Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 3 mùa Vọng năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 680
  • Ngày đăng: 12/12/2023 17:29:22

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, NĂM B

 

 Mùa Giáng Sinh là thời gian đặc biệt mời gọi chúng ta nhớ đến những người phận nhỏ chung quanh chúng ta.

 

 

1/ MẸ TÊRÊSA VÀ NIỀM VUI MÙA VỌNG

Qua việc phục vụ con người nhân danh Chúa Giêsu, Mẹ Têrêsa đã mang lại muôn vàn ơn phúc và niềm vui cho những người nghèo, những người đau ốm không có người chăm sóc và bị lãng quên trên các đường phố của Ấn Độ. Khi được hỏi nguồn gốc niềm vui của mình, Mẹ Têrêsa trả lời: “Niềm vui là lời cầu nguyện – niềm vui là sức khỏe để phục vụ – niềm vui là tình yêu – niềm vui là những nối kết tình thân. . . Một tâm hồn vui tươi là kết quả tự nhiên của một trái tim cháy bỏng tình yêu thương. . . Yêu thương như Chúa yêu thương, giúp đỡ như Chúa cứu giúp, cho đi như Người trao ban, phục vụ như Người phục vụ, giải cứu như Chúa cứu thoát… Sống với Chúa trọn vẹn hai mươi bốn giờ, chạm vào Ngài qua mọi anh chị em đau khổ, đó là một niềm vui trọn vẹn.”

*Phục vụ những người nghèo và bất hạnh là một lí tưởng cao đẹp và thánh thiện. Mùa Giáng Sinh là thời gian đặc biệt mời gọi chúng ta nhớ đến những người phận nhỏ chung quanh chúng ta.

 

2/ THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA NGỤC TRÊN KHUÔN MẶT

Một giáo viên trường kịch nghệ và điện ảnh hướng dẫn các sinh viên của mình về diễn xuất. Ông cố gắng giúp họ hiểu rõ thông điệp mà họ phải diễn đạt trên khuôn mặt của họ. Ông nói khi đóng các vai khác nhau trong một vở kịch, họ phải phóng chiếu những tâm trạng nào đó cách thích hợp trên khuôn mặt của mình cho sống động. Ông lấy Thiên đường và Địa ngục ra làm thí dụ. Khuôn mặt của họ chắc chắn phải rất khác nếu họ nói về Thiên đường, hoặc về Địa ngục. Ông nói với các sinh viên, “Khi các bạn diễn tả cảnh sắc về Thiên đường, khuôn mặt các bạn phải sáng lên, nụ cười của bạn phải rạng rỡ, và mắt bạn phải hướng lên trời cao… để mọi người có thể nhìn thấy Thiên đường trên chính khuôn mặt của bạn.” Ông giảng tiếp: “Còn khi bạn diễn đạt về Địa ngục, thì OK, khuôn mặt bạn đang có đó đã đủ mức diễn xuất được rồi!”

* Hãy để cho Thiên đường tỏa rạng trên khuôn mặt của bạn trong Chúa nhật tươi vui này (Gaudete Sunday) và trong mùa Giáng Sinh nữa!

 

3/ “CON CÓ ỔN KHÔNG”

Có một câu chuyện cổ kể về một người cha. Vào một đêm tối giông bão đầy những tiếng sấm sét và tia chớp không ngớt, ông thức giấc và nghĩ về đứa con trai nhỏ của mình đang ở một mình trong phòng ngủ trên gác. Lúc này chắc hẳn nó rất sợ sệt. Vì vậy, ông vội vàng đi vội lên lầu với chiếc đèn pin của mình để coi xem cậu bé có ổn không. Ông đang pha đèn chung quanh phòng thì cậu bé thức giấc và bật lên một giọng nói giật mình: “Ai đó? Ai đang ở trong phòng của tôi đó?” Suy nghĩ đầu tiên của người cha là chiếu đèn vào mặt cậu bé, nhưng sau đó ông nghĩ: “Không. Nếu làm điều đó, tôi sẽ khiến nó sợ hãi thêm”. Vì vậy, ông đã bật đèn chiếu sáng vào chính khuôn mặt của mình. Và cậu bé nói, “Ồ, chính là bố,” Người cha nói, “Phải rồi, bố đây. Bố vừa lên đây để kiểm tra mọi thứ xem sao. Mọi thứ đều ổn, vậy con hãy ngủ tiếp đi.” Và cậu bé tiếp tục ngủ lại.

* Đó có lẽ là tất cả ý nghĩa về mầu nhiệm Nhập thể: Thiên Chúa chiếu ánh sáng vào khuôn mặt của chính Ngài để bạn và tôi có thể nhận biết sự vật ở trần gian này. Thánh vịnh 36,10: “Nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng”.

 

4/ NHỮNG NGƯỜI THỜ PHƯỢNG VUI TƯƠI

Có một câu chuyện kể về một người đàn ông quê ở Louisville, Kentucky; ông ta phải đi công tác đến St. Louis. Đây là thời gian những năm tháng trước đây khi các Kitô hữu còn coi Chúa nhật là một ngày rất đặc biệt. Đối với người đàn ông này, “giữ ngày Sabát”, cũng có nghĩa là không đi tàu vào Chúa nhật. Vì vậy, sau khi hoàn thành công việc kinh doanh của mình vào tối thứ Bảy, ông  phải ở lại St. Louis cho đến sáng thứ Hai. Vào sáng Chúa nhật, ông rời khách sạn để tìm một nơi thờ phượng. Đường phố khá vắng vẻ, nhưng cuối cùng ông cũng nhìn thấy một cảnh sát và nhờ anh ta chỉ đường để đến một Nhà thờ gần nhất. Người lạ mặt này cảm ơn viên cảnh sát về những thông tin gợi ý, và đang định bỏ đi thì ông quay lại và hỏi thêm: “Tại sao anh lại đề nghị nhà thờ đặc biệt đó? Nó trông giống như một nhà thờ Công giáo! Chắc hẳn phải có một số nhà thờ khác gần đó mà anh có thể đề nghị chứ?” Viên cảnh sát mỉm cười và trả lời: “Bản thân tôi không phải là người của Giáo hội, nhưng những người bước ra từ ngôi nhà thờ đó là những người trông hạnh phúc nhất trong trong các nhà thờ ở St. Louis, và họ tuyên bố rằng họ đã nhận được Chúa Giêsu và họ rất vui mừng đón Người về nhà của họ. Tôi mạn nghĩ rằng đó là kiểu nhà thờ mà ông muốn tham dự.”

* Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng mỗi ngày Chúa nhật trong các nhà thờ Kitô giáo phải là ngày “Chúa nhật Gaudete” hay “Chúa nhật vui mừng”.

 

5/ “CHÚA ĐƯA GIÙM CON CÁI CHỔI”

Có một câu chuyện nhỏ kể về một cậu bé được bà mẹ nhờ, vào một đêm tối ra ngoài hiên sau nhà để mang cây chổi vào. Cậu rất sợ vì không có ánh sáng bên ngoài. Và cậu đã thẳng thắn nói với mẹ rằng cậu rất sợ bóng tối. Mẹ của cậu trấn an: “Con không cần phải sợ hãi. Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài ở bên con ngay cả trong bóng tối”. Nghe thế, cậu bé rón rén đi ra phía sau, khẽ mở cánh cửa và thì thầm, “Chúa ơi, nếu Ngài thực sự ở ngoài đó, xin phiền Ngài giúp đưa cây chổi cho con, có được không?”

* Không ai trong chúng ta thích bóng tối, và nếu chúng ta, với tất cả kiến thức khoa học và hiểu biết về thế giới của mình vẫn không an tâm về bóng tối, thì hãy tưởng tượng hoàn cảnh của người nguyên thủy còn như thế nào. Để hiểu được lời Chúa Giêsu tuyên bố Người là Ánh Sáng thế gian, chúng ta phải nhớ rằng ánh sáng có giá trị quan trọng như thế nào đối với con người.

 

6/ XÀ BÔNG VÀ TIN MỪNG

Một nhà sản xuất xà bông và một cha xứ đang cùng nhau đi dạo trên một con đường trong một thành phố. Nhà sản xuất xà bông mở lời, thản nhiên nói: “Tin Mừng mà các  ông rao giảng chẳng có tác dụng gì nhiều, đúng không? Chỉ cần quan sát thôi thì thấy vẫn còn rất nhiều sự ác trên thế giới, và rất nhiều người độc ác nữa!” Cha xứ không trả lời cho đến khi họ đi ngang qua một đứa trẻ nhỏ với bộ quần áo nhàu nát bẩn thỉu, đang nặn những cái bánh nướng bằng đất nhão gần rãnh nước. Nắm bắt cơ hội này, cha xứ nói, “Tôi hiểu rồi, xà bông cũng chẳng có nhiều lợi ích gì cho người ta; vì ở đây còn nhiều bụi bẩn, và nhiều người dơ bẩn lem luốc ở ngay trước mắt chúng ta.” Nhà sản xuất xà bông nói: “Ồ, xà bông chỉ có tác dụng khi nó được người ta xoa lên người.” Lập tức cha xứ nói, “Chính xác! Tin Mừng thì cũng vậy.”

*Sứ điệp Giáng Sinh chỉ đem lại ơn ích thiêng liêng nếu người ta biết tích cực đón nhận và sống theo Lời Chúa dạy.

 

7/ TỰA CÔ DÂU LỘNG LẪY ĐIỂM TRANG

Khi công nương Diana chuẩn bị cho đám cưới của mình với Hoàng tử xứ Wales, mọi công việc liên quan đến lễ phục đều được thực hiện bởi các nhà thiết kế lừng danh David và Elizabeth Emanuel. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả những người tổ chức đám cưới đều chung tay cộng tác để ngăn ngừa việc thiết kế chiếc váy của cô dâu bị lộ trước buổi lễ vào ngày 29 tháng 7 năm 1981. Tất nhiên, các thợ may váy áo khác trong nước Anh đã cố gắng hết sức để nắm bắt điều bí mật này. Họ phải tạo bản sao càng sớm càng tốt, thì mới có thể bán cho các cô dâu khác, những người muốn kết hôn trong những chiếc váy “giống như Lady Di”. Rất may mắn là bí mật đã được giữ kín một cách hoàn hảo. Chỉ vào lúc 5g30 sáng ngày cưới, cung điện Buckingham mới công bố cho giới truyền thông bản phác thảo của chiếc váy cưới. Có lẽ mục đích thực sự của những nỗ lực này là không để chú rể nhìn thấy cô dâu của mình trong bộ váy cưới trước khi họ đến nhà thờ, và để anh ta có thể nhìn thấy người yêu của mình ở vào đỉnh cao tuyệt đối của sắc đẹp. Hoàng tử Charles hẳn đã hài lòng và bất ngờ biết bao khi nhìn thấy cô dâu của mình, với vẻ đẹp tự nhiên lộng lẫy nhưng còn được tôn lên nhờ bộ soirée sang trọng và rực rỡ này. Có lẽ thậm chí anh ấy đã nghĩ đến những lời quen thuộc trong Thánh vịnh: “Đẹp lộng lẫy này đây công chúa, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng” (Tv 45,14).

*Hôm nay tôi cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho tôi: “… Vì người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang”. (Is 61, 10-11.) Đây là sứ điệp của bài đọc 1 trong Chúa nhật hôm nay.

 

8/ KHÔNG CÓ CẢ ÁO MẶC

Vào thời trung cổ có một vị vua thường xuyên lắng nghe lời khuyên của một nhà thông thái. Và rồi, nhà hiền triết này được triệu tập để diện kiến nhà vua. Quần thần hỏi ông làm cách nào để nhà vua có thể thoát bỏ sự lo âu và suy nhược tinh thần, làm thế nào để vua có thể thực sự sống hạnh phúc và tràn đầy niềm vui, vì ông bị bệnh cả về thể xác và tinh thần. Nhà hiền triết trả lời, “Chỉ có một cách chữa trị cho nhà vua, đó là chúa thượng nhất định phải ngủ một đêm trong cái áo hạnh phúc”. Các sứ giả được cử đi khắp vương quốc để tìm một người đàn ông thực sự hạnh phúc. Nhưng tất cả những ai được tiếp cận đều kể lại một chuyện nào đó khiến họ khốn khổ đau buồn, một điều gì đó đã cướp đi hạnh phúc đích thực và trọn vẹn của họ. Cuối cùng họ tìm thấy một người đàn ông, một người ăn xin nghèo, ngồi tươi cười bên vệ đường. Và khi sứ giả hỏi anh ta có thực sự hạnh phúc không, anh ta xác nhận mình rất hạnh phúc, tràn ngập niềm vui và mãn nguyện. Sau đó họ nói với anh những gì họ muốn: “Nhà vua phải ngủ một đêm trong chiếc áo của một người đàn ông hạnh phúc; và vua sẽ trả một số tiền lớn để mua một chiếc áo như vậy. Liệu anh ta có bán cho vua chiếc áo anh đang mặc không?” Người ăn xin phá lên cười rũ rượi, không dứt ra được, đáp: “Tôi xin lỗi, tôi không thể giúp nhà vua. Tôi còn không có cả cái áo trên mình nữa.”

*Tiền tài, danh vọng, quyền lực…không phải là bảo đảm cho hạnh phúc đích thực.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 396)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 387)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 222)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 419)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 277)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 617)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 701)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7