Tài liệu - Giáo huấn

Hai mẫu giờ Chầu Thứ Năm Tuần Thánh

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,090
  • Ngày đăng: 14/04/2022 18:46:54

MẪU I

CHẦU THÁNH THỂ & SUY NIỆM NĂM SỰ THƯƠNG

 

 

Sau khi cộng đoàn quây quần trước Thánh Thể, thì NHD mời gọi:

 

Trong Giờ Chầu đêm nay, Giáo họ (… Gia đình Huynh Đoàn Đaminh, Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót…) chúng ta thực sự hiện diện với Chúa Giêsu như các môn đệ trong bữa Tiệc ly xưa, mỗi người như được tựa đầu vào ngực Chúa, lắng nghe được nhịp đập yêu thương Chúa ngỏ với ta: “Thầy yêu thương con, và yêu đến cùng” (x. Ga 13,1).

 

Chúng ta thiết tha xin Chúa đổ tràn đầy tình yêu Chúa vào tâm hồn chúng ta, để khơi lớn trong chúng ta niềm tin và lòng mến Chúa – yêu người. Xin Chúa gìn giữ thế giới trong đại dịch Covid-19 và tìm được bình an. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Hội Thánh và cho đất nước chúng ta.

 

Khi tham dự giờ Chầu Thánh Thể trên nửa giờ và hội đủ những điều kiện Giáo Hội quy định, chúng ta được lãnh ơn toàn xá[1].

  • Thinh lặng 4 giây để cộng đoàn tập trung tâm trí.

  • Hát một bài tôn thờ Thánh Thể.

 

Lạy Chúa Giêsu, trong đêm bị trao nộp, Chúa đã bày tỏ tình yêu đến cùng của Chúa cho những kẻ thuộc về mình, là các Tông Đồ và cả chúng con nữa, bằng việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, thiết lập chức linh mục và để lại giới luật yêu thương mới, yêu thương nhau như chính Chúa yêu chúng con. Giờ đây, chính Chúa đang hiện diện với chúng con nơi Bí tích Thánh Thể, chúng con yêu mến thờ lạy Chúa.

 

Nhờ Chúa Thánh Thần, xin Chúa dẫn chúng con đi vào tình yêu Chúa qua chuỗi Kinh Mân Côi Mùa Thương này, để chúng con biết nhìn vào khổ đau đời mình với đôi mắt mới, đôi mắt của Chúa, biết biến đổi gian khó trong đời nên những bậc thang đưa chúng con đến sự hoàn thiện, đến vinh quang Nước Trời.

 

Xin cho chúng con cảm nếm được tình yêu khôn cùng của Chúa biểu tỏ qua các mầu nhiệm Thương Khó, để trở về bước tiếp con đường Thập giá cuộc đời chúng con cách dũng cảm mà tiến tới Nước Trời (x. Rm 6,8; Cl 2,12).

  • Kính mời cộng đoàn đứng

 

1/ Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUALạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán. Lạy Chúa, Thánh Giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con. 

 

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

NGẮM THỨ NHẤT

CHÚA GIÊSU HẤP HỐI NƠI VƯỜN CÂY DẦU

 

LỜI CHÚA                                                                  Lc 22,41-42

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca.

Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.”

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

  • Nên chọn hai ba người để thay nhau đọc Lời Chúa và Suy Niệm.

 

SUY NIỆM

Thánh Phêrô dạy: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2,21). Đau khổ gắn liền với cuộc sống con người và không ai có thể xóa bỏ nó. Điều quan trọng là chúng ta biết cách đón nhận khổ đau trong Đức Kitô để sinh ơn cứu độ cho ta và cho mọi người như Thánh Phaolô dạy: “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17).

  • Thinh lặng 3 giây.

 

Lạy Chúa, cuộc đời chúng con đều mang những gánh nặng và khổ đau khác nhau. Khi phạm tội mà xa lìa Chúa là chúng con tự rước lấy nỗi đớn đau đáng sợ nhất. Xin cho chúng con biết đặt tất cả niềm cậy trông nơi Lòng Thương Xót của Chúa như chính Chúa đã mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Amen.  

  • Đọc Kinh Lạy Cha – Mười kinh Kính Mừng – (Kinh Sáng Danh).[2]

  • Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng.

 

NGẮM THỨ HAI

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN

 

LỜI CHÚA                                                     Ga 18, 39-40 – 19,1

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan.

Ông Philatô ra gặp người Do Thái và bảo họ: “Các người có muốn ta tha vua dân Do Thái cho các người không?” Họ lại la lên rằng: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

 

SUY NIỆM

Đánh đón là hình phạt gây đớn đau thân xác và tổn thương tâm cảm của tội nhân. Con Thiên Chúa vô tội mà đã đón nhận những trận đòn đớn đau vì Người tự nguyện mang lấy tất cả tội lỗi của nhân loại vào thân: “Người bị đâm vì ta phạm tội, bị nghiền nát vì ta lỗi lầm, chịu sửa trị để ta được bình an, mang thương tích cho ta được chữa lành” (Is 53,5). Lòng Thương Xót của Chúa dành cho chúng ta khiêm hạ và lớn lao dường nào khi Người cúi xuống đồng phận với ta trong tội và khổ đau.

  • Thinh lặng 3 giây.

 

Lạy Chúa, chúng con dâng Chúa đôi bàn tay đã bị những vất vả cuộc đời làm tê tái, dâng Chúa đôi bờ vai trĩu nặng những gian lao, dâng Chúa đôi bàn chân bủn rủn vì bệnh tật; nhất là dâng Chúa tâm hồn chúng con đang chịu nhiều dục vọng sâu xé, để nài xin Lòng Thương Xót Chúa nâng đỡ, chữa lành và thánh hóa chúng con. Xin dạy chúng con biết đón nhận mọi khổ đau với Chúa, tháp nhập bệnh tật vào hy tế Thập giá của Chúa, hầu chúng con được dự phần vinh quang với Chúa trên trời. Amen.

  • Đọc Kinh Lạy Cha – Mười kinh Kính Mừng – (Kinh Sáng Danh).

  • Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng.

 

NGẮM THỨ BA

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI MẠO GAI

 

LỜI CHÚA                                                                         Ga 19,2-3

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan.

Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do thái!” rồi vả vào mặt Người.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

 

SUY NIỆM

Con người đã đặt trên đầu Con Thiên Chúa mạo gai chế giễu và sỉ nhục. Chúa đã chấp nhận tất cả nhục nhằn này vì tội chúng ta. Đằng sau khuôn mặt biến dạng đầm đìa máu, dơ bẩn vì bị khạc nhổ của Chúa lại chiếu sáng vẻ đẹp của Lòng Chúa Thương Xót đối với nhân loại. Mỗi tội chúng ta là một gai nhọn tiếp tục đâm thâu đầu Chúa. Mỗi lời nói xấu, nói hành tha nhân, mỗi bất trung và xúc phạm đối với bạn đời là chúng ta khạc nhổ vào mặt Chúa và làm dơ bẩn chính khuôn mặt của mình.  

  • Thinh lặng 3 giây.

 

Lạy Chúa, trong phận người, Chúa đã cảm nghiệm sâu xa những đau đớn khi bị người đời sỉ nhục và kết án cách bất công. Chắc chắn Chúa biết chúng con cần gì trong những hoàn cảnh ngang trái này. Xin giúp chúng con chịu đựng và thánh hóa những hiểu lầm và oan ức chúng con gặp phải trên đường đời. Xin cho chúng con đừng gây nên nỗi sỉ nhục cho người thân và tha nhân, nhưng sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, đớn đau để cho bạn đời, con cái và mọi người được hạnh phúc. Amen. 

  • Đọc Kinh Lạy Cha – Mười kinh Kính Mừng – Kinh Sáng Danh.

  • Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng.

 

NGẮM THỨ BỐN

CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ

 

LỜI CHÚA                                                                  Ga 19,16-17

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan.

Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

 

SUY NIỆM

Chúa Giêsu vác Thập Giá đến Núi Sọ thực hiện lời Tiên tri Isaia: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4). Chúa đã đi qua con đường Thập giá, để mở ra đường về Trời và mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Bước theo Chúa, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, kể cả bản thân, nhưng xác tín rằng, chúng ta đang mất cái tầm thường để được điều cao cả tuyệt đối, đang chết đi hôm nay để được sống muôn đời (x. Mt 10,39). Nhớ rằng Chúa không bao giờ chịu thua tình yêu của chúng ta.                                            

  • Thinh lặng 3 giây.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con không thể sống cuộc đời này có ý nghĩa nếu không có Chúa. Chúng con không thể kham nổi cuộc sống này nếu không có sức mạnh Chúa đỡ nâng. Chúng con không thể đi tới hạnh phúc Nước Trời nếu không có Chúa cầm tay dẫn dắt. Xin cho chúng con luôn nhận ra Chúa bên cạnh chúng con, cảm nhận Lòng Thương Xót của Chúa phủ kín cuộc đời chúng con, để từng ngày, chúng con biết từ bỏ mình, đón nhận mọi khổ đau và thử thách đời mình mà bước theo Chúa. Amen.  

  • Đọc Kinh Lạy Cha – Mười kinh Kính Mừng – Kinh Sáng Danh.

  • Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng.

 

NGẮM THỨ NĂM

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐANH TRÊN THÁNH GIÁ

 

LỜI CHÚA                                                                  Lc 23,33-34

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca.

Khi đến nơi gọi là “Núi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

 

SUY NIỆM

Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá trong nỗi đớn đau tột cùng nơi thân xác và tâm hồn như Thánh Phêrô dạy: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2,24). Không có cuộc khổ nạn của Chúa, cuộc sống chúng ta sẽ vô nghĩa, hư hoại và phải chết đời đời. Thập giá là tột đỉnh của Lòng Thương Xót Chúa dành cho chúng ta. Hãy để tình thương hải hà của Chúa lôi kéo trái tim ta, ôm lấy cuộc đời tội lỗi của ta và kéo chúng ta lên Thập giá với Người! 

  • Thinh lặng 3 giây.

 

Lạy Chúa, Chúa đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đến chết để đảm nhận và đưa tội lỗi, khổ đau, cái chết của chúng con lên Thập giá với Chúa. Tình thương của Chúa dành cho chúng con vĩ đại dường nào! Chúng con thật quý giá đối với Chúa! Xin cho tâm hồn chúng con mở ra đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa để được thứ tha và chữa lành, được  trở nên hiện thân của Lòng Chúa Thương Xót cho mọi người. Amen.

  • Đọc Kinh Lạy Cha – Mười kinh Kính Mừng – (Kinh Sáng Danh).

  • Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận mọi đau khổ để mạc khải cho chúng con ý nghĩa của những gian nan chúng con phải chịu. Đau khổ là cơ hội cho chúng con nên giống Chúa; là phương thế để chúng con thánh hóa bản thân và tha nhân. Xin cho chúng con hằng nhận ra Chúa luôn đồng hành và trợ giúp khi chúng con gặp thử thách. Xin cho chúng con biết chạy đến cùng Chúa, lãnh nhận sức mạnh đỡ nâng, và lòng kiên trì để cùng Chúa đi qua khổ đau thập giá đến vinh quang đời đời. Amen.

 

NHD: Giờ đây, chúng ta thinh lặng ít phút, để dâng lên Chúa những tâm tình và lời khẩn nguyện riêng của mỗi người chúng ta.

  • Nếu được, thinh lặng một vài phút tùy khả năng của cộng đoàn.

  • Sau phút thinh lặng, mời cộng đoàn đứng dâng lời nguyện kết thúc.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn vui tươi, dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho chúng con đừng bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh chúng con, những người -cũng như chúng con- đang cần một người bạn.

 

Đ. Chúng con ngợi khen lòng Chúa xót thương.

 

Xin cho chúng con đừng chỉ biết nhận lãnh, nhưng biết chia sẻ hồng ân đức tin cho mọi người. /Đ.

 

Nếu chúng con yếu đuối, xin cho chúng con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn. Nếu bàn tay chúng con run rẩy, thì xin giúp chúng con luôn biết mở ra và cho đi. /Đ.

 

Khi lâm tử, xin cho chúng con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh. Ước chi chúng con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời “xin vâng” cuối cùng. Và chúng con về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.[3]

  • Thinh lặng 5 giây.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con vừa suy niệm các Mầu nhiệm cứu độ của Chúa qua Kinh Mân Côi. Xin cho ý nghĩa và ơn sủng cứu độ của các Mầu Nhiệm này thấm nhập cuộc đời chúng con, đưa chúng con vào sự kết hợp sâu xa với Chúa, và biến đổi chúng con trở nên nhân chứng tình yêu, niềm vui và hy vọng của Chúa cho mọi người. Amen.

  • Kính mời cộng đoàn quỳ.

 

NHD: Giờ đây, chúng ta cùng thiết tha dâng lên Chúa lời kinh Đền Tạ Trái Tim Chúa Giêsu. Đền tạ vì tội lỗi của chúng ta, của gia đình chúng ta, của toàn thể nhân loại, để xin Thánh Tâm Chúa thương tha thứ và cứu độ chúng ta, ban ân sủng, niềm vui và bình an cho cuộc đời chúng ta.  

 

KINH ĐỀN TẠ TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi; nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa, hết lòng thờ phượng cung kính, cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa khắp thiên hạ hằng làm sỉ nhục Thánh Tâm Chúa hay thương dường ấy.

 

Song le chúng con nhớ lại: xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy, thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, xin Chúa thương xót thứ tha; chúng con sẵn lòng đền tội chúng con, cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi, hoặc bởi vô tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật, hoặc khinh dể những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa tội, mà rẫy bỏ giới răn Chúa là ách êm ái dịu dàng.

 

Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đớn dường ấy, thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy, lại dốc lòng đền riêng những tội này: như cách ăn ở buông tuồng mất nết, những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh, tội bỏ chẳng giữ các ngày lễ, sự nói lộng ngôn phạm đến Chúa cùng các thánh, những lời sỉ nhục phỉ báng đấng thay mặt Chúa cùng các đấng làm thầy, những điều ơ hờ khinh dể cùng những tội gớm ghê phạm đến chính phép Bí tích mến yêu; sau hết chúng con xin đền tội chung các nước hằng chống cưỡng chẳng nhận quyền, cùng chẳng vâng phục lời Hội Thánh Chúa truyền dạy.

 

Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy, ít là chúng con xin dâng công đền tội xưa Chúa đã dâng cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá, mà rầy còn dâng trên bàn thờ mọi ngày, lại xin dâng công nghiệp Đức Mẹ đồng trinh và các thánh cùng các kẻ lành, cho được đền vì những sự vô phép mất lòng Chúa. Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa: từ này về sau, nhờ ơn Chúa giúp, thì chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng, ăn ở thanh sạch, giữ luật Phúc Âm cho trọn, nhất là luật mến Chúa yêu người, cho được bù lại những tội chúng con, cùng tội thiên hạ đã bội ơn phụ nghĩa cùng Chúa hay thương dường ấy, lại hết sức ngăn ngừa kẻo người ta còn phạm đến Chúa, cùng khuyên dụ cho nhiều người trở lại theo chân Chúa. Lạy Đức Chúa Giêsu cực khoan cực nhân, chúng con cậy vì lời Đức Nữ đồng trinh Maria đã hiệp công chuộc tội cầu bầu, xin Chúa nhậm lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa, cùng xin cho chúng con được ơn bền đỗ, giữ lòng trung tín lo việc bổn phận làm tôi Chúa cho đến trọn đời, cho ngày sau chúng con hết thảy được về Quê thật, là nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

  • Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Hát: TÌNH CHÚA THƯƠNG CON

  1. Bao la tình Chúa yêu con, mênh mông như biển thái bình
    dạt dào như ngàn con sóng vỗ về năm tháng đời con tình Ngài như mưa đỉnh núi suốt đời tuôn đổ dạt dào một tình yêu vô biên, một tình yêu vô biên.

 

ĐK: Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man, nâng đỡ tình con trong tay, trong tay vòng tay thương mến. Đời có Chúa êm trôi êm trôi, Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi có Chúa cùng đi con không đơn côi ôi tình tuyệt vời.

  • Im lặng 4 giây rồi làm dấu Thánh Giá kết thúc, hội đoàn khác tiếp tục giờ chầu.

 

MẪU II

“LẠY CHA, NẾU ĐƯỢC, XIN CẤT CHÉN…”

 

  • Sau khi cộng đoàn quây quần trước Thánh Thể, thì NHD mời gọi:

 

Trong Giờ Chầu đêm nay, Giáo xứ,  (… Gia đình Huynh Đoàn Đaminh, Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót…) chúng ta thực sự hiện diện với Chúa Giêsu như các môn đệ trong bữa Tiệc ly xưa, mỗi người như được tựa đầu vào ngực Chúa, lắng nghe được nhịp đập yêu thương Chúa ngỏ với ta: “Thầy yêu thương con, và yêu đến cùng” (x. Ga 13,1).

 

Chúng ta thiết tha xin Chúa đổ tràn đầy tình yêu Chúa vào tâm hồn chúng ta, để khơi lớn trong chúng ta niềm tin và lòng mến Chúa – yêu người. Xin Chúa gìn giữ thế giới trong đại dịch Covid-19 và tìm được bình an. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Hội Thánh và cho đất nước chúng ta.

 

Khi tham dự giờ Chầu Thánh Thể trên nửa giờ và hội đủ những điều kiện Giáo Hội quy định, chúng ta được lãnh ơn toàn xá.

  • Thinh lặng 4 giây để cộng đoàn tập trung tâm trí.

  • Hát một bài tôn thờ Thánh Thể.

 

Lạy Chúa Giêsu, trong bầu khí đầy linh thiêng đêm nay, chúng con được dìm trong bầu khí yêu thương của những phút giây/ mà lòng Chúa đang trào dâng nỗi thiết tha: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Chúng con đang được Chúa dẫn vào phòng Tiệc Ly, nhận lãnh kỷ vật yêu thương Chúa tặng ban là Bí tích Thánh Thể và giới luật yêu thương, rồi được Chúa dẫn đến vườn Dầu như ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê ngày nào, chứng kiến Chúa những phút giây cầu nguyện và thống khổ nội tâm trước khi đón nhận cuộc Thương khó.  

  • Thinh lặng 5 giây.

  • Kính mời cộng đoàn đứng để lắng nghe Lời Chúa.

 

LỜI CHÚA                                                                  Mt 26,36-40

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mathêu.

Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?”

  • Mời cộng đoàn ngồi.

  • Thinh lặng 5 giây rồi đọc suy niệm.

 

Từ phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu bước vào vườn Cây Dầu để cầu nguyện. Người luôn kết hợp với Chúa Cha, đặc biệt lúc này, lúc mà “giờ” của Người sắp đến. Giờ của khổ đau và sự chết, nhưng cũng là giờ của vinh quang. Giờ mà Chúa Giêsu “cảm nghiệm lần cuối sự cô đơn của mình, sự khổ đau trọn vẹn của con người. Nơi vườn Dầu, vực sâu tội lỗi và các điều xấu xa trong mọi phương diện đã thâm nhập vào tận đáy tâm hồn Người. Nơi đây, Người bị khủng hoảng trước cái chết gần kề. Nơi đây, Người bị kẻ phản bội hôn lên mặt. Nơi đây, Người bị các môn đệ bỏ rơi. Nơi đây, Người phải chiến đấu cho bản thân bạn và tôi.[4]

 

Chúa Giêsu đã đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê theo Người vào vườn Dầu. Người cũng đưa mỗi người chúng ta vào những lo âu, thử thách, khổ đau và cả sự chết của Người nữa, để trong Người, chúng ta tiến tới ơn phục sinh, tiến tới vinh quang ngày sau hết.

 

Lạy Chúa Giêsu, từ phòng Tiệc Ly, Chúa bước vào vườn Dầu để cầu nguyện với Chúa Cha. Chấp nhận phận người của chúng con, Chúa đã phải trải qua những lo sợ, khắc khoải, khổ đau trước thực trạng tội lỗi của nhân loại và trước những đau khổ, cái chết mà Chúa phải đón nhận để cứu độ chúng con.

 

Chúa đi đến một thửa “Vườn” để cầu nguyện. Với thuật ngữ này, thánh sử Tin Mừng đưa lòng trí chúng con hướng đến trình thuật về vườn địa đàng và về nguyên tội. Nếu xưa Ađam đã bất tuân lệnh Đức Chúa, đưa cả nhân loại xa lìa Thiên Chúa là nguồn sự sống dẫn đến khổ đau và cái chết, thì nơi vườn Dầu đêm nay, Chúa đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha và nhờ đó, Chúa đã chuyển đổi lịch sử nhân loại, Chúa đã giải thoát chúng con khỏi tội và đưa chúng con trở lại làm con cái Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa, chiêm ngắm cơn hấp hối toát cả mồ hôi máu của Chúa nơi vườn Dầu, cảm nhận về những khổ đau Chúa phải chịu trong cuộc Thương Khó/ và đứng dưới chân Thập giá để nhìn Chúa chết đau thương vì tội lỗi chúng con, lòng chúng con không thể không xúc động thốt lên: “Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Trong cái chết của Chúa trên Thập giá, chúng con quá đỗi đớn đau vì tội lỗi của mình, nhưng vừa kinh ngạc và hạnh phúc, khi nhận được một bảo đảm vững chắc về một tình yêu không lay chuyển mà Chúa dành cho chúng con. Dưới chân Thập giá, chúng con tuyên xưng lên: “Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).

  • Thinh lặng 5 giây.

 

NHD: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và hiến mạng vì con,

CĐ: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và hiến mạng vì con,

NHD: Xin cho con nhận biết tình yêu Chúa và hết lòng yêu mến Chúa.

CĐ: Xin cho con nhận biết tình yêu Chúa và hết lòng yêu mến Chúa.

  • Thinh lặng 4 giây. Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Hát: CHÍNH NHỜ NGÀI

 

1/ Chúa chấp nhận cuộc sống của con, nên Ngài đã đến với con người, sống kiếp con người giữa nơi cuộc đời. Những bước đường, Ngài dắt dìu con, cho hạnh phúc không tan biến đâu, Chúa đã gọi mời giết chết đơn côi.

 

ĐK. Chúa muốn nhận cuộc sống của con, nâng tay con Ngài dìu từng bước, Chúa luôn đợi chờ đổi trao thương mến. Phút cảm động lệ vỡ tràn mi, ôi thân con diệu huyền như thế, chính con không hiểu vì Ngài thương con.

2/ Chúa muốn chọn cuộc sống của con, để đời con dõi bước theo Ngài, sống chết cho Ngài hiến dâng trọn đời. Thánh giá Ngài, đường hướng đời con, những lần con đau thương đắng cay, thánh giá của Ngài thắp sáng tâm tư.

  • Kính mời cộng đoàn quỳ.

 

Lạy Chúa, trong cuộc Thương Khó, Giuđa đã bán Chúa, Phêrô đã chối Thầy, ai trong chúng con dám nói mình vô tội? Chúng con tất cả đều đã phạm tội, đều đã đóng đinh Chúa. Không ai trong chúng con đủ sức đi trọn con đường cứu độ, nếu không nhờ đến lòng thương xót Chúa.

 

Lạy Chúa, trong khuôn mặt của Phêrô tại vườn Dầu, chúng con thấy hình bóng của chúng con. Nhiều lần chúng con đã giơ tay mạnh mẽ thề hứa: “Từ bỏ tội lỗi, ma quỷ, thế gian”, nhiều lần chúng con được Chúa tha tội và nhủ khuyên: “Con đi và đừng phạm tội nữa!” để thưa lại với Chúa: “Vâng, con hứa!” Vậy mà, mới trong khoảnh khắc thề nguyền đấy thôi, chúng con đã sa lại tội lỗi mình: dối trá, bất công vì hám lợi, nóng nảy, vũ phu khi trái ý, cờ bạc, say sưa, bất trung với gia đình vì ham lạc thú thế gian. Chúng con tự đánh mất căn tính của một Kitô hữu và tội lỗi dẫn cuộc đời chúng con đến phá sản, khổ đau và dẫn gia đình đến lộn xộn, đổ vỡ.

 

Chúng con cũng có thể thấy được hình ảnh mình nơi khuôn mặt của Giuđa, người đã dùng cái hôn để phản bội. Cái hôn là dấu chỉ của tình yêu, thế mà Giuđa lại biến nó thành “ám hiệu” nộp Thầy. Thật đớn đau! Nhiều lần khi dự lễ, đó là cử hành tình yêu với Chúa, gặp Chúa, vậy mà chúng con lại hiện diện như một người bàng quan, nói chuyện với nhau, sử dụng điện thoại, thậm chí như chẳng có đức tin và thiếu hẳn lòng mến. Có khi chúng con dùng cử chỉ yêu thương giả dối với bạn đời, để che đậy một hành động tội lỗi, bất trung của mình. Có khi chỉ vì tham tiền, tham đất, tham của cải, chúng con cư xử tráo trở, gian dối của kẻ bán Thầy lấy ba mươi đồng bạc, dù được Chúa gọi tiếng ‘bạn’ đầy yêu thương để cảnh tỉnh, nhưng chúng con vẫn giả điếc, dửng dưng bán nộp Chúa.

 

Nhìn lại đời sống, chúng con không chỉ còn đó những hành động tội lỗi, bất trung, nhưng chúng con có sự dữ trong mình, cả khi lòng chúng con thiếu vắng tình yêu với Chúa, với người, thiếu lòng nhiệt thành làm điều thiện, thiếu lòng quảng đại sống chết vì Chúa, vì tha nhân. Một cây trái không chỉ cần xanh lá, mà còn phải sinh nhiều trái ngon.

 

Lạy Chúa, trong cuộc lữ hành vượt qua trần thế, thật tai hại khi chúng con theo bước nguyên tổ, tự tách mình khỏi hành động yêu thương của Chúa để chôn vùi mình trong thế giới hạn hẹp, hão huyền của riêng mình, mà không theo Chúa, không đặt mình vâng phục thánh ý Chúa, điều duy nhất làm chúng con sống đúng với phẩm giá và đưa chúng ta đến hạnh phúc toàn vẹn.

 

Chúng con không được dựng nên cho những cái tạm bợ và nhất thời, nhưng cho Chúa và cho sự sống đời đời. Vì vậy, sự hoán cải sẽ không đơn thuần là thay đổi vài hành động xấu xa, nhưng còn là định hướng trọn cuộc sống chúng con về Chúa, cởi mở hoàn toàn đời sống chúng con để đón nhận Chúa, để thuộc về Chúa[5]. Nếu hiểu đúng ý nghĩa của sự hoán cải, chúng con sẽ thấy hoán cải là ân huệ lớn lao, đưa chúng con đến tình yêu viên mãn, đưa chúng con đến hạnh phúc toàn vẹn, đưa chúng con lên tới Thiên Chúa và: “Không có gì lớn lao hơn đối với con người, một hữu thể có sinh có tử, là được tham dự vào đời sống tình yêu của Thiên Chúa”[6].

 

 NHD: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ có tội.

CĐ: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ có tội.

NHD: Xin Chúa tha thứ, chữa lành và cứu độ chúng con.

CĐ: Xin Chúa tha thứ, chữa lành và cứu độ chúng con.

  • Thinh lặng 4 giây rồi kính mời cộng đoàn đứng.

  • Hát: DÙ CON CHƯA THẤY NGÀI

1/ Này linh hồn con, nguyện hướng về Chúa tâm tư khấn xin từ đây, Chúa đừng để con xót xa bao giờ. Vì ai cậy Chúa và tin ở Chúa, tâm tư chứa chan niềm vui, chẳng khi nào ngơi tiếng ca tuyệt vời.

 

ĐK. Chúa ơi bao tháng năm rồi con vẫn u hoài ngước trông về Chúa. Chúa ơi con hướng lên Ngài chan chứa hy vọng vững tin muôn đời.

2/ Ngày đêm tìm Chúa, dù chưa được thấy, nhưng con vẫn luôn cậy trông thấy tim nhẹ vương biết bao yêu thương. Đời đi tìm Chúa, lòng như bừng nở trăm hoa ngát hương trời mơ, thấy như lòng con mến thương nhiều hơn.

  • Kính mời ngồi.

  • Thinh lặng 4 giây.

 

Lạy Chúa, Chúa cũng mời gọi gia đình chúng con trở về với Chúa và với nhau. Sự trở về không chỉ là dứt bỏ đi những lỗi lầm, hành xử thô bạo, nóng nảy, bội phản hoặc vô trách nhiệm. Nhưng Chúa còn mời gọi gia đình chúng ta tiến sâu vào mầu nhiệm tình yêu Thập giá của Chúa, khi biết sống cho nhau và vì nhau, biết đón nhận lẫn nhau và tha thứ cho nhau, biết can đảm xây dựng gia đình thành Bí tích Tình Yêu Thiên Chúa giữa cộng đoàn nhân loại, để minh chứng sự hiện diện và tình thương Chúa cho mọi người.

 

Tối nay, chúng con tha thiết cầu nguyện cho nhiều gia đình trẻ sống theo xu hướng “yêu cuồng sống vội”, đặt tình yêu hôn nhân trên cảm xúc, coi nhau như một sở hữu, để khi sống bên nhau, thấy được tật xấu, quen quá hóa nhàm, vẻ đẹp nhạt phai, cảm xúc nguội lạnh, dễ dàng đưa đến chán ghét, vứt bỏ áo cũ để tìm cái mới, cái lạ. Tình yêu hôn nhân luôn đòi sự chân thành và mục tiêu cao cả. Thiếu sự nghiêm chỉnh trong việc bảo vệ và vun đắp tình yêu đã và đang gây nên biết bao khổ đau cho con người. Cuộc sống họ trôi đi mà chẳng bao giờ xây dựng được một tình yêu nghiêm túc, một gia đình trung tín dẫn tới bình an và hạnh phúc.

 

Chúng con nhớ đến nhiều người trẻ ngày nay, có khi có cả con cái chúng con, sợ ràng buộc, sợ trách nhiệm, nên từ chối định chế hôn nhân để chọn thứ tình yêu tự do, sống thử, sống chung không ràng buộc. Một hôn nhân không cam kết, “vui thì ở, dở thì đi” sẽ thật lỏng lẻo. Khi người ta không dồn mọi năng lực bảo vệ và vun đắp, thì gia đình dễ dàng đi tới đổ vỡ. Chúng con đang đau lòng nhận ra điều ấy nơi con số các gia đình ly dị càng lúc càng gia tăng. 

 

“Ôi lạy Thiên Chúa của con, xin hãy bảo vệ chúng con khỏi những cơ cực và âu lo của trần gian này… Xin hãy gia tăng tình yêu trong lòng chúng con, và làm cho chúng con, với một lòng khiêm nhường sâu thẳm nhất, luôn giữ được niềm tin vô biên vào sự giúp đỡ và thương xót của Chúa…”[7]

  • Thinh lặng 4 giây. Đổi người hướng dẫn.

 

Lạy Chúa, Chúa là chính tình yêu và là nguồn tình yêu. Chúa đã tự nguyện ràng buộc mình với chúng con bằng một tình yêu vĩnh cửu: “Ta yêu con bằng mối tình muôn thuở” (Gr 3,31) và “quyết không hề bội tín thất trung” (Tv 89,34). Chúa đã tỏ rõ định chế đơn hôn và bất khả phân ly của hôn nhân là bởi Thiên Chúa thiết định ngay khi tác tạo gia đình đầu tiên. Chính Thập giá Chúa minh chứng cụ thể tình yêu Chúa dành cho chúng con thật nghiêm túc, một tình yêu dám hy sinh cả mạng sống vì hạnh phúc của người mình yêu.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng, giao ước hôn nhân Kitô giáo được đặt nền tảng trên tình yêu Thập giá Chúa. Tình yêu Thập giá vừa là lý tưởng, vừa là mẫu mực, vừa là nguồn suối nuôi dưỡng tình yêu gia đình làm hôn nhân Kitô giáo nên cao cả, thần linh. Hai vợ chồng được mời gọi vượt qua tình yêu nhân loại để yêu nhau bằng tình yêu của Chúa, nhằm đem lại cho gia đình hạnh phúc toàn vẹn và bất diệt. Chỉ khi nhận biết định chế hôn nhân là ý muốn của Chúa để cho con người được hạnh phúc, chúng con mới được thuyết phục để chấp nhận “buộc” mình vào tình yêu muôn thuở và không ngại biến tình yêu thành một “nghĩa vụ”. “Chỉ khi nghĩa vụ yêu thương tồn tại, thì tình yêu mới được bảo đảm lâu dài chống lại mọi đổi thay; được bảo đảm trong sự thánh thiện vĩnh hằng chống lại bất kỳ âu lo nào”[8]. Chỉ khi chúng con thực sự coi tình yêu là một nghĩa vụ, cam kết nghiêm chỉnh để yêu nhau như Chúa dạy: “thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại… chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13), chúng con mới bớt đi nỗi lo sợ thảm họa tình yêu vỗ cánh bay xa. Khi nhận biết mình dễ tráo trở, đổi thay, chúng con mới cần đến một cam kết để bảo vệ tình yêu luôn vẹn toàn, cần đến Chúa biết bao để hướng dẫn và trợ giúp.  

 

Lạy Chúa, khi phải đối diện với những lo lắng, sợ hãi, thử thách trong đời sống gia đình, xin cho chúng con một mực bước theo thánh ý Chúa, để đưa gia đình chúng con đến sự thành toàn, đến hạnh phúc mà Chúa dành cho chúng con.

 

NHD: Giờ đây, chúng ta cùng thinh lặng giây lát, để dâng lên Chúa những tâm tình và lời khẩn nguyện riêng của mỗi người.

  • Nếu được, thinh lặng một ít phút tùy khả năng cộng đoàn.

  • Sau những phút thinh lặng, kính mời cộng đoàn đứng.

 

Lời dẫn: Chúng ta cùng sốt sắng cầu nguyện cho những người đang trải qua cơn hấp hối, khổ đau khác nhau. Xin cộng đoàn lặp lại những câu Người Hướng Dẫn xướng.

 

NHD: Chúng ta ngước nhìn lên Chúa, để cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta đang phải chịu bao khổ đau thể xác cũng như tinh thần.

 

NHD: Lạy Chúa, xin cho họ được cậy trông Chúa vững vàng.

 

CĐ: Lạy Chúa, xin cho họ được cậy trông Chúa vững vàng.

 

Chúng ta hướng lòng về những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé sống giữa những người thù ghét, hãm hại, đe dọa/ và cầu nguyện cho từng anh chị em Kitô hữu đang chịu nhiều khổ đau vì đức tin.

 

NHD: Lạy Chúa, xin cho họ cảm nhận sự hiện diện của Chúa.

 

CĐ: Lạy Chúa, xin cho họ cảm nhận sự hiện diện của Chúa.

 

Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đánh mất đức tin, những anh chị em đang lìa xa Chúa bởi tội lỗi, những người không cảm nhận được Chúa đang hiện diện với họ, những người dửng dưng với Chúa vì không thấy Chúa cần thiết cho đời họ.

NHD: Lạy Chúa, xin cho họ sớm nhận biết tình yêu Chúa.

 

CĐ: Lạy Chúa, xin cho họ sớm nhận biết tình yêu Chúa.

Chúng ta nhớ đến những gia đình đang trên bờ vực của ly tán, cho họ ý thức lại giá trị thiêng liêng của giao ước hôn nhân, đồng thời nhận ra sự chia ly gây nên thảm họa lớn lao cho chính họ và con cái.

 

NHD: Lạy Chúa, xin cho gia đình họ biết tìm đến với Chúa.

 

CĐ: Lạy Chúa, xin cho gia đình họ biết tìm đến với Chúa.  

Chúng ta cũng cầu nguyện cho chính chúng ta, cho gia đình chúng ta, cũng là những người mang nhiều yếu đuối, tội lỗi và rất cần đến lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta những ơn mà Chúa biết chúng ta cần, cùng ban cho gia đình chúng ta ơn hiệp nhất và bình an.

 

NHD: Lạy Chúa, xin xót thương chúng con và gia đình chúng con.

CĐ: Lạy Chúa, xin xót thương chúng con và gia đình chúng con.

  • Hát: KINH HÒA BÌNH

Lạy Chúa từ nhân. Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

 

Lạy Chúa xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

 

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

  • Im lặng 3 giây rồi làm dấu Thánh Giá kết thúc, hội đoàn khác tiếp tục giờ chầu.

[1] x. Manuel des Indulgences, Normes et concession, Troisième édition française, 2000, Éditions Lethielleux, Paris, n. 72#1, tr. 57.

[2] Bỏ Kinh Sáng Danh nếu đã bước sang ngày Thứ Sáu Thánh.

[3] x. Nguyễn Cao Siêu, Rabbouni: một trăm hai mươi lời nguyện của bạn trẻ, tr. 117.

[4] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, Phần II, NXB Tôn Giáo 2011, tr. 184.

[5] x. Marco Cè, Bài giảng Tĩnh tâm Giáo Triều, ngày 07/3/2006.

[6] ĐGH Bênêđictô XVI, Viếng thăm mục vụ: gặp gỡ các bạn trẻ. Chúa Nhật V Phục Sinh, 02/5/2010.

[7] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ CN XXVIII TN, 11/10/2009.

[8] S. Kierkegaard, Những hành vi yêu thương, I,2,40, ed. bởi C. Fabro, Milan, 1983, p. 177 ff, trong “Bài giảng ngày thứ Sáu Tuần Thánh” của cha Raniero Cantalamessa tại Đền thờ thánh Phêrô, ngày 21/3/2008.

 

 

Trích từ tập sách:

Hướng Dẫn Giờ Chầu Thứ Năm Tuần Thánh Gp Xuân Lộc

Bài cùng chuyên mục:

Sáu điều tín hữu nên biết về Chúa Nhật Lễ Lá (22/03/2024 13:51:11 - Xem: 211)

Sau đây là 6 khía cạnh chính yếu về Chúa Nhật Lễ Lá chúng ta nên biết khi chuẩn bị tâm hồn cử hành ngày quan trọng này.

Đàng Thánh Giá Qua 14 Cơn Cám Dỗ (27/02/2024 07:06:02 - Xem: 589)

“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy.” (Lc 9,23)

Chẩn đoán những nguyên nhân gây nguy hại cho các giáo xứ (02/02/2024 14:49:37 - Xem: 593)

Chúng ta hãy làm việc để đổi mới và cứu rỗi mọi người. Đây là những điều có thể thúc đẩy chúng ta xây dựng một Giáo Hội lành mạnh hơn và một Thân Thể Chúa Kitô khỏe mạnh hơn.

Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không? (20/01/2024 07:34:48 - Xem: 487)

Người Công Giáo có luôn bị buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không? Tuyên ngôn Fiducia Supplicans đã gây xôn xao và chia rẽ người Công Giáo.

Phóng sự: Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ (13/12/2023 08:04:22 - Xem: 527)

Việc sử dụng Mạng xã hội cách phổ biến khắp nơi như thế đã mang lại những gì cho nhân loại hôm nay, đặc biệt là cho giới trẻ?

Lời Chúa lớn lên với người đọc (20/09/2023 08:49:51 - Xem: 732)

Theo mạc khải Do Thái – Kitô giáo, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa lên tiếng nói, đối thoại với nhau và với tạo vật.

Liệu tôi có thể tin tưởng các sách Phúc âm chăng? (20/08/2023 07:19:51 - Xem: 769)

Liệu tôi có thể tin tưởng các sách Phúc âm chăng? Câu trả lời ngắn gọn là “Có”. Câu trả lời dài là, điều này rất hấp dẫn.

Câu chuyện “con lừa” và “người thợ vườn nho” (09/08/2023 05:44:01 - Xem: 874)

Tôi tiến bước, như con lừa vùng Giêrusalem mà Đấng Mêsia, vào ngày Lễ Lá, đã cưỡi lên như một ông vua hiền lành.

Chủng sinh giữa môi trường sống hôm nay (31/07/2023 07:52:48 - Xem: 1,082)

Các linh mục không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế này...

Các bai Thường huấn dành cho Giáo dân (03/07/2023 08:02:47 - Xem: 1,107)

Tại Giáo Hội địa phương, người giáo dân không có chỗ để lên tiếng và hành động, “do một chủ trương giáo sĩ trị thái quá khiến họ không được tham gia vào việc làm các quyết định

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7