KINH TỐI & THÁNH LỄ ONLINE

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 6)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,621
  • Ngày đăng: 20/04/2021 22:58:04

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Lời mở đầu

 

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiểu, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

 

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

 

                                                           Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

BÀI 6

 

III. GIÁO PHẬN LONG XUYÊN TRÊN ĐƯỜNG KIẾN THIẾT[1] (tt)

 

4/ Các kỳ tĩnh tâm

Tĩnh tâm hằng tháng cũng là dịp rất tốt và là điều kiện cần thiết để chủng sinh ở chủng viện cũng như đi giúp xứ có thời giờ suy nghĩ, kiểm điểm đời sống trước mắt Chúa và bàn hỏi anh em, để tiến bước mạnh hơn và chắc chắn hơn trên con đường thánh hoá bản thân và thánh hoá tha nhân.

 

Từ năm 1969, giáo phận Long Xuyên đã tổ chức cấm phòng tháng cho các thầy giúp xứ: cứ chiều thứ bảy đầu tháng các thầy tập họp tại Toà Giám mục Long Xuyên. Sau cơm tối, làm giờ thánh, có linh mục hướng dẫn, rồi xét mình, xưng tội và giữ thinh lặng.

 

Sáng hôm sau, có thánh lễ riêng, do Đức Cha cử hành và giảng thuyết.

 

Sau lót lòng, là một giờ huấn đức do Đức Cha thuyết trình; sau lại có một giờ hội thảo, thường do một chuyên viên về một vấn đề liên hệ đến đời sống chủng sinh và mục vụ. Sau hội thảo là giải đáp thắc mắc. Các đề tài giờ thánh, giảng thuyết, huấn đức và hội thảo đều hướng về đời sống chủng sinh dưới nhiều khía cạnh: đạo đức, học thức, tông đồ và mục vụ.

 

Cấm phòng tháng chẳng những giúp chủng sinh thanh tẩy lương tâm, mà còn thêm ý thức và kinh nghiệm cho đời sống linh mục tương lai của mình.

 

5/ Cấm phòng tháng cho linh mục

Đối với linh mục, việc tĩnh tâm tháng cũng rất cần để chỉnh đốn lương tâm, tu chỉnh nếp sống, giải quyết những thắc mắc gặp thấy trong tháng. Giáo phận chia làm ba nơi tĩnh tâm, để các linh mục có thể tới dễ dàng và Đức Cha tới dự, là Long Xuyên, Kiên Tân và Rạch Giá; cứ thứ hai Long Xuyên, thứ ba Rạch Giá và thứ tư Kiên Tân. Mỗi tháng có một bài gợi ý để suy niệm, rồi xét mình xưng tội, và sau bữa cơm trưa, hội thảo, trong đó Đức Cha trình bày những vấn đề thời sự trong giáo phận, hoặc những tài liệu của Toà Thánh, của HĐGM, và giải quyết thắc mắc. Cũng trong dịp này, Đức Cha có thể trực tiếp giải quyết vấn đề cá nhân của từng cha.

 

Mỗi dịp cấm phòng tháng là dịp thuận tiện vô cùng, để linh mục thanh lọc tâm hồn và giải toả mọi thắc mắc, để lại tiếp tục cuộc đời mục vụ một cách hăng say hơn, chu đáo hơn.

 

6/ Cấm phòng năm linh mục

Theo tinh thần Vatican II (PO 19), hằng năm giáo phận tổ chức cuộc cấm phòng năm cho linh mục, là dịp cho mỗi linh mục kiểm điểm lại đời mình, chỉnh đốn lại nếp sống của mình, cũng như có những quyết định mới cho tương lai đời sống của mình, hầu xứng đáng một tín hữu, một Alter Christus, một chủ chăn.

 

Thường trong tuần cấm phòng, các linh mục phụ trách các trách vụ trong giáo phận cũng trình bày sinh hoạt của vùng cho anh em biết, để thêm ý kiến và sửa đổi lẫn nhau.

 

7/ Các cuộc hội thảo linh mục

Cũng theo tinh thần Vatican II (CD 16, PO 19) trên nguyên tắc, mỗi năm giáo phận tổ chức hai cuộc hội thảo cho linh mục: một cho các cha nói chung và một cho các cha trẻ, để giúp các ngài luôn luôn được cập nhật hoá kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho chức vụ của mình ở một thế giới luôn luôn thay đổi. Ban đầu, chính Đức Cha hoặc Cha Chính phải khởi xướng, tổ chức và chỉ định thuyết trình viên, cho các cuộc hội thảo, như những cuộc hội thảo về Công giáo tiến hành: 13-16 và 27-30 tháng 5, 10-13 tháng 6 năm 1963; hoặc hội thảo về tông đồ giáo dân: 17-22 tháng 10; mồng 7-12 và 14-19 tháng 11 năm 1966.

 

Nhưng từ khi thành lập uỷ ban nghiêm huấn ngày 22-10-1966, thì ban này có nhiệm vụ tổ chức, điều hành và tìm thuyết trình viên cho các cuộc hội thảo linh mục. Uỷ ban đó đã tổ chức những khoá hội thảo như sau:

 

+ Năm 1967, từ 13 đến 16 tháng 2, đã hội thảo về hiến chế Truyền giáo, với những bài thuyết trình:

 

- Dân Thiên Chúa.

- Thái độ của Giáo hội đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

- Tự do tôn giáo.

- Sứ mệnh và tư cách của nhà truyền giáo.

- Phương pháp truyền giáo chung.

- Truyền giáo bằng Phụng vụ và Thánh nhạc.

 

+ Năm 1967, từ 27 đến 29 tháng 6 đã nghiên cứu về Hiến chế Giáo hội (Lumen gentium) với những bài thuyết trình như sau:

 

- Giáo Hội bí tích hợp nhất với Thiên Chúa và với nhân loại.

- Giáo Hội nhiệm thể Chúa Kitô ở thế gian.

- Tính chất phẩm trật của Giáo Hội.

- Giáo Hội tham dự chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô.

- Địa vị tu sĩ trong Giáo Hội.

- Đức Maria Mẹ Giáo Hội.

- Huấn thị Musica in sacra Liturgia.

- Huấn thị về tôn thờ phép Mình Thánh.

 

+ Năm 1968, từ 9 đến 10 tháng 9 hội thảo về nhiều vấn đề thời sự, bậc độc thân linh mục, Thông điệp Humanae vitae.

 

+ Năm 1969, từ 1 đến 6 tháng 6 hội thảo đặc biệt để các Cha có một cái nhìn tổng quát về các bộ môn thánh, theo tinh thần Vatican II:

- Thánh Kinh: Những phán quyết của Giáo Hội về Thánh Kinh, mấy vấn đề thuộc Thánh Kinh đã được Giáo Hội nhắc tới từ Vatican II, Vatican II với Thánh Kinh trong Hiến chế Dei Verbum.

- Về thần học: Vai trò Giáo Hội trong thế giới, Giáo Hội và các vấn đề chính trị, Giáo Hội trước vấn đề hoà bình.

- Về triết học: Tìm hiểu chỉ thị của Vatican II về triết học trong chương trình huấn luyện linh mục, nhìn qua triết học hiện đại.

- Về luân lý thần học: Vấn đề canh tân luân lý thần học theo Vatican II, hình thức và nội dung luân lý canh tân.

- Về giáo luật: Giáo luật cải tiến theo Vatican II.

- Về mục vụ: Chiều hướng mục vụ của Vatican II, Vatican II là Công đồng mục vụ.

- Về truyền giáo: Công đồng Vatican II với truyền giáo.

- Về phụng vụ: Kinh nguyện cải tổ.

 

+ Năm 1970, từ 20 đến 25 tháng 5, khoá hội thảo dành cho các linh mục trẻ, với những bài thuyết trình như sau:

 

- Chức linh mục.

- Liên hệ với giáo phẩm.

- Giáo dân mong gì.

- Kinh nghiệm linh mục.

- Liên hệ với các Cha lớn tuổi.

- Liên hệ với giáo dân.

- Liên hệ với lương dân.

 

+ Năm 1970, từ 25 đến 27  tháng 5, một khoá hội thảo cho các linh mục về các tôn giáo bạn:

- Phật giáo bắc tông.

- Phật giáo nam tông.

- Khổng giáo.

- Phật giáo Hoà Hảo.

- Cao Đài giáo.

- Tin Lành giáo.

- Hồi giáo.

- Bahai giáo.

 

+ Năm 1971, từ 23 đến 26 tháng 5 cuộc hội thảo về sư phạm giáo lý, do cha Nguyễn Trọng Tri, một sư huynh Lasan và một bà phước dòng Chúa Quan Phòng thuyết trình. Thêm vào đó những bài suy gẫm ban sáng.

 

- Thân phận linh mục trẻ hôm nay.

- Sứ mệnh riêng biệt của linh mục.

- Linh mục trước hoạt động trần thế.

 

Trong kỳ hội thảo (25-27/10/71) cũng bàn luận và thông qua bản quy chế Hội đồng giáo xứ, bản Chỉ nam linh mục và tờ giao kèo giữa giáo phận và các hội dòng hoạt động trong giáo phận.

 

+ Năm 1972, từ 26 đến 27 tháng 6 có khoá hội thảo các linh mục trẻ, với ba đề tài của Cha Thân Văn Tường:

 

- Tự do của con cái Thiên Chúa.

- Tự do và lề luật.

- Tự do trước sự chết.

 

Trong năm nay các linh mục trong HĐLM cũng lo huấn luyện các nhân viên trong ban thường vụ hội đồng giáo xứ cách tổng quát về mục đích, trách nhiệm và hoạt động của hội đồng, dần dần sẽ đi xa hơn về kỹ thuật và hoạt động của giáo dân trong giáo xứ.

 

+ Năm 1973, ngày 17-5-73 ban nghiêm huấn đã bầu lại ban điều hành, và đã đệ trình một chương trình hội thảo dài hạn.

 

8/ Tư thục công giáo

Tư thục công giáo "là phương tiện cần thiết nhất cho được gieo rắc, vun trồng và phát triển đức tin, chúng ta phải lo thiết lập, bảo vệ và phát triển tư thục công giáo" (TC 4/61 ngày 7-6-61). Lại TC số 11-69 đề ngày 15-11-69 đã quy định rõ những vấn đề liên hệ tới tư thục công giáo trong giáo phận Long Xuyên. Để tiếp tục giáo huấn đức tin và sự giữ đạo nơi người công giáo, trường công giáo được coi là khí giới sắc bén nhất để theo dõi trẻ em từ nhỏ đến lớn, qua các trường sơ, tiểu học, trung học và đại học.

 

a) Tiểu học: trong giáo phận Long Xuyên, họ đạo nào cũng có trường sơ học hay tiểu học, không trừ một họ nào, theo nguyên tắc đã ra từ đầu là mỗi họ đạo phải có một trường tiểu học, hiện nay có 66 trường.

 

b) Về trung học: cũng theo nguyên tắc đã ra là mỗi quận lỵ nơi đông đúc, phải có một trường trung học, nhưng cho đến nay, mới có 22 trường.

 

b) Viện giáo lý: để gây dựng những kẻ dạy giáo lý trong các họ đạo, cũng như mai sau thành những ông bà quản, ông trùm trong họ đạo, giáo phận có mở một viện giáo lý từ niên khoá 1971-1972 tại Kiên Tân. Số giáo sinh mới được 55 người.

 

9/ Các hội đoàn

Để đoàn ngũ hoá giáo dân theo lứa tuổi và xu hướng, để huấn luyện họ thành những công dân chân chính và tín hữu tốt lành, như các hội đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, hội Con Đức Mẹ, Hướng đạo Công giáo, Liên minh Thánh Tâm và Gia đình phạt tạ, đạo binh Đức Mẹ, Cursillos...

 

Đoàn thể nào cũng có cha tuyên uy và các huynh trưởng để huấn luyện, hướng dẫn và theo dõi, đôn đốc các hoạt động đạo đức, xã hội, từ thiện. Các tuyên uý và các huynh trưởng cũng có những khoá huấn luyện trên bình diện giáo phận hoặc toàn quốc.

 

Trong giáo phận có những cơ sở rộng lớn thuận tiện cho các khoá huấn luyện, hội thảo tĩnh tâm như vậy: Châu Đốc, Năng Gù, Long Xuyên, Cù lao Giêng, Mỹ Thới, Thạnh An, Ngọc Thạch, Kiên Tân, Rạch Giá và một vài kênh Cái Sắn. Mai sau mong rằng Cần Xây sẽ là một trung tâm cho toàn giáo phận.

 

10/ Chiến dịch đạo đức

Để huy động toàn giáo dân trong giáo phận hướng về một hoạt động chung có tính cách tăng cường đạo đức, học tập, hoặc nêu gương Kitô giáo, nhiều khi giáo phận tự động hoặc hưởng ứng chương trình toàn quốc, đã tổ chức những chiến dịch như sau:

 

+ Năm 1961-1964, hưởng ứng chiến dịch đền tạ Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ của toàn quốc (xem TC 21-11-61), giáo phận Long Xuyên (xem TC 1/62) đặt cho mỗi năm một công tác riêng.

 

+ Năm 1962 - Rước tượng Đức Mẹ Fatima tuần du các họ đạo trong giáo phận, mỗi xứ họ được phép đón tiếp và giữ lại một tuần lễ để làm việc đền tạ Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ. Bắt đầu từ họ Long Xuyên, ngày 7-1-62, và dừng lại ở họ Hoà Hưng, ngày 20-1-63.

 

+ Năm 1963, rước xương các thánh tử đạo Việt Nam: Quý, Phụng, Liêm, Khang, trong toàn giáo phận, mỗi xứ được giữ lại 1 tuần và được làm lễ votiva kính Các thánh Tử đạo Việt Nam (theo thư của Thánh Bộ truyền giáo số 1419/62 đề ngày 16-3-62 và TC giáo phận số 13/62). Cuộc thánh du khởi hành từ Châu Đốc (nơi hai thánh Quý và Phụng chịu tử đạo ngày 31-7-1859) ngày 1-1-1963 và chấm dứt tại Phú Quốc ngày 31-12-63. Mục đích cuộc thánh du xương Thánh Tử đạo là để thúc giục giáo dân bắt chước gương trung thành sắt đá với đức tin: "Thà máu chảy da rời, thà tan xương nát thịt, chẳng thà để cho đức tin phai mờ nơi chúng ta" (TC 13/62).

 

+ Năm 1964 dành tôn sùng phép Thánh Thể: hãm mình, sạch tội, năng dự lễ và rước lễ, mỗi tháng có thể kiệu Thánh Thể một lần và làm giờ thánh cả ngày chầu lượt.

 

+ Năm 1965, thi hành ba mệnh lệnh Fatima là giải pháp hữu hiệu nhất để cứu vãn tình thế trong giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng của đất nước. Theo ý nguyện của Đức Thánh Cha đã tuyên dương Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội (21-11-64) và đã ban bố Thông điệp "Tháng Năm" cho Giáo Hội (30-4-65; TC về chiến dịch giáo phận 1965-1966).

 

+ Năm 1966, năm toàn xá: các hạt cử đại diện tới nhà thờ Chính toà Long Xuyên dự lễ để lĩnh ân xá và cầu cho nhà thờ chính toà chóng được hoàn thành. Đức Cha cũng chỉ định thêm mấy nhà thờ và tới cử hành thánh lễ cho tín hữu lĩnh ân xá: Châu Đốc, Mỹ Luông, Kiên Tân, Ngọc Thạch, Rạch Giá, Phú Quốc và cuối cùng bế mạc ở Hoà Hưng (TC 17-1-66).

 

+ Năm 1967, từ 5/67 đến 5/68 là kim khánh Đức Mẹ Fatima, hợp ý với Đức Thánh Cha Phaolô VI, nài xin Đức Mẹ cầu bầu cho nhà thờ chính toà được hoàn thành, để đánh dấu sự cậy trông Đức Mẹ và kỷ niệm nền hoà bình, mà Người đem lại cho chúng ta (TC 7/67).

 

+ Năm 1968, từ 29-6-67 đến 29-6-68 là năm tuyên xưng đức tin, có mục đích chấn chỉnh đức tin: khai mạc và bế mạc long trọng tại Long Xuyên với sự hiện diện của đông đủ giáo sĩ, giáo dân. Ngày lễ các thánh tử đạo Việt Nam cũng tổ chức tuyên xưng đức tin long trọng ở nhiều địa điểm: Châu Đốc, Cù lao Giêng, Rạch Giá, Kiên Tân; phát động phong trào học hỏi và thi giáo lý theo cuốn "Giáo lý công giáo"; những ngày chầu lượt tổ chức long trọng hơn thường, có thể rước Mình Thánh Chúa.

 

+ Năm 1969, bế mạc năm cầu xin Đức Mẹ cho hoà bình: các họ đạo và các gia đình năng lần chuỗi và dâng mình cho Trái Tim vô nhiễm Đức Mẹ, có thể rước kiệu Đức Mẹ các ngày thứ bảy.

 

+ Năm 1970, theo chiến dịch toàn quốc cầu cho hoà bình đất nước.

 

+ Năm 1971, cầu cho thượng hội đồng Giám mục họp tại Roma, nghiên cứu về hai đề tài quan trọng là chức linh mục thừa tác và công bình xã hội.

 

+ Năm 1972, hưởng ứng hội nghị Thánh Thể vạn quốc tại Melbourne. Đặc biệt Thiếu nhi Thánh Thể có một chương trình hành động rộng lớn trên bình diện giáo phận và toàn quốc.

 

+ Năm 1973, là năm toàn xá thường lệ: được khai mạc long trọng tại nhà thờ chính toà Long Xuyên, cũng được khánh thành dịp đó, ngày lễ Đức Mẹ lên trời, 15-8-73 và bế mạc ngày lễ ĐCTT hiện xuống 2-6-74: trong dịp này các họ đạo gởi đại diện về nhà thờ chính toà dự lễ và lãnh ân xá. Đồng thời Đức Cha cũng chỉ định thêm một số nhà thờ cho giáo dân tiện tới lui: Châu Đốc, Cù lao Giêng, Thạnh An, Kiên Tân, Rạch Giá, Hoà Hưng, An Thới (Phú Quốc).

 

Những dịp lễ lớn như vậy để cho giáo dân có dịp gặp nhau, tập họp nhau, và nhận thấy sức sống của tôn giáo mình, để thêm lòng can đảm giữ đạo và mạnh dạn truyền giáo chung quanh mình, cũng như ý thức được tính cách công cộng của đạo Công giáo.

 

 


[1] Bài 6: Trích cuốn “Giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi”, do Toà giám mục Long Xuyên xuất bản ngày 30/7/1973, tại Long Xuyên và được chuẩn ấn bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục giáo phận Long Xuyên.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 07/09/2024  (06/09/2024 21:19:31 - Xem: 43)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 07/09/2024 , tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 07/09/2024  (06/09/2024 21:18:59 - Xem: 19)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 06/09/2024 (06/09/2024 12:18:34 - Xem: 18)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 05/09/2024 (05/09/2024 13:19:54 - Xem: 29)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Ba 03/09/2024 (03/09/2024 11:48:28 - Xem: 35)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Hai 02/09/2024 (02/09/2024 13:07:50 - Xem: 40)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 31/08/2024 (30/08/2024 21:35:03 - Xem: 71)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 31/08/2024, tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 31/08/2024 (30/08/2024 21:34:26 - Xem: 59)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 30/08/2024 (30/08/2024 17:11:36 - Xem: 45)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 29/08/2024 (29/08/2024 13:36:47 - Xem: 51)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Bài viết mới