Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 1 MC năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,121
  • Ngày đăng: 23/02/2023 09:09:09

CÁM DỖ TRONG ĐỜI

Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm A :  Mt 4, 1-11

 

 

Suy niệm

Chẳng ai mà không bị ma quỉ cám dỗ, không chỉ bị cám dỗ từ ma quỉ mà còn từ tha nhân; không chỉ bị cám dỗ từ bên ngoài mà còn bị cám dỗ từ bên trong: từ đòi hỏi do bản năng tự nhiên của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, nhưng phận người lại cao cả vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ bằng một lựa chọn đầy tự do. Nhìn lại ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, ta thấy ba phương diện của đời sống: về của ăn vật chất, về danh giá quyền hành, và về sự ỷ lại vào quyền năng Thiên Chúa. Đức Giêsu chiến thắng cả ba loại cám dỗ bằng cách dựa vào Kinh Thánh để vạch trần âm mưu của ma quỉ.

 

Thứ nhất là cám dỗ về của ăn vật chất. Khi biết Đức Giêsu đã đói vì những ngày chay tịnh, tên cám dỗ nói với Ngài hãy biến hóa những hòn đá thành bánh mà ăn. Đây là thứ cám dỗ sử dụng khả năng Chúa ban chỉ nhằm lợi ích cho bản thân. Như vậy, ơn Chúa ban bị độc chiếm cách ích kỷ. Khi cám dỗ ta ham mê vật chất, giàu có, ma quỉ nhằm triệt hạ đời sống tinh thần, làm cho ta quên đi sức mạnh của Lời Chúa. Với cám dỗ đầu tiên này, ma quỉ đã hạ gục ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng. Dù chẳng đói khát gì nhưng vì ham muốn của ngon vật lạ. Đây là loại cám dỗ hiệu quả nhất, phù hợp với chủ nghĩa thực dụng đang bành trướng. Trước cám dỗ này Đức Giêsu cho thấy:“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi Lời Thiên Chúa phán ra”. Những no thỏa vật chất không thể lấp đầy sự đói khát tinh thần.

 

Thua keo này gầy keo khác. Tên cám dỗ bố trí cuộc tấn công thứ hai, là thách thức Đức Giêsu gieo mình xuống từ trên nóc đền thờ. Và nó dùng chính lời Kinh Thánh là: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng” (Tv 91,11). Khi cám dỗ chúng ta ham hố danh giá bằng cách làm những việc ngoạn mục để thu hút dân chúng, hoặc lợi dụng quyền lực và uy thế của mình để sống trên người khác, ma quỉ làm cho chúng ta quên mất mình là con cái Thiên Chúa, khiến ta trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Không có Lời Chúa định hướng và làm nguyên tắc cho đời sống, ta dễ chạy theo thế gian, sống theo thế gian. Chỉ có Lời Chúa mới kịp thời cảnh tỉnh ta, để khỏi rơi vào mê hồn trận của ma quỉ. Vì thế trước cám dỗ này, Đức Giêsu cũng dùng chính Kinh Thánh để đối lại: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Dnl 6, 16). Thử Chúa là một thái độ ngông cuồng. Cứ lao mình vào chỗ nguy hiểm, hoặc hành động cách cẩu thả, liều lĩnh, rồi trông chờ Chúa cứu là việc làm dại dột.

 

Thật ra cám dỗ thứ ba mới là một đòn chí mạng, vì nó nhằm đến sự khoái lạc, một sự kích thích đam mê mạnh mẽ nhất trong con người, thuộc bản năng sinh tồn. Để làm chuyện này, quỷ đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian và mọi vinh hoa lợi lộc của nó, Ngài sẽ được tất cả nếu Ngài sấp mình bái lạy nó. Đúng là một chiêu thức độc hại: được ăn cả ngã về không. Thật ra đây là một cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nếu Đức Giêsu đến nhằm thu phục thế gian, thì ở đây chỉ cần Ngài thỏa thuận theo đề nghị của ma quỷ, là Ngài sẽ được sở hữu tất cả một cách dễ dàng, mà không cần phải qua con đường thập giá theo ý định của Chúa Cha. Chiến thuật điều đình của ma quỉ thật hấp dẫn, nhưng cuối cùng cũng thất bại vì Đức Giêsu quyết một mực tuân hành Ý Cha. Ngài trích Kinh Thánh để đòi tên cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Ðức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Dnl 6, 13). 

 

Cả ba cám dỗ đều có một mẫu số chung là nhằm tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa để quy về chính mình. Khi đặt mình là trung tâm, là tất cả, thì người ta trở nên nô lệ cho chính mình, và cuối cùng là đánh mất chính mình. Biểu tượng của ba cám dỗ trên là giàu sang, quyền lực và khoái lạc, vẫn luôn là cái bẫy khó thoát cho đời nhân thế. Vật chất không xấu nhưng còn là điều mà người ta phải làm nên để góp phần cho cuộc sống tốt hơn, xứng đáng với phẩm giá con người. Nhưng chỉ dừng lại ở đó sẽ đánh mất ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời mình.

 

Thiên Chúa mới là tất cả chứ mọi sự khác không là gì cả, vì mọi sự cũng chỉ là tạm thời, là phương tiện nhất thời, để làm nên cái đời đời. Điều đó mời gọi chúng ta hãy ra khỏi cái tôi của mình để trao hiến, để làm giàu đời sống tinh thần. Cần đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái, siêng năng thánh lễ. Như Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, nếu ta sống gắn bó với Chúa và thực thi Lời Ngài (x. Mc 14,38).

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa chấp nhận thân phận làm người thế,
nên cũng đã chấp nhận mọi cám dỗ,
để cho thấy đường lối ơn cứu độ,
và rồi Chúa đã chiến thắng tất cả,
khi dám lựa chọn hy sinh tất cả,
luôn một lòng theo thánh ý Chúa Cha.

 

Nếu đời con có đầy những lựa chọn,
thì cũng đầy những cám dỗ không ngơi,
luôn xảy ra trong mọi lúc mọi thời,
bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cạm bẫy,
chỉ cần thiếu thận trọng là sa sẩy,
không khôn ngoan con sẽ nhuốm bùn lầy.

 

Không chỉ những cám dỗ ở bên ngoài
mà còn là những cám dỗ bên trong:
cám dỗ sống khoái lạc cho thân xác;
cám dỗ vô tình và kiêu hãnh con tim;
cám dỗ quyền hành và độc tôn lý trí,
cám dỗ phân bì và bất chấp lương tri.

 

Cám dỗ nào cũng khiến con khép kín,
xa dần Chúa và quy hướng về mình,
và mất đi tình nghĩa với anh em.

 

Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ,
nhưng cám dỗ có chỗ trong bản đồ của Chúa,
khi con vượt thắng bằng lựa chọn rất tự do.

 

Xin cho con bản lãnh Thầy chí thánh,
để vượt qua những cám dỗ trong đời,
bằng cầu nguyện và chay giới không ngơi,
dù sai phạm và bao lần vấp ngã,
vẫn đứng lên tiếp tục cuộc hành trình,
cho tới ngày gặp được Chúa hiển vinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 17 TN năm B - 2024 (26/07/2024 05:38:23 - Xem: 168)

Tin Mừng hôm nay thách thức chúng ta thay đổi lối sống tham lam để có thể phục vụ những người nghèo đói xung quanh chúng ta.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 17 TN năm B - 2024 (25/07/2024 07:49:41 - Xem: 273)

Cuộc sống không sợ thiếu lương thực, chỉ sợ thiếu những con người không mở lòng chia sẻ. Thế giới không sợ thiếu hoà bình, chỉ sợ thiếu những người xây dựng hoà bình.

Gia vị cho bài giảng CN 16 TN năm B - 2024 (18/07/2024 18:29:31 - Xem: 489)

Sống quân bình- lao động và cầu nguyện hài hòa chắc chắn là một phần trong việc thực hành đức tin của chúng ta, bởi vì chính Chúa muốn như vậy.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 16 TN năm B - 2024 (18/07/2024 05:47:23 - Xem: 537)

Mỗi ngày cần có những giây phút kề cận bên Chúa, cần tận dụng mọi cơ hội và biến cố để sống với Chúa một cách thân tình hơn.

Gia vị cho bài giảng CN 15 TN năm B -2024 (09/07/2024 07:28:59 - Xem: 579)

Chúng ta, những người đã được nghe Tin Mừng và cảm nghiệm được ơn giải thoát của Chúa Kitô, có trách nhiệm khẩn thiết rao truyền Tin Mừng cho những người khác vẫn còn bị nô lệ tội lỗi.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 15 thường niên năm B - 2024 (09/07/2024 05:50:32 - Xem: 540)

Ơn gọi và sứ mạng của các Tông đồ cũng là ơn gọi và sứ mạng đời Kitô hữu. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay không khác với nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai: đó là loan báo Tin Mừng để giảm thiểu ảnh hưởng của sự dữ.

Gia vị cho bài giảng CN 14 TN năm B - 2024 (03/07/2024 07:08:32 - Xem: 663)

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu trải qua sự từ chối của gia đình và đồng hương tại quê nhà Nazareth.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 14 TN năm B -2024 (01/07/2024 08:09:56 - Xem: 613)

Con Thiên Chúa đã làm người, nhưng Ngài không đòi hỏi một miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời với mọi trắc trở.

Gia vị cho bài giảng CN 13 TN năm B - 2024 (25/06/2024 18:13:41 - Xem: 447)

Hãy luôn kết nối với với Chúa Giêsu bằng đức tin và bạn sẽ cảm thấy sức mạnh và sự mới mẻ tràn vào tâm hồn.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 13 TN năm B - 2024 (25/06/2024 06:24:55 - Xem: 519)

Thông điệp của bài Phúc Âm không chỉ mời gọi ta sống đức tin sâu xa vào Chúa mà còn mời gọi sống như Chúa.

Bài viết mới