KINH TỐI & THÁNH LỄ ONLINE

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 3)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,316
  • Ngày đăng: 20/04/2021 22:56:26

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Lời mở đầu

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiểu, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

 

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

                                                           Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

MƯỜI HAI TUỔI[1]

   chuẩn ấn

   Long Xuyên ngày 1-8-1973

 

   + Micae NGUYỄN KHẮC NGỮ

    Giám Mục Long Xuyên

 

Phần I

Phi lộ

 

Nói đến cái tuổi mười hai, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến các thiếu nhi, lứa tuổi chịu lễ bao đồng, xin đi chủng viện, cũng như chịu phép thêm sức, tâm hồn tràn ngập ơn Chúa, lòng trí ngây thơ, đầy thiện chí và dễ thương thay.

 

Nhưng giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi có khác điều này là đã vất vả khổ cực mười hai năm để kiến thiết và ngày nay đã tạm được coi là thành hình, với các cơ sở cần thiết như các trường trung tiểu học, các tiểu chủng viện, đại chủng viện, và nhà thờ chính toà; như các tổ chức giáo phủ, mục vụ và truyền giáo; như các tổ chức giáo dân, hội đồng giáo xứ và các hội đoàn công giáo tiến hành...

 

Nghĩa là một giáo phận đã tạm đủ các phương tiện để tiến tới một giáo hội địa phương trưởng thành và hoàn bị.

 

Mấy dòng sau đây cống hiến cho độc giả những nét chính trên con đường kiến thiết giáo phận, với mục đích cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria đã luôn luôn che chở, giữ gìn và hướng dẫn các người làm việc, cũng như để ghi ơn các vị ân nhân đã giúp lời cầu nguyện và giúp công giúp của trong việc kiến thiết giáo phận cho đến ngày nay.

Chúng tôi hết lòng cảm tạ Thiên Chúa và chân thành ghi ơn mọi người.

 

                                             + Micae NGUYỄN KHẮC NGỮ

                                             Giám Mục địa phận Long Xuyên

 

I. CẢNH VẬT

 

A- Địa dư

 

1/ Vị trí - Do sắc lệnh tông toà Christi Mandata đề ngày 24.11.1960, Toà Thánh thiết lập giáo phận Long Xuyên, gồm hai tỉnh An Giang và Kiên Giang lúc bấy giờ, nay là các tỉnh Châu Đốc, An Giang, Kiên Giang và một phần tỉnh Chương Thiện và An Xuyên.

 

Giáo phận Long Xuyên ở về phía tây nam Nam phần Việt Nam: đông giáp tỉnh Kiến Phong và Vĩnh Long, tây là vịnh Thái Lan, bắc giáp biên thuỳ Campuchia, nam giáp tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện và An Xuyên.

 

2/ Khí hậu - Quanh năm khí hậu trung bình là 27 độ (từ 20 đến 35 độ). Tháng mát nhất là chạp, giêng; tháng nóng nhất là tư, năm. Nhưng nhờ có nhiều sông ngòi và biển, khí hậu khá mát mẻ.

 

3/ Gió mùa - Xứ này ở trong chế độ gió mùa. Hằng năm từ tháng 5 đến tháng 10 gió tây nam đem mưa vào đất liền; mưa nhiều nhất là tháng 7, 8, 9. Còn từ tháng 10 đến tháng 4 gió đông bắc thường là khô ráo. Giữa mùa khô và mùa mưa, mực nước cách nhau từ 3 thước (LX) đến 7 thước (TC).

 

4/ Địa hình - Diện tích giáo phận Long Xuyên rộng chừng 10.158 cây số vuông, gồm đủ mọi hình thể: ruộng đồng bát ngát, rừng núi âm u, sình lầy nước đọng, núi đá đất từng dãy dài, hoặc cô lập giữa đồng bằng; sông ngòi, kênh lạch chi chít như mắc cửi; ngoài khơi lổm chổm những hòn đảo, lớn như Phú Quốc, rộng 665 cây số vuông, nhỏ như hòn Rái, hòn Tre..., rộng từ 2 đến hơn 10 cây số vuông... Có thể nói rằng: giáo phận Long Xuyên thu nạp tất cả các cảnh vật của đất nước Việt Nam: của miền Thượng du và Trung châu Bắc Việt, kể cả vịnh Hạ Long; của miền Cao nguyên và miền duyên hải Trung Việt và Nam Việt.

 

5/ Địa chất - Phần lớn đất đai do phù sa của sông Hậu giang phủ trùm lên. Nhưng trên lục địa cũng như trên các hòn đảo giữa vịnh Thái Lan, có những đồi núi chứa đựng đá cát (granit), đất sét (argile) có chất sắt màu đỏ rất mềm dẻo khi còn ở trong đất, nhưng đem phơi khô dần dần cứng rắn, người ta thường dùng làm nồi niêu ở vùng Sóc Sơn; có đá huyền vũ thạch (basalte) do hoả diệm sơn thời kỳ thứ ba chuyển động tạo thành. Miền U Minh, quận Kiên An và Hiếu Lễ, lại có than bùn (tourbe) nay chưa khai thác được; có dầu lửa ở đảo Panjang, có chất uranium ở vùng Thất Sơn...

 

6/ Thảo mộc - Ngoài lúa là sản phẩm chính, còn có các thứ cây ăn trái, như xoài, mít, ổi, chuối... các thứ gỗ nhiều nhất là cây tràm (melaleuca leucadendron), cây dầu (dipterocarpus), vên vên (annisoptera cochinchinensis), bằng lăng (lagerstoenia), kiền kiền (hopea), cây sát (mangrove)...

 

7/ Cầm thú - Gia súc có trâu, bò, heo, gà, vịt, ngỗng..., ngoài đồng có trăn, rùa, rắn, chồn...; trên núi có mãng, heo rừng, nai, thỏ, khỉ...; chim trời thì có cò, quạ, le le, gà nước...; dưới biển, sông ngòi, có tôm cá đủ thứ.

 

B- Danh lam thắng cảnh

 

Một nhà văn đã viết: "Châu Đốc, Long Xuyên, nơi dân giàu của lắm, nơi núi sông hùng vĩ,” du khách sẽ ngạc nhiên khi dừng chân trước bến phà Châu Phú, nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, rồi nghĩ câu: "Tiền tam giang, hậu thất lãnh" mà các danh nhân đời trước đã đặt cho. Ba chi nhánh của con sông Cửu Long cuồn cuộn chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên, cũng như dãy núi Thất Sơn cao ngất ngưởng đã tạo cho người dân ở đây chí khí anh hùng hào kiệt:

 

Trước ba sông, thêm rạng chí tang bồng,

Sau bảy núi, dâng cao lòng anh kiệt.

Đặc biệt nên chú trọng đến những núi non này:

 

1/ Vùng Châu Đốc

a) Núi Sam, từ tỉnh lỵ Châu Đốc đi về phía tây nam 5 cây số, hòn núi hình như con sam phủ phục, cao 237 thước, nơi "sơn kỳ thuỷ tú", có nhiều danh lam thắng cảnh thu hút du khách thập phương, như Tây An tự, lăng Đức Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ: hằng năm có hội từ ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch, thiện nam tín nữ và du khách thập phương trẩy hội như nước lũ!

 

b) Dãy Thất Sơn có núi Dài hay Ngoạ Long Sơn, có hai ngọn: ngọn Dop Chapia cao 580 thước, ngọn Ok Gium cao 510 thước, với nhiều hang điện như hang dơi, điện dứa, điện vồ cờ, điệm cơm khô, điện cây xoài, điện ô sen, điện năm căn, điện ve chai, điện ông Hổ, điện trời gầm, điện Thầy Huế...

 

c) Núi Cấm hay Thiên Cấm Sơn, cao 716 thước. Thật là nơi thiêng liêng huyền bí nhất, có nhiều hang điện như điện Ông Bướm, điện Bồ Hong, điện rau cần... Có nhiều danh mộc như giáng hương, cây sao, cây dầu, cây quýnh. Có rất nhiều cây làm vị thuốc nam.

 

d) Núi Cô Tô hay Phụng Hoàng Sơn, cao 614 thước, cũng có nhiều hang điện, như điện chùa hang, điện năm căn, hang cấp nhất... Có nai, nang, heo rừng...

 

2/ Vùng An Giang

Quận Huệ Đức, có phong cảnh rất ngoạn mục: giữa một đồng bằng bát ngát, mọc lên sừng sững những ngọn núi nguy nga, cỏ cây xanh tốt, như Ba Thê, núi Sập, núi Tượng, núi Chóc...

 

a) Núi Sập cao 110 thước, hiện giờ cùng với núi Sam Châu Đốc, là hai vựa đá cho miền Hậu Giang và nuôi sống bao nhiêu người "đập đá"!

 

b) Núi Ba Thê, có ba ngọn, cao 220 thước, có nhiều hang và chứa rất đẹp. Đứng trên núi đó, có thể quan sát tất cả vùng đất Châu Đốc, An Giang và Kiên Giang.

 

c) Núi Tượng cao 64 thước, trên đỉnh có một hòn đá lớn, đứng từ nhà thờ công giáo nhìn lên, chẳng khác nào một con voi lớn, quay đầu về phía Châu Đốc. Đời cố Tổng Thống Diệm đã muốn biến nơi này thành nơi du lịch, nên cho đào kinh chung quanh quả núi, biến nó thành một non bộ thiên nhiên.

 

d) Núi Chóc, chỉ cao chừng 21 thước, nhưng có điều kỳ lạ, là hình đá trên đỉnh núi, giống như hình Đức Mẹ ban ơn, quay mặt về phía Rạch Giá.

 

đ) Gò Óc Eo ở giữa Ba Thê và núi Chóc. Người ta cho là một cửa bể thời danh hay là thị trấn của nước Phù Nam xưa. Người ta mới khám phá được từ năm 1944 do nhà cổ học Pháp Malleret. Trong các vật tìm thấy, có huy chương mang niên hiệu 152 và tên vua Antonin le Pieux, hoàng đế Lamã, cai trị từ năm 138 đến 161. Ngày nay thành phố Óc Eo đã bị chôn vùi dưới lớp đất phù sa, chỉ còn nom thấy như một cái gò nhỏ. Các tang vật tìm thấy ở đây hiện được trưng bày ở bảo cổ viện Sàigòn, tất cả là 622 món.

 

3/ Vùng Kiên Giang, phong cảnh càng diễm lệ

 

a) Hà Tiên, nơi sơn thuỷ, lâm tuyền, có biển hồ, mà tục truyền là đêm trăng quần tiên thường xuống nhảy múa tung tăng. Có Hòn Dữ, là pháo đài thiên nhiên, canh phòng hải cảng. Có hòn Hải Đăng như chiếc phao nổi lềnh bềnh, thời bình thì mở cửa biển, khi có nguy thì đóng lại, chiến thuyền quân địch không vào được. Có Mũi Nai, nơi bãi tắm mát và có thể đứng nhìn thấy hòn Phú Quốc ngoài khơi xa xăm, cho đến tận nước Campuchia.

 

b) Cách biên thuỳ Campuchia-Việt Nam chừng 2 cây số, là Thạch Động, một cái nút bịt lỗ hoả diệm sơn ngày xưa, bên ngoài trông như chiếc mũ lông của người kỵ mã nước Anh, bên trong trống rỗng thành một cái hang to, có lỗ thông lên trời, có hang luồn xuống âm phủ. Tục truyền là ngày xưa Thạch Sanh bị giam tại đó.

 

c) Núi Châu Nham (Đá Dựng) cũng gồm chất phún trạch loại xanh, hình vuông đỉnh bằng, bên trong có nhiều hang, gió thổi mát mẻ, có giếng tiên, có đàn 5 dây, du khách vỗ ngực nghe tiếng vang như trống. Tục truyền rằng: khi Thạch Sanh bị giam trong hang này, chàng đã mượn đàn 5 dây để tiêu sầu, tiếng vang đến cung điện, làm công chúa nhớ lại ân nhân, và tìm phương cứu thoát.

 

d) Lăng miếu họ Mạc ở trên cái đồi cao, gọi là Bình Sơn, cây cỏ um tùm, mát mẻ, cũng không kém lăng tẩm ngoài Huế.

 

đ) Bỏ Hà Tiên, đi vào địa hạt quận Kiên Lương, gặp Bãi Ớt, một thắng cảnh, một bãi tắm không kém Bãi Dâu ở Vũng Tàu.

 

e) Rồi qua Ba Hòn đến Hòn Chông nơi có nhiều núi đá nhọn và có nhiều di tích lịch sử: có hang tiền vua Gia Long; có bãi hòn Trẹm, cát vàng và sạch; có chùa Hang, nơi hoàng tử Thái Lan tị nạn thế kỷ 18, sau đã cúng cho chùa ba pho tượng Phật theo mỹ thuật Thái Lan. Chùa hang có cửa ra biển, trước mặt là hai hòn Phụ, Tử, đứng trơ gan cùng phong ba tuế nguyệt.

 

g) Bỏ Hòn Chông vượt 70 cây số đường hẹp, qua lò xi măng, quận Kiên Lương, quận Kiên Sơn, tới Rạch Giá, một hải cảng bán buôn sầm uất, tấp nập thuyền bè xe cộ. Thành phố đang được mở rộng và biến thành thị xã. Buổi chiều, đứng trên sân vận động của thành phố nhìn ra biển, thật là ngoạn mục: lổm chổm những hòn đá đủ hình, con rái, con rùa; loáng thoáng những con thuyền đánh cá ra khơi.

 

h) Từ Rạch Giá ra Phú Quốc, theo đường chim bay cũng mất hơn 100 cây số, có thể đi bằng tàu thuỷ hay bằng máy bay. Phú Quốc thật là một hòn đảo đẹp, với những bến như Dương Đông, có Dinh Cậu, Cửa Cạn, có dinh Bà Chúa, Cây Dừa (An Thới), có miếu Cô Sáu, có giếng ngự (vua Gia Long), có mũi Ông Đôi, có bãi Kem, có lẽ là bãi tắm đẹp nhất ở Việt Nam. Trên đảo, có các thứ gỗ quý, có cây dừa, hồ tiêu. Dưới biển có đủ thứ cá, như cá mực, cá cơm… Cá cơm dùng làm nước mắm ngon nhất, gọi là nước mắm Phú Quốc.

 

Cho được đánh cá mực, phải có đèn măng xông thật sáng, để rử chúng, giữ chúng, rồi vớt chúng lên ghe. Cho nên mùa cá mực, nếu đứng ở nhà xứ Dương Đông nhìn ra biển ban đêm, thì có cảm tưởng như chiêm ngưỡng một cuộc rước đèn từ Cửa Cạn đến Cây Dừa, trên thuỷ lộ dài 30 cây số!

 

C- Nhân sinh

 

1/ Dân số - Toàn giáo phận Long Xuyên có chừng 1.558.000 người, gồm có Việt Nam, Việt gốc Khmer, Việt gốc Hoa, Malai và Chàm...

 

2/ Ngôn ngữ - trong khi giao tiếp hằng ngày với người Việt Nam, thì ai nấy cũng nói được tiếng Việt, ít là qua loa vậy; còn trong đời tư thì chỉ người Việt Nam nói hoàn toàn tiếng Việt, còn người Việt gốc Khmer nhiều khi chỉ nói tiếng Khmer với nhau, người Malai, Chàm và Việt gốc Hoa cũng vậy.

 

3/ Tôn giáo - Về tôn giáo, thì có thể nói được là dân chúng trong giáo phận Long Xuyên sùng đạo nhất. Vì ai có thể đếm được chùa chiền, am tự trong giáo phận, nhất là ở vùng Thất Sơn và Hà Tiên?

 

Lại hai tôn giáo lớn ở Việt Nam đều phát xuất trong giáo phận: Đức Huỳnh Phú Sổ vị sáng lập đạo Phật giáo Hoà Hảo đã được "đãi ngộ" năm 1939 trong khi thăm viếng các chùa chiền ở miền Thất Sơn. Ông Phủ Ngôi Minh Chiêu, một vị sáng lập đạo Cao Đài, đã được "đãi ngộ" trước Dinh Cậu ở Dương Đông (Phú Quốc), nơi đây hãy còn một đền thờ danh tiếng của đạo Ngài.

 

Còn các đạo khác, cũng rất thịnh hành, như Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông, Hồi Giáo, Tin Lành, Bahai, Hiếu Nghĩa...

 

Số tín đồ công giáo được chừng 100 ngàn người, nghĩa là được 6 phần trăm.

 

4/ Văn hoá - Từ mấy năm gần đây, chính quyền cũng như các tư nhân đoàn thể thi đua mở thêm trường học, lại từ 3 năm nay được thêm một đại học ở An Giang, đại học Hoà Hảo do nghị sĩ Lê Phước Sang, một tín đồ Hoà Hảo đã sáng lập.

 

Các tôn giáo cùng thi đua nhau về ngành văn hoá.

 

Riêng về phía Công giáo, có 66 trường sở tiểu học, 20 trường trung học, với tổng số học sinh là 19.237 người. Ngoài ra còn có một viện giáo lý với 55 giáo sinh, 2 tiểu chủng viện với 500 tiểu chủng sinh, và một đại chủng viện mới mở, với 105 đại chủng sinh. Ấy là không kể những lớp dạy lẻ tẻ, ở các địa điểm truyền giáo khác.

 

5/ Thương mại và giao thông - Cứ đứng ở bến đò Vàm Cống (Mỹ Thới), thì biết mỗi ngày hằng trăm ngàn xe đò chật ních những người, xe hàng đầy ặc đủ thứ tài nguyên, từ miền Châu Đốc, Long Xuyên; cũng như từ Hà Tiên, Rạch Giá cuồn cuộn kéo về Sàigòn; hoặc đứng ở con sông trước chợ Long Xuyên, hay trước cửa bể Rạch Giá hoặc Dương Đông thì luôn luôn có ghe đò vào ra tấp nập, không kể trên những con kinh chi chít luôn luôn có đò ghe qua lại, cũng như các chợ búa nhộn nhịp khắp nơi, thêm vào đó có hai đường hàng không từ Sàigòn-Long Xuyên, và Sàigòn-Rạch Giá-Phú Quốc, bấy nhiêu đủ cho chúng ta có một cái quan niệm thương mại và giao thông đến mức độ nào trong giáo phận Long Xuyên.

 

D- Danh nhân

 

Ở đây chúng tôi chỉ có thể nêu ra mấy vị lừng danh nhất trong giáo phận.

a) Trong Tỉnh AN GIANG và CHÂU ĐỐC, nên chú trọng đến Đức THOẠI NGỌC HẦU (+1829), một vị công thần khai quốc đời nhà Nguyễn, đã đánh đông dẹp bắc lừng danh, đã khai con sông từ Long Xuyên tới Rạch Giá (1818) dài 70 cây số, đã được cải tên là Thoại Hà, cũng như Núi Sập trên bờ sông cải tên là Thoại Sơn. Ngài cũng đã khai con kênh Vĩnh Tế (1819) dài 72 cây số, nối liền sông Cửu Long ở Châu Đốc với sông Hà Tiên, ăn sát ranh giới Campuchia-Việt Nam. Ngài có đền thờ ở Núi Sam, có bia ở Núi Sập.

 

Hai con kênh này chẳng những làm nhẹ sức nước sông Cửu Long, mà còn làm cho bao nhiêu đồng bào có nước ngọt để dùng, cho ruộng vườn được thêm màu mỡ, cho sự giao thông được tiện lợi hơn.

 

b) Trong tỉnh KIÊN GIANG, nơi chấm dứt cuộc Nam tiến của dân Việt, có nhiều danh nhân đáng ta ghi nhớ:

 

1/ÔNG MẠC CỬU và họ hàng, người gốc Trung hoa, không muốn phục vua Khang-Hi nhà Thanh, đã trốn sang miền này, giúp Chúa Nguyễn, Hiền Vương (1674) khai khẩn đất hoang và lập nên các quận Hà Tiên, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau. Ông đã biến Hà Tiên thành một hải cảng hưng thịnh, nơi đã buôn bán với người ngoại quốc và đã tiếp nhận các nhà truyền giáo đầu tiên tới miền này.

 

2/ VUA GIA LONG (+1820). Con ông Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích (+1780) rất trung thành với Nam triều, đã tận tuỵ với vua Gia Long trên bước đường lưu lạc. Cả miền Kiên Giang còn ghi vết tích nhà vua: Hòn Rái, Hòn Tre, Hòn Chông, với hang tiền, Phú Quốc với giếng ngự, mồ Cậu, U Minh là nơi vua lập chiến khu chống lại Tây Sơn.

 

3/ ÔNG NGUYỄN TRUNG TRỰC (+1868), một anh hùng ái quốc thời danh, đời Pháp thuộc. Nhiều phen ông đã làm cho quân đội Pháp điêu đứng. Ông đã rong duổi vùng Kiên Giang: Hà Tiên, Hòn Chông, Núi Trầu, Phú Quốc. Ông là người chí trung chí hiếu. Quân Pháp không làm sao bắt được ông, họ bắt mẹ ông làm con tin. Ông phải ra hàng để cứu mẹ và cứu quân. Sau cùng ông bị quân đội Pháp xử tử tại Rạch Giá, ngày 27-10-1868.

 

 


[1] Trích cuốn “Giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi”, do Toà giám mục Long Xuyên xuất bản ngày 30/7/1973, tại Long Xuyên và được chuẩn ấn bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục giáo phận Long Xuyên.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 07/09/2024  (06/09/2024 21:19:31 - Xem: 43)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 07/09/2024 , tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 07/09/2024  (06/09/2024 21:18:59 - Xem: 19)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 06/09/2024 (06/09/2024 12:18:34 - Xem: 18)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 05/09/2024 (05/09/2024 13:19:54 - Xem: 29)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Ba 03/09/2024 (03/09/2024 11:48:28 - Xem: 36)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Hai 02/09/2024 (02/09/2024 13:07:50 - Xem: 41)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 31/08/2024 (30/08/2024 21:35:03 - Xem: 71)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 31/08/2024, tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 31/08/2024 (30/08/2024 21:34:26 - Xem: 59)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 30/08/2024 (30/08/2024 17:11:36 - Xem: 45)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 29/08/2024 (29/08/2024 13:36:47 - Xem: 51)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Bài viết mới