Kinh thánh - Giáo lý

Tìm hiểu Lời Chúa Chúa nhật lễ Thánh gia năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,629
  • Ngày đăng: 22/12/2021 10:37:53

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA, NĂM C

 

 

Các chủ đề chính trong các bài đọc hôm nay nêu bật những đặc điểm trong quan hệ của đời sống gia đình. Nơi sách Huấn Ca, những mối tương giao và trách nhiệm của cuộc sống gia đình trong thế giới cổ đại xuất hiện trước mắt chúng ta. Phần thưởng cho việc trung thành tuân giữ các quy tắc gia đình này được giới thiệu trong Thánh vịnh đáp ca. Phaolô hướng sự chú ý của chúng ta đến cách sống mối tương quan mà chúng ta là những thành viên trong gia đình Hội Thánh cần phải thực hiện. Còn bài Phúc Âm cho chúng ta một thoáng nhìn về các động năng trong mối tương giao trong Gia Đình Thánh.

 

BÀI ĐỌC 1: Hc 3,2-6.12-14

Tôn vinh cha mẹ

Sách Huấn Ca là một tập hợp những giáo huấn khôn ngoan về những cách cư xử để phù hợp với Luật Chúa. Tác giả hẳn là một người am hiểu về Luật, sống ở Giêrusalem. Ông coi Luật pháp không phải là một bộ quy tắc ràng buộc người ta phải theo, mà là món quà yêu thương Thiên Chúa dành cho dân tộc của mình. Ngài chỉ cho họ cách họ nên hành động để được luôn gần gũi và gắn bó với Ngài. Do đó, luật là tổng hợp những hướng dẫn vô giá, nó cần được trân trọng và bảo tồn. Bài đọc hôm nay là một bài suy niệm mở rộng về điều răn thứ bốn. Tác giả nhắc nhở chúng ta: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”. Điều đáng ghi nhớ là: đây là điều răn duy nhất trong Mười Điều Răn được hứa ban phúc lành là một cuộc sống lâu dài. Trong bài đọc hôm nay, tác giả nối kết hành vi “kính sợ Chúa” với việc tôn vinh và kính trọng cha mẹ (c. 6b). Hành vi của một người đối với cha mẹ quan trọng đến nỗi Thiên Chúa hứa Ngài sẽ luôn lắng nghe lời cầu nguyện của một người con ngoan biết luôn chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ; và hành động hiếu thảo đối với cha mẹ sẽ đền bù được lỗi lầm (cc. 3 và 14). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong Marcô 7,10-13 tán thành đoạn văn trong sách Huấn Ca hôm nay rằng ai thực sự tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa thì cũng sẽ kính trọng và chăm sóc cha mẹ, vì đó là tiêu chuẩn hành vi mà Thiên Chúa đòi hỏi những ai yêu mến Ngài.

 

ĐÁP CA: Tv 84

Hạnh phúc của người công chính

2-5 Hạnh phúc trong thánh điện

Trong Thánh vịnh này, lòng yêu mến đối với Đức Chúa Trời mở rộng cả đến ngôi nhà của Ngài, nơi Ngài ngự giữa dân một cách rất đặc biệt. Lòng khao khát của tác giả Thánh vịnh cho thấy ông đang ở xa đền thờ vào thời điểm này. Sự khao khát này bao trùm tất cả, ảnh hưởng đến cả cơ thể và nội tâm. Mặc dù cảm giác mong muốn an toàn, được so sánh với hình ảnh những con chim làm tổ, nghĩa là được bảo vệ khỏi bị những tổn hại, thì ước muốn hơn ở đây chính là sự thân mật và niềm an bình. Danh hiệu “Chúa tể càn khôn” được dịu đi phần nào khi quy chiếu về “Thiên Chúa con thờ.” Câu kết thúc với một lời chúc phúc “Phúc thay!” Những ai ở trong nhà của Đức Chúa Trời chắc chắn được hạnh phúc hoặc có phúc.

 

5-8 và được Chúa che chở

Phần thứ hai này mở đầu bằng cũng bằng một lời chúc phúc (macarism). Ở đây, trọng tâm chuyển từ sự an bình kết hợp với Chúa sang sự bảo vệ che chở của Ngài. Bức tranh được phác thảo là một cuộc hành hương. Các nhà chú giải khó xác định được thung lũng Khô Cằn. Nguồn gốc của từ này là (“khóc”, do đó có nghĩa là “thung lũng nước mắt”), cùng với việc đề cập đến hồng ân Chúa ban là nước, đã khiến một số người kết luận rằng nơi đó ám chỉ một vùng đất khô cằn mà qua đó người dân băng qua trên đường đến Giêrusalem. Nó cũng có thể mang ý nghĩa hình tượng để mô tả chuyển động nội tâm từ khao khát sự hiện diện của Chúa đến việc tận hưởng sự sảng khoái mà trải nghiệm sự hiện diện đó cuối cùng mang lại.

 

9-10 Cầu nguyện cho vua

Cung điệu chinh chiến nơi những câu thơ này ngân lên trong lời thưa “Lạy Chúa Tể càn khôn” và trong mô tả đặc điểm của Ngài là khiên mộc chở che. Ý nghĩa trọng tâm ở đây là bảo vệ, không phải gây chiến.

 

11-13 Hạnh phúc được ở trong thánh điện

Tác giả đưa ra hai điển hình mang hình thức châm ngôn “quý hơn” trong lời ca ngợi thánh điện. Những so sánh này có vẻ phóng đại, nhưng chúng nói lên lòng mến yêu sâu xa đối với đền thánh và thời gian được ở trong đó. Thiên Chúa bảo vệ (“là thuẫn đỡ”) người công chính và cung cấp mọi thứ (“ánh mặt trời”) cần thiết cho một cuộc sống phong phú. Thánh vịnh kết thúc bằng một lời chúc phúc cho ai tin cậy nơi Chúa. Việc sử dụng thường xuyên “Chúa Tể càn khôn” (bốn lần) cho thấy Chúa đã truyền cảm hứng cho lòng tin tưởng đó.

 

Ông Phêrô hẳn đã nhớ đến Thánh vịnh này khi ông viết : “Một điều duy nhất xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3,8) (x. GLHTCG 1770, 2794-2796).

 

BÀI ĐỌC 2: Cl 3,12-21

Đỉnh cao là lòng bác ái

Trong một đoạn văn ngắn, thư gửi tín hữu Côlôsê đưa ra một loạt các chỉ dẫn về cách sống trong cộng đoàn: lòng thương cảm, sự tha thứ, tình yêu, sự hiền hòa và nhẫn nại. Tình yêu là một loại áo giáp giúp gìn giữ tất cả các phẩm chất khác lại với nhau. Nếu chúng ta suy ngẫm về những điều này và áp dụng vào thực tế, thì không thể có sự ganh đua hay thù địch trong cộng đoàn Kitô hữu, và cả trong một gia đình, nơi mà những căng thẳng và khó khăn của cuộc sống thường làm cho tình yêu trở nên yếu ớt. Tuy nhiên, một gia đình mà mọi người yêu thương nhau sẽ trở thành gương mẫu cho các mối quan hệ khác nhau của một cộng đoàn Kitô hữu. Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn cội và khuôn mẫu cho mọi tương quan gia đình của con người. Cũng như tình yêu và sự hi sinh của Chúa Kitô đối với thân mình mầu nhiệm của Người là Giáo hội, là khuôn mẫu cho tình yêu của vợ chồng đối với nhau. Bài đọc hôm nay bắt đầu với một lời nhắc nhở đầy gợi ý rằng chúng ta là những người được Chúa tuyển chọn. Sự lựa chọn ưu ái này giúp chúng ta luôn cố gắng cư xử theo tư cách là đoàn dân của Chúa. Đoạn văn kết thúc với lời khuyên mỗi người hãy làm mọi việc nhân danh Chúa Giêsu. Kitô hữu là những người đã được gọi theo tên của Chúa Giêsu, điều này làm cho chúng ta trở thành thành viên trong đoàn dân của Người và đặt chúng ta dưới quyền lãnh đạo của Người. Đây là một ơn gọi thật cao quý, nhắc nhở chúng ta luôn sống và hành động với tư cách là con dân của Thiên Chúa.

 

TIN MỪNG: Lc 2:41-52

Tương giao trong Gia Đình Thánh

Đây là trình thuật duy nhất trong Phúc Âm cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về những năm giữa thời thơ ấu của Chúa Giêsu và thời điểm Người bắt đầu thi hành sứ vụ. Mặc dù ý chính trong đoạn văn là lời tuyên bố mang ý nghĩa Kitô học của Chúa Giêsu thời trẻ tuổi (c. 49), thì bối cảnh của câu chuyện mô tả một đơn vị gia đình rất đạo đức và đồng thời một người con ngoan ngoãn.

 

Những người đàn ông Israel trưởng thành được yêu cầu phải thực hiện ba cuộc hành hương lên Giêrusalem mỗi năm là lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều Tạm. Nếu vì khoảng cách xa, họ không thể đi ba lần trong năm, thì họ buộc phải tuân giữ ít nhất lễ Vượt Qua theo cách này. Bài đọc cho biết rằng cha mẹ của Chúa Giêsu thường xuyên tuân giữ luật buộc này, nghĩa là tham gia lễ kỷ niệm kéo dài một tuần. Chúa Giêsu, được xác định là một đứa trẻ (país, c. 43), mười hai tuổi, độ tuổi mà Người sắp đảm nhận các bổn phận tôn giáo của một người trưởng thành (x. Pirke Aboth 5, 212). Câu chuyện gợi ý rằng trong khi Chúa Giêsu nghĩ rằng mình đã sẵn sàng cho bước chuyển tiếp này, cha mẹ của Người vẫn có thể coi Người như một đứa trẻ.

 

Cảm giác thân quen dễ chịu lan tỏa trong nhóm hành hương giữa những người đồng hương, cùng bạn bè và gia đình đột ngột bị thay thế bằng sự lo lắng khi cha mẹ của Chúa Giêsu phát hiện ra cậu mất tích. Việc đề cập đến ba ngày có lẽ không có ý ám chỉ đến sự sống lại. Cả nhóm đã hồi hương được một ngày trước khi người ta nhận ra sự vắng mặt của cậu. Sẽ mất một ngày thứ hai để trở lại thành phố. Cha mẹ cậu có lẽ đã tìm thấy cậu vào ngày thứ ba trong Đền Thờ, nơi mà vào các ngày lễ và ngày Sabát, các nhân viên Thượng Hội Đồng tham gia vào các phiên họp mang hình thức hỏi-đáp không chính thức hơn là các hoạt động xét xử bình thường của họ (x. Sanh 88b). Cha mẹ cậu không được chuẩn bị cho tình huống này này của Chúa Giêsu; họ đã rất bối rối.

 

Những người trong khu vực đền thờ nghe thấy cậu bé trả lời đã rất ngạc nhiên về sự hiểu biết của cậu. Từ Hy Lạp (exitēmi) thường được dùng để mô tả phản ứng của con người trước sự biểu lộ của quyền lực thần linh xảy ra vào thời đại hoàn thành (x. Lc 4:22). Mặc dù theo một truyền thống thông thường (cũng được tìm thấy trong một số nghệ thuật tôn giáo) người ta cho rằng Chúa Giêsu đang giảng dạy trong Đền Thờ, thì bản văn không nói rõ điều này. Người là một đối tác của cuộc trao đổi. Trình thuật này có nhiều điểm tương đồng với truyền thống Hy Lạp-La Mã, ở đó một tình tiết kể lại những chiến tích của một anh hùng khi nó còn là một đứa trẻ.

 

Bà Maria chất vấn con trai mình, sử dụng một công thức quy tội vốn có: “Tại sao con lại hành động như thế?” (x. St 12:18; Xh 14:11; Ds 23:11; Tl 15:11). Lời đáp trả của trẻ Giêsu dành cho bà không phải chống chế lại lời cáo buộc mà là một câu trả lời tỏ ý ngạc nhiên. Việc bà đề cập đến ông Giuse là “cha con” song song với việc Chúa Giêsu nhắc đến Đức Chúa Trời là “Cha của con”, và chính đây là điểm mấu chốt của câu chuyện. Dường như có sự giằng co giữa trách nhiệm làm con của Chúa Giêsu trong mối quan hệ của Người với cha mẹ và quyền làm con trong sự kết hợp của Người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong trình thuật này, Người trung thành với cả hai. Gần đến tuổi trưởng thành, Người bắt đầu đảm nhận một vai trò xã hội; sau khi xuất hiện nổi bật trong Đền Thờ, Người trở lại với cuộc sống đời thường, luôn vâng lời cha mẹ. Ý nghĩa của những biến cố này và những lời của Chúa Giêsu không bị phai mờ trong những kí ức của Maria. Ngay lúc ấy có thể bà không hiểu hết tất cả, nhưng bà luôn lưu giữ trong tâm hồn mình.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

+  GLHTCG  531-534: Thánh Gia Thất

+  GLHTCG  1655-1658, 2204-2206: Gia đình Kitô giáo, Hội Thánh tại gia

+  GLHTCG  2214-2233: Bổn phận của các thành viên trong gia đình

+  GLHTCG  534, 583, 2599: Tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ

+  GLHTCG 64, 489, 2578 : Bà Anna và ông Samuel

+ GLHTCG 1, 104, 239, 1692, 1709, 2009 2736: Giờ đây chúng ta được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa

+  GLHTCG  163, 1023, 1161, 2519, 2772: Chúng ta sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa mặt giáp mặt

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 106)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 153)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 126)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 216)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 304)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 301)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 241)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 305)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B  (15/02/2024 05:34:16 - Xem: 234)

Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Thường niên– Năm B (29/01/2024 09:33:43 - Xem: 403)

Theo Phúc âm Máccô, những việc chính của Đức Giêsu mỗi ngày là những việc gì? Việc gì quan trọng hơn?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7