Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 12 TN năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 873
  • Ngày đăng: 23/06/2023 16:10:04

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN, NĂM A

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta ba lý do tại sao chúng ta không nên sợ hãi và tại sao chúng ta nên can đảm với niềm tin Kitô giáo của mình.

 

 

1/ THÁNH TÊRÊSA CAN ĐẢM

Thánh Têrêsa Avila (1515-1582) nổi tiếng là thần học gia, nhà cải cách Dòng Cát Minh, và hướng dẫn thiêng liêng cho nhà thần bí vĩ đại người Tây Ban Nha, thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591). Nhưng sứ vụ của Têrêsa không được cộng đoàn của chị tin tưởng đón nhận. Các chị em trong dòng đã trở nên lỏng lẻo trong đức tin và đời sống; và khi Têrêsa kêu gọi cải cách, phản ứng của họ là đuổi chị ra khỏi tu viện mà chính chị đã thành lập. Trong một lần kia, Têrêsa bị đuổi ra ngoài vào ban đêm giữa một cơn mưa bão. Chỉ mặc bộ quần áo bằng len thô, chị leo lên một chiếc xe lừa và đang đi thì bánh của chiếc xe lao vào một con mương và chiếc xe bị lật, hất Têrêsa xuống bùn. Chị ấy ngồi đó, trong bộ đồ len ướt sũng bùn đất, ngước nhìn trời và nói: “Lạy Chúa, nếu đây là cách Chúa đối xử với bạn bè của Chúa, thì không có gì lạ khi Chúa không có nhiều bạn!” Tuy thất vọng, nhưng Têrêsa luôn bám chặt lấy Chúa. Trong một bài suy niệm về Kỷ Luật của Chúa Thánh Thần, Têrêsa nói về việc làm thế nào để chúng ta không bị lừa dối bởi vẻ bề ngoài rằng cái ác chiến thắng cái thiện. Chị viết rằng: “Chúa sử dụng Ác quỷ như một viên đá mài cho các Kitô hữu.” Têrêsa không chỉ dạy bài học này mà còn sống theo đó. Chị không bao giờ từ bỏ Chúa, ngay cả khi các chị em trong dòng chống đối chị bằng cách tìm đến các linh mục và giám mục để gây rắc rối cho chị. Chị tiếp tục giảng dạy những gì chị biết là sự thật. Và cuối cùng, Sự thật đã chiến thắng. Mong muốn của chị là luôn trung thành với Chúa, và Chúa đã làm cho những nỗ lực của chị thành công. Ngày nay, chị được biết đến như một Tiến sĩ của Giáo hội – một bậc thầy và nhà tư tưởng mẫu mực – trong khi các nữ tu đã đối xử tệ bạc với chị đã chết mà không được biết đến. Và các tu viện Cát Minh được cải cách của Têrêsa vẫn tiếp tục cho đến tận ngày nay.

* Têrêsa hiểu điều ngôn sứ Giêrêmia nói trong bài đọc 1 và điều Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

2/ ĐỪNG SỢ

Một người phụ nữ lớn tuổi tên là Maude ngồi bên cửa sổ chiếc máy bay phản lực 747 lớn vừa cất cánh từ New York đến Rôma. Bà đã tiết kiệm trong nhiều năm để thực hiện ước mơ đến thăm Thành phố vĩnh cửu. Nhưng đó là chuyến bay đầu tiên của bà, và bà cảm thấy rất sợ hãi. Ngay cả sự hiện diện trang nghiêm của bốn vị giám mục ngồi phía sau bà cũng không giúp được gì. Sợ hãi và run rẩy, cuối cùng bà cũng mở mắt ra và nhìn ra ngoài cửa sổ, đúng lúc đó bà thấy một trong bốn động cơ của máy bay rời khỏi cánh và biến mất trong mây. Bà kêu lên: “Chúng ta sắp chết! Chúng ta sắp chết!” Tiếp viên hàng không đã hỏi ý kiến của phi công, người này đã thông báo với hành khách rằng mọi thứ vẫn được kiểm soát và họ có thể bay trở lại New York và hạ cánh an toàn bằng ba động cơ. Nhưng Maude vẫn tiếp tục kêu lên: “Chúng ta sắp chết!” Người tiếp viên đến bên bà và nói: “Đừng lo, thưa bà, Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta chỉ có ba động cơ, nhưng hãy nhìn xem, chúng ta có đến bốn giám mục để cầu nguyện cho chúng ta.” Bà Maude trả lời: “Tôi muốn có bốn động cơ và ba giám mục!”

* Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta ba lý do tại sao chúng ta không nên sợ hãi và tại sao chúng ta nên can đảm với niềm tin Kitô giáo của mình.

 

3/ THẬN TRỌNG

Trong triều đại đầy biến động của vua Henry VIII, nước Anh (1491-1547), Hugh Latimer (1485-1555), một nhà giảng thuyết, giám mục của Worcester, nhà cải cách và cuối cùng là một người tử đạo Tin lành, đã giảng thuyết trước sự hiện diện của vua Henry ở Tu viện Westminster. Hugh Latimer là Tổng Giám mục Canterbury. Do đó, vào thời của mình, ông được coi là quan chức nhà thờ cao nhất của Anh. Đó là thời mà các Tổng Giám mục được nhà vua bổ nhiệm và nhà vua mong đợi lòng trung thành của họ. Latimer biết rằng mình sắp nói những điều sẽ gây ra cơn thịnh nộ của vua nên ông bắt đầu tự nói với mình từ bục giảng: “Latimer, Latimer, hãy cẩn thận với những gì bạn nói, nhà vua đang ở đây!” Ông dừng lại, rồi như để đáp lại chính mình, ông tiếp tục: “Latimer, Latimer, hãy thận trọng với những gì bạn nói, Vua của các vị vua đang ở đây.” Cuối cùng, sự rao giảng dũng cảm của Latimer đã khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình. Vì lòng trung thành kiên định như vậy, Latimer cuối cùng đã bị thiêu sống. Nhưng Latimer sợ làm mất lòng Chúa hơn là sợ xúc phạm loài người.

* Chúa Giêsu khuyên các tông đồ đừng sợ những kẻ có thể tước đoạt sự sống thể xác, mà chỉ sợ những kẻ có thể hủy diệt linh hồn. Vì quyền phán xét duy nhất nằm ở Cha yêu thương của họ, họ nên không được sợ hãi. (Hồ sơ Sánchez).

 

4/ TẬP TÍNH

Trong số nhiều kỳ quan tại các sở thú là khu nuôi hươu cao cổ. Bao quanh trong một môi trường sống tự nhiên là loài động vật tuyệt vời này. Chúng đều cao và duyên dáng như người ta có thể tưởng tượng. Nhưng chúng cũng đồ sộ và cơ bắp hơn nhiều so với dự kiến. Cao thì một cách nào đó dường như ngụ ý gầy. Tuy nhiên, những con thú to lớn này không hề gầy. Cổ của chúng dày hơn, chân ngắn hơn và mạnh hơn người ta tưởng. Không khó để hiểu tại sao một cú đá của nó có thể đánh bay một con sư tử hung hăng. Tuy nhiên, những con vật to lớn, trang nghiêm này được nhốt trong một khu vực dường như quá nhỏ và quá hạn chế đối với kích thước và sức mạnh của chúng. Nhưng không có chiếc lồng nào có thể  chứa được chúng. Cũng không có thanh sắt hoặc bức tường nào vây quanh. Chỉ có một con hào đơn giản, không có nước, không sâu hơn đầu gối con thú, bao quanh khu vực hươu ở. Tự do chỉ cách hai bước chân. Nhưng chúng bị mắc kẹt. Tất cả các con hươu đều như vậy. Vì không con nào trong số chúng sẽ mạo hiểm bước xuống và băng qua vì nó sợ bị gãy cổ. [Don Martin, Team Think (New York: Penguin Books Ltd: 1993), tr. 76.]

* Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta bị hạn chế như vậy bởi nỗi sợ hãi của mình. Sợ bị từ chối…sợ thất bại…sợ bị coi là ngu ngốc…sợ bị tổn thương…sợ ở một mình…sợ sự gần gũi…sợ bị lợi dụng…sợ thay đổi…sợ bị chỉ trích. “Đừng sợ hãi!” “Đừng sợ!” Đó là lời khuyên mạnh mẽ của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay.

 

5/ TỬ ĐẠO THỜI HIỆN ĐẠI

Nhiều người khác sau tiên tri Giêrêmia cũng đã đạt đến đỉnh cao của hành động anh hùng xuất phát từ niềm tin vào Chúa. Chỉ trong thế kỷ XX, có rất nhiều gương sáng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai cha Maximilianô Kolbê, linh mục dòng Phanxicô người Ba Lan, người đã không sợ Đức quốc xã đe dọa, đã hiến mạng sống của mình thay cho một tù nhân. Đó là một người chồng và một người cha, một trong mười người mà chỉ huy của trại tập trung đã chọn ra để hành quyết. Maria Teresa Goretti, 11 tuổi, ở Ý đã chống lại lời đe dọa của Alessandro Serenelli, 20 tuổi, người đã đe dọa giết cô vì cô từ chối những lời tán tỉnh tình dục của anh ta. Và anh ta đã thực hiện việc giết cô ấy vào ngày 6 tháng 7 năm 1902. Maria Goretti được Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên thánh vào năm 1950. Mẹ thánh nữ và Alessandro Serenelli đã hòa giải, cùng có mặt trong lễ phong thánh cho Goretti. (Charles Miller trong Sunday Preaching).

 

6/ THÁNH OSCAR ROMERO

Được Đức thánh cha Phanxicô phong thánh ngày 14 tháng 10 năm 2018, Đức Tổng giám mục Oscar Romero là một tấm gương nổi bật về việc trở thành nhân chứng đích thực của Chúa Kitô. Khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục El Salvador năm 1997, ngài là một người bảo thủ. Nhưng ngài sớm thay đổi khi nhìn thấy những gì đang xảy ra. Chúa nhật nào ngài cũng thuyết giảng ở Nhà thờ Chính tòa. Những bài giảng của ngài đã truyền cảm hứng cho đất nước đến nỗi các vấn đề quốc gia phải ngưng lại khi ngài nói từ bàn thờ. Ngài đã công khai những tội ác không thể kể xiết của nhiều đặc vụ của chính phủ. Ngài thường xuyên bị đe dọa về cái chết. Một số người bạn thân nhất của ngài đã bị sát hại. Nhưng ngài vẫn không chịu im lặng. Ngài cũng không đi trốn hoặc lưu vong. Ngài nói: “Ngay khi thấy nguy hiểm, người mục tử không thể bỏ chạy và để chiên tự lo cho mình. Tôi sẽ ở lại với người dân của mình”. Theo TGM Romero, điều đó không cần can đảm. Tất cả những gì cần làm là hiểu rằng kẻ thù của ngài sống trong sợ hãi, và vì ngài không sợ họ nên họ sẽ không có quyền lực đối với ngài. Họ có thể giết được thể xác, nhưng họ sẽ không và không thể giết được linh hồn của ngài. Ngoài ra còn có câu chuyện về một linh mục trong cuộc diệt chủng ở Rwanda (1994) đã che chở cho những người Tutsis trong nhà của mình. Khi một đám đông đến trước cửa nhà xứ và ra lệnh cho ngài cho họ ra, ngài đã từ chối làm như vậy. Họ bắn ngài  và đưa mọi người đi.

* Mặc dù chúng ta có thể không khao khát những đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng nhưng những vị như thế này là nguồn cảm hứng cho chúng ta. (Flor McCarthy trong New Sunday & Holy Day Liturgies).

 

7/ CÓ HAY KHÔNG CÓ NGƯỜI

Một học sinh lớp ba đã từng hỏi giáo viên của mình rằng trái đất nặng bao nhiêu. Giáo viên tra cứu câu trả lời trong Bách khoa toàn thư. Cô trả lời: “Sáu nghìn triệu triệu tấn”. Cậu bé suy nghĩ một phút rồi hỏi: “Ở đó có người hay không?”

* Nhìn từ một góc độ, có vẻ như con người không thực sự quan trọng lắm. Rốt cuộc, chúng ta chỉ là những cư dân siêu nhỏ của một hành tinh nhỏ giữa hàng tỷ tỷ ngôi sao và thiên hà tạo nên sự sáng tạo. Tuy nhiên, Thiên Chúa sáng tạo đã đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta. Ồ! Thật là một bức tranh tráng lệ về Thiên Chúa! (King Duncan, “Tình yêu của một người cha,” http://www.Sermons.com)

 

8/ BẮN TÔI TRƯỚC

Đó là điều mà một cô bé Amish 13 tuổi dũng cảm đã nói với gã đàn ông điên cuồng đã đột nhập vào trường học của cô vào thứ hai, ngày 2 tháng 10 năm 2006. “Bắn tôi trước đi.” Anh ta đã bắn cô ấy, giết chết cô cùng với năm bạn học của cô, từ bảy đến mười ba tuổi. Sau đó, anh ta tự sát. Kẻ xả súng, Charles Carl Roberts, một người bán sữa 32 tuổi bước vào ngôi trường một phòng nhỏ với ý định giết càng nhiều học sinh càng tốt. Nhưng một học sinh, Marian Fisher, lớn tuổi nhất trong số năm cô gái Amish bị bắn chết ngày hôm đó, đã cố gắng câu giờ để các bạn cùng trường trốn thoát. Có tất cả mười người trong số họ, tất cả đều là nữ, năm người trong số họ đã được sống sót. Họ có thể mắc nợ mạng sống của mình với Marian, người đã bước tới và yêu cầu kẻ giết cô ấy “Bắn tôi trước đi.” Hơn nữa, em gái của Fisher, là Barbie, người sống sót sau vụ nổ súng, được cho là đã yêu cầu tay súng: “Bắn tôi thứ hai đi.”

* Đó là một câu chuyện về lòng dũng cảm đáng kinh ngạc. Có lẽ những người bạn Amish của chúng tôi có một số điều để dạy chúng tôi về cách giáo dục những người trẻ tuổi. (Cha  King Duncan)

 

9/ CHIA SẺ ĐAU KHỔ VỚI CHÚA

Vatican được gọi là “tông tòa” vì chính tại đây, thánh Phêrô và Phaolô đã rao giảng đức tin, và chính tại đây, hai vị đã chịu tử đạo. Bài ca nhập lễ về các ngài nói: “Bằng cách chia sẻ chén đau khổ của Chúa, các ngài đã trở thành bạn hữu của Chúa.” Chúa Giêsu đã báo trước cho Phêrô vào ngày mà Người giao cho ông coi sóc bầy chiên của mình rằng ông sẽ bị bắt và hành quyết. Người nói với Phêrô: “Khi về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng cho anh và đưa anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18-19). Lịch sử cho thấy cái chết của Phêrô trên cây thập tự – một cây thập giá được dựng ngược vì Phêrô cảm thấy mình không xứng đáng được chết giống như cách mà Chủ của ông đã chết. Ngoài một số bằng chứng lịch sử về cái chết của thánh Phêrô, còn có một số truyền thuyết. Đặc biệt cảm động là truyền thuyết Quo Vadis, có từ khoảng năm 200 sau Công nguyên. Theo câu chuyện này, một trong những người La Mã cải đạo của Phêrô là Xantippe, vợ của quan tòa La Mã ngoại đạo Agrippa. Albinô, một người bạn của hoàng đế Nerô, thúc giục Agrippa bắt giữ và xử tử Phêrô với tư cách là thủ lĩnh của những người theo đạo Kitô bị ghét bỏ. Xantippe, biết được lời tư vấn này, vội vàng cảnh báo Phêrô. Bà và những Kitô hữu La Mã đầu tiên đã thúc giục ông trốn khỏi Rôma. Họ khăng khăng: “…Để bạn vẫn có thể phục vụ Chúa.” Ông Phêrô suy nghĩ một lúc và hiểu ý họ, nhưng ông không cho phép họ đi theo mình. “Đừng để ai trong các bạn đi với tôi, nhưng tôi sẽ đi ra ngoài một mình, vì tôi đã thay đổi mục đích của mình.” Tuy nhiên, Phêrô vừa ra khỏi cổng Appian của thành Rôma thì bất ngờ nhìn thấy Chúa Giêsu đang đi trên con đường Appian về phía thành Rôma. Ông Phêrô kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa đi đâu vậy?” (“Domine, quo vadis”?) Chúa Giêsu trả lời: “Ta đi Rôma để chịu đóng đinh.” Phêrô thưa: “Nhưng, lạy Chúa, chẳng phải Chúa đã bị đóng đinh một lần rồi sao?” Chúa đáp: “Ta thấy ngươi chạy trốn tử thần, ta sẵn lòng chịu đóng đinh thay ngươi”. Phêrô hiểu rõ vấn đề. “Chúa ơi, con sẽ đi. Con sẽ thực hiện mệnh lệnh của Chúa. Chúa Giêsu trấn an ông: “Đừng sợ, vì ta ở cùng ngươi”. Rồi Người biến mất. Phêrô trở về Rôma, không còn bối rối hay sợ hãi nữa, nhưng vui mừng. Ông biết rằng đã đến lúc lời tiên tri của Chúa Kitô về ông được ứng nghiệm. Và đó là thập giá dành cho Phêrô.

* Người chạy trốn khỏi đồi Canvê của Chúa đã tìm thấy Canvê của chính mình trên đồi Vatican. (Cha Robert F. McNamara).

 

10/ SỢ HÃI

Một linh mục của dòng Ngôi Lời đã kể câu chuyện về một người theo đạo Phật, một người theo đạo Hồi và một người theo đạo Kitô tranh luận xem Chúa của ai là vĩ đại nhất. Để giải quyết dứt điểm vấn đề, họ quyết định nhảy từ tòa nhà 20 tầng xuống và tìm xem Chúa của ai sẽ cứu họ. Đầu tiên, Phật tử hô lên “Đức Phật!” rồi nhảy và rớt xuống đất chết trong vài giây. Người Hồi giáo hét lên “Allah!” rồi nhảy và điều kỳ diệu của những điều kỳ diệu được thực hiện bởi một cơn gió và anh rớt xuống an toàn. Đến lượt Kitô hữu. Với tất cả lòng tin cậy, anh ta kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con phó thác sự sống con nơi Chúa!” và nhảy. Khi anh ấy rơi qua tầng 6, 5 và 4 và không có gì xảy ra, nhưng lần cuối cùng người ta nghe thấy anh ấy hét lên “Thánh Allah! Allah! Thánh Allah!”

* Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói ba lần: “Đừng sợ…” bất cứ ai hay bất cứ điều gì ngoại trừ “Đấng hủy diệt được cả hồn lẫn xác”.

 

11/ BỆNH SỢ

(Chuyện vui)

Một người đàn ông đến gặp bác sĩ trị liệu vì ông ta sợ những con quái vật sống dưới gầm giường của mình. Người đàn ông đã gặp bác sĩ này trong nhiều tháng. Mỗi ông ấy đến, bác sĩ đều hỏi: “Anh có tiến triển gì không?” Lần nào người đàn ông cũng nói “Không”. Người đàn ông quyết định đi gặp một bác sĩ khác. Khi ông quay lại gặp bác sĩ đầu tiên của mình, bác sĩ hỏi: “Anh có tiến triển gì không?” Anh ấy nói “Có!” Bây giờ tôi cảm thấy tốt hơn rồi!” Bác sĩ hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Người đàn ông nói: “Tôi đi đến một bác sĩ khác và ông ấy đã chữa khỏi cho tôi trong một buổi gặp!” Bác sĩ hỏi: “Ông ấy đã nói gì với anh?” Người đàn ông nói: “Ông ấy chỉ bảo tôi chặt hết bốn chân giường của tôi và không chừa chỗ nào cho con quái vật!”

Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 396)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 387)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 222)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 419)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 277)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 617)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 701)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7