Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện 3 ngày Tết Nguyên đán

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,558
  • Ngày đăng: 26/01/2022 12:38:39

ĐỪNG LO

Mồng Một Tết Nguyên Đán : Mt 6, 24-34

 

 

Suy niệm

Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Đừng lo lắng”. Nhưng làm sao sống mà không lo. Người xưa có nói: "Không lo xa ắt có buồn gần". Xem ra có điều gì mâu thuẫn chăng? Thật ra, câu nói của người xưa là nhắc nhở ta đừng sống buông tuồng, dễ dãi, kẻo phải ân hận hối tiếc. Còn Chúa Giêsu khi bảo đừng lo lắng, là Ngài muốn chúng ta sống cuộc đời an vui thanh thản, không quá đặt nặng nhu cầu vật chất như cơm ăn áo mặc, vì Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự. Ngay cả vạn vật cũng nằm trong dự hướng tốt lành của Ngài: Hãy xem chim trời không gieo không gặt mà chúng vẫn no đủ. Hoa huệ ngoài đồng không cửi không dệt mà vẫn đẹp tươi. Hơn nữa, Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu, thừa biết những nhu cầu của con cái và luôn ban đúng lúc, miễn ta đừng lười lĩnh và biếng nhác, cũng như đừng ích kỷ, để còn biết chia sẻ và tương trợ lẫn nhau. Vì thế, hãy“Quẳng gánh lo đi và vui sống”.Thánh Phêrô đã khuyên ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).

 

Tiếp theo, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xét xem: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Ai cũng biết rằng, mình không thể chỉ sống bằng việc thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhưng chính yếu là sống bằng tình thương. Một em bé cũng nhận ra điều này, vì em không chỉ cần ăn, cần mặc, nhưng còn cần hơn nữa sự hiện diện yêu thương của những người thân. Thiếu tình thương thì mọi thứ khác trở thành thừa. Dù có tiền dư của đầy, đời sống con người cũng trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành địa ngục, vì nó gây nên tán tận lương tâm. Không lạ gì mà Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).

 

Chúa Giêsu tiếp tục đặt vấn đề với chúng ta như sau: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”(Mt 6, 27). Ở đây, Ngài còn muốn nói đến cả những lo lắng mà ta cho là quan trọng và lớn lao. Nhưng hãy coi chừng, tiềm ẩn trong những lo lắng đó có thể là một thứ tham lam hay tham vọng trá hình? Dù quan trọng đi nữa, nếu cứ lo lắng như thế thì cuối cùng chúng ta được gì? Tâm trí ta lúc nào cũng bị chiếm đóng bởi những tính toán chi ly thì sao có thể sống an vui? Thật ra chẳng có gì quan trọng và lớn lao hơn là bình an và hạnh phúc trong cuộc đời mình. Thiên Chúa là chủ tể sự sống. Cuộc sống ta nằm trong vòng tay yêu thương của Chúa ngay từ lúc chào đời cho đến lúc lìa đời. Vì thiếu tín thác vào Chúa mà chỉ dựa vào khôn ngoan và sức lực của mình, nên ta phải lo lắng không ngừng. Có lo lắng cách nào đi nữa thì cái gì đến cũng sẽ đến. Có những việc mà mình phải chấp nhận để nó diễn ra, nghĩa là thuận theo tự nhiên, tới đâu tính tới đó, chẳng gì phải sợ lo. Sự việc có trái ý hay tồi tệ đôi chút cũng chẳng chết chóc gì, miễn là ta đã tiên liệu một cách cẩn trọng và khôn ngoan: làm những gì cần làm, cứ an tâm trước những gì không thể làm và không nên làm.

 

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho ta biết có một mối lo hết sức nghiêm trọng mang tính vĩnh cửu, đó là lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài”. Cụ thể lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa là lo sống tình yêu mến đối với Chúa và với mọi người. Lo thể hiện tình yêu trong mọi việc làm là điều rất chí thú để nếm trải cuộc sống với tất cả độ sâu của nó. Đó là cái lo làm cho ta hân hoan, vì biết rằng, mọi sự do Chúa mà có, mọi việc bởi Chúa mà thành. Đừng để mình chìm ngập trong những lo toan tính toán, mà hằng ngày hãy biết dành thời giờ để đến với Chúa, sống bên Chúa; dành sức lực để làm việc tông đồ, bác ái. Nhờ vậy, ta sẽ gặp Chúa trong mọi việc, thấy Chúa trong mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người, đó là niềm vui lớn nhất trong đời Kitô hữu.

 

Tất cả mọi khả năng và sức mạnh của chúng ta đều phải được huy động để làm nên một cuộc sống chan chứa tình yêu, nên không thể để cho mình quá lo lắng về những thứ tạm bợ. Nhờ vậy ta mới có một tinh thần thanh thoát để hoàn thành một chuyến đi định mệnh mang tính vĩnh cửu. Bài Tin Mừng hôm nay phải là cơ hội thay đổi đời sống chúng ta trong năm mới, để chúng ta được sống bình an trong tay Chúa, và dám đặt Chúa lên trên hết trong mọi lựa chọn của mình. Với định hướng đó, chúng ta vận dụng mọi khả năng, đầu tư thời giờ và công sức để thăng tiến bản thân và gia đình theo chương trình tình yêu của Chúa. Nhưng trong mọi việc, chúng ta hãy khao khát tìm kiếm Nước Thiên Chúa, khao khát sống thuộc về Chúa, để đạt tới Chúa là Mùa Xuân hạnh phúc muôn đời.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Thế là năm cũ đã qua đi,
để cho năm mới tới đẹp ngời,
trước tiên con muốn dâng lời,
tạ ơn Thiên Chúa trong thời gian qua. 

 

Con không chỉ muốn tạ ơn Chúa,
về hết những gì là thành quả,
nhưng còn cảm mến sâu xa,
những gì thất bại phong ba trên đời.

 

Cho dù cuộc sống chẳng gặp thời,
đều góp phần làm mới đời con,
vì rằng tình mến chưa tròn,
nên con phải được bào mòn chông gai.  

 

Cuộc sống không thể không ngang trái,
nhưng lại cần thiết cho ngày mai,
cho dù cay đắng xót xa,
thật ra tất cả đều là hồng ân.

 

Nên con giữ vững một tinh thần,
không để lòng mình phải sân hận,
biết luôn nối kết tình thân,
với người với Chúa ân cần tận tâm.

 

Hôm nay mồng một ngày đầu năm,
bên Chúa chúng con đầy phấn khởi,
để xin ân phúc cho đời,
an vui thịnh đạt sáng ngời niềm tin.

Cho con biết giữ lòng chân chính,
sống công bình bác ái phân minh,
an vui trên bước đăng trình,
đặt mình trong Chúa với tình hiến dâng.

Một đời phó thác luôn phấn chấn,
hăng say chiến đấu giữa cuộc trần,
vì yêu con sống ân cần,
để ca tụng Chúa tri ân ngàn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

NGÀY 2 TẾT

Suy niệm

Hôm nay Mồng Hai Tết, Giáo Hội dành để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Có thể nói rằng, là người Việt Nam, dù thuộc bất kỳ một tôn giáo nào, không thể chối bỏ là mình đã được dìm sâu trong cái gọi là “Đạo Hiếu” của truyền thống Dân tộc, còn gọi là “Đạo ông bà”. Những câu ca dao tục ngữ đã ăn sâu vào tâm trí và đời sống mỗi gia đình như:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Tuy nhiên, xưa nay vẫn có một sự hiểu lầm là người Công giáo coi thường việc thờ cúng ông bà tổ tiên. “Theo Đạo là bỏ Ông Bà”. Xem ra sự ngộ nhận này vẫn còn tồn tại trong tâm thức của một số người. Cần xác định ngay rằng, Đạo Hiếu theo Kitô giáo không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội, hay truyền thống dân tộc, mà đó còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ đặt trên nền tảng là niềm tin vào Thiên Chúa. Vì biết rằng đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải là tập tục của con người.

 

Ngay từ xa xưa, Kinh Thánh Cựu Ước đã nói rất nhiều về việc hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Qua sách Xuất hành, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Sách Đệ nhị luật đã xác định rõ ràng trong điều răn thứ tư của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi” (5,16). Tiếp theo, các sách khác như sách Lêvi, sách Châm ngôn, sách Huấn ca, cũng đã bàn đến rất nhiều về việc thờ cha kính mẹ, và đặc biệt là cầu nguyện cho người đã chết (Macb12,44).

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu nhắc lại luật hiếu thảo từ sách Xh 20, 12 và Lv 20, 9: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó”. Ngài phản đối một truyền thống bày đặt bởi người Pharisêu, đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa. Làm như thế là nhân danh một truyền thống của con người mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa” và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa”. Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ. Ngài không chấp nhận lối hành xử vô lý như vậy, và đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư là thảo kính cha mẹ trong việc săn sóc và phụng dưỡng các ngài.

 

Tiếp nối theo Đức Giêsu, thánh Phaolô cũng đã dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, ngài còn nhắn nhủ thêm:“Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ của người Công giáo có sự khác biệt với anh em lương dân. “Bàn thờ” tổ tiên bao giờ cũng đặt dưới bàn thờ Chúa, và có hai điều không được phép: đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng. Sự thật đời sau không như đời này, và đối với những người đã khuất, điều họ cần không phải là ăn uống mà được yêu mến, kính nhớ, cầu nguyện. Điều họ đói khát không phải là vật chất mà là sự sống tinh thần, là sự hiệp thông và viên mãn trong tình yêu. Vì thế, người Công giáo không chỉ kính nhớ đến người quá cố qua vài nghi lễ giỗ chạp hàng năm, mà còn qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.

 

Tóm lại, “Đạo Hiếu” trong Kitô giáo là để sống chứ không phải để giữ. Sống “Đạo Hiếu” để chúng ta đang thông truyền chính sự sống ấy cho những người khác từ thế hệ này đến thế hệ kia, dù người ấy là ai và thuộc tôn giáo nào. Đặc biệt đối với chúng ta là những Kitô hữu, nếu không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thì làm sao chúng ta có thể hiếu thảo với Thiên Chúa được? Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ dưới đất là sự phản ảnh và là thước đo lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Cha trên trời. Cũng vậy, khi càng yêu mến Chúa thì ta càng biết thể hiện tình yêu ấy qua việc sống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, cũng như sẵn sàng cống hiến cuộc sống mình cho anh chị em.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Khi mang thân phận làm người thế,
Chúa sống hiếu thảo vẹn mọi bề,
ba mươi năm dưới mái nhà,
kính yêu vâng phục với cha mẹ mình.

Lớn lên trong tình nghĩa gia đình,
Chúa đã thành hình con dấu yêu,
học nơi Thánh Cả bao điều,
và nơi Đức Mẹ khiêm nhu hiền lành.

Học biết yêu thương và cầu nguyện,
mỗi ngày càng nên giống mẹ cha,
trái tim rộng mở bao la,
để Ngài cất bước mở ra Tin Mừng.

Sẵn sàng sứ mạng Cha giao phó,
nên tình yêu Chúa rất dạt dào,
một đời hết mực dâng trao,
hy sinh nghèo khó với bao cơ cầu.

Nhìn Chúa Giêsu sống đẹp mầu,
tình cha nghĩa mẹ thật gương mẫu,
nên con chỉ biết cúi đầu,
một đời cảm mến ân sâu đáp đền.

Dù nay cha mẹ không còn nữa,
thì lòng kính nhớ vẫn sáng trưa,
cầu xin Chúa cả nhân từ,
cho cha mẹ sớm an cư thiên đàng.

Bằng hy sinh việc lành bác ái,
của đoàn con cái kính Chúa đây,
nhất là thánh lễ hằng ngày,
nguồn ơn cứu độ đong đầy phúc vinh.

Cúi xin Chúa Cả Thiên Đình,
ban cho cha mẹ an bình thiên thu. Amen.

Lm. Thái Nguyên.

 

 CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Mồng Ba Tết  : Mt 25, 14-30

 

Suy niệm

Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng Ba Tết để “thánh hoá công ăn việc làm”, nghĩa là để công việc làm ăn của người tín hữu được Chúa chúc phúc, đem lại ý nghĩa thiêng liêng và giá trị cứu rỗi. Vì chúng ta biết rằng, mọi hoạt động của con người đều tùy thuộc vào Thiên Chúa:“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126). Nhân gian ai cũng biết:“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Điều này nói lên mối tương quan linh thánh giữa Tạo Hóa và thụ tạo, do Thiên Chúa đã thiết đặt ngay từ đầu khi “dựng nên con người giống hình ảnh Ngàiđể con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Sau đó, chính Ngài đã“đem con người đặt vào vườn Êđen, để cầy cấy và canh giữ đất đai“ (St 2, 15). Trao mọi sự vào tay con người, nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương quan phòng và tiếp tục chăm sóc không ngừng, như Đức Giêsu đã cho biết: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc liên lỉ, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).

 

Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Đây là một vinh dự lớn lao cho con người. Chúng ta làm việc không chỉ vì mình hay vì gia đình, mà còn vì ích lợi chung cho xã hội, cho mọi người. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (GS 34).

 

Lao động như thế không chỉ giúp con người có của ăn nuôi thân, mà còn làm tăng giá trị nhân phẩm, góp phần xây dựng một thế giới yêu thương, huynh đệ và hòa bình. Chính vì vậy mà Đức Giêsu coi việc góp phần của mỗi người là một điều hệ trọng, là một trách nhiệm lớn lao mang tính quyết định về số phận của một cuộc đời. Ngài nói rõ điều đó qua dụ ngôn những nén bạc, mà ông chủ giao cho các tôi tớ để sinh lợi khi ông đi xa. Số nén bạc trao tuy không đồng đều như nhau, nhưng ai cũng phải cố gắng để sinh lợi tối đa. Ngày ông chủ trở về và tính sổ, hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi xứng đáng với kỳ vọng của ông chủ, được coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín”.

 

Còn người thứ ba lại đào lỗ chôn dấu nén bạc mình đã nhận. Khi ông chủ trở về, anh trả lại nén bạc còn nguyên, không hề đầu tư sinh lợi, vì anh sợ ông chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Vì nghi ngờ ông chủ là người xấu, nên anh không dại gì bỏ công sức ra để phục vụ. Thật ra, đó cũng chỉ là lý do ngụy biện để che lấp tính cách của một “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng”. Sự thật là ông chủ không hà khắc như anh nghĩ, mà lại rất hào phóng, vì nén bạc của anh được lấy lại để trao cho người đã có mười nén. Tiếc xót cho anh, vì lười biếng, muốn sống an nhàn, nên trong phút chốc đã đánh mất cơ hội ngàn đời. Quả thật: “Một phút sa chân là ngàn đời ân hận”.

 

Ông chủ đi xa là hình ảnh của Đức Giêsu, còn những tôi tớ là các Kitô hữu đang chờ Chúa đến vào ngày Quang Lâm. Trong khi chờ đợi, Ngài đòi chúng ta phải đầu tư số vốn là chính cuộc đời mình với mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên. Dù vốn nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề là làm sao nỗ lực hết mình để sinh lợi từ những gì Chúa đã trao ban. Điều này đòi chúng ta phải mạnh dạn, sáng kiến, dám mạo hiểm, và đôi khi liều lĩnh để dấn thân vào những công việc mới mẻ, khó khăn. Đã làm thì không sợ lỗ lã hay thất bại, vì đối với Chúa, sự thành công của chúng ta đã nằm ngay trong chính sự hy sinh tận tụy của mình. 

 

Chúa đòi chúng ta phải làm việc để sinh lợi không phải vì Ngài nhưng vì chúng ta. Chẳng ai có thể thêm gì cho Chúa. Ngài không đòi ta phải nộp cho Ngài cả vốn lẫn lời. Dâng hiến cho Chúa chỉ là nói lên tình yêu mến đã ngập tràn trong trái tim ta. Hạnh phúc của Chúa là thấy ta trưởng thành qua việc góp phần với Ngài cho ngôi nhà trái đất này tươi tốt hơn, cho cuộc sống con người trở nên phong phú và dồi dào hơn. Và rằng: mọi thành quả do công khó của con người làm nên sẽ không mất đi, nhưng được biến đổi trong ngày sau hết, trong “trời mới đất mới”, nơi Thiên Chúa hiển trị ngàn đời, và Ngài là tất cả cho tất cả.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Dấu hiệu của người trẻ trưởng thành,
là khi mỗi người có nghề nghiệp,
việc làm khiến cho chúng con,
nâng cao ý thức sống tròn tương quan.

“Ai không làm thì cũng đừng ăn”,
lười biếng không chỉ nhục bản thân,
mà còn hủy hoại ân ban,
như người tôi tớ tiêu tan một đời.

Làm việc để thực hiện những ước mơ,
tự lực cánh sinh không chờ ai giúp đỡ,
cho con có những cơ hội triển nở,
sống trách nhiệm và xoay sở cuộc trần,
chống lại xu hướng chủ nghĩa cá nhân,
và trào lưu hưởng thụ đang bành trướng.

Làm việc là giúp con nên giống Chúa,
không bon chen hay tranh chấp hơn thua,
nhưng góp phần trong công trình sáng tạo,
để con người và vũ trụ nên hoàn hảo.

Nhưng xin cho chúng con đừng quên rằng,
mình đang sống trong đời đầy biến động,
tham lam và dục vọng vẫn không ngừng,
con người bị lung lạc dễ vong thân.

Vì kinh tế được coi như cứu cánh
nên tất cả bị lôi vào sản xuất,
khiến con người đánh mất cả lòng nhân,
mất tình thân và lẽ sống tinh thần.

Xin cho con biết làm việc tận tình,
như một đầy tớ tốt lành và trung tín,
biết hy sinh và sẵn sàng cống hiến,
đền đáp lại những gì Chúa đã ban.

Bằng một tình yêu mến dâng ngập tràn,
vì hạnh phúc đời con là chính Chúa,
xin cho con cứ vui sống bình an,
vượt gian nan về tới bến thiên đàng. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 411)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 400)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 229)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 427)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 284)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 619)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 704)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 520)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7