Suy tư - Cảm nghiệm

Chỉ một bát nước lã!

  • In trang này
  • Lượt xem: 697
  • Ngày đăng: 29/06/2023 07:57:29

CHỈ MỘT BÁT NƯỚC LÃ!

 

Chúa không đòi hỏi chúng ta phải cho đi những gì sang trọng, quý giá cho bằng việc chia san mọi sự nhỏ nhoi và thông thường, nhưng với cả tấm lòng của một người môn đệ đúng nghĩa!

 

 

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta một lần nữa “kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, người ấy không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42). Vậy đối với bản tôi, ai là ‘người bé mọn’ và hành động cho ‘một bát nước lã’  với danh nghĩa là môn đệ có nghĩa gì?

 

Trong một lớp giáo lý nọ, một em độ tuổi lớp 3 giơ tay phản ứng, muốn trình bày cho chị giáo lý viên đứng lớp vừa cắt nghĩa xong đoạn Tin mừng trên, em đơn sơ hỏi: dạ thưa cô, nhà em không có nước lã, thế thay vì cho người khác một bát nước lã, em cho họ uống coca-cola được không ạ? Chị giáo lý viên nhoẽn miệng cười và nói: nếu được vậy thì tốt quá!!!

 

Thiết nghĩ, đôi lúc chúng ta cũng có suy nghĩ như em nhỏ trong câu chuyện này mỗi lúc làm việc tốt lành, thánh thiện; tuy vậy chúng ta nên tìm ra ý Chúa muốn nói với mỗi chúng ta trong đoạn Tin Mừng hôm nay một cách thấu đáo có thể nhất.

 

Trước hết, ‘người bé mọn’ chẳng phải chỉ ám chỉ đến những người có thân hình, dáng vóc bé nhỏ như các trẻ em, những ai suy dinh dưỡng, thiếu ăn thiếu mặc; mà ‘người bé mọn’ này có thể là chúng ta đang cần sự chia sẻ, đang cần tình thương, lòng quan tâm, ‘người bé mọn’ này cũng có thể là những người trong gia đình của chúng ta, không hẳn chỉ nhắm tới ai đó ngoài kia đang cần sự giúp đỡ của chúng ta mà thôi. Hơn nữa, ‘người bé mọn’ này là những người thấp cổ bé miệng, chẳng có địa vị, bị xã hội vứt bỏ, bị bỏ mặc trong gia đình, bị bạn bè cô lập…tất cả những ai đang gặp khó khăn, trắc trở, cần đến bàn tay đỡ nâng, đón nhận của chúng ta, cần đến ánh mắt yêu thương đầy lòng cảm mến, cần đến cử chỉ bỏ mình chia san của chúng ta. Và mỗi khi chúng ta làm gì tốt lành cho ‘người bé mọn’ này cũng chính làm cho chính Chúa, như Chúa đã từng nói trong dụ ngôn ngày cánh chung “kẻ nào làm cho một người bé mọn nhất của Ta đây, cũng đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25, 40) và ngược lại, “kẻ nào không làm cho một người bé mọn nhất của Ta đây, cũng đã không làm cho chính Ta” (x. Mt 25, 45). Tương tự điều mà người phụ nữ giàu sang vùng Su-nêm đã nhận ra và đón tiếp nồng hậu tiên tri Ê-li-sha khi ông ghé đến trọ, “bà ấy nói với chồng: này ông! tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một vị thánh nhân của Thiên Chúa…” (x. 2V 4, 9). Thật sự, bà đã nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tiên tri Ê-li-sha, và tất cả mọi việc bà cất công chuẩn bị, bà chia sẻ với tiên tri (người của Thiên Chúa) cũng chính là làm cho Thiên Chúa, “ai đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40).

 

Và đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ đến động lực mỗi khi làm việc bác ái (hay nói theo ngôn từ xã hội: làm việc từ thiện) đó là: tôi đang làm vì lòng mến hay chỉ muốn phô trương? tôi đang làm với danh nghĩa môn đệ của Chúa, hay chỉ muốn phô diễn, giới thiệu danh tánh của nhóm-công ty-tập đoàn của tôi? tôi đang làm đơn giản vì sống giới răn yêu thương, hay muốn cho người khác biết tôi thánh thiện nhường bao và mọi người nên học đòi nơi tôi? Những tư tưởng này ít nhiều diễn ra trong chúng ta. Lắm lúc nó lẫn lộn, khiến chúng ta rối bời không biết đâu là động lực đúng đắn, đâu là điều Chúa muốn mỗi lúc chúng ta sống bác ái.

 

Thật sự, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải cho đi những gì sang trọng, quý giá cho bằng việc chia san mọi sự nhỏ nhoi và thông thường, nhưng với cả tấm lòng của một người môn đệ đúng nghĩa! Mẹ Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta đã từng cảm nghiệm sâu sắc qua lời này: ‘chúng ta không thể làm nên những việc vĩ đại trong đời, nhưng chúng ta có thể thực hiện những điều nhỏ bé với lòng mến lớn lao’ ("In this life we cannot do great things. We can only do small things with great love.”). Nếu chúng ta đối chiếu giữa ‘bát nước lã’ (nội dung chia sẻ/chia san) với hành vi ‘làm với danh nghĩa là môn đệ’ (động lực chia sẻ/chia san), thì chúng ta có thể nhận ra: Chúa không quá chú trọng đến nội dung chia san, cho bằng động lực sẻ chia! Giả như Chúa đòi hỏi chúng ta phải cho ‘người bé mọn’ một lon coca-cola, một chai nước khoáng, một bình nước trái cây…hay thứ gì đắt giá, thì chúng ta có thể kêu trời than đất vì không có khả năng; nhưng đây Chúa chỉ mong mỗi chúng ta cho đi một bát nước lã (một thứ có thể quá bình thường, ai trong chúng ta cũng có thể có hằng ngày, dẫu không có nhiều thì ít!) nhưng với tâm tình của một người môn đệ đích thật của Ngài, cụ thể: là người yêu mến Chúa trên hết mọi sự, hơn cả tình cảm ruột rà, máu mủ, và trung thành vác thập giá mình mà bước theo Chúa mỗi giây phút trong đời (x. Mt 10, 37-38).

 

Giờ đây, chúng ta cùng nhau dành ít thời giờ ngắn ngủi này trở về với lòng mình, nhìn sâu vào con người chúng ta hầu xét mình: mỗi lúc tôi làm bác ái với tâm thế như thế nào? làm với tâm tình như Chúa đã mong muốn tôi làm hay chưa? v.v…

 

                   Lạy Chúa, tuy Chúa chẳng cần

                   Lời con ca tụng ân cần ngày đêm!

                   Nhưng được tụng ca êm đềm

                   Con được gần Chúa, ấm êm cõi lòng.

                   Chân thành con thơ ước mong

                   Sống đời bác ái chẳng trông đáp đền

                   Dẫu rằng cuộc sống lênh đênh

                   Ngài luôn tha thiết cạnh bên con hiền. Amen!

                                               

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THẬT

 

Thoạt tiên đọc Lời Chúa hôm nay, có lẽ ai trong chúng ta đều cảm thấy dường như mâu thuẫn và đối nghịch với văn hoá hướng về gia đình của người Á đông! Tuy nhiên, đọc kỹ rồi suy ngẫm thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn thông điệp Chúa muốn nói với mỗi người là gì.

 

Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Phải chăng, Chúa muốn chúng ta bỏ bê, không yêu thương các bậc sinh thành? Nếu đúng như trên thì điều răn thứ tư trong Thập điều (Mười điều răn): ‘Hãy thảo kính cha mẹ’ là sai ư? Câu trả lời chắc chắn là không. Chúa dạy chúng ta qua sách Huấn Ca: “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng” (Hc 3, 3-4), và qua lời Thánh Phao-lô Tông đồ: “Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Vả lại, Đức Giê-su là người Do Thái, nên hiểu rõ văn hoá Á Đông xoay quanh gia đình, tôn kính và yêu thương cha mẹ.

 

Tuy nhiên, việc yêu mến cha mẹ không quyết định sứ mạng của người môn đệ Đức Giê-su. Thật vậy, người môn đệ đích thật phải đặt Chúa hàng đầu, chứ chẳng phải thứ hạng; và hơn hết “vác thập giá mình theo Thầy,…đón tiếp mọi người,…cho một trong những kẻ bé nhỏ uống, dù chỉ là một chén nước lã,…thì người đó sẽ không mất phần thưởng” (x. Mt 10, 38. 40. 42). Điều này đã được minh chứng hùng hồn qua đời sống đức tin, gương làm chứng cho Chúa của các Thánh Tử đạo Việt Nam. Các ngài đã thí mạng sống vì Chúa bằng cả cuộc sống Tin Mừng yêu thương, thân ái với hết mọi người, kể cả những kẻ bắt bớ, bách hại mình. Đơn cử gương Thánh Linh mục Tô-ma Đinh Viết Dụ (1783 - 1839), ngài nói: ‘Tôi kính mến Thiên Chúa như thượng phụ, kính Vua như trung phụ, và song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột mà hại Vua, tôi cũng không phải vì Vua mà phạm đến thượng phụ là Thiên Chúa”. Còn Thánh Linh mục An-rê Dũng Lạc (1795 - 1839) đã chia sẻ không chỉ là một bát nước mát/nước lã, mà dành phần quà tiếp tế cho mấy anh lính canh. Thánh y sĩ Si-mon Phan Khắc Hoà (1787 - 1840) không ngần ngại quảng đại giúp đỡ người nghèo khó, hỗ trợ miễn phí cho các bệnh nhân túng thiếu. Thánh Ma-ti-nô Trần Ngọc Thọ (1787 - 1840) khẳng khái quả quyết: ‘Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa’. Ngài ra công trồng dâu kiếm tiền giúp đỡ người nghèo; còn Thánh trùm An-tôn Nguyễn Tiến Đích (1769 - 1838) thường xuyên thăm viếng trại cùi, và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch trong nhà. Thánh Linh mục Em-ma-nu-el Nguyễn Văn Triệu (1769 - 1838) đã nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử cho người nghèo, ngài nói: ‘xin cầm tiền này về, gửi cho người nghèo dùm tôi’.

 

Quả thật, gương sống chứng tá, yêu thương Chúa trên hết mọi sự và yêu mến gia đình, chia sẻ với mọi người của các Thánh Tử đạo Việt Nam cũng chính là lời xác quyết của Thánh Phao-lô Tông đồ trong thư gửi cho giáo đoàn Rô-ma: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6, 8). Tuy nhiên, khi nhìn vào cuộc sống thực tế, chúng ta thấy còn rất nhiều người lên tiếng thán phục Chúa, nhưng lại không dám trở nên người môn đệ đích thật của Ngài, chẳng dám bước theo Ngài. Ở một phương diện nào đó, chúng ta đôi lúc cũng giống như trẻ em ngồi xem xiếc vậy. Chuyện kể rằng: Em há hốc miệng ngạc nhiên sửng sốt và trầm trồ khâm phục người biểu diễn đi thăng bằng trên sợi dây mỏng. Khi người ấy nhìn xuống hỏi:

  • Cháu tin rằng tôi có thể vác em mà đi trên sơị dây này không?

Em nhanh miệng đáp:

  • Chắc chắn chú làm được ạ!

Thế nhưng khi người biểu diễn mời em:

  • Vậy cháu lên đây và chú sẽ vác cháu đi trên sợi dây mong manh này.

Nghe thế, em liền sợ hãi, từ chối vì theo em đây thật nguy hiểm!

 

Tóm lại, để trở nên người môn đệ, người Ki-tô hữu đích thật, thì trong danh sách ưu tiêng của chúng ta, Chúa là số một; cụ thể điều này phải được diễn tả qua đời sống đạo, đời sống chứng tá, đời sống bác ái, không chỉ qua lời nói, mà còn qua cách ăn nết ở, qua cách sống theo Lời Chúa răn dạy.

 

Theo Chúa trọn đời, không quay gót

Yêu Ngài hết lòng, bước vững tin.

Nguyện xin tâm trí trung trinh

Dang tay đón nhận đệ huynh một nhà. Amen!

 

Lm. Xuân Hy Vọng

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 397)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 389)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 224)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 420)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 277)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 617)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 701)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7