Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 03/06/2023 – Thánh Carôlô Loan-ga và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ. – Do quyền phép nào?

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,901
  • Ngày đăng: 02/06/2023 10:00:00

 Do quyền phép nào?

03/06 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 8 thường niên. – Thánh Carôlô Loan-ga và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.

"Ông lấy quyền nào làm sự đó?" 

 

* Cùng với hai mươi hai vị tử đạo U-găng-đa này, trang sử về các Chứng Nhân Tử Đạo những thế kỷ đầu lại tái diễn. Rất nhiều vị trong số đó chỉ mới là Kitô hữu được ít lâu. Bốn vị trong số đó được cha Carôlô Loan-ga thanh tẩy ngay trước lúc hành hình. Phần lớn các vị bị thiêu sống ở Nu-mun-gun-gô (1886) thuộc lớp tuổi từ mười sáu đến hai mươi bốn. Vị trẻ nhất tên là Ki-di-tô mới có mười ba tuổi.

 

Lời Chúa: Mc. 11, 27-33

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: "Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?"

Chúa Giêsu đáp: "Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi". Họ liền bàn riêng với nhau rằng: "Nếu chúng ta trả lời "Bởi trời", ông ấy sẽ nói: "Vậy sao các ông không tin Người?" Nhưng nếu chúng ta nói "Bởi người ta", chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri.

Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không biết". Và Chúa Giêsu bảo họ: "Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chúng tôi không biết

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy

hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (c. 28).

Ba giới chức cao nhất của Do Thái giáo

đã đặt câu hỏi như vậy với Đức Giêsu khi Ngài đi đi lại lại

trong Đền Thờ Giêrusalem vào những ngày cuối đời.

Ông lấy quyền nào mà dám đuổi những kẻ buôn bán ở đây?

Ông lấy quyền nào mà lật bàn của những người đổi tiền,

và xô đổ ghế của những người bán bồ câu? (c. 15).

Tất cả những người làm chuyện buôn bán

đều nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của Đền Thờ.

Nếu không cho buôn bán ở đây thì người dân lấy gì mà dâng cúng?

Có phải ông định phá hoại các sinh hoạt ở Đền Thờ không?

Tại sao ông dám nói nơi Thánh này đã trở nên hang ổ của bọn cướp?

Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục muốn giết Đức Giêsu (c. 18).

Họ nghiêm chỉnh đến gặp Ngài và đòi Ngài phải trả lời câu hỏi của họ.

Họ muốn biết người nào đã cho Đức Giêsu quyền đó.

Đức Giêsu dùng phương pháp của các rabbi,

trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ngược một câu hỏi khác.

“Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi.

Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết

tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (c. 29).

Ngài đặt cho họ câu hỏi về nguồn gốc của phép rửa bởi Gioan:

“Phép rửa của ông Gioan là do Thiên Chúa hay do loài người?” (c. 30).

Câu hỏi tưởng như đơn giản này lập tức đưa họ vào thế kẹt.

Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi Thiên Chúa

thì họ sẽ bị tố cáo vì đã không tin vào lời giảng của Gioan.

Hơn nữa khi tin vào Gioan, họ cũng phải tin vào Đức Giêsu,

Đấng đã được Gioan hết lòng khiêm cung làm chứng.

Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi loài người

thì họ sẽ vấp phải sự chống đối từ phía dân chúng,

vì họ tin Gioan là một vị ngôn sứ đích thực.

Như thế câu hỏi của Đức Giêsu đã đưa họ vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Câu hỏi của Ngài dồn họ vào thế phải trả lời:

“Chúng tôi không biết.” (c. 33).

Có thật họ không biết hay chỉ là né tránh sự thật?

Họ đã không tin Gioan, vì sợ tin Gioan sẽ phải tin cả Giêsu nữa.

Nhưng họ lại sợ không dám nói ra điều đó cho dân chúng biết.

Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, khiến họ trở nên câm lặng.

Câu hỏi của Đức Giê su đòi họ trở về với lòng mình

để tự tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ: “Ông lấy quyền nào?”

Quyền của Đức Giêsu là quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa.

Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi thành kiến và nỗi sợ hãi

để có được sự tự do khi trao đổi với nhau?

Làm thế nào để chúng ta không tìm cách tránh né sự thật,

dù chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá?

Làm thế nào để chúng ta can đảm nhận mình sai để lại bắt đầu?

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau

trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau

không chút thành kiến,

và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau,

xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,

nhờ đó chúng con vượt qua

những tự ái nhỏ nhen,

những tham vọng ích kỷ

và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,

để tìm kiếm chân lý

ở mọi nơi và mọi người,

nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha,

xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,

để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,

xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

 

Suy Niệm 2: Truy tìm khôn ngoan

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thượng tế, kinh sư và kỳ mục hỏi Chúa một câu hỏi. Chúa Giê-su trả lời bằng một câu hỏi khác. Theo triết học thì câu hỏi là một truy tìm khôn ngoan. Câu hỏi của các thượng tế hướng về quyền lợi. Đó là khôn ngoan theo trần gian. Vì Chúa Giê-su xua đuổi người buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Giới thượng tế mất uy tín và lợi nhuận. Câu hỏi của Chúa Giê-su xoáy vào lương tâm. Hỏi về sự thật. Mở ra khôn ngoan theo Nước Trời. Họ không dám trả lời. Vì nếu trả lời theo lương tâm và sự thật thì họ mất uy tín và quyền lợi. Họ không tìm khôn ngoan. Họ tìm lợi nhuận. Nói đúng ra họ chọn khôn ngoan theo thế gian. Nên không nghe lời Chúa.

Giới kinh sư, thượng tế và kỳ mục không có niềm vui. Vì họ né tránh sự thật. Tuy họ không dám trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su, nhưng câu hỏi vẫn còn đó. Chất vấn lương tâm họ. Đặt họ đối diện với sự thật. Vì họ không tìm sự khôn ngoan. Nên lương tâm họ ray rứt. Trái lại tác giả sách Huấn ca tha thiết tìm sự khôn ngoan. Nên tâm hồn ông bình an. Hạnh phúc. Và tin tưởng. “Như hoa tươi nở, tựa chùm nho chín, đức khôn ngoan làm hoan hỷ lòng tôi…Vì tôi đã cương quyết sống theo đức khôn ngoan, tôi hăng say tìm điều thiện, và sẽ không xấu hổ thẹn thùng”. Biết rằng đức khôn ngoan ở nơi Chúa, nên ông tha thiết cầu nguyện xin Chúa ban cho sự khôn ngoan. “Nơi thánh điện tôi hằng cầu xin, và cho đến mãn đời, tôi vẫn tìm kiếm đức khôn ngoan”. Khi tìm được ông tha thiết giữ gìn: “Trong đức khôn ngoan, hồn tôi đã phấn đấu, và chuyên cần tuân giữ Lề Luật”. Và ông tạ ơn Chúa ban cho ông sự khôn ngoan: “Trong đức khôn ngoan, tôi tiến lên mãi, và tôi sẽ tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã cho tôi được khôn ngoan”.

Thư Giu-đa rõ ràng hơn. Cho biết do dự là thiếu khôn ngoan. Sẽ dẫn đến hoả ngục. “Đối với những người do dự thì anh em phải thương xót; hãy lo cứu họ, kéo họ ra khỏi lửa thiêu”. Người khôn ngoan theo Nước Trời phải dứt khoát mạnh mẽ trung thành với một chọn lựa duy nhất: sống theo đức tin. Tin vào Chúa Giê-su. Cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Đó là khôn ngoan. Vì sẽ dẫn ta đến sự sống đời đời: “Anh em hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Chất vấn về quyền

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Theo Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu đã bắt đầu tranh luận với những người Do thái không tin khi Chúa Giêsu lên Yêrusalem lần cuối cùng. Bầu không khí đối đầu giữa Chúa và các vị lãnh đạo Do thái khởi sự với biến cố Chúa đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Ðền Thờ. Ngày hôm sau, khi Chúa và các môn đệ trở lại Ðền Thờ, các Thượng tế, Luật sĩ và Kỳ mục đến chất vấn Chúa: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?". Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc tranh luận đầu tiên trong năm cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái, trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn của Ngài.

Tinh thần chân thành và đối thoại vốn là tinh thần của Phúc Âm. Là con người hiếu hòa, Chúa Giêsu cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh, thì Chúa Giêsu lại giữ thái độ yên lặng, như khi Ngài đứng trước Caipha, Hêrôđê, Philatô. Nhưng trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài. Ngài cũng đáp lại bằng một phương thế khác, khi những người đối thoại muốn gây áp lực để buộc Chúa phải trả lời, như khi họ hỏi Chúa có nên nộp thuế cho hoàng đế Cesar không, hoặc có nên ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tính không?

Hôm nay, chúng ta chứng kiến một cảnh đối ngoại, nhưng thật ra đó chỉ là một cách gài bẫy để bắt bẻ Chúa: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?" Chúa Giêsu nhận thấy thái độ không thành thật của họ nên Ngài hỏi vặn lại: "Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?". Cách thức trả lời của những kẻ chống đối Chúa cho thấy họ đã tìm ra giải đáp cho câu hỏi họ đặt ra. Họ không thể chối cãi sự kiện phép rửa của Gioan là từ Trời, do quyền của một vị Tiên tri. So sánh phép rửa của Gioan với những việc làm và những phép lạ của Chúa Giêsu mà họ đã chứng kiến, thì chắc chắn những phép lạ của Chúa hơn phép rửa của Gioan. Do đó, theo lý luận nghiêm chỉnh và thành thật, những kẻ chống đối Chúa phải biết Chúa đã lấy quyền từ đâu để làm các điều ấy.

Như thế, câu hỏi của Chúa Giêsu: "Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?" là câu hỏi để đánh thức lương tâm và kêu gọi đến sự thành thật nơi những kẻ chống đối Ngài. Chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, người đó mới vào được Nước Chúa và được cứu rỗi. Ðể có thể vào Nước Chúa, những kẻ chất vấn Chúa trong Tin Mừng hôm nay, cần phải canh tân đời sống, cần phải có lòng chân thành, lương tâm ngay chính và tinh thần phục thiện.

Chúng ta hãy nhìn về cuộc sống của mình và xét xem chúng ta đã sống thế nào? Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhận biết sự thật, khiêm tốn đón nhận và sống sự thật của Chúa cho đến cùng.

 

Suy Niệm 4: Thượng Hội Đồng chào thua

Đức Giêsu và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong đền thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Hay ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?” (Mc. 11, 27-28)

Việc tẩy uế đền thờ đến tai nhà chức trách tôn giáo Do thái, không phải chuyện chơi. Người ta cử một phái đoàn chính thức của Thượng hội đồng (gồm các trưởng tế, luật sĩ và trưởng lão) đến điều tra sự việc. Thoạt nhìn, cuộc điều tra có vẻ “lô-gích”. Chúa Giêsu qua hành động mới đây đã đòi cho mình có quyền đối với Nhà Chúa, còn đối với những người Do thái thì đây là một đòi hỏi ngạo mạn chưa từng có. Thực tế, những người đến điều tra đều là những quan tòa nặng óc thành kiến. Họ đến không phải để tìm biết một sự thật, mà là để gài bẫy. Chúa Giêsu trả lời không phải để lẩn tránh vấn đề, nhưng cốt lột cái mặt nạ che dấu tính xảo quyệt của họ: “Vây, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta?” Sau khi cân nhắc ảnh hưởng lợi hại của câu trả lời, những người được sai đi ấy không dám bày tỏ ý kiến riêng, bởi lẽ biết sự thật về ông Gioan thì họ cho là điều ít quan trọng, điều quan trọng đối với họ là phải giữ thể diện. Bởi họ có thái độ như thế, nên Chúa Giêsu nghĩ có nói cho họ biết ý nghĩa thật về sứ mạng của Người thì cũng vô ích. Bởi Người đến không phải để thỏa mãn óc tò mò của con người. Người đến làm cuộc đổi thay những cuộc đời, và để có được sự đổi thay này, bước đầu của con người là phải mở rộng tâm hồn mình ra.

Chúa Giêsu không muốn mở những cuộc phỏng vấn

Kitô giáo không phải là một cuộc đọ tài giữa những kẻ tài trí như những đấu thủ quần vợt giao banh khéo léo và hiểm hóc. Người ta sẽ không tìm đưa ra những lý lẽ chứng minh chân lý đức tin cho những con người không muốn tin. Ai không tự mình khâm phục bản thân con người Đúc Giêsu, thì cũng đừng nghĩ rằng những lý luận hay ho sẽ làm cho người ấy chịu thuyết phục.

Nếu Chúa Giêsu không để cho người ta phỏng vấn hôm nay và giải thích quan niệm của Người về cuộc sống, về thế giới, Người cũng sẽ không bắt ai phải chịu phục Người, bởi lẽ không phải vì những lời giảng giải hay nói truyện của Người mà người ta gắn bó với Người, mà vì Người là ai, sống như thế nào và đã làm gì. Chúng ta không phải là những nhà kỹ thuật đã sáng nghĩ ra một mô hình sống cao hơn, chúng ta là những chứng nhân hèn mọn của AI ĐÓ đã sống đời mình như là Thiên Chúa, đã yêu thương con người đến chết vì con người, nên Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi sự chết và đã ban tặng Người “một Tên cao trọng hơn mọi tên”.

Chúng ta coi chừng đừng ỷ mình hiểu biết về Chúa mà thay đổi được lòng người, chính khi yêu thương mà chúng ta sẽ là những chứng nhân của Tình yêu.

 

Suy Niệm 5: Ai hơn ai?

Sau khi đánh đuổi con buôn trong đền thờ, Đức Giêsu bị các vị lãnh đạo Dothái đến chất vấn Ngài về nội dung việc đuổi dân chúng ra khỏi đền thờ. Đây cũng chính là một trong 5 cuộc tranh luận sôi nổi giữa Ngài với những người lãnh đạo Dothái trước khi chịu chết.

Khởi đi từ việc họ cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Đây là câu hỏi ranh mãnh và đầy nguy hiểm. Nếu Đức Giêsu trả lời là Ngài tự ý lấy quyền của riêng mình mà làm vậy, thì họ ngay lập tức có lý để bắt Ngài vì những lời nói đầy ngông cuồng. Nếu Ngài nói là lấy quyền của Thiên Chúa thì họ cũng thừa cớ để loại trừ Ngài vì những lời nói lộng ngôn.

Tuy nhiên, tình thế được lật ngược khi Đức Giêsu đặt họ vào một thế bí khi thức tỉnh lương tâm bằng câu hỏi: "Theo ý các ông, thì công việc của Gioan Tẩy giả là theo ý người ta hay theo ý muốn của Thiên Chúa?". Câu hỏi này đã đẩy họ vào đường cùng, khiến họ gặp phải một nan đề khó giải quyết, bởi lẽ, nếu trả lời là đến từ Thiên Chúa thì họ đoán trước có thể sẽ bị Đức Giêsu nói rằng: tại sao các ông lại chống? Hay nếu đến từ Thiên Chúa thì tại sao không tin Gioan đã làm chứng về Ngài? Và tại sao không công nhận Ngài là Mêsia? Còn nếu nói là đến từ con người thì chắc chắn họ bị dân chúng chống đối và phản loạn, bởi vì Gioan được coi như Ngôn Sứ và là chứng nhân. Đứng trước tình thế bí bách đó, họ chỉ còn biết thốt lên: chúng tôi không biết!

Khi sự thật lên ngôi thì những sự gian trá ranh mãnh phải lui về vị trí của chúng.

Trong xã hội hôm nay vẫn còn đó những người sống giả hình, man trá, tránh né hoặc trốn chạy sự thật. Khi không chấp nhận chân lý, thì họ chỉ còn sống trên sự tàn ác, độc địa, giã tâm khi bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để dồn anh chị em chúng ta vào chân tường.

Tuy nhiên, cũng như những nhà lãnh đạo Do thái thời bấy giờ. Nếu không dám đối diện với sự thật và nâng đỡ nhau trong chân lý, thì ắt sẽ lãnh nhận hậu quả là rơi vào trong tình trạng tuyệt vọng và đáng xấu hổ, lầm lũi ra về.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay sẽ đánh thức lương tâm của mỗi người, nếu chúng ta đang sống trong sự giả trá, thiếu chân thành và không phục thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống đơn sơ, chân thành để gặp được Chúa và thuộc về Chúa để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Khiêm tốn đón nhận sự thật

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Có nhiều người đến gặp Chúa Giêsu với nhiều mục đích khác nhau. Hôm nay, các thượng tế, các kinh sư, và các kỳ mục đến để bắt bẻ, gài bẫy Chúa. Chúng ta thường đến gặp Chúa với mục đích gì?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi gặp những người đối thoại muốn bắt bẻ điều chi, thì Chúa chứng tỏ sự trổi vượt của Chúa bằng sự im lặng, như khi Chúa đối diện với vua Hêrôđê, hoặc với quan Philatô. Bởi vì đạo Chúa không phải là cuộc đấu trí giữa những người thông minh khéo léo. Chúa cũng không đến để thỏa mãn tính tò mò của con người. Nhưng Chúa đến để thay đổi đời sống của nhân loại. Tuy nhiên, muốn đổi mới cuộc sống, con người cần mở rộng lòng mình để đón nhận chân lý.

Lạy Chúa, Chúa không chỉ hướng dẫn con bằng lời nói, nhưng trên hết, Chúa đã để lại mẫu gương sống động về tình yêu. Xin giúp con biến đổi bản thân mình bằng cách sống yêu thương, chứ không phải bằng sự hiểu biết lý thuyết về Thiên Chúa. Và xin loại khỏi con những thành kiến để con có thể chấp nhận tất cả mọi người với lòng yêu mến chân thật. Ước gì qua những lần gặp gỡ anh em, con biết biểu lộ tấm lòng chân thành, biết tôn trọng và yêu mến họ, vì tất cả mọi người đều được Chúa yêu thương. Con quyết tâm bắt tay anh em như một cử chỉ cảm thông yêu mến. Con dốc lòng sẽ nói lời dịu dàng để nối kết tình nghĩa anh em.

Lạy Chúa, những ai đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, sẽ được vào Nước Chúa và mới được cứu rỗi. Chúa đã dạy con biết sự thật và muốn con khiêm tốn đón nhận sự thật ấy. Xin giúp con biết sống chân thành theo sự thật của Chúa cho đến cùng. Amen.

Ghi nhớ: “Ông lấy quyền nào làm sự đó?”

 

Suy Niệm 6: Tranh luận về quyền của Đức Giêsu

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Việc Đức Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong Đền thờ đã khiến các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão nổi giận. Họ đến chất vấn Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó”?

Đức Giêsu không tự đưa ra câu trả lời, nhưng hỏi ngược lại họ về nguồn gốc của phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Không phải ngài tránh né vấn đề, nhưng là cách Ngài khuyến khích họ suy nghĩ: nếu họ đừng có thành kiến nhưng biết sáng suốt nhận định thì họ sẽ thấy rõ sứ mạng của Gioan là bởi trời, và sứ mạng cùng quyền năng của Đức Giêsu cũng bởi trời.

Nhưng vì họ muốn bám chặt vào thành kiến nên họ đã không chịu suy nghĩ. Họ hỏi Đức Giêsu không phải để tìm biết sự thật mà tin, nhưng để lập mưu tìm kế giết Chúa. Họ là hạng lòng khác miệng khác, hay đúng hơn là “khẩu phật tâm xà”.

2. Sau việc Đức Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, những người cầm đầu Do thái căm giận Đức Giêsu. Họ đã ra lệnh bắt Ngài. Nhưng họ chưa dám cương quyết thi hành, vì sợ dân chúng. Trong lúc chờ cơ hội, họ tìm đến mở cuộc tranh luận với Ngài.

Qua sự kiện đó, các thượng tế và kỳ lão trong đền thờ hội họp nhau lại để chất vấn Chúa. Họ hỏi Chúa hai câu: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy”, “Ai đã ban quyền ấy cho ông”? Cả hai câu hỏi đó đều minh chứng họ không tin gì vào sứ mệnh thần linh của Đức Giêsu. Họ không hỏi để biết nhưng là để gài bẫy Chúa và muốn đưa Ngài vào ngõ bí.

3. Tinh thần chân thành và đối thoại là tinh thần của Phúc âm. Là con người hiếu hòa, Đức Giêsu cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh, thì Đức Giêsu lại giữ thái độ yên lặng, như khi Ngài đứng trước Caipha, Hêrôđê, hay Philatô. Nhưng trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài. Ngài cũng đáp lại bằng một phương thế khác, khi những người đối thoại muốn gây áp lực để buộc Chúa phải trả lời, như khi họ hỏi Chúa có nên nộp thuế cho hoàng đế César không, hoặc có nên ném đá người phụ nữ  bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình không?

4. Nhưng hôm nay, đúng là “vỏ quít dầy có móng tay nhọn”, thay vì trả lời, Đức Giêsu đảo ngược thế cờ bằng cách đưa ra một câu hỏi ngược lại: “Các ông trả lời cho tôi biết: “Phép rửa của Gioan bởi đâu? Bởi trời hay bởi người ta”?

Bây giờ đến lượt họ lúng túng. Nếu trả lời bởi trời, thì tại sao lại không tin Chúa, vì Gioan Tiền Hô đến trước để loan báo về Đấng Cứu Thế, do Thiên Chúa sai đến và có uy quyền Thiên Chúa. Ngược lại, nếu trả lởi bởi người ta thì sẽ gặp phản ứng của dân chúng, vì họ tin Gioan là tiên tri bởi trời đến  loan báo về Đấng Cứu Thế.

Trả lời đằng nào cũng không được, nên họ cũng khôn khéo trả lời: “Chúng tôi không biết”, đây là một lần nói dối công khai trước Chúa và mọi người. Nhưng Chúa biết và Chúa trả lời: “Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”.

5. Các nhà lãnh đạo Do thái luôn có thành kiến với Đức Giêsu nên họ không chịu nhận ra sứ mạng cao quí của Ngài. Thành kiến là ngục tù giam hãm con người. Thành kiến làm cho người ta phán đoán sai lệch vì “Đã thương quả ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.

Có một nhà thiên văn nọ sáng chế được một viễn vọng kính. Đêm nọ ông bỗng phát hiện một con rồng trên mặt trăng. Ông chạy khắp thành phố  mời bạn bè đến xem khám phá của ông. Mọi người đến xem tấm tắc khen ngợi tài năng của ông. Nhưng trong đám đông hiếu kỳ, có một nhà thiên văn học kỳ cựu cũng đến để tìm hiểu thực hư. Vừa đưa mắt vào viễn vọng kính, ông mỉm cười một cách bí ẩn rồi mở ống kính ra, cho mọi người thấy một con ruồi đã chết cứng trong đó. Thì ra con rồng trên mặt trăng không là gì khác hơn là con ruồi nằm trong ống kính.

Chúng ta dễ có khuynh hướng nhìn người khác qua lăng kính  những thành kiến có sẵn.

6. Truyện: Gậy ông đập lưng ông.

Hẳn chúng ta đã nghe câu chuyện “Cò với Cáo”. Chuyện kể thế này: Có một dạo cáo và cò rất hay thăm viếng nhau, có vẻ như hai người bạn thân. Rồi cáo mời cò đến ăn cơm, và để chơi xỏ bạn, cáo chỉ đặt trước mặt cò một chiếc đĩa bằng.

Món này thì cáo liếm sạch dễ dàng, nhưng cò chỉ nhúng ướt  đầu cái mỏ của mình trong đĩa xúp và ăn xong vẫn thấy đói. “Xin lỗi”, cáo nói: “Món xúp này không hợp với bạn”.

 “Thôi mà, đừng xin lỗi”, cò nói: “Hy vọng rằng mình đã đến chơi với bạn thì bạn cũng ghé chơi với mình, mai kia mời bạn đến chơi ăn cơm với mình nhé”. Và đôi bạn xếp ngày  cho cáo đến thăm cò. Lúc cáo đến, cả hai ngồi vào bàn ăn.

Mâm cơm hôm đó chỉ có một cái bình, cổ dài, miệng hẹp, cáo không thể nào cho mồm vào được, chỉ ngồi đó mà liếm bên ngoài bình. Cò liền nói: “Ăn như thế này mình chẳng có gì phải xin lỗi, ác giả ác báo mà”.

 

Suy Niệm 8: Quyền nào mà làm?

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ đã khiến các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão nổi giận. Họ đến chất vấn Ngài: "Ông lấy quyền nào mà làm sự đó?"

2. Chúa Giêsu không tự đưa ra câu trả lời, nhưng hỏi ngược lại họ về nguồn gốc phép rửa của Gioan tẩy giả. Không phải Ngài tránh né vấn đề, nhưng đây là cách Ngài khuyến khích họ suy nghĩ: nếu họ đừng có thành kiến nhưng biết sáng suốt nhận định thì họ sẽ thấy rõ sứ mạng của Gioan là bởi trời, và sứ mạng cùng quyền năng của Chúa Giêsu cũng bởi trời.

3. Nhưng vì muốn bám chặt vào thành kiến nên họ đã không chịu suy nghĩ.

B.... nẩy mầm.

1. Thành kiến là ngục tù giam hãm con người. Thành kiến làm cho người ta phán đoán sai lệch "Thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng"; "Đã thương quả ấu cũng tròn, không thương bồ hòn cũng méo". Tôi có thành kiến không? Thành kiến với ai? Thành kiến chuyện gì?

2. Chúa cũng thích đối thoại với tôi. Nhưng nếu Ngài bảo "Hãy trả lời Ta đi" mà tôi tránh né "Con không biết", thì Ngài cũng lại nói "Vậy thì Ta cũng không nói cho con biết". Xin cho con biết lắng nghe những câu Chúa chất vấn con. Xin cho con cảm đảm trả lời thành thật. Và xin cho con được biết Chúa muốn dạy con làm gì.

3. Có một nhà thiên văn nọ sáng chế được một viễn vọng kính. Đêm nọ ông bỗng phát hiện một con rồng trên mặt trăng. Ông chạy khắp thành phố mời bạn bè đến xem khám phá của ông. Mọi người xem đều tấm tắc khen ngợi tài năng của ông. Nhưng trong đám đông hiếu kỳ, có một nhà thiên văn học kỳ cựu cũng đến để tìm hiểu thực hư. Vừa đưa mắt nhìn vào viễn vọng kính, ông mỉm cười một cách bí ẩn rồi mở ống kính ra, cho mọi người thấy có một con ruồi đã chết cứng trong đó. Thì ra con rồng trên mặt trăng không là gì khác hơn là con ruồi nằm trong ống kính.

Chúng ta dễ có khuynh hướng nhìn người khác qua lăng kính những thành kiến có sẵn.

4. "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?" (Mc 11,28)

Các thượng tế và ký lục đã chất vấn Chúa Giêsu như thế, khi Người xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ.

Tôi cũng là đền thờ của Chúa nhưng tội lỗi đã làm ô uế đến thời ấy. Tôi cũng hỏi Chúa câu trên khi Ngài yêu cầu tôi đánh đổ những thành kiến, xua đuổi các tật xấu và ý nghĩ xấu xa...

Chúa Giêsu muốn con người hiểu rằng Ngài có quyền đòi hỏi mọi người phải tôn trọng đền thờ Cha Ngài.

Tại sao tôi lại chất vấn quyền của Chúa nhỉ?

Lạy Chúa, xin cho con đừng tra hỏi Ngài nhưng biết khẳng định quyền của Ngài trên đời sống hàng ngày của con. (Hosanna).

 

Suy Niệm 9: Cố gắng mà đối xử tốt với nhau

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Các thượng tế và Kinh sư dùng một câu hỏi hóc búa để gài bẫy Chúa: Ông lấy quyền nào mà làm các chuyện ấy (tức là truyện Thanh tẩy Đền thờ).

* Nếu Chúa trả lời ngài lấy quyền của Thiên Chúa thì họ sẽ có đủ lý do để tố cáo và bắt giết Ngài, vì theo luật lệ của họ, ai xưng mình là Thiên Chúa thì đáng tội chết.

* Nếu Chúa nói ngài tự lấy quyền mình mà làm thì trước mắt họ Ngài là một người vô danh tiểu tốt mà dám chống lại hàng thượng tế và Kinh sư sao được, như thế ngài cũng mắc tội

Nhưng họ thật không ngờ là Chúa đã dùng ngay cái bẫy họ giăng để làm họ bị kẹt, không trả lời được. Chúa hỏi: “Tôi cũng xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết, tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy? (Mc 11, 30) Họ không trả lời được. Chân họ đã vướng vào bẫy do chính mình bày ra. “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông biết là tôi lấy quyền nào mà làm” (Mc 11, 33). Thế là huề cả làng.

2. Vâng chúng ta hãy cố gắng mà đối xử tốt với nhau.

Người ta thường nói: ác giả ác báo. Đi đêm nhiều thế nào cũng có lúc gặp ma; cố tình làm điều ác, làm điều dữ thì sẽ có ngày bị trừng phạt. Đó là lẽ thường tình của cuộc sống.

Hẳn mỗi người chúng ta còn nhớ câu truyện giữa cò với cáo. Truyện thế này: Có một dạo cáo và cò chơi thân với nhau. Chúng rất hay thăm viếng nhau, chẳng khác gì hai người bạn thân. Một hôm cáo mời cò đến ăn cơm, và để xỏ bạn, cáo chỉ đặt trước mặt cò một chiếc dĩa trẹt. Với món ăn ở trong dĩa này, thì cáo có thể liếm sạch một cách dễ dàng, nhưng cò chỉ có thể nhúng ướt đầu cái mỏ dài của mình trong dĩa xúp và ăn xong vẫn thấy đói. “Xin lỗi”, cáo nói, “món xúp này có lẽ không hợp với bạn”.

Có cũng chẳng vừa, nó nói

- Thôi mà, đừng xin lỗi. Hy vọng rằng mình đã đến chơi với bạn thì bạn cũng ghé chơi với mình, mai kia đến chơi ăn cơm với mình nhé

Và đôi bạn thu xếp hẹn ngày cho cáo đến thăm cò. Lúc cáo đến, cả hai ngồi vào bàn ăn. Mâm cơm hôm đó chỉ có một cái bình, cổ dài, miệng hẹp, cáo không thể nào cho mồm vào được, chỉ ngồi đó mà liếm bên ngoài bình.

- Ăn như thế này, mình chẳng có gì phải xin lỗi, ác giả ác báo mà. Cò nói.

Ngược lại, khi chúng ta cố gắng ăn ngay ở lành thì niềm vui, ơn lộc sẽ đến với chúng ta.

Đây là câu chuyện từ Internet:

Hôm đó, tôi đến một tiệm hoa nhỏ để mua hoa. Sau khi nghe tôi kể tên một số loại hoa tôi định mua, cô gái bán hoa quay người vào trong phòng trữ hoa. Sau đó, tôi nghe thấy có tiếng nói chuyện thì thầm từ trong phòng vọng ra.

Tôi tự hỏi, không biết cô ta nói chuyện với ai vậy?

Không kiềm chế nổi sự tò mò, tôi gõ cửa hỏi cô ta:

- Cô đang nói chuyện với ai vậy?

Cô quay đầu mỉm cười, trả lời:

- Tôi đang nói chuyện với hoa của tôi.

Tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi lại:

- Nói chuyện với hoa của cô ư?

Bằng đôi tay mảnh mai đang bận rộn chọn những bông hoa cho tôi, cô đáp lại:

- Tôi trò chuyện với hoa của tôi. Nói với bông hoa này, mi nở tốt lắm, rực rỡ lắm, nhưng ta cũng không giữ nổi mi lại đâu. Rồi tôi nói với bông hoa kia, mi vội gì chứ, nụ hoa vẫn còn chặt như thế, một hai ngày nữa bán vẫn chưa muộn.

Tôi sững sờ đứng nghe. Sau khi từ biệt cô gái, trong lòng tôi tràn ngập cảm giác khó tả, bất giác tôi nhớ đến một câu chuyện khác.

Một tài xế lái xe buýt trên một tuyến đường ngoại ô. Ngày nào anh cũng vui vẻ lái xe trên con đường đầy cát bụi này. Cô nhân viên bán vé trêu anh:

- Chẳng ai được như anh, ngày nào cũng có hẹn.

Anh ấy hạnh phúc mỉm cười, hỏi:

- Ghen tị rồi phải không?

Hành khách đều đoán già đoán non, chắc là chàng trai này có người yêu ở vùng ngoại ô.

Chiếc xe buýt lắc lư tiến về phía trước trên con đường đầy ổ gà. Gần đến một thôn nhỏ, cô nhân viên bán vé phấn khích chỉ vào một chiếc ao trước mặt nói:

- Vẫn còn ở đó? Không sai một phút!

Người lái xe bấm còi, 3 tiếng ngắn, 1 tiếng dài giống như “ám hiệu”.

Hành khách ngẩng cổ lên nhìn: Trời ơi, hóa ra là một bầy ngỗng trắng! Nghe tiếng còi xe, chúng lập tức dang rộng đôi cánh tranh nhau chạy về phía chiếc xe, vừa chạy vừa vui sướng kêu lên, giống như những cô gái chờ đợi lâu ngày mới gặp được người yêu.

Chàng lái xe hò hẹn với những con ngỗng trắng, cô gái thì thầm to nhỏ với những cành hoa, khiến tôi hiểu được một điều: cuộc sống có thật nhiều niềm vui nếu ta biết trân trọng nó.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở nên những chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa anh chị em xung quanh chúng con. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 798)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,334)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,571)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,699)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,912)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,090)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,407)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,042)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,028)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Tư 20/03/2024 – Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay. – Ðức Tin Chân Chính. (19/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,939)

Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới