KINH TỐI & THÁNH LỄ ONLINE

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 4)

  • In trang này
  • Lượt xem: 13,311
  • Ngày đăng: 20/04/2021 22:56:53

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Lời mở đầu

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiểu, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

 

                                                           Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

BÀI 4

 

II. LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO[1]

 

Đạo Công giáo du nhập Việt Nam

 

1/ Ninh Cường - Sử liệu Việt Nam nói đến công giáo lần đầu ở đời vua Lê Trang Tôn (1532-1533): "Năm nguyên hoà nguyên niên, đời vua Lê Trang Tôn, nhà Lê, có một người tây phương tên là I-nê-khu đi đường bể lén vào giảng đạo Giatô ở làng Ninh Cường, Quần Anh, thuộc huyện Giao Thuỷ" (Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Nguyễn Hồng, tr.14).

 

2/ Hà Tiên - "Năm 1550, cha Gaspar de santa Crux (OP.) theo tàu buôn người Bồ vào cảng Cần Cáo (Hà Tiên bây giờ), lúc đó thuộc Cao Miên (Campuchia). Nhưng công việc ban đầu này không được kết quả mấy. Năm 1555, cha qua Trung Hoa... rồi về Bồ (Id. tr.39).

 

"Năm 1588 hai cha Joan Maldonat và Pedro de la Bastida cũng qua cửa Cần Cáo, Hà Tiên, vào truyền giáo cho người Cao Miên". Nhưng bị đuổi ra và bị đâm chết (Id. tr.40). Sự đó không lạ gì, vì ở Cao Miên cũng như ở Thái Lan và Diến Điện, Phật giáo được độc tôn là quốc giáo duy nhất, các tôn giáo khác khó sống nổi.

 

3/ Cửa Hàn - "Ngày 18.1.1615, giáo sĩ Fr. Buzomi người Ý, giáo sĩ Diego Carvalho, người Bồ, cùng với thầy Antôn Diza người Bồ và hai thầy Giuse và Phaolô, người Nhật, từ Macao đến Cửa Hàn" (tức Hội An ngày nay) (Việt Nam công giáo niên giám 1964, tr.149). Cha Buzomi mừng thầm vì thấy tính tình thuần hậu của người dân Việt Nam theo đạo rất đông. Năm 1640, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) vào Đàng Trong thay thế cha Buzomi mới từ trần, việc mở đạo lại càng có quy củ và lan mau.

 

4/ Giám mục tiên khởi ở Việt Nam - Ngày 29.7.1658, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII cử hai Giám mục đầu tiên phụ trách việc giảng đạo ở Viễn Đông: Đức Cha Lambert de la Motte nhận giáo phận Đàng Trong (kiêm cả Chiêm Thành, Cao Miên và Thái Lan); Đức Cha Pallu nhận giáo phận Đàng Ngoài, gồm cả mạn nam nước Trung Hoa (Id. tr.152).

 

Từ thế kỷ thứ 17 trở đi, đạo Công giáo ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài trải bao nhiêu cuộc bách hại (Id. tr.153).

Khoảng năm 1760-1767 chủng viện của các cha thừa sai tại Thái Lan bị tàn phá đã phải rời sang Hòn Đất, thuộc tỉnh Hà Tiên, cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) làm bề trên. Sau đó bọn cướp từ Miên xâm nhập, giết mọi người chúng thấy ở đó và biến thành tổng hành dinh của chúng. Nhưng ông tỉnh trưởng Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ, muốn tiêu diệt chúng, thì ra lệnh đốt cả nhà chúng ở. Ngày 11-12-1769, cha con lại xách gói đi lập cơ sở tại Pondichéry, bên Ấn Độ (Việt Nam giáo sử, Phan Phát Huồn, I, tr.167-169).

 

5/ Cù lao Giêng - Sách truyện Á thánh Phụng (tr.49-51) có cho biết rằng: lối năm 1780 có ba chị em có đạo, ở tại Bắc Kỳ (Tonkin) đi ghe biển trốn cuộc bách đạo, vào ở miền Sàigòn. Nhưng ở đó chẳng được yên, lại lần tới Cù lao Giêng. Dần dần thêm số người có đạo tới ở. Năm 1823 đã có tới 25 nóc gia có đạo công giáo. Và năm 1844 đã được Đức Cha Ngải (Lefèbre) đặt tên là họ Đầu Nước, có Lê Văn Phụng làm câu phủ và có linh mục thường xuyên.

 

6/ Thêm giáo phận mới - Đức Cha Ngải (Lefèbre) tới Việt Nam năm 1836. Năm 1844 Toà Thánh đặt làm Giám mục giáo phận Tây Đàng Trong (gồm Đồng Nai, lục tỉnh, Cao Miên, Vạn Tượng (Vientiane)).

 

Năm 1850, Toà Thánh tách khỏi giáo phận Tây Đàng Trong, Cao Miên, Cần Thơ, Long Xuyên và Vạn Tượng làm giáo phận mới, trao cho Đức Cha Jean Claude Miche (Mịch) cai quản. Lúc đó tại giáo phận Tây Đàng Trong, Đức Cha Ngải thừa cơ bớt bắt đạo, thành lập chủng viện ở họ Đầu Nước (Cù lao Giêng), Cái Nhum và Sàigòn (1860), mời các bà phước St Paul de Chartres (1860), Dòng Kín Lisieux (1861). Năm 1895, chủng viện Sàigòn được tách làm hai khu: tiểu chủng viện ở Sàigòn, Đại chủng viện ở An Đức, gần Mỹ Tho. Năm 1924, Toà Thánh đổi tên giáo phận Tây Đàng Trong ra giáo phận Sàigòn.

 

Năm 1938 Toà Thánh tách khỏi giáo phận Sàigòn ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh lập thành giáo phận Vĩnh Long, trao cho Đức Cha Ngô Đình Thục cai quản. Năm 1954 là cuộc di cư vĩ đại gần triệu người miền Bắc vào Nam. Năm 1955 Toà Thánh trao giáo phận Sàigòn cho giáo sĩ bản quốc, đặt Đức Cha Nguyễn Văn Hiền cai quản, đồng thời, ngày 20.9.1955 tách khỏi Cao Miên phần đất Việt Nam lập thành giáo phận Cần Thơ, trao cho Đức Cha Nguyễn Văn Bình cai quản.

 

7/ Thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam - Do Tông hiến đề ngày 24.11.1960, Toà Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, đồng thời lập ba giáo phận mới: Đà Lạt, Mỹ Tho, bởi Sàigòn, và Long Xuyên, bởi Cần Thơ (Việt Nam niên giám 1964 tr.53-58). Năm 1963 Toà Thánh tách khỏi Quy Nhơn giáo phận Đà Nẵng. Năm 1965 Toà Thánh lại thiết lập hai giáo phận mới tách khỏi Sàigòn, là Phú Cường và Xuân Lộc. Năm 1967 giáo phận Kontum sinh ra giáo phận Ban Mê Thuật.

Hiện giờ Việt Nam có ba giáo tỉnh và 24 giáo phận.

 

- Giáo tỉnh Hà Nội gồm các giáo phận:

* Hà Nội, 1659, Đức Cha Jos Maria Trịnh Như Khuê và Đức Cha Jos Maria Trịnh Văn Căn.

* Hải Phòng, 1679, Đức Cha Pet Khuất Văn Tạo.

* Vinh, 1846, Đức Cha JB. Trần Hữu Đức.

* Bùi Chu, 1848, Đức Cha Jos Phạm Năng Tĩnh.

* Bắc Ninh, 1883, Đức Cha Paul Phạm Đình Tụng.

* Hưng Hoá, 1895, Đức Cha Pet Nguyễn Huy Quang.

* Phát Diệm, 1901, Đức Cha Paul Bùi Chu Tạo và Đức Cha Jos Lê Quí Thánh.

* Lạng Sơn, 1913, Đức Cha Vinc. Phạm Văn Dụ.

* Thanh Hoá, 1932, Đức Cha Pet Phạm Tần.

* Thái Bình, 1936, Đức Cha Đinh Đức Trụ.

 

- Giáo tỉnh Huế gồm các giáo phận:

* Qui Nhơn, 1659, Đức Cha Dom Hoàng Văn Đoàn.

* Huế, 1850, Đức Cha Philiphê Nguyễn Kim Điền.

* Kontum, 1932, Đức Cha Paul Seitz, Kim.

* Nha Trang, 1957, Đức Cha Fx. Nguyễn Văn Thuận.

* Đà Nẵng, 1963, Đức Cha Pet Phạm Ngọc Chi.

* Ban Mê Thuật, 1967, Đức Cha Pet Nguyễn Huy Mai.

 

- Giáo phận Sàigòn gồm các giáo phận:

* Sàigòn, 1844, Đức Cha Paul Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Fx. Trần Thanh Khâm.

* Vĩnh Long, 1938, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu.

* Cần Thơ, 1955, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang.

* Đà Lạt, 1960, Đức Cha Simon Nguyễn Văn Hiền.

* Mỹ Tho, 1960, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện.

* Long Xuyên, 1960, Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ.

* Phú Cường, 1965, Đức Cha Jos Phạm Văn Thiên.

* Xuân Lộc, 1965, Đức Cha Jos Lê Văn Ấn.

 

Giáo phận Long Xuyên được thành lập

 

Như trên đã nói, do Tông hiến đề ngày 24-11-1960, Toà Thánh đã thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, nâng các giáo phận đại diện Tông Toà lên hàng giáo phận chính toà và thành lập thêm ba giáo phận mới là Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên.

Về giáo phận Long Xuyên, chúng ta nên đọc lại sắc lệnh thành lập giáo phận, sắc lệnh cắt cử Đức Giám Mục tiên khởi và tiểu sử của Đức Tân giám mục.

 

a) Sắc lệnh thành lập giáo phận Long Xuyên do chính Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành ngày 24-11-1960, cho ta biết về địa dư, giáo phận Long Xuyên gồm hai tỉnh hành chánh lúc bấy giờ là An Giang và Kiên Giang, kiêm cả đảo Phú Quốc. Về sau, Chính phủ đã đặt lại tỉnh Châu Đốc và sửa lại ranh giới phía tây của tỉnh Kiên Giang, lấy một phần cho vào tỉnh mới Chương Thiện (Kiên Hưng, Kiên Long và Đức Long), một phần vào tỉnh An Xuyên (Tân Bằng). Nhưng về tôn giáo, cứ phải giữ ranh giới cũ, cho nên không thiếu phức tạp.

 

b) Sắc lệnh cắt cử Đức Giám Mục tiên khởi cho giáo phận Long Xuyên cũng do Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành ngày 24-11-1960. Và Đức Tân giám mục đã thụ phong tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn, ngày 22-1-1961 cùng với ba Đức Tân giám mục Cần Thơ, Vĩnh Long và Mỹ Tho, do Đức Cha Ngô Đình Thục chủ phong và hai Đức Cha phụ phong là Jean Cassaigne (Sanh) và Lê Hữu Từ.

Đức Tân giám mục Long Xuyên đã về nhận giáo phận ngày 4-4-1961, trong sự đón rước tưng bừng náo nhiệt của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, có Đức Khâm Mạng Toà Thánh và nhiều Đức Giám Mục tháp tùng. Buổi đầu mọi sự thiếu thốn nhưng nhờ lòng tốt của mọi người mà chu đáo.

 

c) Tiểu sử Đức Tân giám mục Long Xuyên:

Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,

Sinh ngày 2-2-1909 tại Vạn Đồn, huyện Thuỵ Anh, tỉnh Thái Bình Bắc Việt.

Năm 13 tuổi (1922) Ngài vào tiểu chủng viện Lạng Sơn.

Năm 1928 Ngài được gởi du học tại Đại chủng viện Loçon (Vendée) bên Pháp và thụ phong linh mục ngày 29-6-1934.

Chịu chức linh mục xong, Cha về nước và được cử làm giáo sư tiểu chủng viện Mỹ Sơn năm 1934.

Bốn năm sau, Cha được Đức Antonin Drapier mời vào làm Thơ ký toà Khâm sứ Toà Thánh tại Huế và đồng thời làm giám đốc báo Sacerdos Indosiensis thay Đức Cha Ngô Đình THục vừa được Toà Thánh cử làm Giám mục Vĩnh Long.

Làm thơ ký toà Khâm sứ gần được 2 năm (1938-1939) thì chiến tranh Âu châu, Cha trở về Lạng Sơn (1940) đi coi xứ Lục Bình (1943) và xứ Mỹ Sơn (1949).

Năm 1951, Cha đổi về làm Cha xứ thị xã Lạng Sơn, đồng thời được cử làm Cha chính địa phận (1951) rồi Cha chính thay mặt Đức Giám Mục (Provicaire 1952).

Trong cuộc di cư năm 1954, Cha được cử vào Nam cùng với giáo sĩ và giáo dân Lạng Sơn.

Tại Sàigòn, Cha được Đức Cha Phạm Ngọc Chi mời làm phụ tá coi di cư, đồng thời làm quản hạt Gò Vấp di cư.

Sau Cha còn được Ngài mời làm Đặc uỷ phó Công giáo tiến hành toàn quốc (1957) và giữ chức xử lý thường vụ cơ quan này cho đến năm 1958 khi Đức Cha Phạm Ngọc Chi được bổ nhiệm cai quản địa phận Qui Nhơn.

Tháng 8, năm 1960, Cha được cử làm phó giám đốc Đại chủng viện Lê Bảo Tịnh, kiêm giáo sư giáo-phụ và công giáo tiến hành.

Ngày 8-12-1960, Cha được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục địa phận mới Long Xuyên.

Lên chức Giám mục, Đức Cha chọn khẩu hiệu "Christus in Vobis" (Chúa trong anh em). Lễ tấn phong cử hành ngày 22-1-1961 tại Sàigòn. Ngày 4-4-1961 Ngài chính thức nhận địa phận mới và cai quản cho tới ngày nay (15-8-1973).

 

(Trích Việt Nam công giáo niên giám 1964)

 


[1] Bài 4: Trích cuốn “Giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi”, do Toà giám mục Long Xuyên xuất bản ngày 30/7/1973, tại Long Xuyên và được chuẩn ấn bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục giáo phận Long Xuyên.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 07/09/2024  (06/09/2024 21:19:31 - Xem: 43)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 07/09/2024 , tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 07/09/2024  (06/09/2024 21:18:59 - Xem: 18)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 06/09/2024 (06/09/2024 12:18:34 - Xem: 18)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 05/09/2024 (05/09/2024 13:19:54 - Xem: 29)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Ba 03/09/2024 (03/09/2024 11:48:28 - Xem: 35)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Hai 02/09/2024 (02/09/2024 13:07:50 - Xem: 40)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 31/08/2024 (30/08/2024 21:35:03 - Xem: 71)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 31/08/2024, tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 31/08/2024 (30/08/2024 21:34:26 - Xem: 59)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 30/08/2024 (30/08/2024 17:11:36 - Xem: 44)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 29/08/2024 (29/08/2024 13:36:47 - Xem: 51)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Bài viết mới