Thứ Hai 16/09/2024 – Thứ Hai tuần 24 thường niên. – Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ – Niềm tin vững mạnh.
- In trang này
- Lượt xem: 4,005
- Ngày đăng: 15/09/2024 10:00:00
Niềm tin vững mạnh.
16/09 – Thứ Hai tuần 24 thường niên. – Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ
“Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.
* Thánh Cornêliô làm giám mục giáo phận Rôma năm 251. Người đã chống lại giáo phái Novaxianô. Chưa được bao lâu, người bị hoàng đế Ganlô bắt đi đầy ở Xivitavéckia và đã qua đời ở đây (253). Người đã được thánh Síprianô kính trọng và quý mến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ IV, Hội Thánh Rôma đã mừng lễ thánh Conêliô trong chính hang mộ của người vào ngày lễ thánh Síprianô.
Thánh Xíprianô sinh tại Cácthagô quãng năm 210, trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận đức tin, làm linh mục, rồi làm giám mục năm 249. Trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Valêrianô, người bị lưu đày, rồi ngày 14 tháng 9 năm 258, người chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Các thư từ và các tác phẩm của người viết ra cho thấy người có tâm hồn của một vị mục tử đích thực, luôn đứng ở chỗ nguy hiểm nhất để nâng đỡ các anh em đang phải chịu bách hại và để duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Trong mọi việc, người lo nêu gương sáng về lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô.
Lời Chúa: Lc 7, 1-10
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum.
Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”.
Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không ba
xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.
Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Cứ nói một lời
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Viên đại đội trưởng ở đây là người coi một trăm quân.
Ông đã nghe đồn về khả năng chữa bệnh của Đức Giêsu.
Nhưng ông chẳng hề dám gặp mặt Ngài,
vì ông biết mình là dân ngoại, bị người Do Thái coi là nhơ uế.
Bởi tình thương đối với anh nô lệ mà ông yêu quý,
ông đã mạnh dạn nhờ các kỳ mục Do Thái xin Đức Giêsu đến nhà ông
để cứu sống anh nô lệ đang bệnh nặng gần chết (cc. 2-3).
Sau khi nghe kể lại những điều tốt đẹp viên sĩ quan Rôma này đã làm,
Đức Giêsu liền lên đường đến nhà ông ấy để chữa bệnh (cc. 4-6).
Khi Đức Giêsu còn trên đường, vị sĩ quan này đã suy nghĩ và đổi ý.
Ông chẳng những thấy mình không đáng đến gặp mặt Ngài
mà còn không đáng đón Ngài vào nhà mình nữa,
căn nhà vẫn bị coi là ô uế của một người dân ngoại (c. 6).
Ông muốn ngăn Ngài lại trước khi Ngài đến nhà ông,
nên đã sai một số bạn hữu ra gặp Ngài trên đường (c. 6).
Nơi ông bùng cháy một niềm tin mạnh mẽ.
Ông tin rằng chẳng cần Ngài vào nhà ông và gặp anh nô lệ sắp chết.
Chỉ cần Ngài nói một lời cũng đủ làm cho anh ta lành mạnh (c. 7).
Viên đại đội trưởng tin vào sức mạnh của lời Đức Giêsu.
Đối với ông, lời ấy có uy lực như một mệnh lệnh.
Là một sĩ quan trong quân đội Rôma
ông hiểu thế nào là sự phục tùng của lính tráng dưới quyền.
“Tôi bảo người này: “Đi!” là nó đi; bảo người kia: “Đến!” là nó đến;
và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!” là nó làm.” (c. 8).
Lệnh được ban ra là phải thi hành.
Viên đại đội trưởng tin rằng lời của Đức Giêsu cũng thế.
Chỉ cần một lời cũng đủ làm cơn bệnh nguy tử phải thoái lui.
Đức Giêsu ngỡ ngàng trước một lòng tin mạnh mẽ như vậy.
Khó lòng tìm thấy lòng tin đó nơi cộng đoàn dân Ítraen (c. 9).
Ngài đã không đến nhà viên sĩ quan,
chẳng gặp mặt ông, cũng chẳng nói lời nào.
Chỉ biết là sau đó anh nô lệ đã được khỏi (c. 10).
Ở đâu ta cũng gặp những người như viên sĩ quan Rôma.
Họ có thể là mẫu mực cho các Kitô hữu về sự khiêm hạ và tín thác.
Nhiều con người hôm nay, có tấm lòng thật tốt như viên sĩ quan,
nhưng vẫn ngại chưa dám mời Chúa vào nhà,
chưa dám trực tiếp gặp mặt Chúa,
chỉ dám nói chuyện với Ngài qua trung gian.
Nhưng họ có thể đã mang trong mình một niềm tin kiên vững
và đã có kinh nghiệm về sự chữa lành kỳ diệu của Ngài.
“Tôi không đáng được Ngài vào nhà tôi, chỉ xin Ngài nói một lời…”
Có khi chúng ta đã đánh mất ý thức về sự linh thánh khi rước Chúa.
Có khi chúng ta chẳng tin mấy vào quyền năng của Lời Ngài.
Xin có được lòng tin đơn sơ như một người dân ngoại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thuong của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Suy niệm 2: Đức tin mãnh liệt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thật đáng ngưỡng mộ đức tin của viên đại đội trưởng ngoại đạo. Đức tin tinh tuyền và nguyên sơ nhận Chúa là Chúa tể muôn loài. Các vị thần thánh khác chỉ có thể hầu cận phụng lệnh Người. Chúa toàn năng, chỉ cần “phán một lời” mọi thần thánh phải tuân hành và mọi sự đều hoàn thành. Đức tin sống động và cụ thể. Ngoại đạo nhưng ông giúp xây hội đường cho người Do Thái. Đức tin biểu lộ trong đức bác ái hoàn hảo. Ông yêu quí người nô lệ. Thật đặc biệt. Vào thời đó người ta coi nô lệ như súc vật, chỉ có việc phục dịch, như món hàng để mua bán, miễn có tiền là có quyền trên nô lệ, như dụng cụ, hư hỏng là vứt bỏ, thậm chí có quyền hành hạ và giết chết mà không có tội trước pháp luật. Thế mà ông yêu quí người nô lệ. Yêu quí đến nỗi phải đi cầu xin Chúa chữa cho nó. Đức tin cư xử tế nhị. Không phiền Chúa bước vào nhà ông, người ngoại. Vì sẽ bị ô uế. Đức tin của ông quả thật đáng cho ta noi gương bắt chước.
Thánh Phao-lô khuyên nhủ ta hãy noi gương đức tin của ông. Tin Chúa có quyền tuyệt đối trên vua chúa trần gian. Tin Chúa nên hãy cầu nguyện cho mọi người. Và chính Chúa sẽ cho vua chúa trần gian được biết xây dựng hòa bình và người dân được an cư lạc nghiệp. Cầu nguyện cho vua chúa được noi gương viên sĩ quan ngoại đạo. Biết thương dân. Biết lo cho dân. Biết xây dựng đoàn kết. Phần chúng ta, nếu chúng ta có đức tin, siêng năng cầu nguyện thì tâm hồn ta sẽ có đức bác ái “tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (năm lẻ).
Ngài than phiền giáo dân Cô-rin-tô vì họ thiếu đức tin. Đến dự tiệc Thánh Thể mà không nhìn thấy Chúa. Đến dự tiệc Thánh Thể mà không cảm nhận mình được hiệp thông với Mình Máu Chúa, chỉ nghĩ rằng đi ăn tiệc vật chất. Vì thiếu đức tin nên họ cũng thiếu đức bác ái. Đi dự tiệc Thánh Thể nhưng chỉ biết phần ai nấy dùng và vì thế nhiều anh em bị đói bụng ra về. Ước gì giáo dân Cô-rin-tô biết noi gương viên sĩ quan ngoại đạo. Biết quan tâm đến người yếu kém. Biết tế nhị đừng sỉ nhục người nghèo. Biết chia sẻ bữa tiệc thánh. Nhất là biết cử hành Thánh Thể với đức tin. Tin Chúa hiện diện trong Thánh Thể thì họ sẽ biết kính trọng người khác. Sống bí tích Thánh Thể thì họ sẽ biết chia sẻ như Chúa. Và sẽ biết yêu thương hợp nhất. Vì Chúa chết để qui tụ muôn người (năm chẵn).
Vậy mỗi khi đọc lời kinh của viên đại đội trưởng ngoại đạo: “Lạy Chúa con chẳng đáng…” ta hãy bắt chước ông có một đức tin sâu xa, tin Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chính đức tin chân chính sẽ mở tâm hồn ra trong đức bác ái, để ta biết yêu thương mọi người, từ quan quyền tới người nghèo khổ, và nhất là biết chia sẻ với mọi người.
Suy niệm 3: Sức Mạnh Của Lời Chúa
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta Suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản.
"Xin Ngài chỉ nói một lời". Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: "Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị". Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên của thông tin. Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi, thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời dối trá của chính trị gia; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người.
Trong một hoàn cảnh như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ.
Nguyện xin Chúa, Ðấng nói một lời thì linh hồn chúng ta được lành mạnh, ban sức mạnh, để chúng ta can đảm sống và nói lời Ngài, nhờ đó những người xung quanh nhận ra phép lạ của Ngài.
Suy niệm 4: Sức Mạnh Của Niềm Tin
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Năm 2002, trước khi Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời, trong thời gian ngài bị bệnh, không riêng gì người công giáo Việt Nam mà có lẽ cả thế giới công giáo đều quan tâm theo dõi và cầu nguyện cho sức khỏe của Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch hội đồng Tòa Thánh Công Lý Hòa Bình. Trước khi lên bàn mổ lần thứ hai, Ðức cố hồng y đã đi hành hương đến mồ thánh Piô năm dấu, người vừa được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 16/6/2002. Phép lạ về phương diện y khoa cho tới giờ phút này vẫn chưa xảy ra nhưng nụ cười vẫn không bao giờ tắt trên môi Ðức hồng y, đó là điều mà nhiều người xem như một phép lạ. Ðức cố hồng y xem những tháng ngày trên giường bệnh là một ơn đặc biệt Chúa ban cho ngài. Phải chăng đây không là sự hoàn tất của con đường thập giá mà Ðức Mẹ đã báo trước cho ngài? Ðức cố Hồng y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận không những đã làm vẻ vang Giáo Hội và dân tộc Việt Nam mà ngài còn là một mẫu mực đức tin cho chúng ta. Ðức tin, đó là ơn trọng đại nhất mà chúng ta phải không ngừng cầu xin.
Trong câu chuyện phép lạ được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đề cao lòng tin của viên sĩ quan người La Mã. Người sĩ quan này không đòi hỏi Chúa Giêsu phải đến tận nhà ông mà chỉ xin Chúa phán một lời thì cũng đủ sức chữa lành người đầy tớ của ông. Lời của viên sĩ quan này biểu lộ một niềm tin sâu sắc đến độ đã được Giáo Hội mượn làm lời tuyên xưng của chúng ta trước khi đến rước Chúa vào lòng.
Quả thật, chúng ta cần được Chúa chữa trị tâm hồn. Sức khỏe phần xác là điều cần thiết cho cuộc sống nhưng sức khỏe của linh hồn mới là điều quan trọng hơn. Có tất cả mọi sự, có sức khỏe thể xác nhưng linh hồn bại hoại thì được ích gì.
Nguyện xin Chúa cứu chữa tâm hồn chúng ta để giữa bệnh tật khổ đau và mất mát trong cuộc sống chúng ta vẫn một lòng tin tưởng nơi tình yêu quan phòng của Chúa.
Suy niệm 5: Một đức tin lạ lùng
Một viên đại đội trưởng kia có một người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. (Lc. 7, 2-3)
Đây không chỉ là một đức tin tuyệt vời mà Đức Kitô gặp thấy ở vị đại úy xin Người cứu chữa kẻ nô lệ của ông, đây còn là một đức tin lạ lùng làm kinh ngạc chúng ta khiến chúng ta phải thán phục chừng nào.
Vì thế Đức Giêsu đã quả quyết Người chưa gặp thấy lòng tin nào mạnh như thế, ngay cả trong dân Is-ra-el. Một đại úy của đế quốc Rô-ma có một kẻ nô lệ đau nặng, ông nghe đồn về một Đức Giêsu đầy quyền năng và lòng nhân hậu. Ông không dám đến gặp Người, hẳn ông ý thức rõ về địa vị của ông trong đế quốc đang thống trị dân Do-thái, không đáng đón nhận một ân huệ cho những kẻ thuộc quyền ông, dù Người cởi mở và hiếu khách. Nghĩ thế, nên ông đã nhờ những kỳ mục Do-thái làm trung gian dễ gần gũi Đức Kitô hơn. Các ông này có địa vị khá cao nên đến xin Đức Giêsu nhận lời xin của vị đại úy là người yêu quý dân Do-thái, chính ông đã xây hội đường Ca-pha-na-um bằng chính tiền của ông.
Chúa không từ chối lời cầu. Lập tức, Người lên đường. Người không kỳ thị dân tộc. Người làm ơn cho hết mọi dân tộc. Người sẽ đến đó để giúp đỡ và lắng nghe. Lúc đó lại xảy ra một biến cố đáng ngạc nhiên: viên đại úy nhờ các bạn hữu của ông đến thưa với Chúa: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Đó là lý do tôi nghĩ mình không xứng đáng đến gặp Ngài, nhưng xin Ngài cứ phán một lời thì đầy tớ tôi được khỏi”.
Câu nói vắn gọn lạ lùng đó, chúng ta đã lập lại mỗi khi lên rước Mình Thánh Chúa Giêsu, có làm cho chúng ta tin mạnh mẽ sâu thẳm như vị đại úy đó không? Ông không ở gần Đức Giêsu, nhưng ngay lập tức ông đã tin mạnh mẽ lạ lùng. Đức Giêsu đã ngây ngất thán phục trước đức tin của ông và đón nhận ông như môn đệ của Người.
Còn chúng ta, có thực, đức tin có liên kết chúng ta với Đức Kitô không? có thực, đức tin có giúp chúng ta tận hiến cho Người không?
GF
Suy niệm 6: Đức tin của người dân ngoại
Xem lại CN 9 TN C - thứ Hai tuần 4 MV và tuần 4 MC - thứ Bảy tuần 12 TN
Tại các trung tâm hành hương, chúng ta vẫn thấy đây đó các bảng ghi ơn của những người ngoài Công Giáo như sau: “Con là kẻ ngoại đạo, con xin tạ ơn Chúa ... ”; “Tạ ơn Chúa... đã cứu giúp con, mặc dù con là người lương dân”. Điều này được thấy rất rõ ở trung tâm hành hương cha F.x. Trương Bửu Diệp tại Giáo phận Cần Thơ hay đền cha thánh Phêrô Lê Tùy thuộc Giáo phận Hà Nội.
Thật vậy, vẫn còn đó những người lương dân, đôi khi lại có niềm tin mạnh hơn cả những người Công Giáo. Đây là điều chúng ta nên hồi tâm và suy nghĩ lại về đời sống đức tin của mình với Thiên Chúa!
Hôm nay, Đức Giêsu cũng khen ngợi đức tin của một viên sĩ quan ngoại giáo ở Rôma.
Khi nghe tin quyền năng và tốt lành của Đức Giêsu, ông đã truyền lệnh cho mấy trưởng tế đến để cầu cứu Đức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của mình đang đau nặng. Khi được tin, Đức Giêsu muốn đích thân đến để cứu giúp đầy tớ của ông. Tuy nhiên, ông không dám mời Ngài về nhà mình, vì lý do nhận thấy mình không xứng đáng để được Đức Giêsu đến nhà. Ông chỉ dám xin Ngài phán một lời thôi thì đầy tớ ông sẽ được bình phục. Thấy được đức tin của ông mạnh và sự khiêm nhường thẳm sâu của ông, nên Đức Giêsu đã ra tay cứu giúp cho người đầy tớ thân tín của ông.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Giêsu. Sẵn sàng giúp đỡ những người đang cần đến chúng ta, mặc cho họ là ai, cùng niềm tin với mình hay không...! Mặt khác, sự xuất hiện và hành động của viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc ta bài học về tình yêu không biên giới, đã thương xót thì không phân biệt chủ - tôi, giai cấp... Đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa trong sự khiêm nhường, tín thác.
Sự khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối của viên sĩ quan khi xưa, nay đã trở thành mẫu mực cho mọi người chúng ta, đến nỗi trong phụng vụ thánh lễ đã lấy lại lời này như một tâm tình của con cái Giáo Hội khi chuẩn bị đón nhận Mình Thánh Chúa vào trong tâm hồn của mình: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Mong sao lời tuyên tín này mang lại cho chúng ta sự khiêm tốn, tin tưởng, bình an, hạnh phúc đích thực chứ không chỉ là một công thức phải đọc như một thói quen mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin, sự khiêm tốn và lòng bao dung cho chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Khiêm tốn và tín thác cầu xin
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Nhận biết mình hèn kém bất xứng và hết lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa, đó là niềm tin của viên đại đội trưởng mà Chúa Giêsu đã khen ngợi và mời gọi ta bắt chước.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong quãng đời mục vụ của Chúa, con nghĩ một trong những điều làm cho Chúa vui thích đó là câu chuyện hôm nay: một viên sĩ quan lương dân đã bày tỏ niềm tin nơi Chúa, một niềm tin đơn sơ, khiêm nhường và mạnh mẽ. Chúa đã khen ngợi và đáp lời ông cầu xin.
Con tự hỏi, đối với con là người theo đạo Chúa, con thực sự có được một niềm tin như thế chưa ?
Lạy Chúa, con phải thú nhận rằng đức tin của con còn quá yếu kém, bởi vì con chưa nhận ra mình là kẻ tội lỗi rất cần đến lòng thương xót của Chúa. Con thiếu lòng cậy tin vào Chúa, bởi vì con vẫn tin vào quyền lực của tiền bạc và địa vị hơn là chính Chúa. Con cầu xin không được như ý là bởi vì con chưa khiêm nhường đủ, thiếu kiên nhẫn và đầy ích kỷ.
Lạy Chúa, trong thánh lễ hằng ngày, con bắt chước viên sĩ quan để thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Xin Chúa đến với con dù con bất xứng. Xin Chúa thương xót con vì con tội lỗi. Xin Chúa dùng con như khí cụ bình an của Chúa dù con chỉ là tôi tớ mọn hèn. Và trong những cơn gian nan thử thách, những khi cô đơn tuyệt vọng, những lần ê chề sa ngã, xin cho con vẫn một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, vì con tin rằng chính những lúc con yếu đuối nhất, lại là những lúc con mạnh mẽ nhất trong ơn Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.
Suy niệm 8: Niềm tin khiêm nhường, đơn sơ nhưng mãnh liệt
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trên một rặng núi đá cao đến 800 thước có những cây lá cọ vẫn sống mạnh. Ban đầu qua nhiều năm, các nhà thực vật nghiên cứu và không tìm được nguyên nhân vì sao mà các cây này sống được trong bóng tối của núi đá, vì mặt trời chỉ chiếu vào chỗ các cây này chỉ trong hai tiếng đồng hồ mỗi ngày, trong lúc cây lá cọ sống nhờ nhiều vào ánh nắng mặt trời.
Về sau các nhà thực vật đã tìm ra nguyên nhân: Các vách đá đã thu nhận ánh sáng mặt trời cũng như hơi nóng ban ngày rồi phản chiếu vào chỗ những cây cọ này, cung cấp cho cây hơi nóng cần thiết tỏa ra từ trong đá. Cho nên, hàng cây cọ cứ sống mạnh, dù hoàn cảnh thật là khó khăn cho những cây ấy tồn tại trong điều kiện khó khăn đối với họ nhà cọ như thế. Cũng như các cây lá cọ này, người tin Chúa, luôn được nuôi sống và đứng vững trong mọi hoàn cảnh…
Suy niệm
Viên đội trưởng Rôma là người ngoại giáo nhưng ông mạnh tin và xin Ðức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ đang bệnh nặng. Ông không dám đòi hỏi Chúa đến tận nơi, khi khiêm tốn nhận ra bất xứng và không dám rước Ngài vào nhà mình chỉ xin “Thầy phán một lời”. Trước niềm tin mạnh mẽ và khiêm tốn của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu tỏ ra hài lòng và thán phục niềm tin mạnh mẽ của một người ngoại giáo: Một niềm tin khiêm nhường, đơn sơ nhưng mãnh liệt!.
Phép lạ đã xảy ra như lòng ông mong ước… Chính lời tuyên xưng của ông: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi… nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”, đã được Giáo hội mượn để tuyên xưng trong cộng đoàn phụng vụ khi chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Ngày nay, Ðức Giêsu không còn hiện diện hữu hình như xưa, nhưng qua bí tích Thánh Thể, qua Thánh Thần và Lời của Ngài vẫn ở bên con người. Chúng ta cần có đức tin mạnh như viên đội trưởng, tin Chúa có thể làm việc trong chúng ta: Hướng dẫn và trợ giúp, nuôi dưỡng chúng ta hằng ngày trong cuộc sống như Ngài đã làm cho ước muốn viên đại đội trưởng chữa lành người đầy tớ của ông.
Xin cho chúng con đức tin chân thành mạnh mẽ…
Ý lực sống
“Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị” (Tv 106).
Suy niệm 9: Tôi không đáng rước Ngài
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Nghe tin Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, một sĩ quan ngoại giáo liền cậy nhờ những người làm lớn trong dân Do thái đế xin Chúa chữa đầy tớ yêu quí của ông đang hấp hối. Và các ông đã đến trình cho Chúa biết lai lịch của viên sĩ quan này. Tuy ông là người ngoại đạo, nhưng ông rất có thiện cảm với đạo giáo. Rồi các ông nài xin Chúa đến cứu chữa đầy tớ của ông. Chúa nhận lời.
Người còn đi dọc đường thì viên sĩ quan nhờ bạn hữu đến thưa không dám rước Người về nhà, chỉ xin Người phán một lời cho người bệnh được khỏi, như ông sai bảo binh lính và đầy tớ làm gì là họ làm theo. Chúa thấy viên sĩ quan này có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường như thế thì khen ngợi, và đã làm phép lạ cho đầy tớ ông được khỏi bệnh.
2. Trong Tin Mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giêsu khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giêsu khen ngợi niềm tin của một sĩ quan Rôma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này. Điều lạ ở đây là người được Chúa Giêsu ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do thái, cũng không phải là một đạo hữu Do thái mà là một kẻ ngoại đạo cầm quyền đô hộ dân Người.
Với những gì thánh Luca tường thuật, chúng ta dễ nhận ra rằng, Chúa Giêsu không quá phân biệt người có đạo hay kẻ ngoại, mà Chúa nhìn thấy tâm hồn của mỗi người... Điều mà Chúa khen tặng và sẵn sàng chữa lành hôm nay, chính là lòng tin, sự khiêm nhường cùng một số các đức tính khác mà chúng ta sẽ triển khai dưới đây.
3. Niềm tin của vị sĩ quan.
Lời của viên sĩ quan: “Vì tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi cùng có lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; tôi bảo nguòi khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”(Lc 7,8).
Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do thái tin bệnh tật là do tà thần và sự sữ).
Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giêsu mới có thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp (Hiền Lâm).
4. Lòng thương người của vị sĩ quan.
Ông thương bằng cách sẵn sàng chịu cực đủ thứ để mong cứu nó. Theo luật pháp Rôma, một “nô lệ” được định nghĩa một “đồ dùng”, không có quyền pháp định nào. Chủ nhân có quyền tự do sinh sát đối với người nô lệ của mình. Một văn sĩ Rôma chuyên về quản lý gia cư có lời khuyên những chủ trại mỗi năm nên kiểm kê các vật dụng và cũng khuyên họ ném bỏ bớt những món gì cũ kỹ, bể nát, “kể cả” những nô lệ già yếu không sử dụng được nữa. Có biết được như thế, chúng ta mới thấy thái độ của viên sĩ quan Rôma này đối với nô lệ là quá phi thường.
5. Sự khiêm nhường của vị sĩ quan.
Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho người tôi tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một vùng của người Do thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, nên ông cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nũa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh” (Lc 7,7).
6. Truyện: Hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Một hôm, Dương Chu sang nước Tống, vào ở trọ một nhà kia. Người chủ nhà trọ có hai nàng hầu, một nàng đẹp, một nàng thì xấu. Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí trọng người thiếp xấu mà khinh rẻ người thiếp đẹp. Lấy làm lạ, không hiểu nổi, Dương Chu mới hỏi thằng bé trong nhà trọ. Thằng bé tiết lộ:
- Người thiếp đẹp, tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chúng tôi chẳng ai nhìn ra cái đẹp của nàng cả. Trái lại người thiếp xấu, tự biết mình là xấu, mà quên xấu, không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu liền gọi học trò đến, dặn:
- Các con nhớ ghi lấy: giỏi mà bỏ được cái thói tự cao mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người yêu quí tôn trọng.
Suy niệm 10: Đức tin của một sĩ quan ngoại đạo
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu chữa bệnh cho đầy tớ một sĩ quan ngoại đạo:
- Ông này có lòng thương người: đầy tớ của ông bệnh mà ông lo lắng như cho con ruột; ông là người rôma nhưng xây cất hội đường cho người do thái.
- Ông cũng khiêm tốn: dù là giới cai trị, ông không ngại hạ mình đến xin Chúa Giêsu là người dân bị trị giúp đỡ mình; ông lại còn nói ông không xứng đáng cho Chúa Giêsu vào nhà ông.
- Đức tin của ông rất mạnh vì ông tin Chúa Giêsu chẳng cần đến nhà ông, chỉ ở xa phán một lời là đầy tớ ông sẽ khỏi.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu sẵn sàng ban ơn cho mọi người dù có đạo hay ngoại đạo, miễn là người đó có lòng tin. Thực tế ngày nay có nhiều người lương tin Chúa và Đức Mẹ, đã xin ơn và được ban cho.
Phần tôi, lắm khi tôi vừa xin vừa hồ nghi không biết sẽ được Chúa ban ơn hay không. Từ nay khi xin ơn Chúa, tôi phải xin với hết lòng tin tưởng.
2. Người sĩ quan này cũng làm gương cho ta về lòng nhân ái: yêu thương đầy tớ, yêu thương người bị trị. Xin cho con biết yêu thương những kẻ dưới quyền, những người kém thế hơn con.
3. Lời ông nói với Chúa Giêsu lại là một tấm gương khác về cách cầu nguyện khiêm tốn. Khi tôi cầu nguyện cùng Chúa, tôi phải bắt chước ông mà nói rằng “Con chẳng đáng”.
4. Chuyện này cũng phải khiến ta ý thức về sức mạnh của Lời Chúa. Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền có những gì Ngài muốn. Chúa Giêsu chỉ ở xa phán một lời thì người đầy tớ kia hết bệnh.
Xin cho Lời Chúa mà con nghe mỗi ngày trở thành thần dược chữa trị mọi bệnh tật linh hồn con.
5. “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi…” (Lc 7,6)
“Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào lòng con. Nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Lời này khơi lên trong lòng tôi niềm mơ ước được rước Chúa. Dù biết mình không trong sạch, nhưng khi Ngài ngự vào linh hồn, tôi lại cảm thấy vững vàng trong đời sống. Sự hiện diện thực sự của Ngài trong Thánh Thể khiến tôi vững tin hơn để chống lại những cám dỗ thường ngày.
Không như người sĩ quan xưa, tôi biết mình có tội nhưng vẫn cầu xin Chúa thường ngự đến cùng tôi. Vì chỉ có Ngài mới là nguồn động viên an ủi nâng đỡ tôi trong từng phút giây.
Lạy Chúa, Ngài biết rõ mọi tật xấu, nhưng Ngài cũng thấu suốt mọi cố gắng từng ngày của con. Xin Ngài rộng lòng thương rửa sạch và ban bình an cho tâm hồn con. (Hosanna)
Suy niệm 11: Viên sĩ quan người Rôma
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Nhân vật chính trong câu chuyện này là một viên sĩ quan người Rôma. Ông là một người tốt.
1. Trước hết, là sĩ quan - ông coi 100 binh sĩ: Một con người có quyền, có chức nhưng ông vẫn thương những người dưới quyền ông.
Sử gia Polybius đã viết về những sĩ quan bách quân đội trưởng như sau: “Họ là những người chỉ huy rất hoạt động, rất đáng tin cậy. Họ không tự tìm nguy hiểm, không quá say mê chiến đấu, nhưng nếu được thúc bách thì họ sẵn sàng kháng cự và chết tại chỗ”.
Trong Tân Ước, cứ mỗi lần có một viên bách quân đội trưởng nào được đề cập đến thì chúng ta thấy họ đều là những người tốt.
2. Ông đã có một thái độ phi thường đối với đầy tớ mình.
Ông thương bằng cách sẵn lòng chịu cực đủ thứ để mong cứu nó.
Theo luật pháp Rôma, một nô lệ được định nghĩa như một đồ dùng, không có quyền pháp định nào. Chủ nhân có quyền tự do sinh sát đối với người nô lệ của mình. Một văn sĩ Rôma chuyên về sự quản lý gia cư có lời khuyên những chủ trại mỗi năm nên kiểm kê các vật dụng và cũng khuyên họ ném bỏ bớt những món gì cũ kỹ, bể nát, kể cả những nô lệ già yếu không sử dụng được nữa.
Có biết được như thế, chúng ta mới thấy thái độ của viên sĩ quan Rôma này đối với nô lệ quả là phi thường.
3. Ông là người rất sùng đạo.
Một người đã xây cất cho dân chúng một ngôi nhà hội, hẳn không phải là một người chỉ có cảm tình hời hợt với đạo.
Thực ra thì người Rôma có khuyến khích các sinh hoạt tôn giáo nhưng không phải là họ thương những người Do Thái mà là vì mục đích chính trị. Họ làm thế là để giữ cho dân chúng khỏi nổi loạn và trật tự luôn được bảo đảm. Còn thâm tâm họ, thì họ coi tôn giáo chẳng khác gì là một loại thuốc phiện mê dân.
Chính Hoàng đế Augustus khi khuyến khích xây nhà hội cho những người Do Thái, ông cũng làm vì mục đích này. Gibbon có lần đã nói: “Các hình thức khác nhau về tôn giáo thịnh hành trong đế quốc Rôma lúc đó đều được dân chúng xem là đúng đắn cả. Các triết gia thì xem là sai lầm, nhưng quan tòa thì xem điều đó là có ích”.
Đối với viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay, thì chúng ta thấy khác hẳn: Rõ ràng ông không cư xử như một nhà chính trị, mà rõ ràng ông là người có nhiệt tâm với tôn giáo.
4. Ông có cảm tình phi thường đối với dân tộc Do Thái.
Người Do Thái khinh dân ngoại và dân ngoại ghét người Do Thái. Đó là một điều mà người Do Thái bình thường nào cũng biết.
Chủ nghĩa chống Do Thái không phải là điều mới lạ. Người Rôma gọi dân Do Thái là một dòng giống dơ bẩn. Họ coi Do Thái giáo là một thứ mê tín man rợ. Họ thường nói với những chủng tộc khác về lòng ghen ghét của họ đối với người Do Thái. Họ tố cáo người Do Thái thờ đầu con lừa và mỗi năm người Do Thái giết một người dân ngoại để cúng tế thần mình.
Riêng đối với viên sĩ quan hôm nay, chúng ta thấy giữa ông và những người Do Thái có một sự thân mật rất chân tình, không có gì là giả tạo.
5. Ông là một người khiêm nhượng.
Ông biết rất rõ rằng, một người Do Thái chính thống bị luật pháp của họ cấm bước chân vào nhà một người dân ngoại.
Ông cũng biết rõ rằng, một người Do Thái chính thống sẽ không cho phép một người dân ngoại bước chân vào nhà mình hay là tiếp xúc với người đó.
Chính vì thế mà ông không dám đích thân đến với Chúa Giêsu, nên đã nhờ các bạn người Do Thái của mình đi gặp ngài.
Đúng là con người đã quen chỉ huy này có một sự khiêm nhu lạ lùng trước sự cao cả thật.
6. Và cuối cùng, ông là người có đức tin lớn.
Đức tin của ông dựa trên luận lý vững chắc nhất.
Ông lý luận từ sự kiện trước mắt đến những điều xa xôi, từ kinh nghiệm của riêng bản thân ông tới Đức Chúa Trời. Nếu quyền bính của ông mà còn có hiệu lực như vậy, thì quyền bính của Chúa Giêsu sẽ công hiệu hơn biết bao.
Ông đã đến với lòng tin cậy hoàn toàn như thể ông nhìn lên và thưa rằng: “Lạy Chúa, tôi biết Ngài có thể làm việc này”. Giáo Hội thật có lý khi mượn chính lời ông mỗi khi cử hành “màu nhiệm đức tin”: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
Tóm lại, ông là một con người đáng cho chúng ta noi gương bắt chuớc. Ông không có đạo những quả thực ông còn tốt hơn rất nhiều người có đạo xưa cũng như nay.
Xin Chúa cho chúng ta được sống tốt như ông, khiêm nhường như ông, nhất là có đức tin mạnh mẽ như ông để chúng ta cũng được Chúa khen như ông.
Lạy Chúa, xin cải hoá lòng chúng con để chúng con được trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.
Suy niệm 12: Đức tin mạnh mẽ của ông sĩ quan
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Ông sỹ quan trong bài Tin Mừng hôm nay không cùng dân tộc với người Do Thái. Chúng ta thấy nơi ông có lòng bác ái thương người. Cụ thể là ông thương tất cả mọi người, nhất là với người đầy tớ thân tín của ông. Vì thế, khi người đầy tớ này của ông bị bệnh gần chết, ông đã sai vài người kỳ lão đến xin Chúa cứu chữa đầy tớ của ông. Đàng khác, do thương tất cả mọi người mà ông quan tâm đến những người Do Thái, không cùng dân tộc với ông. Bằng chứng là ông chẳng những quan tâm đời sống vật chất của họ và còn cả đời sống tâm linh nữa. Do vậy mà đã xây cất hội đường cho người Do Thái để họ có nơi thờ phượng Chúa, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của họ. Ông có quyền của hoàng đế Rôma trao cho, vì lúc này người Do Thái nằm dưới anh đô hộ của đế quốc Lamã, nhưng ông không dựa quyền để hà khắc với dân, làm khổ dân mà ông sống rất tốt với dân, rất nhân hậu đối với dân. Cho nên mọi người yêu mến ông. Vì thế mà họ đến gần bên Chúa, thưa Chúa là hãy thương ông, ban cho ông ơn ông đang xin.
Ông thương người, ông có đức bác ái, nhưng đàng khác, ông có một lòng khiêm nhường thẳm sâu trước mặt Chúa. Ông biết quyền uy của Chúa cao cả, lớn lao vô cùng, mọi lời Chúa phán, mọi việc Chúa làm ra đều mang lại lợi ích tốt lành cho con người chúng ta. Tất cả mọi người đến với Chúa đều được Chúa ban ơn, không ai trở về với bàn tay không. Nhất nữa, người ta đến với Chúa quá đông đảo, vì chỉ ở nơi Chúa, người ta mới tìm được chân lý, lẽ sống, hướng đi cho cuộc đời này để đạt đến cứu cánh đời người sau này. Còn riêng bản thân ông, ông thấy mình là một thụ tạo bất toàn, bất xứng, tội lỗi trăm bề, và quyền của ông đang có trong tay chẳng là gì so với quyền uy của Chúa, nó chỉ là cát bụi, hư vô, thoáng qua mà thôi. Vì thế, khi Chúa đến, không còn cách nhà ông sỹ quan bao xa, thì ông sai mấy người bạn đến thưa với Chúa rằng: “Lạy Thầy, không dám làm phiền Thầy hơn nữa, vì con không xứng đáng được Thầy vào nhà con, cũng như con nghĩ con không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thấy phán một lời, thì đầy tớ của con được lành mạnh. Vì con cũng chỉ là một sỹ quan cấp dưới, con có những lính dưới quyền con, con bảo người này thì nó đi, bảo người khác lại thì nó lại, và bảo đầy tớ con làm cái này thì nó làm” (Lc 7, 6 – 8). Đúng thật ông là một người quá khiêm nhường trước mặt Chúa và ông xưng tụng Chúa là Chúa của ông, Đấng mà ông yêu mến, tôn thờ, cậy trông.
Vì ông có lòng từ tâm với mọi người và khiêm nhường đối với Chúa, cho nên Chúa thương ông và làm phép lạ cứu chữa đầy tớ thân tín của ông được lành bệnh. Chúa đã thưởng công ông và Chúa còn khen ông là một người có đức tin mạnh mẽ vào Chúa (Lc 7, 10). Vì thế, tất cả chúng ta cần học ở ông tấm lòng yêu thương nhau, sống khiêm nhường, cầu nguyện cho nhau và nhất là giúp nhau nên thánh trong cuộc sống. Chúa rất hài lòng khi chúng ta làm được như vậy trong cuộc đời này.
Lạy Chúa, Chúa không đòi chúng con phải dâng cho Chúa nào là tiền bạc của cải vật chất, những thứ cao lương mỹ vị quý hiếm ở trần gian, Chúa chỉ cần chúng con có một tấm lòng nhân hậu từ tâm như Chúa để chúng con sống yêu nhau. Và Chúa cũng muốn chúng con có lòng khiêm nhường trước nhan thánh Chúa, luôn ý thức mình là thụ tạo bất toàn, sống đúng địa vị thấp hèn của chúng con để Chúa thương chúng con hơn. Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 14/10/2024 – Thứ Hai tuần 28 thường niên. – Dấu lạ Gio-na. (13/10/2024 10:00:00 - Xem: 1,322)
Thứ Hai tuần 28 thường niên.
+ Chúa Nhật 13/10/2024 – CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN năm B. – Bỏ mọi sự mà theo Chúa. (12/10/2024 10:00:00 - Xem: 5,114)
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 12/10/2024 – Thứ Bảy tuần 27 thường niên. – Ưu tiên là tuân giữ lời Chúa. (11/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,563)
Thứ Bảy tuần 27 thường niên.
Thứ Sáu 11/10/2024 – Thứ Sáu tuần 27 thường niên. – Quyền năng của Chúa. (10/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,939)
Thứ Sáu tuần 27 thường niên.
Thứ Năm 10/10/2024 – Thứ Năm tuần 27 thường niên. – Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện. (09/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,157)
Thứ Năm tuần 27 thường niên.
Thứ Tư 09/10/2024 – Thứ Tư tuần 27 thường niên. – Chúa Giêsu dạy lời cầu nguyện. (08/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,098)
Thứ Tư tuần 27 thường niên.
Thứ Ba 08/10/2024 – Thứ Ba tuần 27 thường niên. – Con đường yêu Chúa. (07/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,047)
Thứ Ba tuần 27 thường niên.
Thứ Hai 07/10/2024 – Thứ Hai tuần 27 thường niên. – Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (06/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,664)
Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (05/10/2024 10:00:00 - Xem: 7,060)
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
Thứ Bảy 05/10/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Mừng vui đích thực. (04/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,788)
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 141 - Tại sao người Công giáo tôn kính Đức Mẹ?
Có lần con trò chuyện với một bạn Tin Lành. Bạn ấy không tin Đức Mẹ Đồng Trinh. Con không biết phải giải thích cho bạn ấy làm sao?
-
Ước ao được sống đời đời
Con đường theo Chúa Giêsu là con đường của thập giá, nhưng đó cũng là con đường của niềm vui. Chúng ta không được kêu gọi để sống cuộc...
-
Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 28 TN năm B -2024
Như ai đó đã nói: “Chúng ta không thể mang bạc tiền đi theo bên mình, chúng ta chỉ có thể gửi nó đi trước”.
-
Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn
Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện thoại thông minh để tránh những tác động tiêu cực đến sức khỏe, tình...
-
Giàu có, nhưng tất bật
Chúa Giêsu đã nói một điều có thể diễn giải như sau: Lợi ích gì khi được cả thế gian nhưng luôn quá tất bật, quá áp lực để hưởng nó.
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 28 TN năm B - 2024
Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
Thưa cha, con thấy tình yêu thì giống nhau. Trong khi đó, đạo Công giáo có vẻ đề cao tình yêu hơn, nghĩa là có cả một bí tích liên quan...
-
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng…
Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân...
-
Tại sao hôn nhân dễ tan vỡ? 10 nguyên nhân chính và cách ngăn ngừa
Dưới đây là cách đảm bảo cho cuộc hôn nhân của bạn có thể phát triển bất chấp mọi khó khăn mà nó có thể gặp phải.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...