Tác giả - Tác phẩm

Chầu Mình Thánh Chúa & Tĩnh tâm mùa Chay (bài 1)

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,488
  • Ngày đăng: 22/03/2021 23:30:07

CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA & TĨNH TÂM MÙA CHAY

ABRAHAM VÀ CHÚA GIÊSU,

HAI GƯƠNG MẪU ĐỨC TIN

 

 

Dẫn nhập

Những bài suy niệm về “Abraham và Chúa Giêsu, hai gương mẫu đức tin” sau đây có thể sử dụng để giảng tĩnh tâm Mùa Chay, hoặc để suy niệm Mùa Chay; cũng có thể dùng để suy niệm và cầu nguyện trong Giờ Chầu Thánh Thể Mùa Chay. Chúng ta tuỳ nghi sử dụng thích hợp theo chương trình mục vụ của giáo xứ, của cộng đoàn, v.v.

     Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

BÀI I

ABRAHAM SỢ HÃI[1]

Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần (quỳ)

Đọc sách thánh (đứng - đọc chung hoặc 1 người đọc)

Hướng dẫn:

Ở đây, chúng ta suy gẫm về 2 câu chuyện: 1. Abraham với người Ai Cập (St 12, 10-20); 2. Abraham và vua Gérar (St 20, 1-18: trích ở cuối bài). Bây giờ, chúng ta cùng đọc câu chuyện thứ nhất:

 

Đọc chung:

1. Một nạn đói xảy ra trong xứ ấy, và ông Áp-ram xuống trú ngụ ở Ai-cập, vì nạn đói hoành hành trong xứ. Vậy khi gần vào Ai-cập, ông nói với vợ là bà Xa-rai: "Bà coi, tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai-cập thấy bà, họ sẽ nói: "Vợ hắn đấy!", họ sẽ giết tôi và để cho bà sống. Vậy xin bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi, và nhờ bà, tôi được sống." Khi ông Áp-ram đến Ai-cập, người Ai-cập thấy vợ ông rất xinh đẹp. Quan lại của Pha-ra-ô thấy bà thì ca tụng bà trước mặt Pha-ra-ô, và bà bị đưa vào đền Pha-ra-ô. Vì bà, người ta xử tốt với ông Áp-ram; ông được chiên, dê, bò, lừa, tôi trai tớ gái, lừa cái, lạc đà. Tại vì bà Xa-rai, vợ ông Áp-ram, ĐỨC CHÚA giáng những tai ương lớn xuống Pha-ra-ô và gia đình vua. Pha-ra-ô bèn cho gọi ông Áp-ram đến và nói: "Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: 'Nàng là em tôi ', khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!" Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có.

 

Tuy Abraham được Chúa kêu gọi. Ông đã can đảm rời bỏ quê hương, đến miền đất Chúa hứa. Ông cũng đã nghe lời Chúa phán và hứa với ông qua những lần Chúa mặc khải kế tiếp nhau trong đời sống ông. Tuy nhiên, ông chỉ đón nhận Lời Chúa phần nào thôi. Ông chỉ hiểu Chúa phần nào thôi. Đôi khi những gì Chúa dạy không có sức sống nơi ông, vì thế ông sợ hãi[2].

 

1. Abraham sợ hãi những gì xảy ra quanh ông.

Câu chuyện xảy ra ở Ai Cập và ở Gérar giống nhau: Abraham che dấu không cho ai biết Sara là vợ ông, mà nói là em gái.

 

a. Abraham sợ hãi điều gì?

Ngay trước đó, ở St 12,3, là lời hứa tuyệt vời về mọi sự: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ta sẽ lên án những ai nguyền rủa ngươi”. Abraham nghĩ có thể được yên ổn vì TC bênh vực ông. Ông vâng lệnh Chúa, lên đường với một viễn cảnh tương lai sán lạn, huy hoàng. Ông tin tưởng dựng một bàn thờ cầu khẩn và tế lễ Chúa. Mọi việc đều hoàn hảo. Nhưng rồi ngay sau đó, Abraham ở Ai Cập, một mình đơn độc, đối diện với những khó khăn, những vấn đề, nên ông tự tìm cách xoay xở.

 

Trong câu chuyện về sự sợ hãi của Abraham, chúng ta thấy có những yếu tố sau đây:

Yếu tố thứ nhất: nạn đói kém, nguyên nhân bắt buộc Abraham sang Ai Cập. Đây cũng là nguyên nhân gia đình Giacóp sang Ai Cập thời ông Giuse. Đó là một trong những nguyên nhân thường xuyên của những cuộc di cư từ Palestine sang Ai Cập.

 

Yếu tố thứ hai (câu 11-13): sự sợ hãi. Abraham nói với Sara: “Khi người Ai Cập thấy em, họ sẽ nói: ‘đó là vợ hắn’ và họ sẽ giết anh”. Sợ chết nên ông nghĩ ra một mánh: “Anh xin em, em hãy nói em là em gái của anh, nhờ vậy, họ sẽ đối xử tốt với anh nhờ em, và họ để anh sống vì em”. Không những ông nghĩ mình được sống mà còn được lợi lộc vật chất nữa. Cũng cùng một nỗi sợ và cùng một mưu mô ở chương 20, 1-18. Abraham nói: “Tôi tự nhủ, chắc chắn ở đây không có ai kính sợ Thiên Chúa, người ta sẽ giết mình vì vợ mình”. Ở đây, nguyên do là tôn giáo, người ta sẽ giết ông vì họ không kính sợ Thiên Chúa. Phải tìm cách tự vệ thôi. Hơn nữa, ông còn không muốn bị mất mặt: “Mà đúng vậy, bà ấy thực sự là em mình, con của cha mình, nhưng không cùng một mẹ với mình, và bà ấy là vợ của mình”. Abraham tự biện hộ và cho rằng mình nói đúng sự thực: bà Sara là em gái của ông.

 

b. Một mưu mô gian dối

Yếu tố thứ ba: kết quả là gì? Sara được đưa vào đền Pharaô; còn Abraham thì được cơ man nào là bò chiên, lừa, lạc đà, nô lệ. Mưu mô của ông đã thành công. Chính Pharaô lại bị phạt dù vua không dính dáng gì tới mưu mô đó. Giai thoại kết thúc thế nào? Pharaô cho gọi Abraham và nói với ông: "Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: ' Nàng là em tôi', khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!" Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có”. Pharaô đóng vai một người thành thật: tại sao anh lại hành động như vậy? Tại sao anh lại sợ hãi? Tại sao anh lại khiếp sợ, lo âu đến thế?

 

Còn ở chương 20,9, Abimélek vua Gérar, chỗi dậy vào lúc sáng sớm sau khi đã nói chuyện với Thiên Chúa suốt đêm nhờ đó biết rõ mọi chuyện. Vua nói với Abraham: “Ông đã làm gì chúng tôi thế? Tôi mắc tội gì đối với ông, mà ông lại làm cho tôi và nước tôi phải vương vào một tội lớn như thế? Ông đã làm cho tôi những điều không nên làm!" Đây là một đánh giá xấu về hành động của Abraham. Ông đã nói dối, làm cớ cho người khác làm một điều không nên làm.

 

c. Bản năng sinh tồn mạnh mẽ

Abraham sợ gì? Ông làm gì? Bản văn cho biết rõ ràng: Abraham sợ người ta làm hại mình, vì ông bé nhỏ, không quyền lực, không bạn bè có thế lực, sống xa quê hương, không có gì để tự vệ giữa một thế giới thù nghịch. Do đó, ông lo âu, sợ hãi là điều dễ hiểu. Ai sẽ bảo vệ ông đây? Abraham sợ chết, sợ lời Chúa hứa sẽ không được thực hiện. Phải tự bảo vệ lấy mình thôi. Đó là bản năng sinh tồn, tự bảo vệ mình. Mà để tự vệ, thì ông làm tất cả những gì có thể làm. Ông chọn lựa cách thế cho là tốt nhất vào lúc đó. Ông không còn cách nào khác. Ông đang tiến vào một thế giới u mê, tối tăm, không còn ánh sáng Chúa soi đường. Ông không tìm thấy lối thoát. Giữ được vợ thì mất mạng; mất vợ thì làm điều xấu. Bị bao vây, chèn ép mọi phía, ông tìm thấy lối thoát dễ nhất là dối trá, và nhờ đó ông được lợi, nhưng lại nhắm mắt về phương diện đạo đức, vì ông không biết làm cách nào khác.

 

d. Giavê thương xót con người khốn khổ đó.

Giavê làm gì? Ngài không làm gì hết. Ngài bênh vực Abraham và phạt Pharaô. Ngài biết ông yếu đuối, sợ hãi, lo âu, nên không quở trách ông. Ngài phạt những người quyền thế để giải thoát cho Abraham, để ông lấy lại sự can đảm. Một bên, chúng ta thấy hành động dối trá, tội lỗi của Abraham, bên kia là lòng khoan dung của Giavê. Ngài nhắm mắt không nhìn đến sự dối trá của ông. Ngài có những cách khác để chữa lành yếu đuối của Abraham hơn là trừng phạt nặng nề.

 

Thinh lặng suy nghĩ và cầu nguyện

Hát chung: Đk. Xin chỉ cho con đường đi của Chúa, Xin dạy bảo con nước bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý, vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.

 

1/ Tất cả đường nẻo Chúa là tình yêu và chân lý, dành cho những ai giữ trọn minh ước; điều răn Chúa ra nghiêm chỉnh thực thi.

 

2. Bài học nào cho chúng ta?

a. Phản ứng thường là sai trái của chúng ta.

Con người chúng ta luôn sợ hãi tất cả những gì hạ thấp mình, tổn hại đến sự sống, của cải, danh dự, an toàn của bản thân. Chúng ta lo sợ tất cả những gì có thể làm chúng ta gặp rắc rối, khó khăn. Do đó, chúng ta tìm mọi cách né tránh. Khi gặp những căng thẳng, những chống đối không ngừng gia tăng, bản năng sinh tồn tự nhiên thúc đẩy chúng ta tìm mọi cách để thoát ra, và thường là rơi vào sự giả dối: tôi chẳng giết chóc ai; tôi không làm hại đến ai, tôi không bất lương; tôi chỉ tìm một lối thoát thôi.

 

Một câu hỏi cuối cùng được đặt ra: Abraham có thể có làm theo ý Chúa trong hoàn cảnh khó khăn đó không?  Chắc chắn là không. Sự dối trá, sợ hãi, kinh khiếp luôn cản trở con người hiểu và làm theo ý Chúa cách trọn vẹn vì Thiên Chúa chỉ mặc khải cho những ai tuyệt đối tin tưởng Ngài, gắn bó hoàn toàn với Ngài, từ bỏ mọi sợ hãi và âu lo. Abraham đã dừng bước, không tiến triển trên con đường yêu mến Thiên Chúa.

 

b. Nhận biết lỗi lầm và tin vào lòng Chúa thương xót

Đó là những âm vang vọng lên trong ta khi suy nghĩ về giai thoại của Abraham. Nó giúp chúng ta khám phá những gì trói buộc mình, những tình thế tối tăm, u mê, đánh mất ánh sáng Chúa soi đường. Những tình tế đó có thể vẫn còn tiềm ẩn, chưa xuất hiện, và dù không gây trở ngại gì cho chúng ta một cách rõ ràng; nhưng chúng ta luôn có nguy cơ bị chúng che khuất ánh sáng của Chúa, làm chúng ta mù tối, sống và hành động sai trái sống mà không biết. Chúng ta hãy suy xét về điều đó.

 

Abraham đã không thể cắt đứt những ràng buộc tiềm ẩn, và không thể giải thoát mình khỏi tình thế tối tăm, u mê, để rồi đã làm điều sai trái khi nói dối. Chúng ta cũng vậy, không hơn gì Abraham đâu. Nhưng có một điều chúng ta phải tin tưởng cách chắc chắn, đó là Thiên Chúa không quở trách hay trừng phạt chúng ta, ngài không chấp nhất sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta nhận biết sự yếu đuối đó, để chúng ta có thể phó thác vào lòng thương xót của Chúa, và cầu xin với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn Abraham làm gì? Chúa muốn chúng con làm gì?”

 

Thinh lặng suy nghĩ và cầu nguyện

Hát chung: Đk. Xin chỉ cho con đường đi của Chúa, Xin dạy bảo con nước bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý, vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.

 

Chúng ta có thể đọc và cầu nguyện với thánh vịnh 31, một thánh vịnh nói lên sự tin tưởng hoàn toàn vào Chúa giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, đau khổ. 

 

Thánh vịnh 31:

Lời cầu nguyện tin tưởng của người gặp thử thách

Nam    Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA,

            xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.

            Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con,

            ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.

Nữ       Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,

            như thành trì để cứu độ con.

            Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.

            Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.

Nam    Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi,

            vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài.

            Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,

            Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín.

Nữ      Ngài ghét bọn thờ thần hư ảo,

           phần con đây, lạy CHÚA, chỉ tin tưởng nơi Ngài.

           Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở,

            vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.

Nam   Con lâm cảnh ngặt nghèo,
            Ngài lo lắng chăm nom,

            chẳng trao nộp thân này vào tay thù địch,

            nhưng cho con rộng bước thênh thang.

Nữ       Xin xót thương, lạy Chúa,

            bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo,

            quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi,

            hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ.

            Đời tiêu hao trong nỗi u buồn

            và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than.

Nam.  Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa,

           dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con.

           Số phận con ở trong tay ngài.

           Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ,

           khỏi người bách hại con.

Nữ      Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,

           Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,

           và thi thố trước mặt phàm nhân

           cho ai tìm đến Ngài nương náu.

Nam   Bên Thánh Nhan, Ngài giấu họ kỹ càng

           khỏi người đời mưu hại.

           Ngài che chở họ trong lều thánh, xa tầm lưỡi thị phi.

Nữ     Chúc tụng CHÚA đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con
 
        trong thành trì vững chắc.

           Hết mọi người hiếu trung với Chúa,

           hãy yêu mến CHÚA đi!

Nam   CHÚA giữ gìn những ai thành tín

           nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng.

           Hỡi mọi người cậy trông vào CHÚA, 

         mạnh bạo lên, can đảm lên nào!

___________________________________________

Chầu Mình Thánh Chúa.

1. Hát một bài chầu.

2. Người hướng dẫn đọc một lời cầu nguyện. Rồi cộng đoàn thinh lặng dâng lên Chúa lời cầu xin của cá nhân (5’)

3. Hát cầu cho ĐGH Phan-xi-cô.

4. Đây nhiệm tích.

5. Bài về Đức Mẹ, kinh cám ơn và trông cậy (Kết thúc).

 

(*Lưu ý: Có thể suy niệm và cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể bằng cách đặt Mình Thánh Chúa ngày từ đầu, trước khi bắt đầu suy niệm và cầu nguyện}

(Đọc riêng) Abraham và vua Gérar (St 20, 1-18)

2. Ông Áp-ra-ham rời chỗ đó, đến miền Ne-ghép. Ông ở giữa Can-đê và Sua, rồi ông trú ngụ tại Gơ-ra. Ông Áp-ra-ham nói về bà Xa-ra, vợ ông: "Nàng là em tôi", và A-vi-me-léc, vua Gơ-ra, đã sai người đến bắt bà Xa-ra. Nhưng ban đêm Thiên Chúa đến báo mộng cho vua A-vi-me-léc rằng: "Này ngươi sắp phải chết vì người đàn bà mà ngươi đã bắt, bởi người ấy có chồng." Vua A-vi-me-léc đã không gần gũi bà ấy, vua thưa: "Lạy Chúa, một dân công chính mà Ngài cũng giết sao? Ông ấy đã chẳng bảo tôi rằng: 'Nàng là em tôi' đó sao? Và ngay cả bà ấy cũng đã nói rằng: 'Ông ấy là anh tôi.' Tôi đã làm điều đó với tấm lòng thuần khiết và bàn tay vô tội." Thiên Chúa báo mộng cho vua rằng: "Ta cũng biết là ngươi đã làm điều đó với tấm lòng thuần khiết, và cũng chính Ta đã ngăn cản ngươi khỏi mắc tội đối với Ta. Vì thế, Ta đã không để cho ngươi động đến người ấy. Bây giờ hãy trả vợ của người ấy về, vì người ấy là một ngôn sứ: người ấy sẽ cầu nguyện cho ngươi và ngươi sẽ được sống. Còn nếu ngươi không trả về, thì hãy biết rằng chắc chắn ngươi phải chết, ngươi cũng như mọi kẻ thuộc về ngươi."

 

Sáng hôm sau, vua A-vi-me-léc dậy sớm, gọi tất cả các đầy tớ đến và thuật lại cho họ nghe tất cả những điều ấy; những người này sợ lắm! Vua A-vi-me-léc cho gọi ông Áp-ra-ham đến và nói với ông: "Ông đã làm gì chúng tôi thế? Tôi mắc tội gì đối với ông, mà ông lại làm cho tôi và nước tôi phải vương vào một tội lớn như thế? Ông đã làm cho tôi những điều không nên làm!" Vua A-vi-me-léc nói với ông Áp-ra-ham: "Ông nhắm mục đích gì khi làm điều ấy?" Ông Áp-ra-ham trả lời: "Tôi nghĩ bụng: 'Ở nơi này người ta chẳng kính sợ gì Thiên Chúa, và vì vợ tôi họ sẽ giết tôi.'" Vả lại, nàng đúng là em gái tôi, con cùng cha khác mẹ, và nàng đã trở thành vợ tôi. Khi Thiên Chúa bắt tôi đi lang thang xa nhà cha tôi, thì tôi đã bảo nàng: "Xin bà làm cho tôi ơn này là bất cứ nơi nào chúng ta đến, bà cứ nói: 'Ông ấy là anh tôi.'"

 

Vua A-vi-me-léc lấy chiên bò, tôi trai tớ gái tặng ông Áp-ra-ham và trả lại cho ông bà Xa-ra, vợ ông. Vua A-vi-me-léc nói với ông Áp-ra-ham: "Này đất của tôi ở trước mặt ông; ông muốn ở đâu tuỳ thích." Rồi vua nói với bà Xa-ra: "Đây tôi cho anh bà một ngàn đồng tiền bạc. Đối với bà, đó sẽ là bức màn che mắt mọi người ở với bà, và bà sẽ được hoàn toàn minh oan." Ông Áp-ra-ham cầu nguyện với Thiên Chúa và Thiên Chúa chữa lành vua A-vi-me-léc, vợ vua và các nữ tỳ của vua, cho họ có thể sinh con, bởi trước đấy ĐỨC CHÚA đã làm cho mọi phụ nữ trong gia đình vua A-vi-me-léc không sinh đẻ được, vì chuyện bà Xa-ra, vợ ông Áp-ra-ham.

 

 


[1] Phỏng dịch theo Carlo Maria Martini, “Abraham, người cha của chúng ta trong đức tin”, Saint –Augustin, Saint-Maurice, Suisse, 1994, trang 50-63.

[2] Thời Abraham, người trong gia tộc lấy nhau là bình thường, và thời đó, với tục lệ dân du mục, không đặt nặng vấn đề trinh tiết.

 

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (24/04/2024 22:17:35 - Xem: 41)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 406)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 647)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 523)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 658)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 757)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,007)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,367)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,051)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,726)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7