KINH TỐI & THÁNH LỄ ONLINE

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 10, phần 2)

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,587
  • Ngày đăng: 20/04/2021 23:00:06

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Lời mở đầu

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiểu, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

 

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

                                                                             Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

BÀI 10

THÁNH PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ

VÀ THÁNH EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG

 

Phần II

THÁNH EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG

TRÙM  HỌ ĐẦU NƯỚC – CÙ LAO GIÊNG

 

1. Gốc tích gia đình họ Lê:

Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm Bính Thìn 1796 tại họ đạo kỳ cựu nhất của miền Nam Việt Nam, là Họ Đầu Nước ở Cù Lao Giêng thuộc Làng Tấn Đức, Tổng An Bình, Tỉnh An Giang (thuộc trấn Châu Đốc) nay là Xã Tấn Mỹ, Huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

 

Ông thuộc gia đình đạo đức, ông nội là Lê Văn Sanh, theo tên người con cả, còn tên thật thì không ai biết; quê ở Đồng Nai, vào đây lối năm 1783 do các cuộc bách hại đạo.

 

Ông nội thánh Phụng đã sinh được 4 người con, trưởng nam tên Sanh, con út tên Lê Văn Khả là người đạo đức, sau làm ông Trùm Thứ Nhì Họ Đầu Nước. Ông Lê Văn Sanh sinh được hai người con là Emmanuel Lê Văn Phụng và Cảnh (ông Cảnh chết sớm) Thời niên thiếu của Thánh Phụng thế nào thì không có ghi chép gì để lại.

 

Khi trưởng thành, về việc đời thì ông Phụng làm chức Lý Trưởng, là chức thứ nhì trong làng thời ấy nên thiên hạ quen gọi ông là Lý Phụng. Còn việc đạo, thì ông được giáo dân bầu chọn làm đầu giáo hữu họ Đầu Nước. Đến sau Đức Cha Lefebvre (Ngãi) muốn thưởng tài năng đức hạnh và công lao của ông nên đã ban bằng phong làm Câu Phủ, quản cai các họ, từ tỉnh An giang cho đến Long Hồ hai bên Tiền Giang, Hậu Giang.

 

Vợ là bà Anna Của quê quán ở Tham Buôn, là người ngoan đạo, đức hạnh, chín chắn, khiêm hòa, hay thương giúp mọi người vì Chúa, một ý một lòng cùng chồng làm lành tích đức, cư xử với hòa nhã, lại siêng năng việc cửa nhà, gìn giữ dạy dỗ con cái cẩn thận, rất xứng đáng kẻ làm mẹ trong nhà. Hai ông bà có đông con cái, tất cả chín người, năm trai bốn gái.

 

2. Con người quý trọng Thánh Lễ, yêu thích việc Tông Đồ:

Ông Phụng luôn thao thức muốn họ đạo thường xuyên có Thánh lễ công khai và muốn có linh mục ở thường trực trong họ đạo. Nếu trong các dịp lễ mà vắng linh mục thì ông tìm cách mời linh mục ở họ đạo bên cạnh, khi mời không được, ông rất buồn đến chảy nước mắt. Ông Phụng có lòng thương người, đặc biệt là những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn về vật chất cũng như tinh thần, ông rất lo lắng cho những người đau bệnh, nhất là về phần linh hồn. Trong thời gian bệnh dịch hoành hành, ông sắm một chiếc ghe riêng dành để đưa linh mục đi các họ đạo ban bí tích cho những người hấp hối. Một hôm ông đến Bò Ót có một người Công giáo rất giàu nhờ cho vay nặng lãi, người này đang đau đớn vì cơn bệnh hành hạ. Ông đã khuyên bệnh nhân: “Nếu ông muốn hối cải thì phải xé các giấy nợ đi, rồi tôi sẽ mời cha đến ban bí tích tha tội giao hoà với Thiên Chúa”. Người bệnh đã nghe theo và làm như lời khuyên của ông, sau đó chết cách êm ái.

 

Ngay giữa thời bách hại đạo đang dữ dội nhất (thời vua Tự Đức), ông Phụng vẫn bạo dạn ngấm ngầm xây dựng Nhà Thờ, Nhà Xứ, Nhà Dòng Con Cái Đức Bà Maria, Chủng Viện, . . . Chính đức tin và lòng yêu Chúa nồng nàn đã thúc đẩy ông cộng tác trong việc che chở cho các linh mục và giáo dân, mà không sợ nguy hiểm.

 

3. Bị bắt vì kẻ nghiện nghập:

Từ năm 1855, ông Phụng đã đón Cha Pernot Định, vị Thừa Sai ngoại quốc, về trú ngụ tại nhà, để giúp ban các bí tích cho giáo dân. Ông cũng rất quan tâm, lo trùng tu nhà thờ, sửa sang lại các phòng học. Có hai anh em bên lương chuyên đánh bạc và hút sách, tên là Trần Văn Mưu và Trần Văn Nén, muốn lợi dụng cơ hội làm tiền, đã đến đe doạ những người đang làm nhà thờ rằng: họ đã vi phạm luật nước. Ông Phụng, vì được quan huyện bao che, nên chẳng để ý đến những lời đe doạ của hai tên này. Vì không ai quan tâm, chúng rất bực tức đi tố cáo với quan huyện và cả với quan tỉnh nữa. Đã mấy lần quan tỉnh sai quan huyện điều tra, nhưng mọi việc vẫn êm xuôi.

 

Thua keo này, bày keo khác. Hai tên bất lương lại rình rập, tìm cơ hội khác. Chúng nghi ngờ trong nhà ông Câu Phụng có chứa chấp đạo trưởng người ngoại quốc, nên hằng đêm chúng leo lên cây xoài ngoài vườn gần nhà ông để rình; chúng chọn địa điểm kín đáo để dễ quan sát, dò xét. Vào một đêm sáng trăng, Cha Pernot ra khỏi hầm trú để đi bách bộ ngoài vườn hít thở không khí trong lành, và cầu nguyện. Đêm trăng thanh như có phép mầu làm tiêu tan đi những mệt nhọc ban ngày, và giúp Cha hướng về Đấng Tạo Hoá cao thẳm; Cha thầm ước mong các tín hữu Việt Nam sẽ đông đúc như sao trên trời. Cha không ngờ mình đang bị theo dõi. Trước khi khép cửa để vào nhà ẩn nấp, Cha còn nói với lại: “Thật là tồi tệ cho những ai bắt tôi phải sống thế này!” Hai tên bất lương rình rập đêm đó thật mừng rỡ, khi phát hiện Cha Pernot trong nhà ông Phụng; chúng liền bàn bạc với nhau để đi tố cáo. Ngay sáng hôm sau, chúng vội vã kéo nhau đi báo cho quan Trấn Phủ Châu Đốc. Chúng tố giác nhà ông Câu Phụng có chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng, có Nhà Thờ, Nhà Dòng và Chủng Viện, . . .Chúng không quên xin phái quan lãnh binh đi bắt, chứ đừng báo cho quan huyện, vì ông này thông đồng với Công Giáo.

 

Quan tỉnh liền sai lãnh binh mang 300 lính với 15 chiếc thuyền (ghe Ngo) đi đến Họ Đầu Nước- Cù Lao Giêng để bắt Tây Dương Đạo Trưởng. Khi đoàn thuyền đi đến Thuận Vàm, quan lãnh binh truyền lệnh cho quân lính nghỉ mệt, và bàn tính kế hoạch, phân chia các cánh quân, để có thể bao vây Cù Lao Giêng, không cho Đạo Trưởng thoát ra được. Sau đó, truyền lệnh cho các thuyền chèo chậm lại cho đến Chợ Thủ (cách nhà ông Phụng khoảng 6 km) vào lúc trời tối; đoàn thuyền đi thật chậm, để không ai có thể phát hiện; rồi dừng lại cho một toán quân lên bờ (bờ phía Cù Lao Giêng), đổ bộ xuống, lúc trời chưa sáng; toán quân còn lại tiếp tục theo đường sông bọc xuống phía dưới nhà ông Phụng, tiến lên bờ.

 

Sáng ngày 07.01.1859, ông Phụng chưa hay biết gì cả. Đang trọ tại nhà ông, ngoài Cha Thừa Sai Pernot, còn có Cha Phêrô Đoàn Công Quí (một linh mục trẻ người Việt Nam, Cha sở mới của họ Đầu Nước). Hai linh mục vẫn dâng lễ như thường; có một số đông giáo dân tham dự. Sau đó, có người chạy về báo tin cho ông Phụng hay: quan quân Châu Đốc, một tốp đi thuyền, một tốp đi bộ đang tiến đến nhà ông. Vì quá bất ngờ, không kịp cất giấu đồ lễ, ông Phụng chỉ kịp cử ông Biện Vi đưa hai Cha lánh đi nơi khác. Nhưng Cha Quí nhất định ở lại, vì nghĩ mình có thể trà trộn vào dân được, và tìm chỗ ẩn núp ngay trong nhà.

Quan lãnh binh bước vào nhà ông Phụng với mấy tên lính, còn đa số lính thì bao vây chung quanh nhà.

Quan hỏi: “Ai là Lê Văn Phụng?”

Ông Phụng đứng ra nói: “Chính tôi đây!”

“Người Tây Dương, Đạo Trưởng Giatô đâu?”

- “Làm gì có Đạo Trưởng Tây ở đây!”

- “Tôi biết chắc chắn ông chứa chấp Đạo Trưởng, mau đưa ra đây!”

- “Thưa quan, quan có đông lính thì cứ việc cho họ đi lùng xét, chứ làm gì có Đạo Trưởng Tây!”

- Quan đưa tay nắm cổ ông Phụng kéo về phía mình, tát vào mặt ông, và quát lớn tiếng: “Đạo Trưởng ở đâu?”

- Cha Quí đang ở trong hầm trú nhìn qua khe hở thấy quan quân hành hạ chủ nhà và một số giáo dân đang còn ở đó, liền bước ra, mạnh dạn xưng mình chính là Đạo Trưởng, chứ không có Đạo Tưởng Tây nào ở đây.

- Quan không tin, nhìn cha Quí và hỏi lần nữa: “Đạo Trưởng ở đâu?”

- Cha Quí trả lời ngay: “Tôi đây, tôi là Đạo Trưởng!”

- “Không phải mày! Hãy nạp cho tao Tây Dương Đạo Trưởng!”

- “Không có Tây Dương Đạo Trưởng nào ở đây cả! Chính tôi là Đạo trưởng! Tôi lấy làm hân hạnh giảng đạo cho những người muốn nghe tôi.”

Vì thấy Cha Quí còn thanh niên trai trẻ, nên quan không nghe lời khai của Cha. Quan mới cho gọi một đứa nhỏ lại (cháu nội của ông Phụng), hăm doạ và đánh cho nó mấy roi, bắt nó chỉ Tây Dương Đạo Trưởng ở đâu.

Bị đánh đau quá, đứa nhỏ chỉ vào Cha Quí và nói: “Chính ông ấy!”

Không nghi ngờ gì nữa, quan liền ra lệnh trói Cha Quí, ông Câu Phụng và 32 người giáo dân trong họ đạo (đang có mặt ở nhà ông Phụng), áp giải về Châu Đốc.

Khi bị bắt tại Họ Đầu Nước đó là đầu canh ba, ngày mồng 7.1.1859, Lễ Ba Vua. Tất cả bị bắt xuống thuyền giải về Châu Đốc.

 

4.Hoàn toàn vâng ý Chúa:

Tại Châu Đốc, ông bị điệu ra trước mặt quan, bắt đầu cuộc tra vấn:

- “Ông có phải là người Công giáo không?”

- “Thưa phải!”

- “Ông có phải là Trùm trưởng không?”

- “Thưa phải!”

- “Ông có nghe theo lệnh vua truyền mà bỏ đạo để được trả tự do không ?”

- “Bẩm quan, tôi giữ đạo Đức Chúa Trời từ nhỏ. Nếu quan thương, thì tôi được nhờ; nhưng, tôi không bao giờ chối đạo”.

Quan không hỏi thêm, truyền lệnh đóng gông và xích rồi đưa ông vào trại giam. Tất cả những lần tra vấn về sau ông Phụng đều một lòng can đảm thưa lại: “Tôi không bao giờ bỏ đạo, tôi nhất quyết theo gương Đạo Trưởng.”

 

- Quan dụ dỗ ông Phụng nhiều lần, có lần quan nói: “Tôi trông mặt ông biết ông thuộc gia đình quyền quí và có khả năng lãnh đạo. Vậy, hãy đạp ảnh Thập Tự! Ta sẽ trả tự do và phong tước cho.”

- Thưa quan lớn, tôi đội ơn lòng tốt của quan. Nhưng, tôi nhất quyết giữ đạo cha ông truyền lại. Tôi thà chết hơn là chối đạo”.

Khi quan Tổng đốc và các thanh tra thấy ông Phụng vẫn cương quyết một lòng, không thể nào ép buộc ông bỏ đạo được nữa, liền hội ý với nhau, kết án “bá đao” cho ông, vì tội chứa chấp đạo trưởng.

Sau khi bộ hình làm bản án xong, người ta đọc cho ông Phụng nghe, hy vọng ông sẽ xiêu lòng. Nhưng ông vẫn bình tĩnh, không có một dấu hiệu sợ hãi nào. Quan đành phải ký tên, và truyền đem bản án về kinh cho vua châu phê.

Số giáo dân bị bắt chung với ông Phụng, người nào chịu bước qua Thập Tự thì quan trả tự do về quê; còn người nào vững lòng không bước qua thập tự, không chịu bỏ đạo thì quan kết án lưu đày.

 

5. Bị xiết cổ đến chết:

Bản án đã đưa về kinh đô đượcc hơn sáu tháng, thì lúc 7.00 giờ tối ngày 30 tháng 7 năm 1859, án lệnh của vua Tự Đức đã về tới Châu Đốc. Vua châu phê y án bộ hình Châu Đốc. Bấy giờ quan Thượng muốn trả ơn cho ông bà Lý Phụng, nên mời các quan Bố án lại và đề nghị rằng:“Xử cách nào người ta cũng phải chết. Xử án bá đao thì rất tội nghiệp.  Ai nỡ ra tay làm điều độc ác như vậy. Tôi xin các quan đổi thành án xử giảo cho gọn, cho mau”. Các quan quân đều đồng thuận theo lời đề nghị của quan Thượng là, đổi án “bá đao” thành “giảo quyết”.

 

Sáng sớm ngày 31 tháng 7 năm 1859, binh lính xếp thành hai hàng đứng nghiêm trước cửa trại giam. Quan cho đòi Lê Văn Phụng và Đoàn Công Quí. Hai người được dẫn ra khỏi ngục. Trên đường đi ra pháp trường được một khoảng, ông Phụng gặp một đứa con đến thăm nuôi (người này chưa hay tin cha mình bị đem đi xử); ông gọi con lại bảo rằng: “Con hãy về báo cho mẹ con hay, hôm nay cha bị đem đi xử tử hình”.

 

Một số người bà con, bạn bè chứng kiến, không cầm được nước mắt. Ông Phụng an ủi họ:

- “Anh em đừng buồn khóc làm chi, hãy ở lại bình an, hãy tuân giữ các lề luật Giáo hội, hãy siêng năng cầu nguyện sáng tối và hãy sống hoà thuận với nhau!”.

 

Khi đã đến nơi pháp trường, cha Quí xin phép quan cho nghỉ một chút để lo việc riêng của mình. Bấy giờ ông Phụng mới cởi ảnh Chuộc Tội và ảnh Đức Mẹ (áo Đức Bà) đang đeo trên ngực, cung kính hôn, rồi trao cho đứa cháu nội là Anna Nhiên, và nói:

 

“Cháu ơi! Ông không thể cho cháu vàng bạc của cải gì quí hơn ảnh Chúa Kitô là Chúa chúng ta. Cháu hãy mang luôn trên cổ ảnh này và ảnh Đức Mẹ đây. Cha cháu hay đi lo việc làng, xã, nên cháu phải ở với bà nội, kẻo cháu chẳng đọc kinh hôm mai. Cháu đừng lười biếng mà lỗi nghĩa với Chúa!”.

 

Ông cũng căn dặn Phaolô Sang (con trai thứ ba):

- “Con phải lo lắng cho hai đứa em nuôi của con! Phải thương chúng nó, kẻo chúng bỏ đạo! Còn con và mấy anh em con phải trung thành giữ đạo Chúa cho đến chết!”.

 

Sau đó, cha Quí bảo ông Phụng dọn mình chịu phép giải tội lần sau hết. Ông quì gối xuống, ăn năn tội, và cha Quí ban phép giải tội cho ông. Lãnh phép giải tội xong, ông Phụng căn dặn các con đang quì trước mặt ông rằng:

 

“Các con hãy noi gương cha! Đừng thù oán hay kiện cáo những kẻ đã tố giác cha! Các con hãy mang xác cha về Đầu Nước mà chôn cùng với xác Cha Quí! Nhưng, đừng có làm gì trọng thể”.

 

Khi đã kiểm tra cẩn thận, quan giám sát truyền lệnh: hễ dứt 3 tiếng chiêng, thì mọi sự hoàn tất. Tiếng chiêng thứ ba vừa dứt, những tên lý hình nắm đầu dây, xiết cổ; sau đó chúng vặn cổ vị tử đạo mặt quay lại sau lưng. Linh hồn ngài lìa khỏi xác, trở về với Chúa; bấy giờ là 10 giờ sáng, ngày Chúa Nhật, 31 tháng 7 năm 1859, thọ được 63 tuổi, làm Trùm phủ 8 năm. Khi ấy có mặt vợ ông là bà Anna Của, Phêrô Quí, Phaolô Sang Anna Nhiên, Gioakim Thủ, Phêrô Quyền, GB. Chính và nhiều người khác. Những kẻ đi coi vô số đều tiếc thương người tôi tớ trung thành can đảm chịu tử hình mạnh mẽ như vậy.

 

Đến chiều tối mới xin được xác, mà mắc trời nắng nên xác nám hết hết nhiều, liền chở về họ Đầu Nước, và còn để cho bổn đạo tôn kính, qua chiều ngày sau mới cất đi theo phép Hội thánh, lối 8 giờ chôn trên nền Nhà thờ Ðầu Nước để chờ ngày vinh quang.

 

6. Giờ vinh quang:

Ngày 13.2.1879 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã công nhận và tôn phong hai Đấng lên bậc Đáng kính cùng với 32 Đấng Tử đạo khác ở Việt Nam. Và truyền lệnh lấy cốt hai Đấng.

 

Ngày 02.5.1909 Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Cha Phêrô Quí và ông Trùm Emmanuel Phụng lên bậc Á Thánh.

 

Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong cha Phêrô Quí và ông Emmanuel Phụng cùng 115 vị Tử đạo tại Việt Nam lên bậc Hiển Thánh.

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 07/09/2024  (06/09/2024 21:19:31 - Xem: 43)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 07/09/2024 , tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 07/09/2024  (06/09/2024 21:18:59 - Xem: 19)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 06/09/2024 (06/09/2024 12:18:34 - Xem: 18)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 05/09/2024 (05/09/2024 13:19:54 - Xem: 29)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Ba 03/09/2024 (03/09/2024 11:48:28 - Xem: 35)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Hai 02/09/2024 (02/09/2024 13:07:50 - Xem: 40)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 31/08/2024 (30/08/2024 21:35:03 - Xem: 71)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 31/08/2024, tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 31/08/2024 (30/08/2024 21:34:26 - Xem: 59)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 30/08/2024 (30/08/2024 17:11:36 - Xem: 45)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 29/08/2024 (29/08/2024 13:36:47 - Xem: 51)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Bài viết mới