Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Khi Linh mục khóc

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,409
  • Ngày đăng: 27/03/2023 17:38:39

KHI LINH MỤC KHÓC

 

Khi bạn nhìn thấy linh mục khóc, hay chính bạn là linh mục đã từng khóc, bạn hãy đi hỏi Chúa, chứ đừng hỏi người trần mắt thịt. Chúa sẽ có lời giải đáp thoả đáng nhất cho ta.

 

 

Chắc đã hơn một lần bạn nhìn thấy linh mục khóc : chẳng hạn khi nằm phủ dài sát đất trong lễ phong chức, để cùng với cộng đoàn hiện diện và thần thánh trên trời khẩn nài Thiên Chúa đoái thương phận hèn yếu đuối bất xứng.

 

Hoặc, long trọng và hân hoan hơn, khi xúc động không nói hết lời trong lễ tạ ơn, sau ngày đón nhận hồng phúc, lúc phải thân thưa với cộng đoàn, đặc biệt với các Đấng sinh thành đang có mặt hay đã khuất bóng.

 

Ta có thể tạm gọi - như một bài thánh ca (“Từng bước đi lên”, Lm. Văn Chi - Lm. Xuân Thảo), là những giọt “nước mắt ngọt ngào”, vì thấm đẫm biết bao ơn Trời và tình người quyện vào từng mạch máu thớ thịt xác hồn con người linh mục lúc này. Cái hương vị nhiệm lạ từ việc đặt tay của Vị đại diện Chúa và Giáo hội, như ấn tín chứng thực “là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa” (Dt. 5, 1), được xức dầu thánh trên đôi tay trần trở thành như cánh phượng hoàng dang rộng bay vút về đỉnh trời cao huyền diệu, cùng với đôi môi vang lời tụng ca, hướng đạo nhân trần đến cùng một đích điểm là hạnh phúc vĩnh hằng.

 

Theo dòng thời gian, trở về với nội tâm sâu lắng, khi những ồn ào xôn xao bên ngoài chìm xuống, còn lại một mình với nỗi thao thức mục vụ, người linh mục có lần phải khóc lặng lẽ vì nhiệt huyết cứ dần cạn vơi, một phần bởi con người thờ ơ lãnh đạm. Cái chai cứng hình thành nếp gấp, tạo nên căn bệnh vô cảm dửng dưng mãn tính trước chân lý và thánh thiêng dễ làm linh mục đi vào lối mòn trong bổn phận, buông mình theo thời khoá biểu đã lập trình, có khi còn ru ngủ chính mình trong giấc chiêm bao giả tạo nào đó.

 

Những điều như thế và tương tự như vậy, có làm linh mục nhỏ xuống những giọt “nước mắt chua chát” ? “Chua” vì sự ươn ái cần được ướp lại bằng tình yêu và lòng cảm mến ghi dấu thuở ban đầu (x. Kh. 2, 4). “Chát” bởi hương thơm dầu thánh hiến đã phai nhạt theo thời gian biến đổi, khiến dễ quên lãng những lời thề vàng son và những nguyện chúc ngọt lịm bờ môi. Cũng có thể, vì trải qua nhiều năm tháng, nếp gấp đã dầy lên vì lực mòn sức kiệt, lại vật vã với đủ hạng người - thay vì khích lệ thì là khích bác, thay vì nâng đỡ cảm thông thì lại dập vùi, thay vì cộng tác thì xoi mói xúc siểm ác ý khiến linh mục nhiều khi thấy đêm dài như vô tận, đen hơn cả chiếc áo vẫn khoác lên mình mỗi ngày. Hệt như lời Thánh vịnh 38, 20-21 : “Kẻ vô cớ thù con đều mạnh thế, người vô lý ghét con thật quá nhiều ! Con làm ơn thì chúng trả oán, con theo đuổi điều lành, chúng lại tố cáo con”.

 

Nhưng khó nuốt hơn cả là “nước mắt đắng cay”, mà ngay cả đến Đức Kitô trong giờ hấp hối, khi lính của tổng trấn Philatô “cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống” (Mt. 27, 34). Chỉ riêng thánh sử Matthêu nói đến “rượu pha mật đắng”, ba thánh sử Maccô, Luca và Gioan thì nói đến “giấm” (Mc. 15, 36; Lc. 23, 36; Ga. 19, 29). Cái “đắng cay” ở chỗ, nếu vì làm những việc xấu, tác hại cho người là chuyện không cần phải bàn, nhưng đàng này, suốt cả đời đã chuyên cần dạy khuyên, hướng dẫn đi vào đường lành, chỉ mong người người tìm được hạnh phúc đích thực, để rồi “thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv. 69, 22).

 

Thế nhưng, có lần nào bạn nuốt từng ngụm nhỏ và tự hỏi : “Tại sao những giọt nước mắt lại có vị mặn ?”. Câu trả lời xem ra “ngớ ngẩn” lại không gì khác, hơn là: nước mắt mặn, vì chúng có muối. Muối này có, không bởi do ai pha hay cho vào từ bên ngoài, nhưng từ chính cơ thể sản sinh ra. Vì thế, ta mới ngộ ra câu : “nước mắt chảy ngược về tim”, để từ những luồng máu đen “chua chát”, “đắng cay”, tim phải hút máu nhờ tĩnh mạch âm thầm, đẩy máu đến phổi Thần Khí để thải khí cacbonic và lấy lại dưỡng khí, lúc trở về ẩn sâu nơi lòng Chúa, sẽ được động mạch đẩy những giọt máu hồng tình yêu nuôi khắp nhiệm thể, làm sáng lên căn tính linh mục là dấu chỉ của lòng trắc ẩn xót thương, sự dịu hiền bao dung, mối liên hệ gần gũi của một Vị Thiên Chúa là Cha trước nỗi khốn cùng của con cái loài người hôm nay, như lời thư Do thái khẳng định : “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”(Dt. 5, 7-10).

Và như vậy, hãy cứ là một linh mục biết khóc mà không xấu hổ : cho mình và cho người, như câu chuyện gợi ý sau đây :

Ngày nọ, một bạn trẻ đến gặp vị trưởng lão và than thở :

- Con rất cần một lời khuyên, vì đang bị dày vò bởi cảm giác vô dụng nên không còn muốn sống nữa. Mọi người đều nói con là kẻ thất bại và ngu ngốc. Xin hãy giúp con !

Vị trưởng lão liếc nhìn bạn trẻ, trả lời vội vã :

- Hãy thông cảm cho ta. Ta đang rất bận và không thể giúp được gì, vì ta có việc khẩn cấp cần giải quyết.

Vị trưởng lão dừng lại, suy nghĩ thêm một chút, rồi nói tiếp :

- Nhưng…nếu con đồng ý giúp ta một việc, ta có thể làm được gì đó cho con.

- Dĩ…nhiên rồi, thưa ngài.- Người bạn trẻ đáp lại.

- Tốt ! - Vị trưởng lão nói và rút từ ngón tay mình chiếc nhẫn nhỏ có đính viên ngọc tuyệt đẹp, rồi nói tiếp :

- Hãy dùng ngựa của ta và đi ra chợ ! Ta cần bán gấp chiếc nhẫn này để trả nợ. Con hãy bán nó với mức giá phù hợp, nhưng không được thấp hơn một đồng tiền vàng ! Con đi ngay và hãy trở lại khi xong việc ta trao.

Người bạn trẻ cầm chiếc nhẫn và phi ngựa lên đường. Đến chợ, anh gặp rất nhiều thương nhân, nhưng khi nghe yêu cầu về giá của chiếc nhẫn, mọi người đều lắc đầu. Một số cười nhạo. Đa số quay đầu bỏ đi. Vài người cho rằng giá một đồng tiền vàng là quá cao so với chiếc nhẫn nhỏ bé như vậy.

- Con không thể thực hiện theo yêu cầu của ngài. Họ cho rằng chiếc nhẫn này không có nhiều giá trị.

- Đó là điều rất quan trọng đấy, chàng trai ạ.- Vị trưởng lão đáp lại. Trước khi cố gắng bán một chiếc nhẫn, con nên tìm hiểu giá trị thực của nó. Và chỉ những người đã trực tiếp làm ra mới có câu trả lời chính xác, con hãy đi hỏi một trong những người đó.

Người bạn trẻ một lần nữa phi ngựa đi tìm một thợ kim hoàn. Sau khi kiểm tra cẩn thận bằng kính lúp và ngắm nghía kỹ lưỡng, người thợ quay sang nói với người bạn trẻ :

- Hiện giờ, tôi không thể mua chiếc nhẫn này với giá hơn 58 đồng tiền vàng.

Nhưng một thời gian sau, tôi sẽ mua nó với giá 70 đồng tiền vàng.

- 70 đồng tiền vàng sao ? - người bạn trẻ thốt lên kinh ngạc. Anh cảm ơn người thợ kim hoàn và vội vã quay về gặp vị trưởng lão.

Khi nghe câu chuyện của người bạn trẻ kể lại, vị trưởng lão kết luận :

- Hãy nhớ rằng, bản thân con giống như chiếc nhẫn này. Rất quý giá và độc đáo ! Chỉ có những chuyên gia chân chính mới có thể đánh giá đúng giá trị đích thực của con mà thôi. Vậy tại sao con lại lãng phí thời gian của con và để tâm đến những lời dèm pha của những kẻ ngu ngốc kia ?

 

Tương tự như câu chuyện, khi bạn nhìn thấy linh mục khóc, hay chính bạn là linh mục đã từng khóc, bạn hãy đi hỏi Chúa, chứ đừng hỏi người trần mắt thịt. Chúa sẽ có lời giải đáp thoả đáng nhất cho ta.

 

                                                          Lm. Bùi Văn Khiết Tâm.

Hướng về thứ Năm tuần thánh, 06/04/2023.

Bài cùng chuyên mục:

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 120 – Chúng con vẫn nhớ!  (15/04/2024 15:07:13 - Xem: 76)

10 điều nên làm khi có người yêu – Phần 1 (14/04/2024 07:28:00 - Xem: 267)

Hỡi các cô gái, bài viết này dành riêng cho bạn, đặc biệt với những ai thừa nhận rằng mình đang yêu.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 118 – Người đã lập gia đình có được làm linh mục? (10/04/2024 09:33:45 - Xem: 236)

Con đọc trên Internet, thấy Giáo hội thường tranh luận về vấn đề người lập gia đình có được lãnh nhận chức linh mục?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 121 – Người bí ẩn trong Bữa Tiệc Ly (03/04/2024 07:37:54 - Xem: 222)

Nghe người ta nói rằng: người ngồi cạnh Đức Giêsu trong bích họa Bữa Tiệc Ly của Leonardo da Vinci là Maria Magdalena.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 117 – Người Công giáo làm từ thiện (28/03/2024 08:04:04 - Xem: 285)

Nếu bản thân chúng ta hay cộng đoàn nơi chúng ta sinh sống còn ít thực thi bác ái, có nghĩa là chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi của người Kitô hữu.

Nói gì với những người trẻ không còn cần đến Thiên Chúa nữa? (24/03/2024 08:33:54 - Xem: 402)

Đức tin chỉ lớn lên khi luôn khao khát nó: các tông đồ cầu xin Chúa : “Xin gia tăng đức tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

Hãm mình để nâng dậy tâm hồn (13/03/2024 08:03:14 - Xem: 390)

Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội, để vươn đến nhân đức nhanh hơn, hãm mình là cần thiết: ăn chay, đánh tội, từ bỏ ý riêng, khiêm nhường.

Cầu nguyện Mùa Chay có gì khác? (04/03/2024 07:13:00 - Xem: 375)

Con biết Mùa Chay là Mùa của cầu nguyện. Con nghĩ mùa nào cũng cần cầu nguyện mà. Vậy ý nghĩa cầu nguyện trong mùa này là gì ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 116 – Vài cách cầu nguyện (29/02/2024 08:18:50 - Xem: 273)

Câu hỏi: Xin chia sẻ giúp con vài cách cầu nguyện phù hợp với môi trường sinh viên? Con cảm ơn nhiều.

Năm lời khuyên để đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn (26/02/2024 05:34:39 - Xem: 440)

Có nhiều lý do dẫn đến sự bất an nhưng chẳng có lý do nào là tốt cả. Chúng ta muốn kiểm soát mọi thứ, nhưng điều này thực sự là không thể.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7