Kinh thánh - Giáo lý

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa nhật 3 thường niên Năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,377
  • Ngày đăng: 17/01/2022 08:57:12

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN, NĂM C

 

 

Tin Mừng hôm nay trình bày “diễn văn khai mạc” của Chúa Giêsu trong hội đường Nazareth và phác thảo về sứ vụ của Người, đánh dấu một thời điểm trọng đại trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay tập trung sự chú ý của chúng ta vào tầm quan trọng và quyền năng giải thoát của Lời Chúa. Các bài đọc thách thức chúng ta lắng nghe, đón nhận Lời Chúa, và đem ra thực hành, nhờ đó giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ.

 

Trong Tự sắc Aperuit Illis ngày 30 tháng 9 năm 2019, lễ thánh Giêronimô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Chúa nhật thứ ba thường niên sẽ được dành cho việc cử hành, nghiên cứu và phổ biến Lời Chúa.

 

BÀI ĐỌC 1: Nk 8,2-6, 8-10

Tư tế Étra đọc sách Luật

Sách Nơkhemia mà hôm nay được đọc, là cuốn sách lịch sử mới nhất của Kinh Thánh Do Thái. Nó mô tả sự tái lập dân Israel, nay là người Do Thái, trong và xung quanh Giêrusalem, khi họ được giải phóng khỏi cuộc lưu đày ở Babylon. Trong 70 năm lưu đày, họ đã phát triển một lối sống dựa trên luật pháp và được đánh dấu bằng ngày Sabát, phép cắt bì và thức ăn nghi lễ, điều này giúp phân biệt họ không chỉ với người Babylon, mà còn với những cư dân Giuđêa, những người không bị kéo vào nơi giam cầm. Chỉ có những người say mê Chúa và lối sống này mới trở lại thành Giêrusalem hoang tàn. Những người khác ở lại nơi lưu đày thoải mái hơn! Étra, chuyên gia về Luật, và Nơkhemia, được vua Ba Tư ủy quyền (Giuđêa nằm trong vương quốc của ông), là những người lãnh đạo cộng đồng vào những thời điểm khác nhau. Trong cảnh này, Étra đọc to và ban hành Luật ở Giêrusalem, trước sự hoan nghênh của mọi người. Thật là trái ngược với khung cảnh trong hội đường ở Nazareth, nơi Chúa Giêsu đọc lên đoạn sách Isaia, đó là cốt lõi cho sứ vụ của Người và của những ai theo Người, chỉ để bị chính dân tộc của Người từ chối!

 

ĐÁP CA: Tv 19,8-14

Ca tụng Luật Chúa

Thánh vịnh này là một Thánh vịnh khác của vua Đavít. Nội dung mô tả Lề Luật của Đức Chúa bằng cách sử dụng bảy từ đồng nghĩa: hoàn hảo, đáng tin cậy, đúng đắn, rõ ràng, thuần khiết, chân thật và công bình. Luật Chúa là một món quà nhằm đem lại hạnh phúc cho cuộc đời người ta và công bố sự vinh hiển của Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh nói lên lòng tin cậy của mình nơi Lề Luật như một người dạy dỗ và hướng dẫn cho một đời sống hoàn thiện (cc. 8 và 10). Là người tôi tớ được Chúa xức dầu, ông nói rằng ông đã cẩn thận giữ mình tránh xa tội lỗi và cam kết tuân theo Luật Chúa, nhưng đồng thời, ông cũng nhận thấy mình là con người thiếu sót và lầm lỗi. Ông cầu xin Chúa tỏ cho ông biết những tội ông đã vô tình hoặc bất cẩn lỗi phạm để ông có thể xưng thú và nhận được ơn tha thứ của Chúa (cc. 12-13). Tác giả ý thức rằng tội lỗi trong cuộc đời mình khiến ông bị trói buộc, và ông cầu xin Chúa đừng để tội lỗi thống trị ông. Với ơn Chúa trợ giúp và với lòng khiêm nhường ông có thể trở nên một con người vẹn toàn, không còn vương trọng tội (c. 14). Ở phần cuối Thánh vịnh (c. 15), tác giả cầu xin Chúa hướng dẫn lời nói và suy nghĩ của ông để ông tìm được ơn trước mặt Chúa, Đấng là “Núi đá” và Đấng Cứu Chuộc của ông. Danh hiệu “Núi đá” nói đến sự vững chắc của Chúa trong đời sống của người tin và sự thật của lời Ngài không bao giờ bị lung lay hay tiêu diệt. Sống theo luật Chúa là một phần thưởng lớn hơn bất cứ điều gì mà thế giới vật chất có thể đem lại. Chúa là Đức Chúa sẽ ban thưởng cho đức tin và sự tuân giữ Luật pháp. Ngài là tác giả của Luật, vốn có “những lời đem lại sự sống đời đời.”

 

Cũng như Thiên Chúa đã tạo dựng mặt trời để đem lại ánh sáng, và cho chúng ta có thể chiêm ngắm và ca tụng công trình sáng tạo của Ngài, thì Thiên Chúa cũng ban giáo huấn của Ngài chứa đựng trong Lề Luật và các Điều Răn để chúng ta được soi sáng mà tiến bước trong sự thật vốn phản chiếu sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa” (x. ĐGH Gioan Phaolô II, buổi Tiếp kiến chung ngày 30 tháng giêng, năm 2002).

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 12,12-30

Thân thể Chúa Kitô

Tiếp theo ngay bài đọc Chúa nhật tuần trước, trong phân đoạn hôm nay, Phaolô chỉ ra lý do tại sao các đặc sủng khác nhau của Thần Khí phải được sử dụng cho mục đích chung là xây dựng cộng đoàn. Ngài so sánh cộng đoàn đang sống với sự sống của Chúa Kitô, sự sống của Thần Khí, với thân thể con người. Để cơ thể con người hoạt động hiệu quả, mỗi cơ quan có tính đa dạng cao phải đóng một vai trò của mình, phải đóng góp một chuyên môn riêng. Để ngăn ngừa việc mỗi người Côrinthô trở nên tự hào sở hữu những ơn ban đặc biệt của riêng họ, ngài nhấn mạnh rằng: giống như các bộ phận của cơ thể, không bộ phận nào quan trọng hơn bộ phận nào khác. Có phải là ít nghiêm trọng hơn nếu gan của bạn bị suy tổn hơn là thận của bạn không? Sự so sánh cộng đoàn với thân thể con người là phổ biến trong văn học cổ đại, nhưng không nơi nào khác, cộng đoàn được mô tả như thân thể của một người cụ thể theo cách mà Phaolô chỉ định cộng đoàn Kitô hữu Côrinthô là Thân thể của Chúa Kitô. Thân thể sống theo nguyên lý sự sống của Thần Khí Chúa Kitô  là Thân thể của chính Chúa Kitô.

 

TIN MỪNG: Lc 1,1-4; 4,14-21

Công bố Lời Chúa

Bài đọc Phúc Âm hôm nay bắt đầu với một lời ngỏ với ông Thêôphilô, tên của một người có nghĩa là “bạn hoặc người yêu mến Thiên Chúa.” Sự tôn kính mà tác giả dành cho người đàn ông này cho thấy ông là người bảo trợ đã đảm nhận trách nhiệm xuất bản văn thư này (x. Cv 1,1). Ở đây tác giả nói một số điều rất thú vị về Phúc Âm này. Đó là một trong số nhiều lời tường thuật về các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Nó tuân theo một tiến trình có trật tự, có lẽ là theo trình tự thời gian. Bản thân các sự kiện được cho là đã hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa hoặc sự mong đợi phát sinh ra từ những lời hứa đó. Trong khi tính xác thực của các bản tường thuật khác dựa trên lời kể của những người chứng kiến, những người cũng từng phục vụ lời Chúa, thì trình thuật này là sự giải thích những gì được truyền lại bởi những người khác. Tác giả thừa nhận rõ ràng ông không phải là nhân chứng, bằng cách nói rằng lời này đã được truyền lại “cho chúng tôi.” “Truyền lại” (parádosis) là một từ kỹ thuật, có nghĩa là truyền lại truyền thống có thẩm quyền. Ông Thêôphilô ở đây được đảm bảo về tính xác thực của giáo huấn (“giáo lý, catechesis” từ Hi Lạp katēchéō) trong đức tin mà ông đã nhận được. Những nhân chứng ​​đã truyền lại truyền thống cho Luca, và bây giờ Luca giao nó lại cho người bảo trợ của mình.

 

Câu chuyện thực sự bắt đầu bằng một bản tóm tắt. Chúa Giêsu đã giảng dạy trong các hội đường ở Galilê và được mọi người khen ngợi. Bây giờ Người trở về quê hương của mình là Nazareth và tham dự một buổi cử hành hội đường ở đó. Người được trao cuộn sách Isaia nhưng dường như Người đã chọn đoạn văn (x. Is 61,1-2). Ở đó, chúng ta thấy một vị tiên tri được ban đầy Thần Khí, đã được Chúa xức dầu (c. 1). Việc xức dầu này có thể là một thao tác của lời nói, nhưng các nhiệm vụ đi kèm với nó là rất thực tế và rõ ràng mang tính xã hội. Chức năng chính của tiên tri là công bố. Ông được kêu gọi để công bố sự tự do, sự giải phóng, sự chữa lành và năm hồng ân của Chúa. Rõ ràng là hầu hết những người đau khổ được đề cập trong đoạn văn này đều là nạn nhân của một hệ thống. Tin tốt lành được công bố cho họ hứa hẹn rằng họ sẽ là những người hưởng lợi trong năm hồng ân.

 

Năm của Chúa (c. 2) gợi nhớ đến Năm Thánh (Lv 25), thời điểm mà các món nợ sẽ được tha (x. Đnl 15), khi đất đai đã bị tước đoạt sẽ được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu của nó, khi những người bị cầm tù vì nghịch cảnh tài chính sẽ được trả tự do. Đây là thời điểm được mong đợi rất nhiều cho những người không có tài sản và những người nghèo khổ. Ngược lại, đó là thời điểm tiếc nuối cho những ai sẽ mất đi một phần của cải và quyền lực trong đợt tái phân phối kinh tế như vậy. Cho dù một năm giải thoát như vậy có từng được tuân giữ hay không, ý tưởng này đã trở thành một mơ ước mạnh mẽ cho sự giải phóng chung và tái cơ cấu kinh tế cũng như sự hoàn thành trong thời cánh chung. Nó tượng trưng cho sự ra đời của một kỷ nguyên mới, một thời kỳ giải thoát cho những người thiệt thòi. Đây là một năm được thành lập nhờ sự ưu ái của Chúa, không phải là thiện chí của người khác.

 

Với con mắt của người trong hội đường chăm chú vào mình, Chúa Giêsu khẳng định một cách táo bạo: “Hôm nay, đoạn Kinh Thánh này được ứng nghiệm trong buổi cử hành của quý vị.” Người là vị tiên tri được đầy Thánh Thần; Người là Đấng khai mạc năm giải thoát; Người là Đấng đã khai mở kỷ nguyên của sự hoàn thành cánh chung.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 714 : sự mong đợi Đấng Mêsia và Thánh Thần trong Cựu Ước

+ GLHTCG 1965-1974 : Luật Mới và Tin Mừng

+ GLHTCG 106, 108, 515 : Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả Sách Thánh và các độc giả

+ GLHTCG 787-795 : Giáo Hội, thân thể Đức Kitô.

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 108)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 157)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 126)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 216)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 304)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 301)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 241)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 305)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 234)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 403)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7