Kinh thánh - Giáo lý

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi - 2024 - năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 438
  • Ngày đăng: 21/05/2024 09:02:09

 

PHÚC ÂM: Mt 28,16-20

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. 17 Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.

18 Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy.

19 Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, 

20 giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

 

CÂU HỎI TÌM HIỂU:

1. Tại sao Nhóm Mười Một môn đệ trở lại miền Galilê? Đọc Mt 26,32 và 28,7.10.16.

2. Núi xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng của Thánh Mát-thêu. Đọc Mt 4,8; 5,1; 14,23; 15,29; 17,1; 24,3; 28,16. Bạn có biết tại sao Đức Giêsu hay ở trên núi không?

3. Đọc Mt 28,17. Theo bạn, tại sao khi gặp Chúa phục sinh, các môn đệ phủ phục bái lạy Ngài, nhưng một vài người hoài nghi? Đọc Mt 14,31 Đức Giêsu trách Phêrô vì ông đã hoài nghi. Người hoài nghi là người thế nào?

4. Trong Mt 28,18-20 có mấy từ mọi?

5. Đọc Mt 28,18. Theo bạn, Chúa phục sinh là ai mà có uy quyền lớn lao như thế? Trước phục sinh, Đức Giêsu có uy quyền đến thế chưa? Xem Mt 7,29; 9,6-8; 10,1.

6. So sánh Mt 10,5-6 với Mt 28,19. Có gì khác biệt không? Tại sao có sự khác biệt đó?

7. Lệnh truyền của Chúa Giêsu là làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ Ngài. Chúa muốn ta thực hiện lệnh truyền này bằng cách nào? Đọc Mt 28,19-20.

8. Tin Mừng Mátthêu có nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không? Ba Ngôi có tương quan với nhau và với chúng ta không? Đọc Mt 3,16; 5,48; 10,20; 11,25-27; 12,28. 32; 16,27.

9. Chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Nhân danh nghĩa là gì?

 

GỢI Ý SUY NIỆM:

Chúa Giêsu ở với Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế (28,20). Theo Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần có ở với chúng ta không? Đọc Mt 6,25-34; 10,18-20.

 

PHẦN TRẢ LỜI:

1. Sau khi ăn tiệc Vượt Qua cũng là bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu báo cho các môn đệ biết Ngài sẽ đến Galilê trước các ông sau khi được phục sinh (Mt 26,32). Vị thiên sứ ở trong mộ Chúa cũng nhờ các bà mau mau đi nói cho các môn đệ về cái hẹn này, và nói rõ Galilê là nơi các ông sẽ gặp Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết (Mt 28,7). Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho các bà, Ngài lại nhắc nhở các bà đi báo cho các môn đệ về việc Ngài hẹn gặp họ ở Galilê (28,10). Xem ra Đức Giêsu phục sinh rất coi trọng cuộc hẹn quan trọng này. Ngài sẽ là người đến đó trước các ông (Mt 26,32; 28,7). Ngài không muốn các môn đệ, cũng là anh em của Ngài, bị lỡ cuộc gặp gỡ này. Như thế các ông trở lại miền Galilê vì Ngài đã hẹn gặp họ ở đó (Mt 28,16).

2. Trong Tin Mừng Mát-thêu, núi xuất hiện nhiều lần. Đức Giêsu bị cám dỗ ở trên một ngọn núi rất cao, thấy được hết mọi nước (Mt 4,8). Ngài giảng Bài Giảng đầu tiên trên núi (5,1). Ngài cầu nguyện một mình trên núi (14,23). Ngài quy tụ dân chúng và những bệnh nhân trên núi để chữa bệnh và nuôi họ ăn (15,29). Ngài biến hình trên một ngọn núi cao (17,1). Ngài giảng Bài Giảng về thời Cánh chung ở trên núi Ô-liu, và cầu nguyện lần cuối tại núi này trước khi chịu khổ nạn (24,3; 26,30). Cuối cùng, Chúa phục sinh đã gặp nhóm Mười Một ở trên một ngọn núi vùng Galilê (28,16). Có lẽ Đức Giêsu thích núi vì ở đó có bầu khí thanh tịnh, vắng vẻ, khiến Ngài dễ cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Cha (Mt 14,23; 26,30). Ngài cũng thích gặp gỡ đám đông dân chúng trên núi (5,1; 15,29).

3. Có một vài môn đệ còn hoài nghi khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với họ (Mt 28,17). Điều này không lạ vì ta cũng gặp thái độ tương tự trong các Tin Mừng khác (Mc 16,11.13-14; Lc 24,11.38.41; Ga 20,25). Hoài nghi không phải là không tin gì, nhưng là yếu tin, tin chưa vững. Ở Mt 14,31, Đức Giêsu trách Phêrô vì đã hoài nghi, nghĩa là kém lòng tin. Đức tin cần có thời gian và kinh nghiệm để từ từ lớn lên đến mức trưởng thành.

4. Trong Mt 28,18-20 có 4 từ mọi, được dịch bằng nhiều cách: mọi quyền năng (toàn quyền: 28,18); mọi dân tộc (muôn dân: 28,19); mọi điều Thầy truyền (28,20); và mọi ngày cho đến tận thế (28,20). “Mọi quyền năng trên trời dưới đất” cho thấy Chúa Giêsu phục sinh được Cha tôn vinh bên hữu Cha. “Làm cho mọi dân tộc thành môn đệ” nghĩa là mở ra với tất cả dân ngoại, với mọi quốc gia trên thế giới, chứ không bó hẹp trong đất Israen. “Mọi điều Thầy truyền”, không được bỏ sót điều nào. “Ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” là luôn luôn ở lại bên anh em.

5. Chúa Giêsu phục sinh được Chúa Cha ban mọi quyền năng trên trời dưới đất. Ngài có quyền năng như Chúa Cha, không phải tự mình mà có, nhưng vì chính Chúa Cha đã cho Ngài toàn quyền như mình (Mt 20,18). Trước khi được Chúa Cha phục sinh, Đức Giêsu cũng đã bày tỏ quyền năng của Ngài qua lời giảng dạy (Mt 7,29), qua việc Ngài tha tội (9,6-8), và qua việc Ngài cho các môn đệ quyền trên các thần ô uế (10,1).

6. Ở Mt 10,5-6 Đức Giêsu bảo các môn đệ đừng đi đến với dân ngoại, chỉ nên đến với người Israen thôi, vì chưa phải lúc để mở rộng tầm hoạt động. Còn sau khi được phục sinh (Mt 28,19), Chúa Giêsu sai các môn đệ đến với mọi dân tộc (=muôn dân), nghĩa là đến với cả dân ngoại nữa. Có sự khác biệt này là vì sau khi được Chúa Cha phục sinh và ban toàn quyền trên trời dưới đất, nhờ sự cộng tác của các môn đệ mọi thời, Chúa Giêsu muốn đem ơn cứu độ đến cho mọi người trên toàn thế giới.

7. Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta “đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Để thực hiện mệnh lệnh này Ngài đòi các môn đệ làm hai điều: làm phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần cho những ai tin, đồng thời dạy bảo họ tuân giữ giáo huấn mà chính mình đã lãnh nhận (Mt 28,19-20). Như thế các môn đệ của Chúa Giêsu qua muôn thế hệ đều có điểm chung, đó là cùng chịu một phép Rửa nhân danh Ba Ngôi, và có cùng một lối sống nhờ tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Giêsu.

8. Trong Tin Mừng Mát-thêu, có những đoạn văn ám chỉ đến Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Giêsu và Thánh Thần. Lúc Đức Giêsu chịu phép rửa, có sự hiện diện của Chúa Cha và Thần Khí Thiên Chúa (Mt 3,16). Khi môn đệ phải ra tòa vì Chúa Giêsu thì có Thần Khí của Cha giúp họ đối đáp (10,20). Đức Giêsu đã dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa Cha mà trừ quỷ (12,28). Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha (24,36), và là người Tôi Tớ dấu yêu được Chúa Cha ban Thần Khí (12,18).

Ngoài ra cũng có những đoạn văn nói về Chúa Cha (5,48), về Chúa Thánh Thần (12,32), hay nói đến tương quan thân thiết giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu (11,25-27; 16,27).

9. Chịu phép rửa nhân danh Ba Ngôi. “Danh” nghĩa là “Tên.” Đối với người Do-thái, “tên” của một người tượng trưng cho chính người ấy. Khi tôi “nhân danh” một người để làm một việc, điều đó cho thấy tôi đang có tương quan tốt đẹp, có sự giao hảo với người đó. Khi làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi, chúng ta đưa người tân tòng đi vào tình bạn thân thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa, và với từng Ngôi một.

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 2 mùa Vọng - Năm C - 2024 (04/12/2024 08:20:22 - Xem: 47)

Dám hoán cải và dám mời gọi mọi người hoán cải, đó là điều ông Gioan Tẩy Giả đã làm. Để làm được như thế cần nhiều can đảm.

Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật 1 Mùa Vọng - Năm C - 2024 (30/11/2024 09:49:20 - Xem: 43)

Nếu mai là Ngày Tận thế, Ngày Chúa Quang Lâm, bạn sẽ làm gì hôm nay? Đâu là những cám dỗ trần tục khiến con người thời nay quên chuẩn bị cho Ngày Chúa trở lại?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 121)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 156)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 161)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 200)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 214)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 311)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 199)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 267)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7