Đại lễ viếng Đức Bà Cồn Trên 2024
- 11/11/2024 08:01
- 417 lượt xem
- In trang này
ĐẠI LỄ VIẾNG ĐỨC BÀ CỒN TRÊN 2024
GPLX (10/11/2024) - Từ lâu rồi, giáo xứ Cồn Trên đã trở thành nơi hành hương được nhiều người biết đến. Từ năm 1995, nhưng chính thức từ năm 1996, Cồn Trên tôn vinh Đức Maria là Mẹ Nhân Loại, Mẹ chung của mọi người, qua việc Viếng Đức Bà: hằng ngày vào buổi tối; hằng tháng vào ngày 10 âm lịch, hằng năm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch là Đại Lễ Viếng Đức Bà.
Đến hẹn lại lên, hôm nay, ngày mồng 10 tháng 10 (âm lịch) năm Giáp Thìn (nhằm Chúa nhật ngày 10 tháng 11 năm 2024), Giáo xứ Cồn Trên vui mừng chào đón Cha Louis Gonzaga Huỳnh Phước Lâm – Tổng Đại diện Giáo phận Long Xuyên, quý cha, quý tu sĩ và quý khách hành hương về Cồn Trên mừng Đại lễ Viếng Đức Bà lần thứ 28.
Mở đầu Thánh Lễ, Cha Tổng Đại diện ngỏ lời chào mừng cộng đoàn và nói lên ý nghĩa của cuộc quy tụ hôm nay tại Cồn Trên là tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Nhân Loại, Mẹ chung của mọi người. Trong bài giảng, Cha Tổng Đại diện nhắc lại lời của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Đức Mẹ thật là Nữ Vương trời đất, nhưng đồng thời, Đức Mẹ giống một người Mẹ hơn là Nữ hoàng”. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Giáo Hội, là Mẹ của mỗi người chúng ta. Đức Mẹ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đức Mẹ luôn dõi theo và bảo vệ chúng ta thoát khỏi ba thù là ma quỷ, xác thịt và thế gian. Bên cạnh đó, Đức Mẹ dạy dỗ, lắng nghe, sửa dạy, an ủi, miệt mài yêu thương chúng ta. Để bày tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, Cha Tổng Đại diện mời gọi cộng đoàn hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi và qua việc lần chuỗi Mân Côi, chúng ta được hưởng ơn đại xá để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Thánh Bônaventura nói rằng: “Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính mừng, thì Mẹ sẽ đáp trả lại ta bằng muôn vàn ơn phúc”. Dựa vào bài Tin Mừng Ga 19,25-27, Thánh Gioan Tông đồ đã đại diện loài người nhận Đức Mẹ làm Mẹ và rước Đức Mẹ về nhà mình, Cha Tổng Đại diện mời gọi cộng đoàn hãy rước Đức Mẹ về nhà mình. Có Đức Mẹ hiện diện trong gia đình, chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc.
Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Bà Cồn Trên, ban muôn ơn lành hồn xác trên mọi người đang hiện diện nơi đây và cho tất cả những ai hiệp ý hiệp lòng hướng về Cồn Trên trong ngày đại lễ hôm nay:
Rủ nhau đi viếng Đức Bà,
Cả lương lẫn giáo chúng ta đi cùng.
Đức Bà nhân hậu khoan dung,
Đức Bà là Mẹ của chung mọi người.
VÀI NÉT LAI LỊCH VỀ ĐỨC BÀ CỒN TRÊN
do Linh mục Tôma Nguyễn Văn Mân (Cha sở tiên khởi giáo xứ Cồn Trên) ghi lại
1. ĐÊM ĐÊM DẦU ĐÈN
Bức tượng Đức Mẹ Maria ở đài trước kia là của nhà thờ Chợ Thủ.
Năm 1975, tôi ở Chợ Thủ và tôi đã đốt đèn hằng đêm cho Đức Mẹ. Cứ 4, 5 giờ chiều, tôi đốt lên chiếc đèn ve chai đưa ra đài. 6, 7 giờ sáng lại lấy vô, lau chùi ống khói, châm dầu, rồi cất đi.
Ở Chợ Thủ được 6 tháng thì tôi đổi sang Cồn Trên. Đi tu, Bề Trên sai đi đâu mình đi đấy là chuyện bình thường nhưng việc tôi đêm đêm dầu đèn cho Đức Mẹ đã “nặng tình”. Vì thế, thu xếp đồ đạc xong, tôi ra trước đài. Nước mắt lưng tròng nhìn lên tượng Đức Mẹ, tôi nghẹn ngào: “Thôi, Mẹ ở lại con đi. Từ nay con không được đốt đèn hằng đêm cho Mẹ nữa. Xin Mẹ chúc lành cho con”.
2. MỘNG MƠ HÃO HUYỀN
19 năm sau, Chợ Thủ thay tượng Đức Mẹ mới còn tượng cũ họ đưa vô để ở góc nhà học.
Được Mẹ Maria thúc giục, tôi đến Chợ Thủ ngỏ ý xin và Cha Phêrô Nguyễn Đức Thiêm (Cha sở Chợ Thủ) cho, dẫn tôi đến chỗ bức tượng.
Nhìn thấy tượng Đức Mẹ, tôi không cầm lòng được! Tôi thỉnh mời: “Thôi, Mẹ về Cồn Trên con phụng dưỡng Mẹ. Mẹ về Cồn Trên con sẽ xây cho Mẹ một cái đài.”
Trên đường về tôi lại hứa: “Con sẽ xây cho Mẹ một đài lớn tầm cỡ - đài Đức Bà Cồn Trên”. Rồi tôi cầu nguyện nhiều lần: “Đức Bà Cồn Trên, cầu cho chúng con”.
Tôi xuống đò để về nhà.
Khi đò đang giữa sông, lòng tôi vang vang lên: “Đến Cồn Trên viếng Đức Bà” và tôi hình dung, mường tượng ra biết bao con người ta tuôn đổ về kính viếng Đức Mẹ.
Chuyện xảy ra chỉ trong vài giây, tôi cho là hoang tưởng nhảm nhí, mộng mơ hão huyền. Đâu ngờ đó là “mộng báo”, mà không lâu sau tôi được Chúa cho biết, Mẹ cho hiểu.
3. ĐÂY LÀ MẸ CHUNG
Tôi nhờ người đi chở tượng bằng chiếc xuồng giăng câu nghèo nàn. Khi xuồng về tới bến, dân chúng lương giáo gồm đàn ông, đàn bà và đa số là trẻ em tuôn đến.
Như một đám rước tự phát, họ khiêng bức tượng Đức Mẹ cách phấn khởi. Họ nói với nhau: “Đây là MẸ CHUNG, MẸ CHUNG của chúng ta. MẸ CHUNG”.
Những lời tuyên bố của họ khiến tôi quá xúc động, không cầm được nước mắt, chỉ biết bậm môi gật đầu ghi nhận cảm thức: “Đức Bà là Mẹ của chung mọi người”.
Khiêng tượng vô tới nhà xứ, họ để xuống, xúm lại vòng trong, vòng ngoài xoa vuốt khen tượng đẹp!
Họ hỏi tôi: “Cố ơi, đây là tượng gì? Tượng Đức Mẹ Lộ Đức hay Fatima?”
Câu trả lời của tôi nay thành biệt danh của Mẹ “Alô! Alô! Đây là tượng ĐỨC BÀ CỒN TRÊN”.
Trước khi giải tán, họ cùng tôi đứng xung quanh tượng Đức Mẹ, cầu nguyện sốt sắng. Hôm đó là ngày 10 tháng 10 năm Ất Hợi (1995).
4. RỦ NHAU ĐI VIẾNG
Như vậy, việc cầu nguyện được tiếp nối và mở rộng, để bá tánh tôn vinh Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Cứu Thế, là Mẹ Nhân Loại, Mẹ Chung của mọi người, gọi tắt là viếng Đức Bà:
- Hằng ngày vào buổi tối.
- Hằng tuần vào chiều thứ Bảy.
- Hằng tháng vào ngày 10 âm lịch.
- Hằng năm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch là Đại Lễ Viếng Đức Bà.
Rủ nhau đi viếng Đức Bà,
Cả lương lẫn giáo chúng ta đi cùng.
Đức Bà nhân hậu khoan dung,
Đức Bà là Mẹ của chung mọi người.