Tác giả - Tác phẩm

Ý thức Tông đồ (bài 4)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,434
  • Ngày đăng: 03/08/2022 13:30:33

Ý THỨC TÔNG ĐỒ

 

GIỚI THIỆU

Ý thức tông đồ là chủ đề suy niệm tĩnh tâm. Chủ đề này gồm 5 bài, có thể triển khai cho một tuần tĩnh tâm.

Chủ đề ý thức tông đồ dành riêng cho các linh mục. Tuy nhiên, các tu sĩ và anh chị em giáo dân vẫn có thể sử dụng, miễn là biết cách áp dụng cho mình.

Ước mong các bài suy niệm sau đây giúp chúng ta ngày càng thêm gắn bó sâu xa, mật thiết với Chúa Giêsu hơn.

 

                   Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 4

Ý THỨC TÔNG ĐỒ BỊ MỜ TỐI[1]

 

- Xin đọc : Công vụ tông đồ chương 13 và 15.

- Sách Công vụ Tông đồ 13,13-14 thuật lại: "Từ Pa-phô, ông Phaolô và các bạn đồng hành vượt biển đến Péc-ghê miền Pam-phy-lia. Nhưng ông Gioan bỏ các ông mà về Giêrusalem. Còn hai ông thì rời Péc-ghê tiếp tục đi Antiôkia miền Pi-xi-đi-a".

 

- Có nhiều cách giải thích rất khác nhau về lý do Marcô bỏ đoàn truyền giáo. Nhưng chắc chắn, ông không cảm thấy thoải mái. Ông nản lòng. Công vụ tông đồ chương 15 cho ta biết lý do tiêu cực đó phần nào:

"Phaolô nói với Barnaba: ta hãy trở lại thăm các anh em trong mỗi thành ta đã loan báo Lời Chúa, xem họ ra sao". Ông Barnaba muốn đem theo cả ông Gioan cũng gọi là Marcô. Nhưng ông Phaolô thì nghĩ là một người đã từng bỏ hai ông từ khi ở miền Pam-phy-lia và đã không cộng tác với hai ông thì không nên đem theo" (Cv 15,36-38).

 

Phaolô coi thái độ của Marcô là một từ bỏ, một sự mờ tối ý thức tông đồ truyền giáo. Điều đó cho thấy ý thức tông đồ nơi chúng ta có thể không lớn lên, trong khi tự bản chất nó phải được đào sâu không ngừng. Con đường lớn lên của ý thức tông đồ có những bước tiến, những bước lùi, những bước dừng lại khi mất sức sống. Do đó, ý thức tông đồ có thể sống động mà cũng có thể chết đi. Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao ý thức tông đồ nơi tôi lại tê liệt, lại mờ nhạt đi? Tại sao tiến trình đau đớn và bí ẩn này có thể xảy ra nơi tôi?

 

I. Những nguyên nhân làm mờ tối ý thức tông đồ

Tất cả mọi nguyên nhân đều tuỳ thuộc vào điểm chính yếu này: đó là mối tương quan nền tảng của chúng ta với Đức Kitô, tương quan đó bền chặt hay lỏng lẻo, mật thiết hay dửng dưng, xa cách. Mối tương quan này bị mờ nhạt dần do những nguyên nhân tâm lý, tình cảm, cảm xúc nơi chúng ta và không ai trong chúng ta có thể tránh những nguy cơ đó.

 

1. Nguyên nhân thứ nhất: Lười biếng không cầu nguyện

Lười biếng đây không chỉ là không dành thời giờ cho việc cầu nguyện, riêng hoặc chung, mà còn là không từ suy niệm tiến tới chiêm niệm. Ma quỷ sợ nhất là chúng ta đi đến chiêm niệm, nên tìm mọi cách để cản trở. Ma quỷ chẳng sợ chúng ta cầu nguyện lâu giờ, mà cố gắng làm chúng ta dừng lại ở mức độ suy tư nhân loại, ngăn cản chúng ta đặt mình trước mặt Chúa trong chiêm niệm để thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ và chiêm ngắm Ngài. Chính ở đó, chúng ta mới khám phá con người đích thực của mình, đo lường mọi hành động của mình cách rõ ràng, tỏ tường.

 

Không đạt tới con người đích thực, chúng ta sẽ bằng lòng với những nguyên tắc bề ngoài, với những chương trình hoạt động được soạn thảo kỹ lưỡng trên bàn giấy, đó chỉ là những hoạt động của lý trí. Một bằng lòng như thế sẽ cản trở chúng ta đi vào chương trình của chính Thiên Chúa.

 

Thường thường chúng ta hoài nghi về khả năng đạt tới chiêm niệm. Chúng ta không tin mình có thể có một hiểu biết cao sâu về Thiên Chúa như thánh Phaolô. Bởi đó, chúng ta thu mình vào việc cầu nguyện suy lý, hoặc vào những việc đạo đức thường ngày, mà không có can đảm đi tìm hồn của cầu nguyện, là dâng hiến chính mình cho Đức Kitô. Sự lười biếng không cố gắng đi tới chiêm niệm là một trong những lý do chính yếu làm mờ tối ý thức tông đồ, dù chúng ta có đọc sách nhiều, dù chúng ta có nhiều sáng kiến và khả năng hoạt động mục vụ hữu hiệu đi nữa.

 

Rồi sẽ đến lúc chúng ta nhận ra rằng, đàng sau tất cả những gì tôi nói và làm, vẫn thiếu một động lực sâu xa; chúng ta sẽ khám phá đó chỉ là nhờ tài khéo; đó chỉ là một nghề nghiệp được đào luyện đến nơi đến chốn.

 

2. Nguyên nhân thứ hai: Lười biếng không sống theo kỷ luật

- Điều quan trọng ở đây không phải là tình trạng đạo đức mà là sự phát triển tâm lý. Thân xác chúng ta là chỗ trú ngụ và là khí cụ của Chúa Thánh Thần vì vậy thân xác đó phải tuân theo một kỷ luật.

 

Đây không chỉ là kỷ luật liên quan đến đức khiết tịnh, đến tính dục, mà còn là kỷ luật cho trí tưởng tượng, đam mê, cử chỉ, thái độ cư xử, cách dùng thời giờ, đồ ăn, giấc ngủ. Nếu không sống theo một kỷ luật chặt chẽ, giúp tự chủ, ý thức tông đồ nơi chúng ta chắc chắn sẽ bị lu mờ.

 

- Hãy tập có những thói quen tốt, hữu ích cho đời sống chúng ta, nhất là cho quãng đời còn lại. Vd. Ngủ đúng giờ. Mỗi người phải tạo ra một thế quân bình thích hợp cho chính mình. Thường sự quân bình này có ở độ tuổi 30-40. Dĩ nhiên, để tạo cho mình một thói quen giúp sống quân bình, cần phải có những cố gắng và hy sinh. Một đời sống thanh đạm, một lối sống đơn sơ, giản dị, ít tiện nghi, ít nhu cầu là điều hữu ích, nhưng chưa đủ. Cũng giống như kỷ luật, một lối sống như vậy cần phải đi sâu vào chính con người chúng ta, trở thành một bản năng thứ hai, nếu không nó sẽ mau chóng mất đi động lực và sức mạnh.

 

3. Nguyên nhân thứ ba: Thiếu sự học hỏi phát triển đời sống trí thức.

- Có lẽ có người sẽ phản đối: Có ý muốn tốt lành, có các nhân đức là đủ, cần gì đến trí thức hiểu biết, đặt nặng vấn đề trí thức là không đúng. Tuy nhiên, Chúa ban cho chúng ta lý trí để phục vụ Chúa và anh em, thì chắc chắn Chúa cũng mong chúng ta phát triển tất cả những khả năng Người ban.

 

- Trí thức, hiểu biết yếu kém có thể làm mờ tối ý thức tông đồ. Hiện nay, chúng ta phải đối diện với thực tại ngày càng phức tạp hơn nơi con người và xã hội. Thực tại đó xem ra không thuận lợi cho sứ mạng tông đồ. Bởi đó, khi công cuộc tông đồ không có những tiến triển như chúng ta mong ước: người khác không đáp ứng như ta mong đợi, chúng ta nghĩ mình đã hiểu một điều gì đó, nhưng rồi nó lại hoàn toàn khác với những gì chúng ta nghĩ, vv... Nếu kém hiểu biết, chúng ta sẽ dễ dàng lạc hướng. Sách vở, quyền bính chúng ta cậy dựa không giải thích được những gì xảy ra; lúc bấy giờ, dường như tất cả đều lừa gạt ta: xã hội, Giáo Hội, cuộc sống - đó chỉ là vì chúng ta không có thói quen suy nghĩ, đánh giá tất cả những gì xảy ra. Chúng ta không có thói quen động não, suy tư phê bình của riêng mình.

 

- Có thể nói chúng ta "không có một cuộc hoán cải về trí thức". Chúng ta chạy theo tất cả những gì được người khác ca ngợi, ưa chuộng, những bậc thầy giả mạo, những tiên tri giả trong đạo cũng như ngoài đời, mà không biết phê phán, phân định. Chúng ta sẽ lệ thuộc vào mọi loại ngẫu tượng bao quanh một cách vô thức: thành kiến của tầng lớp, giai cấp, nhóm hoặc môi trường xã hội chúng ta sống; thành kiến của môi trường gia đình, tôn giáo chúng ta lớn lên và được dạy dỗ; cách xét đoán con người theo thói thường (họ đều vậy hết); những học thuyết, những lối sống, những cách suy nghĩ được truyền bá trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta lệ thuộc vào tất cả những điều đó, chúng ta ngụp lặn trong đó, thậm chí chúng ta còn sống theo chúng nữa. Nên nhớ, sống và diễn tả theo văn hoá xã hội là một chuyện, còn lệ thuộc nó lại là một chuyện khác.

 

- Chúng ta nô lệ cho những gì đang thịnh hành trong xã hội khi một điều gì đó trái ngược với dư luận chung đang thịnh hành, làm chúng ta phân vân, cản trở chúng ta có một thái độ phê phán, dĩ nhiên thái độ phê phán đó phải đi liền với khiêm tốn, và chân thành đi tìm sự thực.

 

- Ở đây, chúng ta gặp thấy cái xấu chung của con người. Thử nghĩ đến sự lựa chọn tự do của con người. sự tự do lựa chọn đó bị hạn chế nhiều mặt bởi thành kiến chủng tộc, xã hội, cục bộ, lịch sử, tôn giáo và những thành kiến đó thường đi liền với thái độ cư xử. Cắt nghĩa sự thù hận, chiến tranh, khủng bố thế nào, nếu không phải là sự tích tụ những thành kiến, những sợ hãi, sự không hiểu nhau và những hàm hồ của đời sống con người?

 

- Chỉ có Lời quyền năng, từ Mặc Khải mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng rối rắm, phức tạp đó. Người tông đồ được kêu gọi cộng tác với Lời Thiên Chúa, nên cần phát triển nơi chính mình một thái độ phê phán với mọi loại ngẫu tượng trên.

 

4. Nguyên nhân thứ tư: Một đời sống giả hình khéo léo

- "Giả hình khéo léo" là muốn nói tới một đời sống tốt muốn dấn thân thực sự, nhưng lại có một khoảng cách giữa điều mình nói và làm, có lẽ là do sự cao cả của lý tưởng mà người ta muốn vươn tới.

 

- Nếu chúng ta không quan tâm đến khoảng cách này, nếu chúng ta không làm gì để thu hẹp nó, ý thức tông đồ của chúng ta sẽ tan biến. Sự giả hình tinh tế này là một thứ nọc độc sẽ lây nhiễm toàn bộ cuộc đời chúng ta từng chút một mà chúng ta không hay biết.

 

- Một nguy cơ khác, đó là chúng ta cho rằng mình có thể xoá bỏ khoảng cách giữa nói và làm; chúng ta tưởng rằng mình đã đồng nhất giữa những lời mình nói và những việc mình làm. Có thể sự đồng nhất đó chỉ là bề ngoài, phần nào thôi, thái độ cần có là không coi thường khoảng cách giữa nói và làm, cũng như không loại bỏ khoảng cách đó bằng những cách giải quyết dễ dãi và trực tiếp. Làm như vậy là xoá bỏ ý thức tông đồ.

 

- Thái độ đúng đắn là thừa nhận khoảng cách giữa nói và làm, giữa lý tưởng và cách sống năng động của bản thân, không tự hào cho rằng mình đã gắn kết được thực tại (tức cuộc sống của mình) với lý tưởng, cũng không chối bỏ nó, mà luôn tự hỏi: Lúc này, tôi cần phải làm gì để đạt tới lý tưởng tốt hơn?

 

- Nếu chờ cho đến lúc đồng nhất được những gì ta rao giảng với những gì ta sống, mới loan báo Tin Mừng, thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta bắt đầu. Điều đòi hỏi nơi chúng ta không phải là xoá bỏ được khoảng cách giữa nói và làm, mà là chúng ta luôn được thúc đẩy bởi một năng động nội tâm không ngừng hướng đến lý tưởng của cuộc sống tông đồ.

 

5. Nguyên nhân thứ năm gắn liền với nguyên nhân thứ nhất, đó là không nắm vững đặc tính trung tâm của sứ điệp Tin Mừng

- Chúng ta phải không ngừng đặt câu hỏi cho mình: Nói đến nhận biết đặc tính trung tâm của Tin Mừng là nói gì? Nhận biết bí tích Thánh Thể là trung tâm có ý nghĩa gì? Hiểu Tin Mừng là cốt lõi sản sinh mọi thực tại Kitô giáo là muốn nói gì? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng gì? Đức Kitô hay những điều phụ thuộc? Đức Kitô hay những ý nghĩ của chính tôi?

 

- Nắm vững đặc tính trung tâm của sứ điệp Tin Mừng cũng có nghĩa là gắn bó mật thiết với Đức Kitô trong đời sống cầu nguyện, chiêm niệm và hoạt động vì chỉ khi nào gắn bó mật thiết với Ngài, chúng ta mới biết mình phải rao giảng điều gì và rao giảng khi nào, cách nào. Chỉ gắn bó mật thiết với Ngài, ta mới không xa rời trung tâm là chính Ngài, tránh được lầm lạc và có những chọn lựa đúng.

 

II. Những câu hỏi đặt ra cho chính mình để suy tư và chiêm niệm

- Sau khi đã tìm hiểu và suy nghĩ về những vấn đề trên, chúng ta cần đi đến chiêm niệm. Đánh giá lại tình trạng của riêng mình, tự hỏi trong những nguyên nhân trên, nguyên nhân nào, hay tất cả các nguyên nhân đó, làm mờ tối ý thức tông đồ của tôi? Rồi thiết tha cầu xin:

"Lạy Chúa Giêsu, xin cho con mỗi ngày luôn có những trải nghiệm mới mẻ, thực sự về Chúa, để con ý thức mình thuộc trọn về Chúa mà thôi, và cũng để con không ngừng cảm thấy mình được Chúa kêu gọi và sai đi. Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lời con cầu xin. Amen".

 


[1] Sách đã dẫn, trang 57-66.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 395)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 644)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 518)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 655)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 755)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,003)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,366)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,048)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,726)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,807)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7