Giáo hội Việt Nam

Vài nhận định về Đại Hội Loan Báo Tin Mừng Lần V

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,569
  • Ngày đăng: 22/10/2022 14:53:17

Vài nhận định về Đại Hội Loan Báo Tin Mừng Lần V

(ĐH-LBTM-V)

 

 

Một trong những câu hỏi thường gặp khi bàn về bất kỳ sự kiện nào là: “Sự kiện đó có gì mới?”. Nhận định về Đại Hội Loan báo Tin Mừng Toàn quốc lần V, câu hỏi này không khó trả lời, vì ĐH có nhiều nét mới, thật ý nghĩa và cũng đáng kể. Xin ghi lại đây vài nét mới nổi bật của ĐH-LBTM-V :

 

ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN V CÓ GÌ MỚI?

1. Đại Hội LBTM được mở đầu bằng một công trình bác ái xã hội. UB.LBTM đã chung tay với Giáo phận Long Xuyên thực hiện một cây cầu bê-tông 3,4m x 32m, mang tên "Hiệp Thông", như một món quà của ĐH tặng cho bà con địa phương.

 

 

ĐH diễn ra trong bầu khí cầu nguyện qua các việc đạo đức và phụng vụ sốt sắng. Giáo dân Giáo xứ Đài Đức Mẹ và các giáo xứ lân cận đã hiệp hành với ĐH qua các Thánh lễ long trọng và trang nghiêm, nhất là các giờ chầu Thánh Thể, toàn dân Chúa cầu nguyện cho ĐH đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

 

ĐH kết thức bằng một sự kiện mục vụ với tầm mức giáo phận bằng một Thánh lễ vừa hoành tráng vừa linh thiêng, với hơn 300 linh mục đồng tế, hàng ngàn giáo dân tham dự, chung lời tạ ơn Chúa dịp kỷ niệm 62 năm thành lập Giáo phận Long Xuyên và dịp ĐH-LBTM toàn quốc diễn ra trong giáo phận.

 

 

Như thế, cùng với Giáo phận Long Xuyên, ĐH-LBTM-V nhắm hướng, việc loan báo Tin mừng bắt đầu bằng bác ái phục vụ, dấn thân trong tinh thần cầu nguyện và không quên bổn phận mục vụ. Thật tuyệt vời !

 

2. Về địa điểm tổ chức ĐH-LBTM lần này khá đặc biệt. ĐH chọn đến một xứ đạo cũng là một trung tâm hành hương của giáo phận miền cực Nam đất nước, mang hai nền văn hoá Nam-Bắc hoà quyện nhau: Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, Giáo phận Long Xuyên. Rõ ràng, khi tổ chức ở một nơi xa xôi như vậy, Ủy Ban LBTM muốn thực thi tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô là ra đi đến vùng ngoại biên, để Tin mừng được lan rộng. UB cũng muốn mời gọi các ‘Thừa sai tham dự viên’ đi đến miền sông nước dân dã bình dị, thiếu điều kiện thuận tiện về nơi ăn chốn ở, hơn là chuộng chốn đô hội phố phường với những phương tiện văn minh hiện đại. Như thế, có thể nói, địa điểm tổ chức toát lên tinh thần truyền giáo như một điểm nhấn của ĐH-LBTM-V.

 

3. Về ‘biên độ rộng’ của Đại Hội thì rất “ấn tượng”. Bước vào khuôn viên Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, địa điểm tổ chức ĐH-LBTM, đập ngay vào mắt khách tham quan là các posters của 27 giáo phận tại VN, cùng với hình ảnh của hơn 20 dòng tu tham dự ĐH, trang trí đủ sắc thái nhiều hình thức, với nội dung biểu trưng cho từng giáo phận, từng hội dòng, trình bày những hoạt động truyền giáo nổi bật, đa sắc thái. Đây là một nét son về nỗ lực hợp tác tích cực và cũng là “bộ mặt” của tất cả các thành phần tham dự ĐH.

 

Các tham dự viên dự Đại Hội lần này vừa đông đảo vừa đa dạng, “đủ mặt” Trung-Nam-Bắc, đủ các Cha Trưởng ban LBTM của 27 giáo phận, hơn 100 linh mục đang làm việc truyền giáo, đại diện của hơn 20 dòng tu, và đại diện giáo dân các giáo phận, có cả anh em sắc tộc nữa. Đáng phấn khởi là sự hiện diện của 6 giám mục đến với Đại Hội, hoặc tham dự ‘full-time’, hoặc ‘part-time’, hoặc ‘hiệp hành’ bằng bài chúc mừng ấm áp và huấn dụ cụ thể của Đức Tổng Hà Nội. Ngoài ra, phải kể đến sự góp mặt đông đảo giáo dân của địa phận ‘chủ nhà’. Rất đúng với câu chủ đề của ĐH “Dân Chúa tham gia Sứ Vụ”.

 

4. Về chương trình làm việc, ai cũng nhìn nhận là dày đặc và khẩn trương. Theo dự kiến, ĐH sẽ kéo dài 3 ngày, nhưng thời gian cho phép chỉ tròn 2 ngày, bao gồm tất cả các sinh hoạt, kể cả các thánh lễ “đại trào” và giờ chầu Thánh Thể trọng thể.

   

Với thời gian hạn hẹp như vậy, nhờ Ban Tổ chức chuẩn bị chu đáo về thời lượng và nội dung chương trình, nên các hình thức trình bày và góp ý được lồng ghép hợp lý và bài bản... tạo nên sự  đa dạng và phong phú cho Đại Hội. Có thuyết trình “truyền thống”, có huấn dụ chia sẻ sâu sắc của các Đức Cha, có hội thảo theo giáo tỉnh và theo thành phần linh mục-tu sĩ-giáo dân, có cách tham quan truyền giáo qua video clip, có những báo cáo trên màn hình trình chiếu powerpoint đến những tường trình hoạt động truyền giáo thực tế, có những chia sẻ của các chứng nhân sống động đến những hỏi đáp phỏng vấn rất chân chất nhưng thật hấp dẫn… Sinh động và bất ngờ nhất là hai diễn đàn truyền giáo, một hình thức hoàn toàn mới. Mỗi tham dự viên được tự do phát biểu trong 5 phút, chia sẻ những trải nghiệm đã qua và bày tỏ những thao thức trước mắt trong công cuộc truyền giáo của Giáo hội Việt Nam từ Bắc vào Nam. Nhưng ngỡ ngàng nhất, phải kể giờ chầu Thánh Thể tối 28/9, kéo dài 4 tiếng, từ 19g00 đến 23g00. Trong giờ Chầu đặc biệt đó, giáo dân nhiều nơi, theo phiên của giáo xứ, đã đến cầu nguyện cho việc truyền giáo và cách riêng cho ĐH, phần các tham dự viên thì được khuyến khích viết ra các thao thức truyền giáo trước Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

Thời biểu làm việc như vậy, nhưng không ai than thở hay phiền trách, mọi người đều có mặt đúng giờ và làm việc cật lực. Điều đó cho thấy, ĐH-LBTM năm nay thật sự là tiếng nói của Dân Chúa, vừa muốn nói cho nhau nghe về truyền giáo, vừa khát vọng lên tiếng về sứ vụ loan báo Tin Mừng.

 

5. Một nét nổi bật hơn các kỳ Đại Hội trước, ĐH năm nay diễn ra trong bầu khí cầu nguyện, vừa nhiều giờ vừa chất lượng. Ngay khai mạc, ĐH mở đầu với phút thánh hóa thật ý nghĩa và sốt sắng, mọi người lắng nghe mệnh lệnh truyền giáo qua Lời Chúa và dâng các ý nguyện cho mọi thành phần Dân Chúa trong sứ vụ loan Tin mừng.

   

Không có các giờ kinh Phụng vụ chung vì giáo dân không buộc đọc, nhưng các giờ cầu nguyện riêng, trong Nhà thờ giáo xứ luôn có Đức Cha Giáo phận quỳ ở bàn đầu, sau lưng ngài có đông anh em linh mục tu sĩ đọc kinh trên điện thoại di động, chung lời kinh một tâm tình. Các Thánh lễ và giờ chầu Thánh Thể đều diễn ra thật long trọng và ấm cúng, nhờ được chuẩn bị rất chu đáo, từ thánh ca nghệ thuật đến nghi thức trang trọng, từ giờ giấc thích hợp tới khung cảnh trang nghiêm, từ các linh mục đồng tế đông đảo đến giáo dân tề tựu dự lễ.

   

Một đỉnh cao khác trong phụng vụ làm mọi người xúc động, là ý chỉ cầu nguyện cho các vị thừa sai tiền nhân và các ân nhân đức tin. Các ngài để lại sự nghiệp truyền giáo là cả Giáo hội Việt Nam hôm nay, nhưng xưa nay ít được nhắc đến.

 

Sau cùng, một Thánh Lễ bế mạc đầy ấn tượng như hành trang lên đường truyền giáo, với sự đồng tế của 3 Đức Cha, hơn 100 linh mục tham dự viên ĐH, gần 200 linh mục của giáo phận, các tu sĩ đại diện hơn 20 dòng tu và đông đảo thành phần giáo dân… Tất cả cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vừa kỷ niệm 62 năm thành lập Giáo phận, vừa bế mạc ĐH-LBTM.

 

 

6. Sẽ không đủ nếu không nhắc đến hai nội dung đặc sắc vào cuối chương trình Đại Hội, đã gây ngạc nhiên và lý thú bất ngờ: một về vai trò của giáo dân trong công tác truyền giáo, một về việc hội nhập văn hóa để loan báo Tin Mừng. Cả hai đều của Giáo phận Long Xuyên.

   

Trước tiên là cuộc phỏng vấn của Đức Cha Long Xuyên dành cho Anh Hà Dương, một thừa tác viên Thánh Thể, một giáo lý viên ‘lưu động’ và một chủ tịch Ban hành giáo.

 

Trong Đại Hội Giáo dân mấy tuần trước, chính Đức Cha Giuse đã “đặt hàng”, mời anh tham dự và chia sẻ trong ĐH-LBTM. Thay vì một bài phát biểu về sứ vụ truyền giáo của giáo dân, Đức Cha đã thực hiện một cuộc phỏng vấn có tựa đề “Mang Chúa trong gùi 32 năm”, đầy ấn tượng, bất ngờ, lý thú và ‘tạo mẫu’ cụ thể về sự cộng tác của một giáo dân sắc tộc trong công tác loan báo Tin mừng vùng cao nguyên. Đáp lại những câu hỏi của Đức Cha rất sát với chủ đề ĐH: “Hãy là chứng nhân đích thực của Tin Mừng”, những trả lời chân chất, khiêm tốn, mạch lạc và sống động của Anh Hà Dương đã làm cả hội trường choáng ngợp bầu khí thán phục và phấn khởi, khiến mọi người như muốn đứng dậy ngay lập tức... lên đường dấn thân như người anh em dân tộc thiểu số, đầy nhiệt huyết và can đảm này.

 

    Thứ đến là màn tuồng ca kịch tân cổ giao duyên, đặc sản của miền Tây Nam Bộ, do các bạn trẻ Giáo xứ Phú Vĩnh, Châu Đốc, trình bày. Theo kịch bản với những ca từ truyền giáo, do chính cha sở sáng tác kiêm đạo diễn, được ghi âm và playback, các diễn viên đã diễn xuất vừa bình dị vừa chuyên nghiệp, đã làm nổi bật chủ đích hội nhập văn hóa để diễn tả và cổ võ việc loan báo Tin mừng. Tiết mục chỉ khoảng 15’, không dài nhưng chắc phải chuẩn bị công phu với nhiều vai diễn và thiết bị hỗ trợ. Đó thật là một nỗ lực đáng khích lệ và tán thưởng, vì sáng kiến này hẳn giúp tôn giáo dễ hội nhập vào cuộc sống dân dã và gần gũi với người dân địa phương, mà còn giúp công tác truyền giảng Tin mừng sớm lan rộng đến mọi miền đất nước.

 

7. Giáo phận Long Xuyên, đại diện cho các giáo phận ở Miền Nam, đã nhiệt tình đón tiếp ĐH-LBTM-V. Hơn thế nữa, Giáo phận muốn đánh dấu dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận, 1960-2020, nên đã xung phong đăng cai tổ chức sự kiện mang tính truyền giáo này. Mãi 2 năm sau, qua trận dịch covid, mới thành hiện thực cuối năm 2022.

 

Từ bước chuẩn bị tới việc tổ chức, từ nhân sự tới cơ sở vật chất, từ chương trình hội nghị đến công tác hậu cần của ĐH… Tất tất đều được Giáo phận Long Xuyên và Giáo xứ Đài Đức Mẹ đảm trách cách cật lực và nhiệt tâm. Đức Cha Giuse của Giáo phận hiệp hành với ĐH từ phút đầu đến phút cuối. Ngài sắp xếp, góp ý, chia sẻ, hướng dẫn, chủ sự cầu nguyện… Như đã nói, ấn tượng nhất là Đức Cha đã ‘đòi cho được’ một đêm chầu Thánh Thể, có nhiều giáo xứ chung quanh luân phiên cầu nguyện, để “đốt nóng” và xin Ơn Thánh tuôn đổ trên ĐH. Và cảm động nhất, trong Thánh lễ bế mạc, Đức Cha đã huy động tất cả linh mục giáo phận đồng tế chung niềm tạ ơn. ĐH lần này là sự kiện nổi bật của Giáo phận Long Xuyên. Chưa lần nào một ĐH-LBTM được một giáo phận ôm ấp, hiệp hành và -có thể nói- yêu thương như thế. Nhờ đó, ĐH mang tính truyền giáo, nhưng cũng đậm nét mục vụ; ĐH là tổ chức và hoạt động của một UB thuộc HĐGM, nhưng đã thành sinh hoạt và niềm vui của một giáo phận, cũng thực sự là một cộng tác và niềm vinh hạnh cho một giáo xứ. Đây cũng là nét đẹp và điều mới lạ của ĐH-LBTM-

V. Xin hoan nghênh và tri ân Đức Cha Giuse, Giáo phận Long Xuyên, Giáo xứ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa về ĐH-LBTM-V.

          Ban Thư ký của UB.LBTM

Bài cùng chuyên mục:

Ủy ban Phụng tự: Giải đáp về cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh (28/03/2024 05:45:36 - Xem: 177)

Chỉ được cử hành một Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại mỗi nhà thờ mà thôi như được hướng dẫn rõ ràng trong chữ đỏ của Sách lễ Rôma [2002] như sau:

Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng Lễ Chúa Phục Sinh 2024 (27/03/2024 08:29:36 - Xem: 126)

Cùng với lời tạ ơn Chúa vì ân huệ lớn lao này, cha muốn chia sẻ với các con một vài suy nghĩ về Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh.

Cử hành Thánh Thể: Bài 24 – Rửa tay (26/03/2024 13:33:24 - Xem: 112)

Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

Canh thức vượt qua - Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm (26/03/2024 13:31:04 - Xem: 123)

Kitô giáo tiếp nối truyền thống của Do thái giáo nên trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, Hội Thánh cũng đọc lại các bài Kinh Thánh về tạo dựng, hiến tế Isaac, và về cuộc xuất hành.

ĐGH Phanxicô - mười một năm nhìn lại - Đức Cha Phêrô (18/03/2024 07:56:03 - Xem: 197)

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức giáo hoàng để trong mọi hoàn cảnh, Ngài có thể chu toàn sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô và các đấng kế vị: “Hãy làm cho anh em con nên vững mạnh” (Lc 22,32).

Các bài hát gợi ý Tam Nhật Thánh & CN 1 Phục Sinh (18/03/2024 07:36:23 - Xem: 374)

Kính thưa quý cha và bạn đọc, nhằm giúp các ca đoàn hát đúng với Phụng vụ của các ngày lễ, Ban Thánh nhạc giáo phận xin gửi đến bạn đọc các bài hát gợi ý

Cuộc chiến đấu thiêng liêng - Đức Cha Phêrô (11/03/2024 05:31:18 - Xem: 259)

Mùa Chay được gọi là mùa chiến đấu thiêng liêng và chúng ta thường hiểu là chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỷ về mặt luân lý, đạo đức.

Các bài hát gợi ý CN 5 mùa Chay năm B & Thánh Giuse (10/03/2024 08:48:26 - Xem: 360)

Kính thưa quý cha và bạn đọc, nhằm giúp các ca đoàn hát đúng với Phụng vụ của các ngày lễ, Ban Thánh nhạc giáo phận xin gửi đến bạn đọc các bài hát gợi ý

Xin dạy chúng con cầu nguyện” – Tài liệu sống Năm Cầu Nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 (09/03/2024 08:41:23 - Xem: 312)

Năm Thánh này sẽ không chỉ liên quan đến thành Rôma, mà còn mở rộng ra, vì lòng Chúa thương xót được công bố cho toàn thế giới,

Sách Gomora - Đức Cha Phêrô (04/03/2024 07:29:01 - Xem: 325)

Sách Gomora và cuộc đấu tranh của thánh Đamianô chống lại sự băng hoại của hàng giáo sĩ, đó là tựa đề một quyển sách của Matthew Cullinan Hoffman, xuất bản năm 2015.

Bài viết mới