Suy tư - Cảm nghiệm

Lấp lánh kim cương

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,284
  • Ngày đăng: 28/02/2023 17:39:25

LẤP LÁNH KIM CƯƠNG

 

Linh mục là con người, học làm linh mục bây giờ trở nên dễ hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội, nhưng sống đời linh mục trong thời đại hôm nay lại là một thách đố lớn cần mỗi linh mục phấn đấu liên lỉ…

 

 

Người đời thường ví 60 năm với đời một viên kim cương. Bởi lẽ nếu ngày xưa, 60 năm cuộc đời được coi như người lên lão, nghĩa là đã trải qua một vòng đời nổi trôi với nhiều thăng trầm biến động của cuộc nhân sinh, thì để tìm và chế tác thành viên kim cương hoàn chỉnh cũng phải kinh qua nhiều công đoạn phức tạp.

 

Trong tự nhiên, kim cương hình thành đến hơn một tỷ năm dưới độ sâu trái đất với nhiệt độ và áp suất lớn. Sau đó, nhờ các dòng nham thạch kimberlite phun trào lên mà hình thành các mỏ kim cương. Vì thế, kim cương mới trở nên quý hiếm và số lượng cũng không nhiều tại một vài lục địa. Thêm vào đó, việc thăm dò lại tốn kém và khó khăn đòi rất nhiều công sức và máy móc hiện đại.

 

Tìm kiếm đã khó, nhưng chế tác kim cương thành phẩm càng không đơn giản và dễ dàng, vì chỉ có khoảng 20% số kim cương đã khai thác được dùng làm trang sức, 80% còn lại chỉ có thể dành cho công nghiệp như làm giàn khoan, dao cắt kim loại, linh kiện điện tử, v.v…

 

Đặc biệt, kim cương là loại khoáng chất cứng nhất được tìm thấy cho tới thời điểm hiện nay và có chiết suất biến đổi nhanh dưới bước sóng ánh sáng, nên kim cương có khả năng tán sắc tốt. Vì thế, vẻ rực rỡ của kim cương có thể biến những tia sáng trắng thành muôn màu sắc, tạo nên sức hấp dẫn riêng trở thành món trang sức mê mẩn sang trọng, quý giá, xa hoa, v.v…cho nhiều người. Thế nhưng, để có thể tạo nên hiện tượng lấp lánh, nghĩa là phát tán các tia lửa, kim cương phải trải qua quá trình mài giũa tỉ mỉ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Các giác cắt của người thợ giỏi sẽ mang lại hiệu suất ánh sáng tối đa. Bởi lẽ, nếu viên kim cương được cắt quá sâu, ánh sáng sẽ xuyên qua mà không khúc xạ trở lại, vì kim cương là loại tập hợp của vô số những lăng kính nhỏ bé, phức tạp. Do đó, ánh sáng sau khi xuyên qua, sẽ bị phân tán theo các hướng khác nhau, tạo ra hiệu ứng cầu vồng rực rỡ. Còn nếu kim cương được cắt quá cạn, tia khúc xạ sẽ không thể lọt ra ngoài. Đồng thời, để có ánh sáng tối ưu, tất cả các mặt, các góc, các cạnh của kim cương phải đồng đều, đối xứng với nhau. Bằng không, góc khúc xạ sẽ bị lệch, làm giảm hiệu ứng lấp lánh.

 

Sau cùng, kỹ thuật đánh bóng là công đoạn cuối, giúp loại bỏ tất cả khiếm khuyết còn sót lại, làm cho viên kim cương được hoàn thiện và toả sáng lâu bền.

 

Khi nhìn lại hành trình 93 năm tuổi đời (1930-2023) và 61 năm linh mục (1962-2023) của Cha cố Đaminh Phạm Minh Quang, một điều hiện lên trong tâm trí là, nhìn ra chính phận người linh mục thật yếu đuối và bất xứng được Thiên Chúa yêu thương tách ra từ tầng sâu bụi đất, để dùng vào việc cao cả nhiệm mầu vượt quá sức tưởng của con người. Từ đó, nếu có điều gì để khoe, thì lại là những bất toàn của mình. Điều duy nhất đọng lại nơi bản thân linh mục là ân sủng của Thiên Chúa phủ đầy (x. 2Cr 12, 9-10). Là chính hồng ân. Hồng ân nhưng không. Hồng ân diệu vợi.

 

Từ hồng ân cao dầy này, Thiên Chúa đã sử dụng, uốn nắn điều rất đỗi tầm thường trở thành phi thường : một tấm bánh nhỏ bé nên Thiên Chúa cứu độ nhân thế, một lời tha tội đặt trong môi miệng đã thánh hiến giao hoà con người tội luỵ với Thiên Chúa cao cả... Tất cả làm nên vẻ diệu kỳ đến ngỡ ngàng khó lý giải bằng lời nhân loại nơi chính con người linh mục. Thật ra, lời Thiên Chúa khẳng định đã nên hiện thực sinh động : “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gr 1, 5), cho dù người được chọn run sợ khước từ : “Lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn quá trẻ” (c.6). Nhưng Thiên Chúa lại phán : “Đừng nói con còn trẻ ! Ta sai con đi đâu, con cứ đi. Ta truyền cho con nói gì, con cứ nói” (Gr 1, 7).

 

Đây là huyền nhiệm ơn gọi mà mỗi linh mục đều cảm nhận từ đáy thẳm sâu tâm hồn trong những giờ cầu nguyện thanh vắng, lòng kề lòng bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi thi hành sứ vụ, ngoài sức mạnh của Thiên Chúa và sự gắn kết với Giáo Hội, linh mục còn nhận ra nơi người tín hữu giáo dân mà mình được trao phó phục vụ có một vai trò không thể thay thế trong đời sống tác vụ. Bởi, chính vì con người, nhờ con người và phục vụ con người, không phân biệt lương giáo, thành phần xã hội..., mà linh mục mới có lý do hiện hữu. Thế nhưng, trong thinh lặng nội tâm, nhiều lần linh mục cũng phải thở than : “Tôi chết mất ! Vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân môi miệng nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp gắp từ trên bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói : “Hãy nhìn xem than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá bỏ, tội của ngươi được tha thứ”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo : “Ta sẽ sai ai đi ? Và ai sẽ đi cho Chúng Ta ?” Tôi liền thưa : “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 5-8). Bởi vì, “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn” (Is 50. 4). Đây là quá trình mài giũa kiên trì, cần mẫn từng ngày qua nhiều biến cố và giai đoạn thăng trầm khác nhau.

 

Cuối cùng, nhờ ánh sáng của ngọn lửa Giêsu nung đốt, thanh luyện mà linh mục được toả sáng giữa dòng đời đen tối, như lời thánh Phaolô tông đồ đã quả quyết : “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13). Ánh sáng Giêsu càng trở nên quý hiếm giữa dòng đời mù khơi mất phương lạc hướng tìm về Chân-Thiện-Mỹ. Giả như viên kim cương còn nhiều tạp chất, nó sẽ cản ngăn ánh sáng di chuyển vào bên trong. Ngược lại, nếu nó càng tinh khiết, càng ít khuyết điểm, sẽ trở nên sống động, rực rỡ và quý giá. Vì thế, nó cần được mài giũa, đánh bóng cẩn thận, loại bỏ rác rến cũng như những tạp chất bao quanh để luôn toả sáng và lấp lánh không ngừng. Linh mục là con người, học làm linh mục bây giờ trở nên dễ hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội, nhưng sống đời linh mục trong thời đại hôm nay lại là một thách đố lớn cần mỗi linh mục phấn đấu liên lỉ trong cuộc sống để cho khuôn mặt Đức Kitô Thượng Tế được thể hiện và sáng tỏ hơn mỗi ngày. Đây là một tiến trình dài hơi mà không một linh mục nào, cho dù đã sống bao nhiêu năm trong đời linh mục đi nữa, vẫn không dám tự cho phép mình được ngừng nghỉ hay thoả mãn. Trái lại, phải mãi luôn bước tới về phía trước, nơi mẫu mực là Đức Kitô đang đón đợi, chỉ đạo và giúp sức : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

 

Lm. Bùi Văn Khiết Tâm

Tưởng nhớ Cha Bác Đaminh Phạm Minh Quang, 28/2/2023

Bài cùng chuyên mục:

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 90)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 556)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 649)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 241)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 499)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 315)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Sự thật là gì? (30/03/2024 10:41:24 - Xem: 295)

Sự thật của Thiên Chúa đi kèm với chống đối và bách hại. Ai muốn sống sự thật này, hãy tự đóng cho mình cây thập giá và lê lết vác nó đi cả kiếp người.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 435)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 299)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7