Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 11 TN năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 961
  • Ngày đăng: 12/06/2023 05:25:01

LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG

 

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng bao la bát ngát, Giáo hội hôm nay vẫn luôn có một ưu tư lớn lao làm sao để có nhiều thợ gặt? 

 

 

Suy niệm

Mở đầu bài Phúc Âm, thánh Matthêu cho biết Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương”. “Chạnh lòng thương” là từ mạnh nhất của tiếng Hy Lạp (Splagchnistheis), diễn tả về lòng trắc ẩn hay thương xót. Các sách Phúc Âm dùng từ này cho Đức Giêsu rất nhiều lần. Ngài động lòng trắc ẩn đối với người bệnh (Mt 14,14), người mù (Mt 20,34), người bị quỉ hành hạ (Mc 9,22), trước cảnh tang tóc của bà hóa Naim (Lc 7, 13),v.v… Ở đây, Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì thấy dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

 

Ðạo Do Thái đã đào tạo nên biết bao tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, họ là những người hướng dẫn tinh thần, lãnh đạo tôn giáo. Sao lại có tình trạng như thế? Thế nhưng có cũng như không. Điều làm cho Đức Giêsu thổn thức trong lúc này là dân chúng đang tha thiết trông mong Thiên Chúa, nhưng những cột trụ của Do Thái giáo đã bị tha hóa, xuống cấp trầm trọng. Họ chỉ biết hành quyền, làm tiền, sống hưởng thụ và gian trá. Đức Giêsu đã từng công kích nhiều lần: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình” (Mt 5, 23-29). Những kẻ lãnh đạo chỉ lo sống cho mình, không màng gì đến những tình cảnh khốn khó của dân Chúa, mà trái lại, còn làm cho cuộc sống dân ra nặng nề, do việc giải thích làm cho luật lệ trở nên ngặt nghèo.

 

Trong tình cảnh vất vưởng của dân Chúa như thế, trước tiên Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Lúc chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra gặt lúa về”. Cầu nguyện là cách dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Đó là một lời báo động và cũng là một lời kêu gọi khẩn thiết. Mùa màng sẽ không thể thu hoạch nếu không có thợ gặt. Để khơi mào cho một cuộc cách mạng tôn giáo và mở rộng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và đào luyện họ trở thành những người nồng cốt để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về những bước khởi đầu của việc thiết lập Giáo Hội, mà tất cả chúng ta có bổn phận góp phần vào.

 

Không chỉ chọn gọi và sai đi, mà Đức Giêsu còn ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, có quyền năng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, chính là phát triển đời sống tự nhiên và siêu nhiên. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành. Chức vụ đi đôi với sứ vụ, không ai có quyền ngồi đó để hưởng thụ, mà phải ra đi đến với mọi người để phục vụ và làm chứng cho Chúa.

 

Cách thức chọn lựa người tông đồ của Đức Giêsu cũng thật lạ. Ngài không chọn những thành phần ưu tú và trí thức trong xã hội thời đó, mà chọn những người dân lao động, đa số là dân thuyền chài, nghĩa là những người rất thường tình, không có gì đáng nói. Thế mà cuối cùng đã trở nên những con người có khả năng thay đổi thế giới. Đó là điều kỳ diệu mà Chúa đã làm nên từ những con người bé nhỏ nhưng dám quảng đại đáp lại tiếng gọi linh thiêng. Ðiều này khiến chúng ta phải thay đổi quan niệm của mình về cách nhìn người hay dùng người trong Giáo Hội, nhất là cách Chúa dùng chúng ta trong công việc của Ngài.

 

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng bao la bát ngát, Giáo hội hôm nay vẫn luôn có một ưu tư lớn lao làm sao để có nhiều thợ gặt? Nhưng điều cần không phải là số lượng mà là phẩm chất. Nếu chỉ là số lượng thôi thì tình trạng của Giáo Hội cũng giống như thời Đức Giêsu: không thiếu gì các tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, nhưng tình trạng tôn giáo vẫn thụt lùi và cứng đọng, dân chúng cũng vẫn “như bầy chiên không người chăn dắt”. Có thể có nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ, nhưng vẫn thiếu tông đồ, thiếu những mục tử đích thực để chăm lo cho đời sống dân Chúa. Có thể mọi hoạt động tôn giáo vẫn rầm rộ bên ngoài nhưng đời sống dân Chúa vẫn lầm than vất vưởng và đói khát. Không có những mục tử dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, thì cũng là những kẻ “chăn thuê” hay những người làm “công chức” cho đền thờ, chẳng ăn nhập gì đến sứ mạng cao cả mà họ đã được trao ban.

 

Là Kitô hữu dù ở bậc sống nào, chúng ta cũng đã là người tông đồ của Chúa, có sứ mạng loan báo Tin Mừng, là đem Chúa đến với mọi người, là viên đá sống động để Chúa xây dựng Hội Thánh Ngài ở trần gian này. Như các Tông đồ, nhờ Thánh Thần, chúng ta phải trở nên những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo. Và cũng như các Tông đồ, chúng ta “đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

 

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ.

 

Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.

 

Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.

 

Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.

 

Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.

 

Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
đời chúng con đã được Chúa cho không,
chúng con cũng phải cho không như vậy. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 396)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 387)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 222)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 419)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 277)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 617)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 701)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 259)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 519)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7