Liệu tôi có thể tin tưởng các sách Phúc âm chăng?
- In trang này
- Lượt xem: 1,063
- Ngày đăng: 20/08/2023 07:19:51
Liệu tôi có thể tin tưởng các sách Phúc âm chăng? Câu trả lời ngắn gọn là “Có”. Câu trả lời dài là, điều này rất hấp dẫn.
Từ góc độ đức tin, bốn sách Phúc âm – giống như tất cả các sách khác trong Kinh thánh – đều được Thiên Chúa linh hứng, và điều này có ý nghĩa về tính xác thực và độ đáng tin của chúng. Theo Công đồng Vatican II:
Để viết ra các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi.
Vì phải xem mọi lời tác giả được linh hứng, tức các Thánh sử, viết ra, là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta. (Hiến chế Dei Verbum, 11).
Bởi vì, dưới sự linh hứng của Thiên Chúa, các Thánh sử đã viết “tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi”, bất cứ điều gì mà các sách Phúc âm khẳng định đều “là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết” và vì thế, dạy chân lý “không sai lầm”. Do đó, các Phúc âm hoàn toàn đáng tin cậy.
Điều này không có nghĩa là những gì Thánh sử khẳng định luôn hiển nhiên, nhưng có nghĩa là nếu chúng ta hiểu đúng những gì Thánh sử nói, thì Thiên Chúa đảm bảo rằng điều đó là sự thật.
Không phải ai cũng chia sẻ nhãn quan đức tin, vì vậy chúng ta cần xem xét mức độ đáng tin của các sách Phúc âm cũng có thể được thể hiện từ góc độ lý trí, vốn có thể dẫn chúng ta đến đức tin.
Trong làn sóng học thuật theo chủ nghĩa hoài nghi bắt đầu cách đây hơn 200 năm, mọi thứ đều bị đặt nghi vấn và thách thức. Những người hoài nghi cho rằng các sách Phúc âm được viết bởi những cá nhân ẩn danh, rất lâu sau những biến cố mà họ miêu tả, và rằng những câu chuyện và lời nói của Chúa Giêsu là sản phẩm của một thời gian dài được truyền khẩu trong một trò chơi “truyền từ xa” không đáng tin cậy.
Có những lý do để bác bỏ từng tuyên bố này. Các sách Phúc âm được viết bởi những người có tên trên đó, được viết khá sớm và dựa trên chứng từ của những chứng nhân hoặc những người hầu như tận mắt chứng kiến. Nhưng chúng ta có những cách bổ sung để chỉ ra độ đáng tin của các sách Phúc âm từ khía cạnh lý trí.
Vấn đề của Phúc âm nhất lãm rất hữu ích, bởi vì nó cho chúng ta thấy các Thánh sử đã xử lý các nguồn của mình ra sao. Khi Matthêu và Luca sử dụng Phúc âm của Máccô, các ngài không thay đổi hoàn toàn bản chất của từng câu nói hoặc câu chuyện. Các ngài trau chuốt ngôn ngữ, nhưng cẩn trọng giữ gìn nội dung. Thực tế là có rất nhiều đoạn có sự hoà hợp gần như từng chữ cho thấy các ngài đã thận trọng như thế nào với nguồn Máccô. Và nếu các ngài cẩn thận với nguồn này, thì điều đó cho chúng ta bằng chứng rằng các ngài cũng cẩn thận với những nguồn khác mà lẽ ra các ngài sẽ sử dụng.
Chúng ta cũng có bằng chứng cho thấy Máccô là một nguồn kỹ lưỡng. Vào thế kỷ thứ nhất, một trong những cuộc tranh luận lớn trong Giáo hội là liệu Kitô hữu có phải tuân theo Luật pháp Môisê hay không, điều này có nghĩa là một số loại thực phẩm không sạch để ăn, như một số Kitô hữu tiên khởi đã tuyên bố (Rm 14, 1, Cl 2, 16).
Sẽ rất thuận tiện nếu có một câu nói của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề, và nếu các Thánh sử cảm thấy tự do thoải mái khi bịa ra những câu nói của Chúa Giêsu, thì hẳn các ngài đã làm như vậy. Nhưng chúng ta thấy Máccô đang làm điều gì đó rất khác biệt. Trong một cuộc thảo luận với những người Pharisêu về việc có cần phải rửa tay sạch để dùng bữa hay không, Máccô ghi lại lời Chúa Giêsu nói:
“Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài? (Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch)” (7, 18-19).
Câu nói trong ngoặc đơn là một suy luận mà Máccô rút ra từ những gì Chúa Giêsu đã nói. Nếu không có gì xâm nhập vào một người khiến người ấy bị ô uế, thì điều đó áp dụng cho thức ăn cũng như chất bẩn có thể dính trên tay người ấy. Nhưng Máccô không đặt suy luận này trên môi miệng của Chúa Giêsu. Thánh sử giữ nguyên vẹn câu nói của Chúa Giêsu và rút ra một suy luận từ đó thay vì sửa đổi những gì Chúa Giêsu đã nói.
Sách Công vụ Tông đồ là một nguồn hữu ích khác trong việc đánh giá độ đáng tin của các Thánh sử. Công vụ bao gồm một khoảng thời gian rộng hơn nhiều (khoảng 30 năm) và trải dài khắp thế giới Hy Lạp-Roma, có nghĩa là sách này mang lại cho chúng ta nhiều tuyên bố hơn có thể được kiểm chứng. Khi điều này được thực hiện, chúng ta thấy rằng Luca chính xác một cách lạ thường.
Học giả người Anh William Ramsay đã thực hiện một nghiên cứu về sách Công vụ Tông đồ — với hy vọng khám phá ra rằng sách này không đáng tin — nhưng rút cuộc, ông chỉ có thể kết luận rằng “Sách Công vụ Tông đồ có thể được trích dẫn như một tài liệu có căn cứ lịch sử đáng tin cậy” và “Luca là một sử gia hạng nhất. … Nói tóm lại, tác giả Luca nên được xếp ngang hàng với những nhà sử học vĩ đại nhất”.
Nhưng còn tất cả những “mâu thuẫn” mà những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho là có trong các sách Phúc âm thì sao? Điều quan trọng là phải biết tiếp cận những tuyên bố này như thế nào.
Trước hết, những mâu thuẫn bị cáo buộc không bao giờ là về những vấn đề lớn. Những người hoài nghi không thể chỉ ra những đoạn nói rằng Chúa Giêsu là người Hy Lạp chứ không phải người Do Thái, rằng Giuse là cha ruột của Chúa Giêsu, hoặc Chúa Giêsu bị ném đá chứ không phải bị đóng đinh. Luôn luôn, những mâu thuẫn bị cáo buộc là những chi tiết nhỏ. Do đó, ngay cả khi có sự khác biệt giữa các sách Phúc âm, thì chúng sẽ là những vấn đề nhỏ hơn và nội dung của chúng vẫn luôn đúng.
Tuy thế, những khác biệt nhỏ bị cáo buộc lại không phải là những mâu thuẫn. Những người hoài nghi có thể thấy như vậy khi đọc các sách Phúc âm như thể chúng được viết theo những quy ước hiện đại. Nhưng khi xem xét cách viết văn chương cổ đại, chúng ta thấy chúng không phải như vậy.
Công đồng Vatican II chỉ ra sự cần thiết phải nghiên cứu cách viết của các tác giả cổ đại:
“Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các Thánh sử thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của các ngài” (Hiến chế Dei Verbum, số 12).
Ở đây chúng ta sẽ lưu ý đến 3 cách viết cổ xưa có thể khiến độc giả hiện đại khó hiểu: sự chọn lựa, diễn giải, và trình tự.
Sự chọn lựa liên quan đến tài liệu mà tác giả chọn đưa vào. Bởi vì sách rất tốn kém và các Thánh sử muốn giữ cho các tác phẩm của mình đủ nhỏ để nằm gọn trong một cuộn giấy, các ngài phải chọn chi tiết nào cần đưa vào và chi tiết nào nên bỏ qua. Thánh sử Gioan thậm chí còn ám chỉ rằng ngài biết nhiều hơn những gì ngài đã có thể viết ra (x. Ga 21, 25).
Các Thánh sử đưa ra lựa chọn về những chi tiết cần đề cập và bỏ qua, và đôi khi những người hoài nghi miêu tả những điều này là mâu thuẫn. Ví dụ, Mc 10, 46-52 ghi lại cách Chúa Giêsu chữa lành cho người mù Batimê tại Giêricô, mặc dù Mt 9, 27-31 cho biết rằng Chúa Giêsu đã chữa lành cho hai người mù vào dịp đó.
Đây không phải là mâu thuẫn. Máccô chỉ muốn tập trung vào Batimê, trong khi Matthêu nhắc tới người mù kia. Điều này đã được so sánh với cách các nhân chứng của một vụ tai nạn ô tô, họ có thể tường thuật các chi tiết khác nhau mà không mâu thuẫn với nhau.
Diễn giải là sử dụng các từ khác nhau để truyền đạt cùng một ý nghĩa. Chúng ta vẫn thường làm điều này trong lời nói hàng ngày. Chúng ta truyền đạt ý chính của những gì ai đó đã nói với chúng ta mà không sử dụng chính xác từ ngữ của người ấy. Nhưng trong các tác phẩm viết, chúng ta không mong đợi thấy những lời diễn giải được đặt trong dấu ngoặc kép. Điều này một phần là do chúng ta đang sống trong thế giới của các thiết bị ghi âm và việc kiểm tra xem ai đó đã nói gì và đưa ra chính xác lời nói của họ dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng ở thế giới cổ đại, người ta không có máy ghi âm. Cũng không có dấu ngoặc kép (được các dịch giả Kinh thánh thêm vào), và vì vậy, khán giả thời xưa không mong đợi các tác giả luôn đưa ra từ ngữ chính xác. Trái lại, họ mong đợi các tác giả đưa ra ý chính về những gì ai đó nói vào một dịp nào đó, nhưng không phải là từ ngữ chính xác.
Chẳng hạn, Matthêu mở đầu Kinh Lạy Cha như sau: “Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (6, 9-10), trong khi Luca viết ngắn gọn hơn: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Ðại Cha mau đến” (11, 2).
Khán giả cổ đại sẽ coi đây không phải là mâu thuẫn, mà là một kiểu diễn giải mà họ thường mong đợi. Cả hai tác giả đều giữ nguyên ý nghĩa; chỉ là cách diễn đạt từ ngữ của lời cầu nguyện hơi khác nhau một chút.
Trình tự liên quan đến thứ tự mà tác giả trình bày tài liệu của mình. Điều này có thể được thực hiện theo những cách thức khác nhau. Đôi khi tác giả có thể trình bày tài liệu theo trình tự thời gian chặt chẽ, nhưng những lúc khác, tác giả có thể sắp xếp tài liệu theo chủ đề.
Điều này có thể làm độc giả hiện đại bối rối, vì chúng ta đang sống trong thời đại mà các ghi chép thường được lưu giữ chính xác về thời điểm xảy ra sự việc. Trong thế giới cổ đại, điều này thường không phải như vậy. Mọi người sẽ nhớ những gì đã xảy ra, nhưng không phải là ngày giờ chính xác. Kết quả là, độc giả cổ đại không mong đợi tác giả giữ mọi thứ theo trình tự thời gian nghiêm ngặt, trừ khi tác giả nói rằng đó là điều tác giả đang làm.
Vì vậy, khi Matthêu thu thập những câu nói khác nhau của Chúa Giêsu và sắp xếp chúng thành những bài giảng theo chủ đề, chẳng hạn như trong Bài giảng trên núi (Mt chương 5-7), khán giả tiên khởi sẽ không hiểu đó là Thánh sử tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã thực sự nói tất cả những lời này theo nghĩa đen, theo thứ tự này, và trong một dịp duy nhất. Đối với họ, điều quan trọng là Chúa Giêsu đã nói những điều đó, chứ không phải khi Người nói những điều đó.
Việc nhận thức rằng các Thánh sử — giống như các tác giả cổ đại khác — có thể sử dụng trình tự theo chủ đề thay vì trình tự theo thời gian, giúp chúng ta tiếp cận với những sự khác biệt được cho là liên quan đến trình tự thời gian trong các sách Phúc âm.
Cuối cùng, không có mâu thuẫn nào trong các sách Phúc âm cả, nhưng việc thể hiện điều này đòi chúng ta phải hiểu những gì các Thánh sử khẳng định và không khẳng định, đồng thời, điều này cũng đòi hỏi một kiến thức về cách thức hoạt động của văn chương cổ đại.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholic.com (11. 08. 2023)
Bài cùng chuyên mục:
Ủy Ban Giáo dân - Thường huấn tháng 9/2024 (01/09/2024 13:37:58 - Xem: 108)
Tôi có đang thực sự đi theo Chúa Giêsu trên con đường của Người hay tôi đang đi theo ý riêng, sống đạo theo cách tôi muốn?
Linh mục quản xứ - Mục tử cai quản Đoàn chiên (28/08/2024 07:58:47 - Xem: 131)
Dựa trên Lời Chúa, huấn quyền của Giáo hội và chút ít kinh nghiệm cá nhân, xin chia sẻ một vài lời về việc cai quản giáo xứ.
Yêu như Thầy đã yêu: Trưởng thành và quân bình cảm tính trong đời sống độc thân Linh mục (09/08/2024 10:15:17 - Xem: 215)
Các linh mục không là thành viên của các hội dòng, được đào tạo để phục vụ và lãnh đạo Dân Chúa, trong vai trò của người mục tử sống với và sống vì đoàn chiên
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 08/2024 (02/08/2024 08:57:23 - Xem: 168)
Căn tính truyền giáo của Giáo Hội một đàng được thể hiện qua đời sống cá nhân của mỗi Kitô hữu giáo dân...
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 07/2024 (02/07/2024 07:39:20 - Xem: 302)
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
Hãy vui lòng dạy con tình yêu - Tình yêu trinh khiết và đời tu (22/06/2024 07:25:58 - Xem: 352)
“Thuộc trọn về Chúa cả hồn và xác” là cách diễn tả tình yêu sâu đậm của một con người dành cho Thiên Chúa và nhờ đó dành cho mọi người.
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 06/2024: (02/06/2024 09:05:25 - Xem: 373)
Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội không có gì khác hơn là sống những điều căn bản để trở thành một Kitô hữu đích thực.
Bộ Giáo dục Công giáo: Hướng dẫn đào tạo linh mục tương lai về Truyền thông Xã hội năm 1986 (29/05/2024 07:37:38 - Xem: 299)
Truyền thông nhân loại, một món quà của Chúa.
ỦY BAN GIÁO DÂN - Thường huấn tháng 05/2024: Người trẻ & Tông đồ giáo dân (04/05/2024 21:47:38 - Xem: 493)
Người trẻ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và thích ứng của Giáo hội trong thời đại mới. Vai trò của họ không chỉ dừng lại ở việc kế thừa, mà còn là những người đổi mới và đóng góp tích cực vào sự phát triển của Giáo hội.
Sáu điều tín hữu nên biết về Chúa Nhật Lễ Lá (22/03/2024 13:51:11 - Xem: 653)
Sau đây là 6 khía cạnh chính yếu về Chúa Nhật Lễ Lá chúng ta nên biết khi chuẩn bị tâm hồn cử hành ngày quan trọng này.
-
Tại sao các lời nguyện hầu hết đều xin Chúa Cha?
Lạy Chúa Giêsu, mà lại kết thúc bằng: Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, vậy nảy giờ, vị đó đang thưa chuyện với ai?
-
Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá
Khởi đầu cuộc đời làm mẹ, Đức Maria đã hiểu rằng những đau khổ của Chúa Kitô cũng sẽ là chính đau khổ của Mẹ.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 138 - Tình yêu thúc bách tôi
Xin quý Tu sĩ giải đáp cho con về việc làm sao mình có thể giữ lửa yêu mến đời tu như thủa ban đầu đến nhà dòng ạ? Bởi con đã ở nhà dòng...
-
Điều hầu hết mọi người hiểu sai về hôn nhân
Chúng ta về bản chất có xu hướng ích kỷ, và khi đang sống trong một xã hội ích kỷ và duy vật chất chỉ làm tăng cám dỗ sự ích kỷ.
-
Ảo tưởng về chính lòng tốt của chúng ta
Với hầu hết chúng ta, khi điều này xảy ra, chúng ta vẫn là những người tốt và hào phóng, ngoại trừ chúng ta trở nên cay nghiệt, hoài nghi...
-
Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 24 TN năm B -2024
Đức tin của chúng ta không phải là vấn đề biết về Chúa Giêsu. Đó là một hành trình khám phá để biết Người.
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 24 TN năm B - 2024
Phêrô trả lời hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh của ông về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm của đám đông: là một Đức Kitô oai phong lẫm...
-
Đừng để ngày sống qua đi mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi
Đừng để ngày sống qua đi, mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi. Bạn hãy trao bảy nụ cười có Chúa đến với những anh chị em bạn gặp hôm nay!
-
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên...
-
5 sự thật thú vị về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta
Mẹ Têrêsa đã được trao hơn 120 giải thưởng và danh hiệu, cả khi sinh thời lẫn sau khi qua đời. Trong đó có thể kể đến giải thưởng Padma...
-
Nhận nhưng không, cho nhưng không
Xin ngài hãy nói cho con biết nên sử dụng số tiền này như thế nào để gia tăng lợi ích cho con!
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...
- Câu chuyện chiều thứ bảy: Đừng...
- Bát mì tôm trứng và bài học