Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 2 MC năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,332
  • Ngày đăng: 10/03/2022 07:36:42

BIẾN ĐỔI

Chúa Nhật 2 Mùa Chay, năm C : Lc 9, 28b-36

 

 

Suy niệm

Tướng tá và diện mạo của con người vẫn luôn là sự phản chiếu từ cái tâm: “Tướng tự tâm sinh”. Ít ai suy nghĩ về điều này, nên cũng ít lo chỉnh đốn từ cái tâm, mà thường chỉ lo sửa sang ở cái tướng, nghĩa là chỉ lo cho diện mạo bên ngoài của mình sao cho thật đẹp. Ai cũng muốn người khác đổi mới cái nhìn về mình, nhưng nếu bên trong ta không đổi mà chỉ đổi bên ngoài, thì cũng chỉ là những đắp vá và tô trát giả tạo, không phải bản chất đích thực của một tình trạng nội tâm.

 

Tâm quyết định về tướng trong mọi tình trạng và từng giai đoạn của đời người, vì thế nên có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh. Vô tâm hữu tướng, tướng tòng tâm diệt”. (Có tâm không có tướng – Tướng tự tâm mà sinh. Có tướng không có tâm – Tướng theo tâm mà mất). Cũng vậy, “Tâm sinh tướng, tướng sinh hình”. Tướng đây không chỉ diện mạo hay thần sắc bên ngoài mà còn biểu hiện bản chất từ thâm tâm của một con người, là căn cơ nguồn cội của một tính cách.

 

Bài Tin Mừng hôm nay cũng hé mở một chút bản chất đích thực của con người Đức Giêsu:“Đang khi Người cầu nguyện, thì khuôn mặt Người biến đổi, y phục Người nên trắng ngời như chớp sáng”. Trong quang cảnh này, Ngài đàm đạo với hai nhân vật lịch sử nổi tiếng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa là Êlia và Môsê, bàn về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Các môn đệ ngây ngất trước vẻ đẹp rạng rỡ ấy. Cuộc biến hình sáng láng này có lý do sâu xa của nó, nhưng cũng để chứng thực cho lời tuyên xưng của Phêrô ở Xêdarê cách đó tám ngày: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” (Lc 9, 20).

 

Nhìn thấy Thầy chói lọi trong ánh quang, Phêrô vui sướng muốn dựng lều và ở lại mãi trên núi thánh. Khi Thầy cầu nguyện thì ông và các bạn cứ ngủ vùi, bây giờ thì lại bám cứng vào một cảm nghiệm hạnh phúc thoáng qua, không muốn xuống núi để sống cuộc đời thường. Chắc chắn các môn đệ chưa nhận ra ý nghĩa của biến cố này. Các ông chỉ muốn vui hưởng những gì trong hiện tại khi đi theo Chúa, muốn tránh tất cả những gì là bấp bênh, đau thương, thất bại hay khổ giá (x. Mt 16, 21-23). Thế nhưng ta thấy ý định của Chúa Giêsu thật rõ ràng, Ngài không muốn cảm nghiệm trên núi ấy trở thành chỗ cho Phêrô ẩn trốn khỏi cuộc chiến đấu đang đợi chờ phía trước. Một thoáng ánh sáng Ngài ban cho ông là để giúp ông trực diện với giờ tăm tối sắp đến.

 

Để thi hành sứ mạng, Đức Giêsu che giấu tất cả uy quyền và dũng lực của Ngôi Lời, Ngài sống đời nghèo khó, có vẻ như bất lực và tầm thường dưới mắt người đời. Ngài gặp nhiều chống đối, bị khinh chê và chế nhạo. Công cuộc rao giảng Tin Mừng xem ra đã thất bại. Đau thương hơn nữa, là Ngài phải đối đầu với cuộc tử nạn sắp đến. Lòng Ngài cũng mang nặng lo âu và sợ hãi. Nhưng điều cao vượt là Ngài sẵn lòng đón nhận thánh ý Chúa Cha. Bởi vậy, một lần nữa, Chúa Cha tuyên dương: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”.

 

Điều quan trọng ta cần lưu ý là Đức Giêsu biến đổi dung mạo sáng ngời đang khi Ngài cầu nguyện. Thật ra, trọn đời sống của Đức Giêsu là cầu nguyện, và Ngài dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta chỉnh đốn và thống nhất con người mình đúng theo dự định của Thiên chúa. Chính trong cầu nguyện hằng ngày mà chúng ta được biến đổi dần dần để trở nên con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó mới chính là sự biến hình đổi dạng của chúng ta hôm nay, nghĩa là biểu lộ được khuôn mặt của Đức Giêsu cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy mà chúng ta được gọi là Kitô hữu.

 

Nếu sau cuộc biến hình, Chúa Giêsu trở lại với khuôn mặt bình thường, Thầy trò lại tiếp tục cuộc sống thường nhật, thì sau những niềm vui khôn tả mà thỉnh thoảng Chúa ban trong cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, Ngài vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống. Nếu cuộc biến hình vinh quang của Chúa Giêsu là sự đáp trả của Chúa Cha qua việc Ngài chấp nhận cuộc khổ hình, thì sự vâng theo ý Chúa hôm nay, xem ra thật vất vả nặng nề, cũng sẽ trở nên nguồn vui bất diệt cho chúng ta ngày mai. Thánh Phaolô cũng hứa hẹn với các tín hữu rằng: “Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài.” (Pl 3,17 – 4,1).

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
khuôn mặt phản ánh đời sống nội tâm,
non nớt cạn cợt hay sâu sắc thâm trầm,
là người sống âm thầm hay ham tỏ vẻ,
là kẻ khoe mẽ hoặc e dè thâm hậu. 

 

Có ai muốn mình là người xấu đâu,
mà muốn luôn được tươi thắm đẹp mầu,
muốn người khác nhìn mình với chiều sâu,
bằng sự tôn trọng và cảm thông hiểu thấu.

 

Thế nhưng mọi sự lại tùy tâm,
tâm hiền lành thì khuôn mặt dễ mến,
tâm khiêm nhường thì sắc diện thanh cao
tâm hung hăng thì tướng người kiêu ngạo,
tuy nhiên cũng khó nói cho vừa,
nhiều người ranh mãnh lọc lừa giả trang.

 

Giữa cuộc đời đầy vàng thau lẫn lộn,
tâm con cũng dễ dàng bị xáo trộn,
làm mất đi nét trong sáng của tâm hồn,
không còn khả năng tỏ lộ hình ảnh Chúa,
cho bao người đang sầu úa quanh mình,
mà không dám sống tận tình cho nhau.

 

Muốn thế con phải luôn kề bên Chúa,
để tâm con trong tư thế yên hàn,
vì gần mực thì đen gần đèn thì sáng,
trong cầu nguyện mà diện mạo phát quang.

 

Gặp được Chúa rồi mới làm con biến đổi,
nếu chưa thì con vẫn trôi nổi nhập nhằng,
chẳng biết bao giờ mới đơm hoa kết trái,
để tâm con biểu lộ một thần thái như Ngài.

 

Xin giúp con làm chủ lấy cái “Tôi”,
để luôn biết nối kết với nguồn cội,
và cho con biết tận dụng mọi cơ hội,
để nói lên lòng mến Chúa mà thôi. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 6 PS năm B - 2024 (01/05/2024 20:55:01 - Xem: 136)

Chúa mời gọi chúng ta trở thành những môn đệ yêu thương nhau. Chính chúng ta là những người chữa lành và tiếp thêm sức mạnh cho người khác khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương họ.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 6 Phục sinh năm B (30/04/2024 19:02:43 - Xem: 173)

Yêu thương là điều tự nhiên trong đời sống con người. Ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải là thứ tình cảm cạn cợt và hời hợt như tình đời.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 467)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 439)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 256)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 447)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 298)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 634)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 715)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7