bẫy Chúa Giêsu trả lời theo một cách nào đó để có thể gây ra tranh cãi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đưa ra câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi, mà chuyển sự tập trung từ việc tò mò về sự cứu rỗi của người khác sang việc quan tâm đến tương lai của chính mình, cũng giống như sự chuyển hướng mà Người đã thực hiện khi vị thông luật yêu cầu Người xác định người thân cận (xem Luca 10,25-37; Chúa nhật mười lăm).

 

Chúa Giêsu dẫn vào câu chuyện của mình với một lời khuyến cáo: “Hãy chiến đấu” (agōnízomai), một từ được sử dụng khi mô tả những nỗ lực trong các cuộc thi thể thao. Với lời khuyến cáo này, Người muốn nói với những người nghe mình rằng hãy toàn tâm toàn ý cố gắng để nhận được phần thưởng, vì nhiệm vụ trước mắt không phải là một việc dễ dàng. Sau đó, Người kể một câu chuyện minh họa để cho thấy việc được cứu khó khăn như thế nào. Điều này không có nghĩa là ơn cứu độ chỉ dành cho một số ít người. Đúng hơn, nó cho thấy một số người không cố gắng đủ để vào phòng tiệc. Hoặc họ không đáp ứng lời mời một cách kịp thời, hoặc đến quá muộn để được nhận vào, hoặc họ cho rằng chỉ gặp gỡ ngẫu nhiên chứ không cần cam kết thực sự với chủ nhà (Chúa Giêsu) là đủ. Trong cả hai trường hợp, những người đứng bên ngoài mong đợi được nhận vào đều bị quay lưng. Để làm tăng thêm sự mất tinh thần của họ, họ được cho biết rằng một số người mà họ coi thường như người ngoài cuộc sẽ được đưa vào dự tiệc trong khi họ sẽ phải ở bên ngoài, khóc lóc thất vọng và nghiến răng ghen tị. Những người đến từ bốn phương có lẽ là những người Dân Ngoại công chính, những người sẽ được mời dùng tiệc với các anh hùng của lịch sử Israel.

 

Bài Tin Mừng này cho thấy một số sự đảo ngược đáng ngạc nhiên mà Nước Thiên Chúa mang đến. Ơn cứu rỗi không được hứa riêng cho một nhóm này và không cho nhóm khác; sự tương phản này cho thấy là không phải tất cả đều được đón nhận. Do đó, điều ngạc nhiên sẽ là xem ai được cứu và ai không. Người trong cuộc sẽ phải đứng bên ngoài, và người bên ngoài sẽ được đưa vào trong. Người Do Thái sẽ bị loại bỏ khỏi bữa tiệc thiên sai, trong khi dân ngoại sẽ dự bữa tiệc đó; những người bị ruồng bỏ sẽ được đón tiếp, còn giới ưu tú tôn giáo thì không. Mặc dù điều này chỉ đúng với một số thành viên của mỗi nhóm, nhưng chính sự đảo ngược đó sẽ khiến nhiều người kinh ngạc.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

GLHTCG 543-546 : Tất cả được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa

GLHTCG 774-776: Hội Thánh là bí tích phổ quát của ơn cửu độ

GLHTCG 2825-2827 : Chu toàn thánh ý Cha để tiến vào Nước Trời

GLHTCG 853, 1036, 1344, 1889, 2656 : Con đường hẹp

Lm Giuse Ngô Quang Trung

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 84)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 161)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 188)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 174)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 237)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 186)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 344)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Thường niên năm B (22/01/2024 08:10:00 - Xem: 296)

Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không ?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 Thường niên– Năm B (15/01/2024 08:06:21 - Xem: 297)

Ngày nay, để làm môn đệ bước theo Chúa Kitô, chúng ta thường phải trả những giá nào? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm của bản thân.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 TN – Năm B -2024 (10/01/2024 07:20:06 - Xem: 235)

Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê, rồi Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Theo ý bạn, để trở thành một người giới thiệu Đức Kitô, cần có những điều kiện gì?

Bài viết mới