Tài liệu - Giáo huấn

Thư của Bộ Giáo lý Đức tin: “An tử luôn là tội ác chống lại sự sống”

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,237
  • Ngày đăng: 27/09/2020 12:25:42

“Samaritanus bonus” – Người Samaria nhân hậu, thư của Bộ Giáo lý Đức tin được Đức Thánh Cha phê chuẩn, tái lên án mọi hình thức “an tử” và “trợ tử”, và kêu gọi hỗ trợ các gia đình và các nhân viên y tế.

 

 

“Không thể chữa được không bao giờ đồng nghĩa với không thể chăm sóc”: người bị bệnh nan y cũng như người chào đời được dự báo khó có thể sống sót đều có quyền được chào đón, chăm sóc, yêu thương. Giáo hội phản đối việc cố trị liệu khi không còn hy vọng, nhưng nhắc lại như một "giáo huấn chắc chắn" rằng "an tử là một tội ác chống lại sự sống con người"; "bất kỳ sự hợp tác trực tiếp nào vào việc thực hành an tử đều là một tội trọng" mà không một cơ quan có thẩm quyền nào "có thể áp đặt hoặc cho phép một cách hợp pháp".

 

Đó là những điều được nói đến trong tài liệu Người Samari nhân hậu, thư của Bộ Giáo lý Đức tin về "về việc chăm sóc những người bệnh nặng và ở giai đoạn cuối đời", được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn vào tháng 6 vừa qua và được công bố ngày 22 tháng 9 năm 2020.

 

Tính thời sự của văn kiện “người Samaria nhân hậu”

Tài liệu tái khẳng định lập trường đã được Giáo hội nhiều lần trình bày về chủ đề này; nó cần thiết vì càng ngày càng có nhiều tin tức thời sự về vấn đề trợ tử và vì sự mở rộng của luật pháp, ngày càng nhiều quốc gia cho phép áp dụng an tử và trợ tử cho  những người bị bệnh nặng và cho cả những người đơn độc hoặc có vấn đề về tâm lý. Mục đích của lá thư là cung cấp những chỉ dẫn cụ thể để thực hiện sứ điệp của Người Samari nhân hậu. Ngay cả khi "việc chữa lành bệnh là không thể hoặc không thể xảy ra, thì việc đồng hành về mặt chăm sóc y tế, tâm lý và tâm linh là một nghĩa vụ không thể chối bỏ, vì làm ngược lại sẽ là hành động bỏ rơi người bệnh một cách vô nhân đạo".

 

Không thể chữa lành nhưng không bao giờ không thể chăm sóc

“Hãy chữa lành nếu có thể, hãy luôn chăm sóc”. Những lời này của Đức Gioan Phaolô II giải thích rằng không thể chữa lành không bao giờ đồng nghĩa với không thể chăm sóc. Chăm sóc cho đến cùng, "ở bên" bệnh nhân, đồng hành với họ bằng cách lắng nghe họ, giúp cho họ cảm thấy được yêu thương và quý mến, là những gì có thể tránh được sự cô đơn, sợ hãi, đau khổ và cái chết, và hậu quả là tuyệt vọng: đó là những yếu tố mà ngày nay là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến yêu cầu an tử hoặc trợ tử. Đồng thời tài liệu nhấn mạnh rằng "có nhiều vụ lạm dụng được chính các bác sĩ tố cáo rằng đã lấy đi mạng sống của những người không bao giờ muốn áp dụng an tử cho chính họ". Toàn bộ tài liệu tập trung vào ý nghĩa của đau đớn và đau khổ dưới ánh sáng của Phúc Âm và sự hy sinh của Chúa Giê-su: "Người ta chỉ có thể chịu được đau khổ trong cuộc sống khi có hy vọng" và hy vọng mà Chúa Ki-tô ban cho người đau khổ chính là "sự hiện diện gần gũi thực sự của Người". Chăm sóc giảm đau sẽ không đủ "nếu không có ai 'ở' bên cạnh bệnh nhân và chứng tỏ cho họ thấy giá trị độc nhất vô nhị của họ".

 

Giá trị bất khả xâm phạm của sự sống

Thư của Bộ Giáo lý Đức tin khẳng định: "Giá trị bất khả xâm phạm của sự sống là một chân lý cơ bản của quy luật đạo đức tự nhiên và là nền tảng thiết yếu của trật tự pháp lý”. "Giống như không thể chấp nhận người khác là nô lệ của chúng ta, ngay cả khi họ yêu cầu chúng ta, thì người ta cũng không thể trực tiếp lựa chọn tấn công sự sống của một con người, ngay cả khi họ yêu cầu". Giết chết một bệnh nhân yêu cầu được chết không có nghĩa là "công nhận quyền và đánh giá cao sự tự chủ của họ", nhưng trái lại, nó có nghĩa là "xem thường giá trị của tự do, bị điều kiện hóa mạnh mẽ bởi bệnh tật và đau đớn, và giá trị sự sống của họ". Khi làm như vậy, "người ta thay Chúa quyết định giờ phút của cái chết". Vì lý do này, "việc phá thai, cố ý trợ tử và tự sát đầu độc nền văn minh nhân loại, làm cho những người thực hiện những việc này bị thiệt hại nhiều hơn cả những người chịu những hành động này. Hơn nữa chúng là một sự từ chối tuyệt đối Đấng Tạo Hóa".

 

Những trở ngại làm lưu mờ giá trị thánh thiêng của sự sống

Tài liệu đề cập đến một số yếu tố làm hạn chế khả năng hiểu được giá trị sự sống. Đầu tiên là việc sử dụng một cách phiến diện khái niệm "cái chết xứng đáng" khi liên kết nó với "chất lượng cuộc sống", với quan điểm nhân học thực dụng. Sự sống được coi là "xứng đáng" chỉ khi có một số đặc điểm tâm lý hoặc thể lý. Một trở ngại thứ hai là sự hiểu sai về "lòng trắc ẩn". Lòng nhân ái đích thực của con người "không bao gồm việc gây ra cái chết nhưng ở việc chào đón người bệnh, nâng đỡ họ" bằng cách đem đến cho họ tình cảm và phương tiện để giảm bớt đau khổ của họ. Một trở ngại khác nữa đó là sự gia tăng của chủ nghĩa cá nhân, gốc rễ của "căn bệnh tiềm ẩn nhất của thời đại chúng ta: sự cô đơn". Đứng trước các luật lệ cho phép an tử, "đôi khi nảy sinh những tình trạng tiến thoái lưỡng nan liên quan đến đặc tính luân lý của các hành vi đó, trong thực tế, đó không chỉ là những hành vi cần có để chăm sóc người bệnh, chẳng hạn như tiếp nước và cho người bệnh ăn trong tình trạng hôn mê không có triển vọng hồi phục".

 

Huấn quyền của Giáo hội

Đối mặt với sự phổ biến của các phác đồ y tế về giai đoạn cuối của cuộc sống, "sự lạm dụng quan điểm về an tử đang bị tố cáo rộng rãi hiện nay" mà không hỏi ý kiến ​​bệnh nhân hoặc gia đình gây nên lo ngại. Vì lý do này, tài liệu tái khẳng định như một giáo huấn quyết định rằng "an tử là một tội ác chống lại sự sống con người", một hành vi "tự bản chất là xấu xa trong bất kỳ trường hợp và hoàn cảnh nào". Do đó, bất kỳ sự hợp tác trực tiếp nào cũng đều là tội trọng chống lại sự sống con người mà không có thẩm quyền nào "có thể áp đặt hoặc cho phép một cách hợp pháp". Do đó, "những người phê chuẩn luật về an tử và trợ tử là đồng lõa với tội trọng" và "phạm tội gây xi-căng-đan vì những luật này góp phần làm biến dạng lương tâm, thậm chí của các tín hữu". Do đó, giúp đỡ tự tử là "một sự hợp tác thái quá vào một hành động bất hợp pháp". Việc áp dụng an tử vẫn không thể được chấp nhận ngay cả khi sự tuyệt vọng hoặc đau khổ có thể giảm nhẹ và thậm chí không quy trách nhiệm cá nhân cho người yêu cầu nó. "Do đó, đây luôn là một lựa chọn sai lầm" và các nhân viên y tế không bao giờ có thể cộng tác "thực hiện bất kỳ hành động an tử nào dù đương sự yêu cầu, huống chi là người thân của họ". Do đó các luật hợp pháp hóa an tử là không đúng. Những lời cầu xin của những bệnh nhân bệnh nặng cầu xin cái chết "không được" hiểu là một "biểu hiện của một ý muốn thực sự muốn chết" mà là một lời cầu xin giúp đỡ và tình thương.

 

Không “cố” điều trị

Tài liệu giải thích rằng "bảo vệ phẩm giá của cái chết có nghĩa là loại trừ sự dự đoán về cái chết cũng như sự trì hoãn nó bằng cái gọi là ngoan cố điều trị", được thực hiện bởi phương tiện y học hiện đại, có thể "trì hoãn cái chết một cách nhân tạo, mà trong một số trường hợp bệnh nhân không nhận được một lợi ích thực sự". Và do đó, trước một cái chết không thể tránh khỏi, "việc quyết định từ bỏ các phương pháp điều trị chỉ giúp kéo dài tuổi thọ một cách bấp bênh và đau đớn là điều chính đáng", nhưng không dừng những chăm sóc bình thường mà bệnh nhân phải được có. Do đó, việc từ bỏ các phương tiện đặc biệt và không cân xứng là thể hiện sự chấp nhận thân phận con người khi đối mặt với cái chết. Nhưng cung cấp thức ăn và nước uống phải được đảm bảo hợp lý bởi vì "sự chăm sóc cơ bản một người phải nhận được là cung cấp thực phẩm và chất lỏng cần thiết". Điều quan trọng là các giai đoạn dành riêng cho chăm sóc giảm đau, "một công cụ quý giá và không thể thiếu" để đồng hành cùng bệnh nhân: việc áp dụng các phương pháp điều trị này làm giảm đáng kể số người yêu cầu an tử. Trong số các dịch vụ chăm sóc giảm đau, không bao giờ có thể bao gồm khả năng an tử hoặc trợ tử; tài liệu cũng bao gồm sự hỗ trợ tinh thần cho người bệnh và gia đình của họ.

 

Giúp đỡ gia đình

Trong điều trị, cần để bệnh nhân không cảm thấy mình là gánh nặng, nhưng để họ "có sự gần gũi và yêu thương của những người thân yêu của mình. Trong nhiệm vụ này, gia đình cần sự giúp đỡ và phương tiện đầy đủ”. Do đó, điều cần thiết là các quốc gia “thừa nhận chức năng xã hội cơ bản và nền tảng của gia đình và vai trò không thể thay thế của nó trong lĩnh vực này, bằng cách cung cấp các nguồn lực và cấu trúc cần thiết để hỗ trợ nó”.

 

Chăm sóc trước khi sinh và nhi khoa

Ngay từ khi được thụ thai, những đứa trẻ bị dị tật hay bất cứ dạng bệnh lý nào "là những bệnh nhi nhỏ bé mà y học ngày nay luôn có thể hỗ trợ và đồng hành theo cách trân trọng sự sống." Lá thư giải thích rằng "trong trường hợp mắc các bệnh lý trước khi sinh mà chắc chắn sẽ dẫn đến tử vong trong một thời gian ngắn - và trong trường hợp không có các liệu pháp có khả năng cải thiện tình trạng sức khỏe của những đứa trẻ này, thì chúng không nên bị bỏ rơi không được trợ giúp, nhưng chúng phải được đồng hành cho đến khi chết tự nhiên” mà không bị ngừng cung cấp dinh dưỡng và nước. Những từ này cũng có thể được dùng để chỉ một số tin tức thời sự gần đây. Tài liệu cũng lên án việc sử dụng "việc chẩn đoán trước khi sinh, đôi khi gây ám ảnh" và nền văn hóa thù địch với tình trạng khuyết tật thường dẫn đến việc lựa chọn phá thai, điều vốn "không bao giờ là hợp pháp".

 

Đưa vào hôn mê sâu

Để giảm đau cho người bệnh, liệu pháp giảm đau sử dụng các loại thuốc có thể gây mất ý thức. Giáo hội "khẳng định tính hợp pháp của thuốc an thần như là một phần của phương pháp điều trị dành cho bệnh nhân, để những giây phút cuối đời có thể đến trong sự bình an nhất có thể". Điều này cũng đúng trong trường hợp các phương pháp điều trị "đưa người bệnh đến gần với giờ chết (dùng thuốc an thần giảm đau đưa vào hôn mê sâu trong giai đoạn cuối), luôn luôn, trong mức độ có thể, với sự đồng ý của bệnh nhân". Nhưng thuốc an thần không thể được chấp nhận nếu nó được sử dụng để gây ra "cái chết trực tiếp và cố ý".

 

Trạng thái thực vật hoặc có ý thức tối thiểu

"Suy nghĩ cho rằng những người còn tự thở nhưng không còn ý thức là dấu hiệu cho thấy họ không còn là một con người với tất cả phẩm giá của họ" là suy nghĩ luôn luôn sai lầm. Ngay cả trong tình trạng "thiếu ý thức kéo dài, được gọi là trạng thái thực vật hoặc trạng thái ý thức tối thiểu", bệnh nhân "phải được công nhận giá trị của mình và được hỗ trợ chăm sóc đầy đủ", có quyền được cung cấp dinh dưỡng và nước. Tài liệu thừa nhận rằng ngay cả khi "trong một số trường hợp, các biện pháp này có thể trở nên không cân xứng", bởi vì chúng không còn hiệu quả hoặc do các phương tiện để thực hiện chúng tạo ra gánh nặng quá mức. Văn bản cho rằng cần phải cung cấp "hỗ trợ đầy đủ cho các thành viên trong gia đình trong việc mang gánh nặng kéo dài khi hỗ trợ người bệnh trong tình trạng thực vật".

 

Sự phản đối của lương tâm

Cuối cùng, lá thư yêu cầu lập trường rõ ràng và thống nhất từ ​​phía các Giáo hội địa phương về những vấn đề này, và mời gọi các cơ sở y tế Công giáo làm chứng tá, hạn chế các hành vi "rõ ràng là trái đạo đức". Các luật chấp thuận an tử "không tạo ra các nghĩa vụ lương tâm" nhưng "chúng gợi lên một nghĩa vụ nghiêm túc và chính xác chống lại chúng thông qua sự phản đối của lương tâm". Bác sĩ "không bao giờ chỉ là người thi hành ý muốn của bệnh nhân" nhưng luôn giữ "quyền và nghĩa vụ tự do không làm những điều trái với điều tốt lành luân lý được lương tâm nhận thấy". Mặt khác, cần nhắc lại rằng không tồn tại "quyền tự ý định đoạt tính mạng của mình, vì vậy không nhân viên y tế nào có thể là người giám hộ thực hiện một quyền không tồn tại". Điều quan trọng là các bác sĩ và nhân viên y tế phải được đào tạo để có sự đồng hành Ki-tô giáo đối với người hấp hối, như các sự kiện kịch tính gần đây liên quan đến dịch Covid-19 đã cho thấy. Đối với những người yêu cầu an tử, sự đồng hành thiêng liêng và bí tích "cần là một sự gần gũi luôn luôn mời gọi hoán cải", nhưng "không được có cử chỉ bên ngoài nào có thể bị hiểu là đồng thuận với an tử, ví dụ như ở lại, hiện diện trong giây phút trợ tử được thực hiện. Sự hiện diện này chỉ có thể được hiểu là sự đồng lõa”.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Bài cùng chuyên mục:

Sáu điều tín hữu nên biết về Chúa Nhật Lễ Lá (22/03/2024 13:51:11 - Xem: 182)

Sau đây là 6 khía cạnh chính yếu về Chúa Nhật Lễ Lá chúng ta nên biết khi chuẩn bị tâm hồn cử hành ngày quan trọng này.

Đàng Thánh Giá Qua 14 Cơn Cám Dỗ (27/02/2024 07:06:02 - Xem: 564)

“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy.” (Lc 9,23)

Chẩn đoán những nguyên nhân gây nguy hại cho các giáo xứ (02/02/2024 14:49:37 - Xem: 568)

Chúng ta hãy làm việc để đổi mới và cứu rỗi mọi người. Đây là những điều có thể thúc đẩy chúng ta xây dựng một Giáo Hội lành mạnh hơn và một Thân Thể Chúa Kitô khỏe mạnh hơn.

Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không? (20/01/2024 07:34:48 - Xem: 467)

Người Công Giáo có luôn bị buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không? Tuyên ngôn Fiducia Supplicans đã gây xôn xao và chia rẽ người Công Giáo.

Phóng sự: Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ (13/12/2023 08:04:22 - Xem: 505)

Việc sử dụng Mạng xã hội cách phổ biến khắp nơi như thế đã mang lại những gì cho nhân loại hôm nay, đặc biệt là cho giới trẻ?

Lời Chúa lớn lên với người đọc (20/09/2023 08:49:51 - Xem: 723)

Theo mạc khải Do Thái – Kitô giáo, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa lên tiếng nói, đối thoại với nhau và với tạo vật.

Liệu tôi có thể tin tưởng các sách Phúc âm chăng? (20/08/2023 07:19:51 - Xem: 757)

Liệu tôi có thể tin tưởng các sách Phúc âm chăng? Câu trả lời ngắn gọn là “Có”. Câu trả lời dài là, điều này rất hấp dẫn.

Câu chuyện “con lừa” và “người thợ vườn nho” (09/08/2023 05:44:01 - Xem: 866)

Tôi tiến bước, như con lừa vùng Giêrusalem mà Đấng Mêsia, vào ngày Lễ Lá, đã cưỡi lên như một ông vua hiền lành.

Chủng sinh giữa môi trường sống hôm nay (31/07/2023 07:52:48 - Xem: 1,075)

Các linh mục không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế này...

Các bai Thường huấn dành cho Giáo dân (03/07/2023 08:02:47 - Xem: 1,099)

Tại Giáo Hội địa phương, người giáo dân không có chỗ để lên tiếng và hành động, “do một chủ trương giáo sĩ trị thái quá khiến họ không được tham gia vào việc làm các quyết định

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7