Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 4 mùa Vọng năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 618
  • Ngày đăng: 20/12/2023 05:36:08

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG, NĂM B

 

Mừng Lễ Giáng Sinh, lễ của Đấng Emmanuel, chúng ta hãy cảm nghiệm Người luôn hiện diện trong cuộc đời của chúng ta.

 

1/ “TÔI XIN VÂNG LỜI SỨ THẦN TRUYỀN”

Một truyền thuyết của người Ba Tư kể rằng, có một vị vua nọ cần một người hầu trung thành. Có hai người đàn ông là ứng cử viên cho công việc này. Ông nhận cả hai với mức lương cố định, và mệnh lệnh đầu tiên ông đưa ra là bảo họ đổ đầy nước vào một cái rổ, nước lấy từ một cái giếng gần đó. Rồi ông nói rằng ông sẽ đến vào buổi tối để xem xét công việc của họ. Sau khi đã đổ một hoặc hai thùng nước, một người đàn ông nói: “Làm công việc vô bổ này nào có ích lợi gì đâu? Ngay sau khi chúng ta đổ nước vào trong rổ, thì nó đã chảy ra hết.” Người kia trả lời: “Nhưng chúng ta có nhận tiền lương của mình, đúng không? Chủ nhân của chúng ta hẳn có kế hoạch riêng của mình.” “Tôi sẽ không làm công việc ngu ngốc như vậy”, người kia trả lời. Vứt cái xô của mình xuống, anh ta bỏ đi. Người đàn ông kia tiếp tục kín nước cho đến khi anh ta múc cạn giếng. Nhìn xuống dưới đáy, anh thấy thứ gì đó sáng lấp lánh — một chiếc nhẫn kim cương. “Bây giờ tôi mới hiểu rõ được việc đổ nước vào một cái rổ”, anh ta kêu lên. “Nếu cái thùng mà có thể lấy được chiếc nhẫn lên không cần phải múc cạn nước thì nó đã ở trong rổ rồi, đâu cần phải múc nước làm gì! Đúng là công việc của tôi không phải là vô ích!”

* Các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa biết điều gì là tốt nhất dành cho họ và sẵn lòng tuân phục mệnh lệnh của Ngài. Đến thời điểm thích hợp, họ sẽ biết và hiểu tất cả. Maria xác tín điều này và vâng phục Thiên Chúa trong sự khiêm nhường trọn vẹn. Câu chuyện được thuật lại trong biến cố Truyền Tin.

 

2/ ĐẤNG EMMANUEL

Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện. Có một vị ẩn sĩ trẻ tuổi (sannyasi) đến gặp vị đạo sư trong bộ áo choàng rất chỉnh tề, và nói: “Con đã đi tìm Chúa trong nhiều năm. Con tìm kiếm Ngài ở khắp những nơi mà người ta nói rằng Ngài luôn hiện diện: trên các đỉnh núi cao, trong sa mạc mênh mông vắng lặng, trong nơi thâm nghiêm của các tu viện, và cả nơi ở của những người nghèo hèn.” Đạo sư hỏi:

– “Vậy bạn đã tìm thấy Ngài chưa?”.

– “Không. Con không thấy gì cả. Vậy còn ngài? Ngài có thể nói gì?”

– “Mặt trời buổi chiều đang chiếu những luồng ánh sáng lung linh vào căn phòng này. Hàng trăm con chim sẻ đang bay lượn nô đùa trên cây đa gần kia. Ở đằng xa, người ta có thể nghe thấy tiếng xe ngựa gõ nhịp trên con đường mượt mà uốn lượn. Một con bướm bay đến như muốn kết thân với người…Vậy mà bạn ngồi đây và nói rằng chưa tìm thấy Chúa!”

Sau một thời gian, vị ẩn sĩ trẻ tuổi thất vọng rời đi để tìm kiếm nơi khác.

* Người ta có thể tìm thấy Chúa ở khắp mọi nơi. Đó là lý do tại sao trong bài đọc một hôm nay, Đức Chúa cho vua Đavít biết rằng Ngài không thể bị nhốt trong một đền thờ do con người xây dựng. Mừng Lễ Giáng Sinh, lễ của Đấng Emmanuel, chúng ta hãy cảm nghiệm Người luôn hiện diện trong cuộc đời của chúng ta.

 

3/ THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Đây là câu chuyện của cha Anthony de Mello. Một con cá sông nhỏ tình cờ bơi đến đại dương gặp một con cá lớn hơn mà nó nhìn thấy ở đó. Nó nói: “Xin lỗi, ông lớn tuổi hơn tôi, vậy ông có thể cho tôi biết, nơi nào được người ta gọi là đại dương để tôi đến đó?” “Đại dương?”, con cá già nói, “là nơi bạn đang ở đó.” “Ồ, chỗ này à? Nhưng đây chỉ là nước mặn. Những gì tôi đang muốn tìm kiếm phải là đại dương cơ!” Con cá nhỏ thất vọng nói, rồi bơi đi tìm kiếm nơi khác.

* Tin Mừng hôm nay giới thiệu vị Thiên Chúa là Emmanuel, Đấng ở cùng chúng ta. Cử hành Lễ Giáng sinh sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được vị Thiên Chúa này đang ở giữa chúng ta.

 

4/ “TÔI PHẢI ĐÓN NHẬN HÀI NHI NÀY THẾ NÀO?”

Bạn tôi kể câu chuyện về một người đàn ông đi xe khách từ Rạch Giá lên Sài Gòn. Ông ta ghé vào trạm dừng chân ở Mỹ Thuận. Trong khi ông đang ngồi ở quầy ăn trưa, một người phụ nữ bước ra từ phòng vệ sinh dành cho nữ, ẵm theo một đứa nhỏ. Chị ta nói với người đàn ông: “Anh làm ơn giữ giùm đứa  con cho tôi một lát, tôi đã để quên chiếc ví trong phòng vệ sinh.” Người đàn ông ẵm lấy đứa trẻ. Nhưng khi người phụ nữ bước ra gần đến cửa trước của bến xe, chị lao thật nhanh ra đường đông đúc và ngay lập tức biến mất trong đám đông. Người đàn ông không thể tin vào mắt mình. Ông vội phóng ra cửa gọi người phụ nữ nhưng không thấy chị ta đâu. Ông thật sự bối rối không biết phải làm gì trong tình huống bất ngờ này. Ông hốt hoảng: “Tôi phải làm gì với đứa bé này? Đặt em bé xuống và bỏ chạy được không?” Khi lấy lại được bình tĩnh, ông đến phòng Trợ giúp Hành khách, và họ sớm tìm thấy mẹ ruột của nó. Người phụ nữ ẵm đứa bé lúc nãy không phải là mẹ em nhỏ. Chị ta ẵm đứa trẻ có lẽ chỉ để thỏa mãn mong ước ôm con của một người mẹ. Người đàn ông thở phào nhẹ nhõm khi mẹ ruột được tìm thấy. Rốt cuộc, ông không còn phải lo lắng về đứa nhỏ nữa?

* Chúng ta phải luôn tự hỏi: “Tôi phải đón nhận Hài Nhi này thế nào?” Chứ không như vị khách kia: “Tôi phải làm gì với đứa bé này”. Đây không phải là một tai nạn mà là quà tặng từ trái tim của Thiên Chúa.

 

5/ “ÔNG PHẢI ĐẶT TÊN CHO CON TRẺ LÀ GIÊSU”

Chúng ta thấy trong đời có những cái tên rất kì dị. Tôi biết có một người đàn ông gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. Tên anh ta là Jackson Tonsillitis. Cơ quan này không thể tin anh có một cái tên như vậy, vì thế họ đã tiến hành kiểm tra và xác nhận rằng tên của anh ta thực sự là Jackson Tonsillitis (Tiếng Anh có nghĩa là bệnh viêm amiđan). Hơn nữa, anh ta còn có những anh chị em được đặt tên là Meningitis (Viêm màng não), Appendicitis (Viêm ruột thừa), Peritonitis (Viêm phúc mạc), và Laryngitis (Viêm thanh quản).

* Cảm thức về danh tính, về số phận của một người thường đi kèm với ý nghĩa phong phú của một cái tên. Một cái tên đã được đặt cho Chúa Giêsu như chúng ta thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nó gán cho Người một số phận, một thiên chức mà Người phải hoàn thành cho chúng ta.

 

6/ XIN PHỤC HỒI CHÚNG CON

Trên bức tường của viện bảo tàng trại tập trung ở Dachau có một bức ảnh xúc động chụp một bà mẹ và đứa con gái nhỏ của bà bị đưa vào phòng hơi ngạt ở Auschwitz. Cô gái bước đi trước mặt mẹ, nhưng không biết mình đi đâu. Người mẹ đi phía sau thì biết tất cả, nhưng không tỏ lộ điều gì, tuyệt đối không biểu lộ gì. Thật ra người mẹ còn biết làm gì để ngăn chặn bi kịch này. Trong sự bất lực của mình, bà ấy thực hiện hành động yêu thương duy nhất còn lại của mình: bà đặt tay lên mắt đứa con gái nhỏ để ít nhất nó không phải nhìn thấy nỗi kinh hoàng nó phải đối diện. Khi mọi người nhìn thấy bức tranh này trong viện bảo tàng, họ không thể di chuyển nhanh hay dễ dàng nhìn sang bức tranh khác. Người ta có thể đọc được cảm xúc của các nhân vật, và gần như nghe thấy tiếng kêu của họ: “Lạy Chúa, đừng để tất cả chỉ như thế này. Xin chỉnh đốn lại tất cả.”

* Trong Mùa Vọng chúng ta sống lại tâm tình của dân Chúa xưa: “Lạy Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80, 20). Xin cho quyền năng Chúa tỏ hiện mạnh mẽ trong thế giới chúng con hôm nay!

 

7/ CHÚA LUÔN QUAN PHÒNG

Một câu chuyện nói đến Chúa luôn chủ động và quan phòng là từ cuộc đời của thánh Gioan Bosco, vị sáng lập Dòng Salêdiêng, qua đời năm 1888. Ngài bắt đầu sứ vụ linh mục bằng việc phục vụ trẻ em nghèo và trẻ mồ côi; ngài dạy chúng làm việc vào ban ngày và học văn hóa và tìm hiểu giáo lý vào buổi tối. Mỗi ngày ngài đều dành tất cả thời gian cho các bạn trẻ trong trường; buổi sáng ngài giải tội trước khi điểm tâm. Thánh nhân kiên trì chỉ ra những lỗi lầm mà các cậu bé hay quên hoặc sợ phải xưng thú trong tòa giải tội. Một ngày nọ trong năm 1848, cha cử hành lễ Truyền Tin. Nhà thờ nhỏ có mặt 360 cậu bé và thanh thiếu niên. Khi đến giờ Rước Lễ, ngài đến nhà tạm cất Mình Thánh Chúa. Trước sự ngạc nhiên bất ngờ của mình, cha phát hiện ra rằng chỉ còn 8 Bánh Thánh được đặt trong đó – chắc chắn không thể đủ cho cộng đoàn phụng vụ tham dự. Nhiều người có mặt, gồm Giuseppe Buzzetti, người sau này trở thành một trong những linh mục Salêdiêng đầu tiên và là người giúp lễ trong Thánh lễ đó, đã thấy tình trạng khó khăn của cha Gioan Bosco và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra. Thánh nhân bình tĩnh đưa 8 Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà tạm và bắt đầu cho rước lễ. Khi cậu bé Giuseppe đi theo vị linh mục cùng với đĩa hứng, cậu rất ngạc nhiên khi thấy bình thánh cứ tiếp tục đầy Mình Thánh Chúa, cho phép mọi người hiện diện rước lễ một cách kỳ diệu.

* Thiên Chúa thỉnh thoảng gửi những phép lạ như thế này để tăng cường lòng tin của chúng ta, và để nhắc nhở chúng ta rằng không có gì là không thể đối với Ngài.

 

8/ XÂY NHÀ

Ba người thợ đá tham gia vào công việc xây dựng. Khi được hỏi họ đang làm gì, người thứ nhất trả lời: “Tôi đang đập đá!” Người thứ hai trả lời: “Tôi đang kiếm sống!” Người thứ ba kêu lên: “Tôi đang xây một ngôi nhà cho Chúa!” Giống như người thợ đá thứ ba, trong bài đọc thứ nhất hôm nay, vua Đavít mong muốn xây một ngôi nhà cho Chúa. Nhưng hãy hỏi: ai thực sự xây nhà cho ai? Và cuối cùng, ai là người giúp việc hoàn hảo của Chúa? Biểu tượng “ngôi nhà” có ý nghĩa trong bài đọc thứ nhất. Vì Đavít  đang sống trong một cung điện trong khi Hòm Giao ước nằm trong một lều vải, nên ông nói với Tiên tri Nathan về mong muốn xây dựng một ngôi nhà cho Đức Chúa. Tuy nhiên, Chúa hỏi một cách có vẻ mỉa mai: “Người mà xây nhà cho Ta ở sao?” Kinh Thánh nói rằng chính con của Đavít, Salômôn – không phải Đavít – là người được chọn để xây dựng nhà của Đức Chúa (x. 1 V 5,2-5). Tuy nhiên, khi nhắc nhở Đavít về tất cả các phúc lành mà ông đã nhận được, Đức Chúa hứa: “Chính Ta sẽ lập cho ngươi một ngôi nhà”. (Francis Gonsalves in Sunday Seeds for Daily Deeds).

 

9/ JOY TO THE WORLD

Trong phần mở đầu cuốn sách Niềm vui của mình, William Schutz kể về sự ra đời của đứa con trai ông, Ethan, đã truyền cảm hứng cho ông viết cuốn sách như thế nào. Ethan bắt đầu cuộc sống của mình bằng việc đem lại niềm vui cho cha mẹ. Niềm vui vẫn tiếp tục khi lần đầu tiên Ethan nhìn, chạm, nếm và nghe thấy mọi thứ. Nhưng một điều gì đó đã xảy ra với Ethan cũng như với tất cả chúng ta. Một cách nào đó, niềm vui của ông giảm dần và không bao giờ quay trở lại trọn vẹn khi đứa con trưởng thành lên. Schutz viết cuốn sách của mình để giúp độc giả tìm lại được niềm vui này. Giống như Ethan, Chúa Giêsu cũng bắt đầu cuộc đời mình bằng việc mang lại niềm vui cho mọi người. Ngay cả trước khi Người được sinh ra, chính sự hiện diện của Người đã mang lại niềm vui cho mọi người. Chúng ta cảm nhận được niềm vui nội tâm sâu sắc vì Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta. Quyền năng hiện diện của Người giúp chúng ta chịu đựng mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách hay vượt qua mọi trở ngại. Sự hiện diện của Người có thể mang lại bình an ở nơi có lo âu, chia sẻ ở nơi có ích kỷ và mang lại ước mơ ở nơi có tuyệt vọng.

* Isaac Watts đã đúng khi sáng tác một bài hát mừng Giáng sinh mang tên Joy to the World! (Niềm vui cho thế giới!) Quả thực, có niềm vui thực sự trên thế giới vào dịp Giáng sinh vì Chúa đã đến. Người là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta! (Albert Cylwicki in His Word Resounds).

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 400)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 391)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 224)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 421)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 279)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 617)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 701)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7