+ Chúa Nhật 26/03/2023 – CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM A – Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống.
- In trang này
- Lượt xem: 14,301
- Ngày đăng: 25/03/2023 10:00:00
Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống.
26/03 – CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM A
"Ta là sự sống lại và là sự sống".
Lời Chúa: Ga 11, 1-45
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển". Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày.
Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại". Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ.
Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết". Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem".
Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra.
Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY A
Lời Chúa: Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45
1. Thầy là Sự Sống Lại--‘Manna’--Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
Suy Niệm
Bệnh tật và cái chết đeo đẳng lấy đời người.
Bệnh tật làm con người bị tê liệt.
Còn cái chết thì như một nhát dao
cắt đứt tất cả mọi dự tính về cuộc sống.
Ngay cả đối với người tín hữu,
cái chết vẫn là một mầu nhiệm làm họ run rẩy.
Đức Giêsu trong Vườn Dầu cũng sợ hãi trước cái chết.
Cái chết đưa đến chia ly
nên có nước mắt, tiếc thương, nhung nhớ.
Hai chị em Macta và Maria rất đau buồn
trước cái chết của người em là Lagiarô.
Cả hai đều tiếc vì Thầy không có mặt lúc ấy.
Bốn ngày đã trôi qua, đá đã lấp cửa mồ.
Thi hài người chết đã bắt đầu rữa nát.
Chẳng còn chút hy vọng nào...
Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng,
Đức Giêsu vẫn trở lại Giuđê để đến thăm gia đình
mà Ngài có lòng quý mến.
Ngài biết Ngài sẽ làm gì để tôn vinh Chúa Cha,
và qua đó chính Ngài cũng được tôn vinh.
Dầu vậy, trước nỗi đau của hai chị em,
Đức Giêsu vẫn thổn thức và xao xuyến.
Ngài bật khóc trên đường đi đến mộ.
Trước ngôi mộ đá, Ngài đã cất tiếng cảm tạ Cha,
vì Cha đã nhận lời Ngài xin
khi cho Ngài quyền làm cho người chết được sống lại.
Làm sao nói hết được niềm vui của ba chị em,
và sự kinh ngạc của những người chứng kiến.
Trong sứ điệp nhân ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996,
Đức Thánh Cha đã yêu cầu các bạn trẻ
"hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình yêu,
những ngôn sứ của niềm vui."
Thế giới văn minh nhưng có nhiều bóng tối sự chết:
chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, sida,
những vụ ám sát, đặt chất nổ, tai nạn giao thông...
Cái chết thân xác phản ánh một cái chết nguy hiểm hơn,
cái chết của tình yêu ở trong lòng con người.
Cái chết thắng thế khi con người sống buông xuôi,
chán chường và khép kín trong ích kỷ.
Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống.
Ngài trả lại sự sống cho Lagiarô.
Ngài lau khô nước mắt cho Macta và Maria.
Khi gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta cũng có khả năng
thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, đời này và đời sau.
Ngài say mê sự sống của con người.
Ước gì chúng ta dám cất đi những phiến đá che mộ
để người chết có thể bước ra.
Gợi Ý Chia Sẻ
Chẳng ai thích sự chết, nhưng mặt khác, con người lại nghiêng chiều về bạo lực. Bạn có thấy khuynh hướng bạo lực ở nơi mà bạn đang sống không?
Bạn đã làm gì để sống lời mời gọi này của Đức Thánh Cha: "Kitô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần giúp đỡ, có những giọt nước mắt phải lau khô, có những lời cầu cứu mong được đáp ứng"?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
2. Hãy ra ngoài--Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ.
Sự sống là điều đáng quý.
Đầu năm 2020, thế giới đã đổi khác từ khi cơn dịch hoành hành.
Con vi-rút Covid-19 đe dọa sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.
Nó chu du như chỗ không người qua mọi quốc gia, mọi biên giới.
Vì quý mạng sống, nên người ta phải hy sinh nhiều điều.
Những thành phố trở nên vắng vẻ, mọi sinh hoạt vui chơi ngừng lại.
Nhà thờ không thánh lễ, trường học đóng cửa, người già ở nhà.
Phong tỏa và cách ly, sát trùng và đeo khẩu trang.
Để bảo vệ sự sống, dù đó chỉ là sự sống tạm bợ ở đời này của thân xác,
người ta đã phải chấp nhận hạn chế tự do cá nhân,
ngưng làm những điều mà trước đây tưởng không thể bỏ.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói về sự sống và cái chết.
Cái chết của một anh thanh niên được Đức Giêsu thương mến.
Anh bị đau nặng, không rõ bệnh gì.
Hai bà chị của anh vội vã nhờ người đến báo cho Đức Giêsu,
hy vọng Ngài mau đến nhà chữa anh khỏi bệnh.
Nhưng hai hôm sau Ngài mới thu xếp để lên đường đi Bêtania.
Khi Ngài đến nơi thì anh đã được chôn bốn ngày rồi.
“Nếu Thầy ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,21.32),
Cả hai chị em Mácta và Maria đều nói câu đó với Đức Giêsu.
Câu nói bắt đầu bằng chữ “nếu” đầy nuối tiếc buồn thương.
Người ta vẫn hay nói như thế trước những chuyện đã lỡ.
Tại sao Thầy lại không có mặt ở đây để cứu Ladarô, bạn của Thầy?
Chắc chắn Thầy đủ khả năng chữa cho em con khỏi cơn bệnh nặng.
Bây giờ thì muộn rồi, chẳng còn làm được gì nữa.
Em con đã chết, nghìn trùng xa cách, bình vàng đã vỡ tan.
Khi Đức Giêsu nói: “Em chị sẽ sống lại!” (Ga 11,23),
Mácta chỉ nghĩ em mình sẽ sống lại vào ngày tận thế.
Dù chị tin rằng Thiên Chúa luôn nghe lời Thầy nài xin (Ga 11,22),
và tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa (Ga 11,27)
nhưng chị chẳng tin Thầy sẽ làm được gì trước ngôi mộ.
Ngôi mộ là nơi sự chết thống trị, chưa ai thắng được nó.
Chính vì thế khi Đức Giêsu bảo “Đem phiến đá này đi”
Chị đã vội vã ngăn lại.
Chị không tin Thầy có thể làm gì được với một thi thể đã bốc mùi.
Một xác người chết đã bốn ngày thì đâu còn gì để hy vọng.
Nhưng tại ngôi mộ này, vinh quang Thiên Chúa sẽ được bày tỏ.
Đức Giêsu sắp làm dấu lạ lớn nhất tại đây,
Để cho thấy Ngài thật là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25).
Ngài lớn tiếng gọi tên người chết và bảo anh đi ra khỏi mồ.
Ladarô đã vâng lệnh đi ra, dù chân tay còn bị quấn băng vải,
mặt còn phủ khăn (Ga 11,44).
Anh ấy được giúp để khỏi vướng víu và tự do đi được.
Ladarô đã được hoàn sinh và ra khỏi thế giới của âm hồn.
Đức Giêsu đã đánh thức Ladarô, và cho hai chị được gặp lại em.
Chúng ta có quyền tin Đức Giêsu đã nở một nụ cười
trên khuôn mặt chưa khô nước mắt,
đã đón lấy Ladarô trong vòng tay, người mà Ngài thương mến.
Ladarô rồi cũng có ngày sẽ chết, vì sự sống đời này chỉ là phù du.
Qua dấu lạ này, Đức Giêsu đưa chúng ta đi xa hơn.
Ngài hứa ban sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài,
nơi đó cái chết không còn quyền lực (Ga 11,25-26).
Vì làm cho Ladarô được sống lại mà Ngài bị kết án tử (Ga 11,45-54).
Nhưng cái chết của Ngài đem lại cho chúng ta cuộc sống vĩnh hằng,
nơi không còn buồn phiền, tang tóc, chia ly.
Chỉ mong chúng ta hôm nay tin mạnh hơn chị Mácta
khi cái chết rình rập và quật ngã bao người trên thế giới,
khi niềm hy vọng tưởng như vỡ tan, vì nấm mồ đã chôn vùi mọi sự.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con,
Chỉ mình Chúa biết và thấy mọi nỗi xao xuyến của con.
Chỉ mình Chúa biết rằng
mọi khắc khoải của con đều do con sợ mất Chúa,
sợ xúc phạm đến Chúa,
sợ không yêu Chúa nhiều
như con phải yêu và khao khát yêu.
Lạy Chúa là Đấng thấu biết mọi sự,
Đấng duy nhất có thể thấy tương lai,
Nếu Chúa biết chính vì vinh danh Chúa hơn,
và vì phần rỗi của con
mà con phải ở lại trong tình trạng cùng khốn này,
thì xin Chúa cứ để yên như vậy.
Con không muốn né tránh đâu.
Xin cho con sức mạnh để chiến đấu
và chiếm được phần thưởng Chúa ban
dành cho những tâm hồn mạnh mẽ.
Cha thánh Padre Piô
3. Mở cửa mộ--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.
Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.
Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.
Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lagiarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.
Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Lagiarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Lagiarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.
Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Lagiarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Lagiarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.
Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Lagiarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.
Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.
Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tôi còn bị giam cầm trong những ngôi mộ nào?
2) Tôi còn muốn xây những ngôi mộ nào để chôn vùi anh em?
3) Hôm nay tôi phải làm gì để mở cửa mộ cho tôi và cho anh em?
4) Việc Chúa cho Lagiarô chết bốn ngày sống lại có ảnh hưởng gì trên tôi?
4. “Hãy ra khỏi mồ!”--TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
“Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống”. Đó là một đề tài quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan. Ý tưởng này được nhấn mạnh nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư và trong các Thư được truyền thống Giáo Hội công nhận tác giả là Gioan. Khi nhấn mạnh đến đề tài này, tác giả Tin Mừng muốn trình bày Đức Giêsu chính là Thiên Chúa và là nguồn mạch sự sống. Bởi trong giáo huấn của Cựu ước, thì chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ sự sống và sự chết. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền mở huyệt và đưa những người trong âm phủ đi ra.
“Hỡi dân Ta, này chính Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi!”. Ngôn sứ Edêkien đã khơi lên nguồn hy vọng cho người Do Thái. Lời hứa “mở huyệt” này, vừa ám chỉ tới việc Chúa giải phóng Dân người khỏi ách nô lệ lúc bấy giờ để đưa về quê cha đất tổ, vừa hướng họ tới sự sống trường sinh vĩnh cửu, tức là sự sống Thiên Chúa sẽ ban cho con người sau khi chết. Theo giáo huấn của ngôn sứ Êdêkien, ngôi huyệt sẽ không còn là chỗ dừng chân mãi mãi, nhưng chỉ là tạm thời. Thiên Chúa quyền năng sẽ mở huyệt để thân xác con người không còn chết nữa, nhưng được sống với Chúa mãi mãi.
Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: chính Người là sự sống. “Ta là Đường, là Sự thật, và là Sự sống” (Ga 14,6). Trong các phép lạ Chúa làm, có những phép lạ cho kẻ chết sống lại, như trường hợp người thanh niên là con bà góa ở thành Naim, hay bé gái 12 tuổi đã chết mà Chúa cho sống lại. Phép lạ cho ông Lagiarô sống lại là một phép lạ điển hình, nhằm chứng minh những gì Chúa khẳng định về sự sống. Trong cuộc đối thoại với bà Mátta, chị của người chết, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Chính Thày là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thày, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thày, sẽ không bao giờ phải chết” (11, 25-26). Cũng như lời Chúa tuyên bố qua ngôn sứ Êdêkien, lời Chúa Giêsu vừa nhắc tới sự sống trần gian, vừa hướng tới sự sống vĩnh cửu. Người là Thiên Chúa, Đấng có quyền làm cho kẻ đã chết được sống lại. Người cũng là Đấng ban cho con người sự sống đời đời. Lời hứa với người trộm lành trên cây thập giá đã chứng minh điều đó: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43). Đức Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa kêu gọi ông Lagiarô ra khỏi mồ. Sự kiện này đã giúp cho người Do Thái tin vào Chúa. Thánh Gioan diễn tả một Đức Giêsu thực sự là “người”. Người chạm đến nỗi đau của con người, rơi lệ trước đau khổ của người khác và đưa họ từ cái chết đến sự sống. Chúa Giêsu không giống như một nhà phù thủy, nhưng là Thiên Chúa làm người có trái tim nhân loại, sẻ chia và mang lấy nỗi đau của con người, nhường cho con người hạnh phúc và vinh quang.
“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Những lời tuyên bố này cho thấy Chúa Giêsu hiến mình cho sự sống của con người. Hôm nay cũng như mọi thế hệ, Chúa vẫn tiếp tục hiến mình vì sự sống của chúng ta. Chuẩn bị cử hành mầu nhiệm thập giá và Phục sinh, đề tài “Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống” giúp chúng ta nhìn xuyên qua cái chết để thấy sự sống tuôn chảy từ thập giá. Nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà nhân loại được sống. Người đã chết thay cho chúng ta. Người đã mang lấy án tử cho chúng ta được sống. Trên cây thập giá, Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu thành tội nhân vì chúng ta.
“Hãy ra khỏi mồ!”. Lệnh truyền này đã đưa ông Lagiarô từ cõi chết trở về cõi sống, đồng thời đem niềm vui cho thân bằng quyến thuộc. Mùa Chay là lời mời gọi đoạn tuyệt với tội lỗi để sống cuộc sống mới. Những thực hành Mùa Chay giúp ta ra khỏi nấm mồ tối của sự ích kỷ, chia rẽ và hận thù. Để bước ra khỏi huyệt mộ của tội lỗi, đòi hỏi mỗi chúng ta phải hy sinh cố gắng nhiều khi đến mức anh hùng. Vì thay đổi đời sống, hướng cuộc đời sang một ngã rẽ khác cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, dứt bỏ mọi ràng buộc để được sống trong tự do của con cái Chúa, hướng về tương lai tươi sáng trong bình an. Nhờ cuộc sống mới, họ giống như người đang đi trong ánh sáng mặt trời, không sợ vấp ngã. Bà Mátta, chị của Lagiarô, mặc dù tuyên xưng đức tin một cách quả quyết, cũng không hy vọng em mình có thể sống lại. Bà nói với Chúa: “Thưa Thày, nặng mùi rồi, vì em con đã ở trong mồ được bốn ngày” (Ga 11, 39). Chính trong lúc không một tia hy vọng theo lý luận thông thường của con người, thì quyền năng Thiên Chúa đã được tỏ bày. Chúa Giêsu đem hy vọng cho con người vào lúc họ cảm thấy bi đát nhất ở ngõ cụt của cuộc đời. Một thân xác bắt đầu thối rữa, nhờ quyền năng của Chúa, vẫn có thể được hồi sinh. Một con người dù tội lỗi tràn trề, nếu biết dừng lại sám hối, vẫn có thể được ơn tha thứ.
Những ai đã can đảm và dứt khoát bước ra khỏi huyệt mộ thì sẽ sống một cuộc sống mới. Cuộc sống ấy không còn bị xác thịt chi phối nữa, tức là không còn bị những đam mê xác thịt ràng buộc và cản trở. Họ được tự do thanh thoát mặc dù vẫn sống trong thân xác còn mang nhiều yếu đuối. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đổi mới chúng ta, nhờ đó chúng ta có sức mạnh để vươn lên trong sự sống mới này (Bài đọc II).
Giữa đại dịch COVID-19, chúng ta không khỏi hoang mang lo sợ. Cả thế giới cầu nguyện nhưng dường như Thiên Chúa không để ý quan tâm. Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta: hãy hy vọng và tín thác. Thiên Chúa có chương trình và phương pháp riêng của Ngài. Đến như thân xác ông Lagiarô đã bốc mùi và phân hủy Chúa còn làm cho sống lại. Lời cầu nguyện của chúng ta chắc chắn được Chúa nhận lời, vào lúc Chúa muốn, theo như cách Chúa muốn và nhằm tới ích lợi thực sự của chúng ta. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Cha nhân hậu, luôn muốn điều tốt cho con cái của mình.
5. Chúa nhật 5 Mùa Chay Ga 11,1-45--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
A. Hạt giống...
Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ ba mặc khải Chúa Giêsu là nguồn nước hằng sống; bài Tin Mừng Chúa nhật thứ tư mặc khải Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, còn bài Tin Mừng hôm nay mặc khải Chúa Giêsu là sự sống.
Ta cần lưu ý rằng, theo Tin Mừng Gioan, “sự sống” không chỉ là sự sống của thể xác mà là sự sống trọn vẹn, chia xẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Ladarô đã được Chúa Giêsu trả lại sự sống thể xác nhưng về sau thân xác ông cũng sẽ lại chết như bao người khác. Cho nên sự sống thể xác không quan trọng và quý giá cho bằng sự sống trọn vẹn trong sự kết hợp với Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau.
B.... nẩy mầm.
1. Con người chúng ta quá lo lắng về cuộc sống thể xác, cho nên hễ gặp bất cứ thứ gì có thể làm hại hoặc giết chết sự sống này thì chúng ta rất sợ hãi.
Mặc khải hôm nay một mặt có thể giúp giải thoát chúng ta khỏi những thứ sợ hãi đó. “Chúng con đừng sợ những thứ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”. Mặt khác nó còn giúp chúng ta thấy được một sự sống khác quý giá và trường tồn hơn mà chúng ta phải chăm sóc.
2. Thực ra, sự sống đời này là gì? Ngôn sứ Isaia đã suy nghĩ: nó chỉ như cỏ hoa sớm nở tối tàn (Bởi thế người ta mới nói “cuộc sống phù du”). Và Isaia kết luận “Chỉ có lời Chúa là tồn tại vĩnh viễn” (x. Is 40,7-8).
3. Khổ đau to lớn thật, nhưng đối với Thiên Chúa, con người còn to lớn hơn đau khổ nhiều (Lấy ý của thi hào Tagore).
4. “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao” (Gilbert K. Chesterton).
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 09/09/2024 – Thứ Hai tuần 23 thường niên. – Làm việc tốt ngày Sabbat. (08/09/2024 10:00:00 - Xem: 305)
Thứ Hai tuần 23 thường niên.
+ Chúa Nhật 08/09/2024 – CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN năm B. – Hãy mở ra. (07/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,418)
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 07/09/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 22 thường niên. – Ý nghĩa ngày Sabbat. (06/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,149)
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 22 thường niên.
Thứ Sáu 06/09/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 22 thường niên. – Vui tươi vì Chúa đồng hành. (05/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,090)
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 22 thường niên.
Thứ Năm 05/09/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 22 thường niên. – Kẻ chinh phục con người. (04/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,886)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 22 thường niên.
Thứ Tư 04/09/2024 – Thứ Tư tuần 22 thường niên. – Tiếp tục rao giảng Tin Mừng. (03/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,298)
Thứ Tư tuần 22 thường niên.
Thứ Ba 03/09/2024 – Thứ Ba tuần 22 thường niên. – Thánh Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Chúa Giêsu giải phóng người bị quỷ ám. (02/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,338)
Thánh Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Thứ Hai 02/09/2024 – Thứ Hai tuần 22 thường niên. – Tin mừng của Chúa Giêsu. (01/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,142)
02/09 – Thứ Hai tuần 22 thường niên.
+ Chúa Nhật 01/09/2024 – CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN năm B. – Giới răn Thiên Chúa – tập tục phàm nhân. (31/08/2024 10:00:00 - Xem: 4,948)
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 31/08/2024 – Thứ Bảy tuần 21 thường niên. – Trung tín và sáng kiến. (30/08/2024 10:00:00 - Xem: 3,447)
Thứ Bảy tuần 21 thường niên.
-
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 23 TN năm B - 2024
Chỉ nghe bằng tai thôi thì không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể...
-
Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 23 TN năm B -2024
Khi Chúa Giêsu đi vào thế giới này mọi tạo vật đã được biến đổi. Khi Người chạm vào một ai đó, người ấy sẽ được chữa lành.
-
5 sự thật thú vị về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta
Mẹ Têrêsa đã được trao hơn 120 giải thưởng và danh hiệu, cả khi sinh thời lẫn sau khi qua đời. Trong đó có thể kể đến giải thưởng Padma...
-
Chữa lành là khi trái tim được tự do
Bạn xứng đáng khi coi trọng trái tim mình một cách nghiêm túc và cả khi chạy nước rút hướng tới sự chữa lành cùng với tự do mà Cha chúng...
-
Ly hôn không phải là một lựa chọn
Trong cuộc hôn nhân của bạn, đừng ngại nhờ giúp đỡ – có rất nhiều nhà tư vấn, linh mục và những vị linh hướng, và các cặp vợ chồng dày...
-
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối
Thánh Phaolô viết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. Sự gia tăng của nội dung khiêu dâm tạo ra nhiều vấn...
-
Yêu Giáo hội của mình và của anh em mình
Chúng ta đến gần nhau ôm nhau, cùng hành hương, cùng phấn đấu trên một hành trình chung. Yêu Giáo hội của mình và yêu Giáo hội của người...
-
Hãy là chính mình!
Bạn phải là chính mình, chứ không phải là ai khác. Bởi vì nếu bạn không phải là chính mình, thì bạn sẽ là ai đó không phải bạn. Và điều...
-
Cầu nguyện khi cảm thấy dường như vô ích
Cầu nguyện không phải để thay đổi tâm trí Chúa, nhưng để thay đổi tâm trí của người đang cầu nguyện. Chúng ta không cầu nguyện để kéo Chúa...
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Nhận nhưng không, cho nhưng không
Xin ngài hãy nói cho con biết nên sử dụng số tiền này như thế nào để gia tăng lợi ích cho con!
- Câu chuyện chiều thứ bảy: Niềm...
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...
- Câu chuyện chiều thứ bảy: Đừng...
- Bát mì tôm trứng và bài học