Tác giả - Tác phẩm

Abraham, Cha chúng ta trong đức tin (4)

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,070
  • Ngày đăng: 24/07/2021 08:58:50

ABRAHAM, CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]

Carlo Maria Martini

 

Dẫn nhập

Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.

 

Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.

 

Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.

 

                                                     Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

BÀI BỐN

Các phúc âm cho Abraham

 

Chúng ta sẽ đề cập đến vài bản văn nền tảng liên quan đến kinh nghiệm của Abraham – có năm bản văn trong Sáng Thế từ chương 12 đến 15. Đây là những bản văn khó, khó vì chúng đụng chạm tới nền tảng của kinh nghiệm kitô giáo; và vì chúng đã cách chúng ta hàng bao nhiêu thế kỷ.

 

Những bản văn này nói gì? Chúng có thể so sánh với các Phúc Âm không? Chúng ta cố gắng suy gẫm và qui chiếu về Công Vụ 2, 39. Khi kết luận diễn văn của ông, thánh Phêrô nói: “Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa hứa cho anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa sẽ kêu gọi”. Như vậy, lời Chúa hứa với Abraham cũng liên quan tới những người ở xa là chính chúng ta và Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta. Có mối tương quan chặt chẽ giữa lời Chúa hứa với Abraham và những gì Tân ước đã sống. Đàng khác, kinh Benedictus nói rằng: “Thiên Chúa đã nhớ đến Giao ước thánh – đó là điều từ nay trở đi đã được hoàn tất – Ngài đã thề hứa với Abraham, cha chúng ta”. Trong tinh thần đó, chúng ta suy tư về vài bản văn của Sáng Thế có liên quan đến Abraham; và thánh Phaolô cũng qui chiếu về chúng nhiều lần.

 

Các “Phúc Âm” này là gì?

Từ này có nghĩa là những loan báo về ơn cứu độ được Thiên Chúa tỏ lộ cho Abraham. Số nhiều ở đây giúp chúng ta dễ hiểu các bản văn Tân ước hơn. Chúng ta có thể dùng những từ khác: “Những lời hứa cho Abraham”, “Những lời thề với Abraham”, v.v. rất nhiều cách để nói về hoạt động của Thiên Chúa liên quan tới Abraham.

 

Chúng ta đang trong bầu khí của tuần Linh Thao thứ hai. Dẫn nhập đầu tiên của bài suy gẫm về Nước Trời là: “Đức Kitô, chúa chúng ta đi rao giảng qua các thành thị và làng mạc”. (91) Chúng ta đặt “Các Phúc Âm cho Abraham” trước mặt để giúp hiểu Phúc Âm Chúa Giêsu rao giảng.

 

Tiến trình bài suy gẫm gồm 4 điểm: 1/ Bản văn và cấu trúc của nó; 2/ Ba câu hỏi đặt ra cho Abraham đến từ các bản văn; 3/ Đâu là những điểm giống và khác giữa các Phúc Âm này và Phúc Âm của Tân ước; 4/ Đâu là những điểm giống, khác và mối tương quan giữa những loan báo này và bài suy gẫm về Nước Trời gợi ra cho chúng ta?

 

1. Những bản văn về ơn cứu độ

Trước hết, hãy bắt đầu với Sáng Thế 12, 1-5, là bản văn nền tảng: “Giavê phán với Abram: ‘Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi, ai mà nói động đến ngươi, Ta sẽ chúc dữ. Mọi thị tộc trên trần sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau.” Bản văn này gồm một phần dẫn nhập và ba yếu tố. Phần dẫn nhập: “Giavê nói với Abram”. Câu này cho thấy chúng ta khởi đi từ Zê-rô; chương đầu tiên của Sáng Thế bắt đầu như sau: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng!’ Ở đây, chúng ta sự hiện diện của sáng kiến chính yếu từ Thiên Chúa. “Gia-vê nói với Abram” là nguyên tắc và nền tảng của tất cả lịch sử của tổ phụ chúng ta: không phải ông tìm kiếm Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đến tìm ông. Chúng ta có thể thiết lập một sự song song với Nguyên Tắc và Nền Tảng của Linh Thao. Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng để nhận biết và phụng sự Ngài, như Abraham, ông đã được Thiên Chúa kêu gọi, bởi sáng kiến của ân huệ Ngài, để trở thành người của Ngài. Sáng kiến này được diễn tả bằng từ: Thiên Chúa “nói”. Chính hành động của Thiên Chúa, qua cuộc đối thoại với Abraham, tạo nên lịch sử cứu độ cùng với ông.

 

Cuộc đối thoại này có gì? Trước hết, yếu tố đầu tiên là một mệnh lệnh: “Hãy đi khỏi!” Mệnh lệnh này bao gồm sự bỏ lại tất cả: xứ sở, quê hương, nhà cha mẹ, tất cả những gì làm nên môi trường sinh sống của Abraham; không chỉ là gia đình, mà còn là tất cả những gì có thể nâng đỡ ông trong cuộc sống xã hội: thị tộc, văn hoá, não trạng … Hãy bỏ lại tất cả những thứ đó và “đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Không một rõ ràng nào về miền đất sẽ đến, nó chỉ được nói lên cách mơ hồ. Miền đất đó thế nào? Nằm ở đâu? Không được nói đến, đó là bí mật của Thiên Chúa, chỉ lời Ngài sẽ cho ông biết, điều đó đòi hỏi một sự phó thác trọn vẹn.

 

Những lời hứa với Abraham

Yếu tố thứ hai là những lời hứa. Nhiều lời hứa nhưng đều ở thì tương lai: “Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi, ai mà nói động đến ngươi, Ta sẽ chúc dữ. Mọi thị tộc trên trần sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau.” Sáu động từ báo trước hành động của Thiên Chúa trong tương lai vì Abraham và tạo nên một Kê-rít (kérygme: loan báo).

 

Chúng ta thường nhấn mạnh đến “Hãy đi khỏi”, nhưng đó không phải là kê-rít, mà chỉ là điều kiện; còn kê-rít là: “Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi, ai mà nói động đến ngươi, Ta sẽ chúc dữ. Mọi thị tộc trên trần sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau.” Kê-rít là những lời chúc phúc mặc nhiều hình thức khác nhau – Lời chúc phúc trải dài trên toàn vũ trụ và đụng chạm tới toàn thể nhân loại. Kỳ diệu thay! Rực rỡ thay lời loan báo cho Abraham! Dĩ nhiên, phải nhấn mạnh đến đức tin của tổ phụ khi ông ra đi đến một nơi ông không biết gì hết, nhưng quan trọng hơn, còn phải làm nổi bật lên lời an ủi, lời hứa, một chương trình có thể làm ngập tràn con tim của Abraham và nâng đỡ đức tin của ông, đó là bí mật của toàn bộ cuộc đời ông. Kê-rít không nằm trong lệnh truyền hãy đi khỏi, nhưng trong sự kiện là lệnh truyền ấy liên kết với một lời hứa hết sức quảng đại và với một chương trình phổ quát, vượt khỏi cá nhân Abraham; là sự thành hình một dân tộc lớn, một nhân loại mới.

 

Câu: “Mọi thị tộc trên trần sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau.” Hình như hơi tối nghĩa. Có người giải thích đơn giản là một ngày kia, các dân tộc sẽ chúc phúc cho nhau; hoặc: ngươi sẽ được chúc phúc như Abraham. Như vậy, đó là một cách chúc phúc và Abraham cảm thấy vui mừng. Nhưng qua sách Giảng viên, bản Thất thập và Tân ước, chúng ta thấy câu đó được giải thích là: qua Abraham, mọi dân tộc sẽ được chúc phúc, nghĩa là Abraham sẽ là nguồn chúc phúc cho mọi dân tộc. Điều thoáng thấy là một dân tộc lớn, sự hợp nhất toàn thể nhân loại được thực hiện nơi Abraham. Đó là sứ điệp. là kê-rít, là Phúc Âm cho Abraham.

 

Yếu tố thứ ba: “Vậy là Abraham ra đi”. Ông ra đi với mọi người, mọi sự thuộc về ông; chi tiết giúp chúng ta hiểu dữ kiện của Tân ước: “Abram đem theo vợ mình là Sarai, cháu là Lót, gia sản ông có và gia nhân ông đã thu thập được ở Kha-ran; ông lên đường đên xứ Canaan” Hình như Abraham không nghèo. Tuy nhiên, ông đã thực hiện lệnh Chúa truyền một cách tin tưởng tuyệt đối và như thư gởi tín hữu Do Thái nói, ông ra đi mà không biết mình đi đâu, hoàn toàn phó thác cho Lời Chúa.

 

Đất và dòng dõi

Sau lời loan báo thứ nhất, là lời thứ hai chúng ta thấy ở câu 7: Abraham đến xứ Canaan; ông rảo qua xứ đó tới Si-kem, gần Cây Sồi Mambrê. “Bấy giờ trong xứ có dân Canaan. Giavê hiện ra với Abram và phán: ‘Ta sẽ ban đất này cho chính dòng dõi ngươi”.

 

Câu 7 xác định rõ hơn về xứ sở ông tới. Nhưng lưu ý tới sự tương phản, dân Canaan đã sống ở đó, họ sở hữu nó, họ có quân đội, hùng mạnh và quyền lực; và Giavê phán với Abraham là người rảo qua đó không một chút quyền lực, mà chỉ như người di cư: Ta sẽ ban đất này cho ngươi và dòng dõi ngươi. Một kê-rít mới, một loan báo mới cho Abraham được lặp lại và làm sáng tỏ lời hứa trước đây.

 

Rồi, Abraham tỏ lòng quảng đại. Ông nhường cho Lot vùng đất tốt tươi hơn – nhưng sau đó, lại trở nên tệ hại hơn. Lúc ấy, Giavê phán với Abraham: “Từ chỗ người đang ở, hãy ngước mắt nhỉn tứ phía: Bắc, Nam, Đông, Tây (nghĩa là một vòng đường chân trời). Toàn xứ sở mà ngươi thấy, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đến muôn đời. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi đông như bụi đất: ai đếm được bụi đất thì sẽ đếm được dòng dõi ngươi. Đứng lên! Rảo ngang dọc khắp xứ, vì Ta sẽ ban nó cho ngươi.” Abram đã đem lều trại đến lập cư ở Cây Sồi Mambrê, tại Hebron, và ở đó, ông đã dựng một bàn thờ kính Giavê.” (13, 14-18).

 

Từ ba yếu tố trước đây, bây giờ chỉ còn hai: không còn “bỏ” nữa, nhưng kê-rít là: hãy nhìn xem xứ sở này, nó được dành cho ngươi và dòng dõi ngươi. Hai từ được xác định sẽ là hai từ chìa khoá: đất, dòng dõi. Cả hai yếu tố đều liên quan tới Abraham: vì không có dòng dõi thì đất đai quan trọng gì; mà không có đất đai thì dòng dõi để làm gì. Toàn bộ hai yếu tố “đất – dòng dõi” xác định lời hứa mang chiều kích vô giới hạn: một dòng dõi đông đúc như “bụi đất”. Nhưng lời hứa này nhắm đến tương lai. Thật là cảm động khi thấy Abraham tin tưởng rảo ngang dọc khắp xứ sở chưa phải là của ông, để hiểu điều mà Chúa sẽ ban cho ông.

 

Abraham tin tưởng vào lời Chúa: “Hãy đứng lên! Hãy rảo ngang dọc khắp xứ, vì Ta sẽ ban nó cho ngươi”. Chúng ta có thể so sánh hành vi đức tin này với yếu tố thứ nhất trong Sáng Thế 12,1: “Hãy bỏ, hãy đi khỏi!” Lời hứa “Ta sẽ ban nó cho ngươi” ở thì tương lai dường như hơi lạ. Tại sao không nói cho hiện tại: hãy nhìn đi, Ta ban nó cho ngươi? Không, Chúa nói: Ta sẽ ban nó cho ngươi; trong khi chờ đợi, hãy rảo khắp xứ, hãy hiểu biết nó, hãy thưởng thức nó trong đức tin, trong trông cậy, trong hi vọng; tuy nó chưa phải là của ngươi, nhưng hãy học biết xứ sở đó thế nào. Abraham đã đi và lập bàn thờ kính Chúa nhiều nơi. Ông biểu lộ đức tin của mình. Ông lập bàn thờ ở Si-kem, rồi ở Mam-brê như là biểu tượng của sự sở hữu đất đai sẽ thuộc về ông, ít là bước đầu. Đó là sự sở hữu trong đức tin.

 

Bây giờ, chúng ta sẽ dừng lại ở chương 15. Nhiều người coi chương này là một toàn thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể chia làm hai phần: 1-6 & 7-18, vì dường như nó gồm 2 giai thoại có cấu trúc khác nhau.

 

Abraham tin vào Thiên Chúa

“Sau những biến cố này (nghĩa là sau khi chiến thắng bốn vua và sau lễ hi sinh của Men-ki-se-đéc), lời Giavê phán với Abram trong một thị kiến: ‘Abram, đừng sợ, Ta sẽ là khiên mộc cho ngươi, phần thưởng ngươi sẽ lớn lao.’”

 

Kê-rít ở đây mang một sắc thái hơi khác, đó là an ủi. Đừng sợ, hãy tin tưởng, Ta sẽ là khiên của ngươi. Đó là một kê-rít có tính riêng tư hơn. Chúa không nói tới đất nữa; mà chính Ngài sẽ làm một điều gì đó cho Abraham, để ông tin tưởng và phần thưởng của ông sẽ lớn lao. “Abram trả lời: ‘Lạy Chúa Giavê, Ngài sẽ ban gì cho con? Con ra đi không con cái, và người thừa kế của con chính là Đa-mas Ê-li-ê-zê’. Abram còn nói thêm: ‘Này Ngài không ban cho con một người nối dõi và đây một gia nhân sẽ thừa hưởng sản nghiệp của con’. Và này lời Giavê phán với ông: ‘Nó không kế thừa ngươi đâu, nhưng kẻ phát xuất từ dòng máu ngươi sẽ kế thừa’. Người dẫn ông ra ngoài và phán: ‘Hãy nhìn lên trời và hãy đếm các vì sao, nếu người có thể đếm được’, và Người phán với ông: ‘Dòng giống ngươi sẽ như thế”. Abram đã tin vào Giavê, Người coi đó là sự công chính của ông”. (c. 6). Nên để ý tới câu cuối cùng, câu trở thành nền tảng cho thần học thánh Phaolô.

 

Chúng ta hãy coi cấu trúc của bản văn, Thiên Chúa an ủi: đừng sợ, Ta sẽ là khiên mộc của người. Abraham phàn nàn: điều đó có gì tốt đâu nếu con không có người nối dõi? Thiên Chúa lại trấn an ông: Hãy nhìn lên trời với muôn vàn vì sao và dân tộc ngươi sẽ đông đảo như vậy. Cuối cùng là hành động của Abraham. Hành động đó không được diễn tả như trước, bởi những thực tại vật chất, có tính biểu tượng – ra đi với tất cả tài sản, rảo qua khắp xứ, dựng các bàn thờ. Ở đây, chúng ta chỉ có một thái độ nội tâm: Abraham đã tin. Trong mọi bước tiến của Abraham, thánh Phaolô chỉ giữ lại thái độ duy nhất này, coi như khuôn mẫu vâng phục của tổ phụ: ông tin, ông phó thác và điều đó làm ông trở nên công chính.

 

Hy lễ Giao ước

Lập tức sau đó là hy lễ Giao ước (c.7). Ở đây, lời hứa, kê-rít được ban trong một hình thức khác, một bối cảnh khác: hình thức hy lễ. “Ta, Giavê, Ta đã đem ngươi ra khỏi Ur của dân Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm cơ nghiệp”. Abram thưa: ‘Lạy Chúa Giavê làm sao con biết được con sẽ được nó làm cơ nghiệp?’ Người phán với ông: ‘Hãy đem đến cho Ta một con bê cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim cu gáy và một bồ câu non’. Abram đã đem đến cho Người hết các con vật ấy; rồi ông xẻ ra chính giữa và đặt mỗi phần đối diện với phần kia …” Những mãnh cầm sà xuống trên thây các con vật, nhưng Abram đuổi chúng đi. Khi mặt trời sắp lặn, một cơn mê ập xuống Abram, và một sự kinh hãi xâm nhập cả người ông. Giavê phán với Abram: ‘Ngươi hãy biết điều này dòng dõi người sẽ là những khách lạ trong xứ không phải của mình. Chúng sẽ là nô lệ ở đó, người ta sẽ dàn áp chúng trong 400 năm. Nhưng, Ta sẽ xét xử dân mà chúng phải làm tôi, và sau đó, chúng sẽ ra đi với nhiều của cải. Còn ngươi, ngươi sẽ ra đi về với cha ông ngươi trong bình an, ngươi sẽ được mai táng trong tuổi già hạnh phúc. Chính thế hệ thứ tư sẽ về lại chốn này, vì cho tới đó, tội ác của Amorit chưa đầy’. Và khi mặt trời đã lặn, bóng tối bao trùm, thì này, một lò lửa bốc khói và một đuốc cháy băng ngang giữa những con vật đã xẻ đôi. Ngày đó, Giavê kết ước với Abram bằng những lời này: ‘Ta sẽ ban xứ này, từ sông Ai Cập cho tới Sông Cả, sông Euphrate …”

 

Trong đoạn này, cấu trúc câu phức tạp, gồm nhiều yếu tố tạo nên. Trước hết, Giavê giới thiệu chính mình: “Ta là Giavê, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ur của dân Can-đê”. Thiên Chúa nhắc lại sự can thiệp đầu tiên của Ngài, sáng kiến đầu tiên Ngài thực hiện vì Abraham. Nhưng Abraham trả lời cách khốn khổ: “Con được gì?” Ông gặp nhiều khó khăn, do dự, thấy khó mà chấp nhận kê-rít Chúa phán. Không còn như lần đầu tiên, ông chấp nhận một cách mau lẹ. Kế đó, là cảnh của lễ hi sinh và mặc khải trong cơn mê. Một vài giải thích cho rằng các mãnh cầm tượng trưng cho sư báo trước về nỗi bất hạnh sẽ xảy đến cho dòng dõi ông ở Ai Cập. Dù sao, chúng ta cũng ở trong một tình thế đáng lo, một bầu khí sợ hãi mà sự mặc khải trong cơn mê sẽ giải thích; đó không phải là một tin vui: ngươi sẽ chết; dòng dõi ngươi sẽ sang Ai Cập, nhưng Ta sẽ săn sóc chúng.

 

Kê-rít không mơ hồ mà rõ ràng: Ta sẽ chăm sóc ngươi, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc đời ngươi; đừng sợ hãi nếu các biến cố xảy đến không như ngươi mong đợi. Thiên Chúa không ngừng thích nghi sứ điệp của Ngài, làm sáng tỏ sứ điệp đó trong mỗi hoàn cảnh, và theo những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Abraham. Tiếc là mặc khải trong cơn mê không dễ chịu chút nào: còn phải chờ đợi lâu, nhưng Ta sẽ ở với dân ngươi. Sau hết, khía cạnh cuối cùng của kê-rít là lò lửa, ngọn đuốc đi ngang qua giữa có nghĩa là giao ước được ký kết, lời hứa sẽ được thực hiện: “Ta sẽ ban xứ sở này cho dòng dõi ngươi”.

Đó là 5 giai đoạn của kê-rít Giavê mặc khải cho Abraham.

 

Chúng ta học được gì từ các bản văn trên?

Chúng ta có thể lấy làm lạ khi thấy rất nhiều kê-rít khác nhau, loan báo khác nhau, lời hứa khác nhau cho Abraham; không chỉ có một, mà nhiều, cái này khác cái kia. Tuy nhiên, có một nền tảng chung: dòng dõi và đất đai, với những áp dụng khác nhau tuỳ theo những giai đoạn then chốt trong cuộc đời Abraham. Điều đó có ý nghĩa gì? Nó muốn nói rằng một lời duy nhất của Thiên Chúa không đủ đối với Abraham. Tự bản chất, lời Chúa nói trực tiếp với Abraham đã đủ ý nghĩa cho cả cuộc đời ông; tại sao Chúa còn lặp đi lặp lại nhiều lần làm gì? Bởi vì, ngay cả đối với Abraham, phải được nói lại, giải thích, làm rõ nghĩa, làm sáng tỏ; kê-rít ở căn bản chỉ có một, nhưng nó thay đổi, thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời Abraham.

 

Có nhiều loan báo khác nhau, tin mừng khác nhau, lời hứa khác nhau, không những về nội dung, mà còn về cấu trúc bên ngoài nữa. Có khi ở thể lệnh truyền: hãy đi, hãy bỏ; có khi là thì tương lai: Ta sẽ ban cho ngươi một dân tộc, một đất nước. Câu trả lời của Abraham cũng mặc nhiều hình thức khác nhau, khi thì than vãn, trước những khó khăn hiện ra trước mắt ông; có lúc lại là của lễ hi sinh; hoặc một thị kiến ban đêm. Thiên Chúa cũng mặc khải cho Abraham bằng những lời khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta đang ở trong đường lối tự do và sáng tạo của Thiên Chúa; chương trình cứu độ Ngài ban đang tiến triển, và Ngài đang sáng tạo những cái mới trên trái đất. Cái mới đó là dòng dõi, là một dân tộc lớn. Đây không chỉ là lời loan báo để an ủi cá nhân Abraham trong cuộc đời ông; mà chỉ một thực tại về một dân tộc lớn mà người ta thoáng nhận ra cách khác nhau ở chân trời của mọi lời Thiên Chúa chúc phúc.

 

2. Ba câu hỏi đặt ra cho Abraham

Có ba câu hỏi đặt ra cho Abraham: khi Thiên Chúa nói với ông, thì ông đang trong hoàn cảnh nào? Và trong hoàn cảnh đó, ông mong đợi điều gì? Kê-rít đem lại cho ông cái gì?

 

Đối với câu hỏi thứ nhất, Abraham sẽ trả lời như sau: Hoàn cảnh của tôi khá lắm; tôi tương đối giầu có, niềm tin cũng ổn; tuy vậy, tôi là dân du mục, không có đất đai; trong khi người khác có đất và chắc chắn mình có một nơi để an nghỉ. Sách Sáng Thế cho biết, Sarai, vợ Abraham son sẻ (11, 29-30).

 

Trước khi Abraham được Lời Chúa kêu gọi, chúng ta đã biết ông không có con. Về phương diện xã hội, ông không chỉ là du mục, không đất đai, mà còn là người không có tương lai vì không con cái. Ông có thể trả lời: tôi chờ đợi điều gì ư? Không là gì khác ngoài điều một người đương thời với tôi hi vọng, không đất đai, không con cái, một số phận hết sức đáng buồn, một số phận đưa đến hư vô. Sự giầu có của tôi ư? Một người khác sẽ hưởng và để lại cho con cháu họ; nhưng còn tôi, Abraham, tôi không có tương lai, cuộc đời tôi không có hi vọng. Đó là điều Abraham mong chờ.

 

Kê-rít nói gì với ông? Đem đến điều gì cho ông? Nó báo cho ông điều ông mong chờ: đó là lời hứa sẽ có đất đai và con cái; một vùng đất mà ông chưa sở hữu, một dân tộc mà ông chưa có quyền, và tất cả những điều đó sẽ được ban cho ông dư dật, như sao trời, cát biển. Đó là kê-rít cho Abraham, là lời hứa, làm cho cuộc đời ông đầy đủ. Ông đón nhận với lòng tin. Chính lòng tin đó giúp ông bỏ tất cả để ra đi, lên đường; chắc chắn, lúc đó, ông chưa nắm giữ những gì ông mong đợi; nhưng lòng ông tràn ngập niềm tin vào Lời Chúa hứa; Lời đó lấp đầy cuộc đời ông, trở thành nguồn suối, điểm qui chiếu cho mọi tiến trình khác nơi ông. Ở đây, chúng ta có một điểm duy nhất giải thích lý do tại sao cho thái độ của Abraham: Tại sao vậy? Tại sao lại là cách này? Tại sao ông lại hành động như vậy? Chính là vì ông đã đón nhận và tham dự vào sự viên mãn của Thiên Chúa trong đức tin.

 

3. Các “Phúc âm” của Cựu ước và Phúc âm của Tân ước

Nếu trên đây là những kê-rít cho Abraham, thì đâu là những điểm giống và khác với kê-rít, với Phúc âm của Tân ước, với điều Chúa Giêsu loan báo trong Tân ước? Chúng ta sẽ nắm bắt cụ thể hơn điều Phúc âm nói với chúng ta, nếu chúng ta qui chiếu về sáng kiến đầu tiên này của Thiên Chúa – nó có giá trị khuôn mẫu – liên quan đến loan báo, lời hứa và các Phúc âm dành cho Abraham.

 

Xin đề nghị một vài ví dụ rút ra từ Tân ước có hình thức giống kê-rít của Abraham; trong các ví dụ này, có ba yếu tố: thể mệnh lệnh, những lời hứa cho tương lai, sự hoàn thành.

 

Marcô 1, 17-18, là trường hợp điển hình có hình thức giống với kê-rít của Abraham; “Hãy theo Ta, và Ta sẽ làm cho các người trở nên những kẻ chài lưới người. Và lập tức, để chài lưới lại, các ông theo Người”.  Cấu trúc của Sáng Thế 12, 1-5 cũng là mệnh lệnh cách: hãy theo Ta – Hãy bỏ xứ sở ngươi; và thì tương lai: Ta sẽ làm cho các người trở nên kẻ chài lưới người – Ta sẽ ban cho người xứ sở này; Ta sẽ làm cho ngươi trở nên một dân tộc lớn. Cả hai trường hợp đều giống nhau: họ lập tức theo Người. Nhưng khác biệt ở chỗ Abraham ra đi mang theo tất cả những gì ông có; còn các môn đệ thì bỏ chài lưới lại, đi theo Người. Như vậy, những ai đi theo Chúa Giêsu còn phải từ bỏ nhiều hơn sự từ bỏ của Abraham.

 

Hai trong ba yếu tố xuất hiện trong một kê-rít khác, Mar-cô 1, 15: “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa rất gần; các ngươi hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Ở đây, chúng ta có lời loan báo; lời đó cho thấy sự chờ đợi đã hoàn tất và vì thế hãy thống hối, hãy tin.

 

Ba bản văn rút ra từ Luca và Mát-thêu

Luca 12, 32-33 dường như vang vọng lại câu trả lời phàn nàn của Abraham (St 15, 1-6): Đây con ra đi mà không có người nối dõi; Không, Abraham đừng sợ, Ta sẽ là phần thưởng của ngươi, là khiên của ngươi. Khi các môn đệ nói: chúng con theo Thầy chỉ có vài người, thì sẽ ra sao? Dân chúng không theo chúng ta. Chúa Giêsu an ủi: “Hỡi đàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha của các con vui mừng ban cho các con Nước Trời”; phải đó, Nước Trời sẽ thuộc về các con; an tâm đi, Cha sẽ ban cho các con. Kế đó là lệnh truyền: Hãy bán tất cả những gì các con có, mà bố thí, các con sẽ có một kho tàng trên trời mà không trộm cướp nào lấy được, không mối mọt nào gặm nhấm được.

 

Ở đây, chúng ta thấy có sự an ủi. Chúa Giêsu không đòi hỏi một hành vi anh hùng thuần tuý mà không có động cơ; bên cạnh việc bán đi tất cả những gì các con có, là lời hứa ban Nước Trời. Trong Mát-thêu 11, 28-29, cũng là lời an ủi giống như vậy: “Những ai vất vả, gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng – khía cạnh lệnh truyền – các con sẽ tìm thấy sự an ủi trong tâm hồn – khía cạnh an ủi: Ta sẽ ban cho các con được nghỉ ngơi, được sống, được trải qua kinh nghiệm mà các con đang tìm kiếm.

 

Một hình thức khác của kê-rít – cách riêng trong Tân ước – trong Luca 10, 21-22: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã trao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”. Trọng tâm của lời loan báo ở đây là: nhờ Chúa Con, Chúa Cha sẽ được nhận biết. Đó là lời loan báo cứu độ, một cách đặc biệt để trình bày Phúc Âm.

 

Những lời loan báo nơi thánh Phaolô và trong Khải Huyền

Thư gởi tín hữu Galata cho chúng ta một thí dụ điển hình: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp sống phàm nhân trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.  Thánh Phaolô tỏ lộ cho chúng ta điều ông cảm thấy và sống vào lúc này, như một cách diễn tả lời hứa được thực hiện: Đức Kitô sống trong tôi.

 

Ông loan báo cho các tín hữu Cô-lô-sê: “Thiên Chúa muốn cho anh em được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hi vọng đạt tới vinh quang.” (1, 27). 

 

Trong số các ví dụ tốt nhất về kê-rít tân ước, chúng ta còn có thể kể đến Khải huyền 21, 1-5: loan báo bằng ngôn từ lịch sử và liên quan tới dân Chúa: Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất." Đấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự." Rồi Người phán: "Ngươi hãy viết : Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật."

 

Yếu tố trọng tâm của kê-rít nói với Abraham được thấy rõ ở đây qua sự thực hiện trọn vẹn lời hứa: nơi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Tắt một lời, đó là sự chúc phúc trọn vẹn cho một nhân loại mới.

 

4. Nước Thiên Chúa trong Cựu ước và Nước Thiên Chúa trong Tân ước.

Từ một số phúc âm của Tân ước, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học chung:

1/ Đối tượng của kê-rít Chúa Giêsu loan báo, chính yếu là Nước Thiên Chúa. Và tuỳ theo hoàn cảnh, có những sắc thái khác nhau; trước một vấn nạn, một nghi ngờ thì đó là sự an ủi; kê-rít đó có thể hướng đến tương lai: một Giê-ru-sa-lem mới; hoặc một sứ vụ được trao trong Nước Thiên Chúa. Nhưng tất cả đều liên quan đến đề tài Nước Thiên Chúa.

 

2/ Trong Tân ước, đề tài từ bỏ được nhấn mạnh hơn. Bỏ mọi sự, các ông đi theo Chúa Giêsu; hãy đi, bán tất cả những gì ngươi có; bố thí cho người nghèo. Điều đó chứng tỏ kê-rít của Tân ước thì phong phú, phức tạp, và đòi hỏi sự từ bỏ hoàn toàn nơi những ai được kêu gọi.

 

3/ Kê-rít của Tân ước khi thì nhấn mạnh đến hiện tại: Nước Trời đang hiện diện; Nước Trời được sống trong đức tin; khi thì nhấn mạnh đến tương lai: hi vọng một ngày nào đó sẽ được thực hiện.

 

4/ Mọi sự đều liên quan đến Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hiện diện, kêu gọi, và người ta đi theo Người. Dù không được nêu tên, nhưng Chúa Giêsu là trung tâm của tất cả, đó là con người của Ngài; dân mà Ngài tạo lập; sự viên mãn của Giê-ru-sa-lem trên trời được hình thành và được sống xung quanh Con Chiên.

 

Cho tới bây giờ, chúng ta chưa đề cập đến một thành ngữ nền tảng của kê-rít tân ước; đó là Đấng đã chết và đang sống, Đức Kitô chết và sống lại. Đó là trọng tâm của kê-rít, từ đó, toả sáng ra muôn vàn khía cạnh khác nhau.

 

Phải nắm vững ý nghĩa trọng tâm của kê-rít, đừng để nó trở nên hình thức. Dù dùng nhiều cách khác nhau để diễn tả kê-rít, thì cũng đừng bao giờ quên trọng tâm. Đối với Abraham, đó là một đất nước, một dân tộc; còn trong Tân ước, đó là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, chết và sống lại vì chúng ta, lời hứa về Nước Thiên Chúa, dân Chúa.

 

Những tương quan của các loan báo trên với Nước Thiên Chúa của thánh Inhaxiô.

 

Theo thánh I-nha-xi-ô, điểm nhấn mạnh trong bài suy gẫm này là sự dấn thân. Đức Kitô, Vua muôn đời nói rằng: ai muốn theo Ta phải hành động như Ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là: hãy làm như Ta làm, hoặc bỏ tất cả đi, làm việc ban ngày, canh thức ban đêm; kê-rít ở đây là: ý muốn của Ta là chinh phục cả thế giới; nói cách khác, Chúa Giêsu đề nghị cho những ai theo Ngài một Nước Thiên Chúa viên mãn, là Giê-ru-sa-lem trên trời; và vì lý do đó, Ngài đòi hỏi: hãy theo Ta đến nơi mà ta sẽ đến; chia sẻ đời sống của Ta: nghèo khó, khiêm nhường; tất cả những điều này Ta đều nhắm tới để đạt đến sự viên mãn.

 

Giờ đây, mỗi người hãy tự hỏi: đối với tôi, kê-rít hiện diện thế nào? Nó nói gì với tôi? Phúc Âm nói với Abraham, với các kitô hữu tiên khởi là điều chúng ta vừa suy gẫm, nhưng đối với tôi, Phúc Âm đó là gì? Đâu là những khía cạnh rõ ràng và hiểu được đối với tôi? Đâu là những xung đột như Abraham? Nơi chúng ta, có thể có xung đột với kê-rít như Abraham. Hãy đối thoại với kê-rít một cách chân thực, với những bóng tối và ánh sáng của nó.

 

Để cầu nguyện, chúng ta có thể đọc Benedictus. Ở đây, lời hứa với Abraham được thực hiện trọn vẹn; tuy theo một cách khá đau đớn, vì nó kết thúc bằng cái chết của Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, lời hứa với Abraham đã được thực hiện. Chúng ta có thể suy tư và cầu nguyện về phương diện này của lời Thiên Chúa hứa.  

 

 


[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (24/04/2024 22:17:35 - Xem: 47)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 408)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 649)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 527)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 660)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 758)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,008)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,367)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,051)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,728)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7