Tác giả - Tác phẩm

Ý thức Tông đồ

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,221
  • Ngày đăng: 23/05/2022 13:00:28

Ý THỨC TÔNG ĐỒ

 

GIỚI THIỆU

Ý thức tông đồ là chủ đề suy niệm tĩnh tâm. Chủ đề này gồm 5 bài, có thể triển khai cho một tuần tĩnh tâm.

Chủ đề ý thức tông đồ dành riêng cho các linh mục. Tuy nhiên, các tu sĩ và anh chị em giáo dân vẫn có thể sử dụng, miễn là biết cách áp dụng cho mình.

Ước mong các bài suy niệm sau đây giúp chúng ta ngày càng thêm gắn bó sâu xa, mật thiết với Chúa Giêsu hơn.

 

              Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 1

Ý THỨC TÔNG ĐỒ[1]

 

- Xin đọc: Lc 4, 16-30; Cv 3,4-12; Mc chương 14.

Định nghĩa: ý thức tông đồ đây có ý nói tới tình cảm nội tâm của người thi hành một sứ mạng được trao, nhất là các linh mục.

Câu hỏi đặt ra để tìm hiểu: nói đến ý thức tông đồ là muốn nói gì? Nói không có ý thức tông đồ hoặc ý thức tông đồ còn non nớt, bất toàn là muốn nói gì?

Chúng ta cùng tìm câu trả lời qua 3 giai thoại trong Tân Ước.

 

1. Giai thoại thứ nhất: Chúa Giêsu rao giảng tại quê hương Nadarét (Lc 4,16-30).

- Trong hội đường, khi Chúa Giêsu lên chia sẻ, phản ứng đầu tiên của dân làng là chăm chú nhìn để nghe Chúa nói. Đây là kinh nghiệm Chúa Giêsu trải qua: Người ta sẵn sàng nghe tôi vì lời tôi nói rất quan trọng. "Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người".

 

- Tuy nhiên, tình thế thay đổi nhanh chóng. Mới đầu dân làng thán phục, ca tụng Chúa: "Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người". Nhưng ngay sau đó, họ lại ngờ vực: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?" Đây là một cảm giác nặng nề và đau đớn khi chúng ta nhận ra lời chúng ta nói bị phê phán, bị giải thích sai, và được sử dụng để chống lại chính chúng ta.

 

- Rôi, sau phản ứng mạnh của Chúa, ngờ vực đã biến thành thù nghịch và loại bỏ: "Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, kéo Người lên đỉnh núi, để xô Người xuống vực". Dân làng không thừa nhận Chúa Giêsu là người thân của họ nữa. Họ không muốn nghe, cũng không muốn thấy mặt Người nữa.

 

- Cuối cùng, việc gì xảy đến? Thánh Luca thuật lại: "Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi". Qua câu khó hiểu này, chúng ta nhận ra ý thức tông đồ của Chúa Giêsu.

 

- Có lẽ dân làng trong giây phút giận dữ tập thể muốn giết Chúa Giêsu, nhưng sau đó, họ do dự, không quyết đoán. Còn Chúa Giêsu thì hoàn toàn bình tĩnh, tự chủ, nên làm chủ tình hình và bỏ đi "Rồi Người xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày Sabát, Người giảng dạy dân chúng".

 

- Nếu đặt vào hoàn cảnh của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Có lẽ đầu tiên chúng ta sẽ cảm thấy cay đắng trước đám đông lẩm bẩm kêu trách, rồi giận dữ bùng lên, và sau cùng là chán nản: tôi thiếu khả năng, tôi không thể làm được nữa, sứ mạng Chúa trao vượt quá sức tôi, tôi đánh giá mình quá cao, tốt hơn hết là tôi không làm nữa và nếu được, tôi xin làm việc khác.

 

Đó là một ý thức tông đồ yếu kém và bấp bênh, lờ mờ, một ý thức tông đồ lệ thuộc vào phản ứng của những người xung quanh. Khi mọi việc thuận lợi, chúng ta vênh váo; khi bị đáp trả tiêu cực, chúng ta sợ hãi, nghi ngờ và đau khổ.

 

- Chúa Giêsu là khuôn mẫu cho chúng ta về ý thức tông đồ vì Ngài thẳng bước trên con đường sứ vụ của mình như thể không có gì xảy đến. Ngài tiếp tục kiên trì rao giảng Lời Chúa. Chúa Giêsu là gương mẫu về một ý thức tông đồ sâu xa, vững mạnh.

 

2. Giai thoại thứ hai: Thánh Phaolô và thế giới ngoại giáo (Cv 13,4-12)

Phaolô và Barnaba đến đảo Chypres: "Các ông đi xuyên qua đảo đến Paphô; ở đây, các ông gặp một người phù thuỷ, mạo xưng là ngôn sứ; ông này là người Do Thái tên là Bagiêsu. Ông ta ở với thống đốc Xéc-ghi-ô Phao-lô, một người thông minh. Thống đốc cho mời ông Ba-na-ba và ông Sao-lô đến và ước ao được nghe lời Thiên Chúa. Nhưng người phù thuỷ ấy, tên Hy-lạp là Ê-ly-ma, chống lại hai ông và tìm cách ngăn cản thống đốc tin Chúa." (13,6-8).

 

- Thánh Phaolô và Barnaba ở trong một tình thế thuận lợi để rao giảng Tin Mừng: Thống đốc Xécgiô Phaolô, một người thông minh quyền thế muốn được nghe lời Chúa. Nhưng hai ngài cũng gặp một tình thế mới: thày phù thuỷ Êlyma, tức Bagiêsu, chống đối. Êlyma lại là người thân cận và có ảnh hưởng lớn trên thống đốc vì ông ta là một phù thuỷ. Tấn công ông ta, có thể là tấn công chính thống đốc, nên rất nguy hiểm. Nếu là chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ nói khéo léo để tránh đụng độ.

 

- Nhưng Phaolô can đảm thẳng thắn lên án Bagiêsu, dù những lời thẳng thắn ấy có thể làm cho ngài và Barnaba bị trục xuất: "Bấy giờ ông Sao-lô, cũng gọi là Phao-lô, được đầy Thánh Thần, nhìn thẳng vào người phù thuỷ, và nói "Hỡi kẻ đầy mọi thứ mưu mô và mọi trò xảo trá, hỡi con cái ma quỷ và kẻ thù của tất cả những gì là công chính, ngươi không bỏ thói bẻ cong những đường lối ngay thẳng của Chúa sao? Giờ đây, này bàn tay Chúa giáng xuống trên ngươi : ngươi sẽ bị mù, không thấy ánh sáng mặt trời trong một thời gian." Lập tức, mù loà và tối tăm ập xuống trên người phù thuỷ, và ông ta phải lần mò tìm người dắt" (13,9-11).

 

- Như chúng ta thấy, thánh Phaolô có một ý thức tông đồ sâu xa, mạnh mẽ. Ngài ý thức rất rõ về sứ mạng của mình. Chỉ những ai sống trong bình an, có đời sống nội tâm vững chắc, có Chúa Thánh Thần hướng dẫn; chỉ những ai được Chúa Giêsu ban sức mạnh mới có thể can đảm lên tiếng như ngài. Có thể nói, thánh Phaolô có một ý thức sâu xa về sứ mạng tông đồ của mình. Chính ý thức tông đồ sâu xa đó thúc đẩy ngài hành động cương quyết, trong sáng và đúng đắn.

 

- Ngược lại, nếu không có ý thức tông đồ vững mạnh, chúng ta sẽ do dự, hoài nghi, thoả hiệp và khiến mọi việc mình thực hiện trở nên bấp bênh. Thánh Giacôbê đã nói về tình thế đó như sau: "Những người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên, vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa, họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm" (1,6-8).

 

3. Giai thoại thứ ba: Phêrô chối Thầy (Mc 14,66-72)

- Bây giờ, chúng ta cùng theo dõi giai thoại về thánh Phêrô, có thể nói, khuôn mặt Phêrô trong giai thoại này biểu lộ một ý thức tông đồ non nớt, do dự, bất định của riêng mỗi người chúng ta.

 

- Thánh sử Marcô kể (Mc 14,27-31) Phêrô nói với Chúa Giêsu: "Dù tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không". Bề ngoài, xem ra Phêrô có một ý thức tông đồ, truyền giáo mạnh mẽ. Ông thấy tự tin, vững mạnh. Nhưng những lời lẽ can đảm đó lại đi đôi với một con tim do dự, không dứt khoát. Lời nói thì chân thành, tuy nhiên không nói lên sự thực. Chúng ta cũng vậy. Thường chúng ta rất chân thành, vì chúng ta chỉ nói lên những gì ở bề mặt, trực tiếp thấy được, chứ không nói lên những gì tận đáy sâu trong tâm hồn. Chúng ta chỉ chân thực khi là chính mình một cách trọn vẹn. Thường chúng ta chỉ là chính mình một nửa, điều tôi nói không tương hợp với sự thực về tôi (= cái tôi sâu thẳm). Phêrô cũng vậy. Ông chân thành nhưng không biết rõ chính mình. Ông có một ý thức tông đồ non nớt, bất định mà chính ông không biết.

 

- Vì vậy trong vườn Giếtsêmani, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: "Simon, con ngủ sao? Con không thức với Thầy được một giờ ư?" Tại sao Phêrô không tỉnh thức được một giờ? Tại sao, trong một số hoàn cảnh, chúng ta không thể tỉnh thức, mà người khác lại hoàn toàn tỉnh thức? Chúng ta nhượng bộ sự mệt mỏi, chán nản vì chúng ta không chắc chắn về việc phải hoàn thành, hoặc vì những việc đó làm chúng ta buồn chán, hoặc vì chúng ta coi nó là không quan trọng. Trái lại, nếu hiểu chúng hết sức quan trọng, thái độ chúng ta đã khác. Chúa Giêsu mời gọi Phêrô cầu nguyện nhưng ông không hiểu tình hình nghiêm trọng của Chúa lúc đó. Lòng ông không cảm thấy cần phải cầu nguyện nên mọi sức lực của ông đều trơ ì ra.

 

- Rồi tất cả đều bỏ trốn, kể cả Phêrô (c. 50). Sau cùng, ông chối Chúa (66-72). Ông không thể làm chủ mình. Ông không cư xử như ông muốn: Ông ước mong được ở cạnh Chúa Giêsu, nhưng lại sợ hãi, nên đã sa ngã.

 

- Sự sa ngã của Phêrô là do ông do dự, lưỡng lự ngay từ trong tâm hồn. Sự sa ngã cũng do ông không biết theo Chúa Giêsu đến đâu và đâu là lúc ông có nguy cơ sa ngã. Có thể nói, Phêrô đánh mất ý nghĩa sứ mạng của mình, ông không còn ý thức rõ ràng về ơn gọi mình đã lãnh nhận.

 

+ Câu hỏi cho chúng ta:

1. Đâu là dấu chỉ của ý thức tông đồ sâu xa, vững chắc, rõ ràng nơi tôi như Chúa Giêsu và thánh Phaolô?

2. Đâu là dấu chỉ của sự non nớt, do dự, không chắc chắn nơi tôi như Phêrô?

Xin Chúa ban cho chúng ta một ý thức tông đồ vững chắc như Chúa, như Phaolô.

 

 


[1] Tóm dịch từ “Apôtre, projet de vie ou mandat?”, ĐHY Carlo Maria Martini, trag 10-17 .

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 378)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 631)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 510)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 641)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 747)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,000)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,360)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,044)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,713)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,798)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7