Suy tư - Cảm nghiệm

Suy tư Tin mừng CN4 PSA: Tôi là cửa cho chiên ra vào

  • In trang này
  • Lượt xem: 738
  • Ngày đăng: 28/04/2023 15:48:32

TÔI LÀ CỬA CHO CHIÊN RA VÀO

 

Người mục tử nhân lành trước hết là cánh cửa duy nhất bảo vệ đàn chiên khỏi những nguy hại rình rập. 

 

 

Nhiều lần chúng ta có thể quen với hình ảnh Đức Giêsu là vị mục tử nhân lành, nhưng trong bài đọc Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu cũng ví mình với hình ảnh rất lạ: “Thật, tôi bảo thật các ông: tôi là cửa cho chiên ra vào.” Hình ảnh Đức Giêsu là ‘cửa cho chiên ra vào’ này, thật ý nghĩa trong Thánh Lễ Chúa Chiên Lành hôm nay.

 

Hình ảnh Đức Giêsu ‘là cửa cho chiên ra vào’ một lần nữa giúp chúng ta xác tín rằng: chỉ có một mục tử và một đàn chiên. Chúng ta phải tin tưởng rằng, Đức Giêsu là Con Đường duy nhất dẫn đến sự sống mà tất cả mọi người phải đi qua; vì không có con đường nào khác dẫn đến sự sống đời đời, ngoài con đường của Đức Giêsu: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” Để có thể đi qua một con sông, chúng ta cần một chuyến đò ngang hoặc một nhịp cầu nối kết đôi bờ. Cũng vậy, Chúa Giêsu chính là ‘chuyến đò ngang’, là ‘nhịp cầu’ để nối kết chúng ta với Chúa Cha – nối kết trời với đất: Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Chúa Giêsu chính là trung gian duy nhất và hoàn hảo dẫn chúng ta tới Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể sống trong những ơn gọi khác nhau, nhưng mỗi người chỉ có thể đến được với Chúa Cha khi bước đi trên ‘nhịp cầu’ của Chúa Giêsu mà thôi. Ngôi Hai Thiên Chúa là con đường duy nhất dẫn lối chúng ta về với miền đất hứa nơi Thiên Chúa. Đơn giản là vì: chỉ có Đấng từ nơi Chúa Cha mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Chính vì vậy, Đức Giêsu mời gọi tất cả chúng ta hãy tìm đến với Người để được sự sống đời đời: Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Sống trong một thế giới tràn ngập thông tin, chúng ta có thể hoang mang khi gặp phải những người cố gắng thuyết phục chúng ta tin vào vị cứu tinh nào đó với những lý lẽ thật hùng hồn. Tuy vậy, mỗi người chúng ta đừng bao giờ đánh mất lòng xác tín của mình nơi Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của mỗi người chúng ta và của toàn thể nhân loại.

 

Thứ đến, hình ảnh Đức Giêsu ‘là cửa cho chiên ra vào’ giúp chúng ta hiểu hơn tâm tình của một vị mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành trước hết là cánh cửa duy nhất bảo vệ đàn chiên khỏi những nguy hại rình rập. Để bảo vệ đàn chiên, người mục tử là cửa chắn giữ chúng khỏi những nguy hại của sói dữ cũng như kẻ trộm. Người mục tử nhân lành sẵn lòng bảo vệ đàn chiên ngay cả dám hy sinh tính mạng của bản thân mình, để cho đàn chiên được sống: Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào. Đức Giêsu đã cụ thể hóa tâm tình của vị mục tử nhân lành, qua lời của thánh Phêrô: Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành (1 Pr 2:24).

 

Người mục tử nhân lành hết lòng vì đàn chiên của mình, vì chúng thuộc về anh ta, và vì chúng đã trở nên cuộc sống của anh ta. Người mục tử nhân lành chăm lo cho đàn chiên của mình – quan tâm yêu thương từng con chiên một. Người mục tử ấy sẽ làm mọi cách để mang lại hạnh phúc cho đàn chiên của mình: đem chúng tới những đồng cỏ xanh tươi. Người mục tử ấy cũng đặc biệt chăm sóc chữa lành những con chiên bị thương tích. Người mục tử ấy cũng sẽ đi tìm chỉ một con chiên đi lạc và mang chúng trở lại với đoàn chiên. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng có thể được diễn tả như vậy. Thiên Chúa quan tâm đến mỗi một người trong chúng ta cách riêng biệt: Chúa biết rõ từng người trong chúng ta. Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta một cách vô điều kiện – ngay cả khi chúng ta sống chẳng ra gì. Thiên Chúa sẽ tìm kiếm mỗi khi chúng ta lạc lối và đưa chúng ta trở về. Bởi vì Thiên Chúa luôn mong muốn tất cả chúng ta và hết thảy mọi người được hạnh phúc với Ngài – để chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử. Những ai được Thiên Chúa trao phó cho sứ mạng chăm sóc đàn chiên duy nhất của Chúa cũng được kỳ vọng cũng hãy mang cùng một tâm tình của vị mục tử nhân lành Giêsu.

 

Cuối cùng, hình ảnh Đức Giêsu ‘là cửa cho chiên ra vào’ nhắc nhớ chúng ta về sứ mạng loan báo Tin Mừng, với cùng một tinh thân như các thánh Tông đồ: Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê su Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần (Cv 2,38). Đức Giêsu không thi hành sứ mạng Loan Báo Tin Mừng một mình, nhưng cùng với các môn đệ. Khi Người phục sinh về trời, sứ mạng ấy vẫn được tiếp tục bởi Giáo Hội với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

Giáo Hội được thành hình từ các tông đồ dần lan rộng tới các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Các nhà truyền giáo đã tiếp nối vượt qua bao sóng gió hiểm nguy để đem Tin Mừng ấy cho mỗi người trong chúng ta. Lời mời gọi trở nên môn đệ của Đức Giêsu không dành riêng cho các tông đồ khi xưa, nhưng dành cho tất cả chúng ta. Cũng vậy, một khi chúng ta thấm nhuần tinh thần của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được thôi thúc ‘lên đường’ – ‘Loan Báo Tin Mừng’ trong cuộc sống thường ngày của mình. Sứ mạng Loan Báo Tin Mừng không kết thúc khi Đức Giêsu về trời, nhưng vẫn tiếp diễn qua mọi thời dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mỗi người trong chúng ta là một phần của sứ mạng mà Thiên Chúa đã khởi sự.

 

Chúng ta không ích kỷ chỉ lo cho ơn cứu rỗi của riêng bản thân mình mà thôi. Mỗi người trong chúng ta cũng được “sai đi” Loan Báo Tin Mừng – đơn sơ nhất là cho những người đang ở gần ta. Thế nên, chúng ta không sống cho ‘qua ngày’, nhưng mỗi ngày sống với sứ mạng được sai đi vào trong thế giới này. Hãy biến mỗi ngày sống bình thường thành những cơ hội để loan báo Tin Mừng. Hãy cho những người mà ta gặp gỡ mỗi ngày thấy được rằng chúng ta thật hạnh phúc vì là con cái Thiên Chúa. Nếu ta chẳng thể rao giảng hùng hồn như những nhà truyền giáo thì hãy đơn sơ nói bằng chính đời sống chứng tá của mình.

 

Ước mong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay giúp củng cố đức tin của mỗi người chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, là Vị Mục Tử Nhân Lành, và là Đấng Cứu Độ Duy Nhất của chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta cũng dám lên đường rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứng tá của mình, đặc biệt trong hoàn cảnh sống riêng của mỗi người. Amen!

 

Lm. Giuse Hoàng Thanh Phong, SJ

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 105)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 137)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 567)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 654)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 243)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 500)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 316)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Sự thật là gì? (30/03/2024 10:41:24 - Xem: 298)

Sự thật của Thiên Chúa đi kèm với chống đối và bách hại. Ai muốn sống sự thật này, hãy tự đóng cho mình cây thập giá và lê lết vác nó đi cả kiếp người.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 436)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7