Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 2 TN năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,092
  • Ngày đăng: 10/01/2023 10:21:40

THẤY VÀ LÀM CHỨNG

Chúa Nhật 2 Thường Niên năm A : Ga 1, 29-34

 

 

Suy niệm

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia nói về ý định của Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Đức Kitô như sau: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”(Is 49, 6). Qua bài đọc 2, thánh Phaolô gọi các tín hữu là dân thánh, vì đã được hiến thánh trong Đức Kitô. Đến bài Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả gọi Đức Giêsu bằng danh hiệu phi thường và giới thiệu với mọi người: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”.

 

Như chúng ta biết, trong nghi lễ đền tội của Do Thái giáo, tội nhân đem một con chiên lên đền thờ, úp tay mình xuống con chiên tỏ ý trút hết tội mình lên nó; tiếp theo, tư tế sẽ giết con chiên. Nó chịu chết để đền tội thay cho tội nhân. Bao lâu còn đền thờ thì lễ vật con chiên còn được dâng lên mỗi ngày. Cả khi dân chúng chết đói vì chiến tranh và bị bao vây, họ cũng chẳng bao giờ bỏ qua việc dâng con chiên để đền tội, cho đến khi đền thờ bị phá hủy năm 70. “Chiên Thiên Chúa” là một thành ngữ hết sức kỳ diệu, được Sách Khải Huyền dùng đến 29 lần, và trở thành một danh hiệu rất mầu nhiệm mà cũng rất cụ thể, diễn tả việc Đức Giêsu chịu khổ hình, chịu chết và phục sinh vinh hiển để cứu chuộc loài người.  

 

Tuy Gioan Tẩy Giả có bà con với Đức Giêsu, là anh họ của Ngài (Lc 1, 36), nhưng ông chưa biết đích thực Ngài là ai. Dù ông đã biết Ngài cách nào đó nhưng ông chỉ nhận ra Ngài là Đấng Mêsia qua biến cố Phép Rửa nhờ ơn Thần khải: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Gioan đã biết sau khi ông đã được thấy. Nhờ thấy, Gioan đã trở nên người làm chứng về Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.

 

Hành trình của Gioan cũng là hành trình của mỗi người Kitô hữu chúng ta: thấy, biết, làm chứng. Ðể biết Ðức Giêsu, ta cần thấy Ngài tỏ mình cách nào đó, xuyên qua những chuyện đời thường, có thể là qua những con người đơn sơ bé nhỏ mà ta vẫn gặp hằng ngày. Chúng ta thường mong cho mình được chứng kiến những điều lớn lao cao trọng, nhưng Chúa lại thường hành động qua những điều bình thường, có khi là tầm thường, cũng giống như Gioan Tẩy Giả nhận ra Đức Giêsu trong đám người tội lỗi.

 

Ta cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ thường tình bên ngoài. Thấy rồi, biết rồi, nhưng vẫn phải  luôn làm mới lại cái biết của mình về Ðức Giêsu. Ngài là một mầu nhiệm khôn tả luôn mở ra, và mời ta phải khám phá mỗi ngày sâu xa hơn, để có một tương quan thân tình và mật thiết hơn, để ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta. Đó là cái biết mà làm cho ta trở nên một với Ngài. Nhờ vậy mà ta có thể giới thiệu Ngài cho người khác một cách rõ ràng hơn, làm chứng cho Ngài một cách sống động hơn. Vì con người hôm nay, cho dù đang sống trong nền văn minh hưởng thụ nhưng tận thâm tâm vẫn mong được gặp Chúa qua chính đời sống của chúng ta.

 

Trong Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô: Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), ngay những trang đầu ngài đã diễn đạt như sau: Nếu chúng ta muốn sống một cuộc đời phong phú và cao quí thì hãy biết hướng đến tha nhân, và đem lại những điều tốt lành cho họ. Điều lạ lùng là sự sống tăng trưởng khi biết cho đi, biết chia sẻ, và nó sẽ tàn lụi khi co cụm trong ích kỷ… Là người Kitô hữu, chúng ta phải cảm thấy mình luôn được Thánh Thần Chúa thúc bách lên đường, ra khỏi bản thân mình, ra khỏi những tiện nghi để đem lại cho mọi người niềm vui ơn cứu độ. Hội Thánh phải đi đến với mọi người như Đức Giêsu, không trừ ai, nhất là đến với những người nghèo, người đau yếu, người bị khinh miệt, người bị loại trừ.

 

Sau câu chúc lành của chủ tế cuối thánh lễ là câu: Ite Missa est: không chỉ có nghĩa đi trong sự bình an cho chính mình mà còn là hãy đi đến với mọi người và trao tặng bình an của Đức Kitô cho họ. Chúa đã đến mang lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời, Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy đến với mọi người và chia sẻ ân phúc đó cho họ, bằng sự nâng đỡ, cứu giúp, nhất là những ai đang sống trong những tình cảnh ngặt nghèo. Tình yêu thương là món quà lớn lao nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác. Chúa đã yêu thương chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng hãy yêu thương người khác như vậy. Đó mới là sự làm chứng đích thực, cũng là lẽ sống của cuộc đời chúng ta hôm nay, và là phần phúc vinh quang cho chúng ta mai ngày.

 

Cầu nguyện

Chúa xuống trần gian làm người thế,
không nệ gì khốn khó gian nan,
khiến con cảm thấy bàng hoàng,
không ngờ Chúa lại sẵn sàng hiến thân.

 

Chỉ vì tội lỗi của gian trần,
mà Chúa đã sẵn lòng chấp nhận,
hạ mình như kẻ tội nhân,
dìm trong dòng nước Gio-đan tội đời.

 

Gio-an chẳng biết Chúa là ai,
nhưng nhờ Phép Rửa nhận ra Ngài,
chính là một Đấng Thiên Sai
cứu nhân độ thế cho loài người ta.

 

Vì ông đã thấy Thần Khí Chúa,
đã xuống trên Ngài và ở lại,
nên ông tuyên bố về Ngài,
là Chiên Thiên Chúa chẳng sai chút nào.

 

Gio-an đã thấy và làm chứng,
giới thiệu cho môn đệ của mình,
để họ theo Chúa tận tình,
còn ông vui nhận phận mình đã xong.

 

Hành trình của Gio-an Tẩy Giả,
cũng là hành trình của chúng ta,
mỗi ngày phải biết nhận ra,
Chúa đang hiện diện thật là khiêm nhu.

 

Ngài vẫn tỏ mình trong cuộc sống,
qua những con người như cuộc hẹn,
nhất là những kẻ mọn hèn,
mà con vẫn có thói quen coi thường.

 

Xin cho con luôn làm mới lại,
sự hiểu biết về Chúa mỗi ngày,
để con làm chứng cho Ngài,
ngày càng sống động cho ai kiếm tìm. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 79)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 120)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 562)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 653)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 243)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 500)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 316)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Sự thật là gì? (30/03/2024 10:41:24 - Xem: 296)

Sự thật của Thiên Chúa đi kèm với chống đối và bách hại. Ai muốn sống sự thật này, hãy tự đóng cho mình cây thập giá và lê lết vác nó đi cả kiếp người.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 436)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7